PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC QUỐC GIA CỦA TRUNG QUỐC VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM[1]
Nguyễn Thu Thủy[2]
Tăng Thị Thanh Thủy[3]
Tóm tắt
Trải qua bốn mươi năm cải cách, kinh tế Trung Quốc đã dần thay đổi từ chỗ dựa vào sức lao động giản đơn trở thành một nền kinh tế dựa vào tri thức. Chính phủ Trung Quốc hết sức quan tâm đến việc đào tạo và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực hiện có trong nước, nhằm nâng cao chất lượng nguồn lực này thông qua các chính sách ưu tiên, hỗ trợ và phát triển; đồng thời thu hút mạnh mẽ nguồn nhân lực tài năng từ nước ngoài. Bài viết này phân tích các chiến lược và chính sách của Trung Quốc nhằm cải thiện đáng kể chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn lực con người, và chỉ ra các bài học cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Từ khóa: nguồn nhân lực, Trung quốc, giáo dục đào tạo, bài học.
Abstract
Over 40 years of reform, China's economy has shifted from a reliance on simple labor to a knowledge-based economy. China’s Government has paid much attention to education and utilization of internal human resources through priority policies of supporting human resource development, and strongly attracting the talents from abroad. This paper analyzes China’s strategies and policies in substantially improving human resource quality and enhancing the efficiency in utilizing human capital, and then drawing relevant lessons and implications for developing countries, including Vietnam.
Keyword: human resource, China, education & training, implications.
1. Đặt vấn đề
Trong xã hội hiện đại, nguồn nhân lực là nguồn lực quan trọng nhất đối với sự phát triển của bất kì quốc gia và dân tộc nào, bởi phải có những con người đủ trình độ mới có thể khai thác tốt các nguồn lực khác. Do đó, nhiều nước trên thế giới đã có những chính sách phát triển nguồn nhân lực trong nước và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ các nước khác. Đặc biệt ở nhiều quốc gia Châu Á, phát triển nguồn nhân lực đã và đang là một vấn đề ưu tiên, bởi trong thời đại hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực sẽ quyết định khả năng cạnh tranh của quốc gia. Nguồn nhân lực được trang bị đầy đủ kỹ năng, kiến thức sẽ đóng góp cho sự phát triển của các cá nhân, tổ chức và quốc gia (Yang, Zang và Zang, 2004). Tuy nhiên, ở những quốc gia khác nhau thì phát triển nguồn nhân lực được triển khai theo nhiều hướng khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội. Các quốc gia đang tránh sử dụng quá tải các nguồn lực và ngăn chặn sự suy thoái của môi trường, tập trung hơn tới phát triển hiệu quả và sử dụng một cách tốt nhất nguồn lực con người.
Từ khi tiến hành đổi mới kinh tế năm 1978, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, với tốc độ phát triển thần kỳ trung bình 10% trong vòng ba thập kỷ liên tiếp và trở thành quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới cũng như là quốc gia nhập khẩu đứng thứ hai thế giới. Đất nước Trung Quốc có nguồn lực con người lớn và giàu có, nhưng chính điều này lại làm cho sự thiếu hụt các nguồn lực khác trầm trọng hơn. Trung Quốc có nhiều sản phẩm, rừng, mỏ và nguồn nước, nhưng nếu những nguồn lực này được phân chia cho con số 1,405 tỷ người thì cũng chỉ còn lại rất ít cho mỗi người. Theo ước tính của McKinsey, vào năm 2020, Trung Quốc sẽ thiếu hụt khoảng 24 triệu lao động có tay nghề cao và nếu không thể thu hẹp được khoảng cách này, nền kinh tế số 2 thế giới có thể sẽ bị thiệt hại hơn 250 tỷ USD. Do đó, Chính phủ và các doanh nghiệp Trung Quốc trong những năm gần đây đã không ngừng đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút nhân tài.
Những nguồn lực tự nhiên chủ yếu, hàng hóa và Tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc là rất đáng kể, song tính riêng cho mỗi thành phố thì Trung Quốc đứng cuối bảng xếp hạng của thế giới. Ở chừng mực nào đó, vì không còn lựa chọn nào khác, nguồn nhân lực trở thành nguồn lực cần thiết và đảm bảo chắc chắn cho sự phát triển hiện tại của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đã nhận ra vai trò sống còn của nguồn tài nguyên này trong quá trình phát triển. Do vậy, nhiều năm qua, các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đã đề ra nhiều quyết sách để cải thiện chất lượng của nguồn nhân lực. Chính phủ quan tâm đến việc đào tạo và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực hiện có trong nước, nhằm nâng cao chất lượng nguồn lực này khi chuyển dần sang kinh tế tri thức. Trung Quốc đã tập hợp mọi nguồn lực kinh tế vào “ba mối liên kết chính” của nguồn nhân lực, đó là: đào tạo, tuyển dụng và phát huy tốt nhất nguồn tài năng.
Bài viết này tập trung phân tích các chính sách phát triển nguồn nhân lực của quốc gia này và rút ra một số bài học kinh nghiệm cho các nước đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng.
2. Khái quát về bối cảnh kinh tế - xã hội của Trung Quốc
Trung Quốc với dân số hơn 1,4 tỷ người, diện tích tự nhiên 9.597 km2, hiện đang là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Năm 2013, các chuyên gia về Trung Quốc Damien Ma và William Adams đã chỉ ra những hạn chế mà Trung Quốc sẽ phải đối mặt trong những thập kỷ tới, bao gồm sự khan hiếm lương thực, tài nguyên, nhà ở và có thể là sự mất đoàn kết chính trị (Ma & Adams, 2013). Đã có những sự kiện chứng thực cho những dự đoán của họ. Sự khan hiếm quan trọng nhất của Trung Quốc sẽ là nguồn nhân lực. Mặc dù chính sách một con đã được thay thế bằng chính sách hai con, nhưng tỷ lệ sinh ở nước này vẫn ở mức rất thấp. Kết quả của hàng chục thập kỷ kiểm soát dân số là số lượng người trong độ tuổi lao động ở quốc gia lớn nhất thế giới đã bắt đầu giảm dần.
Tổng số dân trong độ tuổi từ 15 đến 60 của Trung Quốc bắt đầu giảm vào năm 2012, và tiếp tục giảm khoảng 5,4 triệu người vào năm 2017. Một số dự báo cho rằng số người trong độ tuổi lao động của Trung Quốc sẽ giảm gần một phần tư vào năm 2050, điều này cho thấy xu hướng lão hóa dân số đang xảy ra một cách nhanh chóng. Trung Quốc sẽ đối mặt với nguy cơ sở hữu một lực lượng lao động già và kém hiệu quả hơn sẽ dẫn đến tăng trưởng chậm hơn, như những gì đã xảy ra ở Nhật Bản.
Năm 2016, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới chỉ tăng 6,7%, mức tăng chậm nhất trong 26 năm. Sau đó, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2017 của Trung quốc đạt 6,9%, đóng góp 30% vào sự tăng trưởng toàn thế giới (Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc - NBS). Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành nước hiện đại và phát triển. Chính phủ và nhân dân Trung Quốc, một mặt nhấn mạnh yếu tố tự lực tự cường, mặt khác không ngừng tìm tòi và áp dụng các công nghệ tiên tiến và các phương pháp quản lý tiên tiến của nước khác, trong đó phải kể đến sự nhấn mạnh về phát triển nguồn nhân lực. Sau giải phóng năm 1949, với gần 70 năm phát triển, Trung Quốc đã từ một nước phổ biến mù chữ trở thành một nước lớn về nhân tài trên thế giới. Do người dân Trung Quốc không ngừng tri thức hóa và chuyên môn hóa nên đã giải phóng được rất nhiều sức sản xuất và phát huy mạnh mẽ sức sáng tạo của con người.
3. Chiến lược và các chính sách phát triển nguồn nhân lực quốc gia của Trung Quốc
Trung Quốc đang phải đối diện với sự tăng trưởng nhanh chóng về kinh tế và dân số, tuy nhiên cũng gặp những thách thức về quá trình tăng trưởng chậm về giáo dục, thiếu hụt lao động có tay nghề, kỹ thuật. Vì vậy, ưu tiên trong chiến lược phát triển của Trung Quốc là đầu tư vào giáo dục các cấp toàn quốc và đào tạo nhiều nguồn nhân lực có chất lượng cao (Ke và cộng sự, 2006).
3.1. Chiến lược định hướng tổng thể về phát triển nguồn nhân lực quốc gia
Trước hết phải kể đến những định hướng chính cho sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc, đó là: 1) Gia tăng sự hội nhập của Trung Quốc vào nền kinh tế thế giới; 2) Phát triển công nghệ của Trung Quốc dựa trên cơ sở tăng cường các hoạt động nghiên cứu và phát triển và khoa học công nghệ bản xứ; 3) Gia tăng độ tinh xảo công nghệ của nền kinh tế và xã hội Trung Quốc; 4) Nâng cao mức độ tham gia của Trung Quốc trong chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu được phản ánh qua sự gia tăng xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao của các công ty Trung Quốc và các công ty đa quốc gia.
