Sidebar

Magazine menu

03
T6, 05

Tạp chí KTĐN số 119

 

CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH

ĐỂ PHÁT TRIỂN CÁC DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ

HƯỚNG TỚI TĂNG TRƯỞNG BAO TRÙM[*]

Bùi Anh Tuấn[†]

Vũ Hoàng Nam[‡]

Hoàng Bảo Trâm[§]

Tóm tắt

Tại nhiều quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP, tạo ra một lượng lớn công ăn việc làm cho người lao động, đặc biệt trong các ngành công nghiệp thâm dụng lao động và là một phận quan trọng trong khu vực kinh tế tư nhân. Tuy vậy, sự phát triển của các DNVVN còn gặp nhiều trở ngại, khó khăn trong đó nhiều khó khăn xuất phát từ môi trường bên ngoài doanh nghiệp. Cải thiện môi trường kinh doanh là một trong những giải pháp hữu hiệu thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và sự phát triển của các DNVVN góp phần đạt được các mục tiêu tăng trưởng bao trùm.   

Từ khóa: Cải thiện môi trường kinh doanh, Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Tăng trưởng bao trùm

Abstract

In many developing countries including Vietnam, small and medium enterprises (SMEs) play an important role in the economy, contributing significantly to GDP growth, creating a large number of jobs, especially in labor-intensive industries. SMEs build up an important part of the private sector. However, the development of SMEs faces various difficulties, many of which arise from the environment outside the firms. Improving the business environment is one of the effective solutions to promote the development and innovation among SMEs, contributing to achieve inclusive growth goals.

Keywords: Business environment improvement, Small and medium enterprises, Inclusive growth

  1. Đặt vấn đề

Phát triển bền vững là mục tiêu mọi quốc gia đều đặt ra và mong muốn đạt tới. Liên Hiệp Quốc đã đề ra 17 mục tiêu phát triển bền vững mới cho giai đoạn 2015-2030 với tên gọi Các Mục tiêu Toàn cầu về Phát triển Bền vững (SDGs) để thay thế cho Các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) đã hết hạn vào cuối năm 2015. Nhiều khái niệm đã được sử dụng đề cập tới từng khía cạnh khác nhau của phát triển bền vững như tăng trưởng xanh, nền kinh tế xanh, tăng trưởng bao trùm. Tuy vậy, có thể nói khái niệm phát triển bền vững là khái niệm rộng và tổng quát nhất. Phát triển bền vững được hiểu với ba trụ cột chính là tăng trưởng kinh tế, cải thiện các vấn đề xã hội và cải thiện các vấn đề môi trường.

Tăng trưởng bao trùm là khía cạnh quan trọng của phát triển bền vững. Tăng trưởng bao trùm đề cập tới tăng trưởng nhanh và bền vững. Để tăng trưởng nhanh có thể bền vững trong tương lai, tăng trưởng cần phải diễn ra ở tất cả các khu vực và có sự tham gia của phần lớn lực lượng lao động trong nền kinh tế. Khái niệm tăng trưởng bao trùm thường được sử dụng thay thế bằng các khái niệm tương đương như “tăng trưởng ở các khu vực”, “tăng trưởng chia sẻ”, hoặc “tăng trưởng vì người nghèo”.

Một động lực quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam là khu vực kinh tế tư nhân. Trong khu vực này, các doanh nghiệp vừa và nhỏ không chỉ chiếm phần lớn về số lượng (hơn 97% tổng số các doanh nghiệp), đóng góp vào tăng trưởng kinh tế (49% tốc độ tăng trưởng kinh tế) mà còn có vai trò quan trọng tạo ra một lượng lớn công ăn việc làm cho người lao động ở cả khu vực thành thị và nông thôn trong nhiều ngành thâm dụng lao động (hơn 60% việc làm toàn xã hội) (TTXVN, 2019).

Tuy vậy, các DNVVN gặp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình phát triển. Do quy mô nhỏ, nguồn lực hạn chế nên các DNVVN có năng lực quản trị và năng lực công nghệ hạn chế, chất lượng, năng suất thấp, chủ yếu sản xuất, kinh doanh để phục vụ thị trường nội địa. Bên cạnh đó, rất nhiều khó khăn xuất phát từ môi trường bên ngoài doanh nghiệp. Những khó khăn này là do DNVVN không có hoặc có khả năng tiếp cận các nguồn lực như tài chính, đất đai, hạ tầng, nhân lực, thông tin, thị trường rất hạn chế (VEPR, 2017).

Vì vậy, cải thiện môi trường kinh doanh trong đó cải thiện việc tiếp cận tới các nguồn lực có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các DNVVN nói riêng và khu vực kinh tế tư nhân nói chung hướng tới mục tiêu tăng trưởng bao trùm của nền kinh tế. Nghiên cứu này phân tích cơ chế truyền dẫn và tác động của việc cải thiện môi trường kinh doanh tới sự phát triển của các DNVVN ở Việt Nam.

  1. Tăng trưởng bao trùm và sự phát triển của các DNVVN

2.1. Tăng trưởng bao trùm

Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), tăng trưởng kinh tế được coi là bao trùm nếu quá trình này giúp mở rộng cơ hội kinh tế đồng thời đưa thành quả tăng trưởng đến mọi đối tượng, bao gồm người nghèo, người có thu nhập trung bình và người giàu. Khi xem xét các thành tựu tăng trưởng sau 30 năm đổi mới cũng như những thách thức đối với tăng trưởng tại Việt Nam, UNDP (2015) đã đề cập tăng trưởng bao trùm là quá trình tăng trưởng trong đó mọi người dân được hưởng lợi ích một cách công bằng từ tăng trường và được tham gia và đóng góp vào quá trình tăng trưởng. Cụ thể, tăng trưởng bao trùm được nhìn nhận thông qua ba trụ cột là: 1) Tăng cường cơ hội việc làm hiệu quả thông qua nâng cao năng suất lao động; 2) Tăng cường năng lực thông qua cải thiện cung ứng dịch vụ xã hội; 3) Tăng cường sức chống chịu thông qua mở rộng và tăng cường hệ thống an sinh xã hội. Đối với cả ba trụ cột nêu trên, tính bao trùm sẽ khó được đảm bảo nếu thiếu đi nền tảng về thể chế. Thể chế có tính bao trùm đóng vai trò tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy các chính sách của chính phủ đến với tất cả các đối tượng trong nền kinh tế.

Trong ba trụ cột của tăng trưởng bao trùm, trụ cột thứ nhất về tăng cơ hội việc làm hiệu quả thông qua tăng năng suất lao động được coi là trụ cột quan trọng nhất. Theo Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng được coi là bao trùm nếu có khả năng tạo việc làm cho đa số thành viên của xã hội. Đối với đại đa số người dân, tham gia vào tăng trưởng kinh tế có nghĩa là có việc làm. Việc làm chính là cơ sở đảm bảo sinh kế cho các cá nhân, hộ gia đình cũng như tạo cơ hội cho sự phát triển năng lực con người. Nói cách khác, việc làm đầy đủ là yếu tố then chốt góp phần vào tiến bộ trong hoạt động kinh tế và phát triển con người ở mỗi quốc gia. Do đó, trụ cột việc làm là đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới cũng nhấn mạnh rằng không chỉ cần tạo ra cơ hội việc làm cho tất cả mọi người trong xã hội mà còn cần đảm bảo rằng theo thời gian công việc có hiệu quả hơn và tạo thu nhập cao hơn. Một trong những chỉ tiêu để đánh giá công việc hiệu quả hơn là năng suất lao động. Đồng thời, năng suất lao động cũng là yếu tố quyết định tới thu nhập. Vì vậy, tăng năng suất lao động nhanh là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá công việc hiệu quả hơn và tạo thu nhập cao hơn. Do đó, số lượng việc làm được tạo ra, hiệu quả công việc và năng suất của người lao động là những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá sự đóng góp của các doanh nghiệp vào trụ cột tăng trưởng bao trùm của các quốc gia.

2.2. Sự phát triển của các DNVVN: khả năng và hạn chế hiện thực hóa tăng trưởng bao trùm

Theo Diễn đàn Tài chính DNVVN, DNVVN đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng và tạo việc làm, chiếm gần 86% cơ hội việc làm ở các nước đang phát triển. Do đó, sự phát triển của các DNVVN có đóng góp lớn đối với trụ cột việc làm  của tăng trưởng bao trùm. Cụ thể, sự lớn mạnh của các DNVVN có khả năng đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng GDP nhờ gia tăng năng suất. Mặt khác, sự phát triển của các DNVVN là nền tảng để gia tăng quy mô việc làm cũng như cải thiện mặt bằng lương trong phân khúc lương thấp của nền kinh tế. Nói cách khác, sự phát triển của các DNVVN không chỉ tác động tới quy mô của tăng trưởng mà còn góp phần đảm bảo các tác động phân phối tích cực và công bằng hơn trong quá trình tăng trưởng.

Tại Việt Nam, các DNVVN giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Số lượng các DNVVN hiện chiếm hơn 97% tổng số các doanh nghiệp của cả nước (TTXVN, 2019). Bình quân trong giai đoạn 2012-2017, số lượng DNVVN tăng 8,8%, cao hơn so với mức tăng 5,4% của các doanh nghiệp lớn (Tạp chí Tài chính, 2019). Sự phát triển nhanh chóng về số lượng của các DNVVN ở tất cả các khu vực, các ngành nghề, lĩnh vực, đặc biệt là trong các ngành thâm dụng nhiều lao động của nền kinh tế đã đóng góp quan trọng vào quá trình gia tăng cơ hội việc làm cho lượng lớn lao động.

Theo tính toán của các chuyên gia, để tạo ra một việc làm, các doanh nghiệp nhà nước lớn phải đầu tư khoảng 41 triệu đồng và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 294 triệu đồng. Trong khi đó, khu vực kinh tế tư nhân với đại đa số là các DNVVN chỉ cần trung bình 26 triệu đồng vốn để tạo ra một việc làm (Phạm, 2006). Do vậy, sự phát triển của các DNVVN có ý nghĩa lớn trong bối cảnh thiếu vốn và thừa lao động một cách tương đối ở Việt Nam. Trên thực tế, lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp chiếm phần lớn trong tổng số lao động ở Việt Nam. Do sản xuất trong khu vực nông nghiệp chủ yếu mang tính thời vụ nên thời gian nhàn rỗi của lao động trong khu vực nông nghiệp là rất lớn. Nói cách khác, thất nghiệp trá hình cao là vấn đề đáng quan tâm trong khu vực nông nghiệp, nông thôn của Việt Nam. Bên cạnh đó, dù đang trong giai đoạn dân số vàng nhưng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của Việt Nam là thấp. Do đó, sự phát triển của nhiều DNVVN với lượng vốn đầu tư nhỏ chính là chìa khóa để giải quyết vấn đề công ăn việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động có trình độ thấp, chưa hoặc ít được đào tạo. Các DNVVN chính là nơi hấp thụ lao động có trình độ thấp, ít được đào tạo trong các ngành thâm dụng nhiều lao động, có trình độ kỹ thuật không cao trong giai đoạn chuyển đổi của nền kinh tế.

Sự phát triển của các làng nghề ở khu vực nông thôn nơi các DNVVN tập trung cho thấy vai trò của các DNVVN trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa khu vực nông thôn và quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành của Việt Nam. Hơn 5.000 làng nghề với các DNVVN hiện đang tạo ra hơn 11 triệu việc làm phi nông nghiệp ổn định và mức thu nhập khá cho người lao động ở khu vực nông thôn (Bộ NN&PTNT, 2018). Các DNVVN ở các làng nghề đang làm thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần giải quyết bài toán thất nghiệp trá hình cho nhiều lao động.

Bên cạnh đó, nhiều DNVVN còn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và tham gia xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nhẹ của Việt Nam. Nhiều DNVVN trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đã trở thành các nhà cung cấp linh phụ kiện cho các doanh nghiệp lắp ráp trong nước và nước ngoài. Nhiều DNVVN đã tìm được thị trường để xuất khẩu và thậm chí là xuất khẩu trực tiếp sản phẩm, dịch vụ ra nước ngoài. Kể từ khi các chính sách khuyến khích đầu tư tư nhân và đặc biệt là các chương trình, chính sách hỗ trợ sự phát triển của các DNVVN được triển khai, sự gia tăng nhanh về số lượng DNVVN đã góp phần đáng kể vào quá trình chuyển dịch của nền kinh tế theo hướng CNH, HĐH (Tạp chí Tài chính, 2019).

  1. Tổng quan các nghiên cứu về môi trường kinh doanh tại Việt Nam và tác động đối với các DNVVN

Kể từ khi chính thức mở cửa nền kinh tế vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã có những bước cải tiến mạnh mẽ hướng tới thị trường cởi mở, cạnh tranh và bình đẳng. Trong bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh (Doing Business), Việt Nam đã tăng từ  hạng 78 năm 2014 lên hạng 69 vào năm 2019. Tuy nhiên, quá trình cải cách chủ yếu tập trung vào giảm gánh nặng chi phí tuân thủ pháp luật và cắt giảm điều kiện kinh doanh mà chưa có bước đột phá về tổng thể, vẫn còn ở khoảng cách khá xa so với môi trường kinh doanh của nhóm ASEAN 4.   

Trên thực tế, các DNVVN hiện còn phải đối mặt với nhiều rào cản từ hệ thống thể chế và thực thi chính sách. Ví dụ, kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (Provincial Competitiveness Index-PCI) năm 2015 cho thấy DNNVV có cảm nhận tiêu cực hơn các doanh nghiệp lớn về tiếp cận đất đai, tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng và hỗ trợ doanh nghiệp. Các thủ tục hành chính như bảo hiểm xã hội, đất đai, hải quan, an toàn cháy nổ, lao động, bảo vệ môi trường, và thanh toán qua kho bạc đều có tỷ lệ doanh nghiệp thấy phiền hà gia tăng theo quy mô của doanh nghiệp. Hệ quả từ những rào cản này là việc doanh nghiệp phải gánh chịu nhiều loại chi phí phát sinh trong suốt quá trình hình thành và phát triển như chi phí tuân thủ (compliance cost) trong đó bao gồm cả chi phí thời gian (time cost) và chi phí bằng tiền; chi phí phi chính thức... Ví dụ, nghiên cứu “Đặc điểm môi trường kinh doanh ở Việt Nam: Kết quả điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2015” được CIEM và các đối tác công bố tháng 10 năm 2016 cho thấy sự gia tăng tỷ lệ chi trả tiêu cực phí tại các doanh nghiệp thuộc khu vực chính thức so với năm 2013. Sự tăng lên ở tỷ lệ tiếp cận nguồn tín dụng phi chính thức so hai năm trước cũng cho thấy phần nào sự khó khăn của DNVVN trong việc tiếp cận các nguồn tín dụng chính thức. Mới đây, kết quả từ Báo cáo môi trường kinh doanh 2019 của Ngân hàng Thế giới cho thấy số lần nộp thuế của doanh nghiệp trong năm đã giảm từ 14 lần xuống còn 10 lần, tuy nhiên tổng số giờ/năm để doanh nghiệp nộp thuế năm 2018 vẫn giữ ở mức cao 498 giờ/năm (không giảm so với năm 2017).

Trong dài hạn, mấu chốt để các DNVVN có thể phát triển bền vững (gia tăng năng suất, cải thiện kết quả kinh doanh) nằm ở khả năng đổi mới của các DN. Các kết quả nghiên cứu cho thấy hoạt động đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp cũng chịu nhiều tác động của môi trường kinh doanh. Theo báo cáo của OECD và Ngân hàng Thế giới về Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo ở Việt Nam năm 2013, đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) của các doanh nghiệp mới chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng các khoản đầu tư cho R&D. Ngoài nguyên nhân do năng lực nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp còn thấp, các tác giả cũng nhấn mạnh nhiều điểm yếu kém trong môi trường, thể chế như: khuôn khổ pháp lý chưa phù hợp và chưa khuyến khích các hoạt động đổi mới, sáng tạo; hệ thống quản lý và thực thi các chính sách khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa phù hợp; môi trường kinh doanh còn tồn tại nhiều thủ tục hành chính không hợp lý và minh bạch. Kết quả nghiên cứu của các tác giả Phùng và Lê (2013) cũng khẳng định doanh nghiệp thường xuyên gặp phải nhiều trở ngại khi tiến hành đổi mới, sáng tạo trong đó có sự thiếu ổn định của các chính sách của Nhà nước, thiếu liên kết với các đối tác, thiếu nhân lực cho đổi mới sáng tạo, thiếu sự bảo hộ của pháp luật. Đi sâu vào một đặc trưng của môi trường kinh doanh là vấn đề tham nhũng, kết quả nghiên cứu của Nguyễn và cộng sự (2015) trên dữ liệu về DNVVN ở Việt Nam trong giai đoạn 2005-2011 cho thấy các khoản chi phí phi chính thức của các doanh nghiệp có tác động khuyến khích đổi mới, sáng tạo và cải tiến sản phẩm. Kết quả nghiên cứu của tác giả Ngô Hoàng Thảo Trang (2017) cho thấy môi trường không chỉ ảnh hưởng trực tiếp lên năng suất mà còn hướng doanh nghiệp tới các hoạt động tạo ra năng suất. Cụ thể, doanh nghiệp được nhà nước hỗ trợ về mặt tài chính và kỹ thuật, doanh nghiệp có quy mô mạng lưới tốt hơn, doanh nghiệp tọa lạc tại khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp tiếp cận Internet hoặc tiếp cận tín dụng chính thức và môi trường cạnh tranh ngành cao thì có năng suất cao hơn thông qua kênh trung gian là đầu tư vào máy móc thiết bị và tham gia vào hoạt động xuất khẩu. Rõ ràng, môi trường thể chế thuận lợi sẽ góp phần tạo ra môi trường kinh doanh trong đó các doanh nghiệp có khả năng nắm bắt cơ hội kinh doanh để phát triển bình đẳng và bền vững hơn.

  1. Phương pháp nghiên cứu và số liệu

4.1. Phương pháp

Trong phạm vi bài viết này, mối quan hệ giữa môi trường kinh doanh và sự phát triển của DNVVN được đánh giá thông qua việc phân tích, so sánh sự phát triển của DNVVN tại các nhóm tỉnh có chất lượng môi trường kinh doanh khác nhau.

Kiểm định t-test trung bình hai mẫu độc lập được tiến hành để kiểm tra giá trị trung bình của các biến phản ánh tình trạng phát triển của doanh nghiệp tại các nhóm tỉnh có chất lượng môi trường kinh doanh khác nhau có thực sự khác biệt hay không. Cụ thể, kiểm định t-test được sử dụng để kiểm định giả thuyết H0: “Giá trị trung bình của biến phản ánh tình trạng phát triển của doanh nghiệp tại các nhóm tỉnh có chất lượng môi trường kinh doanh khác nhau là như nhau”.

trong đó  và  là trung bình của hai tổng thể.

Với trường hợp phương sai hai tổng thể bằng nhau, giá trị t được xác định như sau:

trong đó: và  là số quan sát trong hai tổng thể,  và  là tổng bình phương hai tổng thể.

Với trường hợp phương sai hai tổng thể khác nhau, giá trị t được xác định như sau:

Giá trị p-value (Pr(|T| > |t|)) nhỏ hơn 0,05 cho phép bác bỏ giả thuyết H0: giá trị trung bình của hai tổng thể là bằng nhau. Nói cách khác, có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (mức ý nghĩa 5%) về giá trị trung bình của biến phụ thuộc ở hai mẫu đang xem xét.

4.2. Số liệu

Chất lượng môi trường kinh doanh được đánh giá thông qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Với 10 chỉ số thành phần, PCI cho phép đánh giá nhiều khía cạnh khác nhau trong điều hành kinh tế thuộc thẩm quyền của các tỉnh, thành phố - cấp chính quyền có tương tác trực tiếp, tác động mạnh mẽ tới hoạt động của doanh nghiệp:

  • Chi phí gia nhập thị trường
  • Tiếp cận đất đai và Sự ổn định trong sử dụng đất
  • Tính minh bạch và tiếp cận thông tin
  • Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước
  • Chi phí không chính thức
  • Cạnh tranh bình đẳng
  • Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh
  • Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp
  • Đào tạo lao động
  • Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự

 Chỉ số PCI được công bố thí điểm lần đầu tiên vào năm 2005 cho 42 tỉnh, thành phố. Từ 2006 đến nay, PCI được tính toán đối với tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước, đồng thời các chỉ số thành phần cũng có sự điều chỉnh nhằm tăng hiệu quả phản ánh của chỉ số. Ví dụ, chỉ số Cạnh tranh bình đẳng đánh giá môi trường cạnh tranh đối với các doanh nghiệp dân doanh trước những ưu đãi dành cho doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp thân quen với cán bộ chính quyền cấp tỉnh, thể hiện dưới dạng các đặc quyền, ưu đãi mới được bổ sung từ báo cáo năm 2013.

Đối với sự phát triển của doanh nghiệp, ngoài các chỉ số thông thường như quy mô lao động, lợi nhuận và lợi nhuận bình quân trên mỗi lao động (phản ánh năng suất), bài viết cũng đề cập tới hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Trong bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng như hiện nay, mấu chốt để các DNVVN có thể phát triển bền vững nằm ở khả năng đổi mới, sáng tạo nhằm bắt kịp xu hướng tiêu dùng cũng như đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường. Dữ liệu trích xuất từ kết quả điều tra DNVVN trong ngành chế biến chế tạo tại 10 tỉnh của Việt Nam giai đoạn 2005- 2015[**] cho phép phân tách hai hình thức đổi mới, sáng tạo là đổi mới sản phẩm (bao gồm cho ra đời sản phẩm mới và cải tiến sản phẩm hiện có) và đổi mới quy trình sản xuất.

Do bộ số liệu sử dụng trong nghiên cứu từ năm 2005 đến năm 2015 nên trong phạm vi bài viết này DNVVN được xác định trên cơ sở quy mô lao động tuân thủ quy định tại Điều 3, Nghị định số 56/2009/NĐ-CP của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày 30 tháng 06 năm 2009.

Bảng 1. Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa

 

Doanh nghiệp siêu nhỏ

Doanh nghiệp nhỏ

Doanh nghiệp vừa

Khu vực

Số lao động

Tổng nguồn vốn

Số lao động

Tổng nguồn vốn

Số lao động

 

I. Nông, lâm nghiệp và thủy sản

10 người trở xuống

20 tỷ đồng trở xuống

từ trên 10 người đến 200 người

từ trên 20 tỷ đồng đến 100 tỷ đồng

từ trên 200 người đến 300 người

 

II. Công nghiệp và xây dựng

10 người trở xuống

20 tỷ đồng trở xuống

từ trên 10 người đến 200 người

từ trên 20 tỷ đồng đến 100 tỷ đồng

từ trên 200 người đến 300 người

 

III. Thương mại và dịch vụ

10 người trở xuống

10 tỷ đồng trở xuống

từ trên 10 người đến 50 người

từ trên 10 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng

từ trên 50 người đến 100 người

 

               

Đối với trụ cột 1 của tăng trưởng bao trùm theo tiếp cận của UNDP Việt Nam, tính bao trùm của tăng trưởng được hiểu dưới hai góc độ: (1) tạo thêm việc làm; (2) việc làm hiệu quả hơn và tạo thu nhập cao hơn. Nội dung nghiên cứu dưới đây đề cập tới hai góc độ này thông qua hai biến số tương ứng là: (1) mức tăng trưởng trung bình của lượng lao động toàn thời gian; (2) mức tăng trưởng trung bình của lợi nhuận gộp bình quân trên mỗi lao động.

  1. Kết quả nghiên cứu

Số liệu tại Bảng 2 cho thấy ở nhóm các tỉnh/thành phố có sự cải thiện về chất lượng môi trường kinh doanh (chỉ số PCI của năm sau tăng so với chỉ số PCI của năm trước), các DNVVN có sự tăng trưởng cao hơn so với DNVVN ở nhóm các tỉnh/thành phố có PCI giảm hoặc không tăng. Đối với quy mô lao động, sự chênh lệch là không đáng kể giữa hai nhóm tỉnh/thành phố này. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng trưởng trung bình trong giai đoạn 2005-2015 đối với lợi nhuận gộp và lợi nhuận gộp bình quân trên mỗi lao động cho thấy ưu thế rõ nét của các DNVVN hoạt động kinh doanh tại các tỉnh/thành phố có sự cải thiện về chất lượng môi trường kinh doanh.

Bảng 2. Cải thiện môi trường kinh doanh và sự phát triển của DNVVN giai đoạn 2005-2015

 

Mức tăng trưởng trung bình
(tỷ lệ năm sau so với năm trước)

Kiểm định t-test

Có sự cải thiện môi trường kinh doanh
(PCI tăng)

Không có sự cải thiện môi trường kinh doanh
(PCI giảm hoặc không tăng)

t-statistic

p-value

 

Lao động toàn thời gian
(làm việc thường xuyên)

1,36

1,35

t(3038)= -0,1809

0,8564

 

Lợi nhuận gộp

33,88

6,41

t(2570)= -4,6929

0,0000

 

Lợi nhuận (gộp) bình quân trên mỗi đầu lao động

32,67

6,40

t(2570)= -3,8275

0,0001

 

Nguồn: tính toán của nhóm tác giả

Kiểm định t-test trung bình hai mẫu độc lập được tiến hành để kiểm tra xem giá trị trung bình của tăng trưởng lao động, tăng trưởng lợi nhuận gộp và tăng trưởng lợi nhuận gộp bình quân trên mỗi lao động của các DNVVN thuộc nhóm các tỉnh/thành phố có sự cải thiện môi trường kinh doanh có thực sự cao hơn và có ý nghĩa về mặt thống kê so với các DN thuộc nhóm tỉnh/thành phố còn lại hay không. Kết quả kiểm định được trình bày trong Bảng 2 khẳng định sự vượt trội của các DNVVN thuộc nhóm tỉnh/thành phố có sự cải thiện môi trường kinh doanh về mức tăng trưởng trung bình của lợi nhuận gộp và lợi nhuận gộp bình quân trên mỗi lao động so với các DN thuộc nhóm tỉnh/thành phố không có sự cải thiện môi trường kinh doanh.

Nếu dùng chỉ tiêu lợi nhuận gộp trên lao động là một chỉ số để phản ánh năng suất lao động thì rõ ràng các DNVVN hoạt động trong các môi trường kinh doanh được cải thiện tốt hơn sẽ có sự gia tăng năng suất lao động cao hơn. Cho dù trung bình DNVVN ở những tỉnh/thành phố có môi trường kinh doanh được cải thiện không tuyển dụng nhiều lao động hơn đáng kể so với các DNVVN hoạt động ở những địa phương có môi trường kinh doanh không được cải thiện nhưng sự khác biệt về gia tăng năng suất lao động cho thấy sự phát triển vượt trội về chiều sâu của các DNVVN khi môi trường kinh doanh được cải thiện. Do đó, các DNVVN hoạt động trong môi trường kinh doanh đươc cải thiện đã thực sự đóng góp theo chiều sâu vào trụ cột việc làm của tăng trưởng bao trùm.

 Để phân tích cơ chế tác động của môi trường kinh doanh tới kết quả kinh doanh của DNVVN, chúng tôi đánh giá các hoạt động đổi mới, sáng tạo của DNVVN trong các môi trường kinh doanh khác nhau và sự khác biệt về kết quả kinh doanh giữa những DNVVN có và không có kết quả đổi mới, sáng tạo. Nếu coi đổi mới, sáng tạo là nguồn gốc của kết quả kinh doanh của các DNVVN (đo bằng lợi nhuận gộp) và năng suất lao động (đo bằng lợi nhuận gộp trên một lao động) thì môi trường kinh doanh tốt hơn sẽ giúp các DNVVN đổi mới từ đó nâng cao kết quả kinh doanh (Walkenhorst và cộng sự, 2017; OECD, 2015; Aghion và cộng sự, 2007).

Bảng 3. Môi trường kinh doanh và hoạt động đổi mới của DNVVN  

 

Tỷ lệ DN có đổi mới, sáng tạo (%)

Kiểm định t-test

Nhóm 20% tỉnh/thành phố có PCI cao nhất

Nhóm 40% tỉnh/thành phố có PCI thấp nhất

t-statistic

p-value

Đổi mới sản phẩm (bao gồm sản phẩm mới và cải tiến sản phẩm hiện có)

56,36

52,45

t(3043)= 1,7826

0,0748

Đổi mới quy trình sản xuất

27,88

24,07

t(3043)= 2,0050

0,0451

Tổng số DN được khảo sát

660

2385

 

 

Nguồn: tính toán của nhóm tác giả       

Đối với hoạt động đổi mới sáng tạo ở cấp độ doanh nghiệp, tỷ lệ DN có đổi mới, sáng tạo tại các tỉnh/thành phố thuộc nhóm có PCI cao nhất cao hơn so với tỷ lệ doanh nghiệp có đổi mới sáng tạo ở các tỉnh/thành phố thuộc nhóm có PCI thấp nhất (Bảng 3)[††]. Cụ thể, tỷ lệ DN có đổi mới sản phẩm tại nhóm 20% tỉnh/thành phố có PCI cao nhất đạt 56,36% trong khi nhóm 40% tỉnh/thành phố có PCI thấp nhất chỉ ghi nhận tỷ lệ DN có đổi mới sản phẩm ở mức 52,45%. Tương tự, đối với hoạt động đổi mới quy trình sản xuất, nhóm 20% tỉnh/thành phố có PCI cao nhất đạt tỷ lệ DN có đổi mới cao hơn khoảng 3% so với nhóm 40% tỉnh/thành phố có PCI thấp nhất.

Bảng 4. Môi trường kinh doanh và hoạt động đổi mới, sáng tạo của DNVVN theo quy mô doanh nghiệp

Quy mô DN

Hình thức đổi mới, sáng tạo

Tỷ lệ DN có đổi mới, sáng tạo (%)

Kiểm định t-test

Nhóm 20% tỉnh/thành phố có PCI cao nhất

Nhóm 40% tỉnh/thành phố có PCI thấp nhất

t-statistic

p-value

Siêu nhỏ

Đổi mới sản phẩm (bao gồm Sản phẩm mới và Cải tiến sản phẩm hiện có)

34,13

34,34

t(10506)= -0,1933

0,8467

Đổi mới quy trình sản xuất

10,15

8,19

t(6745)= 2,3203

0,0204

Nhỏ

Đổi mới sản phẩm (bao gồm Sản phẩm mới và Cải tiến sản phẩm hiện có)

56,22

52,15

t(2973)= 1,8394

0,0660

Đổi mới quy trình sản xuất

27,5

23,67

t(2973)= 2,0088

0,0446

Vừa

Đổi mới sản phẩm (bao gồm Sản phẩm mới và Cải tiến sản phẩm hiện có)

66,67

63,93

t(68)= 0,1574

0,8754

Đổi mới quy trình sản xuất

55,56

39,34

t(68)= 0,9139

0,3640

Nguồn: tính toán của nhóm tác giả

Kết quả tại Bảng 4 cung cấp các thống kê chi tiết hơn về mối quan hệ giữa môi trường kinh doanh và hoạt động đổi mới của DNVVN theo các quy mô (đo bằng số lượng lao động) khác nhau gồm các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Số liệu cho thấy các DNVVN với các quy mô khác nhau ở những tỉnh/thành phố có chỉ số PCI cao có nhiều đổi mới hơn cả về sản phẩm và quy trình sản xuất so với các DNVVN ở những tỉnh/thành phố có chỉ số PCI thấp. Kết quả kiểm định ý nghĩa thống kê của sự khác biệt cho thấy các doanh nghiệp siêu nhỏ và các doanh nghiệp nhỏ hưởng lợi nhiều hơn từ môi trường kinh doanh được cải thiện vì sự khác biệt giữa các nhóm doanh nghiệp có ý nghĩa về mặt thống kê ở các mức ý nghĩa thông thường. Nói cách khác, sự ảnh hưởng của việc cải thiện môi trường kinh doanh tới các hoạt động đổi mới, sáng tạo trong các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ là đáng kể hơn nhiều so với các doanh nghiệp có quy mô vừa. Kết quả này cho thấy việc cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng hiện nay có hiệu quả lớn đối với hoạt động đổi mới của các DNVVN do tỷ lệ các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ trên toàn bộ các doanh nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam là rất lớn.

Bảng 5. Đổi mới và kết quả kinh doanh của DNVVN

Nhóm DN

Chỉ tiêu kết quả kinh doanh

DN có đổi mới

DN không có đổi mới

Kiểm định t-test

t-statistic

p-value

Nhóm siêu nhỏ

Tăng trưởng của quy mô lao động toàn thời gian

1,047752

1,037179

t(7165)= -0,7074

0,4794

Tăng trưởng của lợi nhuận gộp

2,546851

1,450806

t(5671)= -3,6289

0,0003

Tăng trưởng của lợi nhuận gộp bình quân trên mỗi lao động

2,742842

1,690924

t(5671)=-3,2730

0,0011

 

Nhóm nhỏ

Tăng trưởng của quy mô lao động toàn thời gian

1,373223

1,275346

t(2983)= -1,9547

0,0507

Tăng trưởng của lợi nhuận gộp

15,97499

7,31724

t(2524)= -1,7321

0,0834

Tăng trưởng của lợi nhuận gộp bình quân trên mỗi lao động

15,85971

7,198816

t(2524)= -1,4758

0,1401

 

Nhóm vừa

Tăng trưởng của quy mô lao động toàn thời gian

2,100517

4,288861

t(53)= 1,0395

0,3033

Tăng trưởng của lợi nhuận gộp

53,98287

113,3632

t(44)= 0,7479

0,4585

Tăng trưởng của lợi nhuận gộp bình quân trên mỗi lao động

29,05504

144,7025

t(44)=1,3026

0,1995

Nguồn: tính toán của nhóm tác giả

            Liệu các doanh nghiệp có đổi mới, sáng tạo có kết quả kinh doanh tốt hơn các doanh nghiệp không đổi mới hay không? Kết quả ở Bảng 5 cho thấy sự nhất quán cao với kết quả trong Bảng 4 khi các kiểm định thống kê về sự khác biệt của các giá trị trung bình được thực hiện. Sự khác biệt về tăng trưởng lợi nhuận gộp và lợi nhuận gộp trên mỗi lao động có ý nghĩa thống kê cao đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ. Tăng trưởng về quy mô lao động toàn thời gian trung bình và tăng trưởng lợi nhuận gộp có ý nghĩa về mặt thống kê đối với các doanh nghiệp thuộc nhóm nhỏ. Sự khác biệt về tốc độ tăng trưởng của các chỉ tiêu giữa các doanh nghiệp có quy mô vừa là rất lớn nhưng khi tiến hành kiểm định sự khác biệt thì không có ý nghĩa về mặt thống kê. Một trong những lý do là vì số lượng các doanh nghiệp có quy mô vừa là rất ít với tổng số 36 doanh nghiệp trong đó có 34 doanh nghiệp có đổi mới. Kết quả này một lần nữa khẳng định việc cải thiện môi trường kinh doanh có tác động lớn nhất tới các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ ở Việt Nam.

Tổng hợp các kết quả ở các Bảng từ 3 đến 5 cho thấy việc cải thiện môi trường kinh doanh giúp các DNVVN tăng cường hoạt động đổi mới và qua đó giúp DNVVN gia tăng lợi nhuận cũng như năng suất của lao động với tốc độ nhanh hơn. Đây là những yếu tố quan trọng tác động tới trụ cột số 1 về việc làm trong mục tiêu tăng trưởng bao trùm của Việt Nam.

  1. 6. Kết luận và khuyến nghị

Các phân tích trên cho thấy tại các tỉnh có sự cải thiện về môi trường kinh doanh (đạt thứ hạng PCI cao hơn), tỷ lệ tăng trưởng trung bình trong giai đoạn 2005-2015 đối với lợi nhuận gộp và lợi nhuận bình quân trên mỗi đầu lao động là cao hơn. Theo đó, cải thiện môi trường kinh doanh có khả năng đóng góp vào quá trình hiện thực hóa tăng trưởng bao trùm tại Việt Nam thông qua việc tăng hiệu quả của việc làm tại các DNVVN.

Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo cũng được ghi nhận cao hơn ở các tỉnh có thứ hạng PCI cao hơn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Nói cách khác, cải thiện môi trường kinh doanh có khả năng nâng đỡ sự phát triển dài hạn của các DNVVN, giúp các doanh nghiệp yếu thế có nhiều cơ hội phát triển hơn. Sự phát triển bền vững của nhóm doanh nghiệp này là nền tảng đảm bảo gia tăng quy mô và năng suất việc làm dành cho lao động ở phân khúc thu nhập thấp và trung bình, củng cố trụ cột việc làm trong quá trình tăng trưởng bao trùm tại Việt Nam.

Mặt khác, các nhận định ban đầu này góp phần củng cố các kết quả nghiên cứu đi trước về vai trò tích cực của cải thiện môi trường kinh doanh đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp nói chung và DNVVN nói riêng. Việc sử dụng chỉ số tổng hợp PCI trong quá trình phân tích cũng cho phép mở ra hướng tiếp cận rộng hơn trong đánh giá môi trường kinh doanh. Theo đó, cải thiện môi trường kinh doanh không nên chỉ dừng lại ở việc minh bạch hóa thông tin và giảm thiểu các quy trình thủ tục hành chính mà còn cần hướng tới xây dựng môi trường bình đẳng đối với doanh nghiệp ở tất cả các khu vực kinh tế và cấp độ quy mô khác nhau.

Tài liệu tham khảo

  1. Aghion P., Richard Blundell, Rachel Griffith, Peter Howitt, and Susanne Prantl (2007), “The effects of entry on incumbent innovation and Productivity”, The Review of Economics and Statistics, February 2009, 91(1): 20–32.
  2. Becheikh, N., Landry, R., Armara, N., (2006), “Lessons from innovation empirical studies in manufacturing sector: A systematic review of the literature from 1993-2003”, Technovation 26, 644–664.
  3. Bộ NNPTNT (2018), http://www.molisa.gov.vn/vi/Pages/chitiettin.aspx?IDNews =28530 , Truy cập 12/3/2019.
  4. Đỗ Sơn Tùng, Ma Ngọc Ngà (2014), “Thực trạng tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam”, Nghiên cứu Kinh tế, số 431, th4/2014, tr.33-38.
  5. Ngô Hoàng Thảo Trang (2017), “Phân tích tác động của môi trường kinh doanh lên năng suất của doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua vai trò trung gian xuất khẩu và đổi mới”, Tạp chí Khoa học Đại học Mở tp.HCM – số 54 (3) 2017, tr.131-146.
  6. Ngô Hoàng Thảo Trang (2017), “Phân tích tác động của môi trường kinh doanh lên năng suất của doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua vai trò trung gian xuất khẩu và đổi mới”, Tạp chí khoa học Đại học Mở TP.HCM, số 54 (3) 2017,131-145.
  7. OECD (2015), The Innovation Imperative: Contributing to Productivity, Growth and Well-Being, OECD Publishing, Paris. DOI: http://dx.doi.org/10.1787/9789264239814-en.
  8. OECD (2018), Improving the business environment for SMEs through effective regulation, SME Ministerial Conference, February 2018, Mexico City.
  9. OECD/Eurostat (2005), The Measurement of Scientific and Technological Activities—Oslo Manual: Guidelines for Collecting and Interpreting Innovation Data, 3rd ed., OECD Publishing. doi: 10.1787/9789264013100-en.
  10. Phạm Thế Anh, Nguyễn Đức Hùng (2017), “Đo lường tăng trưởng bao trùm: Tiếp cận từ góc độ doanh nghiệp ở Việt Nam”, Kinh tế & Phát triển, số 244, tháng 10 năm 2017, tr. 13-24.
  11. Phạm, T. Đ. (2006), “Thực trạng và giải pháp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nước ta hiện nay”, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, 6/2006.
  12. Rocha E.A.G. (2012), “The Impact of the Business Environment on the Size of the Micro, Small and Medium Enterprise Sector: Preliminary Findings from a Cross-Country Comparison”, Procedia Economics and Finance, Volume 4, 2012, 335-349.
  13. Tạp chí Tài chính (2019), http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/tai-chinh-doanh-nghiep/doanh-nghiep-nho-va-vua-chiem-981-144150.html, Truy cập ngày 12/3/2019.
  14. TTXVN (2019), https://infographics.vn/dong-gop-cua-doanh-nghiep-nho-va-vua-vao-tang-truong-kinh-te/5019.vna , Truy cập ngày 12/3/2019.
  15. UNDP (2016), Tăng trưởng vì mọi người, Báo cáo Phát triển con người Việt Nam 2015 về tăng trưởng bao trùm, UNDP- VASS, tháng 1-2016, Nxb Khoa học Xã hội.
  16. UNU-WIDER (2015), Đặc điểm môi trường kinh doanh ở Việt Nam: Kết quả điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2015, Hà Nội, Việt Nam: Viện Quản lý Kinh tế Trung Ương (CIEM).
  17. VASS, UNDP (2014), Kỷ yếu hội thảo “Cải cách kinh tế vì tăng trưởng bao trùm và bền vững: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”, tháng 3/2014.
  18. VEPR (2017), http://vepr.org.vn/upload/533/20171222/EN_VEPR%20WP% pdf , Truy cập ngày 12/3/2019.
  19. Walkenhorst P., Demmou L., Frohde M. (2017), “Making the business environment more supportive of productivity in Belgium”, OECD Economics Department Working Papers, 1451.
  20. Wignaraja, Ganeshan. (2013), “Can SMEs participate in global production networks, in Elms, Deborah K., and Patrick Low (ed)”, Global Value Chains in a Changing World, World Trade Organization: Geneva.

 

[*] Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) trong đề tài mã số 502.01-2018.03

[†] Trường Đại học Ngoại thương, Email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó.

[‡] Trường Đại học Ngoại thương, Email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó.

[§] Trường Đại học Ngoại thương, Email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó.

[**] Điều tra này được tiến hành hai năm một lần trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Viện Khoa học Lao động và Xã hội (ILSSA) và nhóm nghiên cứu Phát triển Kinh tế (DERG) của Đại học Copenhagen. Điều tra tuy chỉ tập trung ở 10 tỉnh/ thành phố trong cả nước nhưng có khả năng cung cấp những thông tin quan trọng về hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp nói riêng và sự phát tiển của doanh nghiệp nói chung.

[††] Do có sự không thống nhất về số lượng tỉnh/thành phố được điều tra và tên nhóm xếp hạng qua các năm, việc phân loại các tỉnh/thành phố theo giá trị PCI được tiến hành theo tỷ lệ tương đối. Nhóm 20% tỉnh/thành phố có PCI cao nhất thường bao gồm toàn bộ các tỉnh/thành phố có PCI thuộc nhóm “Rất tốt” và một phần số tỉnh/thành phố có PCI thuộc nhóm “Tốt”. Tương tự, nhóm 40% tỉnh/thành phố có PCI thấp nhất bao gồm toàn bộ các tỉnh/thành phố có PCI thuộc nhóm “Thấp” và một phần số tỉnh/thành phố có PCI thuộc nhóm “Tương đối thấp”, và “Trung bình” (tùy năm).