PHÁT TRIỂN KINH TẾ TỈNH ĐIỆN BIÊN GẮN LIỀN VỚI ĐỔI MỚI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG
PHÁT TRIỂN KINH TẾ TỈNH ĐIỆN BIÊN GẮN LIỀN VỚI ĐỔI MỚI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG
Nguyễn Việt Dũng[1]
Phạm Thị Ngọc Anh[2]
Tóm tắt
Với mục tiêu phát triển kinh tế địa phương một cách bền vững, tỉnh Điện Biên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy tối đa những lợi thếsẵn có và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh.Bài viếtsử dụng phân tích SWOT về phát triển kinh tế Điện Biên kết hợp xem xét những hạn chế của mô hình tăng trưởng kinh tế cũ, từ đó đề xuất định hướng chuyển đổi và các giải pháp thúc đẩy mô hình tăng trưởng kinh tế mới cho tỉnh Điện Biên.
Từ khóa: kinh tế địa phương, mô hình tăng trưởng, Điện Biên.
Abstract:
For the sake of sustainable local economic development, Dien Bien province emphasizes the importance of transforming the economic growth model to improve the quality of growth and to take advantage of available resources and capabilities of the provincial economy. The paper uses a SWOT analysis of Dien Bien economic development combined with examining limitations of the old growth model to suggest a shift orientation and measures for promoting a new model of economic growth in Dien Bien.
Keywords: local economy, growth model, Dien Bien.
- Giới thiệu
Trước yêu cầu của quá trình hội nhập và phát triển, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế trở thành một trong những vấn đề trọng tâm của nền kinh tế Việt Nam. Nằm trong xu hướng đó, yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng đối với tỉnh Điện Biên càng trở nên cần thiết do những hạn chế từ các yếu tố của mô hình tăng trưởng cũ theo chiều rộng không còn phát huy được hiệu quả trong giai đoạn hiện nay nữa. Động lực tăng trưởng phụ thuộc vào gia tăng vốn đầu tư, gia tăng số lượng lao động đã yếu dần cùng những thay đổi từ bối cảnh kinh tế mới. Bên cạnh đó, các chủ trương, chính sách và cách thức quản lý, điều hành của nền kinh tế các cấp, các ngành chưa thay đổi kịp thời để thúc đẩy tăng trưởng, cũng như phát huy các tiềm năng sẵn có của từng địa phương. Chính vì vậy, để phát triển các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh, phát triển kinh tế địa phương một cách bền vững, tỉnh Điện Biên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế để nâng cao chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh.
- Phân tích SWOT về phát triển kinh tế tỉnh Điện Biên
2.1. Những lợi thế trong phát triển kinh tế tỉnh Điện Biên
Diện tích tự nhiên rộng khoảng 9.562,9 km2, tài nguyên đa dạng, trong đó một số loại có tiềm năng lớn như tài nguyên rừng và đất rừng, tiềm năng thuỷ điện do nằm ở vùng núi cao và nhiều sông suối, thác ghềnh như suối Nậm Pay, suối Nậm Ty, suối Nậm He, sông Nậm Mức…tài nguyên du lịch như núi đá vua Tủa Chùa, Mường Nhé... là điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất hàng hoá.
Cửa khẩu Tây Trang, khu kinh tế cửa khẩu Tây Trang và một số cửa khẩu khác với Lào, với tỉnh Vân Nam Trung Quốc; đường xuyên Á dự kiến đi qua địa bàn tỉnh tạo cơ hội phát triển kinh tế cửa khẩu, mở rộng giao thương quốc tế, phát triển kinh tế đối ngoại, du lịch và dịch vụ vận tải quốc tế.
Quy hoạch tổng thể phát triển Kinh tế - Xã hội (KT-XH) vùng Trung du miền núi phía Bắc đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quyết định số 1064/QĐ-TTg ngày 08/7/2013 đã có những định hướng lớn về phát triển kinh tế-xã hội cả vùng nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng. Những năm gần đây nền kinh tế của tỉnh phát triển khả quan, đạt tốc độ tăng trưởng khá và có xu hướng tăng dần vào những năm cuối kỳ tạo đà cho sự phát triển thuận lợi trong giai đoạn tiếp theo.
Việc triển khai xây dựng công trình thuỷ điện Sơn La và nâng cấp mở rộng các tuyến quốc lộ trên địa bàn (Quốc lộ 6; Quốc lộ 279 và Quôc lộ 12) là những cơ hội và nguồn lực to lớn trong việc tổ chức xắp xếp lại dân cư, lao động, tạo điều kiện khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển sản xuất hàng hoá, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
2.2. Những khó khăn trong phát triển kinh tế tỉnh Điện Biên
Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới có địa hình bị chia cắt, các dãy núi chạy dài theo hướng tây bắc – đông nam hoặc gần bắc – nam xen kẽ là các thung lũng hẹp, cách thủ đô Hà Nội gần 500 km về phía Tây với xuất phát điểm nền kinh tế thấp, quy mô nền kinh tế còn nhỏ bé, cơ cấu kinh tế còn lạc hậu. Chất lượng và hiệu quả hoạt động của nền kinh tế còn thấp, năng suất lao động và trình độ công nghệ chưa cao, sức cạnh tranh kém, khả năng thu hút nguồn vốn kể cả trong nước và ngoài nước còn nhiều khó khăn. Tốc độ tăng trưởng khá nhưng chưa ổn định, còn nhiều yếu tố chưa đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Giá trị các sản phẩm công nghiệp - xây dựng, dịch vụ tuy có tăng nhưng chiếm tỷ lệ chưa tương xứng. Phát triển nông nghiệp thiếu tính bền vững; công tác quản lý tài nguyên - nhất là quản lý bảo vệ rừng, quản lý đất đai, quản lý tài nguyên nước còn nhiều bất cập, xã hội hóa nghề rừng còn yếu.
Kết cấu hạ tầng KT-XH tuy đã được quan tâm đầu tư và có bước phát triển đáng kể, nhưng vẫn còn yếu kém, thiếu đồng bộ, chưa đủ đáp ứng cho một nền sản xuất hàng hoá và phát triển dịch vụ trong điều kiện cạnh tranh. Khoảng cách chênh lệch về thu nhập giữa vùng thấp với vùng cao và giữa khu vực nông nghiệp (chiếm đại đa số) với khu vực phi nông nghiệp còn rất lớn (Theo số liệu của Cục thống kê tỉnh, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 của khu vực nông thôn mới đạt 11,6 triệu đồng/năm, chỉ bằng 34,5% mức thu nhập bình quân khu vực thành thị) cũng là thách thức lớn cần giải quyết.
Trình độ dân trí và nguồn nhân lực thấp, tỷ lệ trẻ 15-18 tuổi học THPT mới đạt 56,3%, đến hết 2016 mới có 45/130 xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 (theo Báo cáo phát triển KT-XH tỉnh Điện Biên năm 2016) chưa đáp ứng được yêu cầu tiếp thu, vận dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất và đời sống. Phong tục tập quán sản xuất và sinh hoạt của một bộ phận lớn dân cư còn lạc hậu, dễ bị lôi kéo, kích động. Tập quán sản xuất tự túc tự cấp của đồng bào vùng cao và tư tưởng trông chờ bao cấp ở một bộ phận dân cư còn tồn tại...là những cản trở lớn đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Đường biên giới phía Tây dài, vùng biên giới rộng nhưng dân cư thưa thớt và phân tán, là địa bàn có nhiều yếu tố tiềm ẩn gây mất ổn định chính trị và chủ quyền biên giới quốc gia như di cư dân tự do, tuyên truyền trái pháp luật, buôn bán sử dụng ma túy trái phép…
2.3. Những cơ hội thuận lợi trong phát triển kinh tế tỉnh Điện Biên
Cơ hội trong hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế: Hội nhập kinh tế quốc tế mở ra nhiều cơ hội về thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông lâm sản của tỉnh: cà phê, cao su, tinh bột sắn, gỗ chế biến và các sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ.
Cơ hội phát triển cùng với các tỉnh Tây Bắc nói riêng và cả vùng Trung du miền núi Bắc Bộ nói chung đang là địa bàn chiến lược được Trung ương Đảng và Chính phủ quan tâm đầu tư, có nhiều chính sách hỗ trợ. Đặc biệt đang có những bước tiến mạnh mẽ về hạ tầng kết nối, sản xuất nông nghiệp, du lịch...được sự quan tâm của nhiều nhà tài trợ quốc tế.
Cơ hội tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình tăng trưởng: Cả nước đang bước vào giai đoạn tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tăng trưởng có chất lượng, hướng vào các mục tiêu tăng trưởng bền vững, trong đó đặc biệt lưu tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu. Năm 2013, UBND tỉnh đã tiến hành phê duyệt Đề cương đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng tỉnh Điện Biên đến năm 2020. Nắm bắt cơ hội này tỉnh cần tập trung vào các mục tiêu có tính bền vững, tăng trưởng đi đôi với các mục tiêu về môi trường, tranh thủ nguồn vốn của các nhà tài trợ.
2.4. Những thách thức trong phát triển kinh tế tỉnh Điện Biên
Thách thức về cạnh tranh gay gắt trên thị trường xuất khẩu hàng hóa nông sản đặc biệt là các quốc gia chủ yếu dựa vào xuất khẩu nông lâm sản và khoáng sản: Hội nhập kinh tế quốc tế sẽ gia tăng cạnh tranh, thị trường trong và ngoài nước yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, phẩm cấp của sản phẩm, trên bình diện quốc gia nói chung và địa phương nói riêng.
Thách thức về nguồn lực đầu tư trước những yêu cầu phát triển mới: Có điều kiện phát triển nhưng để phát triển đòi hỏi nguồn lực lớn về con người có kỹ năng lao động, nguồn lực đầu tư...và cần có những bước đi thích hợp.
Thách thức về sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa các khu vực phát triển, các đô thị và vùng sâu, vùng xa: Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn cao, tái nghèo và chênh lệch mức sống giữa các vùng trong tỉnh còn khá lớn, có xu thế ngày càng gia tăng, tạo ra nhiều nguy cơ bất ổn trong đời sống xã hội. Năm 2016, tỉnh Điện Biên là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước với 54.723 hộ nghèo, chiếm đến 44,82%. Trong đó khu vực thành thị có 814 hộ nghèo, chiếm 1,49%; khu vực nông thôn có 53.909 hộ nghèo, chiếm 98,51% và hộ nghèo dân tộc thiểu số có 54.183 hộ, chiếm 99,01% (Theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội).
Thách thức về nguy cơ bất ổn chính trị, trật tự an ninh trong điều kiện phát triển mới: Các tỉnh Tây Bắc nằm ở địa bàn nhạy cảm về chính trị an ninh, tình hình tội phạm và các tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp. Tỉnh lại đứng trước yêu cầu phải tập trung phát triển kinh tế, thu hút đầu tư kể cả các dòng vốn đầu tư từ nước ngoài nên vừa phải có cơ chế thu hút đầu tư nhưng lại phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác.
Thách thức về bảo vệ môi trường trong điều kiện ứng phó biến đổi khí hậu: đứng trước yêu cầu về mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp, khai thác tài nguyên, xây dựng các công trình thủy điện, phát triển các khu công nghiệp, đặt ra các yêu cầu cấp thiết phải bảo vệ môi trường, không phát triển bằng mọi giá, trong đó quan tâm đến các điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu, nguy cơ gia tăng tần suất các ảnh hưởng xấu của thiên tai như rét hại kéo dài, băng giá, mưa tuyết gây thiệt hại lớn và ảnh hưởng đến hoạt động nông lâm nghiệp.
- Những hạn chế trong mô hình tăng trưởng kinh tế cũ của tỉnh Điện Biên
Mô hình tăng trưởng kinh tế (TTKT) là sự phản ánh khái quát những đặc tính chủ yếu của phương thức TTKT thể hiện các yếu tố tăng trưởng và mối quan hệ tương hỗ giữa chúng với nhau trong từng giai đoạn nhất định. Các yếu tố đóng góp tạo nên TTKT gồm các yếu tố đầu vào như lao động, tư bản (vốn)… và các yếu tố tăng năng suất lao động. Tùy theo mức đóng góp của các yếu tố vào TTKT, đã hình thành nên các mô hình TTKT khác nhau: tăng trưởng theo chiều rộng, tăng trưởng theo chiều sâu và tăng trưởng kết hợp theo chiều rộng với theo chiều sâu.
Cobb & Douglas (1928) cho thấy tổng sản lượng đầu ra của nền kinh tế là hàm số của 2 yếu tố đầu vào là vốn và lao động cùng với năng suất yếu tố tổng hợp (TFP). Trong khi tác động của vốn và lao động lên tổng sản lượng được xác định bởi các độ co giãn chịu chi phối của quy luật lợi suất giảm dần thì ảnh hưởng của TFP không bị giới hạn. Solow (1956) phát triển hàm sản xuất Cobb-Douglas thành mô hình tăng trưởng trong đó sản lượng bình quân đầu người phụ thuộc vào tính lũy vốn (capital accumulation) và TFP. Tích lũy vốn có thể tạo ra tăng trưởng nhanh trong giai đoạn đầu, tốc độ này sẽ dần chậm lại và đạt tới trạng thái dừng (steady state) mà ở đó sản lượng không tăng trưởng. Trạng thái dừng chỉ có thể bị phá vỡ và tạo ra một bước nhảy cho tăng trưởng kinh tế khi có sự gia tăng của năng suất yếu tố tổng hợp. Kết quả nghiên cứu của Tổ chức năng suất Châu Á (Asian Productivity Organization - APO) cho thấy TFP chịu tác động của 5 yếu tố chính: (1) Chất lượng lao động, (2) Nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ, (3) Thay đổi cơ cấu vốn, (4) Thay đổi cơ cấu kinh tế, (5) Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Mô hình tăng trưởng của Điện Biên chủ yếu là tăng trưởng theo chiều rộng. Vốn và lao động là các nhân tố đóng góp chính vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong khi TFP là một chỉ tiêu chất lượng thì mới đóng góp một cách hạn chế. Tăng trưởng đạt được phụ thuộc rất lớn vào chi tiêu từ nguồn ngân sách Nhà nước để mở rộng quy mô sản xuất, phụ thuộc vào yếu tố vốn đầu tư và lao động trình độ thấp, hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm sản xuất chiếm tỷ trọng nhỏ. Việc khai thác các tiềm năng lợi thế của địa phương đóng góp cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu chưa nhiều; Tăng trưởng kinh tế mới chỉ diễn ra theo chiều rộng, chưa theo chiều sâu, tốc độ tăng trưởng có được chủ yếu nhờ mở rộng quy mô sản xuất, phụ thuộc vào yếu tố vốn đầu tư và lao động trình độ thấp, hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm sản xuất chiếm tỷ trọng nhỏ, sản phẩm sản xuất có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh thấp, nhiều sản phẩm có mức tăng không ổn định. Phương thức tăng trưởng này chỉ phù hợp với điểm xuất phát thấp của giai đoạn đầu tăng trưởng và còn tồn tại một số những hạn chế bất cập như sự hạn hẹp về nguồn vốn, nhất là nguồn vốn đầu tư và phần lớn lao động vẫn đang ở trình độ thấp. Con đường tăng trưởng như vậy có nhiều hạn chế là trì trệ và về lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng nhịp độ tăng năng suất lao động xã hội thấp, tới một thời điểm nào đó sẽ xuất hiện tình trạng bế tắc có thể coi là thể hiện trạng thái dừng trong lý thuyết của Solow (1956). Chất lượng tăng trưởng thấp của kinh tế tỉnh Điện Biên biểu hiện ở những điểm sau:
- Tăng trưởng kinh tế kém bền vững: Sự bền vững về tăng trưởng kinh tế chủ yếu được đánh giá qua phân tích tính ổn định và dài hạn của tốc độ tăng trưởng kinh tế. Hình 1 cho thấy tăng trưởng kinh tế tỉnh Điện Biên có những dấu hiệu chậm lại và tốc độ tăng trưởng kinh tế thiếu tính ổn định. Đặc biệt tốc độ tăng trưởng có độ biến thiên cao giữa các giai đoạn khác nhau. Kể từ sau năm 2014, tốc độ tăng trưởng có sự sụt giảm đáng kể so với các giai đoạn trước. Tốc độ tăng trưởng từ năm 2015 cho đến nay có khoảng cách kém khá xa so với mức tăng trưởng của ba giai đoạn về trước là 2001-2005, 2006-2010 và 2011-2014.
Hình 1. Tốc độ tăng trưởng GRDP tỉnh Điện Biên
Nguồn: Báo cáo phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh tỉnh 2001-2017
- Hiệu quả vốn đầu tư không có biến chuyển tích cực: Hiệu quả vốn đầu tư (Incremental Capital/Output Ratio - ICOR) hay hệ số sử dụng vốn hoặc còn được gọi là hệ số đầu tư tăng trưởng hay tỷ lệ vốn trên sản lượng tăng thêm cho biết muốn có thêm một đơn vị sản lượng trong một thời kỳ nhất định cần phải bỏ ra thêm bao nhiêu đơn vị vốn đầu tư trong kỳ đó. Như vậy ICOR có giá trị càng thấp nghĩa là hiệu quả càng cao và ngược lại. ICOR cũng được coi là một chỉ tiêu phản ánh khía cạnh chất lượng của tăng trưởng.
Nguồn: Tổng hợp từ Kế hoạch PT KT-XH 2011-2015 và 2016-2020 của tỉnh Điện Biên
Hình 2 cho thấy sau thời kỳ 2006-2008 hiệu quả vốn đầu tư tương đối tốt, chỉ số này đã thay đổi theo hướng tiêu cực và không có dấu hiệu được cải thiện trong những năm gần đây.
- Gia tăng khoảng cách về mức sống giữa thành thị và nông thôn: Xét về sự gia tăng thu nhập giữa các tầng lớp dân cư ở Điện Biên, tăng trưởng kinh tế chỉ bền vững khi nó mang lại thu nhập ổn định cho đại bộ phận dân nghèo ở khắp các vùng miền trong cả vùng. Tuy nhiên trên thực tế, mặc dù thu nhập bình quân có cải thiện tích cực rõ nét với mức độ tăng trưởng đều đặn nhưng vẫn tồn tại một lượng lớn bộ phận dân cư còn gặp nhiều khó khăn. Đây là một trong những nguy cơ chính dễ dẫn đến sự mất ổn định.
Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Điện Biên năm 2010-2016
Hình 3 cho thấy khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn liên tục bị nới rộng trong một thập kỷ trở lại đây. Chất lượng cuộc sống của nhân dân địa phương vẫn còn khá thấp, thể hiện khá rõ trên những lĩnh vực chủ yếu như giáo dục, y tế, ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội... Đổi mới mô hình tăng trưởng sẽ không chỉ góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế mà từ đó còn có tác động lan tỏa tích cực sang các vấn đề kinh tế - xã hội, nhất là về giải quyết việc làm, giảm bất bình đẳng, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường sinh thái.
- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế có xu hướng chậm lại: về cơ cấu kinh tế theo ngành, Bảng 1 cho thấy nông, lâm nghiệp và thủy sản thời kỳ 2011-2016 có mức chuyển dịch theo chiều hướng giảm thấp hơn giai đoạn 2006-2010. Tỷ trọng các ngành công nghiệp – xây dựng đã có chuyển biến tăng tích cực trong giai đoạn 2006-2010 nhưng giảm lại trong 6 năm trở lại đây. Chỉ có các ngành dịch vụ là tiếp tục được xu hướng tăng từ thời kỳ trước trong cơ cấu kính tế.
Bảng 1. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh theo ngành và theo thành phần
Chỉ tiêu |
2005 (%) |
2010 (%) |
2016 (%) |
Mức chuyển dịch (%) |
|
2006 - 2010 |
2011 - 2016 |
||||
1. Cơ cấu kinh tế theo ngành |
100 |
100 |
100 |
- |
- |
Nông, lâm nghiệp và thủy sản |
37,15 |
29,85 |
24,15 |
-7,3 |
-5,7 |
Công nghiệp - xây dựng |
25,1 |
29,5 |
25,21 |
4,4 |
-4,29 |
Dịch vụ |
37,75 |
40,06 |
50,64 |
2,31 |
10,58 |
2. Cơ cấu kinh tế theo thành phần |
100 |
100 |
100 |
- |
- |
Kinh tế Nhà nước |
14,65 |
3,52 |
23,25 |
-11,13 |
19,73 |
Kinh tế ngoài Nhà nước |
83,51 |
93,87 |
76,75 |
10,36 |
-17,12 |
Nguồn: Niên giám thống kê Điện Biên các năm 2005-2016
Về cơ cấu kinh tế theo thành phần, có thể thấy các dấu hiệu không mấy tích cực. Thành phần kinh tế Nhà nước đã giảm trong giai đoạn 2006-2010 nhưng lại tăng mạnh hơn trong thời kỳ 2011-2016. Cũng như vậy, thành phần kinh tế ngoài Nhà nước dù đã có dấu hiệu tăng tích cực trong những năm 2006-2010 nhưng lại giảm mạnh trong những năm gần đây.
Có thể thấy trong những năm gần đây, tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh theo ngành và theo thành phần kinh tế đã có xu hướng chậm lại, không như kỳ vọng so với giai đoạn đầu triển khai thực hiện tái cơ cấu kinh tế. Như phân tích ở trên, thay đổi cơ cấu kinh tế cũng là một trong các yếu tố ảnh hưởng tới năng suất yếu tố tổng hợp, từ đó tác động đến tăng trưởng kinh tế. Chính vì vậy, dù cho tỉnh đã bước đầu chuyển đôi được mô hình kinh tế theo hướng chú trọng và TFP, nếu chuyển dịch cơ cấu kinh tế không theo chiều hướng tích cực thì đóng góp vào phát triển kinh tế cũng sẽ bị hạn chế.
Trong giai đoạn vừa qua, tiến trình tái cơ cấu kinh tế của cả nước cũng đang có xu hướng bị chậm lại. Cụ thể là các vấn đề liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước trên cả nước chưa đạt mục tiêu đã đề ra. Thâm hụt ngân sách về nợ công, nợ xấu ở mức cao chưa được xử lý triệt để. Đây cũng là một trong những thách thức, ảnh hưởng tới tốc độ tái cơ cấu kinh tế chung đang diễn ra trên cả nước và quá trình tái cơ cấu kinh tế được diễn ra cụ thể tại từng địa phương, trong đó có Điện Biên.
- Năng lực cạnh tranh của tỉnh còn hạn chế: Bảng 2 cho thấy, xét trên quy mô cả nước, chỉ số năng lực cạnh tranh của Điện Biên ở mức trung bình, xếp hạng 53/63 tỉnh thành. Xét trên các tỉnh miền núi phía Bắc, chỉ số cạnh tranh của Điện Biên xếp hạng 8/14 tỉnh thành. Năng lực cạnh tranh thấp kéo theo những hạn chế về chính sách và cơ chế thu hút các vốn đầu tư trong và ngoài nước. Việc thu hút vốn đầu tư FDI so với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và những chính sách thu hút vốn đầu tư của địa phương chưa được chuyển đổi tích cực, kịp thời, đối mặt với nhiều trở ngại trong công tác triển khai.
Bảng 2. Xếp hạng PCI của các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2016
Địa phương |
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) |
Xếp hạng |
Nhóm xếp hạng |
Lào Cai |
63,49 |
5 |
Rất tốt |
Thái Nguyên |
61,82 |
7 |
Tốt |
Phú Thọ |
58,6 |
29 |
Khá |
Bắc Giang |
58,2 |
33 |
Khá |
Tuyên Quang |
57,43 |
45 |
Khá |
Yên Bái |
57,28 |
47 |
Khá |
Hòa Bình |
56,8 |
52 |
Trung bình |
Điện Biên |
56,48 |
53 |
Trung bình |
Lạng Sơn |
56,29 |
55 |
Trung bình |
Sơn La |
55,49 |
58 |
Tương đối thấp |
Hà Giang |
55,4 |
59 |
Tương đối thấp |
Bắc Kạn |
54,6 |
60 |
Tương đối thấp |
Lai Châu |
53,46 |
62 |
Thấp |
Cao Bằng |
52,99 |
63 |
Thấp |
Nguồn: http://www.pcivietnam.org/
Bảng 3 phân cho thấy các yếu tố thành phần của chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Điện Biên. Có thể thấy trong những năm gần đây, chỉ có các chỉ số về gia nhập thị trường và chi phí thời gian của Điện Biên là có xu hướng tích cực, còn các yếu tố khác đều thể hiện sự thiếu ổn định và chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Điều này làm cho tỉnh Điện Biên chưa có được nhiều cơ hội đầu tư tiềm năng.
Bảng 3. Các chỉ số thành phần về năng lực cạnh tranh của tỉnh Điện Biên
Các chỉ số thành phần tỉnh Điện Biên |
2013 |
2014 |
2015 |
2016 |
Gia nhập thị trường |
8,09 |
8,08 |
8,74 |
8,73 |
Tiếp cận đất đai |
7,20 |
5,38 |
4,94 |
5,67 |
Tính minh bạch |
5,87 |
5,60 |
5,31 |
6,18 |
Chi phí thời gian |
5,37 |
4,85 |
5,93 |
6,57 |
Chi phí không chính thức |
5,96 |
2,81 |
3,88 |
4,17 |
Cạnh tranh bình đẳng |
6,70 |
4,17 |
4,80 |
5,49 |
Tính năng động của chính quyền tỉnh |
5,37 |
3,14 |
4,39 |
4,12 |
Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp |
4,79 |
5,13 |
6,70 |
5,55 |
Đào tạo lao động |
5,11 |
5,60 |
5,56 |
5,66 |
Thiết chế pháp lý |
4,76 |
4,10 |
6,13 |
4,52 |
Nguồn: Báo cáo PCI 2016 – Hồ sơ 63 tỉnh, thành phố Việt Nam
- Định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế tỉnh Điện Biên trong giai đoạn tiếp theo
Trong thời gian tới Điện Biên cần đặt trọng tâm vào chất lượng tăng trưởng để đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng cao và phát triển kinh tế bền vững trong dài hạn. Mô hình tăng trưởng kinh tế mới cần phải đáp ứng được những yêu cầu sau: (1) Mô hình tăng trưởng chuyển đổi từ tăng trưởng theo chiều rộng sang khai thác theo chiều sâu là hết sức cần thiết, cấp bách do khả năng khai thác vốn và lao động đã đạt tới mức giới hạn về số lượng; (2) Trong quá trình chuyển đổi sang chiều sâu vẫn cần kết hợp tiếp tục khai thác các nguồn lực sẵn có để tận dụng những kết quả thu được từ tăng trưởng theo chiều rộng; (3) Mô hình tăng trưởng mới cần quán triệt quan điểm tiết kiệm vốn, cải tiến trong công tác quản lý, lựa chọn mô hình tổ chức sản xuất phù hợp và hiệu quả. Đặc biệt, mô hình tăng trưởng mới phải thể hiện xu hướng chuyển dịch rõ ràng theo hướng yếu tố then chốt quyết định là vốn con người, khả năng sử dụng, tích lũy năng lực sáng tạo và ứng dụng phổ biến các thành tựu khoa học và công nghệ.
- Những giải pháp thúc đẩy mô hình tăng trưởng kinh tế mới
Để phát triển kinh tế tỉnh Điện Biên gắn liền với chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ số lượng, theo chiều rộng sang chất lượng, theo chiều sâu, cần phải nâng cao nhanh chóng mức độ đóng góp của năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) bên cạnh 2 nhóm yếu tố khác đóng góp vào tăng trưởng GDP là sự tăng thêm của vốn đầu tư phát triển và sự tăng thêm của số lượng lao động đang làm việc, chú trọng đến năng suất lao động và hiệu quả đầu tư. Cụ thể cần tập trung vào các nhóm giải pháp thúc đẩy tiến trình và phát huy hiệu quả của chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế mới như sau:
- Chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu và tái cơ cấu kinh tế theo hướng phát huy các thế mạnh và dựa vào các nguồn lực tiềm năng sẵn có của Điện Biên như chế biến nông sản, lâm sản, du lịch và các ngành dịch vụ. Do đó, tỉnh Điện Biên nên tập trung đầu tư và quan tâm đến các nhân tố công nghệ khoa học kỹ thuật, chất lượng của hai yếu tố đầu vào là lao động và vốn.
- Cấu trúc lại tăng trưởng theo không gian gắn liền với chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế. Bao gồm: tổ chức hoạt động kinh tế trong các vùng động lực gắn liền với phát triển kinh tế cửa khẩu Tây Trang – Huổi Puốc – Huyện Điện Biên, Nậm Là – A Pa Chải – Huyện Mường Nhé, tạo thành mạch chung các cửa khẩu để giao lưu phát triển kinh tế với Lào và Trung Quốc nhằm tăng cường, củng cố thêm mối liên kết kinh tế giữa các vùng.
- Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ tiên tiến vào các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội tỉnh, nâng cao trình độ, năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của sản phẩm ngành kinh tế chủ lực. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp có đủ năng lực ứng dụng công nghệ mới bằng cách tạo môi trường đầu tư lành mạnh, làm cho yếu tố công nghệ trở thành điều kiện quyết định giành thắng lợi trong cạnh tranh, giảm các ưu tiên, ưu đãi cho một số loại hình doanh nghiệp; có chính sách thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện đầu tư đổi mới công nghệ; có các giải pháp quyết liệt để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp đi đầu trong ứng dụng công nghệ mới; thúc đẩy tăng tốc chuyển giao công nghệ vào các ngành, lĩnh vực bằng cách thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ, phát triển doanh nghiệp khoa học - công nghệ để tăng nguồn cung sản phẩm công nghệ mới cho thị trường. Thu hút vốn đầu tư cho khoa học và công nghệ từ nhiều nguồn, chọn các nhà khoa học đầu đàn làm chủ các công trình nghiên cứu khoa học.
Trong công nghệ sinh học, Điện Biên chú trọng ứng dụng công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, ưu tiên các đề tài trực tiếp phục vụ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, công nghệ bảo quản và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để tạo các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao như một số dự án đã được triển khai và đem lại kết quả tốt như: sản xuất giống cây lâm nghiệp bằng công nghệ nuôi cấy mô, dự án trồng đậu tương trên đất một vụ lúa, lai ghép… Trong công nghệ chế biến, Điện Biên tiếp tục thực hiện tốt công tác chuyển giao công nghệ chế biến bảo quản nông sản như chế biến chè Tuyết Shan, sấy hạt bằng phương pháp hồng ngoại…
- Nâng cao chất lượng lao động. Việc đầu tư thiết bị, ứng dụng các công nghệ khoa học kỹ thuật mới tiên tiến, hiện đại sẽ chỉ được phát huy hiệu quả một cách tốt nhất nếu như người lao động biết cách vận hành và sử dụng nó. Chính vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh Điện Biên tiếp tục chú trọng đến đầu tư cho giáo dục, phát triển nguồn nhân lực đủ về số lượng, không ngừng nâng cao chất lượng. Thực hiện các giải pháp quyết liệt nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, chú trọng đào tạo công nhân kỹ thuật, trung cấp để thay đổi cơ cấu lao động hiện nay. Đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục - đào tạo theo hướng tăng cường đào tạo các kỹ năng chuyên sâu, giảm tải thời gian học lý thuyết, tăng cường thời gian thực hành cho học sinh, sinh viên. Xây dựng đội ngũ giáo viên, giảng viên đáp ứng sự đổi mới của chương trình giáo dục - đào tạo. Tăng cường nâng cấp chất lượng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho các cơ sở đào tạo, chú trọng xây dựng mới và củng cố các phòng thí nghiệm, xưởng thực nghiệm của các cơ sở đào tạo, đặc biệt là đối với cơ sở đào tạo các chuyên ngành mũi nhọn, các ngành nghề mới. Mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khuyến khích và mở rộng cơ chế để các cơ sở đào tạo trong nước hợp tác với các cơ sở đào tạo của các nước phát triển. Đổi mới chính sách sử dụng, đánh giá và đãi ngộ nhân lực theo hướng dựa trên năng lực chuyên môn và hiệu quả thực hiện công việc. Quan tâm, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên, công chức chuyên nghiệp hiện đại với số lượng và cơ cấu hợp lý kết hợp rà soát, sàng lọc. Đồng thời tăng cường tuyên truyền rộng khắp để mỗi cán bộ, mỗi người dân địa phương thấm nhuần tư tưởng, quan điểm về phát triển kinh tế địa phương.
Tái cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ giúp cho việc phân bổ vốn và lao động của nền kinh tế địa phương theo hướng phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế tỉnh. Việc chuyển đổi các nguồn lực trong đó chú trọng đến yếu tố vốn và lao động từ những ngành nghề, lĩnh vực và thành phần kinh tế kém hiệu quả, năng suất thấp sang các thành phần kinh tế hiệu quả cao hơn, năng suất cao hơn sẽ dẫn đến sử dụng hiệu quả các nguồn lực tiềm năng và từ đó từng bước tăng tốc độ cũng như tỷ trọng đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế địa phương.
- Kết luận
Quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế Điện Biên trong bối cảnh hội nhập toàn cầu như hiện nay là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của tỉnh. Bên cạnh tái cơ cấu kinh tế địa phương thì đổi mới mô hình tăng trưởng cũng có một ý nghĩa quan trọng không kém đối với phát triển kinh tế tỉnh Điện Biên. Các giải pháp thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng sẽ là động lực giúp cho quá trình tái cơ cấu kinh tế được chuyển biến mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn trong những giai đoạn tiếp theo. Chính vì vậy, mục tiêu trong thời gian tới của chính quyền và nhân dân địa phương là tập trung phát triển và hoàn thiện mô hình tăng trưởng để nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và phát huy những lợi thế sẵn có nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh so với các địa phương khác.
Tài liệu tham khảo
- Bảng xếp hạng PCI – Năm 2016, truy cập ngày 01 tháng 6 năm 2017 từ http://www.pcivietnam.org/.
- Cobb, C. W. and Douglas, P. H. (1928), “A theory of production”, American Economic Review, 18 (Supplement), p. 139-165.
- Cục thống kê tỉnh Điện Biên, Niên giám thống kê tỉnh, Nxb Thống kê, Hà Nội.
- Đấu thầu (2015), “ICOR cao không khó tìm ra nguyên nhân”, ngày 10/11.
- Lê Xuân Bá (2012), “Tổng quan về tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam”, trong Kinh tế Việt Nam năm 2012: Khởi động mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, Sách tham khảo, Nxb Tri thức, tr. 128-152.
- Ngô Thị Thu Thủy (2016), “Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế”, Tạp chí Tài chính, kỳ II tháng 11/2016.
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2016), Báo cáo PCI 2016 – Hồ sơ 63 tỉnh, thành phố Việt Nam.
- Solow, Robert M. (1956), “A contribution to the theory of economic growth”, Quarterly Journal of Economics, 70 (1), p. 65–94.
- Trần Thọ Đạt (2011), “Chuyển đổi mô hình tăng trưởng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam”, Tạp chí Kinh tế & Phát triển, số 173, tr. 56-65.
- UBND tỉnh Điện Biên (2014, 2015, 2016, 2017), Báo cáo phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng tỉnh.
- UBND tỉnh Điện Biên (2017), Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020.
[1] Đại học Ngoại thương, Email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó.
[2] Sở GTVT Hà Nội