Chính phủ Trung Quốc rất quan tâm đến việc đào tạo và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực hiện có trong nước, nhằm nâng cao chất lượng nguồn lực này khi chuyển dần sang kinh tế tri thức. Năm 2003, Trung Quốc đã đề ra Chiến lược tăng cường hơn nữa công tác bồi dưỡng, đào tạo nhân tài nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng toàn diện xã hội khá giả được đề ra trong Đại hội XVI của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nội dung của chiến lược là: lấy nhân tài chấn hưng đất nước, xây dựng đội ngũ đông đảo nhân tài có chất lượng cao; kiên quyết quán triệt phương châm tôn trọng lao động, trí thức, tôn trọng nhân tài và sự sáng tạo, lấy thúc đẩy phát triển làm xuất phát điểm cơ bản của công tác nhân tài, điều chỉnh nhân tài một cách hợp lý, lấy xây dựng năng lực làm điều cốt lõi, ra sức đẩy mạnh công tác bồi dưỡng nhân tài, kiên trì đổi mới sáng tạo, nỗ lực hình thành cơ chế đánh giá và sử dụng nhân tài một cách khoa học...
Chính sách quốc gia “Khoa học và Giáo dục tiếp sức cho Trung Quốc” là một chính sách cơ bản. Nếu như khoa học và giáo dục là hai bánh xe cho sự tiến vào thế kỷ mới của Trung Quốc thì nhân tài là trục của bánh xe và phát triển nguồn nhân lực sẽ quyết định tốc độ của những bánh xe đó. Vì thế, việc thực hiện chiến lược này tạo ra nhiều không gian cho phát triển nguồn nhân lực.
Năm 2011, Trung Quốc đã công bố cương yếu quy hoạch nhân tài nhằm phát triển nhân tài tầm trung và dài hạn. Theo đó, đến năm 2020 tổng số nhân tài của Trung Quốc sẽ lên tới 180 triệu người (Wang, 2010). Tỷ lệ số người ở độ tuổi lao động chủ yếu qua đào tạo giáo dục đại học và cao đẳng và số người chuyên ngành công tác nghiên cứu sẽ tăng nhiều nhất. Vốn đầu tư cho nguồn nhân lực chiếm 15% tổng sản phẩm quốc nội. Tỷ lệ đóng góp của nhân tài vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở Trung Quốc tăng lên 35%. Cương yếu xác định được mục tiêu chiến lược “thế mạnh cạnh tranh nhân tài quốc gia, phấn đấu vương lên hàng ngũ nước mạnh về nhân tài thế giới” trước năm 2020. Theo đó, cương yếu quy hoạch này đã vạch ra lộ trình để Trung Quốc vươn lên trở thành cường quốc kinh tế, trong đó chỉ có đội ngũ nhân tài mạnh mới có thể làm cho đất nước lớn mạnh. Cương yếu còn đề xuất đẩy mạnh đào tạo nhân tài chuyên môn cần gấp cho các lĩnh vực trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, Cương yếu quy hoạch nhân tài đã đưa ra quy hoạch cụ thể gồm: Định kỳ công bố danh sách nhân tài khan hiếm cần gấp; điều chỉnh và nâng cao môn học của các trường đại học và cao đẳng, tăng cường đào tạo nhân tài nghiên cứu phát triển, nhân tài kỹ thuật khan hiếm và nhân tài quản lý; xây dựng hàng loạt cơ sở tập huấn sáng tạo đổi mới công trình; ấn định chính sách ưu đãi nhân tài, nhất là nhân tài hạt nhân dẫn đầu ngành sản xuất, nhân tài kỹ thuật công trình, v.v... để thu hút nhân tài vào các ngành sản xuất trọng điểm. Cương yếu còn đưa ra yêu cầu cụ thể trong việc xây dựng đội ngũ nhân tài quản lý hoạt động doanh nghiệp, nhân tài kỹ thuật chuyên môn, nhân tài công nghệ cao, nhân tài nông thôn thực dụng và nhân tài công tác xã hội.
Trên cơ sở không ngừng tăng cường tuyển chọn và đào tạo nhân tài trong nước, Cương yếu còn nêu rõ, Trung Quốc triển khai thực hiện chính sách phát triển nhân tài thông thoáng hơn, cố gắng thu hút nhân tài ở nước ngoài về nước hoặc đến Trung Quốc khởi nghiệp và lập nghiệp, xây dựng và hoàn thiện chính sách và biện pháp đặc biệt về các mặt: xuất nhập cảnh, cư trú lâu dài, thu thuế, bảo hiểm, nhà ở, con cái đi học, v.v. Theo các chuyên gia, Cương yếu quy hoạch nhân tài được công bố lần đầu này là kim chỉ nam nhằm đưa Trung Quốc vươn lên hàng ngũ các nước mạnh về nhân tài trên thế giới, góp phần thúc đẩy sự phát triển của Trung Quốc, đồng thời có tác động tích cực đối với cộng đồng quốc tế.
3.2. Các chiến lược về giáo dục đào tạo có dấu ấn quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực quốc gia
Trong đào tạo nguồn nhân lực, Trung Quốc tập trung hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện: tố chất người lao động, số lượng, chất lượng của trí thức. Trong đó, trọng tâm đào tạo được đặt vào đội ngũ nhân tài, vì “nhân tài là nguồn tài nguyên số một”, “khai thác nhân tài là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu”. Cụ thể hóa mục tiêu đó, Chính phủ Trung Quốc xác định “Khoa giáo hưng quốc” (Giáo dục và khoa học kỹ thuật xây dựng đất nước giàu mạnh) là một chiến lược quốc gia cơ bản để phát triển nguồn nhân lực toàn diện; thực thi chiến lược “Nhân tài cường quốc” (nhân tài làm hưng thịnh quốc gia) để phát triển và nâng cao tốc độ và sức mạnh tổng hợp của nguồn nhân tài. Thông qua các chính sách cụ thể, hai chiến lược tập trung vào việc mở rộng không gian, điều kiện cho nguồn nhân lực Trung Quốc phát triển toàn diện và có trọng điểm.
3.2.1 Xây dựng một số trường đại học đẳng cấp cao với một nền tảng KH&CN mạnh mẽ có khả năng cạnh tranh quốc tế
Chính phủ Trung Quốc tuyên bố cam kết hỗ trợ không chỉ giáo dục đại học đại chúng cho số đông mà còn nhằm xây dựng những trường được gọi là đẳng cấp quốc tế, bởi đó là một phần của quan niệm rộng hơn cho rằng các trường đại học tinh hoa này là nhân tố trọng yếu cho năng lực cạnh tranh và là niềm tự hào của quốc gia. Chính sách cơ bản là chú trọng đồng đều đến hai nhiệm vụ trọng tâm chính, đó là đào tạo nhân tài có năng lực sáng tạo và đào tạo các nhà chuyên nghiệp có trình độ kỹ năng cao, và chú trọng đồng đều đến quy mô, cấu trúc, chất lượng và ảnh hưởng của giáo dục
Ngay từ những ngày đầu của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, đã có những trường được coi là “đại học trọng điểm quốc gia” (national key universities). Năm 1954 có 6 trường được gọi là đại học trọng điểm quốc gia, thêm 16 trường đến năm 1959 và 44 trường tính đến năm 1960, và bổ sung thêm 4 trường trong năm 1963 (Altbach và cộng sự, 2007). Sau cuộc Cách mạng Văn hóa, các trường đại học trọng điểm quốc gia được đặt tên lại, thêm nhiều trường được bổ sung vào danh sách này, tính đến năm 1981, có tất cả là 96 trường như vậy. Các trường đại học trọng điểm có một vai trò quan trọng trong sự phát triển của giáo dục đại học Trung Quốc trong những năm 1980. Năm 1980, các trường trọng điểm là những trường đầu tiên đào tạo bậc thạc sĩ và tiến sĩ trong một số chuyên ngành. Từ giữa thập kỷ 1980, các trường này bắt đầu tập trung nhiều hơn vào cả hai mặt nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Nhiều chủ trương, chính sách ra đời được vận dụng để thu hút các nguồn tài chính dành cho nghiên cứu về cho các trường đại học này.
Các trường trọng điểm quốc gia này được ưu tiên hơn những trường khác trong các chính sách về tài chính. Trong những năm cuối của thập kỷ 1980, 416 chương trình trọng điểm quốc gia ở 107 trường đã được chọn để hỗ trợ tài chính bổ sung như một phần của Dự án Trọng điểm Quốc gia. Trong đó Trung Quốc đã ngày càng tập trung vào chất lượng của một nhóm các trường đại học trọng điểm của quốc gia, và đặc biệt là tập trung vào việc làm thế nào để những trường đại học đó góp phần xây dựng Trung Quốc thành một nền kinh tế dựa trên tri thức. Khát vọng ấy đã dẫn đến hàng loạt chính sách quốc gia, bắt đầu là Dự án 985 (khởi động năm 1998) nhằm xây dựng một nhóm các trường có khả năng cạnh tranh toàn cầu, và điều này cũng đã được thể hiện trong Kế hoạch Quốc gia Trung hạn và Dài hạn về Cải cách và phát triển Giáo dục 2010-2020 (cũng được biết tới dưới tên gọi Kế hoạch 2020). Năm 2008, Chính phủ khởi động Kế hoạch Phát triển Nhân tài Quốc gia trung và dài hạn (2010-2020), dự kiến phát triển nhân tài bền vững từ gốc, nghĩa là cải cách giáo dục từ mầm non, thu hẹp khoảng cách nông thôn – thành thị, phát triển văn hóa cho dân tộc thiểu số. Trong đó, giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học được đặt ở vị trí trung tâm: hàng ngàn trung tâm nghiên cứu nhằm nuôi dưỡng, ươm mầm tài năng được thành lập; tiến hành việc tuyển dụng nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài về giảng dạy trong trường đại học và nghiên cứu tại các tổ chức mới mở. Cuối cùng, Trung Quốc đã thu được những quả ngọt đầu tiên, năm 1999 cả nước chỉ có ít hơn 30 trung tâm R&D của nước ngoài, đến năm 2014 con số này là hơn 1200 (Federal Ministry of Education and Research (BMBF), 2015).
Ngoài ra, những chiến lược về giáo dục đã đề ra hai lĩnh vực ưu tiên cao, đó là: giáo dục ở các vùng nông thôn và phát triển các trường đại học hàng đầu và các ngành học hàn lâm then chốt, được hiện thực thông qua hai dự án 211 và 985. Để xây dựng mạng lưới các trường đại học đẳng cấp quốc tế, Nhà nước Trung Quốc đã khởi xướng một chính sách tài trợ ưu tiên cho phép rót một nguồn tiền bổ sung cho các trường hàng đầu của quốc gia. Kể từ cuối những năm 1990, kế hoạch phát triển 100 trường đại học đẳng cấp cao của Trung Quốc với các ngành đào tạo then chốt và với mục tiêu được xếp vào hàng ngũ các trường đại học hàng đầu thế giới vào thế kỷ 21 đã được xem xét và thông qua.
Trọng tâm của chính sách này là Dự án 211 và Dự án 985, được Chính phủ trung ương đưa ra lần đầu năm 1993 và đi vào thực hiện từ năm 1995. Theo kế hoạch này, hai dự án mang tên “Dự án 211” và “Dự án 985” có mục đích là để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, chú trọng vào đổi mới công nghệ, bồi dưỡng nhân tài có năng lực sáng tạo và nâng cao năng lực tự đổi mới để sao cho các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc trở thành một động lực quan trọng cho sự thành lập một quốc gia đổi mới.
Dự án 211 được Chính phủ Trung Quốc khởi xướng vào năm 1995, tên gọi phản ánh mục tiêu xây dựng 100 trường đại học đẳng cấp hàng đầu với các ngành học then chốt trong thế kỷ 21. Dự án dành gần hai mươi tỷ USD của ngân sách nhà nước cho các trường dự thầu các hạng mục đầu tư. Khoảng 100 trường được chấp thuận giao cho ngân sách bổ sung để nâng cấp trang thiết bị và chương trình đào tạo. Nhà nước cũng xây dựng 80 lĩnh vực học thuật và 602 chuyên ngành trọng điểm qua mạng lưới các trường này. Những tiêu chí trọng yếu khác gắn với Dự án 211 là việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, cải cách việc quản lý điều hành nhà trường, và củng cố hợp tác giao lưu quốc tế (Ma, 2007). Dự án được thực hiện nhằm đào tạo một nguồn nhân lực chuyên nghiệp để thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế và xã hội, dự án đóng vai trò quan trọng trong việc cải tiến giáo dục đại học, thúc đẩy nhanh tiến trình kinh tế quốc dân, đẩy mạnh sự phát triển khoa học, công nghệ và văn hóa, tăng cường năng lực tổng thể và khả năng cạnh tranh quốc tế của Trung Quốc và đặt nền tảng cho đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp có trình độ cao chủ yếu ở các cơ sở giáo dục trong nước. Mục tiêu của dự án là xây dựng một nhóm các trường đại học được tài trợ đặc biệt để nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu, quản lý và hiệu quả, và với hy vọng là từ nhóm các trường đại học này mà các tiêu chuẩn về chất lượng sẽ được rút ra từ đó. Các trường tham gia Dự án 211 được hy vọng là có khả năng nâng cao thành tích, củng cố điều kiện vật chất và năng lực chuyên môn của đội ngũ giảng viên.
Dự án 985 được đặt tên theo thời điểm công bố dự án, đó là vào tháng 5/1998. Theo đó Bộ Giáo dục Trung Quốc đã khởi xướng “Kế hoạch hành động giáo dục hướng tới thế kỷ 21” đặc biệt nhấn mạnh đến sự phát triển các trường đại học đẳng cấp thế giới và các trường đại học nghiên cứu trình độ cao nổi tiếng thế giới. Dự án 985 nhằm mục đích phát triển 10-12 trường đại học đạt đẳng cấp thế giới, có khả năng cạnh tranh với các cơ sở giáo dục đại học đứng đầu thế giới và các tổ chức nghiên cứu cấp cao nổi tiếng thế giới. Hơn 14 tỷ NDT (xấp xỉ 1,26 tỷ Euro) đã được đầu tư cho giai đoạn đầu của dự án từ năm 1999 đến 2003, đây được coi là giai đoạn chuyển tiếp. Giai đoạn này đặc biệt tập trung vào 10 trường đại học hàng đầu của Trung Quốc, trong đó có Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa (Tsinghua) được ưu tiên đầu tiên; và ngoài ra là 39 trường đại học khác. Đây sẽ là nhóm các trường đại học dẫn đầu trong ngành giáo dục đại học Trung Quốc. Giai đoạn hai của dự án được thực hiện trong các năm 2003-2007. Dự án được dự kiến sẽ tiếp tục thực hiện các giai đoạn ba và bốn, nếu cần thiết có thêm các giai đoạn bổ sung. Theo số liệu thống kê năm 2003, các trường đại học được đầu tư trong giai đoạn đầu của Dự án 985 chỉ chiếm 1% tổng số các cơ sở giáo dục đại học Trung Quốc, nhưng các phòng thí nghiệm then chốt của các trường này chiếm gần một nửa, nguồn kinh phí nghiên cứu hàng năm của họ chiếm đến 1/3, số nghiên cứu sinh sau đại học theo đuổi các chương trình đào tạo thạc sĩ chiếm 20%, và nghiên cứu sinh chiếm 30%. Các trường này được hưởng nguồn kinh phí hỗ trợ đặc biệt cùng với nguồn tài trợ thường xuyên.
Đến năm 2018, theo chiến lược “song trọng điểm” (trường trọng điểm và ngành trọng điểm đẳng cấp thế giới), Trung Quốc đã tiến hành điều chỉnh phân loại các trường đại học, chia thành 4 loại hình: trường đại học nghiên cứu, trường đại học nghiên cứu ứng dụng, trường đại học ứng dụng và trường đại học kỹ thuật. Các trường đại học nghiên cứu lại được chia thành 2 loại, đại học nghiên cứu tổng hợp và đại học nghiên cứu ngành (theo báo cáo năm 2018, có 37 trường được lựa chọn là trường đại học nghiên cứu tổng hợp, trong đó nổi bật là các trường Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa, 85 trường được lựa chọn là trường đại học nghiên cứu ngành).
3.2.2. Xúc tiến các dự án đào tạo nhân tài trẻ nhằm phát hiện các tài năng trẻ xuất chúng
Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện một loạt các kế hoạch trao giải thưởng và trợ giúp thế hệ trẻ, nhằm tạo điều kiện phát triển nhân tài có khả năng sáng tạo và xây dựng một đội ngũ các nhà chuyên nghiệp trình độ cao. Chính phủ hỗ trợ mạnh mẽ cho sinh viên Trung Quốc đi du học nước ngoài, nhấn mạnh đến những ích lợi của việc sáng tạo nguồn nhân lực trí thức ưu tú và kêu gọi phối hợp hành động để làm tăng nguồn kinh phí và các dịch vụ hỗ trợ cho các sinh viên có nguyện vọng đi du học nước ngoài. Chính phủ thành lập các giải thưởng dành cho các nhân tài, học giả, các nhà nghiên cứu tài năng như Giải thưởng Yangtze-River (Giải thưởng Trường Giang) dành cho các học giả; Giải thưởng dành cho các giảng viên trẻ tài năng trong các trường đại học. Ngoài ra, Trung Quốc còn tiến hành các dự án Đào tạo nhân tài xuất chúng xuyên thế kỷ; dự án Đổi mới trong giáo dục cao học. Tháng 12/2008, Chính phủ Trung Quốc triển khai chương trình “1000 tài năng” với mục tiêu mời gọi khoảng 2.000 trí thức chủ chốt về nước trong vòng 5-10 năm tới. Đồng thời, chính quyền của 7 tỉnh cũng tìm cách thu hút lực lượng về địa phương, bởi 2.000 người là không đủ cho cả Trung Quốc nên mỗi tỉnh đều tìm cách thu hút khoảng 1.000 người trong 5 năm tiếp theo.
Chính phủ Trung Quốc cũng thường xuyên tổ chức Diễn đàn Hàn lâm Quốc gia dành cho các tiến sĩ, tài trợ cho 12 cơ sở giáo dục đại học thành lập 13 chương trình trại hè dành cho các nghiên cứu sinh sau đại học, và hỗ trợ 16 cơ sở giáo dục đại học thành lập các trung tâm đổi mới sau đại học trong và bên ngoài các trường đại học và làm cho chúng trở thành các cơ sở quan trọng đối với việc cải tổ các mô hình đào tạo sau đại học.
3.2.3. Xúc tiến dự án cải cách và nâng cao chất lượng giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học
Văn bản chính sách có tên “Kế hoạch hành động nhằm đẩy mạnh giáo dục hướng về thế kỷ 21”, ban hành năm 1999, đã đưa giáo dục đại học Trung Quốc tới một sự mở rộng bất ngờ (Yang, 2004). Tăng trưởng kinh tế liên tục đã nâng cao mạnh mẽ nhu cầu về những người lao động có tri thức ở Trung Quốc. Tiêu chuẩn sống được cải thiện, cùng với một niềm tin và tham vọng mạnh mẽ, giáo dục đã được xem như cuộc đầu tư của mọi cá nhân và gia đình nhằm bảo đảm cơ hội việc làm có thu nhập cao và địa vị xã hội (Li, Morgan và Ding, 2008). Hai nhu cầu này đã khiến hệ thống buộc phải mở rộng cả ở bậc đại học và sau đại học kể từ cuối thập niên 90. Năm 1978, Trung Quốc tuyển chỉ 860,000 sinh viên đại học, con số này vọt lên 23 triệu vào năm 2011. Tỉ lệ sinh viên trong độ tuổi tăng từ 12,5% đến 27% năm 2011. Học viên cao học cũng tăng vọt từ 280.000 năm 2000 lên đến 1,6 triệu vào năm 2011 (Bộ Giáo dục Trung Quốc, 2013).
Để đáp ứng được mục tiêu đưa một loạt các trường đại học Trung Quốc vào hàng ngũ đại học đẳng cấp quốc tế trước năm 2020, những trường đại học này phải hết sức nỗ lực để thu hút những trí thức cao cấp đã học tập ở nước ngoài, kể cả những trí thức quốc tế. Ví dụ năm 2003, trường Đại học Nam Kinh đã thông báo tuyển thêm 300 giảng viên mới, yêu cầu là phải từ cấp phó giáo sư trở lên. Những người này có thể đang giảng dạy tại các trường Đại học khác ở Trung Quốc hoặc ngay cả ở nước ngoài. Hay như Trường Đại học Triết Giang, công tác tuyển dụng cán bộ của trường sẽ theo phương châm “không cần biết anh mang quốc tịch gì”. Tương tự, Trường Đại học Phúc Đán và Trường Đại học Thanh Hoa đều có những vị trí mở dành cho các trí thức nước ngoài, kể cả vị trí chủ nhiệm của các khoa trong trường. Trường Đại học Thanh Hoa quyết định dành 50 vị trí cho những giáo sư cao cấp được đào tạo ở nước ngoài, đồng thời cũng kêu gọi, thu hút một số trí thức quốc tế danh tiếng tham gia giảng dạy ở trường.
Mục tiêu của chính sách này nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy đại học và đào tạo nhân tài trên phạm vi toàn quốc gia. Các biện pháp chủ yếu bao gồm:
- Bổ nhiệm các giáo sư có danh tiếng giảng dạy cho sinh viên đại học;
- Triển khai 1500 khóa học xuất sắc đạt tiêu chuẩn quốc gia với mục đích đáp ứng về cơ bản các chuyên ngành chính và thúc đẩy chia sẻ các nguồn lực giảng dạy chất lượng;
- Cải cách công tác giảng dạy tiếng Anh tại các trường đại học và cao đẳng, đẩy mạnh đào tạo giảng viên tiếng Anh trong các trường đại học và cải thiện các kỹ năng nghe nói của sinh viên;
- Đẩy mạnh công tác đánh giá chất lượng giảng dạy ở bậc đại học.
3.2.4. Thực hiện “Dự án đổi mới KH&CN trong các cơ sở giáo dục đại học” và thúc đẩy nghiên cứu trong các trường đại học
Trung Quốc đang tập trung vào khoa học tự nhiên và kỹ thuật, những lĩnh vực phản ánh nhu cầu phát triển của quốc gia. Nhà nước cung cấp nguồn tài trợ cho các nghiên cứu nguồn gốc mang tính đổi mới, thành lập nhiều cơ sở đổi mới KH&CN, đẩy mạnh việc xây dựng các phòng thí nghiệm quốc gia then chốt, thúc đẩy sự phát triển các trung tâm hợp tác nghiên cứu dựa trên cơ sở mạng lưới, và bắt đầu thành lập một số trung tâm nghiên cứu kỹ thuật trong các trường đại học.
Khi Trung Quốc bắt đầu vận dụng khoa học xã hội phương Tây vào cuối thế kỷ XIX, các trường đại học trở thành những tổ chức lớn nhất thực hiện điều này cả về mặt giảng dạy lẫn nghiên cứu. Theo truyền thống việc nghiên cứu không được coi trọng tại các trường đại học Trung Quốc vì hệ thống nghiên cứu khoa học của Trung Quốc đã trở thành độc lập với các trường đại học từ khi thành lập Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc năm 1952. Sau khi cải cách, các trường đại học được cung cấp phương tiện để tái thiết năng lực nghiên cứu của mình. Ngày nay, gần như tất cả mọi trường đại học đều có khoa khoa học xã hội, và số giáo sư, số môn mà họ dạy, cũng như ấn phẩm khoa học của họ trong kinh tế, xã hội học, khoa học chính trị và luật học, tất cả đều đang tăng. Đến nay, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung quốc có 37 viện thành viên và hơn 150 trung tâm nghiên cứu, thực hiện nghiên cứu trong 260 chuyên ngành có mức độ quan trọng ít nhiều khác nhau, cũng như các trường sau đại học. Viện có 3.500 nhà nghiên cứu trong đó 50% có bằng thạc sĩ trở lên.
Năm 1986, phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia đầu tiên được xây dựng tại Đại học Bắc Kinh. Điều này đánh dấu sự khởi đầu của các đại học nghiên cứu cùng với khoản tài trợ nghiên cứu và phát triển cho các phòng thí nghiệm được nhà nước trung ương hỗ trợ và đặt tại các trường đại học, và việc các nghiên cứu của trường đại học được xem như một bộ phận của hệ thống nghiên cứu khoa học cơ bản của quốc gia. Ý tưởng thành lập các phòng nghiên cứu trọng điểm của quốc gia và đặt tại các trường đại học thực ra là từ khuôn mẫu của các trường đại học nghiên cứu ở Hoa Kỳ. Trong những năm cuối thập kỷ 1980 và đầu thập kỷ 1990, chủ trương tài trợ của nhà nước Liên bang Hoa Kỳ đối với việc nghiên cứu của các trường đại học đã ảnh hưởng mạnh đến việc cải cách hệ thống nghiên cứu khoa học ở Trung Quốc.
Dựa trên những thông tin của Mạng lưới Nghiên cứu và Giáo dục Trung Quốc, đến năm 2002 đã có 91 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia tại các trường đại học hàng đầu. Chỉ riêng Đại học Bắc Kinh đã có 13 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia như thế, những công trình nghiên cứu tại đó gắn chặt với những vấn đề khẩn thiết nhất của quốc gia trong việc phát triển. Năm 1986, một dự án nghiên cứu khoa học cấp nhà nước rất nổi tiếng do bốn nhà khoa học danh tiếng đứng đầu, được gọi là Kế hoạch 863. Kế hoạch này dự định theo đuổi những nghiên cứu sâu trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, kỹ thuật tự động, năng lượng, vật liệu mới và công nghệ sinh học bằng nguồn quỹ nghiên cứu và phát triển của quốc gia. Để quản lý nguồn ngân sách này, Quỹ Khoa học Quốc gia được thành lập năm 1985 như một tổ chức bảo trợ cho các nghiên cứu trong khoa học và công nghệ, cả trong các trường đại học lẫn các Viện Hàn lâm khoa học.
Sự thành lập các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia trong các trường đại học đã làm tăng đáng kể năng lực nghiên cứu của các trường. Ma (2007) đưa ra số liệu thống kê cho thấy trong năm 1998-1999, 9 trường đại học hàng đầu đã đào tạo được 2.465 tiến sĩ, 5.891 báo cáo khoa học được liệt kê trong Danh mục Trích dẫn Khoa học SCI vào năm 2000, và trong năm 2002, 9 trường đại học này đã có 295 chuyên ngành nghiên cứu trọng yếu. Cũng trong năm này các nghiên cứu do trường đại học thực hiện giành được 78% số giải thưởng quốc gia về phát minh khoa học, 49% giải thưởng quốc gia về cải tiến công nghệ. Trong số 6118 bằng phát minh sáng chế, 32,4% thuộc về các giáo sư của 9 trường đại học này.
Năm 2001, Bộ Giáo dục tiến hành một dự án nhằm đánh giá đầy đủ hiệu quả và ảnh hưởng của các doanh nghiệp trực thuộc trường đại học. Báo cáo khảo sát cho thấy 575 trường đại học bình thường ở Trung Quốc đã sở hữu 5.039 doanh nghiệp, trong đó có 993 doanh nghiệp công nghệ cao (40% tổng số doanh nghiệp trực thuộc trường đại học). Trong số 5.039 doanh nghiệp, có 4.059 là được xây dựng bằng nguồn tài chính độc lập của nhà trường, 718 là liên kết giữa trường đại học và nhà nước, 94 là liên kết giữa các công ty nước ngoài và trường đại học Trung Quốc (Ma, 2007). Tổng thu nhập của 5.039 doanh nghiệp này là 60.748 tỷ nhân dân tệ (7,5 tỷ USD), trong đó 74,45% là từ các doanh nghiệp công nghệ cao. Điều này cho thấy mặc dù số lượng các doanh nghiệp công nghệ cao không nhiều nhưng họ đã tạo ra tổng thu nhập lớn hơn nhiều so với các doanh nghiệp dịch vụ hoặc lĩnh vực khác. Tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp này đạt 4.851 tỷ nhân dân tệ (600 triệu USD). Khoản hoàn vốn lại cho trường đại học vào khoảng 1.842 tỷ nhân dân tệ (230 triệu USD) bao gồm lương và quản lý phí trả cho các nhà quản lý, giảng viên và sinh viên của nhà trường. Từ những con số này có thể thấy các doanh nghiệp trực thuộc trường đại học nhất là ở những trường hàng đầu đã trở thành một bộ phận quan trọng của kinh tế quốc gia qua việc đẩy mạnh đưa kết quả nghiên cứu vào thị trường, rút ngắn thời gian từ nghiên cứu đến ứng dụng và đem lại lợi nhuận cho nhà trường.
Bên cạnh đó, các trường đại học hàng đầu Trung Quốc đã bắt đầu liên kết khoa học và giáo dục, gắn tri thức với các doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Những trường đại học như Thanh Hoa và Bắc Kinh đã bắt đầu xây dựng quan hệ với các doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong việc hợp tác cải tiến công nghệ và chuyển giao tri thức. Nhiều kết quả nghiên cứu và cải tiến đã được chuyển giao thành công cho các doanh nghiệp. Những mối liên kết với doanh nghiệp và địa phương tạo điều kiện cho việc nghiên cứu của các trường trở thành tập trung và thiết thực hơn đối với nhu cầu của các doanh nghiệp.
Để kết hợp nghiên cứu cơ bản ở các trường đại học với việc ứng dụng những tri thức mới, năm 1999 nhà nước Trung Quốc công bố một quyết định đặc biệt nhằm xây dựng nhiều công viên khoa học và công nghệ ở các trường đại học, một ý tưởng học tập từ Hoa Kỳ. Sự thành công của Thung lũng Silicone với các doanh nghiệp công nghệ cao đã thu hút sự chú ý của Trung Quốc, và kết quả trực tiếp là việc thành lập Công viên khoa học Zhongguancun ở Bắc Kinh, đặt ở gần Viện Hàn lâm Khoa học, Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa.
3.2.5. Tăng số lượng sinh viên được gửi đi du học ở nước ngoài bằng nguồn kinh phí của Chính phủ và khuyến khích họ trở về phục vụ đất nước sau khi tốt nghiệp
Mặc dù du học nước ngoài không phải là một trong những mục tiêu chính sách chủ yếu của Chính phủ Trung Quốc, nhưng từ năm 1992 Bộ Giáo dục nước này đã thành lập một chương trình nghị sự trong đó có đề cập đến việc hỗ trợ cho sinh viên đi du học ở nước ngoài và khuyến khích họ trở về nước, đảm bảo tự do thông thoáng trong việc đi và về của họ. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhận thức được rằng việc gửi sinh viên đi du học nước ngoài có thể mang lại những lợi thế chính sau:
- Đào tạo và phát triển một lực lượng nhân tài có kiến thức và kinh nghiệm hiện đại; điều này phục vụ cho tiến trình hiện đại hóa của Trung Quốc.
- Hình thành một đội ngũ nhân lực ưu tú với kinh nghiệm, triển vọng và kỹ năng ngôn ngữ quốc tế.
- Nâng cao các tiêu chuẩn của Trung Quốc về giáo dục và nghiên cứu (các phương pháp, tiêu chuẩn, kỹ năng mới).
- Có thêm nhiều sinh viên Trung Quốc có thể nhận được trình độ giáo dục cao hơn.
- Bằng cách gửi sinh viên đi du học nước ngoài (và tiếp nhận sinh viên đến Trung Quốc học) Chính phủ nước này mong muốn có thể nâng cao được sự hiểu biết về đất nước Trung Quốc và nền văn hóa Trung Hoa.
Rõ ràng chính phủ Trung Quốc đã thừa nhận rằng: quốc tế hóa đơn giản là điều không thể tránh khỏi. Theo điều tra hầu hết các nhà lãnh đạo và giới khoa học Trung Quốc đều cho rằng việc nâng cao chất lượng và đạt được danh tiếng quốc tế là điều rất quan trọng.
Việc hỗ trợ mạnh mẽ cho việc du học nước ngoài của sinh viên Trung Quốc thông qua việc đề cao những lợi ích như thiết lập một đội ngũ tri thức ưu tú và hỗ trợ cho phát triển kinh tế, cũng như kêu gọi hành động thiết thực để huy động nguồn kinh phí và các dịch vụ hỗ trợ cho sinh viên đi du học nước ngoài.
3.2.6. Xúc tiến cải tổ sâu về thể chế trong các lĩnh vực giáo dục nhằm tạo nên một môi trường hàn lâm dân chủ và tự do
Các cơ sở giáo dục đại học của Trung Quốc được hưởng một bầu không khí mang tính học thuật hơn trong những năm gần đây, với nhiều hội nghị nghiên cứu khoa học quốc tế được tổ chức và các chuyến đi thăm quan qua lại giữa các học giả Trung Quốc và nước ngoài đã tăng lên. Một số trường đại học đã thành lập các quỹ tự do nghiên cứu để các nhà nghiên cứu, các giảng viên có thể theo đuổi các ý tưởng “khác lạ” của mình và làm những gì họ muốn để khám phá thế giới.
Bên cạnh đó, để đáp ứng mục tiêu chính sách quốc gia là mở rộng số người được đào tạo ở bậc đại học, những trường trực thuộc kiểu này có tham vọng tăng quy mô sinh viên lên tới 20-30 ngàn để đạt tới quy mô của một “trường đại học tổng hợp” theo phác thảo của Bộ Giáo dục về mô hình tương lai của đại học (Chen và Yu, 2005). Bộ Giáo dục Trung Quốc cho rằng những trường tự chủ tài chính trực thuộc trường công kiểu như thế sẽ có thể thực hiện sứ mạng quan trọng của giáo dục.
Sau khi gia nhập WTO, Chính phủ Trung Quốc bắt đầu rà soát lại bộ khung pháp lý để cho phép các trường đại học nước ngoài tuyển sinh và thực hiện đào tạo tại đại lục theo các quy định của WTO. Tháng 9 năm 2003, Quốc vụ viện ban hành “Quy định về hợp tác quốc tế trong vận hành trường học”, một văn bản chi tiết về bản chất, chính sách và nguyên tắc, các yêu cầu cụ thể và quy trình cấp phép, lãnh đạo và tổ chức, quy trình dạy học, quản lý tài chính, cơ chế giám sát và tư cách pháp nhân, v.v. Tinh thần của văn bản này đẩy mạnh giáo dục đại học xuyên biên giới, khuyến khích các trường trong nước hợp tác với những trường đại học danh tiếng ở nước ngoài để mở ra những ngành học mới nhằm cải thiện chất lượng dạy và học cũng như giới thiệu nguồn tài nguyên ưu tú của nước ngoài để áp dụng trong nước (State Council 2003, Chương 1, Điều 3). Hơn nữa, văn bản này không cấm các trường nước ngoài tìm kiếm lợi nhuận trong những hoạt động này.
Từ những năm cuối của thập kỷ 1980, các trường đại học hàng đầu ở Trung Quốc trải qua “làn sóng đi học nước ngoài” vì giảng viên trẻ và sinh viên dễ dàng nhận được học bổng và hỗ trợ tài chính ngoài nước. Trong những năm 1990, Đại học Bắc Kinh được miêu tả là “trường dự bị” để du học vì một phần ba sinh viên tốt nghiệp trường này đã đi học tại Mỹ hoặc tại các nước phát triển khác. Sau khi tốt nghiệp các trường ở nước ngoài, những sinh viên này- nhất là trong các chuyên ngành khoa học kỹ thuật- càng có khả năng tìm được chỗ làm tại quốc gia mà họ lấy được tấm bằng cao nhất hơn là trở về Trung Quốc. Từ 1978 đến 2004, có tổng số 815.000 sinh viên Trung Quốc đi du học, nhưng chỉ có 198.000 người trở về, nghĩa là tỷ lệ chỉ một phần tư.
Để tuyển chọn và giữ chân được những giảng viên giỏi, năm 1992 đã có một chính sách được ban hành nhằm hỗ trợ sinh viên du học, khuyến khích trở về và bảo đảm tự do cho họ. Năm 1993, Bộ Giáo dục xây dựng một Dự án được gọi là Kế hoạch Nhân tài Xuyên Thế kỷ. Dự án này nhằm giữ chân các giảng viên trẻ có tài định rời bỏ nhà trường để nhận những việc khác có thu nhập cao hơn trong các thành phần kinh tế. Những giảng viên được lựa chọn trong kế hoạch này sẽ được nhận một khoản hỗ trợ đặc biệt của nhà nước và được đề bạt học vị giáo sư. Những du học sinh cũng được ưu đãi như vậy nếu họ trở về, nhưng tỷ lệ trở về vẫn thấp. Trong khi có nhiều lý do cho việc giảng viên và sinh viên chọn con đường ở lại nước ngoài, quan trọng hơn cả là những lý do như: không chắc chắn về tính ổn định chính trị của đất nước, thiếu kiến thức về cơ hội phát triển nghề nghiệp trong tương lai, sự thay đổi lối sống sau nhiều năm sống ở nước ngoài, và lo lắng về việc học vấn của con cái.
3.3. Các biện pháp chính sách hỗ trợ thực hiện chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mang đẳng cấp quốc tế
3.3.1. Tăng cường ngân sách đầu tư cho giáo dục
Giáo dục là tiền đề để phát triển nguồn nhân lực. Một thời gian dài trong quá khứ, mức độ đầu tư cho giáo dục của Trung Quốc khá thấp. Để phát triển nguồn lực con người tốt hơn, Trung Quốc cần tăng cường đầu tư cho giáo dục. Năm 1992, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một chính sách hướng dẫn về vấn đề học tập ở nước ngoài: “hỗ trợ tất cả các sinh viên muốn học tập ở nước ngoài, khuyến khích họ về quê hương cũng như cho phép họ đi lại một cách dễ dàng.” Những năm sau này, Chính phủ Trung Quốc đã đề xuất Dự án 211. Dự án hỗ trợ cho 100 Viện nghiên cứu hàng đầu của Trung Quốc cơ sở vật chất và điều kiện làm việc để có thể đáp ứng “tiêu chuẩn quốc tế” trong giảng dạy và nghiên cứu học thuật tới đầu thế kỷ 21. Từ năm 1996 đến năm 2002, Chính phủ đã dành 18.4 tỷ nhân dân tệ cho “quỹ sáng kiến” để giúp dự án vận hành. Đây được cho là khoản đầu tư cho giáo dục lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Chỉ trong vòng một thế hệ, kể từ năm 1978, Trung Quốc đã đưa tỉ lệ những người trong độ tuổi vào đại học từ 1,4% lên đến 20%. Chỉ riêng trong lĩnh vực kỹ thuật, Trung Quốc đào tạo ra 442,000 cử nhân hàng năm, cùng với 48,000 người hoàn tất bằng thạc sĩ và 8,000 người đạt học vị tiến sĩ. Nhưng chỉ có Đại học Bắc Kinh và một vài trường hàng đầu của Trung Quốc là được thế giới công nhận có chất lượng cao. Từ năm 1998, Trung Quốc chính thức tuyên bố quyết tâm chuyển biến các trường đại học Trung Quốc, ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học đã tăng hơn gấp đôi, lên tới 10,4 tỷ đô la Mỹ trong năm 2003.
3.3.2. Đổi mới hệ thống giáo dục, chương trình đào tạo và nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên
Trung Quốc hiện đang nỗ lực hết sức để phát triển giáo dục và đào tạo nhằm theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của khoa học và công nghệ cũng như sự phát triển kinh tế thế giới. Các cơ sở giáo dục đại học đào tạo giáo viên ở Trung Quốc hiện đã được tăng quyền tự chủ, đẩy mạnh cải cách để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, tạo nguồn lực giáo viên có trình độ chuyên môn, phẩm chất và năng lực sư phạm cao. Trong những năm qua, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, Trung Quốc đã thực hiện một số chính sách như: nâng cao chuẩn chất lượng giáo viên; mở rộng hệ thống đào tạo giáo viên ra ngoài các trường sư phạm truyền thống; thống nhất chất lượng đào tạo chính quy và không chính quy; tăng cường đổi mới chương trình đào tạo và nghiên cứu xây dựng mô hình đào tạo giáo viên.
Số chương trình liên kết với đối tác quốc tế của các trường đại học ngày càng tăng. Hầu hết các chương trình này có nguồn gốc ở những nước phát triển và có nền công nghệ tiên tiến. Gần một nửa là từ Mỹ và Úc, những nước chiếm thị phần lớn nhất về xuất khẩu giáo dục; một số ít nhưng cũng khá đáng kể là từ châu Âu. Nhiều chương trình liên kết được phép cấp bằng nước ngoài đã được thực hiện ở những trường Trung Quốc nổi tiếng như Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa, Đại học Zhejiang với hơn 100 trường đại học nước ngoài. Nhưng trong số đó, có những trường không được xếp hạng “đẳng cấp quốc tế” trong giảng dạy và nghiên cứu, cũng như có những trường có xếp hạng tốt ở Mỹ. Đến cuối năm 2004, có 164 chương trình như vậy. Trong đó có 47 (28,7%) chương trình cấp bằng cử nhân; 112 (68,3%) cấp bằng thạc sĩ; 2 (1,2%) chương trình tiến sĩ; trong khi có 2 (1,2%) chương trình chuyên ngành; và 1 (0,6%) chương trình cấp cả bằng cử nhân, thạc sĩ lẫn tiến sĩ. Những chương trình này được phép vận hành với chỉ tiêu tuyển sinh có giới hạn (từ 1 đến 15 sinh viên mỗi lớp) (Liu và cộng sự, 2005). Về ngành học, hầu hết là kinh doanh, thương mại và quản lý.
Ngoài ra, Trung Quốc có chính sách đổi mới với các trường có đào tạo sau đại học. Đến năm 2016 có 53 trường trong tổng số hơn 400 trường đang có chương trình đào tạo sau đại học đã được nhà nước chấp thuận công nhận là trường đào tạo sau đại học (graduate school); những trường còn lại không được phép dùng cái tên “trường đào tạo sau đại học” mà phải dùng tên gọi Phòng Sau Đại học hay Bộ phận Đào tạo Sau Đại học để thay thế. Chỉ những trường có số lượng học viên cao học và nghiên cứu sinh tương đối lớn và có nhiều ngành đào tạo khác nhau cũng như đảm bảo chất lượng cao trong đào tạo sau đại học mới được công nhận danh xưng này. Trên thực tế, hơn ba phần tư nghiên cứu sinh tiến sĩ xin vào học các trường này. Việc được công nhận địa vị là trường đào tạo sau đại học chẳng những củng cố địa vị và uy tín của trường mà còn đưa đến một kết quả là có nhiều quyền hạn và sự linh hoạt hơn trong việc mở ngành đào tạo mới hay xây dựng lại chương trình và môn học.
Theo kế hoạch chiến lược của nhà nước Trung Quốc, GDP của Trung Quốc năm 2020 sẽ đạt mức gấp bốn lần so với năm 2000. Tổng sản lượng nội địa của các vùng phát triển ở Trung Quốc như Thượng Hải và Bắc Kinh được hy vọng là sẽ đạt đến 210 tỷ USD và GDP trên đầu người sẽ vào khoảng 25.000 USD vào năm 2020. Người ta mong đợi nhà nước Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ các trường đại học nghiên cứu hàng đầu bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển về kinh tế. Có như vậy thì các trường đại học như Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh, Đại học Phúc Đán và Đại học Giao thông Thượng Hải mới có thể trở thành những trường đại học đẳng cấp thế giới trước năm 2020.
Chính phủ Trung Quốc cũng triển khai thực hiện nhiều dự án khoa học kỹ thuật quan trọng. Các dự án này có nhiệm vụ quan trọng là góp phần hình thành đội ngũ nhân tài hạt nhân, tạo điều kiện cho sự ra đời của nhân tài quan trọng. Bên cạnh đó, về mặt phân phối tài nguyên khoa học kỹ thuật, họ coi trọng xây dựng cơ sở nghiên cứu khoa học, kể cả phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, Trung tâm công trình quốc gia, Trung tâm nghiên cứu phát triển doanh nghiệp, v.v. Theo quy hoạch, Trung Quốc phấn đấu đến năm 2020 đưa tổng số cán bộ khoa học kỹ thuật loại hình sáng tạo cấp cao lên tới khoảng 40 nghìn người.
4. Kết quả đạt được của nền kinh tế-xã hội Trung Quốc
Thời kỳ đầu thành lập nước Trung Hoa mới, cả nước có 80% số người mù chữ, trong khi đó cán bộ khoa học kỹ thuật chỉ có khoảng 10 nghìn người. Đến năm 2011, đội ngũ nhân tài của Trung Quốc đã lên tới hơn 114 triệu người, trong đó có hơn 46 triệu cán bộ kỹ thuật có trình độ cao (Wang, 2011). Xét về quy mô, Trung Quốc đã trở thành nước lớn về nhân tài. Những thành tựu quan trọng đạt được trong các lĩnh vực từ nghiên cứu giống lúa lai cho đến các dự án lớn như công trình Tam Hiệp, tàu du hành vũ trụ có người lái, thám hiểm Mặt trăng, đường sắt Thanh Tạng đều thể hiện sự đóng góp và vai trò to lớn của nhân tài trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Trung Quốc. Sự mở rộng cơ hội tiếp cận đại học đã làm thay đổi vai trò của giáo dục đại học đối với cuộc sống của người dân. Trong những năm trước cải cách, khi giáo dục đại học không đủ để đáp ứng cho tất cả mọi người, mỗi năm có hàng triệu học sinh phổ thông dự kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia nhưng chỉ một số rất ít may mắn dành được một chỗ trong trường đại học. Người dân có thể hài lòng về cơ bản với bất cứ trường đại học nào. Việc chọn trường hay cân nhắc xem các trường đại học có chất lượng hoạt động như thế nào không phải là mối quan tâm chính của phần lớn người dân Trung Quốc. Ngày nay, sau hai mươi năm cải cách theo định hướng thị trường, vai trò của trường đại học đã thay đổi một cách rất căn bản. Giáo dục đại học trước kia được thiết kế để dành cho một số ít người, nay đã trở thành một thứ dễ dàng tiếp cận cho công chúng.
Sự thành công của Trung Quốc trong hơn 30 năm qua một phần cũng nhờ luôn coi trọng phát triển nguồn nhân lực. Tại Trung Quốc, giáo dục đại học có lịch sử rất lâu đời và có nhiều trường đại học nổi tiếng trên thế giới. Times Higher Education (THE) công bố Bảng xếp hạng Các trường đại học đến từ các quốc gia có nền kinh tế mới nổi năm 2018 (THE Emerging Economies University Rankings, 2018). Trung Quốc tiếp tục tăng hạng, đồng thời thống trị Top 10 danh giá của bảng xếp hạng với 7 vị trí. Theo đánh giá này cho thấy Trung Quốc đã tiên phong trong mô hình chất lượng giáo dục đại học mà các nền kinh tế mới nổi khác đang cố gắng cạnh tranh – thông qua những khoản đầu tư lớn, ổn định cho các cơ sở giáo dục hàng đầu, tập trung thu hút những học giả tốt nhất trên toàn thế giới, duy trì và phát triển quan hệ hợp tác quốc tế và phát triển ấn phẩm quốc tế.
Trong khoảng từ năm 2000 đến 2005, số lượng công bố khoa học của các trường đại học nghiên cứu hàng đầu trong danh mục SCI (Science Citation Index) đã tăng gấp đôi. Đại học Thanh Hoa đã có khoảng 2700 bài báo được liệt kê trong danh mục SCI năm 2003, gần bằng con số của các trường hàng đầu thuộc top 50 của thế giới (Cheng và Liu, 2005). Các trường đại học nghiên cứu hàng đầu của Trung Quốc cũng đã bắt đầu nhấn mạnh đến chất lượng của các công bố khoa học bằng cách khen thưởng những bài báo có tỉ lệ được trích dẫn cao hoặc xuất hiện trên những tạp chí chuyên môn danh tiếng.
Số giảng viên có bằng tiến sĩ đã đạt đến 50% ở các trường đại học nghiên cứu hàng đầu của Trung Quốc và được hy vọng sẽ đạt đến 75% trước năm 2020. Những trường này cam kết nâng cao số giảng viên có bằng tiến sĩ từ các trường đại học đẳng cấp thế giới. Thêm vào đó, họ đang có nhiều nỗ lực đặc biệt để thu hút các giáo sư đẳng cấp thế giới bằng nhiều cách. Chính sự đầu tư mạnh mẽ cho chiến lược xây dựng, phát triển nguồn lực con người trình độ cao gắn với phát triển khoa học - công nghệ hiện đại đã đưa Trung Quốc vươn lên giữ vị trí nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới.
Tỉ lệ của học viên sau đại học (kể cả các khóa học chuyên môn) với sinh viên đại học vẫn còn ở mức 1:1. Một lần nữa, các trường đại học đang phải đấu tranh với việc nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học, đặc biệt là năng lực sáng tạo và đổi mới của một bộ phận nghiên cứu sinh tiến sĩ. Nghiên cứu sinh tiến sĩ thường được yêu cầu có bài đăng trên tạp chí quốc tế trước khi có thể bảo vệ luận án. Tỉ lệ vào đại học của Trung Quốc là 21% người trong độ tuổi đã tạo ra một hệ thống giáo dục đại học lớn nhất trên thế giới, đánh dấu thời kỳ giáo dục đại học tinh hoa đã chuyển thành giáo dục đại học đại chúng (Pretorius và Xue, 2003). Tỉ lệ học sinh phổ thông vào đại học đã thay đổi từ 40% năm 1998 đến 65,5% năm 2001 (Yang, 2004).
Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế đã chứng minh hướng đi đúng trong việc phát triển nguồn nhân lực để phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đó là tăng trưởng kinh tế gắn với giáo dục đào tạo.
Kinh tế Trung Quốc đang trên đà tăng trưởng mới, công nghệ mới và mô hình kinh doanh mới. Tốc độ tăng trưởng GDP gần đây luôn ở quanh mức 6,7-6,9%, do vậy, nền kinh tế này có tiềm năng rất lớn, sẽ được hỗ trợ bởi nguồn nhân lực dồi dào, thị trường khổng lồ, công nghệ ngày càng hoàn thiện và hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh. Trung Quốc sẽ thúc đẩy tiến trình cải cách cơ cấu nguồn cung để thực hiện chuyển đổi kinh tế, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh. Đồng thời Bắc Kinh cũng cam kết nỗ lực cắt giảm tình trạng dư thừa công suất, giảm lượng hàng tồn kho và bớt gánh nặng cho doanh nghiệp. Nhờ công cuộc cải cách và mở cửa, Trung Quốc đã chứng kiến GDP hàng năm tăng trưởng trung bình 9,9% từ năm 1978 đến năm 2010. Trong giai đoạn thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011-2015), nhịp độ tăng trưởng đã chậm xuống còn 7,8%. Năm 2016, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 6,7%, đóng góp hơn 30% vào sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Hình 1. Tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của Trung Quốc (2015-2018)
Nguồn: Tradingeconomics.com/Cơ quan thống kê quốc gia của Trung Quốc
Rõ ràng, đầu tư cho giáo dục đào tạo, cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài, về thực chất, là đầu tư cho phát triển; và chăm lo cho sự phát triển toàn diện của con người chính là chăm lo cho phát triển bền vững của các quốc gia, là yếu tố bảo đảm chắc chắn nhất sự phồn vinh, hạnh phúc và thịnh vượng của mỗi quốc gia, dân tộc. Chính vì vậy, Trung quốc cần phải đẩy nhanh tốc độ đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực của đất nước, gắn cơ quan đào tạo với các viện nghiên cứu và cùng với đó là các chính sách ưu đãi cả về đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho phát triển giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học cũng như những chính sách thu hút chất xám phục vụ cho quốc gia mình.
5. Bài học kinh nghiệm về phát triển nguồn nhân lực quốc gia của Trung Quốc
Mỗi quốc gia trong quá trình phát triển đều cần xác định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Không chỉ Trung Quốc, các quốc gia trên thế giới như Singapore, Ấn Độ từ rất sớm đã xác định và thiết lập được mối quan hệ giữa phát triển các chiến lược kinh tế và chiến lược nhân lực. Đây được coi là một trong những nền tảng của sự thành công về mặt kinh tế, khoa học kỹ thuật của các quốc gia này. Việt Nam đang đặt vấn đề lấy sự phát triển nguồn nhân lực làm động lực cho tăng trưởng kinh tế thông qua sự kết hợp chặt chẽ giữa các chiến lược phát triển kinh tế và chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Chỉ có như vậy đất nước mới giải quyết tận gốc tình trạng thiếu hụt nhân lực, đồng thời biến gánh nặng dân số hiện nay thành lợi thế cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam trong thời đại công nghệ 4.0. Bên cạnh đó, chúng ta đặt ra mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2020, đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Vì vậy, phát triển nguồn nhân lực phải gắn với quá trình công nghiệp hóa, phải tạo ra lực lượng lao động thúc đẩy mạnh mẽ quá trình này
Thứ nhất, mỗi quốc gia cần phải có một chiến lược nhân tài tổng thể gắn với quy hoạch quốc gia, phải tạo những điều kiện thuận lợi, những ưu đãi hấp dẫn nhất để thu hút và sử dụng được nguồn nhân lực cao cấp là nhân tài từ nước ngoài trở về, nhân tài là người nước ngoài, từng bước tham gia cuộc cạnh tranh chất xám trên quy mô toàn cầu. Trên cơ sở đó, chúng ta mới có thể khuyến khích các nhà khoa học, du học sinh, sinh viên tốt nghiệp về nước công tác, xây dựng kế hoạch đào tạo và thu hút nhân tài cho đất nước.
Thứ hai, Trung Quốc đã chứng minh một hướng đi đúng trong việc phát triển nguồn nhân lực để phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đó là tăng trưởng kinh tế gắn với giáo dục đào tạo. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy rõ, coi trọng và quyết tâm thực thi chính sách giáo dục đào tạo phù hợp là nhân tố quyết định tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển nhanh và bền vững. Do vậy, Việt Nam cần thực hiện cải cách sâu rộng về chương trình giáo dục, đào tạo, cách dạy và học, tăng cường kết hợp giáo dục đào tạo với sản xuất, kinh doanh, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực trong từng giai đoạn phát triển của xã hội. Nhà nước cần chú trọng đầu tư để phát triển giáo dục đại học của quốc gia, phải thực sự coi giáo dục đại học là quốc sách hàng đầu, xây dựng đội ngũ giảng viên đại học có đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng. Đội ngũ giảng viên đại học cần được đào tạo trong nước, gửi đi đào tạo ở nước có nền giáo dục tiên tiến. Ngoài việc đào tạo, cần thu hút những giáo sư, những chuyên gia, những nhà hoạt động thực tiễn tài năng là Việt kiều hoặc người ngoại quốc tham gia vào đội ngũ cán bộ giảng dạy bậc đại học ở Việt Nam.
Thứ ba, Việt Nam cần đặc biệt quan tâm tạo điều kiện tốt cho nguồn nhân lực trẻ tài năng. Thế hệ trẻ là tương lai của mỗi quốc gia. Vì vậy, quốc gia nào biết quan tâm, tạo điều kiện để lực lượng nhân lực trẻ phát huy tối đa khả năng thì họ sẽ góp phần to lớn vào quá trình phát triển vững vàng của quốc gia trong tương lai. Đặc biệt, Việt Nam cần quan tâm, phát huy những tiềm năng hiện có và tăng cường năng lực cho đội ngũ “lao động chất xám”, từ đó hình thành đội ngũ các nhà khoa học giỏi, góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu, giáo dục đào tạo.
Thứ tư, nhà nước cần thực hiện hiệu quả cải cách hệ thống giáo dục đào tạo, nhất là đào tạo nghề nghiệp và kỹ năng cho người lao động, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đào tạo. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cần phù hợp với nhu cầu thị trường lao động theo ngành nghề. Trong thực tế phát triển Việt Nam hiện nay, việc đào tạo ở bậc học đại học chưa thực sự gắn chặt với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, việc lựa chọn nghề nghiệp theo học mang nhiều cảm nhận chủ quan. Dự báo quốc gia về nhu cầu lao động trong tương lai chưa có, dẫn tới tình trạng mất cân đối trong đào tạo nghề: thừa cung lao động trong một số nghề và thiếu lao động trong nhiều nghề khác - những nghề mà có rất ít học sinh nộp hồ sơ dự học, nhưng lại rất cần thiết đối với sự phát triển của đất nước. Vì vậy, đào tạo nguồn nhân lực cần phải đi theo nhu cầu thực tế của xã hội. Như vậy, Chính phủ Việt Nam cần phải thiết lập được mối quan hệ chặt chẽ giữa các chiến lược phát triển nhân lực với các chiến lược phát triển kinh tế. Mối quan hệ này thể hiện ở chỗ các chiến lược phát triển kinh tế phải chỉ rất rõ về nhu cầu nguồn nhân lực (số lượng, kỹ năng cụ thể), và đối với các cơ quan lập chiến lược phát triển nhân lực phải coi đây là những thông tin đầu vào cơ bản để xây dựng các chiến lược phát triển nguồn nhân lực.
Cuối cùng, Việt Nam cần thực hiện có hiệu quả hệ thống sử dụng nguồn nhân lực trong mối quan hệ với hệ thống đầu tư nhân lực mang lại lợi nhuận, hệ thống luân chuyển lực lượng lao động, hệ thống anh sinh xã hội với các biện pháp đảm bảo công bằng xã hội cho người lao động. Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực phải củng cố khả năng hội nhập quốc tế của Việt Nam trên cơ sở kế thừa và giữ vững những tinh hoa văn hoá dân tộc. Do đó, việc tăng cường học tập những kinh nghiệm quốc tế trong phát triển nguồn nhân lực, trong tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ sản xuất phải lựa chọn chiến lược, phương thức phát triển riêng phù hợp với truyền thống dân tộc và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Xu hướng toàn cầu hóa diễn ra một cách sâu rộng càng làm cho tài nguyên con người có tầm quan trọng đặc biệt. Cùng với đó là cuộc chạy đua giữa các quốc gia trở thành cuộc cạnh tranh về trình độ phát triển và khả năng sử dụng nguồn nhân lực. Trải qua bốn mươi năm cải cách, kinh tế Trung Quốc đã dần thay đổi từ chỗ dựa vào sức lao động giản đơn trở thành một nền kinh tế dựa vào tri thức. Do vậy, chính phủ Trung Quốc hết sức quan tâm đến việc đào tạo và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực hiện có trong nước, nhằm nâng cao chất lượng nguồn lực này thông qua các chính sách ưu tiên, hỗ trợ và phát triển. Trong thời gian qua, Trung Quốc đã nỗ lực cải thiện nguồn nhân lực trong nước và thu hút nguồn nhân lực từ ngoài nước, đặc biệt là các chính sách nâng cao chất lượng của ngành giáo dục, thực hiện hàng loạt chính sách đào tạo và sử dụng nhân lực, nhằm xây dựng toàn diện nguồn nhân lực và tạo thế mạnh cạnh tranh về lượng nhân tài. Các chính sách này đã cải thiện mạnh mẽ chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn lực con người của Trung Quốc, mang lại các kết quả vượt trội. Trung Quốc đã trở thành một ví dụ sinh động và mang lại những bài học quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực quốc gia đối với các nước đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng.
Tài liệu tham khảo
- Báo cáo phát triển nhân tài Trung Quốc – Số 3, Nhà xuất bản Văn hiến Khoa học xã hội, Viện Khoa học xã hội xuất bản, tháng 6/2006.
- Bộ Giáo dục Trung Quốc (2013, 2017), Educational Statistics in 2013, http://en.moe.gov.cn/Resources/Statistics/edu_stat_2013/2013_en02/
http://edu.people.com.cn/n1/2017/1227/c9320-29732104.html
- Bộ Giáo dục Trung Quốc (2009). The notice on the academic credentials education enrolment work for distance education pilot universities in 2009.
- Cheng, Y., and Liu, S.X. (2005), “When will Chinese universities be able to become world – class [in Chinese]?”, Journal of Higher Education 26 (4), 1-6.
- China Higher Education Research Editorial Department (2013), “Statistic analysis of theses on education-oriented scientific research in Chinese higher institutions in year 2012 (in Chinese”,China Higher Education Research (4), 5-10.
- China Institute for Science and Technology Information (2005), 2004 statistical analysis of science and Technology articles of China, December.
- Federal Ministry of Education and Research (BMBF) & German-Chinese Cooperation in Science & Research (2015), China Strategy 2015-2020: Strategic Framework for Cooperation with China in Research, Science and Education.
- Ke, J., Chermack, T., Lee, Y., and Lin J. (2006), “National human resource development in transitioning societies in the developing world: the People’s Republic of China”, Advances in Developing Human Resources, 8(1), 28-45.
- Liu, A., and Wall, G. (2005), “Human resources development in China”, Annals of Tourism Research, 32 (3), tr. 689 - 710.
- Liu, S.X. and Liu, N.C. (2005), “Classification on Chinese higher education institutions [in Chinese]”, Journal of Higher Education26(7): 40-44.
- Ma, D., and Adams, W. (2013), In Line Behinda Billion People: How Scarcity Will Define China'sAscent in the Next Decade, Pearson FT Press.
- Ma, W. (2007), The Flagship University and China’a Economic Reform, Transforming Research Universities in Asia and Latin America: World-Class Worldwide. Editted by Philip Altbach&Jorge Balán, Johns Hopkins University Press.
- Pretorius, S.G., and Xue, Y.Q. (2003), “The transition from elite to mass higher education: A Chinese perspective”, Prospects, 33(1), 89-101.
- Simon, D.F., and Cao, C. (2006), China’s emerging science and technology talent pool: a quantitative and qualitative assessment, Institute of International Relations and Commerce, State University of New York, USA.
- Tạ Bá Hưng và các cộng sự (2010), Các chiến lược và chính sách của trung quốc nhằm thúc đẩy đổi mới giáo dục đại học và đào tạo nhân công tay nghề cao, Cục thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
- Wang, H. (2010), China's national talent plan: Key measures and objectives, Brookings Institution.
- Yang, B., Zang, D., and Zang, M. (2004), “National Human Resources Development in the Republic of China”, Advances in Developing Human Resources, (6)3, 297-306.
- Yang, R. (2004), Toward massification: Higher education development in the People’s Republic of China since 1949. In Smart, J.C. (ed.) Higher Education: Handbook of Theory and Research, pp.311-374. Dordrecht: Kluwer Academic Publishers.
- THE Emerging Economies University Rankings, 2018.
[1] Bài viết là sản phẩm của Đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong cơ chế thị trường” (thuộc Chương trình KHCN Giáo dục Quốc gia giai đoạn 2016-2020), mã số KHGD/16-20.ĐT.019.
[2] Trường Đại học Ngoại thương, email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó.
[3] Trường Đại học Ngoại thương, email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó.