Tuân thủ của doanh nghiệp đối với trách nhiệm sản phẩm và một số khuyến nghị cho các doanh nghiệp Việt Nam
Tăng Văn Nghĩa[1]
Tóm tắt
Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và kinh tế thị trường làm cho hoạt động sản xuất hàng hóa mang tính hàng loạt và kéo theo là yêu cầu đảm bảo chất lượng cũng như trách nhiệm của nhà sản xuất đối với sản phẩm của doanh nghiệp được nâng cao hơn bao giờ hết. Tuân thủ quy định về chất lượng cũng như chịu trách nhiệm khi sản phẩm không đảm bảo an toàn là yêu cầu nghiêm ngặt đặt ra đối với nhà sản xuất. Những vụ việc vụ bồi thường thiệt hại ra do hàng hóa không đảm bảo chất lượng hoặc có khuyết tật gây thiệt hại cho người sử dụng không chỉ là rủi ro rất lớn về tài chính mà còn làm sói mòn uy tín cũng như thương hiệu của doanh nghiệp. Bởi vậy, tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng và trách nhiệm đối với sản phẩm góp phần giúp doanh nghiệp tránh được những rủi do về vật chất cũng như phải tham gia các thủ tục pháp lý không mong muốn dưới giác độ của trách nhiệm sản phẩm. Bài viết này đề cập đến sự tuân thủ các quy định về chất lượng sản phẩm và trách nhiệm của nhà sản xuất đối với sản phẩm, qua đó đưa ra một số khuyến nghị giúp doanh nghiệp quản trị rủi ro không tuân thủ dưới giác độ của trách nhiệm sản phẩm khi lưu thông trên thị trường.
Từ khóa: Chất lượng sản phẩm, trách nhiệm sản phẩm, tuân thủ của doanh nghiệp (corporate compliance).
Abstract
Globalization, international integration and market economy, despite having boosted mass production all over the world, have led to the increase in the levels of requirements on the quality assurance and the liability of producers to their products. As a result, complying with the regulations on product quality and taking charge of solving the cases of unsafe products are among strict requirements which must be met by producers. The damage compensations due to the cases that goods do not meet the quality standards or they have defects, which negatively affect users, are not only considered to be the high risks to firms’ finance, but also diminish their reputation and fame. Therefore, the compliance with regulations on standards, quality and product liability help firms to avoid those financial risks and unwanted legal procedures regarding product liability. This paper focuses on the corporate compliance with regulations on product quality and product liability, and then aims at suggesting for firms to manage the risks originated from non-compliance related to that product liability in the market circulation.
Keywords: product quality, product liability, corporate compliance
1. Khái quát
Tuân thủ (pháp luật và các quy định có tính ràng buộc khác – Corporate Compliance) thuộc phạm vi quản trị tuân thủ của doanh nghiệp nói chung. Corporate Compliance là một yêu cầu phổ quát đối với doanh nghiệp tại các nước có nền kinh tế thị trường hiện đại và phát triển ở trình độ cao. Corporate Compliance được hiểu là ý thức tôn trọng và tuân thủ nhằm đảm bảo mọi hoạt động của doanh nghiệp phù hợp với pháp luật, bao gồm cả việc phù hợp với các quy tắc khác của đời sống xã hội có liên quan cũng như các quy tắc thực hành kinh doanh do chính doanh nghiệp đưa ra (Behringer, 2011), một cách tự nguyện dựa trên nhận thức và niềm tin của doanh nghiệp.
Corporate Compliance bao hàm một yếu tố quan trọng trong đó có tuân thủ các quy định về chất lượng sản phẩm và trách nhiệm của nhà sản xuất khi cung cấp sản phẩm không đảm bảo an toàn[2]. Nội dung tuân thủ pháp luật trách nhiệm sản phẩm là toàn bộ quá trình hoạt động của doanh nghiệp từ lập kế hoạch cho đến triển khai các các quyết định sản xuất, kinh doanh phù hợp với quy định của pháp luật về tiêu chuẩn chất lượng, quy tắc, tập quán kinh doanh một cách tự nguyện. Sự tuân thủ của doanh nghiệp đòi hỏi phải đáp ứng cả những yêu cầu ngoài pháp luật nếu đó là yêu cầu doanh nghiệp phải tiến hành hành vi phù hợp với lợi ích của chủ thể khác, phù hợp với chuẩn mực đạo đức kinh doanh thông thường (Cannon, 2012).
Tuân thủ của doanh nghiệp (theo nghĩa được sử dụng ở đây) là vấn đề mang tính tự ý thức và thể hiện thông qua mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với pháp luật và các yếu tố ràng buộc khác. Tuân thủ thể hiện từ yêu cầu cơ bản cho đến một chương trình tuân thủ (nâng cao) được xây dựng mang tính hệ thống nhằm phát hiện, ngăn ngừa và kiểm soát mọi hoạt động sản, xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong thời đại ngày nay, hệ thống quản trị ở những công ty, tập đoàn lớn được nâng lên ở cấp độ cao hơn, theo đó, tuân thủ được nhấn mạnh nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp định hướng, kiểm soát và đánh giá được những rủi ro không tuân thủ. Tuân thủ góp phần làm cho doanh nghiệp nâng cao vị thế trên thị trường và chiếm được lòng tin của khách hàng đối với chính bản thân doanh nghiệp. Sự tuân thủ cũng sẽ làm cho doanh nghiệp tránh được những rủi ro không đáng có do các hoạt động kinh doanh không tuân thủ. Để quản trị tuân thủ được thực hiện có tính hệ thống, doanh nghiệp thường xây dựng và vận hành chương trình tuân thủ (Corporate Compliance Program) phù hợp và có hiệu lực để đảm bảo toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp diễn ra an toàn, tránh được rủi ro (Tăng Văn Nghĩa&Lê Phương Hà, 2014). Chương trình tuân thủ thể hiện tính tự ý thức và nhận thức về pháp luật của doanh nghiệp (trước hết là của nhà quản trị) trong việc xây dựng kế hoạch và công khai việc thực hiện trách nhiệm xã hội, tuân thủ pháp luật nói chung, đảm bảo chất lượng và pháp luật trách nhiệm sản phẩm nói riêng. Chương trình tuân thủ của doanh nghiệp bao gồm toàn bộ chính sách, nội dung, quy trình, các biện pháp tiến hành và kiểm soát nhằm đảm bảo sự tuân thủ pháp luật và các yêu cầu liên quan khác đối với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Đây cũng là sự cam kết của doanh nghiệp trong việc tôn trọng lợi ích của khách hàng/người tiêu dùng dưới giác độ của chất lượng và trách nhiệm sản phẩm.
Chương trình tuân thủ nói chung không chỉ được từ phía doanh nghiệp quan tâm, mà chính các quốc gia, tổ chức quốc tế có lĩnh vực hoạt động liên quan thúc đẩy nhằm tạo môi trường kinh doanh tốt và tôn trọng quyền lợi của người tiêu dùng. Những quy tắc ràng buộc hoặc những khuyến nghị (luật mềm – softlaw) về chương trình tuân thủ được các tổ chức có liên quan đưa ra đối với doanh nghiệp như: Hướng dẫn của OECD (The OECD good practice guidance for company compliance and ethics programs), hay các quy tắc về tuân thủ đối với ngân hàng thương mại trong Hiệp ước vốn Basel II[3] nhằm tạo ra sự an toàn về vốn và quản lý rủi ro cho các ngân hàng thương mại.
Đối với chế độ trách nhiệm sản phẩm, chương trình tuân thủ thể hiện sự bảo đảm và cam kết của doanh nghiệp về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm và chịu trách nhiệm của mình đối với hàng hóa mà mình đưa vào lưu thông nếu không đảm an toàn hay gây thiệt hại cho người sử dụng. Nhiều cấp quản trị chiến lược nhận ra rằng tuân thủ là tiêu chuẩn tối thiểu của hoạt động doanh nghiệp, nó sẽ tác động tới sự mong đợi của khách hàng về tính hợp pháp trong các hoạt động của doanh nghiệp (Donna/Schulz, 2005). Sự tuân thủ pháp luật về chất lượng sản phẩm luôn luôn là tiền đề cho việc đảm bảo tính khả thi cũng như tính hiệu quả của quá trình thực thi pháp luật về trách nhiệm sản phẩm ở khía cạnh tác động trước. Hoạt động sản xuất và đưa hàng hóa vào lưu thông của doanh nghiệp chỉ diễn ra theo các quy trình, tiêu chuẩn, quy tắc thực hành kinh doanh tốt và sẵn sàng chịu trách nhiệm nếu sản phẩm/hàng hóa đó nếu gây thiệt hại cho người sử dụng. Sự hiểu biết và ý thức tôn trọng quy định về chất lượng sản phẩm và trách nhiệm của người sản xuất làm cho họ có thể nhận biết được trách nhiệm của họ khi kinh doanh hàng hóa hữu hình. Doanh nghiệp phải tự ý thức được trách nhiệm của mình trước vi phạm trong việc đảm bảo chất lượng có thể gây tổn hại cho chủ thể khác, cho người tiêu dùng thì thị trường mới tránh được những ảnh hưởng tiêu cực. Chẳng hạn, doanh nghiệp cam kết công khai chính sách tuân thủ các yêu cầu về chất lượng thì việc thực hiện chế độ trách nhiệm đối với sản phẩm khuyết tật khi đưa vào lưu thông trên thị trường sẽ được đảm bảo hơn.
Dưới giác độ quyền lợi của người tiêu dùng, nếu có nhận thức đầy đủ về trách nhiệm sản phẩm, người tiêu dùng có thể thực hiện được quyền tự bảo vệ quyền lợi của chính đáng thông qua sự phản ứng nhất định trước những trường hợp sản phẩm đưa vào sử dụng gây tổn thất cho bản thân thân họ. Ý thức tự bảo vệ của người tiêu dùng/khách hàng thông qua pháp luật sẽ là áp lực buộc doanh nghiệp phải có nhận thức tốt hơn về trách nhiệm của doanh nghiệp trước những sản phẩm bị lỗi. Điều này sẽ làm giảm đi những nguy cơ không tuân thủ các yêu cầu chặt chẽ và nghiêm ngặt về đảm bảo chất lượng. Những hàng hóa đặc biệt có ý nghĩa trong việc thực hiện yêu cầu tuân thủ chất lượng và trách nhiệm như dược phẩm, thực phẩm, các hàng hóa là phương tiện kiểm tra, điều trị bệnh nhân, những hàng hóa có yêu cầu chính xác về thành phần hóa học nguy hiểm… Nhóm hàng hóa này thường đi kèm với những nguy cơ cao về đòi bồi thường thiệt hại do tính chất nhạy cảm về chất lượng dễ dẫn đến không đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
2. Quản trị tuân thủ: khía cạnh quy định về trách nhiệm sản phẩm
Tuân thủ pháp luật và các yếu tố ràng buộc có liên quan vốn là yêu cầu bắt buộc đối với mọi chủ thể kinh doanh (doanh nghiệp). Quản trị tuân thủ (Compliance Management) là một khái niệm thuộc phạm trù của quản trị doanh nghiệp gắn với yếu tố pháp luật cũng như yêu cầu tuân thủ khác. Quản trị tuân thủ phản ánh hệ thống định hướng và kiểm soát của của doanh nghiệp đối với việc tuân thủ pháp luật và các quy tắc, tập quán kinh doanh thông qua quá trình và những biện pháp tác động phù hợp (Pape, 2011). Quản trị tuân thủ được thực hiện thông qua các bước hoạch định, tổ chức thực hiện, phân công công việc và kiểm tra, giám sát quá trình tuân thủ của toàn bộ hệ thống. Chính sách tuân thủ được coi như linh hồn của chương trình tuân thủ nên doanh nghiệp luôn luôn phải xác định rõ chính sách tuân thủ trong hệ thống quản trị tuân thủ của mình. Mục tiêu của chính sách tuân thủ luôn luôn hướng tới việc sử dụng các nguồn lực tuân thủ hiệu quả và phải đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động an toàn về mặt pháp lý, tránh rủi ro không tuân thủ và tôn trọng lợi ích của người tiêu dùng. Những mục tiêu trên phải được xác định rõ ràng và quán triệt tới mọi thành viên của doanh nghiệp, thậm chí tới khách hàng và đại lý của doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng hoặc mạng lưới liên kết của doanh nghiệp. Sự tuân thủ của khách hàng hay đại lý của doanh nghiệp trong mang lưới liên kết cũng sẽ góp phần làm cho hoạt động quản trị tuân thủ của doanh nghiệp dưới giác độ của trách nhiệm sản phẩm đạt hiệu quả cao.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải có tổ chức và nguồn nhân lực đủ năng lực cũng như có nguồn tài chính đủ để thực thi chương trình tuân thủ. Việc khuyến khích tuân thủ nghiêm ngặt quy trình đảm bảo chất lượng và trách nhiệm sản phẩm thông qua đánh giá công việc, chế độ đãi ngộ thỏa đáng và dành cơ hội phát triển sẽ tạo đông lực cho mọi thành viên tự giác tuân thủ hơn. Việc việc tuân thủ thẩm thấu vào văn hóa tổ chức công việc và coi đó là phương châm hành động của mình sẽ làm cho mục tiêu của quản trị dễ dàng đạt được.
Chính sách khuyến khích tuân thủ cũng thường phải đi kèm với các biện pháp gây hậu quả bất lợi đối với những thành viên không sẵn sàng thực hiện đúng chương trình tuân thủ (Tăng Văn Nghĩa&Lê Phương Hà, 2014). Những biện pháp này thường phải áp dụng khách quan, công khai và công bằng đối với tất cả mọi thành viên trong doanh nghiệp và không có vùng cấm. Thông qua hoạt động kiểm soát và theo cơ chế thích hợp, nhà quản trị có thể phát hiện, ngăn ngừa nguy cơ không tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn, hay quy trình sản xuất sản phẩm của doanh nghiệp cũng như ứng xử trước những vấn đề phát sinh của trách nhiệm sản phẩm của mọi bộ phận chức năng và thành viên. Việc phân tích, nhận diện rủi ro và các nguy cơ tổn hại đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp do không tuân thủ sẽ được thực hiện bởi chức năng của chương trình tuân thủ (Siedenbiedel, 2014) gắn với yếu tố con người trong doanh nghiệp.
Thông thường, để tránh những rủi ro không tuân thủ trong kinh doanh, doanh nghiệp thường phải sử dụng hệ thống quản trị tuân thủ phù hợp, hiện đại và vận hành chương trình này hiệu quả (Oded, 2014). Đảm bảo chất lượng sản phẩm một yêu cầu lớn của tuân thủ, đồng thời là một quy trình nghiêm ngặt mà doanh nghiệp phải tuân theo trong chu trình sản xuất. Điều này có nguyên nhân là việc đòi bồi thường thiệt hại (thường là không thỏa đáng) do trách nhiệm sản phẩm (Tăng Văn Nghĩa, 2008) sẽ tác động tiêu cức lớn đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Giới hạn bồi thường thiệt hại sẽ không phụ thuộc vào giá trị hợp đồng giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng (khách hàng) mà chỉ căn cứ vào thiệt hại thực tế đối với người sử dụng mà nguyên nhân trực tiếp là do hàng hóa khuyết tật gây ra. Sự an toàn về mặt pháp lý cũng như tránh được những rủi ro xảy ra do trách nhiệm sản phẩm là mục tiêu của chương trình tuân thủ. Tại Việt Nam, tham gia thị thường chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn lực kinh doanh hạn chế và nhận thực về đảm bảo chất lượng cũng như trách nhiệm sản cũng không cao. Điều này dẫn đến doanh nghiệp không đủ nguồn lực cho việc hoạch định và thực thi chính sách tuân thủ và xây dựng chương trình tuân thủ liên quan đến đảm bảo chất lượng. Do đảm bảo chất lượng phải thông qua một quy trình nghiêm ngặt, một chương trình tuân thủ phù hợp có thể giúp cho doanh nghiệp đạt được mục tiêu chiến lược kinh doanh gắn với an toàn và sự phát triển bền vững dưới giác độ chất lượng sản phẩm.
3. Những vấn đề đặt ra đối với tuân thủ của doanh nghiệp dưới giác độ trách nhiệm sản phẩm
Tại Việt Nam, sự phát triển của kinh tế thị trường trong một vài thập kỷ qua đã làm cho nền sản xuất hàng có tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp về chất lượng sản phẩm không ngừng tăng lên. Cạnh tranh, một mặt làm cho các doanh nghiệp buộc phải giảm chi phí sản xuất, mặt khác làm cho doanh nghiệp phải chú ý, nâng cao chất lượng hàng hóa/dịch vụ tốt nhất như có thể để duy trì lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, nhìn chung đa số các doanh nghiệp Việt Nam chưa có đủ kinh nghiệm và trình độ công nghệ để sản xuất ra những hàng hóa chất lượng cao, ổn định và an toàn cho người sử dụng nhằm đạt được lợi thế cạnh tranh so với những hàng hóa nhập khẩu cùng loại. Trên cơ sở quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 (Điều 10 về nghĩa vụ của người sản xuất) và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 (Điều 21 về trách nhiệm bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện; Điều 22 về trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật; Điều 23 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra), doanh nghiệp có nghĩa vụ tuân thủ các quy định này trong phạm vi trách nhiệm của nhà sản xuất.
Các doanh nghiệp trong nước một mặt không có chính sách tuân thủ để đảm bảo chất lượng của sản phẩm, mặt khác việc thực hiện chế độ trách nhiệm khi sản phẩm có khuyết tật cũng rất hạn chế. Về cơ bản, các doanh nghiệp không đủ nguồn lực để duy trì hàng hóa có chất lượng cao như hàng hóa cùng loại được sản xuất tại các nước phát triển và cấp độ quản trị tại các doanh nghiệp chưa đạt đến yêu cầu phải có quản trị tuân thủ. Đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ - do hạn chế về nguồn lực thường thiếu vắng bộ phận hoặc nhân sự và/hoặc thiếu nhận thức để tránh được rủi ro không tuân thủ. Sự thiếu vắng đó dẫn đến quá trình nhận diện, kiểm tra, ngăn ngừa các nguy cơ sai sót và không tuân thủ (quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng) rất hạn chế. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều trường hợp doanh nghiệp vừa và nhỏ đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng thấp, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Điều này cũng làm giảm đi năng lực cạnh tranh của hàng hóa thuộc nhóm doanh nghiệp này so với các hàng hóa cùng loại được sản xuất ở nước ngoài.
Trong khi đó, những doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư hay nguồn gốc nước ngoài có ý thức và thực hiện chính sách tuân thủ rõ ràng. Nguy cơ đòi bồi thường ở mức cao thuộc về tâm lý của khách hàng nếu xuất hiện trường hợp sản phẩm bị khuyết tật gây tổn thất buộc nhóm doanh nghiệp này phải chú ý hơn đến yêu cầu tuân thủ về chất lượng. Điều này cũng xuất phát từ thực tiễn kinh doanh trên phạm vi khu vực hoặc toàn cầu của nhóm doanh nghiệp này – nơi yêu cầu về chất lượng và trách nhiệm sản phẩm rất cao. Những doanh nghiệp lớn thường có bộ phận chức năng riêng về tuân thủ, nhân sự chuyên trách về các vấn đề pháp lý có thể nhận diện tính hợp pháp hay phát hiện sai sót của các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Những doanh nghiệp này thường có chương trình tuân thủ chung cho chiến lược kinh doanh mang tính toàn cầu (bao gồm cả ở Việt Nam), chẳng hạn như Bayer, Daimler (Mercedes), Samsung,… và được công bố công khai trên website hoặc các phương tiện truyền thông của doanh nghiệp.
Nhìn chung, doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu chính sách và quản trị tuân thủ cho hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và hoạt động sản xuất gắn với đảm bảo chất lượng nói riêng. Thiếu ý thức tôn trọng yêu cầu về đảm bảo chất lượng và trách nhiệm sản phẩm cũng như không có sự cam kết từ phía doanh nghiệp về tuân thủ còn nằm ngay ở chính trong tư duy của các nhà quản trị doanh nghiệp. Việc không tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm trên thực tế thường là hậu quả của việc nhận thức kém hay giảm chi phí để tối đa hóa lợi nhuận và nhằm đạt lợi thế cạnh tranh mang tính cố hữu của doanh nghiệp. Hoạt động của doanh nghiệp trên thị trường cho thấy còn nhiều những biểu hiện không thực hiện đúng các quy định, tiêu chuẩn về chất lượng của sản phẩm. Tuy vậy, khi có vấn đề trách nhiệm sản phẩm, doanh nghiệp thường tìm cách trốn tránh, không tham gia vào quá trình giải quyết hậu quả của sản phẩm khuyết tật gây ra cho người sử dụng. Ý thức tuân thủ chưa cao, quyền lợi của người tiêu dùng chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến các sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng do chi phí thấp là hiện tượng khá phổ biến. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh cung cấp sản phẩm gây tổn thất về tài sản, sức khỏe, thậm chí tính mạng của người tiêu dùng nhất là trong lĩnh vực dược phẩm hay vệ sinh an toàn thực phẩm.
Khi không tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng hay các quy trình quản lý chất lượng, nguy cơ đối với doanh nghiệp là rất lớn phải gánh chịu nhiều rủi ro như mất thương hiệu, hàng hóa bị tẩy chay, thậm chí phải đối mặt với những khiếu kiện kéo dài, tốn kém về tài chính cũng như thời gian. Điều này trở nên phức tạp hơn khi doanh nghiệp xuất khẩu đối mặt các tiêu chuẩn về chất lượng cao cũng như các chế tài về trách nhiệm sản phẩm nghiêm ngặt tại thị trường các nước phát triển. Chỉ riêng trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản đã xuất hiện nhiều vấn đề về trách nhiệm sản phẩm do mặt hàng này có dư lượng một số chất vượt quá tiêu chuẩn hoặc bị cấm. Năm 2018, Hàn Quốc liên tục có những cảnh báo về việc phát hiện kháng sinh cấm trong tôm nhập khẩu từ Việt Nam. Thậm chí, mặt hàng tôm Việt Nam cũng bị cảnh báo về an toàn thực phẩm ở những thị trường nhập khẩu khác. Chỉ riêng trong tháng 1/2018, có 4 lô tôm xuất khẩu sang Australia bị Bộ Nông nghiệp nước này cảnh báo vì phát hiện vi khuẩn hiếu khí. Trong tháng 2/2018, có thêm 2 lô tôm cũng bị cảnh báo vi khuẩn hiếu khí bởi Bộ Nông nghiệp Australia (Sơn Trang, 2018). Tại EU, lo ngại về an toàn thực phẩm đối với thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam cũng luôn là vấn đề nổi cộm trong các thư cảnh báo. Trong năm 2017, EU tiến hành thanh tra toàn diện và tổng thể hệ thống kiểm soát dư lượng chất độc hại trong thủy sản nuôi ở Việt Nam; trong 6 tháng đầu năm 2017, tuy chỉ có 6 lô hàng thủy sản bị EU cảnh báo hóa chất, kháng sinh, nhưng về tỷ lệ thì chiếm tới gần 50% tổng số lô hàng thủy sản bị cảnh báo an toàn thực phẩm ở thị trường này (Sơn Trang, 2018). Việc cảnh bảo này làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu có liên quan cẩn trọng hơn và hạn chế được những nguy cơ và tổn thất xảy ra do thủy sản thiếu an toàn. Bên cạnh đó, bảo hành hàng hóa tại Việt Nam cũng là vấn đề đặt ra. Trên thực tế đã xuất hiện những hiện tượng như: không cung cấp thông tin rõ cho người tiêu dùng về bảo hành; không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện đã cam kết; tìm lý do để từ chối trách nhiệm về việc bảo hành; không trả chi phí sửa chữa, vận chuyển; không đổi hàng hóa, linh kiện, phụ kiện hàng hóa... hoặc không có hình thức giải quyết khác được người tiêu dùng chấp nhận trong thời gian thực hiện bảo hành và nhiều vấn đề khác.
Mặc dù đã có sự thay đổi đáng kể về mặt nhận thức đối với vấn đề trách nhiệm sản phẩm và một số doanh nghiệp có thể đặt ra được những tiêu chuẩn về chất lượng - những tiêu chuẩn này cũng khắc phục được những lỗ hổng trong các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, do ý thức tuân thủ của doanh nghiệp còn hạn chế và đặc biệt là không có chương trình tuân thủ, doanh nghiệp vẫn không đánh giá được hết những rủi ro do không tuân thủ và việc quản trị rủi ro trách nhiệm sản phẩm của doanh nghiệp về cơ bản vẫn hiệu quả thấp.
Để giải quyết vấn đề riêng đối với hàng thủy sản bị cảnh báo các chỉ tiêu an toàn thực phẩm đặc biệt là tồn dư hóa chất, kháng sinh vượt mức quy định tại các thị trường nhập khẩu, ngày 04/4/2018 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 09/CT-TTg về khắc phục tình trạng các lô hàng thủy sản Việt Nam bị nước ngoài trả về (Nguyễn Anh 2018). Qua đây có thể thấy rằng, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn chưa nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của việc bảo đảm chất lượng hàng thủy sản trước khi xuất khẩu sang nước ngoài. Bản thân doanh nghiệp chưa nắm vững yêu cầu của nước nhập khẩu về an toàn thực phẩm, giới hạn tối đa dư lượng thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, danh mục thuốc cấm sử dụng tại nước nhập khẩu.
Về an toàn thực phẩm, theo số liệu của Bộ Y tế năm 2018, nhiệm vụ trọng tâm năm 2019, Thanh tra, kiểm tra 673.490 cơ sở, phát hiện 116.258 cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm an toàn thực phẩm, đã xử lý 41.229 cơ sở, phạt tiền hơn 82 tỷ đồng, trong năm 2018. Bên cạnh đó, Bộ Công an phát hiện thêm 6.176 vụ và đã khởi tố 11 vụ do vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm (Tuổi trẻ online, 2019).
Tình trạng chất lượng hàng hóa kém của doanh nghiệp vẫn xảy ra cho thấy doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự quan tâm đến tuân thủ các quy định về chất lượng và đi kèm với đó là thực thi trách nhiệm sản phẩm. Doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng và thiếu ý thức tuân thủ về tôn trọng quyền lợi của người tiêu dùng dưới giác độ về an toàn sản phẩm. Khi nhận được khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến hàng hóa do mình cung cấp, một số doanh nghiệp chưa có biện pháp xử lý một cách kịp thời và hợp lý, thậm chí tìm nhiều cách để thoái thác trách nhiệm của mình. Điển hình như một số vụ việc sản phẩm kém chất lượng và không tuân thủ chế độ trách nhiệm của Công ty nước giải khát Tân Hiệp Phát. Bên cạnh đó, hầu hết các doanh nghiệp chưa nhận thức được trách nhiệm sản phẩm không chỉ là yêu cầu về tuân thủ pháp luật mà còn là yêu cầu liên quan đến tuân thủ đạo lý kinh doanh, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng chưa nhận thức được nếu không tuân thủ đúng các quy định về trách nhiệm sản phẩm thì sẽ dẫn đến rủi ro bồi thường rất lớn vì số tiền bồi thường chỉ căn cứ vào thiệt hại (Tăng Văn Nghĩa, 2008) và đồng thời nâng cao uy tín, thương hiệu của chính doanh nghiệp.
Tại các nước có nền kinh tế thị trường phát triển, sự tuân thủ của doanh nghiệp đối với quy định về chất lượng và trách nhiệm sản phẩm thể hiện rất phổ biến ở việc thu hồi sản phẩm (recall) khi phát hiện khuyết tật. Điều này thể hiện ý thức tuân thủ chất lượng và trách nhiệm của doanh nghiệp cao khi sản phẩm không đúng với chất lượng cam kết và/hoặc có nguy cơ gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Doanh nghiệp thực hiện quản trị tuân thủ ở đây thông qua việc đánh giá rủi ro phải đối mặt với khiếu kiện và đòi bồi thường thiệt hại lớn hơn nhiều so với chi phí mà doanh nghiệp tự nguyện thu hồi sản phẩm có khuyết tật.
Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp tại Việt Nam cũng đã thể hiện được tinh thần và thái độ tuân thủ pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chẳng hạn như: Công ty Lenovo (Singapore) đã thực hiện chương trình thu hồi sản phẩm máy tính xách tay Lenovo ThinkPad X1 Carbon vào tháng 02/2018 do trên các sản phẩm thuộc chương trình có một chiếc ốc chưa được vặn chặt có khả năng khiến pin của máy tính xách tay nóng lên và có khả năng dẫn đến nguy cơ cháy (Cục CT&BVNTD, 2018). Tuy nhiên, việc thu hồi sản phẩn có khuyết tật chưa được phổ quát và hầu như chỉ được thực hiện bởi các công ty nước ngoài tại Việt Nam. Số liệu từ Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cho thấy trong nhưng năm qua cho thấy hầu hết sản phẩm bị thu hồi thuộc nhóm hàng hóa là phương tiện vận tải (cụ thể trong năm 2017 có 04 vụ việc liên quan đến xe máy, 10 vụ việc liên quan tới ô tô và 01 sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm tiêu dùng khác) thuộc các công ty sản xuất (thương hiệu lớn) từ nước ngoài.
Ý thức tuân thủ của doanh nghiệp không chỉ đối với pháp luật nói chung mà còn bao gồm cả các quy tắc, tập quán, các tiêu chuẩn về chất lượng do chính doanh nghiệp đưa ra trong thực tiễn sản xuất. Nếu sự tuân thủ được đề cao thì chất lượng của sản phẩm sẽ được cam kết duy trì và qua đó bao gồm cả trách nhiệm về sản phẩm khuyết tật được thực thi. Tại các quốc gia phát triển, chính sách chất lượng sản phẩm được các doanh nghiệp xác định là con đường duy nhất để phát triển thương hiệu. Bởi tại các quốc gia này, quy định về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm được thực thi nghiêm ngặt, các chế tài phạt xử lý vi phạm cũng được áp dụng cũng rất nghiêm khắc và mang tính răn đe cao nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Sự vi phạm yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng tùy theo mức độ sẽ bị từ việc áp dụng chế tài dân sự tới xử phạt hành chính, thậm chí còn có thể bị xử lý cả về hình sự, điều này cũng đồng thời với việc thương hiệu của doanh nghiệp bị sói mòn.
Trong thực tiễn, các doanh nghiệp Việt Nam thường không có tiêu chuẩn riêng về chất lượng góp phần bổ sung hoặc thu hẹp lỗ hổng trong quy định của pháp luật về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa trong những ngành nghề nhất định. Điều này cũng phản ánh ý thức của doanh nghiệp trong việc tuân thủ và tôn trọng quyền lợi của khách hàng còn hạn chế. Nếu các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường có bộ phận luật sư, tư vấn pháp luật, bộ phận này có thể tư vấn, rà soát kiểm tra tính hợp pháp của các hoạt động của doanh nghiệp thì các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường thiếu vắng bộ phận này. Sự thiếu vắng đó làm cho quá trình nâng cao nhận thức tôn trọng pháp luật, việc kiểm tra, rà soát các hoạt động tuân thủ chất lượng ít hiệu quả. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến trên thị trường còn xuất hiện nhiều những sản phẩm không đảm bảo an toàn nhưng cũng thiếu cơ chế thực hiện trách nhiệm sản phẩm, chẳng hạn như thu hồi sản phẩm khuyết tật.
4. Một số khuyến nghị đối với doanh nghiệp
Tuân thủ nói chung là yêu cầu bắt buộc đối với mọi doanh nghiệp kinh doanh trên thị trường. Tuân thủ các quy định về chất lượng và trách nhiệm đối với sản phẩm đưa vào lưu thông là một đòi hỏi cao hơn đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa trong nền kinh tế thị trường hiện đại. Vừa là yêu cầu của quá trình tuân thủ, vừa là con đường để nâng cao uy tín, tính hiện đại trong quản trị doanh nghiệp, tăng cường nhận thức về tuân thủ trách nhiệm sản phẩm sẽ làm cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trở nên an toàn và hiệu quả hơn. Để tuân thủ trách nhiệm sản phẩm trở thành một yếu tố cơ bản của quản trị doanh nghiệp, một số khuyến nghị đối với doanh nghiệp được đưa ra là:
- Tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng và trách nhiệm sản phẩm phải trở thành chính sách xuyên suốt, định hướng cho doanh nghiệp trong toàn bộ quá trình sản xuất và đảm bảo chất lượng hàng hóa cũng như trách nhiệm trước người tiêu dùng đối với hàng hóa khi có khuyết tật. Chỉ khi chính sách tuân thủ được quán triệt và mang tính tự ý thức của mọi thành viên trong doanh nghiệp thì mục tiêu của đảm bảo chất lượng đối với những sản phẩm đưa ra thị trường mới đạt được và lợi ích của người tiêu dùng mới được tôn trọng dưới giác độ trách nhiệm sản phẩm.
- Nhận thức về đảm bảo chất lượng hàng hóa và tuân thủ chế độ trách nhiệm sản phẩm cần phải được nhấn mạnh từ đào tạo nguồn nhân lực trình độ cử nhân cho đến các hoạt động bồi dưỡng trong phạm vi của doanh nghiệp. Do nền kinh tế thị trường Việt Nam mới trong giai đoạn đầu của sự phát triển, việc tuân thủ quy định chất lượng và thực hiện trách nhiệm sản phẩm chưa được đề cao. Những hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, thiếu an toàn gây tổn thất cho người tiêu dùng vẫn còn là những hiện tượng khá phổ biến, đặc biệt là trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Bởi vậy, việc giáo dục đạo lý kinh doanh, tinh thần đảm bảo chất lượng và ý thức tuân thủ trách nhiệm sản phẩm cho doanh nhân sẽ ảnh hưởng mang tính lan tỏa và tích cực tới lợi ích người tiêu dùng nói riêng và xã hội được hưởng những giá trị cao về hàng hóa nói chung.
- Doanh nghiệp cần xây dựng cho mình chương trình tuân thủ nói chung, trong đó bao gồm cả tuân thủ trách nhiệm sản phẩm nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất sản phẩm đúng quy trình đảm bảo chất lượng, phát hiện và ngăn ngừa những lỗi hoặc vi phạm về tiêu chuẩn chất lượng. Đồng thời, chương trình tuân thủ cũng phải bao hàm cả quy tắc, trách nhiệm cụ thể của doanh nghiệp đối với sản phẩm khi đưa vào lưu thông trên thị trường. Chương trình và chính sách tuân thủ phải đảm bảo đánh giá được rủi ro không tuân thủ liên quan đến trách nhiệm sản phẩm khuyết tật để có biện pháp phòng ngừa và kiểm soát được hậu quả xảy ra. Bằng chương trình tuân thủ phù hợp và hiệu quả, doanh nghiệp có thể tránh được các rủi ro do về bồi thường tổn thất hoặc tham gia các thủ tục pháp lý không mong muốn. Với chương trình tuân thủ phù hợp và chi tiết, mỗi thành viên trong doanh nghiệp sẽ nhận biết rõ trách nhiệm của mình khi thực hiện một công đoạn nào đó của quy trình sản xuất.
- Chương trình và chính sách tuân thủ liên quan đến đảm bảo chất lượng và trách nhiệm sản phẩm cần được phổ biến công khai trên phương tiện truyền thông của doanh nghiệp, theo đó khách hàng hay người tiêu dùng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan có thể nhận biết dễ dàng chương trình đó. Truyền thông về tuân thủ chính vừa là công cụ quảng bá hình ảnh và là cam kết mang tính khẳng định của doanh nghiệp về chất lượng hàng hóa. Có chương trình tuân thủ phù hợp, doanh nghiệp mới có thể đưa ra cam kết về bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng và sự an toàn của hàng hóa cũng như trách nhiệm đối với sản phẩm khuyết tật (nếu xảy ra). Chương trình tuân thủ cần thể hiện mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại từ việc xây dựng quy trình, triển khai cho đến quá trình tự kiểm soát các các hoạt động đảm bảo chất lượng phù với yêu cầu pháp luật cũng như các tiêu chuẩn của ngành và của chính doanh nghiệp đưa ra. Uy tín của doanh nghiệp sẽ được nâng cao khi có chương trình tuân thủ được công khai và là định hướng cho hoạt động đảm bảo chất lượng của doanh nghiệp.
- Để chương trình tuân thủ được thực thi hiệu quả, các doanh nghiệp cần có cơ cấu tổ chức hoặc nhân sự chuyên trách về tuân thủ trách nhiệm sản phẩm, để họ có thể chuyên tâm về vấn đề này và giúp cho doanh nghiệp xây dựng chiến lược sản phẩm phù hợp và hạn chế được rủi ro cho chính doanh nghiệp. Quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ đầy đủ của bộ phận chuyên trách/nhân sự của doanh nghiệp sẽ kiểm soát hiệu quả việc thực thi quy trình đảm bảo chất lượng. Bên cạnh nguồn nhân lực, doanh nghiệp 30/7/2019cũng cần xác định nguồn tài chính để chương trình tuân thủ có tính khả thi trong điều kiện việc đánh giá và giám sát tuân thủ chất lượng và trách nhiệm sản phẩm luôn luôn đòi hỏi chi phí đối với nhưng hàng hóa có yêu cầu chất lượng, tiêu chuẩn cao.
Tài liệu tham khảo
- Nguyễn Anh, Khắc phục tình trạng hàng thủy sản bị trả về, Thủy sản Việt Nam, tại địa chỉ http://www.thuysanvietnam.com.vn/khac-phuc-tinh-trang-hang-thuy-san-bi-tra-ve-article-19608.tsvn, truy cập 20/5/2019.
- Behringer, Stefan: Compliance Kompakt, Aufl., Erich Schmidt Verlang, Berlin 2011.
- Cannon, Tom (2012), Corporate Responsibility: Govervance, compliance and ethics in a sustainable environment, Pearson, Harlow 2012.
- Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Chương trình Thu hồi sản phẩm máy tính xách tay Lenovo ThinkPad X1 Carbon, tại địa chỉ https://moit.gov.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/chuong-trinh-thu-hoi-san-pham-may-tinh-xach-tay-lenovo-thinkpad-x1-carbon-10906-22.html, truy cập 20/5/2019.
- Kenndy-Glans, Donna & Bob, Schulz: Corporate Integrity, Wiley Publisher 2005.
- Tăng Văn Nghĩa (2008), “Bàn về Luật trách nhiệm sản phẩm trong kinh doanh quốc tế”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 2/2008.
- Tăng Văn Nghĩa & Lê Phương Hà (2014), “Bàn về sự tuân thủ pháp luật cạnh tranh của doanh nghiệp”, Tạp chí Luật học, số 11/2014.
- Oded, Sharon (2013), Corporate Compliance – New Approaches to Regulatory Enforement Cheltenham/Northampton 2013.
- Pape, Jonas (2011), Corporate Compliance – Rechtspflichten zur Verhaltungsstuerung von Unternehmensangehörigen in Deutschland und den USA, Verlag Berliner Wissenschafts, Berlin 2011.
- Siedenbiedel, Georg (2014), Corporate Compliance, NWB Verlag 2014.
- Sơn Trang, Tôm Việt lại đối mặt với cảnh báo kháng sinh cấm, trên trang Nông nghiệp Việt Nam, https://nongnghiep.vn/tom-viet-lai-doi-mat-voi-canh-bao-khang-sinh-cam-post218047.html , truy cập 7/7/2019.
- Sơn Trang, EU sẽ thanh tra toàn diện vấn đề an toàn thực phẩm thủy sản nuôi Việt Nam, trên trang Nông nghiệp Việt Nam tại địa chỉ https://nongnghiep.vn/eu-se-thanh-tra-toan-dien-van-de-an-toan-thuc-pham-thuy-san-nuoi-viet-nam-post171834.html , truy cập 7/7/2019.
[1] Trường Đại học Ngoại thương, Email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó.
[2] Trong phạm vi của bài viết này, trách nhiệm của nhà sản xuất chỉ đề cập tới trách nhiệm của họ đối với hàng hóa hữu hình.
[3] Basel II (A set of agreements set by Committee on Banking Supervision) sử dụng 3 trụ cột: (1) minimum capital requirements (addressing risk), (2) supervisory review và (3) market discipline).