Sidebar

Magazine menu

03
T6, 05

Tạp chí KTĐN số 114

 

TÁC ĐỘNG CỦA CHÍNH SÁCH LẠM PHÁT MỤC TIÊU ĐẾN TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ CHILE VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM

Nguyễn Thị Hồng[1]

Nguyễn Huy Công[2]

Trần Quang Thanh[3]

 

 

 

Tóm tắt

 

Từ trước đến nay, lạm phát cao luôn là mối đe dọa đối với sự ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế dài hạn của các quốc gia. Vì vậy, kiểm soát lạm phát trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiều quốc gia. Vào đầu những năm 1990, một xu hướng mới trong việc điều hành chính sách tiền tệ được hình thành, hàng loạt quốc gia công nghiệp tiên tiến cũng như thị trường mới nổi, trong đó có Chile, chuyển sang áp dụng chính sách lạm phát mục tiêu. Từ một quốc gia có lạm phát cao trên 20%, lạm phát của Chile đã giảm xuống còn khoảng 2%, kinh tế tăng trưởng cao trong nhiều năm, đưa Chile từ một nước thị trường mới nổi trở thành nước phát triển bậc nhất khu vực Nam Mỹ. Vậy Chile đã thực hiện chính sách lạm phát mục tiêu như thế nào?

Bài viết này sẽ giới thiệu về chính sách lạm phát mục tiêu, quá trình thực hiện chính sách lạm phát mục tiêu của Chile và đánh giá tác động của chính sách lạm phát mục tiêu đến tăng trưởng kinh tế của Chile. Từ thành công của Chile các tác giả rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam nếu theo đuổi chính sách này.

Từ khóa: Chile, chính sách lạm phát mục tiêu, tăng trưởng kinh tế.

 

Abstract

 

High inflation is always a threat to macroeconomic stability and long-term economic growth. Therefore, controlling inflation has become one of the most important tasks in many countries. In the early 1990s, a new trend in conducting monetary policy was formed, a lot of advanced industrial countries as well as emerging market economies, including Chile, shifted towards inflation targeting (IT) policy. From an emerging country with a high inflation rate of over 20%, Chile has become the most developed country in South America with inflation rate around 2% and high economic growth for many years. How did Chile do under IT regime?

This paper will provide background of IT policy, performance of IT policy in Chile and then evaluate the effect of IT policy on Chile's economic growth. Base on the success of Chile, the authors draw lessons for Vietnam if Vietnam pursue this policy.

Keywords: Chile, inflation targeting policy, economic growth.

 

  1. Tổng quan tình hình nghiên cứu

Mặc dù lạm phát mục tiêu (LPMT) là một chính sách tiền tệ (CSTT) đã được đưa vào áp dụng cách đây gần 30 năm và được nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn nhưng cho đến nay, chính sách này vẫn nhận được rất nhiều sự quan tâm từ những nhà kinh tế học, nhà nghiên cứu chính sách. Đặc biệt, mối quan hệ giữa LPMT và tăng trưởng kinh tế (TTKT) cũng là đề tài của rất nhiều nghiên cứu. Kết quả cho thấy tác động của chính sách LPMT đến TTKT vẫn còn là vấn đề tranh cãi. Song nhìn chung, phần lớn các nhà kinh tế thông qua các nghiên cứu thực nghiệm về các quốc gia đã áp dụng LPMT đều cho rằng, chính sách LPMT đã giúp kiểm soát lạm phát ở mức thấp, ổn định nền kinh tế và tạo điều kiện cho TTKT. Cụ thể, có thể kể đến một số nghiên cứu tiêu biểu sau đây:

Đầu tiên là nghiên cứu của Debelle năm 1999. Trước những những chỉ trích về việc mục tiêu chỉ hướng về lạm phát mà bỏ qua mục tiêu sản lượng và lao động của NHTW, Debelle chỉ ra rằng những chỉ trích đó là hoàn toàn sai lầm. Trên thực tế, cụ thể là trường hợp của Australia, khuôn khổ chiến lược của chính sách LPMT đủ linh hoạt để cho phép đánh đổi giữa lạm phát và TTKT trong ngắn hạn. Việc ổn định giá cả trong trung hạn có thể vẫn được duy trì trong khi thực hiện thay đổi lạm phát trong ngắn hạn và vì thế tạo điều kiện cho việc giảm bớt sự biến động của sản lượng.

Goncalves và Salles (2008) nghiên cứu 36 nền kinh tế thị trường mới nổi và thấy rằng việc thông qua một chế độ LPMT dẫn đến tỷ lệ lạm phát trung bình thấp hơn và giảm biến động tăng trưởng đầu ra so với nhóm phi mục tiêu.

Nghiên cứu của Jihene Bousrih (2013) sử dụng tập dữ liệu của 30 quốc gia trong giai đoạn 1985-2010 để tìm ra tác động của LPMT tới hiệu suất kinh tế, đồng thời tìm ra nguyên nhân cho sự thành công của chính sách LPMT trong việc giảm biến động lạm phát. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng chính sách này đã thành công trong việc cải thiện tốc độ TTKT và giảm lạm phát trong giai đoạn nghiên cứu.

Cả hai nghiên cứu của Richard Ayisi (2013) và Alhassan Mohammed (2016) đều chỉ ra rằng chính sách LPMT và TTKT của Ghana có mối quan hệ tích cực cả trong ngắn hạn và dài hạn. Trong đó, Richard Ayisi đã sử dụng mô hình ước lượng với phương pháp ước lượng bình phương nhỏ nhất (OLS), các biến độc lập được chọn bao gồm cung tiền trên GDP, chi tiêu chính phủ, độ mở cửa của nền kinh tế, lạm phát, LPMT (được sử dụng như một biến giả), tốc độ tăng trưởng dân số; biến phụ thuộc là GDP bình quân đầu người, dữ liệu được sử dụng là dữ liệu chuỗi thời gian từ năm 1965 đến năm 2011 của Ghana. Còn Alhassan Mohammed sử dụng mô hình phân phối tự động (ARDL) để phân tích dữ liệu chuỗi thời gian về lạm phát và GDP bình quân đầu người giai đoạn 1980 – 2013.

Nghiên cứu về chính sách LPMT của Nam Phi, tác giả Mokgola Aubrey (2015) đã sử dụng mô hình hồi quy tuyến tính đa biến với phương pháp OLS để tìm ra tác động của chính sách LPMT đến TTKT Nam Phi trong giai đoạn 1981 – 2010. Các biến được sử dụng trong mô hình bao gồm: biến phụ thuộc là tốc độ TTKT; các biến độc lập là: lạm phát mục tiêu, tỷ lệ lạm phát, lãi suất thực tế, tỷ lệ thất nghiệp. Tác giả chỉ ra rằng, chính sách LPMT không chỉ làm giảm lạm phát mà còn có tác động tích cực đối với TTKT Nam Phi. Tốc độ TTKT trước khi áp dụng LPMT vẫn ở mức thấp nhưng lại luôn ổn định và tương đối cao trong giai đoạn áp dụng chính sách LPMT.

Ngoài ra còn rất nhà kinh tế học cũng tham gia nghiên cứu về đề tài này và đồng tình với quan điểm chính sách LPMT có tác động tích cực tới TTKT như: Mollick và cộng sự (2011) đã kiểm tra mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người thực tế cho một nhóm các nền kinh tế công nghiệp và nền kinh tế mới nổi. Họ nhận thấy rằng việc áp dụng chế độ LPMT dẫn đến sản lượng cao hơn và thu nhập bình quân đầu người cũng tăng lên ở cả nền kinh tế công nghiệp lẫn nền kinh tế mới nổi. Theo Epstein và Yeldan (2009), LPMT sẽ giúp TTKT ổn định ở mức tiềm năng của nó. Vega và Winkelried (2005) đánh giá tác động của chính sách LPMT đến kinh tế, mẫu nghiên cứu là 109 nước phát triển và đang phát triển, và thấy rằng các nước áp dụng LPMT có mức độ và biến động của lạm phát thấp hơn với các nước không áp dụng LPMT, TTKT cũng ổn định hơn. Lin và Ye (2009) mở rộng mô hình của họ (Lin và Ye, 2007) cho các nước đang phát triển để đánh giá hiệu quả chính sách LPMT trong một mẫu 52 nước đang phát triển và phát hiện ra rằng LPMT làm giảm đáng kể lạm phát thực tế và tác động tích cực đến TTKT.

Ở Việt Nam, có khá nhiều công trình nghiên cứu về chính sách LPMT như: Phí Trọng Hiển (2005), Nguyễn Văn Tiến và Vũ Hoàng Phương Quế (2005), Nguyễn Hữu Nghĩa (2005), Đỗ Thị Đức Minh (2005), Nguyễn Văn Hà (2007), Tô Ánh Dương và các cộng sự (2012), Tô Kim Ngọc và Nguyễn Khương Duy (2012), Nguyễn Thị Hiền (2015), Lê Thái Phong và các cộng sự (2017),…Tuy nhiên, hầu hết các công trình này tập trung vào việc khái quát hóa cơ sở lý luận, phân tích các đặc điểm, các điều kiện áp dụng chính sách LPMT, đúc rút bài học kinh nghiệm quốc tế trong việc áp dụng chính sách LPMT. Trên cơ sở đó đánh giá khả năng và đề xuất lộ trình và biện pháp theo đuổi chính sách LPMT cho Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng có một số công trình nghiên cứu ngưỡng lạm phát tối ưu đối với TTKT ở Việt Nam như Tô Kim Ngọc và Nguyễn Khương Duy (2015). Các tác giả đã nghiên cứu mối quan hệ giữa lạm phát và TTKT của Việt Nam giai đoạn 2000 – 2015 thông qua mô hình đường cong Phillips và đưa ra khuyến nghị Việt Nam nên theo đuổi lạm phát ở mức 10% để đảm bảo cân bằng giữa TTKT và ổn định giá cả. Trong khi đó, Nguyễn Anh Phong (2017) đã nghiên cứu quan hệ giữa TTKT và lạm phát tại Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1992 đến 2016 và tìm ra ngưỡng lạm phát tối ưu tại Việt Nam chỉ ở mức 3,22%/năm. Nếu lạm phát cao hơn mức này, khả năng suy giảm tăng trưởng sẽ xuất hiện,... Mặc dù vậy, các nghiên cứu đánh giá tác động của chính sách LPMT đối với TTKT lại hầu như chưa có.

  1. Giới thiệu chính sách LPMT

Chính sách LPMT được áp dụng lần đầu tiên tại New Zealand vào tháng 4 năm 1990, cho đến nay đã có rất nhiều nhà nghiên cứu và các tổ chức đưa ra các khái niệm, lý thuyết khác nhau về LPMT. Trong đó, khái niệm của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) được xem là khá đầy đủ và chi tiết: Chính sách tiền tệ LPMT là một bản thông báo đưa ra công chúng về chỉ tiêu trung hạn của lạm phát cũng như uy tín của cơ quan thẩm quyền về tiền tệ để đạt mục tiêu này. Các yếu tố khác bao gồm phổ biến thông tin về các kế hoạch và mục tiêu của nhà hoạch định CSTT tới công chúng và thị trường, cũng như trách nhiệm  giải trình của NHTW để đạt được chỉ tiêu lạm phát của mình. Các quyết định về CSTTsẽ dựa trên độ lệch dự báo lạm phát (một cách hoàn toàn hay rõ ràng) đóng vai trò là chỉ tiêu trung gian của CSTT.

2.1 Lý do áp dụng chính sách lạm phát mục tiêu

Tính đến nay, đã có hơn 30 quốc gia áp dụng chính sách LPMT. Lý do các nước chuyển đổi sang chính sách LPMT là rất đa dạng, nhưng nhìn chung có thể chia các nước áp dụng thành 2 nhóm chính:

Thứ nhất, nhóm nước áp dụng do kỳ vọng một cơ chế CSTT mới hiệu quả hơn. Các quốc gia trước khi thực hiện chính sách LPMT đều gặp phải khó khăn trong việc sử dụng các neo danh nghĩa khác (như tỷ giá hay cung tiền), cũng như mong muốn một tỷ lệ lạm phát thấp hơn và neo các kỳ vọng lạm phát (Freedman và Laxton, 2009a). Thuộc nhóm lý do này phần lớn là các nước công nghiệp phát triển như New Zealand, Canada, Vương quốc Anh,...  hoặc một số nước chuyển đổi như Ba Lan, Cộng Hòa Séc, Hungary,...

Thứ hai, nhóm nước áp dụng nhằm ứng phó hoặc bị tác động bởi các cú sốc về khủng hoảng tài chính – tiền tệ. Các nước thuộc nhóm lý do này đa số là các nước đang phát triển. Điển hình cho việc áp dụng chính sách LPMT để ứng phó với các cú sốc tiền tệ là Brazil. Tháng 1/1999 Brazil đối mặt với sự sụp đổ của đồng Real, để ứng phó với việc này tháng 6/1999 Brazil quyết định áp dụng chính sách LPMT. Trong khi đó đối với các quốc gia như Nam Phi, Hàn Quốc, Philippin, Thái Lan, Indonesia,.. việc áp dụng chính sách LPMT không phải bắt đầu từ các cú sốc kinh tế trực tiếp nhưng trước đó các nước này đã trải qua hoặc chịu tác động bởi cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ. Họ cần một neo mới cho CSTT sau khi hủy bỏ chế độ tỷ giá hối đoái cố định.

  • Điều kiện áp dụng chính sách LPMT

Chính sách tiền tệ LPMT là một khuôn khổ chính sách mà NHTW sẽ trực tiếp và công khai mức (hoặc khung) lạm phát làm mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Theo nghiên cứu thực nghiệm của Batini và cộng sự (2005) đối với 31 nền kinh tế (trong đó có 21 nền kinh tế áp dụng LPMT), có 4 nhóm điều kiện để theo đuổi LPMT thành công, đó là:

  • Mức độ độc lập của NHTW

Mức độ độc lập của NHTW được thể hiện trên 3 nội dung: độc lập về chính sách, độc lập về kinh tế và độc lập về chính trị. Độc lập về chính sách hay độc lập về công cụ là việc NHTW được quyền chủ động trong việc hoạch định và thực thi CSTT. Độc lập về mặt kinh tế là việc NHTW không chịu các áp lực tài khóa, nghĩa là NHTW không phải tài trợ cho thâm hụt ngân sách nhà nước; kỷ luật thu, chi ngân sách phải được đảm bảo. Độc lập về chính trị của NHTW được hiểu là nhiệm kỳ và miễn nhiệm hội đồng Thống đốc của NHTW không bị ảnh hưởng bởi Chính phủ trong việc bổ nhiệm.

  • Hạ tầng kỹ thuật

Hạ tầng kỹ thuật bao gồm: hệ thống cơ sở dữ liệu, mô hình dự báo, năng lực dự báo. Trong đó:

Hệ thống cơ sở dữ liệu bao gồm số liệu về lạm phát, các chỉ số kinh tế vĩ mô trong quá khứ làm cơ sở dự báo những diễn biến kinh tế trong tương lai. Hệ thống cơ sở dữ liệu kém cập nhật hoặc không được công bố đều đặn hàng tháng hoặc hàng quý sẽ khiến NHTW thiếu đánh giá sát thực nhất về diễn biến thị trường, qua đó ảnh hưởng đến định hướng và liều lượng của các công cụ CSTT.

Mô hình dự báo là công cụ dùng để xử lý kỹ thuật về mặt kinh tế lượng của các dữ liệu đầu vào. Hầu hết các NHTW áp dụng chính sách LPMT sử dụng một hệ thống các mô hình. Với việc sử dụng nhiều mô hình khác nhau với các mục tiêu khác nhau NHTW có thể đưa ra cơ sở lý thuyết và dữ liệu cùng với những đánh giá mang tính định tính để đưa ra quyết định cuối cùng.

Năng lực dự báo phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố con người trong công tác thống kê, phân tích và truyền đạt thông tin. Do vậy, đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức về kinh tế lượng, am hiểu kinh tế vĩ mô, xây dựng được các mô hình dự báo phù hợp là yếu tố quan trọng trong công tác dự báo.

  • Mức độ lành mạnh của hệ thống tài chính

Chính sách LPMT đòi hỏi phải có một thị trường tài chính vững mạnh, có kỷ cương, kỷ luật thị trường, cạnh tranh lành mạnh. Để có một thị trường tài chính lành mạnh phải có hệ thống tài chính - ngân hàng vững mạnh đi kèm một thị trường vốn phát triển hiệu quả và an toàn. Nếu hệ thống ngân hàng yếu kém NHTW không thể nâng lãi suất để kiểm chế lạm phát ở mức mục tiêu bởi vì nếu làm như vậy có thể sẽ dẫn đến sụp đổ của hệ thống tài chính.

Bên cạnh đó, mức độ lành mạnh của chính sách tài khóa phải cao. Ổn định tài khoá là điều kiện cần thiết mang tính nền tảng để kiểm soát lạm phát, cũng như đảm bảo cho sự vận hành của cơ chế LPMT (Nguyễn Thị Hiền, 2015). Nếu thực hiện chính sách tài khóa không hiệu quả sẽ làm tăng áp lực đối với các cơ quan tiền tệ trong việc tài trợ để trả nợ, bởi vậy sẽ làm cung tiền và lạm phát tăng nhanh. Khi đó, CSTT trở nên phụ thuộc vào các quyết định tài khoá và mục tiêu lạm phát sẽ khó có thể đạt được.

  • Cấu trúc kinh tế phù hợp

Cấu trúc kinh tế thể hiện qua các yếu tố: Mức độ đô la hóa nền kinh tế, chế độ tỷ giá hối đoái, độ mở của nền kinh tế. Tình trạng đô la hóa làm giảm hiệu quả kiểm soát và điều hành CSTT của NHTW vì NHTW không kiểm soát và xác định chính xác được toàn bộ khối lượng tiền tệ và phương tiện thanh toán trong nền kinh tế. Từ đó ảnh hưởng đến việc cung ứng, phân tích và dự báo những thay đổi tổng phương tiện thanh toán của NHTW. Điều này sẽ dẫn đến hoạt động điều hành CSTT nhằm đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát thông qua mục tiêu trung gian bị méo mó. Chế độ tỷ giá hối đoái cố định buộc NHTW phải thường xuyên phải can thiệp để bảo vệ tỷ giá ở mức cam kết. Khi đó, mục tiêu lạm phát sẽ không được ưu tiên nữa. Vì vậy, để thực hiện thành công chính sách LPMT đòi hỏi các quốc gia thực hiện chế độ tỷ giá hối đoái linh hoạt trong biên độ rộng hoặc thả nổi hoàn toàn. Độ mở nền kinh tế là chỉ số được sử dụng để đo lường chính sách mở cửa thương mại của một quốc gia, chính sách thương mại càng theo hướng tự do hóa, thì độ mở của nền kinh tế càng lớn. Khi độ mở nền kinh tế lớn, giá cả hàng hóa sẽ bị biến động nhiều, tức lạm phát sẽ bị ảnh hưởng nhiều. Do vậy, nếu muốn thực hiện tốt chính sách LPMT, các nước phải kiểm soát được độ mở nền kinh tế.

Mặc dù nhận được sự đồng thuận của nhiều công trình nghiên cứu khác, nhưng không ít nhà nghiên cứu kinh tế cho rằng, không nhất thiết phải đáp ứng tất cả các điều kiện trước khi bắt đầu chuyển đổi sang LPMT. Việc đảm bảo đầy đủ các điều kiện tiên quyết để thực hiện cơ chế LPMT không quan trọng bằng việc kiên định theo đuổi việc cải thiện các điều kiện trên một khi đã áp dụng cơ chế LPMT. Do vậy, NHTW phải đề ra lộ trình và phối hợp cùng chính phủ để cố gắng hoàn thiện những điều kiện còn thiếu đó.

  1. Đôi nét về chính sách LPMT của Chile
    • Hoàn cảnh ra đời

Trước khi áp dụng chính sách LPMT, tỷ lệ lạm phát của Chile luôn ở mức rất cao. Cụ thể, từ năm 1971-1974, tỷ lệ lạm phát tăng vọt từ 20,06% lên đến 504,73%, đây cũng là mức lạm phát cao nhất trong lịch sử của Chile. Sau đó tỷ lệ lạm phát đã giảm dần và giữ ở mức 2 con số. Sang những năm 1980, lạm phát Chile đã ổn định hơn tuy nhiên vẫn ở mức khá cao, lạm phát trung bình là 21,36%. Tỷ lệ lạm phát thấp nhất trong thời kì này là 9,94% vào năm 1982, đây cũng là dần duy nhất trong suốt 2 thập niên lạm phát xuống mức 1 con số.

Biểu đồ 1. Tỷ lệ lạm phát tại Chile giai đoạn 1970-1979 và 1980-1989

Đơn vị: %

Nguồn: World Bank

Để đối phó với lạm phát, NHTW Chile đã chuyển từ chính sách tỷ giá cố định sang chính sách biên độ tỷ giá. Tuy nhiên, CSTT trong giai đoạn này không đem lại kết quả khả quan, nền kinh tế vẫn đối mặt với lạm phát cao (20-30%), thâm hụt ngân sách lớn, TTKT thấp. Vào cuối những năm 1980, việc tìm kiếm một CSTT hiệu quả là một nhu cầu thực tế và cấp bách của Chile. NHTW Chile buộc phải cải tổ việc xây dựng và điều hành CSTT, chuyển sang chính sách lấy lạm phát làm mục tiêu.

  • Các giai đoạn thực hiện chính sách

Chile là quốc gia thứ hai (sau New Zealand) chuyển sang khuôn khổ chính sách LPMT. Do chưa có nhiều bài học từ các nước đi trước nên trong quá trình thực hiện Chile vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Thay vì lựa chọn chuyển đổi nhanh sang cơ chế LPMT, Chile đã lựa chọn phương thức chuyển đổi từ từ. Mặc dù chính thức tuyên bố chuyển đổi sang chính sách LPMT từ tháng 9/1990 nhưng đến tháng 9/1999 nước này mới áp dụng chính sách LPMT hoàn toàn.

* Giai đoạn 1 (9/1990-9/1999)

Chile áp dụng chính sách LPMT nhưng chưa có khuôn khổ hoàn chỉnh: NHTW chưa có dự báo và báo cáo lạm phát, chưa cam kết mạnh với dân chúng về mức lạm phát. Song, trong giai đoạn này, NHTW Chile đã xây dựng những điều kiện để từng bước thiết lập chính sách LPMT hoàn chỉnh như: trao quyền độc lập cho NHTW và quyền theo đuổi mục tiêu lạm phát là mục tiêu chính, thiết lập các quy định về giám sát và quản lý hoạt động ngân hàng, chuẩn bị ngân sách nhà nước đủ mạnh và cải thiện hệ thống tài chính, chuyển từ chế độ tỷ giá hối đoái cố định sang thả nổi có quản lý với biên độ ngày càng nới lỏng,…Bên cạnh đó, NHTW Chilê cũng theo đuổi cách tiếp cận dần dần để giảm tỷ lệ LPMT. Khi tỷ lệ LPMT được công bố vào tháng 9/1990, NHTW giải thích đây là tỷ lệ lạm phát kế hoạch cần cố gắng để đạt được chứ không công bố đây là tỷ lệ lạm phát phải đạt được. Chỉ đến khi NHTW đạt được những thành công về giảm tỷ lệ lạm phát và đạt được những mục tiêu thì họ mới nhấn mạnh cần phải đạt được tỷ lệ lạm phát này.

Kết quả là Chile đã giảm lạm phát thực tế từ mức lạm phát cao (26% năm 1990) đến mức lạm phát thấp và ổn định (3,3% năm 1999). Chỉ số LPMT trung bình mỗi năm giảm 1,5%. Lạm phát thực tế không còn biến động mạnh như trước khi thực hiện chính sách LPMT mà có xu hướng giảm dần qua từng năm và rất sát với mức mục tiêu. Trong những năm lạm phát thực tế nằm ngoài khung LPMT thì khoảng cách giữa 2 chỉ số cũng không quá xa.

Biểu đồ 2. Lạm phát thực tế và lạm phát mục tiêu tại Chile (1985-1999)

Đơn vị: %

Nguồn: Rodrigo Valdés, 2007

* Giai đoạn 2 (9/1999-nay)

Chile chính thức thực hiện chính sách LPMT hoàn toàn và có nhiều thay đổi quan trọng trong CSTT, trong đó, thay đổi quan trọng nhất là Chile chuyển sang áp dụng chế độ tỷ giá thả nổi. NHTW thông báo cụ thể về mức LPMT. Ví dụ, mục tiêu lạm phát cho năm 2000 là 3,5% và từ năm 2001 trở đi là từ 2% - 4%. Mục tiêu 2% - 4% này được duy trì  cho đến cuối năm 2006, thời gian thực hiện chính sách là từ 12 đến 24 tháng. Vào đầu năm 2007, nhằm làm cho toàn bộ khuôn khổ CSTT minh bạch hơn, NHTW Chile đã công bố một tài liệu mới miêu tả đầy đủ mục tiêu, cách tiến hành, cơ chế truyền dẫn, thực hiện và truyền thông của CSTT. Tài liệu này xác định lại một cách rõ nét và tinh tế về mục tiêu lạm phát cũng như sự thay đổi trong tầm nhìn chính sách. Mục tiêu được xác định lại là giữ lạm phát hàng năm ở mức 3%, với biên độ ±1%. Sự thay đổi này có hai điều quan trọng: thứ nhất, mục tiêu 3% như là neo danh nghĩa chính của nền kinh tế và thứ hai, trong một vài trường hợp, lạm phát có thể được tạm thời thay đổi trong khoảng 2% - 4% và sẽ không có sự gián đoạn trong việc thực hiện CSTT. Khoảng thời gian thực hiện chính sách cũng được thay đổi: “khoảng 2 năm” thay vì “12 đến 24 tháng”. Khoảng thời gian thực hiện chính sách là khoảng thời gian tối đa mà NHTW Chile sẽ cố gắng mang lại lạm phát lên đến 3% trong những điều kiện bình thường.

Ngoài ra, trong giai đoạn thứ 2 này, NHTW đã bắt đầu xuất bản một báo cáo lạm phát ba lần một năm vào các tháng 1, 5 và 9 (lần đầu là tháng 5/2000). Đến năm 2009 báo cáo lạm phát được tăng lên thành 4 lần một năm (vào các tháng 3, 6, 9 và 12).  Thông tin về các cuộc họp CSTT hàng tháng cũng được NHTW công bố vào ngày mồng 6 tháng trước, và công bố các biên bản cuộc họp CSTT sau 3 tháng, sau này rút ngắn xuống chỉ còn 3 tuần. Nhìn chung, NHTW đã có sự cải thiện đáng kể trong việc công bố thông tin, bao gồm dự báo chi tiết và quan điểm về cơ chế truyền dẫn.

Kết quả là trong giai đoạn 2000-2007, lạm phát hàng năm đạt trung bình 2,8%, phần lớn thời gian tỷ lệ lạm phát thực tế nằm trong khoảng 2% - 4%. Năm 2008, kinh tế thế giới rơi vào suy thoái do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ, kinh tế Chile cũng gặp nhiều tổn thất, tốc độ TTKT giảm còn 3,5%, lạm phát tăng lên đến 8,72%. Sự bất ổn này kéo dài đến 2009, khi đó kinh tế Chile thậm chí còn tăng trưởng âm, cụ thể là -1,6%, lạm phát ở mức rất thấp 0,71%. Từ năm 2010, kinh tế Chile dần hồi phục, tốc độ tăng trưởng đạt 5,8%.

Biểu đồ 3. Tỷ lệ lạm phát thực tế của Chile giai đoạn 1990-2016

Đơn vị: %

Nguồn: World Bank

            Ngoài thành công trong việc giảm tỷ lệ lạm phát, mức lạm phát thực tế cũng được giữ ở gần mức mục tiêu hơn, từ đó giúp cho mức lạm phát kỳ vọng (nhất là mức lạm phát kỳ vọng trong khoảng 2 năm tiếp theo) sát với ngưỡng mà NHTW mong đợi. Như vậy có thể thấy, công chúng đặt niềm tin lớn vào NHTW trong việc kiểm soát lạm phát. Điều này sẽ giúp giảm bớt chi phí và tổn thất cho nền kinh tế khi kiểm soát lạm phát.

Biểu đồ 4. Lạm phát thực tế và lạm phát mục tiêu Chile giai đoạn 2000-2017

Đơn vị: %

Nguồn: Ngân hàng trung ương Chile

Biểu đồ 5. Lạm phát mục tiêu và lạm phát kỳ vọng của Chile giai đoạn 2001-2016

Đơn vị: %

 

Nguồn: Naudon Joaquín, 2016

  1. Kinh tế Chile trước và sau khi áp dụng chính sách LPMT

Trong những năm 1970 và 1980, thu nhập bình quân đầu người của Chile ở mức trung bình thấp so với khu vực Mỹ Latin. GDP bình quân đầu người dao động trong khoảng 4000-6000 USD, còn khu vực Mỹ Latin là từ 5000-7000 USD (tính theo giá so sánh 2010).

Biểu đồ 6. Thu nhập bình quân đầu người của Chile và Mỹ Latin giai đoạn 1970-1989 (tính theo giá so sánh năm 2010)

 Đơn vị: USD/người

Nguồn: World Bank

Trong giai đoạn này, TTKT Chile trải qua 2 thời kì suy thoái, đó là 1972-1975 và 1982-1983, đỉnh điểm là năm 1975, tăng trưởng –12,91%.

Biểu đồ 7. Tốc độ tăng trưởng kinh tế Chile giai đoạn 1970-1989

Đơn vị: %

Nguồn: World Bank

Việc thông qua chính sách LPMT cùng với mở cửa nền kinh tế đã giúp kinh tế Chile có nhiều khởi sắc. Thu nhập bình quân đầu người của Chile trong giai đoạn này đã tăng lên một cách đáng kể. Từ một nước có thu nhập trung bình thấp so với khu vực, Chile đã vươn lên thành một trong nhưng quốc gia có thu nhập đầu người cao nhất Mỹ Latin (cao gấp 1,64 lần mức trung bình của khu vực Mỹ Latin). GDP bình quân đầu người (tính theo ngang giá sức mua) tăng từ 8.991 USD/người năm 1990 lên 22.706 USD/người năm 2016, tức tăng gấp 2,55 lần.

Biểu đồ 8. Thu nhập bình quân đầu người của Chile và khu vực Mỹ Latin giai đoạn 1990-2016 (tính theo ngang giá sức mua)

Đơn vị: USD/người

Nguồn: World Bank

Kinh tế Chile thời kì này cũng tăng trưởng khá ổn định (trung bình 6%/năm), và là một trong những nước tăng trưởng cao và bền vững hàng đầu tại khu vực Mỹ Latin. So với 2 nước phát triển khác trong khu vực là Brazil và Mexico, tốc độ TTKT của Chile luôn cao hơn. Đặc biệt là vào năm 1992, kinh tế Chile tăng trưởng lên đến gần 12% thì Mexico chỉ là 4%, Brazil thậm chí còn tăng trưởng âm. Vào các năm kinh tế suy thoái, kinh tế Chile cũng ít chịu tác động hơn, chỉ có 2 lần TTKT Chile dưới mức 0% (1999, 2009) trong khi đó Mexico là 3 lần (1995, 2001, 2009), Brazil là 4 lần (1992, 2009, 2015, 2016).

  1. Đánh giá tác động của chính sách LPMT đến TTKT Chile
    • Các biến và nguồn số liệu sử dụng trong mô hình nghiên cứu

Để xác định tác động của chính sách LPMT đến TTKT Chile trong giai đoạn từ quý 1/1980 đến quý 4/2017, các tác giả dựa vào nghiên cứu của Richard Ayisi (2013) và Mokgola Aubrey (2015) để lựa chọn các biến phụ thuộc và biến độc lập. Trong đó:

  • Biến phụ thuộc:

Biến phụ thuộc là tăng trưởng kinh tế, được đo lường bằng giá trị logarit của tổng sản phẩm quốc nội GDP (tính theo PPP).

  • Biến độc lập:

Các nhân tố được chọn làm biến độc lập giải thích cho TTKT bao gồm: lạm phát mục tiêu, tỷ lệ lạm phát thực tế, lãi suất thực tế, và tỷ lệ thất nghiệp. Trong đó, biến lạm phát mục tiêu được xác định bằng phương pháp đặt biến giả, lạm phát mục tiêu nhận giá trị 0 trong giai đoạn trước khi Chile áp dụng chính sách LPMT (Q1/1980 – Q4/1990) và nhận giá trị 1 trong giai đoạn Chile áp dụng chính sách LPMT (Q1/1991 – Q4/2017). Các biến tỷ lệ lạm phát thực tế, lãi suất thực tế, tỷ lệ thất nghiệp là các biến định lượng được thu thập theo từng quý từ năm 1980 đến 2017.

Bảng 1. Mô tả các biến số

Tên biến

Loại biến

Ký hiệu

Đơn vị

Nguồn số liệu

Tăng trưởng kinh tế

Phụ thuộc

Log(GDP)

%

OECD

Lạm phát mục tiêu

Độc lập

IT

%

NHTW Chile

Tỷ lệ lạm phát thực tế

Độc lập

IR

%

OECD

Tỷ lệ thất nghiệp

Độc lập

U

%

OECD

Lãi suất thực tế

Độc lập

R

%

OECD

 

  • Mô hình ước lượng

Bài viết tập trung nghiên cứu sự thay đổi tương đối của biến phụ thuộc theo thời gian nên mô hình kinh tế lượng được sử dụng có dạng:

Log(GDP)t = β0 + β1ITt + β2IRt + β3Ut + β4Rt + εt

  • Phương pháp nghiên cứu

Các tác giả thực hiện hồi quy tham số của mô hình bằng phương pháp bình phương nhỏ nhất (OLS) để xác định chiều tác động của các biến độc lập lên biến phụ thuộc và giá trị của các hệ số hồi quy.

  • Kết quả nghiên cứu

Sử dụng phần mềm kinh tế lượng STATA 12, kết quả nghiên cứu được trình bày như ở dưới đây:

* Kết quả kiểm định tính dừng của các biến

Kết quả kiểm định tính dừng của các chuỗi được thể hiện trong Bảng 2 dưới đây

Bảng 2. Kết quả kiểm định tính dừng của các biến số

Tên biến

Mức

t-Statistic

Prob

Kết luận

Log(GDP)

Chuỗi gốc

-5,468

0,000

Dừng

IR

Chuỗi gốc

-5,164

0,000

Dừng

R

Chuỗi gốc

-5,110

0,000

Dừng

U

Chuỗi gốc

-10,469

0,000

Dừng

Nguồn: Các tác giả tổng hợp từ kết quả phân tích trên STATA 12

Theo kết quả kiểm định, các chuỗi đều dừng tại chuỗi gốc. Do đó, việc phân tích thông kê và ước lượng mô hình được thực hiện trên chuỗi gốc.

            * Kết quả thống kê mô tả

Thống kê mô tả chi tiết về số liệu được thể hiện trong Bảng 3. Đối với mỗi biến số, dữ liệu được thu thập qua từng quý trong 38 năm từ 1980 đến 2017.

Bảng 3. Thống kê mô tả dữ liệu

Tên biến

Số quan sát

Giá trị trung bình

Độ lệch chuẩn

Giá trị nhỏ nhất

Giá trị lớn nhất

Log(GDP)

152

12,11

0,54

11,22

12,88

IT

152

0,71

0,46

0

1

IR

152

10,28

9,53

-3,03

39,01

U

152

9,01

2,92

5,50

19,97

R

152

15,26

13,36

0,48

60,64

Nguồn: Các tác giả tổng hợp từ kết quả phân tích trên STATA 12

Trước khi tiến hành hồi quy mô hình, các biến được kiểm tra mối quan hệ tương quan với nhau để xác định độ tin cậy của các biến.

Bảng 4. Mối quan hệ tương quan giữa các biến

 

Log(GDP)

IR

U

R

Log(GDP)

1,00

 

 

 

IR

-0,82

1,00

 

 

U

-0,68

0,44

1,00

 

R

-0,86

0,73

0,59

1,00

Nguồn: Các tác giả tổng hợp từ kết quả phân tích trên STATA 12

Bảng 4 cho thấy giá trị tuyệt đối của hệ số tương quan giữa các biến đều không vượt quá 0,86 nên các biến số đều đáng tin cậy để tiến hành hồi quy mô hình. Dựa vào bảng này có thể dự đoán được chiều ảnh hưởng của các biến độc lập lên biến phụ thuộc. Các biến tỷ lệ lạm phát thực tế, tỷ lệ thất nghiệp, lãi suất thực tế đều tác động ngược chiều đến tăng trưởng kinh tế của Chile.

* Kết quả ước lượng

            Kết quả ước lượng được trình bày trong Bảng 5 dưới đây

Bảng 5. Kết quả hồi quy mô hình

Source

SS

df      

MS

 

Number of obs

152

 

F(4, 147)

243.1

Model

38,28

4,00

9,569

 

Prob > F

0

Residual

5,79

147,00

147,039

 

R-squared

0,8687

Total

44,06

151,00

0,291

 

Adj R-squared

0,8651

 

Root MSE

0,1984

             

Log(GDP)

Coef.

Std. Err.     

t

P>t

[95% Conf. Interval]

IT

0,188

0,073

2,570

0,011

0,044

0,332

IR

-0,020

0,003

-6,590

0,000

-0,025

-0,014

U

-0,039

0,008

-4,910

0,000

-0,054

-0,023

R

-0,014

0,002

-7,010

0,000

-0,019

-0,010

_cons

12,744

0,124

102,770

0,000

12,499

12,989

Nguồn: Các tác giả tổng hợp từ kết quả phân tích trên STATA 12

Sau khi có kết quả ước lượng, các tác giả thực hiện các kiểm định khuyết tật có thể có của mô hình.

* Các kiểm định khuyết tật của mô hình

Kiểm định  hiện tượng đa cộng tuyến

Theo kết quả kiểm định đa cộng tuyến từ Bảng 6, ta thấy VIF trung bình bằng 3,06 tất cả các biến đều có VIF nhỏ hơn 10 và 1/VIF < 1 cho nên mô hình không mắc phải khuyết tật đa cộng tuyến.

Bảng 6. Kiểm định hiện tượng đa cộng tuyến trong mô hình

Biến

VIF

1/VIF

IT

4,22

0,237

IR

3,09

0,324

U

2,93

0,341

R

2,02

0,494

VIF trung bình

3,06

 

Nguồn: Các tác giả tổng hợp từ kết quả phân tích trên STATA 12

Kiểm định hiện tượng phương sai sai số thay đổi

Dùng kiểm định Breusch-Pagan để kiểm định hiện tượng phương sai sai số thay đổi của mô hình, kết quả thu được:

Bảng 7. Kiểm định hiện tượng phương sai sai số thay đổi trong mô hình

Chi2(1)

2,13

Prob > chi2(1)

0,1148

Nguồn: Các tác giả tổng hợp từ kết quả phân tích trên STATA 12

Kết quả kiểm định Breusch-Pagan cho thấy, P_value = 0,1148 > 0,05 cho nên mô hình không mắc phải khuyết tật phương sai sai số thay đổi.

Kiểm định hiện tượng tự tương quan

Ta sử dụng kiểm định Breusch-Godfrey để kiểm định hiện tượng tự tương quan trong mô hình. Kết quả thu được là giá trị d của Durbin Watson là 1.9937, cho nên không có hiện tượng tự tương quan bậc 1 trong mô hình

Bảng 8. Kiểm định hiện tượng tự tương quan

lags(p)

Durbin Watson stat

1

1,9937

Nguồn: Các tác giả tổng hợp từ kết quả phân tích trên STATA 12

Như vậy, mô hình không bị mắc các khuyết tật. Các phân tích tiếp theo sẽ dựa trên kết quả hồi quy trong Bảng 5 ở trên.

* Phân tích kết quả hồi quy

Từ Bảng 5 ta thấy rằng với mức ý nghĩa 5%, các biến IT, IR, U và R đều có ý nghĩa thống kê. Với R2 = 0,8687, mức độ phù hợp của mô hình là 86,87%. Hay, sự biến đổi của các biến độc lập giải thích 86,87% sự biến đổi của biến phụ thuộc.

Vậy mô hình hồi quy có dạng:

Log(GDP) = 12,744 + 0,188IT – 0,020IR – 0,039U – 0,014R + εt

Kết quả hồi quy cho thấy rằng, các biến tỷ lệ lạm phát thực tế, lãi suất thực tế, tỷ lệ thất nghiệp đều tác động ngược chiều tới tăng trưởng kinh tế, còn lạm phát mục tiêu tác động cùng chiều tới tăng trưởng kinh tế. Nói cách khác, việc áp dụng chính sách LPMT sẽ giúp TTKT của Chile cao hơn, Cụ thể, TTKT ở thời kì áp dụng chính sách LPMT cao hơn e0,188 = 1,2068 lần (hay 20,68%) so với thời kỳ không áp dụng. Kết quả này hoàn toàn phù hợp với các nghiên cứu trước đây và các lý thuyết kinh tế vĩ mô.

Như vậy, việc ước lượng tác động của chính sách LPMT tới TTKT Chile đã phần nào khẳng định tầm quan trọng của chính sách LPMT trong việc ổn định và phát triển kinh tế. Chính sách LPMT không chỉ giúp kiềm chế lạm phát mà còn tác động tích cực đến TTKT của Chile. Tuy nhiên, chính sách LPMT chỉ là một phần và không thể phủ nhận tác động của các nhân tố khác nữa đến TTKT. Chính phủ và NHTW Chile vẫn cần chú trọng đến việc phối hợp thực hiện chính sách LPMT với các chính sách khác một cách hiệu quả để mang lại kết quả tốt nhất cho nền kinh tế.

  1. Đánh giá khả năng áp dụng lạm phát mục tiêu tại Việt Nam

Chính sách LPMT đang tỏ ra vô cùng hiệu quả và trở thành một xu hướng mới trên thế giới, nhiều quốc gia đang phát triển cũng đã chuyển sang áp dụng chính sách này. Việt Nam hiện nay đang theo đuổi CSTT đa mục tiêu, những năm qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát lạm phát khi chưa có công cụ thật sự hữu hiệu. NHNN cũng xác định rằng cần phải tìm một neo mới cho CSTT để có thể chủ động kiểm soát lạm phát. Phương án theo đuổi chính sách LPMT làm khuôn khổ CSTT cũng có thể là một lựa chọn. Và lựa chọn này có khả năng thực hiện được hay không thì cần phải tiến hành xem xét, đối chiếu với các điều kiện cơ bản để áp dụng LPMT đã nêu ở trên. Cụ thể:

  • Về mức độ độc lập của NHTW

Tại Việt Nam, trên cả phương diện pháp lý lẫn thực tế, có thể thấy mức độ độc lập của NHNN còn hạn chế. Điều đó phần nào làm giảm tính linh hoạt trong việc điều hành thực hiện CSTT quốc gia, thậm chí đôi khi gây ra sự chậm trễ trong phản ứng chính sách trước các diễn biến khó lường trên thị trường tài chính, tiền tệ. Cụ thể:

Mức độ độc lập về chính sách: Theo quy định của Luật NHNN năm 2010, NHNN có trách nhiệm xây dựng CSTT để Chính phủ xem xét và trình Quốc hội quyết định. Sau đó, NHNN chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện chính sách khi đã được phê duyệt. Như vậy NHNN không phải là tổ chức có thể có ý kiến quyết định cuối cùng về CSTT.

Mức độ độc lập về kinh tế: NHNN Việt Nam trực thuộc Chính phủ và trên thực tế Chính phủ đã từng sử dụng NHNN để tài trợ cho các khoản vay và chi tiêu của mình. Song nhìn chung, hiện nay mức độ độc lập về kinh tế đang dần được cải thiện. Kỷ luật tài khóa đã được xây dựng như đặt ra mức bội chi ngân sách, ngưỡng trần nợ công,... Ví dụ, mức bội chi ngân sách cho giai đoạn 2013 – 2015 là dưới 4,5% GDP, cho giai đoạn 2016 – 2020 khoảng 4% GDP và bình quân 3% GDP cho giai đoạn sau 2020. Trần nợ công đến năm 2020 không quá 65% GDP, dư nợ chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP,…(Lê Thái Phong và cộng sự, 2017).

Mức độ độc lập về chính trị: có thể thấy tất cả nhân viên trong hệ thống NHNN đều là những công chức, viên chức do nhà nước bổ nhiệm và trả lương. Nhiệm kỳ của Thống đốc là 5 năm trùng với nhiệm kỳ của Chính phủ, do vậy khó có thể nói tới tính độc lập về nhân sự của NHNN.

  • Về hạ tầng kỹ thuật

Xét về hệ thống cơ sở dữ liệu, số liệu thống kê, công tác thống kê ở Việt Nam trong một vài năm trở lại đây đã được quan tâm và cải thiện rõ nét. Tuy nhiên, hiện nay cơ sở dữ liệu đầu vào về kinh tế vĩ mô, tiền tệ và hoạt động ngân hàng của NHNN vẫn còn thiếu, đang trong quá trình hoàn thiện, chuỗi thời gian chưa đủ dài và chưa được cập nhật một cách hệ thống, đặc biệt là dữ liệu theo quý, theo tháng, điều này khiến cho công tác dự báo gặp khó khăn.

Xét về công tác dự báo, NHNN đã từng bước xây dựng và triển khai các phương pháp luận và công cụ dự báo bằng mô hình, đồng thời hình thành bước đầu khuôn khổ phân tích, đánh giá chính sách. NHNN đang tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai xây dựng khuôn khổ lập trình tài chính vĩ mô nhằm hỗ trợ dự báo trung hạn và tạo lập khuôn khổ phân tích chính sách kinh tế vĩ mô dựa trên 4 khu vực của nền kinh tế. Cùng với đó, NHNN tích cực nghiên cứu, tiếp cận các hệ thống cảnh báo sớm về khủng hoảng tiền tệ và khủng hoảng ngân hàng dựa trên các mô hình tham số và phi tham số nhằm phục vụ hiệu quả cho công tác điều hành CSTT và phân tích, giám sát, dự báo, cảnh báo sớm rủi ro về kinh tế. NHNN cũng đã xây dựng và triển khai quy trình nội bộ dự báo các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, tiền tệ và hoạt động ngân hàng bao gồm 12 bước từ khâu thu thập dữ liệu, thông tin đến đánh giá và báo cáo kết quả dự báo. Tuy vậy, năng lực, chất lượng phân tích, dự báo, đặc biệt là về kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính còn yếu so với yêu cầu điều hành chính sách, quản lý và giám sát tiền tệ. Kết quả dự báo chưa có độ chính xác cao, mặc dù dự báo được xu hướng và những nhân tố tác động chính, song kết quả dự báo trung, dài hạn còn có sự chênh lệch so với thực tế. 

  • Về độ lành mạnh của hệ thống tài chính

Một hệ thống tài chính lành mạnh là nền tảng để chính sách LPMT có thể thành công. Tuy nhiên, trình độ phát triển của hệ thống tài chính – ngân hàng ở Việt Nam vẫn còn tương đối thấp và thiếu bền vững, thiếu năng động, chưa phản ánh được cung - cầu về vốn, các công cụ thị trường còn rất ít và sử dụng không hiệu quả nên hạn chế khả năng điều tiết tiền tệ của NHNN thông qua các công cụ CSTT.

Đối với độ lành mạnh của chính sách tài khóa, mặc dù đã xây dựng kỷ luật tài khóa nhưng Việt Nam vẫn thường xuyên đối mặt với thâm hụt ngân sách lớn (khoảng 5% GDP – cao hơn ngưỡng đặt ra), trong khi so với các nước khác trong khu vực vào thời điểm áp dụng chính sách LPMT đều có mức thâm hụt ngân sách thấp hơn đáng kể (ví dụ: Thái Lan khoảng  – 2,8%, Indonesia  – 1,1%,...). Nợ công của Việt Nam cũng tăng nhanh, gần kịch trần 65% mà Quốc hội đặt ra. Nguồn thu ngân sách không dồi dào, thị trường trái phiếu chính phủ chưa phát triển đủ sâu nên hạn chế khả năng Chính phủ tiếp cận được nguồn vốn từ thị trường tài chính để tài trợ cho ngân sách (Mai Thu Hiền, 2016).

  • Về cấu trúc kinh tế

Về mức độ đô la hóa của nền kinh tế, theo tiêu chí của Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), nền kinh tế được coi là có tình trạng đô la hóa cao khi tỷ trọng tiền gửi bằng ngoại tệ (FCD) chiếm trên 30% trong khối tiền tệ mở rộng (M2). Nếu tính theo tiêu chí này thì từ năm 2006 đến nay, tình trạng đô la hóa của Việt Nam đã có xu hướng giảm nhưng Việt Nam vẫn là nước có mức độ đô la hóa tiền gửi hóa cao nhất trong khu vực châu Á. Cụ thể, giai đoạn 2008 - 2011, tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ của tổ chức và dân cư bao gồm tiền gửi thanh toán và tiết kiệm ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán dao động trong khoảng 20%. Năm 2011, tỷ lệ FCD/M2 là 15,8% và giảm xuống mức 12,4% trong năm 2012, 11,6% trong năm 2014, 10,39% vào tháng 3/2015 và đến tháng 6/2017 còn 8,5%.

Về chế độ tỷ giá hối đoái, bắt đầu từ năm 2016, NHNN thực hiện cơ chế tỷ giá trung tâm trong đó tỷ giá được xác định trên cơ sở diễn biến của 3 yếu tố chính: (1) Diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng ngày hôm trước. (2) Diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của 8 đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam (gồm USD, EUR, CNY, THB, JPY, SGD, KRW, TWD). (3) Các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và phù hợp với mục tiêu CSTT. Cơ chế này đã phản ánh được phần nào cung - cầu của thị trường nhưng về cơ bản vẫn xoay quanh vấn đề neo tỷ giá khi NHNN vẫn còn yêu cầu một biên độ điều chỉnh tỷ giá.

Về độ mở của nền kinh tế, chỉ số này của Việt Nam khá cao, đặc biệt từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO (năm 2007), độ mở của nền kinh tế luôn trên 150%. Tính đến năm 2016, độ mở nền kinh tế Việt Nam đã trên 220%. Độ mở của nền kinh tế Việt Nam cao nhưng chất lượng độ mở lại thấp, thể hiện ở việc hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng thấp trong khi nhập khẩu nguyên phụ liệu còn lớn. Vì vậy, mọi biến động của nền kinh tế thế giới sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế trong nước.

Biểu đồ 9. Độ mở của nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2007-2016

Đơn vị: %

Nguồn: Các tác giả tự tính toán dựa trên số liệu của World Bank

Từ những phân tích trên cho thấy các điều kiện áp dụng hiệu quả chính sách LPMT tại Việt Nam vẫn chỉ đáp ứng ở mức thấp. Tuy nhiên, chính sách LPMT vẫn là một lựa chọn để cân nhắc ngay cả khi chưa đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết. Và để thực hiện được khuôn khổ chính sách này Việt Nam cần có lộ trình giải pháp phù hợp.

  1. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc áp dụng chính sách LPMT
    • Đề xuất lộ trình áp dụng chính sách LPMT

Bài học từ sự thành công trong thực hiện chính sách LPMT của Chile cho thấy, ngoài việc chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thì lộ trình thực hiện chính sách cũng vô cùng quan trọng. Do vậy, để theo đuổi chính chính LPMT Việt Nam cần xây dựng lộ trình và từng bước hiện thực hóa mục tiêu. Cụ thể:

  • Giai đoạn I: từ năm 2019 đến 2023
  • Trao quyền độc lậр cho NHNN trong xâу dựng và thực thi CSTT,
  • Cải thiện hạ tầng kỹ thuật và hoàn thiện thị trường tài chính,
  • Theo đuổi chính sách LPMT linh hoạt thông qua việc xây dựng khung LPMT rộng. Việc đưa ra khung LPMT rộng có thể cho phép NHNN linh hoạt ứng phó với những cú sốc và đưa ra lựa chọn tối ưu trong bối cảnh CSTT còn theo đuổi các mục tiêu khác.
  • Giai đoạn II: từ năm 2023 trở đi
  • Áp dụng chính sách LPMT hoàn toàn. NHNN thu hẹp dần khung LPMT và cam kết theo đuổi mức lạm phát mục tiêu đã công bố,
  • Nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của NHNN.
    • Đề xuất một số giải pháp thực hiện chính sách LPMT

* Giải pháp nâng cao tính độc lập, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của NHNN

Để nâng cao tính độc lập của NHNN, Chính phủ cần trao cho NHNN có toàn quyền điều hành đối với các công cụ của mình để kiểm soát lạm phát trong mục tiêu đã được công bố. Thống đốc NHNN phải được trao quyền quyết định trong việc thực thi CSTT và tự chịu trách nhiệm về các quyết định đó mà không cần phải thông qua Chính phủn phê duyệt. Bên cạnh đó, cần tăng cường tính độc lập về mặt tổ chức nhân sự của NHNN. Ví dụ, nhiệm kỳ của ban lãnh đạo NHNN có thể khác nhiệm kỳ của Chính phủ và Quốc hội. Như vậy, quá trình ra quyết định của NHNN sẽ không bị ảnh hưởng bởi chu kỳ thành lập Chính phủ và Quốc hội.

Để nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của mình, NHNN cần công bố công khai mức LPMT, lộ trình và biện pháp để đạt được mục tiêu, tình hình thực hiện cũng như dự báo mức lạm phát trong tương lai,…Trong trường hợp NHNN không hoàn thành được mục tiêu hoặc có những thay đổi nhất định đối với mục tiêu thì sẽ phải giải trình lý do vi phạm cam kết, đưa ra cơ chế chịu trách nhiệm rõ ràng, đồng thời đề xuất lộ trình và giải pháp cụ thể để đưa lạm phát trở lại quỹ đạo.

* Giải pháp cải thiện hạ tầng kỹ thuật

Trước hết, cần nâng cao chất lượng số liệu thống kê. Ðể đạt được điều đó, ngành thống kê cần quan tâm một số nội dung chủ yếu sau: Hoàn thiện hệ thống và đồng bộ các phương thức thu thập số liệu giữa các cuộc điều tra, các báo cáo định kỳ; Tăng cường ứng dụng công nghệ trong thu thập và xử lý thông tin các cuộc điều tra; Đẩy mạnh hoạt động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực thống kê nhằm nâng cao chất lượng và bảo đảm đủ số lượng.

Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực phân tích và dự báo. Muốn vậy, NHNN cần: Xác định rõ các nội dung dự báo, chủ yếu dự báo các chỉ tiêu và đối tượng mà NHNN không có khả năng chi phối hoặc kiểm soát hoàn toàn, các chỉ tiêu và đối tượng dự báo phải có quan hệ mật thiết với hoạt động điều hành CSTT; Xây dựng và hoàn thiện phương pháp và công cụ dự báo hiện đại, bắt kịp xu hướng của thế giới; Nghiên cứu, áp dụng các công cụ lập báo cáo và phát triển các phần mềm dự báo chuyên dụng; Phát triển đội ngũ cán bộ phân tích, dự báo, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và thường xuyên nâng cao, cập nhật kiến thức kinh tế lượng và phương pháp, công cụ kỹ thuật dự báo cho cán bộ phân tích, dự báo.

* Giải pháp xây dựng thị trường tài chính lành mạnh

Một là, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại và toàn bộ hệ thống ngân hàng thông qua việc tăng quy mô vốn nhằm đáp ứng các chuẩn mực an toàn vốn quốc tế; Nâng cao năng lực quản trị rủi ro, kỹ năng quản trị điều hành và hiện đại hoá cơ sở hạ tầng của các ngân hàng; Đa dạng hóa các công cụ của thị trường vốn.

Hai là, thực hiện các giải рháр nâng cao hiệu quả chi tiêu của Chính рhủ nhằm giúp giảm dần mức độ nợ công; Đưa ra biện pháp phù hợp và chế tài xử lý nghiêm minh để đảm bảo tuân thủ kỷ luật tài khóa, từ đó tối thiểu hóa khả năng Chính phủ vay tiền NHNN bù đắp cho thâm hụt ngân sách.

* Giải pháp hoàn thiện cấu trúc nền kinh tế phù hợp

Thứ nhất, tiếp tục giảm dần tình trạng đô la hóa, nâng cao khả chuyển đổi của đồng Việt Nam thông qua việc thực hiện đồng bộ các giải pháp: ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức mục tiêu, thúc đẩy TTKT để ổn định và nâng cao dần giá trị VND; Tăng dần chệnh lệch lợi ích nắm giữ VND so với nắm giữ ngoại tệ thông qua việc duy trì hợp lý lãi suất huy động VND và ngoại tệ; Chuyển hóa quan hệ huy động – cho vay sang quan hệ mua – bán ngoại tệ, trước mắt tiếp tục hạn chế dần cho vay ngoại tệ, khi điều kiện cho phép tiếp tục thu hẹp dần huy động ngoại tệ để tránh ảnh hưởng thanh khoản hệ thống.

Thứ hai, nên chuyển dần sang cơ chế tỷ giá linh hoạt. NHNN dần dần từ bỏ việc công bố tỷ giá trung tâm mỗi ngày và để thị trường quyết định. NHNN chỉ nên sử dụng các công cụ tiền tệ để can thiệp thông qua thị trường mở, công cụ lãi suất và việc điều hành mua bán ngoại tệ nhằm làm giảm những biến động tỷ giá quá lớn.   

Thứ ba, cần kiểm soát và nâng cao chất lượng độ mở của nền kinh tế thông qua việc tăng cường xúc tiến thương mại thị trường nội địa; tăng cường xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước để giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường nước ngoài; tranh thủ thời cơ để tiếp thu trình độ khoa học-công nghệ, trình độ quản lý của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài để phát triển nền kinh tế trong nước.

 

Tài liệu tham khảo

 

  1. Ayisi, R. (2013), ‘Single-digit inflation targeting and economic growth’, American Journal of Economics and Business Administration, No 5, pages 22-28.
  2. Batini, N., and Laxton, D. (2005), ‘Under What Conditions Can Inflation Targeting Be Adopted? The Experience of Emerging Markets’, Central Bank of Chile, Working Papers No. 406.
  3. Bousrih, J. (2013), ‘The effects of inflation targeting on economic growth and inflation volatility: empirical approach’, Economics Bulletin, AccessEcon, Vol. 33, pages 1-2.
  4. Debelle, G. (1999), ‘Inflation Targeting And Output Stabilisation’, Research Discussion Paper 1999-08, Reserve Bank of Australia.
  5. Freedman, C. and Laxton, D., 2009a, ‘Why Inflation Targeting?’, IMF Working Paper WP/09/86, International Monetary Fund.
  6. Goncalves, C.E. and Salles, J.M. (2008), ‘Inflation Targeting in Emerging Economies: What Do the Data Say?’ Journal of Development Economics, No.85, pages 312-318.
  7. Lin, S., Ye, H. (2009), ‘Does inflation targeting make a difference in developing countries?’, Journal of Development Economics, Elsevier, V 89(1), pages 118-123.
  8. A. (2016), ‘Inflation targeting, Inflation and Economic growth in Ghana (1980-2013): An empirical investigation’, Kwame Nkrumah University of Science and Technology.
  9. Mokgola, A. (2015), ‘The effects of inflation targeting on economic growth in South Africa’, Dissertation for Master of Commerce, University of Limpopo.
  10. Mollick, A., Cabral, R., & Garneiro, G. (2011), ‘Does inflation targeting matter for output growth? Evidence from industrial and emerging economies’, Journal of Policy Modeling, Vol.33, No.4 , Pages 537-551.
  11. Naudon, Alberto and Vial, Joaquín (2016), ‘The Evolution of Inflation in Chile Since 2000’, BIS Paper No. 89g.
  12. Lê Thái Phong, Nguyễn Thu Thủy và Lê Việt Dũng (2017), ‘Khả năng áp dụng chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu ở Việt Nam’, Tạp chí Những vấn đề Kinh tế và Chính trị Thế giới, Số 2(250) tháng 2/2017, trang 70-77.
  13. Mai Thu Hiền (2016), ‘Thực thi chiến lược chính sách tiền tệ ở Việt Nam: một vài đánh giá, đề xuất’, Tạp chí Tài chính, tháng 5/2016.
  14. Nguyễn Thị Hiền (2015), ‘Hoàn thiện các điều kiện để thực hiện chính sách tiền tệ theo khuôn khổ lạm phát mục tiêu tại Việt Nam’, Luận án Tiến sỹ, Học viện Ngân hàng.
  15. Nguyễn Văn Hà (2007), ‘Nghiên cứu việc điều hành chính sách tiền tệ bằng phương pháp lấy lạm phát làm mục tiêu và cơ chế truyền tải chính sách tiền tệ đến nền kinh tế Việt Nam’, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp ngành năm 2007 của Ngân hàng Nhà nước.
  16. Tô Kim Ngọc, Nguyễn Khương Duy (2015), ‘Đường cong Phillips và ngưỡng lạm phát ở Việt Nam’, Tạp chí Ngân hàng, Số 17, tháng 9/2015, trang 2-11.
  17. Tô Kim Ngọc, Nguyễn Khương Duy (2012), ‘Chính sách mục tiêu lạm phát - kinh nghiệm của một số nước Châu Á và bài học cho Việt Nam’, Tạp chí Ngân hàng, số 15 tháng 8/2012, trang 2-10.
  18. Tô Thị Ánh Dương, Bùi Quang Tuấn, Phạm Sỹ An, Dương Thị Thanh Bình, Trần Thị Kim Chi (2012), Lạm phát mục tiêu và hàm ý đối với khuôn khổ chính sách tiền tệ ở Việt Nam, NXB Tri thức, Hà Nội.
  19. Website của Ngân hàng Trung ương Chile, http://www.bcentral.cl.
  20. Website của Ngân hàng Thế giới, http://www.worldbank.org/.
  21. Website của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, imf.org.
  22. Website của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, http://www.oecd.org/.

 

 

[1] Trường Đại học Ngoại thương, Email: hongnt@ftu.edu.vn.

[2] Trường Đại học Ngoại thương, Email: nguyenhuycong9496@gmail.com

[3] Trường Đại học Ngoại thương, Email: tranquangthanh.ftu@gmail.com

 

TÁC ĐỘNG CỦA CHÍNH SÁCH LẠM PHÁT MỤC TIÊU ĐẾN TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ CHILE VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM

Nguyễn Thị Hồng[1]

Nguyễn Huy Công[2]

Trần Quang Thanh[3]

 

 

 

Tóm tắt

 

Từ trước đến nay, lạm phát cao luôn là mối đe dọa đối với sự ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế dài hạn của các quốc gia. Vì vậy, kiểm soát lạm phát trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiều quốc gia. Vào đầu những năm 1990, một xu hướng mới trong việc điều hành chính sách tiền tệ được hình thành, hàng loạt quốc gia công nghiệp tiên tiến cũng như thị trường mới nổi, trong đó có Chile, chuyển sang áp dụng chính sách lạm phát mục tiêu. Từ một quốc gia có lạm phát cao trên 20%, lạm phát của Chile đã giảm xuống còn khoảng 2%, kinh tế tăng trưởng cao trong nhiều năm, đưa Chile từ một nước thị trường mới nổi trở thành nước phát triển bậc nhất khu vực Nam Mỹ. Vậy Chile đã thực hiện chính sách lạm phát mục tiêu như thế nào?

Bài viết này sẽ giới thiệu về chính sách lạm phát mục tiêu, quá trình thực hiện chính sách lạm phát mục tiêu của Chile và đánh giá tác động của chính sách lạm phát mục tiêu đến tăng trưởng kinh tế của Chile. Từ thành công của Chile các tác giả rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam nếu theo đuổi chính sách này.

Từ khóa: Chile, chính sách lạm phát mục tiêu, tăng trưởng kinh tế.

 

Abstract

 

High inflation is always a threat to macroeconomic stability and long-term economic growth. Therefore, controlling inflation has become one of the most important tasks in many countries. In the early 1990s, a new trend in conducting monetary policy was formed, a lot of advanced industrial countries as well as emerging market economies, including Chile, shifted towards inflation targeting (IT) policy. From an emerging country with a high inflation rate of over 20%, Chile has become the most developed country in South America with inflation rate around 2% and high economic growth for many years. How did Chile do under IT regime?

This paper will provide background of IT policy, performance of IT policy in Chile and then evaluate the effect of IT policy on Chile's economic growth. Base on the success of Chile, the authors draw lessons for Vietnam if Vietnam pursue this policy.

Keywords: Chile, inflation targeting policy, economic growth.

 

  1. Tổng quan tình hình nghiên cứu

Mặc dù lạm phát mục tiêu (LPMT) là một chính sách tiền tệ (CSTT) đã được đưa vào áp dụng cách đây gần 30 năm và được nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn nhưng cho đến nay, chính sách này vẫn nhận được rất nhiều sự quan tâm từ những nhà kinh tế học, nhà nghiên cứu chính sách. Đặc biệt, mối quan hệ giữa LPMT và tăng trưởng kinh tế (TTKT) cũng là đề tài của rất nhiều nghiên cứu. Kết quả cho thấy tác động của chính sách LPMT đến TTKT vẫn còn là vấn đề tranh cãi. Song nhìn chung, phần lớn các nhà kinh tế thông qua các nghiên cứu thực nghiệm về các quốc gia đã áp dụng LPMT đều cho rằng, chính sách LPMT đã giúp kiểm soát lạm phát ở mức thấp, ổn định nền kinh tế và tạo điều kiện cho TTKT. Cụ thể, có thể kể đến một số nghiên cứu tiêu biểu sau đây:

Đầu tiên là nghiên cứu của Debelle năm 1999. Trước những những chỉ trích về việc mục tiêu chỉ hướng về lạm phát mà bỏ qua mục tiêu sản lượng và lao động của NHTW, Debelle chỉ ra rằng những chỉ trích đó là hoàn toàn sai lầm. Trên thực tế, cụ thể là trường hợp của Australia, khuôn khổ chiến lược của chính sách LPMT đủ linh hoạt để cho phép đánh đổi giữa lạm phát và TTKT trong ngắn hạn. Việc ổn định giá cả trong trung hạn có thể vẫn được duy trì trong khi thực hiện thay đổi lạm phát trong ngắn hạn và vì thế tạo điều kiện cho việc giảm bớt sự biến động của sản lượng.

Goncalves và Salles (2008) nghiên cứu 36 nền kinh tế thị trường mới nổi và thấy rằng việc thông qua một chế độ LPMT dẫn đến tỷ lệ lạm phát trung bình thấp hơn và giảm biến động tăng trưởng đầu ra so với nhóm phi mục tiêu.

Nghiên cứu của Jihene Bousrih (2013) sử dụng tập dữ liệu của 30 quốc gia trong giai đoạn 1985-2010 để tìm ra tác động của LPMT tới hiệu suất kinh tế, đồng thời tìm ra nguyên nhân cho sự thành công của chính sách LPMT trong việc giảm biến động lạm phát. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng chính sách này đã thành công trong việc cải thiện tốc độ TTKT và giảm lạm phát trong giai đoạn nghiên cứu.

Cả hai nghiên cứu của Richard Ayisi (2013) và Alhassan Mohammed (2016) đều chỉ ra rằng chính sách LPMT và TTKT của Ghana có mối quan hệ tích cực cả trong ngắn hạn và dài hạn. Trong đó, Richard Ayisi đã sử dụng mô hình ước lượng với phương pháp ước lượng bình phương nhỏ nhất (OLS), các biến độc lập được chọn bao gồm cung tiền trên GDP, chi tiêu chính phủ, độ mở cửa của nền kinh tế, lạm phát, LPMT (được sử dụng như một biến giả), tốc độ tăng trưởng dân số; biến phụ thuộc là GDP bình quân đầu người, dữ liệu được sử dụng là dữ liệu chuỗi thời gian từ năm 1965 đến năm 2011 của Ghana. Còn Alhassan Mohammed sử dụng mô hình phân phối tự động (ARDL) để phân tích dữ liệu chuỗi thời gian về lạm phát và GDP bình quân đầu người giai đoạn 1980 – 2013.

Nghiên cứu về chính sách LPMT của Nam Phi, tác giả Mokgola Aubrey (2015) đã sử dụng mô hình hồi quy tuyến tính đa biến với phương pháp OLS để tìm ra tác động của chính sách LPMT đến TTKT Nam Phi trong giai đoạn 1981 – 2010. Các biến được sử dụng trong mô hình bao gồm: biến phụ thuộc là tốc độ TTKT; các biến độc lập là: lạm phát mục tiêu, tỷ lệ lạm phát, lãi suất thực tế, tỷ lệ thất nghiệp. Tác giả chỉ ra rằng, chính sách LPMT không chỉ làm giảm lạm phát mà còn có tác động tích cực đối với TTKT Nam Phi. Tốc độ TTKT trước khi áp dụng LPMT vẫn ở mức thấp nhưng lại luôn ổn định và tương đối cao trong giai đoạn áp dụng chính sách LPMT.

Ngoài ra còn rất nhà kinh tế học cũng tham gia nghiên cứu về đề tài này và đồng tình với quan điểm chính sách LPMT có tác động tích cực tới TTKT như: Mollick và cộng sự (2011) đã kiểm tra mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người thực tế cho một nhóm các nền kinh tế công nghiệp và nền kinh tế mới nổi. Họ nhận thấy rằng việc áp dụng chế độ LPMT dẫn đến sản lượng cao hơn và thu nhập bình quân đầu người cũng tăng lên ở cả nền kinh tế công nghiệp lẫn nền kinh tế mới nổi. Theo Epstein và Yeldan (2009), LPMT sẽ giúp TTKT ổn định ở mức tiềm năng của nó. Vega và Winkelried (2005) đánh giá tác động của chính sách LPMT đến kinh tế, mẫu nghiên cứu là 109 nước phát triển và đang phát triển, và thấy rằng các nước áp dụng LPMT có mức độ và biến động của lạm phát thấp hơn với các nước không áp dụng LPMT, TTKT cũng ổn định hơn. Lin và Ye (2009) mở rộng mô hình của họ (Lin và Ye, 2007) cho các nước đang phát triển để đánh giá hiệu quả chính sách LPMT trong một mẫu 52 nước đang phát triển và phát hiện ra rằng LPMT làm giảm đáng kể lạm phát thực tế và tác động tích cực đến TTKT.

Ở Việt Nam, có khá nhiều công trình nghiên cứu về chính sách LPMT như: Phí Trọng Hiển (2005), Nguyễn Văn Tiến và Vũ Hoàng Phương Quế (2005), Nguyễn Hữu Nghĩa (2005), Đỗ Thị Đức Minh (2005), Nguyễn Văn Hà (2007), Tô Ánh Dương và các cộng sự (2012), Tô Kim Ngọc và Nguyễn Khương Duy (2012), Nguyễn Thị Hiền (2015), Lê Thái Phong và các cộng sự (2017),…Tuy nhiên, hầu hết các công trình này tập trung vào việc khái quát hóa cơ sở lý luận, phân tích các đặc điểm, các điều kiện áp dụng chính sách LPMT, đúc rút bài học kinh nghiệm quốc tế trong việc áp dụng chính sách LPMT. Trên cơ sở đó đánh giá khả năng và đề xuất lộ trình và biện pháp theo đuổi chính sách LPMT cho Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng có một số công trình nghiên cứu ngưỡng lạm phát tối ưu đối với TTKT ở Việt Nam như Tô Kim Ngọc và Nguyễn Khương Duy (2015). Các tác giả đã nghiên cứu mối quan hệ giữa lạm phát và TTKT của Việt Nam giai đoạn 2000 – 2015 thông qua mô hình đường cong Phillips và đưa ra khuyến nghị Việt Nam nên theo đuổi lạm phát ở mức 10% để đảm bảo cân bằng giữa TTKT và ổn định giá cả. Trong khi đó, Nguyễn Anh Phong (2017) đã nghiên cứu quan hệ giữa TTKT và lạm phát tại Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1992 đến 2016 và tìm ra ngưỡng lạm phát tối ưu tại Việt Nam chỉ ở mức 3,22%/năm. Nếu lạm phát cao hơn mức này, khả năng suy giảm tăng trưởng sẽ xuất hiện,... Mặc dù vậy, các nghiên cứu đánh giá tác động của chính sách LPMT đối với TTKT lại hầu như chưa có.

  1. Giới thiệu chính sách LPMT

Chính sách LPMT được áp dụng lần đầu tiên tại New Zealand vào tháng 4 năm 1990, cho đến nay đã có rất nhiều nhà nghiên cứu và các tổ chức đưa ra các khái niệm, lý thuyết khác nhau về LPMT. Trong đó, khái niệm của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) được xem là khá đầy đủ và chi tiết: Chính sách tiền tệ LPMT là một bản thông báo đưa ra công chúng về chỉ tiêu trung hạn của lạm phát cũng như uy tín của cơ quan thẩm quyền về tiền tệ để đạt mục tiêu này. Các yếu tố khác bao gồm phổ biến thông tin về các kế hoạch và mục tiêu của nhà hoạch định CSTT tới công chúng và thị trường, cũng như trách nhiệm  giải trình của NHTW để đạt được chỉ tiêu lạm phát của mình. Các quyết định về CSTTsẽ dựa trên độ lệch dự báo lạm phát (một cách hoàn toàn hay rõ ràng) đóng vai trò là chỉ tiêu trung gian của CSTT.

2.1 Lý do áp dụng chính sách lạm phát mục tiêu

Tính đến nay, đã có hơn 30 quốc gia áp dụng chính sách LPMT. Lý do các nước chuyển đổi sang chính sách LPMT là rất đa dạng, nhưng nhìn chung có thể chia các nước áp dụng thành 2 nhóm chính:

Thứ nhất, nhóm nước áp dụng do kỳ vọng một cơ chế CSTT mới hiệu quả hơn. Các quốc gia trước khi thực hiện chính sách LPMT đều gặp phải khó khăn trong việc sử dụng các neo danh nghĩa khác (như tỷ giá hay cung tiền), cũng như mong muốn một tỷ lệ lạm phát thấp hơn và neo các kỳ vọng lạm phát (Freedman và Laxton, 2009a). Thuộc nhóm lý do này phần lớn là các nước công nghiệp phát triển như New Zealand, Canada, Vương quốc Anh,...  hoặc một số nước chuyển đổi như Ba Lan, Cộng Hòa Séc, Hungary,...

Thứ hai, nhóm nước áp dụng nhằm ứng phó hoặc bị tác động bởi các cú sốc về khủng hoảng tài chính – tiền tệ. Các nước thuộc nhóm lý do này đa số là các nước đang phát triển. Điển hình cho việc áp dụng chính sách LPMT để ứng phó với các cú sốc tiền tệ là Brazil. Tháng 1/1999 Brazil đối mặt với sự sụp đổ của đồng Real, để ứng phó với việc này tháng 6/1999 Brazil quyết định áp dụng chính sách LPMT. Trong khi đó đối với các quốc gia như Nam Phi, Hàn Quốc, Philippin, Thái Lan, Indonesia,.. việc áp dụng chính sách LPMT không phải bắt đầu từ các cú sốc kinh tế trực tiếp nhưng trước đó các nước này đã trải qua hoặc chịu tác động bởi cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ. Họ cần một neo mới cho CSTT sau khi hủy bỏ chế độ tỷ giá hối đoái cố định.

  • Điều kiện áp dụng chính sách LPMT

Chính sách tiền tệ LPMT là một khuôn khổ chính sách mà NHTW sẽ trực tiếp và công khai mức (hoặc khung) lạm phát làm mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Theo nghiên cứu thực nghiệm của Batini và cộng sự (2005) đối với 31 nền kinh tế (trong đó có 21 nền kinh tế áp dụng LPMT), có 4 nhóm điều kiện để theo đuổi LPMT thành công, đó là:

  • Mức độ độc lập của NHTW

Mức độ độc lập của NHTW được thể hiện trên 3 nội dung: độc lập về chính sách, độc lập về kinh tế và độc lập về chính trị. Độc lập về chính sách hay độc lập về công cụ là việc NHTW được quyền chủ động trong việc hoạch định và thực thi CSTT. Độc lập về mặt kinh tế là việc NHTW không chịu các áp lực tài khóa, nghĩa là NHTW không phải tài trợ cho thâm hụt ngân sách nhà nước; kỷ luật thu, chi ngân sách phải được đảm bảo. Độc lập về chính trị của NHTW được hiểu là nhiệm kỳ và miễn nhiệm hội đồng Thống đốc của NHTW không bị ảnh hưởng bởi Chính phủ trong việc bổ nhiệm.

  • Hạ tầng kỹ thuật

Hạ tầng kỹ thuật bao gồm: hệ thống cơ sở dữ liệu, mô hình dự báo, năng lực dự báo. Trong đó:

Hệ thống cơ sở dữ liệu bao gồm số liệu về lạm phát, các chỉ số kinh tế vĩ mô trong quá khứ làm cơ sở dự báo những diễn biến kinh tế trong tương lai. Hệ thống cơ sở dữ liệu kém cập nhật hoặc không được công bố đều đặn hàng tháng hoặc hàng quý sẽ khiến NHTW thiếu đánh giá sát thực nhất về diễn biến thị trường, qua đó ảnh hưởng đến định hướng và liều lượng của các công cụ CSTT.

Mô hình dự báo là công cụ dùng để xử lý kỹ thuật về mặt kinh tế lượng của các dữ liệu đầu vào. Hầu hết các NHTW áp dụng chính sách LPMT sử dụng một hệ thống các mô hình. Với việc sử dụng nhiều mô hình khác nhau với các mục tiêu khác nhau NHTW có thể đưa ra cơ sở lý thuyết và dữ liệu cùng với những đánh giá mang tính định tính để đưa ra quyết định cuối cùng.

Năng lực dự báo phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố con người trong công tác thống kê, phân tích và truyền đạt thông tin. Do vậy, đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức về kinh tế lượng, am hiểu kinh tế vĩ mô, xây dựng được các mô hình dự báo phù hợp là yếu tố quan trọng trong công tác dự báo.

  • Mức độ lành mạnh của hệ thống tài chính

Chính sách LPMT đòi hỏi phải có một thị trường tài chính vững mạnh, có kỷ cương, kỷ luật thị trường, cạnh tranh lành mạnh. Để có một thị trường tài chính lành mạnh phải có hệ thống tài chính - ngân hàng vững mạnh đi kèm một thị trường vốn phát triển hiệu quả và an toàn. Nếu hệ thống ngân hàng yếu kém NHTW không thể nâng lãi suất để kiểm chế lạm phát ở mức mục tiêu bởi vì nếu làm như vậy có thể sẽ dẫn đến sụp đổ của hệ thống tài chính.

Bên cạnh đó, mức độ lành mạnh của chính sách tài khóa phải cao. Ổn định tài khoá là điều kiện cần thiết mang tính nền tảng để kiểm soát lạm phát, cũng như đảm bảo cho sự vận hành của cơ chế LPMT (Nguyễn Thị Hiền, 2015). Nếu thực hiện chính sách tài khóa không hiệu quả sẽ làm tăng áp lực đối với các cơ quan tiền tệ trong việc tài trợ để trả nợ, bởi vậy sẽ làm cung tiền và lạm phát tăng nhanh. Khi đó, CSTT trở nên phụ thuộc vào các quyết định tài khoá và mục tiêu lạm phát sẽ khó có thể đạt được.

  • Cấu trúc kinh tế phù hợp

Cấu trúc kinh tế thể hiện qua các yếu tố: Mức độ đô la hóa nền kinh tế, chế độ tỷ giá hối đoái, độ mở của nền kinh tế. Tình trạng đô la hóa làm giảm hiệu quả kiểm soát và điều hành CSTT của NHTW vì NHTW không kiểm soát và xác định chính xác được toàn bộ khối lượng tiền tệ và phương tiện thanh toán trong nền kinh tế. Từ đó ảnh hưởng đến việc cung ứng, phân tích và dự báo những thay đổi tổng phương tiện thanh toán của NHTW. Điều này sẽ dẫn đến hoạt động điều hành CSTT nhằm đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát thông qua mục tiêu trung gian bị méo mó. Chế độ tỷ giá hối đoái cố định buộc NHTW phải thường xuyên phải can thiệp để bảo vệ tỷ giá ở mức cam kết. Khi đó, mục tiêu lạm phát sẽ không được ưu tiên nữa. Vì vậy, để thực hiện thành công chính sách LPMT đòi hỏi các quốc gia thực hiện chế độ tỷ giá hối đoái linh hoạt trong biên độ rộng hoặc thả nổi hoàn toàn. Độ mở nền kinh tế là chỉ số được sử dụng để đo lường chính sách mở cửa thương mại của một quốc gia, chính sách thương mại càng theo hướng tự do hóa, thì độ mở của nền kinh tế càng lớn. Khi độ mở nền kinh tế lớn, giá cả hàng hóa sẽ bị biến động nhiều, tức lạm phát sẽ bị ảnh hưởng nhiều. Do vậy, nếu muốn thực hiện tốt chính sách LPMT, các nước phải kiểm soát được độ mở nền kinh tế.

Mặc dù nhận được sự đồng thuận của nhiều công trình nghiên cứu khác, nhưng không ít nhà nghiên cứu kinh tế cho rằng, không nhất thiết phải đáp ứng tất cả các điều kiện trước khi bắt đầu chuyển đổi sang LPMT. Việc đảm bảo đầy đủ các điều kiện tiên quyết để thực hiện cơ chế LPMT không quan trọng bằng việc kiên định theo đuổi việc cải thiện các điều kiện trên một khi đã áp dụng cơ chế LPMT. Do vậy, NHTW phải đề ra lộ trình và phối hợp cùng chính phủ để cố gắng hoàn thiện những điều kiện còn thiếu đó.

  1. Đôi nét về chính sách LPMT của Chile
    • Hoàn cảnh ra đời

Trước khi áp dụng chính sách LPMT, tỷ lệ lạm phát của Chile luôn ở mức rất cao. Cụ thể, từ năm 1971-1974, tỷ lệ lạm phát tăng vọt từ 20,06% lên đến 504,73%, đây cũng là mức lạm phát cao nhất trong lịch sử của Chile. Sau đó tỷ lệ lạm phát đã giảm dần và giữ ở mức 2 con số. Sang những năm 1980, lạm phát Chile đã ổn định hơn tuy nhiên vẫn ở mức khá cao, lạm phát trung bình là 21,36%. Tỷ lệ lạm phát thấp nhất trong thời kì này là 9,94% vào năm 1982, đây cũng là dần duy nhất trong suốt 2 thập niên lạm phát xuống mức 1 con số.

Biểu đồ 1. Tỷ lệ lạm phát tại Chile giai đoạn 1970-1979 và 1980-1989

Đơn vị: %

Nguồn: World Bank

Để đối phó với lạm phát, NHTW Chile đã chuyển từ chính sách tỷ giá cố định sang chính sách biên độ tỷ giá. Tuy nhiên, CSTT trong giai đoạn này không đem lại kết quả khả quan, nền kinh tế vẫn đối mặt với lạm phát cao (20-30%), thâm hụt ngân sách lớn, TTKT thấp. Vào cuối những năm 1980, việc tìm kiếm một CSTT hiệu quả là một nhu cầu thực tế và cấp bách của Chile. NHTW Chile buộc phải cải tổ việc xây dựng và điều hành CSTT, chuyển sang chính sách lấy lạm phát làm mục tiêu.

  • Các giai đoạn thực hiện chính sách

Chile là quốc gia thứ hai (sau New Zealand) chuyển sang khuôn khổ chính sách LPMT. Do chưa có nhiều bài học từ các nước đi trước nên trong quá trình thực hiện Chile vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Thay vì lựa chọn chuyển đổi nhanh sang cơ chế LPMT, Chile đã lựa chọn phương thức chuyển đổi từ từ. Mặc dù chính thức tuyên bố chuyển đổi sang chính sách LPMT từ tháng 9/1990 nhưng đến tháng 9/1999 nước này mới áp dụng chính sách LPMT hoàn toàn.

* Giai đoạn 1 (9/1990-9/1999)

Chile áp dụng chính sách LPMT nhưng chưa có khuôn khổ hoàn chỉnh: NHTW chưa có dự báo và báo cáo lạm phát, chưa cam kết mạnh với dân chúng về mức lạm phát. Song, trong giai đoạn này, NHTW Chile đã xây dựng những điều kiện để từng bước thiết lập chính sách LPMT hoàn chỉnh như: trao quyền độc lập cho NHTW và quyền theo đuổi mục tiêu lạm phát là mục tiêu chính, thiết lập các quy định về giám sát và quản lý hoạt động ngân hàng, chuẩn bị ngân sách nhà nước đủ mạnh và cải thiện hệ thống tài chính, chuyển từ chế độ tỷ giá hối đoái cố định sang thả nổi có quản lý với biên độ ngày càng nới lỏng,…Bên cạnh đó, NHTW Chilê cũng theo đuổi cách tiếp cận dần dần để giảm tỷ lệ LPMT. Khi tỷ lệ LPMT được công bố vào tháng 9/1990, NHTW giải thích đây là tỷ lệ lạm phát kế hoạch cần cố gắng để đạt được chứ không công bố đây là tỷ lệ lạm phát phải đạt được. Chỉ đến khi NHTW đạt được những thành công về giảm tỷ lệ lạm phát và đạt được những mục tiêu thì họ mới nhấn mạnh cần phải đạt được tỷ lệ lạm phát này.

Kết quả là Chile đã giảm lạm phát thực tế từ mức lạm phát cao (26% năm 1990) đến mức lạm phát thấp và ổn định (3,3% năm 1999). Chỉ số LPMT trung bình mỗi năm giảm 1,5%. Lạm phát thực tế không còn biến động mạnh như trước khi thực hiện chính sách LPMT mà có xu hướng giảm dần qua từng năm và rất sát với mức mục tiêu. Trong những năm lạm phát thực tế nằm ngoài khung LPMT thì khoảng cách giữa 2 chỉ số cũng không quá xa.

Biểu đồ 2. Lạm phát thực tế và lạm phát mục tiêu tại Chile (1985-1999)

Đơn vị: %

Nguồn: Rodrigo Valdés, 2007

* Giai đoạn 2 (9/1999-nay)

Chile chính thức thực hiện chính sách LPMT hoàn toàn và có nhiều thay đổi quan trọng trong CSTT, trong đó, thay đổi quan trọng nhất là Chile chuyển sang áp dụng chế độ tỷ giá thả nổi. NHTW thông báo cụ thể về mức LPMT. Ví dụ, mục tiêu lạm phát cho năm 2000 là 3,5% và từ năm 2001 trở đi là từ 2% - 4%. Mục tiêu 2% - 4% này được duy trì  cho đến cuối năm 2006, thời gian thực hiện chính sách là từ 12 đến 24 tháng. Vào đầu năm 2007, nhằm làm cho toàn bộ khuôn khổ CSTT minh bạch hơn, NHTW Chile đã công bố một tài liệu mới miêu tả đầy đủ mục tiêu, cách tiến hành, cơ chế truyền dẫn, thực hiện và truyền thông của CSTT. Tài liệu này xác định lại một cách rõ nét và tinh tế về mục tiêu lạm phát cũng như sự thay đổi trong tầm nhìn chính sách. Mục tiêu được xác định lại là giữ lạm phát hàng năm ở mức 3%, với biên độ ±1%. Sự thay đổi này có hai điều quan trọng: thứ nhất, mục tiêu 3% như là neo danh nghĩa chính của nền kinh tế và thứ hai, trong một vài trường hợp, lạm phát có thể được tạm thời thay đổi trong khoảng 2% - 4% và sẽ không có sự gián đoạn trong việc thực hiện CSTT. Khoảng thời gian thực hiện chính sách cũng được thay đổi: “khoảng 2 năm” thay vì “12 đến 24 tháng”. Khoảng thời gian thực hiện chính sách là khoảng thời gian tối đa mà NHTW Chile sẽ cố gắng mang lại lạm phát lên đến 3% trong những điều kiện bình thường.

Ngoài ra, trong giai đoạn thứ 2 này, NHTW đã bắt đầu xuất bản một báo cáo lạm phát ba lần một năm vào các tháng 1, 5 và 9 (lần đầu là tháng 5/2000). Đến năm 2009 báo cáo lạm phát được tăng lên thành 4 lần một năm (vào các tháng 3, 6, 9 và 12).  Thông tin về các cuộc họp CSTT hàng tháng cũng được NHTW công bố vào ngày mồng 6 tháng trước, và công bố các biên bản cuộc họp CSTT sau 3 tháng, sau này rút ngắn xuống chỉ còn 3 tuần. Nhìn chung, NHTW đã có sự cải thiện đáng kể trong việc công bố thông tin, bao gồm dự báo chi tiết và quan điểm về cơ chế truyền dẫn.

Kết quả là trong giai đoạn 2000-2007, lạm phát hàng năm đạt trung bình 2,8%, phần lớn thời gian tỷ lệ lạm phát thực tế nằm trong khoảng 2% - 4%. Năm 2008, kinh tế thế giới rơi vào suy thoái do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ, kinh tế Chile cũng gặp nhiều tổn thất, tốc độ TTKT giảm còn 3,5%, lạm phát tăng lên đến 8,72%. Sự bất ổn này kéo dài đến 2009, khi đó kinh tế Chile thậm chí còn tăng trưởng âm, cụ thể là -1,6%, lạm phát ở mức rất thấp 0,71%. Từ năm 2010, kinh tế Chile dần hồi phục, tốc độ tăng trưởng đạt 5,8%.

Biểu đồ 3. Tỷ lệ lạm phát thực tế của Chile giai đoạn 1990-2016

Đơn vị: %

Nguồn: World Bank

            Ngoài thành công trong việc giảm tỷ lệ lạm phát, mức lạm phát thực tế cũng được giữ ở gần mức mục tiêu hơn, từ đó giúp cho mức lạm phát kỳ vọng (nhất là mức lạm phát kỳ vọng trong khoảng 2 năm tiếp theo) sát với ngưỡng mà NHTW mong đợi. Như vậy có thể thấy, công chúng đặt niềm tin lớn vào NHTW trong việc kiểm soát lạm phát. Điều này sẽ giúp giảm bớt chi phí và tổn thất cho nền kinh tế khi kiểm soát lạm phát.

Biểu đồ 4. Lạm phát thực tế và lạm phát mục tiêu Chile giai đoạn 2000-2017

Đơn vị: %

Nguồn: Ngân hàng trung ương Chile

Biểu đồ 5. Lạm phát mục tiêu và lạm phát kỳ vọng của Chile giai đoạn 2001-2016

Đơn vị: %

 

Nguồn: Naudon Joaquín, 2016

  1. Kinh tế Chile trước và sau khi áp dụng chính sách LPMT

Trong những năm 1970 và 1980, thu nhập bình quân đầu người của Chile ở mức trung bình thấp so với khu vực Mỹ Latin. GDP bình quân đầu người dao động trong khoảng 4000-6000 USD, còn khu vực Mỹ Latin là từ 5000-7000 USD (tính theo giá so sánh 2010).

Biểu đồ 6. Thu nhập bình quân đầu người của Chile và Mỹ Latin giai đoạn 1970-1989 (tính theo giá so sánh năm 2010)

 Đơn vị: USD/người

Nguồn: World Bank

Trong giai đoạn này, TTKT Chile trải qua 2 thời kì suy thoái, đó là 1972-1975 và 1982-1983, đỉnh điểm là năm 1975, tăng trưởng –12,91%.

Biểu đồ 7. Tốc độ tăng trưởng kinh tế Chile giai đoạn 1970-1989

Đơn vị: %

Nguồn: World Bank

Việc thông qua chính sách LPMT cùng với mở cửa nền kinh tế đã giúp kinh tế Chile có nhiều khởi sắc. Thu nhập bình quân đầu người của Chile trong giai đoạn này đã tăng lên một cách đáng kể. Từ một nước có thu nhập trung bình thấp so với khu vực, Chile đã vươn lên thành một trong nhưng quốc gia có thu nhập đầu người cao nhất Mỹ Latin (cao gấp 1,64 lần mức trung bình của khu vực Mỹ Latin). GDP bình quân đầu người (tính theo ngang giá sức mua) tăng từ 8.991 USD/người năm 1990 lên 22.706 USD/người năm 2016, tức tăng gấp 2,55 lần.

Biểu đồ 8. Thu nhập bình quân đầu người của Chile và khu vực Mỹ Latin giai đoạn 1990-2016 (tính theo ngang giá sức mua)

Đơn vị: USD/người

Nguồn: World Bank

Kinh tế Chile thời kì này cũng tăng trưởng khá ổn định (trung bình 6%/năm), và là một trong những nước tăng trưởng cao và bền vững hàng đầu tại khu vực Mỹ Latin. So với 2 nước phát triển khác trong khu vực là Brazil và Mexico, tốc độ TTKT của Chile luôn cao hơn. Đặc biệt là vào năm 1992, kinh tế Chile tăng trưởng lên đến gần 12% thì Mexico chỉ là 4%, Brazil thậm chí còn tăng trưởng âm. Vào các năm kinh tế suy thoái, kinh tế Chile cũng ít chịu tác động hơn, chỉ có 2 lần TTKT Chile dưới mức 0% (1999, 2009) trong khi đó Mexico là 3 lần (1995, 2001, 2009), Brazil là 4 lần (1992, 2009, 2015, 2016).

  1. Đánh giá tác động của chính sách LPMT đến TTKT Chile
    • Các biến và nguồn số liệu sử dụng trong mô hình nghiên cứu

Để xác định tác động của chính sách LPMT đến TTKT Chile trong giai đoạn từ quý 1/1980 đến quý 4/2017, các tác giả dựa vào nghiên cứu của Richard Ayisi (2013) và Mokgola Aubrey (2015) để lựa chọn các biến phụ thuộc và biến độc lập. Trong đó:

  • Biến phụ thuộc:

Biến phụ thuộc là tăng trưởng kinh tế, được đo lường bằng giá trị logarit của tổng sản phẩm quốc nội GDP (tính theo PPP).

  • Biến độc lập:

Các nhân tố được chọn làm biến độc lập giải thích cho TTKT bao gồm: lạm phát mục tiêu, tỷ lệ lạm phát thực tế, lãi suất thực tế, và tỷ lệ thất nghiệp. Trong đó, biến lạm phát mục tiêu được xác định bằng phương pháp đặt biến giả, lạm phát mục tiêu nhận giá trị 0 trong giai đoạn trước khi Chile áp dụng chính sách LPMT (Q1/1980 – Q4/1990) và nhận giá trị 1 trong giai đoạn Chile áp dụng chính sách LPMT (Q1/1991 – Q4/2017). Các biến tỷ lệ lạm phát thực tế, lãi suất thực tế, tỷ lệ thất nghiệp là các biến định lượng được thu thập theo từng quý từ năm 1980 đến 2017.

Bảng 1. Mô tả các biến số

Tên biến

Loại biến

Ký hiệu

Đơn vị

Nguồn số liệu

Tăng trưởng kinh tế

Phụ thuộc

Log(GDP)

%

OECD

Lạm phát mục tiêu

Độc lập

IT

%

NHTW Chile

Tỷ lệ lạm phát thực tế

Độc lập

IR

%

OECD

Tỷ lệ thất nghiệp

Độc lập

U

%

OECD

Lãi suất thực tế

Độc lập

R

%

OECD

 

  • Mô hình ước lượng

Bài viết tập trung nghiên cứu sự thay đổi tương đối của biến phụ thuộc theo thời gian nên mô hình kinh tế lượng được sử dụng có dạng:

Log(GDP)t = β0 + β1ITt + β2IRt + β3Ut + β4Rt + εt

  • Phương pháp nghiên cứu

Các tác giả thực hiện hồi quy tham số của mô hình bằng phương pháp bình phương nhỏ nhất (OLS) để xác định chiều tác động của các biến độc lập lên biến phụ thuộc và giá trị của các hệ số hồi quy.

  • Kết quả nghiên cứu

Sử dụng phần mềm kinh tế lượng STATA 12, kết quả nghiên cứu được trình bày như ở dưới đây:

* Kết quả kiểm định tính dừng của các biến

Kết quả kiểm định tính dừng của các chuỗi được thể hiện trong Bảng 2 dưới đây

Bảng 2. Kết quả kiểm định tính dừng của các biến số

Tên biến

Mức

t-Statistic

Prob

Kết luận

Log(GDP)

Chuỗi gốc

-5,468

0,000

Dừng

IR

Chuỗi gốc

-5,164

0,000

Dừng

R

Chuỗi gốc

-5,110

0,000

Dừng

U

Chuỗi gốc

-10,469

0,000

Dừng

Nguồn: Các tác giả tổng hợp từ kết quả phân tích trên STATA 12

Theo kết quả kiểm định, các chuỗi đều dừng tại chuỗi gốc. Do đó, việc phân tích thông kê và ước lượng mô hình được thực hiện trên chuỗi gốc.

            * Kết quả thống kê mô tả

Thống kê mô tả chi tiết về số liệu được thể hiện trong Bảng 3. Đối với mỗi biến số, dữ liệu được thu thập qua từng quý trong 38 năm từ 1980 đến 2017.

Bảng 3. Thống kê mô tả dữ liệu

Tên biến

Số quan sát

Giá trị trung bình

Độ lệch chuẩn

Giá trị nhỏ nhất

Giá trị lớn nhất

Log(GDP)

152

12,11

0,54

11,22

12,88

IT

152

0,71

0,46

0

1

IR

152

10,28

9,53

-3,03

39,01

U

152

9,01

2,92

5,50

19,97

R

152

15,26

13,36

0,48

60,64

Nguồn: Các tác giả tổng hợp từ kết quả phân tích trên STATA 12

Trước khi tiến hành hồi quy mô hình, các biến được kiểm tra mối quan hệ tương quan với nhau để xác định độ tin cậy của các biến.

Bảng 4. Mối quan hệ tương quan giữa các biến

 

Log(GDP)

IR

U

R

Log(GDP)

1,00

 

 

 

IR

-0,82

1,00

 

 

U

-0,68

0,44

1,00

 

R

-0,86

0,73

0,59

1,00

Nguồn: Các tác giả tổng hợp từ kết quả phân tích trên STATA 12

Bảng 4 cho thấy giá trị tuyệt đối của hệ số tương quan giữa các biến đều không vượt quá 0,86 nên các biến số đều đáng tin cậy để tiến hành hồi quy mô hình. Dựa vào bảng này có thể dự đoán được chiều ảnh hưởng của các biến độc lập lên biến phụ thuộc. Các biến tỷ lệ lạm phát thực tế, tỷ lệ thất nghiệp, lãi suất thực tế đều tác động ngược chiều đến tăng trưởng kinh tế của Chile.

* Kết quả ước lượng

            Kết quả ước lượng được trình bày trong Bảng 5 dưới đây

Bảng 5. Kết quả hồi quy mô hình

Source

SS

df      

MS

 

Number of obs

152

 

F(4, 147)

243.1

Model

38,28

4,00

9,569

 

Prob > F

0

Residual

5,79

147,00

147,039

 

R-squared

0,8687

Total

44,06

151,00

0,291

 

Adj R-squared

0,8651

 

Root MSE

0,1984

             

Log(GDP)

Coef.

Std. Err.     

t

P>t

[95% Conf. Interval]

IT

0,188

0,073

2,570

0,011

0,044

0,332

IR

-0,020

0,003

-6,590

0,000

-0,025

-0,014

U

-0,039

0,008

-4,910

0,000

-0,054

-0,023

R

-0,014

0,002

-7,010

0,000

-0,019

-0,010

_cons

12,744

0,124

102,770

0,000

12,499

12,989

Nguồn: Các tác giả tổng hợp từ kết quả phân tích trên STATA 12

Sau khi có kết quả ước lượng, các tác giả thực hiện các kiểm định khuyết tật có thể có của mô hình.

* Các kiểm định khuyết tật của mô hình

Kiểm định  hiện tượng đa cộng tuyến

Theo kết quả kiểm định đa cộng tuyến từ Bảng 6, ta thấy VIF trung bình bằng 3,06 tất cả các biến đều có VIF nhỏ hơn 10 và 1/VIF < 1 cho nên mô hình không mắc phải khuyết tật đa cộng tuyến.

Bảng 6. Kiểm định hiện tượng đa cộng tuyến trong mô hình

Biến

VIF

1/VIF

IT

4,22

0,237

IR

3,09

0,324

U

2,93

0,341

R

2,02

0,494

VIF trung bình

3,06

 

Nguồn: Các tác giả tổng hợp từ kết quả phân tích trên STATA 12

Kiểm định hiện tượng phương sai sai số thay đổi

Dùng kiểm định Breusch-Pagan để kiểm định hiện tượng phương sai sai số thay đổi của mô hình, kết quả thu được:

Bảng 7. Kiểm định hiện tượng phương sai sai số thay đổi trong mô hình

Chi2(1)

2,13

Prob > chi2(1)

0,1148

Nguồn: Các tác giả tổng hợp từ kết quả phân tích trên STATA 12

Kết quả kiểm định Breusch-Pagan cho thấy, P_value = 0,1148 > 0,05 cho nên mô hình không mắc phải khuyết tật phương sai sai số thay đổi.

Kiểm định hiện tượng tự tương quan

Ta sử dụng kiểm định Breusch-Godfrey để kiểm định hiện tượng tự tương quan trong mô hình. Kết quả thu được là giá trị d của Durbin Watson là 1.9937, cho nên không có hiện tượng tự tương quan bậc 1 trong mô hình

Bảng 8. Kiểm định hiện tượng tự tương quan

lags(p)

Durbin Watson stat

1

1,9937

Nguồn: Các tác giả tổng hợp từ kết quả phân tích trên STATA 12

Như vậy, mô hình không bị mắc các khuyết tật. Các phân tích tiếp theo sẽ dựa trên kết quả hồi quy trong Bảng 5 ở trên.

* Phân tích kết quả hồi quy

Từ Bảng 5 ta thấy rằng với mức ý nghĩa 5%, các biến IT, IR, U và R đều có ý nghĩa thống kê. Với R2 = 0,8687, mức độ phù hợp của mô hình là 86,87%. Hay, sự biến đổi của các biến độc lập giải thích 86,87% sự biến đổi của biến phụ thuộc.

Vậy mô hình hồi quy có dạng:

Log(GDP) = 12,744 + 0,188IT – 0,020IR – 0,039U – 0,014R + εt

Kết quả hồi quy cho thấy rằng, các biến tỷ lệ lạm phát thực tế, lãi suất thực tế, tỷ lệ thất nghiệp đều tác động ngược chiều tới tăng trưởng kinh tế, còn lạm phát mục tiêu tác động cùng chiều tới tăng trưởng kinh tế. Nói cách khác, việc áp dụng chính sách LPMT sẽ giúp TTKT của Chile cao hơn, Cụ thể, TTKT ở thời kì áp dụng chính sách LPMT cao hơn e0,188 = 1,2068 lần (hay 20,68%) so với thời kỳ không áp dụng. Kết quả này hoàn toàn phù hợp với các nghiên cứu trước đây và các lý thuyết kinh tế vĩ mô.

Như vậy, việc ước lượng tác động của chính sách LPMT tới TTKT Chile đã phần nào khẳng định tầm quan trọng của chính sách LPMT trong việc ổn định và phát triển kinh tế. Chính sách LPMT không chỉ giúp kiềm chế lạm phát mà còn tác động tích cực đến TTKT của Chile. Tuy nhiên, chính sách LPMT chỉ là một phần và không thể phủ nhận tác động của các nhân tố khác nữa đến TTKT. Chính phủ và NHTW Chile vẫn cần chú trọng đến việc phối hợp thực hiện chính sách LPMT với các chính sách khác một cách hiệu quả để mang lại kết quả tốt nhất cho nền kinh tế.

  1. Đánh giá khả năng áp dụng lạm phát mục tiêu tại Việt Nam

Chính sách LPMT đang tỏ ra vô cùng hiệu quả và trở thành một xu hướng mới trên thế giới, nhiều quốc gia đang phát triển cũng đã chuyển sang áp dụng chính sách này. Việt Nam hiện nay đang theo đuổi CSTT đa mục tiêu, những năm qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát lạm phát khi chưa có công cụ thật sự hữu hiệu. NHNN cũng xác định rằng cần phải tìm một neo mới cho CSTT để có thể chủ động kiểm soát lạm phát. Phương án theo đuổi chính sách LPMT làm khuôn khổ CSTT cũng có thể là một lựa chọn. Và lựa chọn này có khả năng thực hiện được hay không thì cần phải tiến hành xem xét, đối chiếu với các điều kiện cơ bản để áp dụng LPMT đã nêu ở trên. Cụ thể:

  • Về mức độ độc lập của NHTW

Tại Việt Nam, trên cả phương diện pháp lý lẫn thực tế, có thể thấy mức độ độc lập của NHNN còn hạn chế. Điều đó phần nào làm giảm tính linh hoạt trong việc điều hành thực hiện CSTT quốc gia, thậm chí đôi khi gây ra sự chậm trễ trong phản ứng chính sách trước các diễn biến khó lường trên thị trường tài chính, tiền tệ. Cụ thể:

Mức độ độc lập về chính sách: Theo quy định của Luật NHNN năm 2010, NHNN có trách nhiệm xây dựng CSTT để Chính phủ xem xét và trình Quốc hội quyết định. Sau đó, NHNN chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện chính sách khi đã được phê duyệt. Như vậy NHNN không phải là tổ chức có thể có ý kiến quyết định cuối cùng về CSTT.

Mức độ độc lập về kinh tế: NHNN Việt Nam trực thuộc Chính phủ và trên thực tế Chính phủ đã từng sử dụng NHNN để tài trợ cho các khoản vay và chi tiêu của mình. Song nhìn chung, hiện nay mức độ độc lập về kinh tế đang dần được cải thiện. Kỷ luật tài khóa đã được xây dựng như đặt ra mức bội chi ngân sách, ngưỡng trần nợ công,... Ví dụ, mức bội chi ngân sách cho giai đoạn 2013 – 2015 là dưới 4,5% GDP, cho giai đoạn 2016 – 2020 khoảng 4% GDP và bình quân 3% GDP cho giai đoạn sau 2020. Trần nợ công đến năm 2020 không quá 65% GDP, dư nợ chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP,…(Lê Thái Phong và cộng sự, 2017).

Mức độ độc lập về chính trị: có thể thấy tất cả nhân viên trong hệ thống NHNN đều là những công chức, viên chức do nhà nước bổ nhiệm và trả lương. Nhiệm kỳ của Thống đốc là 5 năm trùng với nhiệm kỳ của Chính phủ, do vậy khó có thể nói tới tính độc lập về nhân sự của NHNN.

  • Về hạ tầng kỹ thuật

Xét về hệ thống cơ sở dữ liệu, số liệu thống kê, công tác thống kê ở Việt Nam trong một vài năm trở lại đây đã được quan tâm và cải thiện rõ nét. Tuy nhiên, hiện nay cơ sở dữ liệu đầu vào về kinh tế vĩ mô, tiền tệ và hoạt động ngân hàng của NHNN vẫn còn thiếu, đang trong quá trình hoàn thiện, chuỗi thời gian chưa đủ dài và chưa được cập nhật một cách hệ thống, đặc biệt là dữ liệu theo quý, theo tháng, điều này khiến cho công tác dự báo gặp khó khăn.

Xét về công tác dự báo, NHNN đã từng bước xây dựng và triển khai các phương pháp luận và công cụ dự báo bằng mô hình, đồng thời hình thành bước đầu khuôn khổ phân tích, đánh giá chính sách. NHNN đang tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai xây dựng khuôn khổ lập trình tài chính vĩ mô nhằm hỗ trợ dự báo trung hạn và tạo lập khuôn khổ phân tích chính sách kinh tế vĩ mô dựa trên 4 khu vực của nền kinh tế. Cùng với đó, NHNN tích cực nghiên cứu, tiếp cận các hệ thống cảnh báo sớm về khủng hoảng tiền tệ và khủng hoảng ngân hàng dựa trên các mô hình tham số và phi tham số nhằm phục vụ hiệu quả cho công tác điều hành CSTT và phân tích, giám sát, dự báo, cảnh báo sớm rủi ro về kinh tế. NHNN cũng đã xây dựng và triển khai quy trình nội bộ dự báo các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, tiền tệ và hoạt động ngân hàng bao gồm 12 bước từ khâu thu thập dữ liệu, thông tin đến đánh giá và báo cáo kết quả dự báo. Tuy vậy, năng lực, chất lượng phân tích, dự báo, đặc biệt là về kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính còn yếu so với yêu cầu điều hành chính sách, quản lý và giám sát tiền tệ. Kết quả dự báo chưa có độ chính xác cao, mặc dù dự báo được xu hướng và những nhân tố tác động chính, song kết quả dự báo trung, dài hạn còn có sự chênh lệch so với thực tế. 

  • Về độ lành mạnh của hệ thống tài chính

Một hệ thống tài chính lành mạnh là nền tảng để chính sách LPMT có thể thành công. Tuy nhiên, trình độ phát triển của hệ thống tài chính – ngân hàng ở Việt Nam vẫn còn tương đối thấp và thiếu bền vững, thiếu năng động, chưa phản ánh được cung - cầu về vốn, các công cụ thị trường còn rất ít và sử dụng không hiệu quả nên hạn chế khả năng điều tiết tiền tệ của NHNN thông qua các công cụ CSTT.

Đối với độ lành mạnh của chính sách tài khóa, mặc dù đã xây dựng kỷ luật tài khóa nhưng Việt Nam vẫn thường xuyên đối mặt với thâm hụt ngân sách lớn (khoảng 5% GDP – cao hơn ngưỡng đặt ra), trong khi so với các nước khác trong khu vực vào thời điểm áp dụng chính sách LPMT đều có mức thâm hụt ngân sách thấp hơn đáng kể (ví dụ: Thái Lan khoảng  – 2,8%, Indonesia  – 1,1%,...). Nợ công của Việt Nam cũng tăng nhanh, gần kịch trần 65% mà Quốc hội đặt ra. Nguồn thu ngân sách không dồi dào, thị trường trái phiếu chính phủ chưa phát triển đủ sâu nên hạn chế khả năng Chính phủ tiếp cận được nguồn vốn từ thị trường tài chính để tài trợ cho ngân sách (Mai Thu Hiền, 2016).

  • Về cấu trúc kinh tế

Về mức độ đô la hóa của nền kinh tế, theo tiêu chí của Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), nền kinh tế được coi là có tình trạng đô la hóa cao khi tỷ trọng tiền gửi bằng ngoại tệ (FCD) chiếm trên 30% trong khối tiền tệ mở rộng (M2). Nếu tính theo tiêu chí này thì từ năm 2006 đến nay, tình trạng đô la hóa của Việt Nam đã có xu hướng giảm nhưng Việt Nam vẫn là nước có mức độ đô la hóa tiền gửi hóa cao nhất trong khu vực châu Á. Cụ thể, giai đoạn 2008 - 2011, tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ của tổ chức và dân cư bao gồm tiền gửi thanh toán và tiết kiệm ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán dao động trong khoảng 20%. Năm 2011, tỷ lệ FCD/M2 là 15,8% và giảm xuống mức 12,4% trong năm 2012, 11,6% trong năm 2014, 10,39% vào tháng 3/2015 và đến tháng 6/2017 còn 8,5%.

Về chế độ tỷ giá hối đoái, bắt đầu từ năm 2016, NHNN thực hiện cơ chế tỷ giá trung tâm trong đó tỷ giá được xác định trên cơ sở diễn biến của 3 yếu tố chính: (1) Diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng ngày hôm trước. (2) Diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của 8 đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam (gồm USD, EUR, CNY, THB, JPY, SGD, KRW, TWD). (3) Các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và phù hợp với mục tiêu CSTT. Cơ chế này đã phản ánh được phần nào cung - cầu của thị trường nhưng về cơ bản vẫn xoay quanh vấn đề neo tỷ giá khi NHNN vẫn còn yêu cầu một biên độ điều chỉnh tỷ giá.

Về độ mở của nền kinh tế, chỉ số này của Việt Nam khá cao, đặc biệt từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO (năm 2007), độ mở của nền kinh tế luôn trên 150%. Tính đến năm 2016, độ mở nền kinh tế Việt Nam đã trên 220%. Độ mở của nền kinh tế Việt Nam cao nhưng chất lượng độ mở lại thấp, thể hiện ở việc hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng thấp trong khi nhập khẩu nguyên phụ liệu còn lớn. Vì vậy, mọi biến động của nền kinh tế thế giới sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế trong nước.

Biểu đồ 9. Độ mở của nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2007-2016

Đơn vị: %

Nguồn: Các tác giả tự tính toán dựa trên số liệu của World Bank

Từ những phân tích trên cho thấy các điều kiện áp dụng hiệu quả chính sách LPMT tại Việt Nam vẫn chỉ đáp ứng ở mức thấp. Tuy nhiên, chính sách LPMT vẫn là một lựa chọn để cân nhắc ngay cả khi chưa đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết. Và để thực hiện được khuôn khổ chính sách này Việt Nam cần có lộ trình giải pháp phù hợp.

  1. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc áp dụng chính sách LPMT
    • Đề xuất lộ trình áp dụng chính sách LPMT

Bài học từ sự thành công trong thực hiện chính sách LPMT của Chile cho thấy, ngoài việc chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thì lộ trình thực hiện chính sách cũng vô cùng quan trọng. Do vậy, để theo đuổi chính chính LPMT Việt Nam cần xây dựng lộ trình và từng bước hiện thực hóa mục tiêu. Cụ thể:

  • Giai đoạn I: từ năm 2019 đến 2023
  • Trao quyền độc lậр cho NHNN trong xâу dựng và thực thi CSTT,
  • Cải thiện hạ tầng kỹ thuật và hoàn thiện thị trường tài chính,
  • Theo đuổi chính sách LPMT linh hoạt thông qua việc xây dựng khung LPMT rộng. Việc đưa ra khung LPMT rộng có thể cho phép NHNN linh hoạt ứng phó với những cú sốc và đưa ra lựa chọn tối ưu trong bối cảnh CSTT còn theo đuổi các mục tiêu khác.
  • Giai đoạn II: từ năm 2023 trở đi
  • Áp dụng chính sách LPMT hoàn toàn. NHNN thu hẹp dần khung LPMT và cam kết theo đuổi mức lạm phát mục tiêu đã công bố,
  • Nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của NHNN.
    • Đề xuất một số giải pháp thực hiện chính sách LPMT

* Giải pháp nâng cao tính độc lập, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của NHNN

Để nâng cao tính độc lập của NHNN, Chính phủ cần trao cho NHNN có toàn quyền điều hành đối với các công cụ của mình để kiểm soát lạm phát trong mục tiêu đã được công bố. Thống đốc NHNN phải được trao quyền quyết định trong việc thực thi CSTT và tự chịu trách nhiệm về các quyết định đó mà không cần phải thông qua Chính phủn phê duyệt. Bên cạnh đó, cần tăng cường tính độc lập về mặt tổ chức nhân sự của NHNN. Ví dụ, nhiệm kỳ của ban lãnh đạo NHNN có thể khác nhiệm kỳ của Chính phủ và Quốc hội. Như vậy, quá trình ra quyết định của NHNN sẽ không bị ảnh hưởng bởi chu kỳ thành lập Chính phủ và Quốc hội.

Để nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của mình, NHNN cần công bố công khai mức LPMT, lộ trình và biện pháp để đạt được mục tiêu, tình hình thực hiện cũng như dự báo mức lạm phát trong tương lai,…Trong trường hợp NHNN không hoàn thành được mục tiêu hoặc có những thay đổi nhất định đối với mục tiêu thì sẽ phải giải trình lý do vi phạm cam kết, đưa ra cơ chế chịu trách nhiệm rõ ràng, đồng thời đề xuất lộ trình và giải pháp cụ thể để đưa lạm phát trở lại quỹ đạo.

* Giải pháp cải thiện hạ tầng kỹ thuật

Trước hết, cần nâng cao chất lượng số liệu thống kê. Ðể đạt được điều đó, ngành thống kê cần quan tâm một số nội dung chủ yếu sau: Hoàn thiện hệ thống và đồng bộ các phương thức thu thập số liệu giữa các cuộc điều tra, các báo cáo định kỳ; Tăng cường ứng dụng công nghệ trong thu thập và xử lý thông tin các cuộc điều tra; Đẩy mạnh hoạt động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực thống kê nhằm nâng cao chất lượng và bảo đảm đủ số lượng.

Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực phân tích và dự báo. Muốn vậy, NHNN cần: Xác định rõ các nội dung dự báo, chủ yếu dự báo các chỉ tiêu và đối tượng mà NHNN không có khả năng chi phối hoặc kiểm soát hoàn toàn, các chỉ tiêu và đối tượng dự báo phải có quan hệ mật thiết với hoạt động điều hành CSTT; Xây dựng và hoàn thiện phương pháp và công cụ dự báo hiện đại, bắt kịp xu hướng của thế giới; Nghiên cứu, áp dụng các công cụ lập báo cáo và phát triển các phần mềm dự báo chuyên dụng; Phát triển đội ngũ cán bộ phân tích, dự báo, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và thường xuyên nâng cao, cập nhật kiến thức kinh tế lượng và phương pháp, công cụ kỹ thuật dự báo cho cán bộ phân tích, dự báo.

* Giải pháp xây dựng thị trường tài chính lành mạnh

Một là, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại và toàn bộ hệ thống ngân hàng thông qua việc tăng quy mô vốn nhằm đáp ứng các chuẩn mực an toàn vốn quốc tế; Nâng cao năng lực quản trị rủi ro, kỹ năng quản trị điều hành và hiện đại hoá cơ sở hạ tầng của các ngân hàng; Đa dạng hóa các công cụ của thị trường vốn.

Hai là, thực hiện các giải рháр nâng cao hiệu quả chi tiêu của Chính рhủ nhằm giúp giảm dần mức độ nợ công; Đưa ra biện pháp phù hợp và chế tài xử lý nghiêm minh để đảm bảo tuân thủ kỷ luật tài khóa, từ đó tối thiểu hóa khả năng Chính phủ vay tiền NHNN bù đắp cho thâm hụt ngân sách.

* Giải pháp hoàn thiện cấu trúc nền kinh tế phù hợp

Thứ nhất, tiếp tục giảm dần tình trạng đô la hóa, nâng cao khả chuyển đổi của đồng Việt Nam thông qua việc thực hiện đồng bộ các giải pháp: ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức mục tiêu, thúc đẩy TTKT để ổn định và nâng cao dần giá trị VND; Tăng dần chệnh lệch lợi ích nắm giữ VND so với nắm giữ ngoại tệ thông qua việc duy trì hợp lý lãi suất huy động VND và ngoại tệ; Chuyển hóa quan hệ huy động – cho vay sang quan hệ mua – bán ngoại tệ, trước mắt tiếp tục hạn chế dần cho vay ngoại tệ, khi điều kiện cho phép tiếp tục thu hẹp dần huy động ngoại tệ để tránh ảnh hưởng thanh khoản hệ thống.

Thứ hai, nên chuyển dần sang cơ chế tỷ giá linh hoạt. NHNN dần dần từ bỏ việc công bố tỷ giá trung tâm mỗi ngày và để thị trường quyết định. NHNN chỉ nên sử dụng các công cụ tiền tệ để can thiệp thông qua thị trường mở, công cụ lãi suất và việc điều hành mua bán ngoại tệ nhằm làm giảm những biến động tỷ giá quá lớn.   

Thứ ba, cần kiểm soát và nâng cao chất lượng độ mở của nền kinh tế thông qua việc tăng cường xúc tiến thương mại thị trường nội địa; tăng cường xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước để giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường nước ngoài; tranh thủ thời cơ để tiếp thu trình độ khoa học-công nghệ, trình độ quản lý của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài để phát triển nền kinh tế trong nước.

 

Tài liệu tham khảo

 

  1. Ayisi, R. (2013), ‘Single-digit inflation targeting and economic growth’, American Journal of Economics and Business Administration, No 5, pages 22-28.
  2. Batini, N., and Laxton, D. (2005), ‘Under What Conditions Can Inflation Targeting Be Adopted? The Experience of Emerging Markets’, Central Bank of Chile, Working Papers No. 406.
  3. Bousrih, J. (2013), ‘The effects of inflation targeting on economic growth and inflation volatility: empirical approach’, Economics Bulletin, AccessEcon, Vol. 33, pages 1-2.
  4. Debelle, G. (1999), ‘Inflation Targeting And Output Stabilisation’, Research Discussion Paper 1999-08, Reserve Bank of Australia.
  5. Freedman, C. and Laxton, D., 2009a, ‘Why Inflation Targeting?’, IMF Working Paper WP/09/86, International Monetary Fund.
  6. Goncalves, C.E. and Salles, J.M. (2008), ‘Inflation Targeting in Emerging Economies: What Do the Data Say?’ Journal of Development Economics, No.85, pages 312-318.
  7. Lin, S., Ye, H. (2009), ‘Does inflation targeting make a difference in developing countries?’, Journal of Development Economics, Elsevier, V 89(1), pages 118-123.
  8. A. (2016), ‘Inflation targeting, Inflation and Economic growth in Ghana (1980-2013): An empirical investigation’, Kwame Nkrumah University of Science and Technology.
  9. Mokgola, A. (2015), ‘The effects of inflation targeting on economic growth in South Africa’, Dissertation for Master of Commerce, University of Limpopo.
  10. Mollick, A., Cabral, R., & Garneiro, G. (2011), ‘Does inflation targeting matter for output growth? Evidence from industrial and emerging economies’, Journal of Policy Modeling, Vol.33, No.4 , Pages 537-551.
  11. Naudon, Alberto and Vial, Joaquín (2016), ‘The Evolution of Inflation in Chile Since 2000’, BIS Paper No. 89g.
  12. Lê Thái Phong, Nguyễn Thu Thủy và Lê Việt Dũng (2017), ‘Khả năng áp dụng chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu ở Việt Nam’, Tạp chí Những vấn đề Kinh tế và Chính trị Thế giới, Số 2(250) tháng 2/2017, trang 70-77.
  13. Mai Thu Hiền (2016), ‘Thực thi chiến lược chính sách tiền tệ ở Việt Nam: một vài đánh giá, đề xuất’, Tạp chí Tài chính, tháng 5/2016.
  14. Nguyễn Thị Hiền (2015), ‘Hoàn thiện các điều kiện để thực hiện chính sách tiền tệ theo khuôn khổ lạm phát mục tiêu tại Việt Nam’, Luận án Tiến sỹ, Học viện Ngân hàng.
  15. Nguyễn Văn Hà (2007), ‘Nghiên cứu việc điều hành chính sách tiền tệ bằng phương pháp lấy lạm phát làm mục tiêu và cơ chế truyền tải chính sách tiền tệ đến nền kinh tế Việt Nam’, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp ngành năm 2007 của Ngân hàng Nhà nước.
  16. Tô Kim Ngọc, Nguyễn Khương Duy (2015), ‘Đường cong Phillips và ngưỡng lạm phát ở Việt Nam’, Tạp chí Ngân hàng, Số 17, tháng 9/2015, trang 2-11.
  17. Tô Kim Ngọc, Nguyễn Khương Duy (2012), ‘Chính sách mục tiêu lạm phát - kinh nghiệm của một số nước Châu Á và bài học cho Việt Nam’, Tạp chí Ngân hàng, số 15 tháng 8/2012, trang 2-10.
  18. Tô Thị Ánh Dương, Bùi Quang Tuấn, Phạm Sỹ An, Dương Thị Thanh Bình, Trần Thị Kim Chi (2012), Lạm phát mục tiêu và hàm ý đối với khuôn khổ chính sách tiền tệ ở Việt Nam, NXB Tri thức, Hà Nội.
  19. Website của Ngân hàng Trung ương Chile, http://www.bcentral.cl.
  20. Website của Ngân hàng Thế giới, http://www.worldbank.org/.
  21. Website của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, imf.org.
  22. Website của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, http://www.oecd.org/.

 

 

[1] Trường Đại học Ngoại thương, Email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó..

[2] Trường Đại học Ngoại thương, Email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó.

[3] Trường Đại học Ngoại thương, Email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó.