Sidebar

Magazine menu

04
T7, 05

Tạp chí KTĐN số 113

 

ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY CÁC MÔN LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI THƯƠNG[*]

Trần Huy Quang[†]

 

Tóm tắt: Việc đổi mới phương pháp giảng dạy nói chung, trong đó có các môn lý luận chính trị, đang là một xu thế chung mang tính tất yếu ở các trường đại học, cao đẳng hiện nay. Tại Đại học Ngoại thương (cơ sở Hà Nội), việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị cũng đã được tiến hành nhiều năm qua và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn những vấn đề tồn tại đang đặt ra cần phải giải quyết. Để làm rõ điều đó, bài viết tập trung đánh giá hiệu quả việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị tại Trường Đại học Ngoại thương (cơ sở Hà Nội) thời gian vừa qua thông qua các tiêu chí cụ thể, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn học này, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường.

Từ khóa: phương pháp giảng dạy, đổi mới phương pháp giảng dạy, các môn lý luận chính trị, hiệu quả đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị.

Abstract: The renewal of teaching methods in general, including the department political theory courses is a common trend foregone in schools universities and colleges today. At the Foreign Trade University (Hanoi Campus), the new methods of teaching political theory courses have also been conducted many years and achieved certain results. But besides, the existing problems still are posing need to solve. To clarify that, it focuses evaluate the effectiveness of the innovation of teaching methods of physicsPolitical at Foreign Trade University (Hanoi Campus) recentlythrough specific criteria, and on that basis proposed some solutions to contributefurther, improve the efficiency of the innovative methods of teaching subjects this study, thereby improving the education quality of the school.

Keywords: teaching methods, innovative teaching methods, thepolitical theory courses, effective teaching methods innovation theoretical subjects politic.

  1. Đặt vấn đề

Từ năm học 2008 - 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện việc tích hợp các môn lý luận chính trị bằng cách cộng gộp và thay đổi kết cấu các môn học để giảm số lượng môn học và giảm thời lượng. Thực chất là dồn ép lại, khối lượng kiến thức hầu như không giảm, trong khi thời lượng lại giảm quá nhiều. Tình hình trên làm cho việc dạy và học các môn lý luận chính trị gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, từ năm học 2008 - 2009, Trường Đại học Ngoại thương cũng bắt đầu triển khai đào tạo theo học chế tín chỉ. Có thể khẳng định rằng, với việc đổi mới kết cấu, nội dung chương trình các môn lý luận chính trị, đặc biệt trong bối cảnh đào tạo theo học chế tín chỉ, rõ ràng việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn học này là một tất yếu. Ý thức rõ điều đó, trong thời gian vừa qua, các giảng viên của Khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Ngoại thương (cơ sở Hà Nội) đã chú trọng tới việc áp dụng đa dạng các hình thức và phương pháp giảng dạy tích cực trong quá trình lên lớp. Các phương pháp giảng dạy thụ động, một chiều trước đây đã dần được thay thế bằng các phương pháp giảng dạy chủ động, tích cực, theo hướng lấy người học làm trung tâm. Tuy nhiên, quá trình này cần có những đánh giá cụ thể và toàn diện từ nhiều phía, qua đó có thể phát huy những thành tựu, đồng thời khắc phục những hạn chế, yếu kém để nâng cao hiệu quả của việc đổi mới phương pháp giảng dạy nói riêng, chất lượng dạy và học với các môn lý luận chính trị nói chung.

  1. Nội dung

2.1. Một số vấn đề lý luận về đánh giá hiệu quả đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị

2.1.1. Khái niệm phương pháp giảng dạy, đổi mới phương pháp giảng dạy và hiệu quả đổi mới phương pháp giảng dạy

* Phương pháp và phương pháp giảng dạy

Thuật ngữ phương pháp trong tiếng Hy Lạp là “Méthodos” có nghĩa là con đường, cách thức hoạt động nhằm đạt được mục đích nhất định. Vì vậy, phương pháp là hệ thống những hành động tự giác, tuần tự nhằm đạt được những kết quả phù hợp với mục đích đã định.

Từ khái niệm trên ta thấy phương pháp có cấu trúc phức tạp, bao gồm mục đích được đề ra, hệ thống những hành động (hoạt động), những phương tiện cần thiết (phương tiện vật chất, phương tiện thực hành, phương tiện trí tuệ), quá trình làm biến đổi đối tượng, kết quả sử dụng phương pháp (mục đích đạt được). Khi sử dụng đúng phương pháp sẽ dẫn đến kết quả theo dự định. Nếu mục đích không đạt được thì có nghĩa là phương pháp không phù hợp với mục đích hoặc nó không được sử dụng đúng.

Phương pháp giảng dạy là cách thức hành động có trình tự, phối hợp tương tác với nhau của người dạy và của người học nhằm đạt được mục đích dạy học. Nói cách khác phương pháp giảng dạy là hệ thống những hành động có chủ đích theo một trình tự nhất định của người dạy nhằm tổ chức hoạt động nhận thức và hoạt động thực hành của người học nhằm đảm bảo cho họ lĩnh hội nội dung dạy học và trên cơ sở đó mà đạt được mục đích dạy học.

* Đổi mới phương pháp giảng dạy và hiệu quả đổi mới phương pháp giảng dạy

Phương pháp giảng dạy truyền thống còn được gọi là phương pháp thuyết trình. Phương pháp này là mô hình giảng dạy trong đó giảng viên là trung tâm, thuyết giảng các khối kiến thức qua các bài giảng dựa vào các giáo trình, sách giáo khoa… Mục đích của phương pháp thuyết trình là giúp sinh viên tiếp nhận, xử lý và ghi nhớ thông tin, kiến thức… thông qua khả năng nghe và nhìn. Bên cạnh những ưu điểm, phương pháp thuyết trình cũng có những hạn chế như: không khuyến khích vai trò chủ động của người học, không khuyến khích trao đổi thông tin đa chiều, không khuyến khích người học phát triển kỹ năng tổ chức và tổng hợp nội dung, giảng viên không kiểm soát được thời gian mà người học dành ra để tìm hiểu bài và ghi nhớ sâu các nội dung được trình bày... Vấn đề này một mặt cho thấy sự hạn chế của phương pháp giảng dạy truyền thống; mặt khác đặt ra nhu cầu cần phải có sự đổi mới về phương pháp giảng dạy, lôi cuốn sinh viên tham gia nhiều hơn trong quá trình dạy - học. Trên cơ sở đó, nhiều phương pháp giảng dạy mới đã được ra đời như: phương pháp nêu vấn đề, phương pháp tạo tình huống, phương pháp đóng vai, phương pháp làm việc nhóm, phương pháp chuyên gia… Những phương pháp mới đó thường được gọi là các phương pháp giảng dạy tích cực.

Thực ra, xét đến cùng thì tất cả các phương pháp giảng dạy đều có thể ẩn chứa những hoạt động mang tính tích cực của nó. Bên cạnh đó, các chuyên gia về giáo dục học cũng như thực tiễn giảng dạy của các giảng viên đã khẳng định rằng không có một phương pháp giảng dạy nào là hoàn toàn chiếm vị trí ưu việt hơn hẳn so với các phương pháp khác, mà mỗi phương pháp đều có những ưu, nhược điểm riêng. Do đó, đổi mới phương pháp giảng dạy không phải là sự thay thế phương pháp giảng dạy cũ bằng một loạt các phương pháp giảng dạy mới. Về bản chất, đổi mới phương pháp giảng dạy là sự cải tiến và hoàn thiện các phương pháp giảng dạy đang sử dụng để góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học; là việc bổ sung phối hợp nhiều phương pháp để khắc phục mặt hạn chế của các phương pháp dạy học đang sử dụng nhằm đạt được mục tiêu dạy học đã đề ra, đồng thời kết hợp với việc sử dụng các phương tiện, trang thiết bị giảng dạy hiện đại từ đó hình thành nên các ‘‘kiểu” dạy - học mới với mong muốn đem lại hiệu quả cao hơn.

Như vậy, dù đổi mới phương pháp giảng dạy ở mức độ nào thì việc dạy học cũng phải hướng đến mục tiêu “lấy người học làm trung tâm”; tạo sự hứng thú và lôi cuốn người học tích cực, chủ động trong học tập; nâng cao hiệu quả học tập nhờ vào việc giảm thời lượng thuyết giảng, tăng cường sự tương tác và đa dạng hóa các loại hình hoạt động của cả giảng viên và sinh viên; thực hiện có hiệu quả phương châm ‘‘học đi đôi với hành”, ‘‘lý luận gắn với thực tiễn” và khai thác tối đa kinh nghiệm của người học, qua đó nâng cao chất lượng dạy và học.

Trong Từ điển Tiếng Việt phổ thông của Viện Ngôn ngữ học, Nxb Phương Đông, năm 2013 có định nghĩa: “Hiệu quả” là kết quả như yêu cầu của việc làm mang lại. Do đó, hiệu quả đổi mới phương pháp giảng dạy chính là những kết quả đạt được từ quá trình giảng dạy của các giảng viên đặt trong mối quan hệ so sánh với những mục tiêu của việc đổi mới phương pháp giảng dạy. Đồng thời, đánh giá hiệu quả việc đổi mới phương pháp giảng dạy chính là việc xem xét, đưa ra những nhận định, đánh giá về mức độ đạt được của quá trình giảng dạy (dựa trên việc đổi mới phương pháp giảng dạy) với những mục tiêu của việc đổi mới đó. Nếu những kết quả đạt được càng gần với những mục tiêu thì hiệu quả của nó càng cao và ngược lại.

2.1.2. Các tiêu chí đánh giá mức độ hiệu quả của việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị

Trên cơ sở khái niệm đổi mới phương pháp giảng dạy và hiệu quả đổi mới phương pháp giảng dạy đã được đề cập ở trên, nhóm tác giả quyết định lựa chọn những tiêu chí sau đây để đánh giá mức độ hiệu quả của việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị:

* Thứ nhất, sự hứng thú học tập, tìm tòi của sinh viên. Đây được xem là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá được một phương pháp giảng dạy nào đó có hiệu quả hay không. Sự hứng thú học tập, tìm tòi của sinh viên được thể hiện qua:

- Mức độ chuyên cần của sinh viên;

Mức độ chuyên cần của sinh viên là số lượng các tiết học mà sinh viên tham gia các buổi học các môn lý luận chính trị. Trước hết, sinh viên đến lớp là để tiếp thu kiến thức cũng như kinh nghiệm từ giảng viên thông qua cách dạy, truyền đạt. Vì thế, cách giảng viên truyền tải kiến thức cho sinh viên cũng là một trong những tác động chính khiến sinh viên đi học chăm chỉ; tức là, khi sinh viên cảm thấy khối lượng và chất lượng thông tin giảng viên cung cấp cho mình trong giờ lên lớp cao hơn so với khi tự học ở nhà thì sinh viên sẽ đến lớp đều đặn và ngược lại. Hơn nữa, mức độ đi học chuyên cần cũng phần nào thể hiện được sự hứng thú học tập của sinh viên, vì một khi phương pháp giảng dạy khơi được sự ham học, ham tìm hiểu trong sinh viên thì phương pháp ấy mới được cho là hiệu quả.

- Mức độ phát biểu của sinh viên trong giờ học các môn lý luận chính trị;

Đây chính là đặc điểm thể hiện sự tích cực tham gia xây dựng bài cũng như mong muốn đào sâu, mở rộng kiến thức của sinh viên. Nói cách khác, một khi sinh viên có ý muốn trau dồi thêm lượng kiến thức chi tiết hơn, sâu hơn so với nội dung trong sách và lời truyền đạt của giảng viên, sinh viên sẽ phát biểu để đóng góp ý kiến, hỏi sâu nhằm mở mang kiến thức và thu thập kinh nghiệm. Song song đó, nhiệm vụ của một phương pháp giảng dạy suy cho cùng cũng chính là giúp sinh viên có thêm càng nhiều kiến thức càng tốt. Do đó, việc sinh viên tích cực tham gia phát biểu xây dựng bài hoặc đặt câu hỏi cho giảng viên đã hoàn thành được nhiệm vụ cốt lõi của phương pháp dạy học.

- Vấn đề tự học của sinh viên, bao gồm thời gian tự học ngoài các giờ học chính quy tại trường, việc xem trước bài ở nhà và tìm hiểu thêm các tài liệu chuyên sâu của các môn lý luận chính trị.

Quá trình nghiên cứu của các nhà tâm lí học đã cho thấy, nếu không chịu tác động bắt buộc từ yếu tố bên ngoài thì người học chỉ tự tìm hiểu thêm về một vấn đề nào đó khi họ thật sự yêu thích nó. Đối với sinh viên cũng thế, chỉ khi có đam mê, mong muốn được hiểu sâu và rộng hơn về các môn lý luận chính trị thì các bạn mới xem trước nội dung của giáo trình môn học này, cũng như các tài liệu chuyên sâu có nội dung liên quan đến môn học. Điều này chịu tác động chủ yếu bởi cách thức truyền đạt, tạo cảm hứng từ giảng viên. Do đó, phương pháp giảng dạy được đánh giá là hiệu quả khi phương thức ấy có thể khuyến khích sinh viên dành một khoảng thời gian đủ dài cho việc chuẩn bị bài và tìm hiểu các tài liệu chuyên sâu.

* Thứ hai, mức độ hiệu quả của việc đổi mới phương pháp giảng dạy còn thể hiện thông qua khả năng am hiểu, vận dụng kiến thức của sinh viên.

Trước hết, mục tiêu cuối cùng của một phương pháp dạy học không chỉ là truyền đạt thành công kiến thức đến cho người học, mà còn phải là hỗ trợ sinh viên trong việc vận dụng những tri thức đã tích luỹ vào thực tiễn cuộc sống. Nói cách khác, một phương pháp dạy được đánh giá là thành công chỉ khi thông qua cách truyền đạt ấy mà người thầy có thể khiến người học nhận ra giá trị thực tiễn của bài học, vì nhiệm vụ của các môn học khác nói chung và các môn lý luận chính trị nói riêng chính là cung cấp cho sinh viên một nền tảng tri thức phong phú và khả năng vận dụng kiến thức linh hoạt, chính xác. Bên cạnh đó, một cách thức dạy tốt không chỉ cung cấp cho người học những kiến thức trên sách vở mà quan trọng hơn hết là phải giúp người học hiểu sâu, hiểu “tận gốc” vấn đề để áp dụng vào thực tiễn cuộc sống. Do đó, cách thức dạy học được đánh giá là phù hợp và hiệu quả nhất chỉ khi phương pháp ấy hoàn thành được hai mục tiêu nói trên.

* Thứ ba, mức độ hiệu quả của việc đổi mới phương pháp giảng dạy còn thể hiện thông qua điểm số của sinh viên khi học các môn lý luận chính trị.

 Điểm số thể hiện trình độ hiểu bài và vận dụng kiến thức của người học, mà trình độ ấy lại phụ thuộc vào sự truyền đạt thông tin, kinh nghiệm từ người giảng dạy. Nói cách khác, học tập có thể được coi là một quá trình sản xuất mà nguyên liệu chính là lượng kiến thức, kinh nghiệm mà người thầy truyền đạt, cung cấp cho trò và thành phẩm cuối cùng chính là kiến thức, sự hiểu biết mà sinh viên có được với giá trị được biểu hiện ra bên ngoài chính là điểm số của sinh viên. Ngoài ra, chất lượng sản phẩm làm ra tốt hay không một phần là do chất lượng của nguyên liệu đầu vào, tức là kết quả học tập của sinh viên cũng phụ thuộc vào cách giảng dạy của giảng viên.

2.2. Thực trạng đổi mới phương pháp giảng dạy và mức độ hiệu quả việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị tại Trường Đại học Ngoại thương giai đoạn 2008 - 2018

Trong phần này, để có thể có được những nhận định mang tính khách quan về thực trạng việc đổi mới phương pháp giảng dạy cũng như hiệu quả của việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị trong điều kiện đào tạo theo học chế tín chỉ tại Trường Đại học Ngoại thương, chúng tôi đã tiến hành phỏng vấn đối với các giảng viên Khoa Lý luận chính trị, đồng thời tiến hành khảo sát bằng bảng hỏi đối với 458 sinh viên bao gồm cả năm thứ nhất, năm thứ hai, năm thứ ba và năm thứ tư; hệ đào tạo chính quy thuộc các ngành: Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Tài chính - Ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Kinh tế quốc tế, Luật, Kế toán kiểm toán và các ngành Ngoại ngữ thương mại.

Số lượng mẫu khảo sát được phân bổ theo các Khoa và theo năm học cụ thể như sau:

 

 

Số lượng

Tỉ lệ

Tổng

Ngành

Kinh tế và kinh doanh quốc tế

120

26,2%

458

Tài chính - Ngân hàng

90

19,7%

Quản trị kinh doanh

80

17,5%

Kinh tế quốc tế

45

9,8%

Luật

45

9,8%

Kế toán kiểm toán

40

8,7%

Các ngành Ngoại ngữ thương mại

38

8,3%

Năm học

Năm thứ nhất (K56)

177

38,6%

458

Năm thứ hai (K55)

148

32,3%

Năm thứ ba (K54)

92

20,1%

Năm thứ tư (K53)

41

9,0%

 

Từ những kết quả mà chúng tôi thu được, có thể đánh giá về thực trạng việc đổi mới phương pháp giảng dạy cũng như hiệu quả của việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị trong điều kiện đào tạo theo học chế tín chỉ tại Trường Đại học Ngoại thương thời gian qua như sau:

2.2.1. Khái quát về tình hình đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị tại Trường Đại học Ngoại thương giai đoạn 2008 - 2018

Trên cơ sở kết quả phỏng vấn đối với các giảng viên và kết quả khảo sát từ phía sinh viên, có thể khái quát tình hình đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị thời gian qua như sau:

Một là, phương pháp thuyết trình vẫn được sử dụng phổ biến, tuy nhiên hiệu quả của phương pháp này được nâng cao rõ rệt bằng cách kết hợp giữa thuyết trình với nêu vấn đề, tạo tình huống; thuyết trình kết hợp với việc sử dụng phương pháp trực quan sinh động thông qua mô hình, bảng biểu, sơ đồ. Đã có 92,4% sinh viên thừa nhận rằng đây là phương pháp đã được các giảng viên sử dụng trong quá trình giảng dạy đã cho thấy mức độ phổ biến của nó. Đồng thời hiệu quả mà nó đem lại cũng rất tích cực, thể hiện qua việc có tới 27,9% sinh viên cho rằng phương pháp này rất hiệu quả, 50,8% cho rằng nó hiệu quả và 19,4% cho rằng nó khá hiệu quả.

Hai là, các giảng viên đã chú ý và có sự tìm tòi trong việc sử dụng các phương tiện giảng dạy hiện đại trong việc thiết kế nội dung bài giảng, do đó đã đem lại những kết quả nhất định. Đã có 69,9% sinh viên được khảo sát cho rằng phương pháp này đã được sử dụng; trong đó 15% cho rằng nó rất hiệu quả, 39,4% cho rằng hiệu quả và 30,6% cho rằng khá hiệu quả.

Ba là, các giảng viên đã có ý thức trong việc tăng cường thời gian thảo luận trên lớp với nhiều hình thức: cho sinh viên thảo luận, thuyết trình về một vấn đề trong bài học, gắn lý luận với những vấn đề thực tế liên quan; cho các bài tập vận dụng kiến thức, lý thuyết để phân tích tình huống gắn liền với đời sống hoặc chuyên ngành học... Đây là 2 nhóm phương pháp đã được sử dụng nhiều (lần lượt là 100% và 76%) và được đánh giá khá cao về mức độ hiệu quả.

Hiện nay, hình thức thảo luận được các giảng viên thực hiện theo hai cách: có thể được bố trí riêng một tiết học, đưa sẵn chủ đề cho sinh viên chuẩn bị trước; hoặc có thể lồng ghép trong quá trình thuyết giảng. Thực tế cho thấy, các giờ thảo luận ngày càng có được sự đầu tư nghiên cứu, chuẩn bị tốt hơn của cả giảng viên và sinh viên. Sinh viên có cảm nhận mình tự khám phá tri thức nên đã kích thích niềm đam mê học tập và nghiên cứu của họ (19,9% sinh viên cho rằng phương pháp này là rất hiệu quả, 50% cho rằng hiệu quả và 16,4% cho rằng khá hiệu quả).

Bên cạnh đó, việc cho sinh viên làm các bài tập vận dụng kiến thức, lý thuyết để phân tích tình huống gắn liền với đời sống hoặc chuyên ngành học cũng được sinh viên đánh giá cao. Ưu điểm của phương pháp này là nó vừa giúp sinh viên củng cố nội dung lý luận, nhớ và hiểu các kiến thức, vừa gắn được lý luận với thực tiễn, dùng lý luận để xem xét và soi rọi những vấn đề của cuộc sống cũng như của lĩnh vực mà mình được học, từ đó thấy được vai trò của lý luận và mối quan hệ không tách rời giữa lý luận với thực tiễn. Có 10,3% sinh viên đã đánh giá phương pháp này rất hiệu quả, 59,8% cho rằng hiệu quả và 10,1% cho rằng khá hiệu quả.

Bốn là, một số giảng viên đã tìm tòi, thiết kế và áp dụng các hình thức giảng dạy sinh động như hình thức trò chơi gắn liền với những nội dung và kiến thức cần truyền đạt để sinh viên có thể chủ động tiếp thu kiến thức và tham gia vào bài giảng, phát huy được tính sáng tạo của sinh viên. Đáng chú ý là phương pháp này được sinh viên đánh giá khá cao về tính hiệu quả: 18,1% cho rằng nó rất hiệu quả, 37,3% cho rằng hiệu quả và 35% cho rằng nó khá hiệu quả. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau nên phương pháp này chưa được sử dụng phổ biến (chỉ có 18,1% sinh viên thừa nhận phương pháp này đã được các giảng viên sử dụng).

Như vậy có thể thấy, trong điều kiện giảng dạy theo tín chỉ, việc đổi mới phương pháp giảng dạy của các giảng viên thời gian qua đã đạt được 2 mục tiêu: thứ nhất, giảm giờ giảng trên lớp nhưng vẫn đảm bảo sinh viên nắm được những kiến thức cơ bản của môn học; thứ hai, đã phát huy được tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của sinh viên trong quá trình học tập, nghiên cứu

2.2.2. Đánh giá mức độ hiệu quả việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị tại Trường Đại học Ngoại thương giai đoạn 2008 - 2018

  1. a) Những hiệu quả tích cực

- Một là, việc đổi mới phương pháp giảng dạy nói riêng và quá trình giảng dạy nói chung của các giảng viên đã giúp sinh viên có được nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, sự cần thiết của các môn lý luận chính trị. Đại đa số sinh viên tham gia đầy đủ và nghiêm túc những buổi học trên lớp. Số đông sinh viên có thái độ tích cực và hứng thú trong học tập.

Kết quả khảo sát về mức độ hứng thú khi học các môn lý luận chính trị cho thấy số đông sinh viên có thái độ tích cực đối với các môn lý luận chính trị, thể hiện ở việc có 38% cảm thấy hứng thú, 30,1% cho rằng bình thường và 21,9% cho rằng, tùy từng môn học và tùy từng người dạy sẽ có thái độ khác nhau.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, nguyên nhân chủ yếu giúp sinh viên thích học các môn lý luận chính trị là do người học nhận thức đây là các môn học cần thiết, trang bị cho sinh viên cách nhìn nhận vấn đề đúng đắn và phương pháp giải quyết vấn đề hiệu quả. Đây là nguyên nhân chiếm tỉ lệ cao nhất với 32,1%. Bên cạnh đó, hai lí do về cách giảng viên dạy nhiệt tình, gây hứng thú cho sinh viên tìm hiểu và đào sâu kiến thức và môn học là cơ sở để hiểu rõ đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam và thế giới cũng được nhiều sinh viên đồng ý, với tỉ lệ lần lượt là 29,6% và 21,5%.

Về mức độ chuyên cần, 64,8% sinh viên tự đánh giá mình tham gia đầy đủ tất cả các tiết học của các môn lý luận chính trị. Trong khi đó, gần 1/3 tổng số sinh viên tham gia khảo sát (chiếm 31,2%) cho rằng mình đến lớp học các môn này trong khoảng từ 75 đến dưới 100% tổng thời lượng môn học. Số liệu thống kê cũng cho thấy, chỉ 4% sinh viên cho rằng mình đi học dưới 75%.

Để thấy rõ hơn về động cơ và mục đích tham gia các tiết học của sinh viên, chúng tôi đã đặt câu hỏi: “Lý do bạn tham gia các tiết học của các môn lý luận chính trị?”. Kết quả khảo sát cho thấy cách giảng bài của giảng viên rất quan trọng và nó trở thành nguyên nhân chủ yếu thu hút sinh viên đến trường (chiếm 43,9%). Ngoài ra, 29,9% cho rằng đây là các môn học cần thiết đối với sinh viên, cho nên tham gia các buổi học để thu nhận kiến thức cho bản thân.

- Hai là, việc đổi mới phương pháp giảng dạy đã giúp sinh viên có sự tham gia khá tích cực vào quá trình dạy và học; sinh viên có ý thức khá tốt trong việc chuẩn bị, tự học ở nhà cũng như tham gia xây dựng bài trong các buổi học trên lớp.

Với yêu cầu sinh viên tự nhận xét “Mức độ thường xuyên tham gia xây dựng bài trong các buổi học của các môn lý luận chính trị của bạn?” chúng tôi đã thu được kết quả: 16,6% số sinh viên cho rằng họ tích cực tham gia xây dựng bài, 42,6% thỉnh thoảng tham gia, 25,8% tham gia khi được giảng viên yêu cầu. Các con số này một mặt phản ánh tính đặc thù của các môn lý luận chính trị là tính trừu tượng cao, do đó các giảng viên phải mất nhiều thời gian để phân tích, giảng giải cho sinh viên nắm vững các khái niệm, phạm trù, nguyên lý. Mặt khác, nó cũng cho thấy việc đổi mới phương pháp giảng dạy đã bắt đầu thu hút được sự quan tâm cũng như kích thích được tính tích cực, chủ động của sinh viên trong học tập.

Vấn đề tự học cũng đã được sinh viên chú trọng và theo xu hướng càng gần ngày thi/kiểm tra thì số giờ tự học càng tăng lên. Thống kê nhóm tác giả thu thập được thì khoảng thời gian được phần đông sinh viên dành ra cho việc tự học các môn lý luận chính trị ở nhà là từ 2 - 5 giờ trong 1 tuần (giai đoạn trước khi thi/kiểm tra 1 tháng trở lên có 63,1% ý kiến của sinh viên lựa chọn phương án này, giai đoạn trước ngày thi/kiểm tra khoảng 2 tuần tỉ lệ là 59%, giai đoạn trước ngày thi/kiểm tra 1 tuần tỉ lệ là 16,1%). Số sinh viên tự học trên 5 giờ/tuần cũng có sự tăng dần, cụ thể giai đoạn trước khi thi/kiểm tra 1 tháng có 12% số sinh viên lựa chọn, giai đoạn trước ngày thi/kiểm tra khoảng 2 tuần tỉ lệ là 22,9% và giai đoạn trước ngày thi/kiểm tra 1 tuần tăng lên đến 80,8%. Số liệu trên cho thấy, cho dù còn một số bất cập nhất định, nhưng nhìn chung sinh viên đã có ý thức hơn cho việc học ở nhà.

Ngoài ra, việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị cũng đã làm cho sinh viên có ý thức hơn trong việc nghiên cứu bài học trước khi đến lớp và tìm hiểu thêm các tài liệu chuyên sâu có liên quan. 19,9% số sinh viên được hỏi đã cho rằng mình luôn xem bài mới trước khi đến lớp, 64,9% số sinh viên cho rằng họ đã xem bài nhưng mức độ chưa thường xuyên. Tương tự, có 8,1% trong tổng sinh viên cho rằng họ “luôn tìm hiểu tài liệu chuyên sâu”, 73,8% số sinh viên cho rằng đã có sự tìm hiểu thêm các tài liệu chuyên sâu với các mức độ khác nhau.

- Ba là, nhìn chung việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị đã giúp sinh viên dễ tiếp thu bài giảng; sinh viên quan tâm và có hiểu biết nhất định về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trên cơ sở đó, sinh viên đã biết gắn lý luận với thực tiễn, vận dụng các kiến thức được học để nhìn nhận, đánh giá các vấn đề kinh tế - xã hội.

Kết quả khảo sát cho thấy, số lượng sinh viên hiểu trên 80% kiến thức môn học khá cao, chiếm 30,1% trong tổng số 458 sinh viên tham gia khảo sát. Hơn một nửa số sinh viên được hỏi (chiếm 57,7%) đã tự đánh giá bản thân có thể hiểu được từ 60% đến 80% khối lượng kiến thức. Tổng cộng lại, số sinh viên hiểu được trên 60% kiến thức chiếm tới 87,8%. Đây thực sự là những con số khá ấn tượng, tạo cơ sở, nền tảng để sinh viên có thể tiếp thu những kiến thức chuyên ngành, cũng như vận dụng kiến thức vào đời sống thực tế. Có 6,3% sinh viên được hỏi cho rằng “đã vận dụng nội dung bài học để phân tích, làm rõ bản chất các vấn đề kinh tế, xã hội, cũng như cơ sở lý luận của đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước”; 51,6% cho rằng “đã vận dụng một số nội dung căn bản để nhìn nhận các vấn đề kinh tế, xã hội”.

- Bốn là, nhìn chung, sinh viên Trường Đại học Ngoại thương có kiến thức lý luận chính trị khá tốt, thể hiện qua điểm số của các môn lý luận chính trị mà sinh viên đạt được là tương đối cao.

Để thấy kết quả học tập của sinh viên thông qua điểm số đạt được của họ, chúng tôi đã xem xét bảng điểm lưu của Khoa trong hai năm học vừa qua (năm học 2016 - 2017 và năm học 2017 - 2018). Ở đây, mỗi một năm học, chúng tôi đã lấy ra một cách ngẫu nhiên 2 lớp môn Nguyên lý Mác - Lênin 1; 2 lớp môn Nguyên lý Mác - Lênin 2; 2 lớp môn Tư tưởng Hồ Chí Minh và 2 lớp môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam (một lớp lấy từ học kì I và một lớp lấy từ học kì II).

Kết quả cụ thể như sau:

- Năm học 2016 - 2017

Môn học

Lớp tín chỉ                       

Số SV

Điểm A

Điểm B

Điểm C

Điểm D

Điểm F

Nguyên lý Mác - Lênin 1

TRI102(K55-1/1617).4_LT

136

26

71

25

11

3

TRI102(2-1617).7_LT

111

21

62

20

6

2

Nguyên lý Mác - Lênin 2

TRI103(K55-1/1617).4_LT

102

39

45

10

5

3

TRI103(2-1617).8_LT

129

40

57

12

16

4

Tư tưởng Hồ Chí Minh

TRI104(1-1617).11_LT

143

58

50

23

10

2

TRI104(55CTTTQT).1_LT

91

13

52

19

4

3

Đường lối cách mạng của ĐCSVN

TRI106(1-1617).5_LT

136

15

65

42

9

5

TRI106(2-1617).7_LT

121

12

79

20

6

4

Tổng số

969

224

481

171

67

26

- Năm học 2017 - 2018

Môn học

Lớp tín chỉ                       

Số SV

Điểm A

Điểm B

Điểm C

Điểm D

Điểm F

Nguyên lý Mác - Lênin 1

TRI102(K56-1/1718).11_LT

151

38

64

31

15

3

TRI102(2-1718).3_LT

147

35

76

21

12

3

Nguyên lý Mác - Lênin 2

TRI103(K56-1/1718).9_LT

139

36

73

17

11

2

TRI103(2-1718).2_LT

128

45

57

14

8

4

Tư tưởng Hồ Chí Minh

TRI104(1-1718).2_LT

127

40

54

19

11

3

TRI104(2-1718).6_LT

84

21

40

13

8

2

Đường lối cách mạng của ĐCSVN

TRI106(1-1718).1_LT

131

22

71

28

7

3

TRI106(2-1718).7_LT

88

10

48

24

4

2

Tổng số

995

247

483

167

76

22

 

Có thể thấy rằng, chất lượng học tập các môn lý luận chính trị của sinh viên nhìn chung tương đối tốt. Đa số sinh viên đạt điểm A và điểm B (từ điểm 7.0 trở lên), chiếm khoảng trên 70% (con số cụ thể là 72,7% của năm học 2016 - 2017 và 73,4% của năm học 2017 - 2018); số còn lại là điểm C (lần lượt chiếm 17,7% trong năm học 2016 - 2017 và 16,8% trong năm học 2017 - 2018). Điểm D và điểm F rất ít (tổng cả điểm D và điểm F của năm học 2016 - 2017 là 9,6% và của năm học 2017 - 2018 là 9,8%). Kết quả học tập này cũng đồng thời cho thấy số đông sinh viên đã có hiểu biết về kiến thức lý luận chính trị.

  1. b) Những hạn chế chủ yếu

Bên cạnh những hiệu quả mang tính tích cực như đã phân tích ở trên, việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị thời gian qua cũng vẫn còn một số hạn chế, hiệu quả chưa cao. Thể hiện:

Một là, thái độ hứng thú của sinh viên đối với môn học chưa thực sự cao; không ít sinh viên đến lớp còn mang tính bắt buộc, đối phó, chủ yếu xuất phát từ lý do như điểm số, sự điểm danh gắt gao của giảng viên, đi học đầy đủ để được thi hết môn.

Cũng trong câu hỏi về mức độ hứng thú của sinh viên đối với các môn lý luận chính trị, có 10% số sinh viên được khảo sát cho rằng “không hứng thú”; 30,1% cho rằng “bình thường” (mà ở góc độ nào đó cũng còn có thể được hiểu là “không hứng thú”). Về nguyên nhân của tình trạng này, phần lớn sinh viên (41,8%) cho rằng đây là các môn học khó hiểu, trừu tượng, khó áp dụng vào thực tế nên dẫn đến tình trạng khó tiếp thu và nắm bắt kiến thức. Đây chính là nguyên nhân được nhiều sinh viên đồng tình nhất. Ngoài ra, những lí do khác như cách dạy của giảng viên chưa hấp dẫn, không gây được sự hứng thú học tập cho sinh viên (chiếm 26%); cũng như đây chỉ là các môn đại cương, không cần thiết phải đầu tư nhiều như những môn chuyên ngành (chiếm 17,8%) là hai nguyên nhân khác đem lại cảm giác không hứng thú đối với các môn lý luận chính trị. Bên cạnh đó, 14,4% số sinh viên đồng ý với nguyên nhân thời lượng học quá ngắn, sinh viên không có đủ thời gian tìm hiểu sâu kiến thức để vận dụng và thực hành.

Mức độ chuyên cần của sinh viên như chúng tôi đã đề cập ở trên là khá tốt. Tuy nhiên, vẫn còn một số lượng tương đối cao sinh viên (chiếm 26,2%) cho rằng việc tham gia các buổi học trên lớp là do các vấn đề liên quan đến sự điểm danh gắt gao của giảng viên và điều kiện để được thi kết thúc học phần. Điều này cũng phần nào dễ hiểu khi mà trong quy chế đào tạo theo tín chỉ của Đại học Ngoại thương hiện nay có quy định sinh viên phải tham gia từ 75% thời lượng ở trên lớp trở lên thì mới được thi kết thúc học phần.

Hai là, tính tích cực trong học tập của sinh viên còn một số hạn chế. Vẫn còn số lượng khá đông sinh viên còn thụ động trong học tập. Việc phân bổ thời gian cho việc học còn thiếu hợp lý, chưa thường xuyên, liên tục. Quá trình chuẩn bị, soạn bài ở nhà; đọc thêm các tài liệu chuyên sâu; tham gia xây dựng bài trên lớp... còn mang tính chất đối phó.

Kết quả khảo sát chúng tôi nhận được cho thấy, số sinh viên tích cực tham gia xây dựng bài còn khiêm tốn khi chỉ chiếm 16,6% tổng số sinh viên được khảo sát. Đa số sinh viên thỉnh thoảng mới tham gia (chiếm tới 42,6%), và có tới 25,8% cho rằng hầu như không tham gia, trừ những trường hợp bị giáo viên gọi đột xuất.  Điều này cho thấy việc đổi mới phương pháp giảng dạy của giảng viên còn hạn chế, khi mà chưa thu hút được nhiều sự quan tâm cũng như chưa kích thích được tính tích cực, chủ động của sinh viên.

Vấn đề tự học ở nhà của sinh viên cũng chưa thật sự hợp lý khi mà sinh viên có khuynh hướng học dồn vào những ngày cận kề ngày thi. Có thể thấy rõ, lượng thời gian trên 5 giờ/tuần qua ba giai đoạn có sự tăng lên đột biến vào giai đoạn trước ngày thi 1 tuần, trong khi vào các giai đoạn trước đó lại chiếm 1 phần tỉ lệ khá thấp. Cách học dồn này, một mặt, không đáp ứng đòi hỏi của đào tạo tín chỉ, mặt khác, không tạo hiệu quả tiếp thu các kiến thức từ môn học tốt, vì giai đoạn trước ngày thi 1 tuần là giai đoạn nước rút, sinh viên chịu nhiều áp lực về thời gian, bài vở hơn các giai đoạn khác.

Việc chuẩn bị và nghiên cứu bài học trước khi đến lớp của sinh viên cũng còn có những hạn chế. Số sinh viên trả lời rằng họ không bao giờ xem bài trước khi đến lớp còn khá cao (chiếm 14,2%). Phần lớn sinh viên thỉnh thoảng mới xem (22,1%) hoặc chỉ xem khi nào giáo viên yêu cầu (42,8%). Những con số này một phần phản ánh phương pháp học tập của sinh viên còn thụ động, chưa đáp ứng được những yêu cầu của đào tạo theo tín chỉ; mặt khác cho thấy các giảng viên cũng chưa thực sự sát sao cũng như có những cách thức cần thiết để kiểm soát chặt chẽ việc chuẩn bị và tự học ở nhà của sinh viên.

Cũng giống như việc đóng góp ý kiến xây dựng bài và việc nghiên cứu bài học trước khi đến lớp, vấn đề tìm hiểu thêm những nội dung chuyên sâu để tìm tòi, mở rộng thêm vấn đề của bài học còn nhiều hạn chế. Hơn một nửa số sinh viên được khảo sát (53,1%) cho rằng chỉ tìm hiểu các nội dung chuyên sâu khi giảng viên có yêu cầu. Số sinh viên thỉnh thoảng mới tìm hiểu và không bao giờ tìm hiểu gần bằng nhau, chiếm tỉ lệ lần lượt là 20,7% và 18,1%. Chỉ có 8,1% trong tổng sinh viên cho rằng “luôn tìm hiểu tài liệu chuyên sâu”. Điều này cho thấy ý thức mong muốn được tiếp thu thêm nhiều kiến thức mở rộng trong sinh viên còn chưa cao. Nhu cầu sinh viên đòi hỏi từ các môn lý luận chính trị chỉ dừng ở mức độ “hiểu” nhưng chưa phải là “hiểu sâu”, với mục đích chủ yếu là vì điểm số hơn là nhu cầu tự nâng cao kiến thức cho bản thân.

Ba là, vẫn còn một bộ phận sinh viên chưa thật sự hiểu rõ những kiến thức cơ bản về lý luận chính trị; lúng túng trong việc liên hệ, vận dụng lý luận vào thực tiễn.

Mặc dù đại đa số sinh viên có nhận thức khá tốt về các kiến thức lý luận chính trị, tuy nhiên vẫn còn 2% số sinh viên được khảo sát cho rằng họ chỉ hiểu được dưới 30% kiến thức môn học. Số sinh viên khẳng định họ có thể hiểu được từ 30 - 60% kiến thức là 10,2%. Bên cạnh đó, khả năng liên hệ, vận dụng lý luận vào thực tiễn của sinh viên còn yếu. Có rất ít sinh viên (chỉ có 6,3%) cho rằng “Đã vận dụng nội dung bài học để phân tích, làm rõ bản chất các vấn đề kinh tế, xã hội, cũng như cơ sở lý luận của đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước”; trong khi đó, 42,1% cho rằng “Chưa biết nên vận dụng như thế nào vì chưa được học các môn chuyên ngành” hoặc “Chưa biết nên vận dụng như thế nào vì vẫn chưa có nhiều cơ hội tiếp xúc với các vấn đề liên quan đến nội dung bài học” hoặc là “Còn mơ hồ, hiểu nhưng không vận dụng được” (với các tỉ lệ lần lượt là 22,2%, 15,9% và 4%).

Các số liệu trên cho chúng ta thấy một thực tế rằng giữa việc hiểu và nắm được kiến thức của môn học, với việc có thể vận dụng những tri thức đó để xem xét, luận giản, vận dụng nó trong thực tiễn là một khoảng cách rất xa. Ở đây, đa số sinh viên mới chỉ dừng lại ở mức độ vận dụng một số nội dung căn bản của môn học để nhìn nhận các vấn đề kinh tế - xã hội, chứ chưa thể phân tích, làm rõ bản chất của các vấn đề thực tiễn. Thực ra, điều này cũng hoàn toàn có thể hiểu được vì đối tượng sinh viên được khảo sát đại đa số mới là sinh viên năm nhất và năm hai, trình độ tư duy lý luận cũng như hiểu biết và trải nghiệm thực tiễn của các em còn rất hạn chế.

Những hạn chế nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, như: việc nhận thức, quán triệt đổi mới phương pháp dạy học ở một số ít giảng viên chưa được thường xuyên, liên tục, còn có tính chất phong trào; việc sử dụng các phương pháp giảng dạy tích cực cũng như sự kết hợp các phương pháp trong giảng bài ở một số giảng viên còn yếu, chưa linh hoạt, có chỗ chưa phù hợp; nhiều sinh viên còn chưa chủ động trong học tập, chưa có phương pháp học tập phù hợp ở bậc đại học, đặc biệt trong bối cảnh đào tạo theo tín chỉ; công tác tổ chức giảng dạy còn có những điểm bất cập, chưa hợp lý…

Từ thực trạng đổi mới phương pháp giảng dạy cũng như mức độ hiệu quả của việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị tại Đại học Ngoại thương thời gian vừa qua, cũng như từ những yêu cầu của đào tạo theo tín chỉ và yêu cầu nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, chúng tôi cũng đã nêu lên một số vấn đề đang đặt ra cần tiếp tục giải quyết trong thời gian tới, đó là: thứ nhất, phải nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị; thứ hai, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và nâng cao hơn nữa hiệu quả của các phương pháp giảng dạy tích cực; thứ ba, đổi mới phương pháp giảng dạy phải gắn liền với đổi mới phương pháp học tập, nâng cao ý thức, tinh thần, thái độ học tập của sinh viên đối với các môn lý luận chính trị, thích ứng với phương thức đào tạo theo tín chỉ; thứ tư, đảm bảo tính khoa học và hợp lý trong công tác tổ chức giảng dạy các môn lý luận chính trị; đồng thời tăng cường và hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho quá trình dạy và học.

2.3. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị tại Đại học Ngoại thương thời gian tới

2.3.1. Về phía đội ngũ giảng viên lý luận chính trị

Một là, không ngừng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn và trách nhiệm nghề nghiệp của đội ngũ giảng viên lý luận chính trị, qua đó nâng cao hiệu quả đổi mới phương pháp giảng dạy và chất lượng bài giảng.

Chất lượng bài giảng thể hiện ở nội dung học thuật, tính cập nhật của kiến thức chuyên môn và thực tiễn cũng như cách thức chuyển tải nội dung bài giảng đến người học một cách hiệu quả nhất. Để đạt được điều này, giảng viên phải không ngừng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn (cả lý luận và thực tiễn), phương pháp giảng dạy, ngoại ngữ, tin học. Điều này đòi hỏi giảng viên phải tích cực, chủ động tham gia các khóa đào tạo (thạc sĩ, tiến sĩ, bồi dưỡng chuyên môn, phương pháp,...) và tự đào tạo; thường xuyên cập nhật kiến thức thực tiễn; tích cực nghiên cứu khoa học. Cùng với đó, giảng viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thầy; thực hiện nghiêm túc qui chế giảng dạy về nội dung chương trình, thời lượng, đánh giá kết quả học tập của sinh viên,v.v..

Hai là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về phương pháp giảng dạy, áp dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy tích cực, phù hợp với đặc thù môn học và đối tượng giảng dạy, khai thác có hiệu quả các phương tiện giảng dạy hiện đại.

Các phương pháp giảng dạy, cả truyền thống và hiện đại, đều có những ưu và nhược điểm riêng. Đối với các môn khoa học xã hội, trong đó có các môn lý luận chính trị, để đạt được hiệu quả cao trong giảng dạy, phải sử dụng tổng hợp nhiều phương pháp như: thuyết trình, nêu vấn đề, đối thoại, phát vấn, tạo tình huống,...Việc lựa chọn, sử dụng những phương pháp giảng dạy nào và mức độ sử dụng ra sao phải căn cứ vào nội dung và đặc điểm môn học, thậm chí từ nội dung của từng bài trong môn học; căn cứ vào mục tiêu mà chủ thể giảng dạy đặt ra (xuất phát từ mục tiêu đào tạo); căn cứ vào đối tượng người học và điều kiện, phương tiện vật chất cần thiết của quá trình dạy và học.

Thực tiễn giảng dạy cho thấy, đối với các ngành khoa học xã hội (nhất là những môn học có tính lý luận cao), để giờ giảng đạt được hiệu quả, phải sử dụng tổng hợp nhiều phương pháp như: thuyết trình, nêu vấn đề, đối thoại, phát vấn, đóng vai xử lý tình huống,… Trong các phương pháp đó, thuyết trình vẫn là phương pháp chủ đạo, nhưng phải là thuyết trình có đổi mới, cách tân theo hướng kích thích tính tích cực của người học, nghĩa là trong thuyết trình có nêu vấn đề, phát vấn, tạo tình huống để lôi cuốn người học cùng tham gia.

Ngoài ra, cũng cần thấy rằng, các phương tiện giảng dạy hiện đại, công nghệ thông tin có ý nghĩa rất quan trọng, hỗ trợ cho quá trình giảng dạy, vì vậy cần phải quan tâm đầu tư và khai thác chúng có hiệu quả. Tuy nhiên, phương tiện giảng dạy hiện đại không thể thay cho vai trò của người thầy, vì thế không được lạm dụng chúng; đặc biệt, không được đồng nhất việc sử dụng phương tiện giảng dạy hiện đại với phương pháp giảng dạy hiện đại.

Ba là, chú trọng việc tổ chức cho sinh viên thảo luận, nâng cao chất lượng thảo luận, đảm bảo đủ thời lượng theo qui định.

Thảo luận là một hình thức dạy và học rất được coi trọng trong điều kiện đào tạo theo học chế tín chỉ, khi số tiết được dành cho thảo luận được tăng lên đáng kể. Sở dĩ như vậy bởi đây là hình thức dạy và học tích cực, thông qua trao đổi, chất vấn, đối thoại giữa giảng viên với sinh viên, giữa sinh viên với sinh viên, qua đó giúp sinh viên nắm kiến thức lý luận và thực tiễn của môn học tốt hơn, phát huy tính tích cực, sáng tạo của cả người dạy và người học. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả các buổi thảo luận, phải quan tâm thực hiện tốt các công việc như: lựa chọn hình thức thảo luận cũng như vấn đề thảo luận phù hợp, đảm bảo không quá dễ hoặc quá khó; làm tốt công tác chuẩn bị cho thảo luận; trong điều hành thảo luận, giảng viên cần khuyến khích chất vấn, tranh luận, lôi cuốn sự tham gia đông đảo của sinh viên, kích thích tính tích cực, tư duy sáng tạo của họ. Đồng thời, giảng viên phải có những nhận xét, đánh giá về tinh thần làm việc, sự hợp tác, chất lượng bài thảo luận,… của các cá nhân và nhóm sinh viên (nếu là thảo luận nhóm); khích lệ, động viên đúng mức, tạo động lực (cộng điểm cho sinh viên chẳng hạn) để gia tăng tính tích cực thảo luận của sinh viên.

Bốn là, tăng cường gắn lý luận với thực tiễn trong quá trình giảng dạy, coi đây là một yêu cầu bắt buộc đối với giảng viên.

Các môn lý luận chính trị là những môn lý luận cơ bản, nên việc gắn lý luận với thực tiễn là một yêu cầu cơ bản và quan trọng. Các môn lý luận có đặc điểm là đem lại cho người học những hiểu biết về bản chất, tính tất nhiên, tính quy luật của các sự vật, hiện tượng, nhưng lại có tính trừu tượng và khái quát cao. Vì thế để người học dễ hiểu, dễ tiếp thu các tri thức khoa học, khi giảng dạy, giảng viên không thể chỉ dừng lại ở việc phân tích, giải thích, cắt nghĩa, chiết tự những thuộc tính cơ bản của các khái niệm, phạm trù, quy luật, nguyên lý,… mà nhất thiết phải dùng các cứ liệu sinh động từ thực tiễn cũng như từ cuộc sống hàng ngày để minh họa, làm sáng tỏ các lý luận, lý thuyết đó. Làm được như vậy, bài giảng sẽ không khô khan mà tạo được sức hấp dẫn, lôi cuốn và thuyết phục người học.

Mặt khác, việc gắn lý luận với thực tiễn trong giảng dạy giúp người học thấy được mối liên hệ, cơ sở khách quan của sự hình thành các khái niệm, phạm trù, quy luật, nguyên lý,… qua đó làm cho họ thấy được mối quan hệ không thể tách rời giữa lý luận và thực tiễn. Hơn nữa, việc gắn lý luận với thực tiễn trong giảng dạy còn giúp cho người học thấy rõ ý nghĩa, giá trị của lý luận đối với thực tiễn, thấy được cơ sở khoa học, cơ sở lý luận của việc hình thành các quan điểm, đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Không những thế, người học còn cảm nhận được sự gần gũi của lý luận với cuộc sống hàng ngày, từ đó ý thức được vai trò, vị trí và sự cần thiết của lý luận; đồng thời hình thành năng lực gắn lý luận với thực tiễn.

Năm là, thông qua hoạt động giảng dạy, giảng viên cần làm cho sinh viên có nhận thức đúng về vai trò to lớn của hoạt động tự học, tự nghiên cứu và truyền hứng thú, đam mê cho họ.

2.3.2. Về phía sinh viên

Thứ nhất, cần chú trọng rèn luyện năng lực nhận thức, năng lực tự học, tự nghiên cứu, hình thành thói quen học tập tích cực, qua đó nâng cao khả năng tiếp thu bài giảng.

Việc hình thành thói quen học tập tích cực là rất quan trọng, nó giúp cho quá trình học tập, đặc biệt là tự học diễn ra liên tục và lâu dài. Vì thế, hình thành thói quen học tập tích cực là điều hết sức cần thiết đối với sinh viên đại học ngay từ năm thứ nhất. Tuy nhiên, không phải sinh viên nào cũng hình thành được một thói quen học tập tích cực; hơn thế nữa, thói quen này không chỉ dừng lại ở việc ngồi học trong vài tiếng đồng hồ mỗi ngày mà còn đòi hỏi nhiều hơn thế. Để có được một thói quen tự học tốt, sinh viên cần phải học có chọn lọc, học có đam mê và học có quá trình.

Thứ hai, biết lựa chọn phương pháp học tập thích hợp, đạt hiệu quả cao; có kỹ năng đọc sách, nghe giảng và ghi chép tốt. Rèn luyện cách học hiểu bản chất vấn đề, không dừng lại ở hiện tượng, từ đó biết rút ra phương pháp luận trong hoạt động nhận thức và thực tiễn cũng như trong cuộc sống nói chung.

Thứ ba, phải nắm được nội dung chương trình của chuyên ngành đào tạo, nắm vững mục tiêu môn học cũng như mục tiêu của từng bài; xây dựng kế hoạch học tập phù hợp và nghiêm túc thực hiện kế hoạch đó. Ngoài ra, sinh viên phải chủ động, tích cực đọc giáo trình, tài liệu tham khảo, chuẩn bị cho thảo luận, làm bài tập đầy đủ,… trước khi lên lớp, tránh tình trạng học thụ động; chú trọng rèn luyện tư duy phê phán, tư duy sáng tạo, biết hoài nghi khoa học; biết xác định động cơ học tập đúng đắn, tự giác, chăm chỉ, có quyết tâm cao trong học tập…  

2.3.3. Về phía Nhà trường, các tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên

  1. Về phía Nhà trường

Trước hết, Nhà trường cần nâng cao nhận thức cũng như quán triệt tới toàn thể các giảng viên nói chung, giảng viên lý luận chính trị nói riêng trong việc tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy cũng như nâng cao hơn nữa hiệu quả của quá trình này, đặc biệt trong điều kiện áp dụng đào tạo theo tín chỉ hiện nay.

Thứ hai, tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm tra việc đổi mới phương pháp giảng dạy của các giảng viên.

Thứ ba, tiếp tục lấy ý kiến phản hồi từ phía sinh viên với hình thức thích hợp về việc giảng dạy của giảng viên, coi đây là một kênh thông tin quan trọng để giảng viên tham khảo, rút kinh nghiệm, từ đó giảng viên có những điều chỉnh thích hợp về nội dung cũng như đặc biệt là về phương pháp giảng dạy cho phù hợp, nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học.

Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện phương thức đào tạo theo tín chỉ; tổ chức những hội thảo khoa học, những buổi tọa đàm, trao đổi xoay quanh vấn đề đổi mới phương pháp giảng dạy, qua đó giúp các giảng viên có thể học hỏi được những phương pháp và kinh nghiệm để vận dụng vào quá trình giảng dạy.

Thứ năm, đảm bảo tính khoa học và hợp lý trong công tác tổ chức giảng dạy các môn lý luận chính trị; đồng thời tăng cường và hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho quá trình dạy và học.

  1. Về phía Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên

Thứ nhất, Đoàn thanh niên và Hội sinh viên cần hướng các hoạt động của mình vào việc thúc đẩy tinh thần học tập của sinh viên, trong đó có hoạt động tự học; Đoàn và Hội cần tạo ra sân chơi, môi trường để sinh viên học tập, rèn luyện, góp phần nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu.

Thứ hai, tăng cường tổ chức những buổi chia sẻ kinh nghiệm học tập các môn lý luận chính trị giữa các thế hệ sinh viên với nhau. Với tính chất là buổi chia sẻ, bàn luận về giá trị của môn học, những buổi nói chuyện giữa các thế hệ sinh viên với nhau sẽ giúp tân sinh viên tự nhận thức được mục tiêu học tập, nghĩa là xác lập được sự hài hoà giữa nhu cầu của bản thân với mục đích, yêu cầu của xã hội. Ngoài ra, thông qua những buổi nói chuyện như vậy, khả năng học tập của sinh viên được nâng cao, đồng thời có được tinh thần, thái độ học tập đúng đắn.

  1. Kết luận

Đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng đào tạo là việc làm cần thiết và thường xuyên trong điều kiện đào tạo theo tín chỉ. Với các môn lý luận chính trị, do tính đặc thù của nó, việc đổi mới này càng trở nên quan trọng và cấp thiết. Tại Trường Đại học Ngoại thương (cơ sở Hà Nội), việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị đã được triển khai mạnh mẽ nhiều năm qua và đã đạt được những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, trước những đòi hỏi của đào tạo theo tín chỉ và những yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo hiện nay thì quá trình này cần được đánh giá một cách toàn diện và liên tục, qua đó nâng cao chất lượng dạy và học các môn lý luận chính trị nói riêng, chất lượng đào tạo nói chung của Nhà trường.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Bernd Meier - Nguyễn Văn Cường (2015), Lý luận dạy học hiện đại: Cơ sở đổi mới mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy học, Nxb Đại học sư phạm, HN.
  2. Trần Đình Châu (Chủ biên) (2012), Đổi mới phương pháp dạy học và sáng tạo với bản đồ tư duy, NXB Giáo dục Việt Nam, HN.
  3. Lê Nho Minh (2013), “Mấy vấn đề đổi mới phương pháp dạy - học bộ môn Những nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin”, Tạp chí Văn hóa du lịch, số 3, trang 10-14.
  4. Robert J. Marzano, Debra J. Pickering, Jane E. Pollock - Nguyễn Hồng Vân dịch (2016), Các phương pháp dạy học hiệu quả, Nxb Giáo dục Việt Nam, HN.
  5. Trần Thị Mai Hương, Đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị trong các trường đại học, http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Thong-tin-ly-luan/2017/47728/Doi-moi-phuong-phap-giang-day-cac-mon-ly-luan-chinh-tri.aspx, truy cập ngày 02/11/2017.

 

[*] Bài viết thuộc khuôn khổ đề tài NCKH cấp Cơ sở “Đánh giá hiệu quả việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị trong điều kiện đào tạo theo tín chỉ tại Trường Đại học Ngoại thương”, Mã số: NT2017-15.

[†] Trường Đại học Ngoại thương, Email: quangtran@ftu.edu.vn

 

ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY CÁC MÔN LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI THƯƠNG[*]

Trần Huy Quang[†]

 

Tóm tắt: Việc đổi mới phương pháp giảng dạy nói chung, trong đó có các môn lý luận chính trị, đang là một xu thế chung mang tính tất yếu ở các trường đại học, cao đẳng hiện nay. Tại Đại học Ngoại thương (cơ sở Hà Nội), việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị cũng đã được tiến hành nhiều năm qua và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn những vấn đề tồn tại đang đặt ra cần phải giải quyết. Để làm rõ điều đó, bài viết tập trung đánh giá hiệu quả việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị tại Trường Đại học Ngoại thương (cơ sở Hà Nội) thời gian vừa qua thông qua các tiêu chí cụ thể, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn học này, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường.

Từ khóa: phương pháp giảng dạy, đổi mới phương pháp giảng dạy, các môn lý luận chính trị, hiệu quả đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị.

Abstract: The renewal of teaching methods in general, including the department political theory courses is a common trend foregone in schools universities and colleges today. At the Foreign Trade University (Hanoi Campus), the new methods of teaching political theory courses have also been conducted many years and achieved certain results. But besides, the existing problems still are posing need to solve. To clarify that, it focuses evaluate the effectiveness of the innovation of teaching methods of physicsPolitical at Foreign Trade University (Hanoi Campus) recentlythrough specific criteria, and on that basis proposed some solutions to contributefurther, improve the efficiency of the innovative methods of teaching subjects this study, thereby improving the education quality of the school.

Keywords: teaching methods, innovative teaching methods, thepolitical theory courses, effective teaching methods innovation theoretical subjects politic.

  1. Đặt vấn đề

Từ năm học 2008 - 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện việc tích hợp các môn lý luận chính trị bằng cách cộng gộp và thay đổi kết cấu các môn học để giảm số lượng môn học và giảm thời lượng. Thực chất là dồn ép lại, khối lượng kiến thức hầu như không giảm, trong khi thời lượng lại giảm quá nhiều. Tình hình trên làm cho việc dạy và học các môn lý luận chính trị gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, từ năm học 2008 - 2009, Trường Đại học Ngoại thương cũng bắt đầu triển khai đào tạo theo học chế tín chỉ. Có thể khẳng định rằng, với việc đổi mới kết cấu, nội dung chương trình các môn lý luận chính trị, đặc biệt trong bối cảnh đào tạo theo học chế tín chỉ, rõ ràng việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn học này là một tất yếu. Ý thức rõ điều đó, trong thời gian vừa qua, các giảng viên của Khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Ngoại thương (cơ sở Hà Nội) đã chú trọng tới việc áp dụng đa dạng các hình thức và phương pháp giảng dạy tích cực trong quá trình lên lớp. Các phương pháp giảng dạy thụ động, một chiều trước đây đã dần được thay thế bằng các phương pháp giảng dạy chủ động, tích cực, theo hướng lấy người học làm trung tâm. Tuy nhiên, quá trình này cần có những đánh giá cụ thể và toàn diện từ nhiều phía, qua đó có thể phát huy những thành tựu, đồng thời khắc phục những hạn chế, yếu kém để nâng cao hiệu quả của việc đổi mới phương pháp giảng dạy nói riêng, chất lượng dạy và học với các môn lý luận chính trị nói chung.

  1. Nội dung

2.1. Một số vấn đề lý luận về đánh giá hiệu quả đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị

2.1.1. Khái niệm phương pháp giảng dạy, đổi mới phương pháp giảng dạy và hiệu quả đổi mới phương pháp giảng dạy

* Phương pháp và phương pháp giảng dạy

Thuật ngữ phương pháp trong tiếng Hy Lạp là “Méthodos” có nghĩa là con đường, cách thức hoạt động nhằm đạt được mục đích nhất định. Vì vậy, phương pháp là hệ thống những hành động tự giác, tuần tự nhằm đạt được những kết quả phù hợp với mục đích đã định.

Từ khái niệm trên ta thấy phương pháp có cấu trúc phức tạp, bao gồm mục đích được đề ra, hệ thống những hành động (hoạt động), những phương tiện cần thiết (phương tiện vật chất, phương tiện thực hành, phương tiện trí tuệ), quá trình làm biến đổi đối tượng, kết quả sử dụng phương pháp (mục đích đạt được). Khi sử dụng đúng phương pháp sẽ dẫn đến kết quả theo dự định. Nếu mục đích không đạt được thì có nghĩa là phương pháp không phù hợp với mục đích hoặc nó không được sử dụng đúng.

Phương pháp giảng dạy là cách thức hành động có trình tự, phối hợp tương tác với nhau của người dạy và của người học nhằm đạt được mục đích dạy học. Nói cách khác phương pháp giảng dạy là hệ thống những hành động có chủ đích theo một trình tự nhất định của người dạy nhằm tổ chức hoạt động nhận thức và hoạt động thực hành của người học nhằm đảm bảo cho họ lĩnh hội nội dung dạy học và trên cơ sở đó mà đạt được mục đích dạy học.

* Đổi mới phương pháp giảng dạy và hiệu quả đổi mới phương pháp giảng dạy

Phương pháp giảng dạy truyền thống còn được gọi là phương pháp thuyết trình. Phương pháp này là mô hình giảng dạy trong đó giảng viên là trung tâm, thuyết giảng các khối kiến thức qua các bài giảng dựa vào các giáo trình, sách giáo khoa… Mục đích của phương pháp thuyết trình là giúp sinh viên tiếp nhận, xử lý và ghi nhớ thông tin, kiến thức… thông qua khả năng nghe và nhìn. Bên cạnh những ưu điểm, phương pháp thuyết trình cũng có những hạn chế như: không khuyến khích vai trò chủ động của người học, không khuyến khích trao đổi thông tin đa chiều, không khuyến khích người học phát triển kỹ năng tổ chức và tổng hợp nội dung, giảng viên không kiểm soát được thời gian mà người học dành ra để tìm hiểu bài và ghi nhớ sâu các nội dung được trình bày... Vấn đề này một mặt cho thấy sự hạn chế của phương pháp giảng dạy truyền thống; mặt khác đặt ra nhu cầu cần phải có sự đổi mới về phương pháp giảng dạy, lôi cuốn sinh viên tham gia nhiều hơn trong quá trình dạy - học. Trên cơ sở đó, nhiều phương pháp giảng dạy mới đã được ra đời như: phương pháp nêu vấn đề, phương pháp tạo tình huống, phương pháp đóng vai, phương pháp làm việc nhóm, phương pháp chuyên gia… Những phương pháp mới đó thường được gọi là các phương pháp giảng dạy tích cực.

Thực ra, xét đến cùng thì tất cả các phương pháp giảng dạy đều có thể ẩn chứa những hoạt động mang tính tích cực của nó. Bên cạnh đó, các chuyên gia về giáo dục học cũng như thực tiễn giảng dạy của các giảng viên đã khẳng định rằng không có một phương pháp giảng dạy nào là hoàn toàn chiếm vị trí ưu việt hơn hẳn so với các phương pháp khác, mà mỗi phương pháp đều có những ưu, nhược điểm riêng. Do đó, đổi mới phương pháp giảng dạy không phải là sự thay thế phương pháp giảng dạy cũ bằng một loạt các phương pháp giảng dạy mới. Về bản chất, đổi mới phương pháp giảng dạy là sự cải tiến và hoàn thiện các phương pháp giảng dạy đang sử dụng để góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học; là việc bổ sung phối hợp nhiều phương pháp để khắc phục mặt hạn chế của các phương pháp dạy học đang sử dụng nhằm đạt được mục tiêu dạy học đã đề ra, đồng thời kết hợp với việc sử dụng các phương tiện, trang thiết bị giảng dạy hiện đại từ đó hình thành nên các ‘‘kiểu” dạy - học mới với mong muốn đem lại hiệu quả cao hơn.

Như vậy, dù đổi mới phương pháp giảng dạy ở mức độ nào thì việc dạy học cũng phải hướng đến mục tiêu “lấy người học làm trung tâm”; tạo sự hứng thú và lôi cuốn người học tích cực, chủ động trong học tập; nâng cao hiệu quả học tập nhờ vào việc giảm thời lượng thuyết giảng, tăng cường sự tương tác và đa dạng hóa các loại hình hoạt động của cả giảng viên và sinh viên; thực hiện có hiệu quả phương châm ‘‘học đi đôi với hành”, ‘‘lý luận gắn với thực tiễn” và khai thác tối đa kinh nghiệm của người học, qua đó nâng cao chất lượng dạy và học.

Trong Từ điển Tiếng Việt phổ thông của Viện Ngôn ngữ học, Nxb Phương Đông, năm 2013 có định nghĩa: “Hiệu quả” là kết quả như yêu cầu của việc làm mang lại. Do đó, hiệu quả đổi mới phương pháp giảng dạy chính là những kết quả đạt được từ quá trình giảng dạy của các giảng viên đặt trong mối quan hệ so sánh với những mục tiêu của việc đổi mới phương pháp giảng dạy. Đồng thời, đánh giá hiệu quả việc đổi mới phương pháp giảng dạy chính là việc xem xét, đưa ra những nhận định, đánh giá về mức độ đạt được của quá trình giảng dạy (dựa trên việc đổi mới phương pháp giảng dạy) với những mục tiêu của việc đổi mới đó. Nếu những kết quả đạt được càng gần với những mục tiêu thì hiệu quả của nó càng cao và ngược lại.

2.1.2. Các tiêu chí đánh giá mức độ hiệu quả của việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị

Trên cơ sở khái niệm đổi mới phương pháp giảng dạy và hiệu quả đổi mới phương pháp giảng dạy đã được đề cập ở trên, nhóm tác giả quyết định lựa chọn những tiêu chí sau đây để đánh giá mức độ hiệu quả của việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị:

* Thứ nhất, sự hứng thú học tập, tìm tòi của sinh viên. Đây được xem là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá được một phương pháp giảng dạy nào đó có hiệu quả hay không. Sự hứng thú học tập, tìm tòi của sinh viên được thể hiện qua:

- Mức độ chuyên cần của sinh viên;

Mức độ chuyên cần của sinh viên là số lượng các tiết học mà sinh viên tham gia các buổi học các môn lý luận chính trị. Trước hết, sinh viên đến lớp là để tiếp thu kiến thức cũng như kinh nghiệm từ giảng viên thông qua cách dạy, truyền đạt. Vì thế, cách giảng viên truyền tải kiến thức cho sinh viên cũng là một trong những tác động chính khiến sinh viên đi học chăm chỉ; tức là, khi sinh viên cảm thấy khối lượng và chất lượng thông tin giảng viên cung cấp cho mình trong giờ lên lớp cao hơn so với khi tự học ở nhà thì sinh viên sẽ đến lớp đều đặn và ngược lại. Hơn nữa, mức độ đi học chuyên cần cũng phần nào thể hiện được sự hứng thú học tập của sinh viên, vì một khi phương pháp giảng dạy khơi được sự ham học, ham tìm hiểu trong sinh viên thì phương pháp ấy mới được cho là hiệu quả.

- Mức độ phát biểu của sinh viên trong giờ học các môn lý luận chính trị;

Đây chính là đặc điểm thể hiện sự tích cực tham gia xây dựng bài cũng như mong muốn đào sâu, mở rộng kiến thức của sinh viên. Nói cách khác, một khi sinh viên có ý muốn trau dồi thêm lượng kiến thức chi tiết hơn, sâu hơn so với nội dung trong sách và lời truyền đạt của giảng viên, sinh viên sẽ phát biểu để đóng góp ý kiến, hỏi sâu nhằm mở mang kiến thức và thu thập kinh nghiệm. Song song đó, nhiệm vụ của một phương pháp giảng dạy suy cho cùng cũng chính là giúp sinh viên có thêm càng nhiều kiến thức càng tốt. Do đó, việc sinh viên tích cực tham gia phát biểu xây dựng bài hoặc đặt câu hỏi cho giảng viên đã hoàn thành được nhiệm vụ cốt lõi của phương pháp dạy học.

- Vấn đề tự học của sinh viên, bao gồm thời gian tự học ngoài các giờ học chính quy tại trường, việc xem trước bài ở nhà và tìm hiểu thêm các tài liệu chuyên sâu của các môn lý luận chính trị.

Quá trình nghiên cứu của các nhà tâm lí học đã cho thấy, nếu không chịu tác động bắt buộc từ yếu tố bên ngoài thì người học chỉ tự tìm hiểu thêm về một vấn đề nào đó khi họ thật sự yêu thích nó. Đối với sinh viên cũng thế, chỉ khi có đam mê, mong muốn được hiểu sâu và rộng hơn về các môn lý luận chính trị thì các bạn mới xem trước nội dung của giáo trình môn học này, cũng như các tài liệu chuyên sâu có nội dung liên quan đến môn học. Điều này chịu tác động chủ yếu bởi cách thức truyền đạt, tạo cảm hứng từ giảng viên. Do đó, phương pháp giảng dạy được đánh giá là hiệu quả khi phương thức ấy có thể khuyến khích sinh viên dành một khoảng thời gian đủ dài cho việc chuẩn bị bài và tìm hiểu các tài liệu chuyên sâu.

* Thứ hai, mức độ hiệu quả của việc đổi mới phương pháp giảng dạy còn thể hiện thông qua khả năng am hiểu, vận dụng kiến thức của sinh viên.

Trước hết, mục tiêu cuối cùng của một phương pháp dạy học không chỉ là truyền đạt thành công kiến thức đến cho người học, mà còn phải là hỗ trợ sinh viên trong việc vận dụng những tri thức đã tích luỹ vào thực tiễn cuộc sống. Nói cách khác, một phương pháp dạy được đánh giá là thành công chỉ khi thông qua cách truyền đạt ấy mà người thầy có thể khiến người học nhận ra giá trị thực tiễn của bài học, vì nhiệm vụ của các môn học khác nói chung và các môn lý luận chính trị nói riêng chính là cung cấp cho sinh viên một nền tảng tri thức phong phú và khả năng vận dụng kiến thức linh hoạt, chính xác. Bên cạnh đó, một cách thức dạy tốt không chỉ cung cấp cho người học những kiến thức trên sách vở mà quan trọng hơn hết là phải giúp người học hiểu sâu, hiểu “tận gốc” vấn đề để áp dụng vào thực tiễn cuộc sống. Do đó, cách thức dạy học được đánh giá là phù hợp và hiệu quả nhất chỉ khi phương pháp ấy hoàn thành được hai mục tiêu nói trên.

* Thứ ba, mức độ hiệu quả của việc đổi mới phương pháp giảng dạy còn thể hiện thông qua điểm số của sinh viên khi học các môn lý luận chính trị.

 Điểm số thể hiện trình độ hiểu bài và vận dụng kiến thức của người học, mà trình độ ấy lại phụ thuộc vào sự truyền đạt thông tin, kinh nghiệm từ người giảng dạy. Nói cách khác, học tập có thể được coi là một quá trình sản xuất mà nguyên liệu chính là lượng kiến thức, kinh nghiệm mà người thầy truyền đạt, cung cấp cho trò và thành phẩm cuối cùng chính là kiến thức, sự hiểu biết mà sinh viên có được với giá trị được biểu hiện ra bên ngoài chính là điểm số của sinh viên. Ngoài ra, chất lượng sản phẩm làm ra tốt hay không một phần là do chất lượng của nguyên liệu đầu vào, tức là kết quả học tập của sinh viên cũng phụ thuộc vào cách giảng dạy của giảng viên.

2.2. Thực trạng đổi mới phương pháp giảng dạy và mức độ hiệu quả việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị tại Trường Đại học Ngoại thương giai đoạn 2008 - 2018

Trong phần này, để có thể có được những nhận định mang tính khách quan về thực trạng việc đổi mới phương pháp giảng dạy cũng như hiệu quả của việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị trong điều kiện đào tạo theo học chế tín chỉ tại Trường Đại học Ngoại thương, chúng tôi đã tiến hành phỏng vấn đối với các giảng viên Khoa Lý luận chính trị, đồng thời tiến hành khảo sát bằng bảng hỏi đối với 458 sinh viên bao gồm cả năm thứ nhất, năm thứ hai, năm thứ ba và năm thứ tư; hệ đào tạo chính quy thuộc các ngành: Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Tài chính - Ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Kinh tế quốc tế, Luật, Kế toán kiểm toán và các ngành Ngoại ngữ thương mại.

Số lượng mẫu khảo sát được phân bổ theo các Khoa và theo năm học cụ thể như sau:

 

 

Số lượng

Tỉ lệ

Tổng

Ngành

Kinh tế và kinh doanh quốc tế

120

26,2%

458

Tài chính - Ngân hàng

90

19,7%

Quản trị kinh doanh

80

17,5%

Kinh tế quốc tế

45

9,8%

Luật

45

9,8%

Kế toán kiểm toán

40

8,7%

Các ngành Ngoại ngữ thương mại

38

8,3%

Năm học

Năm thứ nhất (K56)

177

38,6%

458

Năm thứ hai (K55)

148

32,3%

Năm thứ ba (K54)

92

20,1%

Năm thứ tư (K53)

41

9,0%

 

Từ những kết quả mà chúng tôi thu được, có thể đánh giá về thực trạng việc đổi mới phương pháp giảng dạy cũng như hiệu quả của việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị trong điều kiện đào tạo theo học chế tín chỉ tại Trường Đại học Ngoại thương thời gian qua như sau:

2.2.1. Khái quát về tình hình đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị tại Trường Đại học Ngoại thương giai đoạn 2008 - 2018

Trên cơ sở kết quả phỏng vấn đối với các giảng viên và kết quả khảo sát từ phía sinh viên, có thể khái quát tình hình đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị thời gian qua như sau:

Một là, phương pháp thuyết trình vẫn được sử dụng phổ biến, tuy nhiên hiệu quả của phương pháp này được nâng cao rõ rệt bằng cách kết hợp giữa thuyết trình với nêu vấn đề, tạo tình huống; thuyết trình kết hợp với việc sử dụng phương pháp trực quan sinh động thông qua mô hình, bảng biểu, sơ đồ. Đã có 92,4% sinh viên thừa nhận rằng đây là phương pháp đã được các giảng viên sử dụng trong quá trình giảng dạy đã cho thấy mức độ phổ biến của nó. Đồng thời hiệu quả mà nó đem lại cũng rất tích cực, thể hiện qua việc có tới 27,9% sinh viên cho rằng phương pháp này rất hiệu quả, 50,8% cho rằng nó hiệu quả và 19,4% cho rằng nó khá hiệu quả.

Hai là, các giảng viên đã chú ý và có sự tìm tòi trong việc sử dụng các phương tiện giảng dạy hiện đại trong việc thiết kế nội dung bài giảng, do đó đã đem lại những kết quả nhất định. Đã có 69,9% sinh viên được khảo sát cho rằng phương pháp này đã được sử dụng; trong đó 15% cho rằng nó rất hiệu quả, 39,4% cho rằng hiệu quả và 30,6% cho rằng khá hiệu quả.

Ba là, các giảng viên đã có ý thức trong việc tăng cường thời gian thảo luận trên lớp với nhiều hình thức: cho sinh viên thảo luận, thuyết trình về một vấn đề trong bài học, gắn lý luận với những vấn đề thực tế liên quan; cho các bài tập vận dụng kiến thức, lý thuyết để phân tích tình huống gắn liền với đời sống hoặc chuyên ngành học... Đây là 2 nhóm phương pháp đã được sử dụng nhiều (lần lượt là 100% và 76%) và được đánh giá khá cao về mức độ hiệu quả.

Hiện nay, hình thức thảo luận được các giảng viên thực hiện theo hai cách: có thể được bố trí riêng một tiết học, đưa sẵn chủ đề cho sinh viên chuẩn bị trước; hoặc có thể lồng ghép trong quá trình thuyết giảng. Thực tế cho thấy, các giờ thảo luận ngày càng có được sự đầu tư nghiên cứu, chuẩn bị tốt hơn của cả giảng viên và sinh viên. Sinh viên có cảm nhận mình tự khám phá tri thức nên đã kích thích niềm đam mê học tập và nghiên cứu của họ (19,9% sinh viên cho rằng phương pháp này là rất hiệu quả, 50% cho rằng hiệu quả và 16,4% cho rằng khá hiệu quả).

Bên cạnh đó, việc cho sinh viên làm các bài tập vận dụng kiến thức, lý thuyết để phân tích tình huống gắn liền với đời sống hoặc chuyên ngành học cũng được sinh viên đánh giá cao. Ưu điểm của phương pháp này là nó vừa giúp sinh viên củng cố nội dung lý luận, nhớ và hiểu các kiến thức, vừa gắn được lý luận với thực tiễn, dùng lý luận để xem xét và soi rọi những vấn đề của cuộc sống cũng như của lĩnh vực mà mình được học, từ đó thấy được vai trò của lý luận và mối quan hệ không tách rời giữa lý luận với thực tiễn. Có 10,3% sinh viên đã đánh giá phương pháp này rất hiệu quả, 59,8% cho rằng hiệu quả và 10,1% cho rằng khá hiệu quả.

Bốn là, một số giảng viên đã tìm tòi, thiết kế và áp dụng các hình thức giảng dạy sinh động như hình thức trò chơi gắn liền với những nội dung và kiến thức cần truyền đạt để sinh viên có thể chủ động tiếp thu kiến thức và tham gia vào bài giảng, phát huy được tính sáng tạo của sinh viên. Đáng chú ý là phương pháp này được sinh viên đánh giá khá cao về tính hiệu quả: 18,1% cho rằng nó rất hiệu quả, 37,3% cho rằng hiệu quả và 35% cho rằng nó khá hiệu quả. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau nên phương pháp này chưa được sử dụng phổ biến (chỉ có 18,1% sinh viên thừa nhận phương pháp này đã được các giảng viên sử dụng).

Như vậy có thể thấy, trong điều kiện giảng dạy theo tín chỉ, việc đổi mới phương pháp giảng dạy của các giảng viên thời gian qua đã đạt được 2 mục tiêu: thứ nhất, giảm giờ giảng trên lớp nhưng vẫn đảm bảo sinh viên nắm được những kiến thức cơ bản của môn học; thứ hai, đã phát huy được tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của sinh viên trong quá trình học tập, nghiên cứu

2.2.2. Đánh giá mức độ hiệu quả việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị tại Trường Đại học Ngoại thương giai đoạn 2008 - 2018

  1. a) Những hiệu quả tích cực

- Một là, việc đổi mới phương pháp giảng dạy nói riêng và quá trình giảng dạy nói chung của các giảng viên đã giúp sinh viên có được nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, sự cần thiết của các môn lý luận chính trị. Đại đa số sinh viên tham gia đầy đủ và nghiêm túc những buổi học trên lớp. Số đông sinh viên có thái độ tích cực và hứng thú trong học tập.

Kết quả khảo sát về mức độ hứng thú khi học các môn lý luận chính trị cho thấy số đông sinh viên có thái độ tích cực đối với các môn lý luận chính trị, thể hiện ở việc có 38% cảm thấy hứng thú, 30,1% cho rằng bình thường và 21,9% cho rằng, tùy từng môn học và tùy từng người dạy sẽ có thái độ khác nhau.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, nguyên nhân chủ yếu giúp sinh viên thích học các môn lý luận chính trị là do người học nhận thức đây là các môn học cần thiết, trang bị cho sinh viên cách nhìn nhận vấn đề đúng đắn và phương pháp giải quyết vấn đề hiệu quả. Đây là nguyên nhân chiếm tỉ lệ cao nhất với 32,1%. Bên cạnh đó, hai lí do về cách giảng viên dạy nhiệt tình, gây hứng thú cho sinh viên tìm hiểu và đào sâu kiến thức và môn học là cơ sở để hiểu rõ đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam và thế giới cũng được nhiều sinh viên đồng ý, với tỉ lệ lần lượt là 29,6% và 21,5%.

Về mức độ chuyên cần, 64,8% sinh viên tự đánh giá mình tham gia đầy đủ tất cả các tiết học của các môn lý luận chính trị. Trong khi đó, gần 1/3 tổng số sinh viên tham gia khảo sát (chiếm 31,2%) cho rằng mình đến lớp học các môn này trong khoảng từ 75 đến dưới 100% tổng thời lượng môn học. Số liệu thống kê cũng cho thấy, chỉ 4% sinh viên cho rằng mình đi học dưới 75%.

Để thấy rõ hơn về động cơ và mục đích tham gia các tiết học của sinh viên, chúng tôi đã đặt câu hỏi: “Lý do bạn tham gia các tiết học của các môn lý luận chính trị?”. Kết quả khảo sát cho thấy cách giảng bài của giảng viên rất quan trọng và nó trở thành nguyên nhân chủ yếu thu hút sinh viên đến trường (chiếm 43,9%). Ngoài ra, 29,9% cho rằng đây là các môn học cần thiết đối với sinh viên, cho nên tham gia các buổi học để thu nhận kiến thức cho bản thân.

- Hai là, việc đổi mới phương pháp giảng dạy đã giúp sinh viên có sự tham gia khá tích cực vào quá trình dạy và học; sinh viên có ý thức khá tốt trong việc chuẩn bị, tự học ở nhà cũng như tham gia xây dựng bài trong các buổi học trên lớp.

Với yêu cầu sinh viên tự nhận xét “Mức độ thường xuyên tham gia xây dựng bài trong các buổi học của các môn lý luận chính trị của bạn?” chúng tôi đã thu được kết quả: 16,6% số sinh viên cho rằng họ tích cực tham gia xây dựng bài, 42,6% thỉnh thoảng tham gia, 25,8% tham gia khi được giảng viên yêu cầu. Các con số này một mặt phản ánh tính đặc thù của các môn lý luận chính trị là tính trừu tượng cao, do đó các giảng viên phải mất nhiều thời gian để phân tích, giảng giải cho sinh viên nắm vững các khái niệm, phạm trù, nguyên lý. Mặt khác, nó cũng cho thấy việc đổi mới phương pháp giảng dạy đã bắt đầu thu hút được sự quan tâm cũng như kích thích được tính tích cực, chủ động của sinh viên trong học tập.

Vấn đề tự học cũng đã được sinh viên chú trọng và theo xu hướng càng gần ngày thi/kiểm tra thì số giờ tự học càng tăng lên. Thống kê nhóm tác giả thu thập được thì khoảng thời gian được phần đông sinh viên dành ra cho việc tự học các môn lý luận chính trị ở nhà là từ 2 - 5 giờ trong 1 tuần (giai đoạn trước khi thi/kiểm tra 1 tháng trở lên có 63,1% ý kiến của sinh viên lựa chọn phương án này, giai đoạn trước ngày thi/kiểm tra khoảng 2 tuần tỉ lệ là 59%, giai đoạn trước ngày thi/kiểm tra 1 tuần tỉ lệ là 16,1%). Số sinh viên tự học trên 5 giờ/tuần cũng có sự tăng dần, cụ thể giai đoạn trước khi thi/kiểm tra 1 tháng có 12% số sinh viên lựa chọn, giai đoạn trước ngày thi/kiểm tra khoảng 2 tuần tỉ lệ là 22,9% và giai đoạn trước ngày thi/kiểm tra 1 tuần tăng lên đến 80,8%. Số liệu trên cho thấy, cho dù còn một số bất cập nhất định, nhưng nhìn chung sinh viên đã có ý thức hơn cho việc học ở nhà.

Ngoài ra, việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị cũng đã làm cho sinh viên có ý thức hơn trong việc nghiên cứu bài học trước khi đến lớp và tìm hiểu thêm các tài liệu chuyên sâu có liên quan. 19,9% số sinh viên được hỏi đã cho rằng mình luôn xem bài mới trước khi đến lớp, 64,9% số sinh viên cho rằng họ đã xem bài nhưng mức độ chưa thường xuyên. Tương tự, có 8,1% trong tổng sinh viên cho rằng họ “luôn tìm hiểu tài liệu chuyên sâu”, 73,8% số sinh viên cho rằng đã có sự tìm hiểu thêm các tài liệu chuyên sâu với các mức độ khác nhau.

- Ba là, nhìn chung việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị đã giúp sinh viên dễ tiếp thu bài giảng; sinh viên quan tâm và có hiểu biết nhất định về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trên cơ sở đó, sinh viên đã biết gắn lý luận với thực tiễn, vận dụng các kiến thức được học để nhìn nhận, đánh giá các vấn đề kinh tế - xã hội.

Kết quả khảo sát cho thấy, số lượng sinh viên hiểu trên 80% kiến thức môn học khá cao, chiếm 30,1% trong tổng số 458 sinh viên tham gia khảo sát. Hơn một nửa số sinh viên được hỏi (chiếm 57,7%) đã tự đánh giá bản thân có thể hiểu được từ 60% đến 80% khối lượng kiến thức. Tổng cộng lại, số sinh viên hiểu được trên 60% kiến thức chiếm tới 87,8%. Đây thực sự là những con số khá ấn tượng, tạo cơ sở, nền tảng để sinh viên có thể tiếp thu những kiến thức chuyên ngành, cũng như vận dụng kiến thức vào đời sống thực tế. Có 6,3% sinh viên được hỏi cho rằng “đã vận dụng nội dung bài học để phân tích, làm rõ bản chất các vấn đề kinh tế, xã hội, cũng như cơ sở lý luận của đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước”; 51,6% cho rằng “đã vận dụng một số nội dung căn bản để nhìn nhận các vấn đề kinh tế, xã hội”.

- Bốn là, nhìn chung, sinh viên Trường Đại học Ngoại thương có kiến thức lý luận chính trị khá tốt, thể hiện qua điểm số của các môn lý luận chính trị mà sinh viên đạt được là tương đối cao.

Để thấy kết quả học tập của sinh viên thông qua điểm số đạt được của họ, chúng tôi đã xem xét bảng điểm lưu của Khoa trong hai năm học vừa qua (năm học 2016 - 2017 và năm học 2017 - 2018). Ở đây, mỗi một năm học, chúng tôi đã lấy ra một cách ngẫu nhiên 2 lớp môn Nguyên lý Mác - Lênin 1; 2 lớp môn Nguyên lý Mác - Lênin 2; 2 lớp môn Tư tưởng Hồ Chí Minh và 2 lớp môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam (một lớp lấy từ học kì I và một lớp lấy từ học kì II).

Kết quả cụ thể như sau:

- Năm học 2016 - 2017

Môn học

Lớp tín chỉ                       

Số SV

Điểm A

Điểm B

Điểm C

Điểm D

Điểm F

Nguyên lý Mác - Lênin 1

TRI102(K55-1/1617).4_LT

136

26

71

25

11

3

TRI102(2-1617).7_LT

111

21

62

20

6

2

Nguyên lý Mác - Lênin 2

TRI103(K55-1/1617).4_LT

102

39

45

10

5

3

TRI103(2-1617).8_LT

129

40

57

12

16

4

Tư tưởng Hồ Chí Minh

TRI104(1-1617).11_LT

143

58

50

23

10

2

TRI104(55CTTTQT).1_LT

91

13

52

19

4

3

Đường lối cách mạng của ĐCSVN

TRI106(1-1617).5_LT

136

15

65

42

9

5

TRI106(2-1617).7_LT

121

12

79

20

6

4

Tổng số

969

224

481

171

67

26

- Năm học 2017 - 2018

Môn học

Lớp tín chỉ                       

Số SV

Điểm A

Điểm B

Điểm C

Điểm D

Điểm F

Nguyên lý Mác - Lênin 1

TRI102(K56-1/1718).11_LT

151

38

64

31

15

3

TRI102(2-1718).3_LT

147

35

76

21

12

3

Nguyên lý Mác - Lênin 2

TRI103(K56-1/1718).9_LT

139

36

73

17

11

2

TRI103(2-1718).2_LT

128

45

57

14

8

4

Tư tưởng Hồ Chí Minh

TRI104(1-1718).2_LT

127

40

54

19

11

3

TRI104(2-1718).6_LT

84

21

40

13

8

2

Đường lối cách mạng của ĐCSVN

TRI106(1-1718).1_LT

131

22

71

28

7

3

TRI106(2-1718).7_LT

88

10

48

24

4

2

Tổng số

995

247

483

167

76

22

 

Có thể thấy rằng, chất lượng học tập các môn lý luận chính trị của sinh viên nhìn chung tương đối tốt. Đa số sinh viên đạt điểm A và điểm B (từ điểm 7.0 trở lên), chiếm khoảng trên 70% (con số cụ thể là 72,7% của năm học 2016 - 2017 và 73,4% của năm học 2017 - 2018); số còn lại là điểm C (lần lượt chiếm 17,7% trong năm học 2016 - 2017 và 16,8% trong năm học 2017 - 2018). Điểm D và điểm F rất ít (tổng cả điểm D và điểm F của năm học 2016 - 2017 là 9,6% và của năm học 2017 - 2018 là 9,8%). Kết quả học tập này cũng đồng thời cho thấy số đông sinh viên đã có hiểu biết về kiến thức lý luận chính trị.

  1. b) Những hạn chế chủ yếu

Bên cạnh những hiệu quả mang tính tích cực như đã phân tích ở trên, việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị thời gian qua cũng vẫn còn một số hạn chế, hiệu quả chưa cao. Thể hiện:

Một là, thái độ hứng thú của sinh viên đối với môn học chưa thực sự cao; không ít sinh viên đến lớp còn mang tính bắt buộc, đối phó, chủ yếu xuất phát từ lý do như điểm số, sự điểm danh gắt gao của giảng viên, đi học đầy đủ để được thi hết môn.

Cũng trong câu hỏi về mức độ hứng thú của sinh viên đối với các môn lý luận chính trị, có 10% số sinh viên được khảo sát cho rằng “không hứng thú”; 30,1% cho rằng “bình thường” (mà ở góc độ nào đó cũng còn có thể được hiểu là “không hứng thú”). Về nguyên nhân của tình trạng này, phần lớn sinh viên (41,8%) cho rằng đây là các môn học khó hiểu, trừu tượng, khó áp dụng vào thực tế nên dẫn đến tình trạng khó tiếp thu và nắm bắt kiến thức. Đây chính là nguyên nhân được nhiều sinh viên đồng tình nhất. Ngoài ra, những lí do khác như cách dạy của giảng viên chưa hấp dẫn, không gây được sự hứng thú học tập cho sinh viên (chiếm 26%); cũng như đây chỉ là các môn đại cương, không cần thiết phải đầu tư nhiều như những môn chuyên ngành (chiếm 17,8%) là hai nguyên nhân khác đem lại cảm giác không hứng thú đối với các môn lý luận chính trị. Bên cạnh đó, 14,4% số sinh viên đồng ý với nguyên nhân thời lượng học quá ngắn, sinh viên không có đủ thời gian tìm hiểu sâu kiến thức để vận dụng và thực hành.

Mức độ chuyên cần của sinh viên như chúng tôi đã đề cập ở trên là khá tốt. Tuy nhiên, vẫn còn một số lượng tương đối cao sinh viên (chiếm 26,2%) cho rằng việc tham gia các buổi học trên lớp là do các vấn đề liên quan đến sự điểm danh gắt gao của giảng viên và điều kiện để được thi kết thúc học phần. Điều này cũng phần nào dễ hiểu khi mà trong quy chế đào tạo theo tín chỉ của Đại học Ngoại thương hiện nay có quy định sinh viên phải tham gia từ 75% thời lượng ở trên lớp trở lên thì mới được thi kết thúc học phần.

Hai là, tính tích cực trong học tập của sinh viên còn một số hạn chế. Vẫn còn số lượng khá đông sinh viên còn thụ động trong học tập. Việc phân bổ thời gian cho việc học còn thiếu hợp lý, chưa thường xuyên, liên tục. Quá trình chuẩn bị, soạn bài ở nhà; đọc thêm các tài liệu chuyên sâu; tham gia xây dựng bài trên lớp... còn mang tính chất đối phó.

Kết quả khảo sát chúng tôi nhận được cho thấy, số sinh viên tích cực tham gia xây dựng bài còn khiêm tốn khi chỉ chiếm 16,6% tổng số sinh viên được khảo sát. Đa số sinh viên thỉnh thoảng mới tham gia (chiếm tới 42,6%), và có tới 25,8% cho rằng hầu như không tham gia, trừ những trường hợp bị giáo viên gọi đột xuất.  Điều này cho thấy việc đổi mới phương pháp giảng dạy của giảng viên còn hạn chế, khi mà chưa thu hút được nhiều sự quan tâm cũng như chưa kích thích được tính tích cực, chủ động của sinh viên.

Vấn đề tự học ở nhà của sinh viên cũng chưa thật sự hợp lý khi mà sinh viên có khuynh hướng học dồn vào những ngày cận kề ngày thi. Có thể thấy rõ, lượng thời gian trên 5 giờ/tuần qua ba giai đoạn có sự tăng lên đột biến vào giai đoạn trước ngày thi 1 tuần, trong khi vào các giai đoạn trước đó lại chiếm 1 phần tỉ lệ khá thấp. Cách học dồn này, một mặt, không đáp ứng đòi hỏi của đào tạo tín chỉ, mặt khác, không tạo hiệu quả tiếp thu các kiến thức từ môn học tốt, vì giai đoạn trước ngày thi 1 tuần là giai đoạn nước rút, sinh viên chịu nhiều áp lực về thời gian, bài vở hơn các giai đoạn khác.

Việc chuẩn bị và nghiên cứu bài học trước khi đến lớp của sinh viên cũng còn có những hạn chế. Số sinh viên trả lời rằng họ không bao giờ xem bài trước khi đến lớp còn khá cao (chiếm 14,2%). Phần lớn sinh viên thỉnh thoảng mới xem (22,1%) hoặc chỉ xem khi nào giáo viên yêu cầu (42,8%). Những con số này một phần phản ánh phương pháp học tập của sinh viên còn thụ động, chưa đáp ứng được những yêu cầu của đào tạo theo tín chỉ; mặt khác cho thấy các giảng viên cũng chưa thực sự sát sao cũng như có những cách thức cần thiết để kiểm soát chặt chẽ việc chuẩn bị và tự học ở nhà của sinh viên.

Cũng giống như việc đóng góp ý kiến xây dựng bài và việc nghiên cứu bài học trước khi đến lớp, vấn đề tìm hiểu thêm những nội dung chuyên sâu để tìm tòi, mở rộng thêm vấn đề của bài học còn nhiều hạn chế. Hơn một nửa số sinh viên được khảo sát (53,1%) cho rằng chỉ tìm hiểu các nội dung chuyên sâu khi giảng viên có yêu cầu. Số sinh viên thỉnh thoảng mới tìm hiểu và không bao giờ tìm hiểu gần bằng nhau, chiếm tỉ lệ lần lượt là 20,7% và 18,1%. Chỉ có 8,1% trong tổng sinh viên cho rằng “luôn tìm hiểu tài liệu chuyên sâu”. Điều này cho thấy ý thức mong muốn được tiếp thu thêm nhiều kiến thức mở rộng trong sinh viên còn chưa cao. Nhu cầu sinh viên đòi hỏi từ các môn lý luận chính trị chỉ dừng ở mức độ “hiểu” nhưng chưa phải là “hiểu sâu”, với mục đích chủ yếu là vì điểm số hơn là nhu cầu tự nâng cao kiến thức cho bản thân.

Ba là, vẫn còn một bộ phận sinh viên chưa thật sự hiểu rõ những kiến thức cơ bản về lý luận chính trị; lúng túng trong việc liên hệ, vận dụng lý luận vào thực tiễn.

Mặc dù đại đa số sinh viên có nhận thức khá tốt về các kiến thức lý luận chính trị, tuy nhiên vẫn còn 2% số sinh viên được khảo sát cho rằng họ chỉ hiểu được dưới 30% kiến thức môn học. Số sinh viên khẳng định họ có thể hiểu được từ 30 - 60% kiến thức là 10,2%. Bên cạnh đó, khả năng liên hệ, vận dụng lý luận vào thực tiễn của sinh viên còn yếu. Có rất ít sinh viên (chỉ có 6,3%) cho rằng “Đã vận dụng nội dung bài học để phân tích, làm rõ bản chất các vấn đề kinh tế, xã hội, cũng như cơ sở lý luận của đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước”; trong khi đó, 42,1% cho rằng “Chưa biết nên vận dụng như thế nào vì chưa được học các môn chuyên ngành” hoặc “Chưa biết nên vận dụng như thế nào vì vẫn chưa có nhiều cơ hội tiếp xúc với các vấn đề liên quan đến nội dung bài học” hoặc là “Còn mơ hồ, hiểu nhưng không vận dụng được” (với các tỉ lệ lần lượt là 22,2%, 15,9% và 4%).

Các số liệu trên cho chúng ta thấy một thực tế rằng giữa việc hiểu và nắm được kiến thức của môn học, với việc có thể vận dụng những tri thức đó để xem xét, luận giản, vận dụng nó trong thực tiễn là một khoảng cách rất xa. Ở đây, đa số sinh viên mới chỉ dừng lại ở mức độ vận dụng một số nội dung căn bản của môn học để nhìn nhận các vấn đề kinh tế - xã hội, chứ chưa thể phân tích, làm rõ bản chất của các vấn đề thực tiễn. Thực ra, điều này cũng hoàn toàn có thể hiểu được vì đối tượng sinh viên được khảo sát đại đa số mới là sinh viên năm nhất và năm hai, trình độ tư duy lý luận cũng như hiểu biết và trải nghiệm thực tiễn của các em còn rất hạn chế.

Những hạn chế nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, như: việc nhận thức, quán triệt đổi mới phương pháp dạy học ở một số ít giảng viên chưa được thường xuyên, liên tục, còn có tính chất phong trào; việc sử dụng các phương pháp giảng dạy tích cực cũng như sự kết hợp các phương pháp trong giảng bài ở một số giảng viên còn yếu, chưa linh hoạt, có chỗ chưa phù hợp; nhiều sinh viên còn chưa chủ động trong học tập, chưa có phương pháp học tập phù hợp ở bậc đại học, đặc biệt trong bối cảnh đào tạo theo tín chỉ; công tác tổ chức giảng dạy còn có những điểm bất cập, chưa hợp lý…

Từ thực trạng đổi mới phương pháp giảng dạy cũng như mức độ hiệu quả của việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị tại Đại học Ngoại thương thời gian vừa qua, cũng như từ những yêu cầu của đào tạo theo tín chỉ và yêu cầu nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, chúng tôi cũng đã nêu lên một số vấn đề đang đặt ra cần tiếp tục giải quyết trong thời gian tới, đó là: thứ nhất, phải nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị; thứ hai, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và nâng cao hơn nữa hiệu quả của các phương pháp giảng dạy tích cực; thứ ba, đổi mới phương pháp giảng dạy phải gắn liền với đổi mới phương pháp học tập, nâng cao ý thức, tinh thần, thái độ học tập của sinh viên đối với các môn lý luận chính trị, thích ứng với phương thức đào tạo theo tín chỉ; thứ tư, đảm bảo tính khoa học và hợp lý trong công tác tổ chức giảng dạy các môn lý luận chính trị; đồng thời tăng cường và hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho quá trình dạy và học.

2.3. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị tại Đại học Ngoại thương thời gian tới

2.3.1. Về phía đội ngũ giảng viên lý luận chính trị

Một là, không ngừng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn và trách nhiệm nghề nghiệp của đội ngũ giảng viên lý luận chính trị, qua đó nâng cao hiệu quả đổi mới phương pháp giảng dạy và chất lượng bài giảng.

Chất lượng bài giảng thể hiện ở nội dung học thuật, tính cập nhật của kiến thức chuyên môn và thực tiễn cũng như cách thức chuyển tải nội dung bài giảng đến người học một cách hiệu quả nhất. Để đạt được điều này, giảng viên phải không ngừng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn (cả lý luận và thực tiễn), phương pháp giảng dạy, ngoại ngữ, tin học. Điều này đòi hỏi giảng viên phải tích cực, chủ động tham gia các khóa đào tạo (thạc sĩ, tiến sĩ, bồi dưỡng chuyên môn, phương pháp,...) và tự đào tạo; thường xuyên cập nhật kiến thức thực tiễn; tích cực nghiên cứu khoa học. Cùng với đó, giảng viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thầy; thực hiện nghiêm túc qui chế giảng dạy về nội dung chương trình, thời lượng, đánh giá kết quả học tập của sinh viên,v.v..

Hai là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về phương pháp giảng dạy, áp dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy tích cực, phù hợp với đặc thù môn học và đối tượng giảng dạy, khai thác có hiệu quả các phương tiện giảng dạy hiện đại.

Các phương pháp giảng dạy, cả truyền thống và hiện đại, đều có những ưu và nhược điểm riêng. Đối với các môn khoa học xã hội, trong đó có các môn lý luận chính trị, để đạt được hiệu quả cao trong giảng dạy, phải sử dụng tổng hợp nhiều phương pháp như: thuyết trình, nêu vấn đề, đối thoại, phát vấn, tạo tình huống,...Việc lựa chọn, sử dụng những phương pháp giảng dạy nào và mức độ sử dụng ra sao phải căn cứ vào nội dung và đặc điểm môn học, thậm chí từ nội dung của từng bài trong môn học; căn cứ vào mục tiêu mà chủ thể giảng dạy đặt ra (xuất phát từ mục tiêu đào tạo); căn cứ vào đối tượng người học và điều kiện, phương tiện vật chất cần thiết của quá trình dạy và học.

Thực tiễn giảng dạy cho thấy, đối với các ngành khoa học xã hội (nhất là những môn học có tính lý luận cao), để giờ giảng đạt được hiệu quả, phải sử dụng tổng hợp nhiều phương pháp như: thuyết trình, nêu vấn đề, đối thoại, phát vấn, đóng vai xử lý tình huống,… Trong các phương pháp đó, thuyết trình vẫn là phương pháp chủ đạo, nhưng phải là thuyết trình có đổi mới, cách tân theo hướng kích thích tính tích cực của người học, nghĩa là trong thuyết trình có nêu vấn đề, phát vấn, tạo tình huống để lôi cuốn người học cùng tham gia.

Ngoài ra, cũng cần thấy rằng, các phương tiện giảng dạy hiện đại, công nghệ thông tin có ý nghĩa rất quan trọng, hỗ trợ cho quá trình giảng dạy, vì vậy cần phải quan tâm đầu tư và khai thác chúng có hiệu quả. Tuy nhiên, phương tiện giảng dạy hiện đại không thể thay cho vai trò của người thầy, vì thế không được lạm dụng chúng; đặc biệt, không được đồng nhất việc sử dụng phương tiện giảng dạy hiện đại với phương pháp giảng dạy hiện đại.

Ba là, chú trọng việc tổ chức cho sinh viên thảo luận, nâng cao chất lượng thảo luận, đảm bảo đủ thời lượng theo qui định.

Thảo luận là một hình thức dạy và học rất được coi trọng trong điều kiện đào tạo theo học chế tín chỉ, khi số tiết được dành cho thảo luận được tăng lên đáng kể. Sở dĩ như vậy bởi đây là hình thức dạy và học tích cực, thông qua trao đổi, chất vấn, đối thoại giữa giảng viên với sinh viên, giữa sinh viên với sinh viên, qua đó giúp sinh viên nắm kiến thức lý luận và thực tiễn của môn học tốt hơn, phát huy tính tích cực, sáng tạo của cả người dạy và người học. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả các buổi thảo luận, phải quan tâm thực hiện tốt các công việc như: lựa chọn hình thức thảo luận cũng như vấn đề thảo luận phù hợp, đảm bảo không quá dễ hoặc quá khó; làm tốt công tác chuẩn bị cho thảo luận; trong điều hành thảo luận, giảng viên cần khuyến khích chất vấn, tranh luận, lôi cuốn sự tham gia đông đảo của sinh viên, kích thích tính tích cực, tư duy sáng tạo của họ. Đồng thời, giảng viên phải có những nhận xét, đánh giá về tinh thần làm việc, sự hợp tác, chất lượng bài thảo luận,… của các cá nhân và nhóm sinh viên (nếu là thảo luận nhóm); khích lệ, động viên đúng mức, tạo động lực (cộng điểm cho sinh viên chẳng hạn) để gia tăng tính tích cực thảo luận của sinh viên.

Bốn là, tăng cường gắn lý luận với thực tiễn trong quá trình giảng dạy, coi đây là một yêu cầu bắt buộc đối với giảng viên.

Các môn lý luận chính trị là những môn lý luận cơ bản, nên việc gắn lý luận với thực tiễn là một yêu cầu cơ bản và quan trọng. Các môn lý luận có đặc điểm là đem lại cho người học những hiểu biết về bản chất, tính tất nhiên, tính quy luật của các sự vật, hiện tượng, nhưng lại có tính trừu tượng và khái quát cao. Vì thế để người học dễ hiểu, dễ tiếp thu các tri thức khoa học, khi giảng dạy, giảng viên không thể chỉ dừng lại ở việc phân tích, giải thích, cắt nghĩa, chiết tự những thuộc tính cơ bản của các khái niệm, phạm trù, quy luật, nguyên lý,… mà nhất thiết phải dùng các cứ liệu sinh động từ thực tiễn cũng như từ cuộc sống hàng ngày để minh họa, làm sáng tỏ các lý luận, lý thuyết đó. Làm được như vậy, bài giảng sẽ không khô khan mà tạo được sức hấp dẫn, lôi cuốn và thuyết phục người học.

Mặt khác, việc gắn lý luận với thực tiễn trong giảng dạy giúp người học thấy được mối liên hệ, cơ sở khách quan của sự hình thành các khái niệm, phạm trù, quy luật, nguyên lý,… qua đó làm cho họ thấy được mối quan hệ không thể tách rời giữa lý luận và thực tiễn. Hơn nữa, việc gắn lý luận với thực tiễn trong giảng dạy còn giúp cho người học thấy rõ ý nghĩa, giá trị của lý luận đối với thực tiễn, thấy được cơ sở khoa học, cơ sở lý luận của việc hình thành các quan điểm, đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Không những thế, người học còn cảm nhận được sự gần gũi của lý luận với cuộc sống hàng ngày, từ đó ý thức được vai trò, vị trí và sự cần thiết của lý luận; đồng thời hình thành năng lực gắn lý luận với thực tiễn.

Năm là, thông qua hoạt động giảng dạy, giảng viên cần làm cho sinh viên có nhận thức đúng về vai trò to lớn của hoạt động tự học, tự nghiên cứu và truyền hứng thú, đam mê cho họ.

2.3.2. Về phía sinh viên

Thứ nhất, cần chú trọng rèn luyện năng lực nhận thức, năng lực tự học, tự nghiên cứu, hình thành thói quen học tập tích cực, qua đó nâng cao khả năng tiếp thu bài giảng.

Việc hình thành thói quen học tập tích cực là rất quan trọng, nó giúp cho quá trình học tập, đặc biệt là tự học diễn ra liên tục và lâu dài. Vì thế, hình thành thói quen học tập tích cực là điều hết sức cần thiết đối với sinh viên đại học ngay từ năm thứ nhất. Tuy nhiên, không phải sinh viên nào cũng hình thành được một thói quen học tập tích cực; hơn thế nữa, thói quen này không chỉ dừng lại ở việc ngồi học trong vài tiếng đồng hồ mỗi ngày mà còn đòi hỏi nhiều hơn thế. Để có được một thói quen tự học tốt, sinh viên cần phải học có chọn lọc, học có đam mê và học có quá trình.

Thứ hai, biết lựa chọn phương pháp học tập thích hợp, đạt hiệu quả cao; có kỹ năng đọc sách, nghe giảng và ghi chép tốt. Rèn luyện cách học hiểu bản chất vấn đề, không dừng lại ở hiện tượng, từ đó biết rút ra phương pháp luận trong hoạt động nhận thức và thực tiễn cũng như trong cuộc sống nói chung.

Thứ ba, phải nắm được nội dung chương trình của chuyên ngành đào tạo, nắm vững mục tiêu môn học cũng như mục tiêu của từng bài; xây dựng kế hoạch học tập phù hợp và nghiêm túc thực hiện kế hoạch đó. Ngoài ra, sinh viên phải chủ động, tích cực đọc giáo trình, tài liệu tham khảo, chuẩn bị cho thảo luận, làm bài tập đầy đủ,… trước khi lên lớp, tránh tình trạng học thụ động; chú trọng rèn luyện tư duy phê phán, tư duy sáng tạo, biết hoài nghi khoa học; biết xác định động cơ học tập đúng đắn, tự giác, chăm chỉ, có quyết tâm cao trong học tập…  

2.3.3. Về phía Nhà trường, các tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên

  1. Về phía Nhà trường

Trước hết, Nhà trường cần nâng cao nhận thức cũng như quán triệt tới toàn thể các giảng viên nói chung, giảng viên lý luận chính trị nói riêng trong việc tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy cũng như nâng cao hơn nữa hiệu quả của quá trình này, đặc biệt trong điều kiện áp dụng đào tạo theo tín chỉ hiện nay.

Thứ hai, tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm tra việc đổi mới phương pháp giảng dạy của các giảng viên.

Thứ ba, tiếp tục lấy ý kiến phản hồi từ phía sinh viên với hình thức thích hợp về việc giảng dạy của giảng viên, coi đây là một kênh thông tin quan trọng để giảng viên tham khảo, rút kinh nghiệm, từ đó giảng viên có những điều chỉnh thích hợp về nội dung cũng như đặc biệt là về phương pháp giảng dạy cho phù hợp, nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học.

Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện phương thức đào tạo theo tín chỉ; tổ chức những hội thảo khoa học, những buổi tọa đàm, trao đổi xoay quanh vấn đề đổi mới phương pháp giảng dạy, qua đó giúp các giảng viên có thể học hỏi được những phương pháp và kinh nghiệm để vận dụng vào quá trình giảng dạy.

Thứ năm, đảm bảo tính khoa học và hợp lý trong công tác tổ chức giảng dạy các môn lý luận chính trị; đồng thời tăng cường và hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho quá trình dạy và học.

  1. Về phía Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên

Thứ nhất, Đoàn thanh niên và Hội sinh viên cần hướng các hoạt động của mình vào việc thúc đẩy tinh thần học tập của sinh viên, trong đó có hoạt động tự học; Đoàn và Hội cần tạo ra sân chơi, môi trường để sinh viên học tập, rèn luyện, góp phần nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu.

Thứ hai, tăng cường tổ chức những buổi chia sẻ kinh nghiệm học tập các môn lý luận chính trị giữa các thế hệ sinh viên với nhau. Với tính chất là buổi chia sẻ, bàn luận về giá trị của môn học, những buổi nói chuyện giữa các thế hệ sinh viên với nhau sẽ giúp tân sinh viên tự nhận thức được mục tiêu học tập, nghĩa là xác lập được sự hài hoà giữa nhu cầu của bản thân với mục đích, yêu cầu của xã hội. Ngoài ra, thông qua những buổi nói chuyện như vậy, khả năng học tập của sinh viên được nâng cao, đồng thời có được tinh thần, thái độ học tập đúng đắn.

  1. Kết luận

Đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng đào tạo là việc làm cần thiết và thường xuyên trong điều kiện đào tạo theo tín chỉ. Với các môn lý luận chính trị, do tính đặc thù của nó, việc đổi mới này càng trở nên quan trọng và cấp thiết. Tại Trường Đại học Ngoại thương (cơ sở Hà Nội), việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị đã được triển khai mạnh mẽ nhiều năm qua và đã đạt được những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, trước những đòi hỏi của đào tạo theo tín chỉ và những yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo hiện nay thì quá trình này cần được đánh giá một cách toàn diện và liên tục, qua đó nâng cao chất lượng dạy và học các môn lý luận chính trị nói riêng, chất lượng đào tạo nói chung của Nhà trường.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Bernd Meier - Nguyễn Văn Cường (2015), Lý luận dạy học hiện đại: Cơ sở đổi mới mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy học, Nxb Đại học sư phạm, HN.
  2. Trần Đình Châu (Chủ biên) (2012), Đổi mới phương pháp dạy học và sáng tạo với bản đồ tư duy, NXB Giáo dục Việt Nam, HN.
  3. Lê Nho Minh (2013), “Mấy vấn đề đổi mới phương pháp dạy - học bộ môn Những nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin”, Tạp chí Văn hóa du lịch, số 3, trang 10-14.
  4. Robert J. Marzano, Debra J. Pickering, Jane E. Pollock - Nguyễn Hồng Vân dịch (2016), Các phương pháp dạy học hiệu quả, Nxb Giáo dục Việt Nam, HN.
  5. Trần Thị Mai Hương, Đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị trong các trường đại học, http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Thong-tin-ly-luan/2017/47728/Doi-moi-phuong-phap-giang-day-cac-mon-ly-luan-chinh-tri.aspx, truy cập ngày 02/11/2017.

 

[*] Bài viết thuộc khuôn khổ đề tài NCKH cấp Cơ sở “Đánh giá hiệu quả việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị trong điều kiện đào tạo theo tín chỉ tại Trường Đại học Ngoại thương”, Mã số: NT2017-15.

[†] Trường Đại học Ngoại thương, Email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó.