Sidebar

Magazine menu

29
T6, 03

Tạp chí KTĐN số 91

CẤU TRÚC TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN NGOẠI THƯƠNG TRONG ĐIỀU KIỆN HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

CẤU TRÚC TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN NGOẠI THƯƠNG TRONG ĐIỀU KIỆN HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

Phùng Thị Lan Hương[1]

Tóm tắt

Khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới, việc áp dụng việc áp dụng tiêu chuẩn Basel II đối với NHTMCP Ngoại thương là một xu hướng tất yếu và bắt buộc. Việc áp dụng chuẩn Basel II buộc ngân hàng phải cân đối giữa tăng trưởng tín dụng và tỷ lệ an toàn vốn. Vì vậy, việc thiết lập cấu trúc tài chính cho NHTMCP Ngoại thương Việt Nam đã trở nên cấp thiết, một mặt đảm bảo sự an toàn vốn, mặt khác giúp gia tăng giá trị của ngân hàng, tăng cường việc thu hút và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đầy biến động.

Từ khóa: cấu trúc tài chính, ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam, hội nhập kinh tế quốc tế

Abstract

As Vietnam integrates into the world market, an application of Basel II standard to Joint stock commercial bank for foreign trade of Vietnam becomes an indispensable and compulsory trend. It requires the bank have to balance between credit growth and equity ratio. Therefore, it is important to set up a financial structure of Joint stock commercial bank for foreign trade of Vietnam, that in order to ensuring equity, increasing bank's value, attracting and using effectively investment in the complex global conditions. 

Key words: financial structure, Joint stock commercial bank for foreign trade of Vietnam‎, international economic integration 

  1. Đặt vấn đề

Các ngân hàng thương mại giữ vị trí chủ đạo trong hệ thống tài chính, là kênh huy động vốn chủ yếu góp phần vào mức tăng trưởng đầu tư toàn xã hội và tăng trưởng kinh tế. Hội nhập kinh tế quốc tế đem lại những cơ hội cũng như thách thức đối với các NHTM Việt Nam đặc biệt với sự tham gia của các NHTM đến từ các khu vực tài chính phát triển như Mỹ, Anh, Singapore, Nhật Bản…Điều đó buộc các quốc gia phải quan tâm, đánh giá lại toàn bộ hoạt động của NHTM trong đó có NHTMCP Ngoại thương Việt Nam. Thêm vào đó, khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới, việc áp dụng việc áp dụng tiêu chuẩn Basel II đối với NHTMCP Ngoại thương là một xu hướng tất yếu và bắt buộc. Việc áp dụng chuẩn Basel II buộc ngân hàng phải cân đối giữa tăng trưởng tín dụng và tỷ lệ an toàn vốn. Vì vậy, việc thiết lập cấu trúc tài chính cho NHTMCP Ngoại thương Việt Nam đã trở nên cấp thiết, một mặt đảm bảo sự an toàn vốn, mặt khác gia tăng giá trị của ngân hàng, tăng cường việc thu hút và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đầy biến động.

  1. Cấu trúc tài chính ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam

Cấu trúc tài chính là cơ cấu các loại nguồn vốn hình thành nên các loại tài sản của ngân hàng. Một cơ cấu nguồn vốn hợp lí, cân đối với tài sản của ngân hàng sẽ đảm bảo cho hoạt động của ngân hàng được ổn định và vững chắc. Phân tích cấu trúc tài chính của VCB là việc đánh giá tính hợp lí của cơ cấu nguồn vốn xét trong mối liên hệ với cơ cấu tài sản của ngân hàng.

Bảng 1 Cấu trúc tài chính của VCB

                                                                                                            Đơn vị tính: Tỷ đồng

 

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

2012

2013

2014

2015

2016

B. Nợ phải trả và vốn CSH

 

Tỷ đồng

414,488

468,994

576,996

674,395

788,169

I. Nợ phải trả

Tỷ đồng

372,941

426,608

533,523

629,223

 738,874

II. Vốn chủ sở hữu

Tỷ đồng

41,547

42,386

43,473

45,172

 49,295

Tổng Nguồn Vốn

Tỷ đồng

414,488

468,994

576,996

674,395

 788,169

Nợ/VCSH

 

898%

1006%

1227%

1393%

 1499%

Nợ/Tổng nguồn vốn

 

89.98%

90.96%

92.47%

93.30%

 93,75%

(Nguồn Báo cáo tài chính VCB 2012-2016)

Đánh giá cấu trúc tài chính của VCB trong 5 năm 2012-1016 có thể nhận thấy tỷ lệ nợ của VCB trong những năm vừa qua đều dao động trong khoảng 90% - 94% . Trong năm 2012, tỷ lệ nợ của ngân hàng ở mức thấp nhất cũng gần 90% và liên tục gia tăng đến 2016. Nguyên nhân của sự thay đổi này là do vốn chủ sở hữu của ngân hàng tăng rất ít so với tổng nguồn vốn từ 414 tỷ đồng lên 788 tỷ đồng. Trong 5 năm sau đó, vốn chủ sở hữu đã tăng mạnh, gần 50%.

 Trong khi đó, tổng nợ của ngân hàng có sự tăng trưởng khá mạnh mẽ. Nếu như năm 2012, tổng nợ của ngân hàng 372 tỷ đồng thì trong 5 năm kế tiếp, khối lượng nợ đã tăng mạnh gấp đôi đạt mức 738 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ/VCSH ngày càng tăng. Năm 2012 tỷ lệ nợ này đạt 898%. Trong 5 năm sau đó, tỷ lệ này đạt 1499%.

Về cơ cấu nợ của VCB, trong cơ cấu tổng nợ của ngân hàng, nguồn vốn huy động từ tiền gửi của khách hàng luôn đóng vai trò chủ đạo và có khối lượng tăng trưởng khá ổn định trong cả giai đoạn. Năm 2013, tổng nguồn vốn huy động từ khách hàng của VCB đã tăng 46.864 tỷ đồng so với năm 2012 lên 285.381 tỷ đồng. Năm 2014, tổng nguồn vốn huy động từ khách hàng đã tăng 89.958 tỷ đồng so với năm 2013. Năm 2015, tổng nguồn vốn huy động từ khách hàng đã tăng 78.324 tỷ đồng so với năm 2014. Năm 2016, tổng nguồn vốn huy động từ khách hàng của VCB đã tăng 89.869 tỷ đồng so với năm 2015. Trong 5 năm, khối lượng tăng của nguồn vốn huy động này có xu hướng dao động trong khoảng 47.000 tỷ đồng đến 90.000 tỷ đồng và đạt 590.398 tỷ đồng vào 2016.

Nợ ngắn hạn đóng vai trò chủ đạo trong tổng nợ phải trả của ngân hàng VCB trong giai đoạn 2012-2016. Năm 2012, nợ ngắn hạn chiếm 92,35% so với tổng nợ phải trả, trong khi đó nợ dài hạn chiếm 7,65%. Đến năm 2013, tỷ lệ nợ ngắn hạn tăng lên 95,89% so với tổng nợ phải trả, nợ dài hạn giảm xuống còn 4,11%. Năm 2016, tỷ lệ nợ ngắn hạn tăng lên 97,01% so với tổng nợ phải trả. Điều này xảy ra là do tổng nguồn vốn huy động từ khách hàng ngày càng tăng, chứng tỏ ngân hàng là một kênh đầu tư an toàn cho khách hàng.

Trong cơ cấu nợ của VCB, hoạt động huy động tiền gửi của VCB là hoạt động chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các hoạt động của nguồn vốn, vào khoảng 69% cho giai đoạn 2012-2016.

Theo như số liệu trong bảng, ta có thể nhận thấy lượng tiền gửi huy động từ khách hàng đã tăng đáng kể trong giai đoạn từ 2012-2016. Nếu như năm 2012, lượng tiền gửi huy động được chỉ vào khoảng 285.381.722 triệu đồng thì đến năm 2016  lượng tiền gửi đã lên đến 590,398,105 triệu đồng, tăng hơn 300.000.000 triệu đồng.

Tốc độ tăng trung bình của tiền gửi huy động là 20%, trong đó, năm có tốc độ tăng cao nhất là 2014, tăng 27,08% so với 2013, tăng thêm 89,958,182 triệu đồng. Trong các năm 2013, 2015, 2016 tốc độ tăng trưởng tiền gửi huy động được lần lượt là 16,42%, 18,55%, 17,96%.

Qua tốc độ tăng trưởng ta có thể thấy năm 2013 tốc độ tăng trưởng tiền gửi là thấp nhất. Tuy nhiên, nếu xét về mặt giá trị tăng thêm của lượng tiền gửi huy động thì năm 2013 có thể được coi là năm thành công của ngân hàng khi số lượng tiền gửi đã tăng thêm 46.863.876 triệu đồng, thể hiện nỗ lực cố gắng của ngân hàng trong điều kiện tình hình kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng đang gặp nhiều khó khăn.  Năm 2015, lượng tiền gửi huy động thêm của toàn hệ thống ngân hàng tăng chỉ vào khoảng 78.324.487 triệu đồng nhưng năm 2016 lại tăng thêm vượt bậc, tăng từ 674.394.640 triệu đồng lên 788.169.080 triệu đồng (tăng thêm 89.869.838 triệu đồng).

Biểu 1: Cơ cấu nợ phải trả của VCB 

 (Nguồn Tổng hợp báo cáo tài chính của VCB 2012-2016)

Đối với khoản tiền vay dài hạn từ nhà nước và các tổ chức tín dụng khác:

Tiền vay từ nhà nước và các tổ chức tín dụng thuộc nguồn vốn trung và dài hạn của ngân hàng. Ta có thể thấy, tỷ trọng của loại hình tiền vay này vào khoảng 14,20% vào năm 2012 thì trong 4 năm tiếp theo, tỷ trọng đã tăng nhẹ và được duy trì ổn định ở mức 16%. Năm 2014 là năm có lượng tiền vay tăng nhẹ so với năm trước đó, tuy nhiên tốc độc tăng của tiền vay nhà nước và các TCTD thấp hơn tốc độ tăng của nguồn vốn, nên tốc độ tăng trưởng giảm là 26,95% đạt 97.330 tỷ đồng, chiếm 16.87% tổng nguồn vốn ngân hàng. Năm 2015, tốc độ tăng trưởng là 16,73%, chiếm 16,85% tổng nguồn vốn. Năm 2016, khoản tiền vay này có tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong giai đoạn này là 111,24 chiếm 16,04% tổng nguồn vốn ngân hàng và kết thúc năm, tiền vay ngân hàng và các tổ chức tín dụng đạt 126.389 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu:

Hoạt động vốn chủ sở hữu của VCB trong giai đoạn 2012 - 2016 diễn ra không sôi động như hoạt động huy động nợ nhưng lại có những điểm nhấn đáng chú ý. Tổng nguồn vốn qua các năm đều tăng. Tuy nhiên tốc độ tăng của nguồn vốn chủ sở hữu thấp hơn tốc độ tăng của nợ phải trả nên tỷ lệ VCSH/Tổng nguồn vốn có xu hướng giảm. Nếu như trong năm 2013, VCSH của ngân hàng tăng chậm với tốc độ chỉ 2,02% tương đương khối lượng 839 tỷ đồng thì đến năm 2016, vốn chủ sở hữu đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Năm 2016, VCSH đã tăng 18,6% so với năm 2012 tương đương 7.748 tỷ đồng lên 49.294 tỷ đồng. Đây là những con số khá ấn tượng về VCSH trong khoảng thời gian những năm giữa của giai đoạn 2012-2016. Tuy vậy, cấu trúc tài chính của VCB vẫn không thay đổi nhiều sau 5 năm.

Nhìn chung, cấu trúc tài chính của VCB diễn ra khá ổn định trong giai đoạn 2012-2016 và không có nhiều biến động. Nguyên nhân của tình trạng này là do:

  • Tổng nguồn vốn của ngân hàng có khối lượng là rất lớn, trong khi đó, sự biến động của từng năm lại không diễn ra mạnh mẽ và do đó không làm biến đổi mạnh cấu trúc tài chính ngân hàng.
  • Các chính sách quản lý vốn của ngân hàng đã phát huy hiệu quả khi vẫn duy trì được cấu trúc tài chính ổn định trong cả giai đoạn.
  • Cho dù nợ phải trả có tăng mạnh trong những năm qua về khối lượng và đôi khi làm giảm tỷ trọng VCSH nhưng sau đó ngân hàng đã có điều chỉnh tăng VCSH để đưa cấu trúc tài chính về mức độ ổn định và duy trì đến hết giai đoạn.

3. Đánh giá thực trạng cấu trúc tài chính của VCB

-    Tổng nợ của ngân hàng tăng với khối lượng ổn định qua các năm

Khối lượng tổng nợ tăng với tốc độ ổn định và duy trì ở mức trung bình là 91.521 tỷ đồng/ năm. Không những thế, sự gia tăng của nợ cùng với sự gia tăng của vốn chủ sở hữu ở giai đoạn 2015-2016 đã góp phần làm giảm tỷ lệ nợ trong cấu trúc tài chính của ngân hàng, qua đó làm giảm các rủi ro của ngân hàng và giúp ngân hàng phát triển ổn định.

  • Sự duy trì ổn định cấu trúc tài chính ngân hàng

Các nguồn vốn của ngân hàng, đặc biệt là nguồn vốn ngắn hạn được duy trì khá ổn định trong 4 năm đầu và có sự biến đổi tăng mạnh trong tỷ trọng vào năm 2016. Điều này là dễ hiểu bởi trong năm 2016 đã diễn ra cuộc đua lãi suất giữa các ngân hàng thương mại, các kì hạn lãi suất ngắn hạn đều được đặt cao hơn so với lãi suất dài hạn, do đó các luồng tiền ngắn hạn đều tập trung vào các kì hạn này và làm tỷ trọng vốn ngắn hạn tăng lên trong cấu trúc tài chính của ngân hàng.

Biểu đồ 2: Cơ cấu nguồn vốn của VCB

( Nguồn báo cáo tài chính VCB 2012-2016)

  • Các hệ số rủi ro của doanh nghiệp đang giảm và được duy trì ở mức độ ổn định - đây là yếu tố đánh giá cấu trúc tài chính hợp lý

Bảng 2: Các số liệu rủi ro của VCB

Chỉ tiêu

2012

2013

2014

2015

2016

Hệ số rủi ro DN

13,9

12,1

10,9

6,6

7,9

Hệ số đòn bẩy tài chính

9.2

10.2

10.5

12,9

15.56

Hệ số đòn bẩy hoạt động

1,05

1,08

1,05

1,19

1,21

(Nguồn Báo cáo tài chính của VCB 2012-2016)

Hệ số rủi ro doanh nghiệp của ngân hàng ở năm 2012 vẫn còn khá cao (13,9) thì đến năm 2016, hệ số này đã giảm mạnh xuống còn 7,9.

Hệ số đòn bẩy tài chính tăng qua các năm. Hệ số đòn bẩy hoạt động được duy trì khá ổn định trong cả giai đoạn 2012-2016. Xét chung trong giai đoạn này, hệ số đòn bẩy hoạt động của ngân hàng là vào khoảng 1.116. VCB là một trong những ngân hàng sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức thấp nhất. Tính đến hết ngày 30/06/2016, nợ phải trả của VCB gấp khoảng 12,9 lần vốn chủ sở hữu. Trong khi đó, nợ phải trả của Vietinbank gấp khoảng 13,3 lần vốn chủ sở hữu. Con số này ở BIDV lên tới 19,9 lần.

Một chỉ tiêu đánh giá cấu trúc tài chính được coi là hợp lý nếu như ngân hàng duy trì tỷ lệ lợi nhuận trên một cổ phần(EPS) tối đa hóa. So sánh EPS của VCB với các ngân hàng Vietinbank, BIDV có thể thấy EPS có sự tăng trưởng mạnh trong 3 năm gần đây, đặc biệt đạt mức 28% vào năm 2016 tăng 12% so với năm 2015. Trong khi đó Vietinbank tăng trưởng chậm và thấp hơn 9%, BIDV thấp hơn nhiều thậm chí giảm trưởng -29%.

Bảng 3: Tỷ lệ EPS của một số ngân hàng

Chỉ tiêu

2012

2013

2014

2015

2016

VCB

4%

-1%

6%

16%

28%

Vietinbank

-2%

-6%

-1%

0%

19%

BIDV

3%

-100%

23%

27%

-2%

(Nguồn Báo cáo tài chính các ngân hàng VCB, BIDV, Vietinbank)

Hệ số an toàn vốn(CAR) của VCB có sự giảm sút song vẫn đạt mục tiêu của Ngân hàng nhà nước đạt ra.

Bảng 4: Hệ số an toàn vốn của VCB

 

2012

2013

2014

2015

2016

VCB

14,63%

13,13%

11,61%

11,04%

 10.25%

(Nguồn Báo cáo thường niên của VCB)

Để đạt cấu trúc tài chính tối ưu, đạt hệ số an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II, VCB cần gia tăng nhu cầu vốn. Để đạt chuẩn Basel II  hệ số an toàn vốn 9% thì nhu cầu vốn VCB là 9100 tỷ đồng (mức tối thiểu CAR 8% thì nhu cầu vốn của VCB đạt 2600 tỷ đồng). Trong khi đó, hiện tại theo chuẩn Basel II hệ số CAR của VCB mới đạt 7.5%, cao hơn so với Vietinbank và BIDV.

Rõ ràng, áp lực tăng vốn là rất lớn trong khi diễn biến năm 2016 cho thấy, tăng vốn cấp 1 là không dễ dàng do: nguồn lực trong nước hạn chế; hạn chế áp dụng Basel II, huy động vốn nước ngoài gặp khó khăn do trần sở hữu nước ngoài và kỳ vọng lớn từ giá bán của cơ quan quản lý. Trong khi đó, tăng vốn cấp 2 cũng sẽ gặp nhiều khó khăn do quy định mức trần cho phép. Trong thời gian tới để tăng vốn VCB có thể phát hành thêm trái phiếu và Ngân hàng nhà nước cần tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

VCB có thể  gia tăng vốn tự có về lượng và chất khi tăng tỷ lệ lợi nhuận giữ lại. Phần vốn tự có tăng thêm do trích từ lợi nhuận, ngân hàng không phải trả phí, vì vậy đây là nguồn vốn có chi phí thấp và được coi là có chất lượng. Như vậy, VCB có thể chủ động hoàn toàn khi tăng vốn tự có bằng cách tăng tỷ lệ lợi nhuận giữ lại.

Bảng 5: Hệ số CAR của các NHTM và nhu cầu vốn

Chỉ tiêu

CAR 2015

CAR 2016

CAR (Basel 2)

Nhu cầu vốn

(tỷ đồng)

VCB

11.91%

10.29%

7.50%

9200

Vietinbank

10.30%

9.74%

7%

19135

BIDV

9%

8.76%

6.50%

22040

(Nguồn tính toán của VCBS 2016)

Tóm lại, việc thiết lập cấu trúc tài chính hợp lý và tối ưu của VCB là yếu tố nền tảng cho hoạt động của ngân hàng, đảm bảo sự an toàn và phát triển bền vững của ngân hàng, cùng với áp dụng tiêu chuẩn Basel II- tiêu chuẩn toàn cầu có vai trò duy trì đủ nguồn vốn bù đắp cho các khoản lỗ có thể phát sinh từ những rủi ro mà ngân hàng đang nắm giữ. 

Như vậy, trong giai đoạn 2012-2016, cấu trúc tài chính của VCB có tồn tại mức độ rủi ro cao ở những năm đầu nhưng những năm gần đây đã được cải thiện và dần đi vào ổn định, thể hiện các chính sách quản lý của ngân hàng đã phát huy hiệu quả tốt. Tuy nhiên, khi Việt Nam triển khai Basel II chính thức, VCB phải thường xuyên phân tích, đánh giá dự báo để có các biện pháp xây dựng chấn chỉnh cấu trúc tài chính hợp lý trong từng thời kỳ, từng giai đoạn phát triển có khả năng chịu đựng được rủi ro.

Tài liệu tham khảo

  1. Phan Thị Thu Hà(2007), Ngân hàng thương mại, Nxb Đại học Kinh tế Quốc dân
  2. Nguyễn Năng Phúc (2011), Phân tích báo cáo tài chính, Nxb Đại học Kinh tế Quốc dân.
  3. Nguyễn Văn Tiến (2015), Quản trị ngân hàng thương mại, Nxb Lao động.
  4. Hệ thống báo cáo tài chính của VCB 2012-2016. 

[1] Đại học Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp Hà Nội, Email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó.