Sidebar

Magazine menu

28
T5, 03

Tạp chí KTĐN số 98

THÁCH THỨC VÀ GIẢI PHÁP ĐỐI VỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG DU  LỊCH VEN BIỂN VIỆT NAM

THÁCH THỨC VÀ GIẢI PHÁP ĐỐI VỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG DU LỊCH VEN BIỂN VIỆT NAM

Lý Hoàng Phú[1]

Tóm tắt

Ở nhiều quốc gia, các khu vực duyên hải cung cấp các nguồn tài nguyên du lịch chính, nơi tập trung lớn về đầu tư và các cơ sở du lịch. Một trong những lý do chính tại sao các bờ biển là rất quan trọng cho du lịch là bởi du khách thường bị thu hút mạnh mẽ bởi môi trường tự nhiên ven biển như bãi biển, cảnh quan đẹp, rạn san hô, chim, cá, động vật có vú biển và động vật hoang dã khác và bởi các văn hóa liên quan như thị trấn ven biển, làng, di tích lịch sử, bến cảng, đội tàu đánh cá, ngư trường và các khía cạnh khác của nghề cá. Đồng thời, môi trường đặc biệt này là nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Nhiều bờ biển chứa môi trường sống quan trọng và có đa dạng sinh học rất phong phú: đất, nước và tài nguyên thiên nhiên khan hiếm khác trên bờ biển,…Chính vì vậy, việc chú trọng bảo tồn và phát triển các nguồn tài nguyên cũng như hệ sinh thái ven biển là một yêu cầu cấp bách trong nền kinh tế hiện đại.

Nằm ở trung tâm Biển Đông, một vùng biển năng động và có tầm quan trọng lớn thứ hai trên thế giới, sau biển Địa Trung Hải, Việt Nam có một vị trí rất chiến lược cho phát triển kinh tế biển nói chung, vận tải đường biển, nghề cá, du lịch biển nói riêng. Đặc biệt, khi mà tới 28 tỉnh thành, chiếm gần 40% diện tích tự nhiên và trên 40% dân số của cả nước là các tỉnh thành có tài nguyên biển. Các vùng ven biển là nơi hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi với nguồn tài nguyên tự nhiên đa dạng và phong phú cho phát triển kinh tế - xã hội đặc biệt là du lịch, bởi tại đây, hiện tập trung tới 07/13 di sản thế  giới ở Việt nam, 06/08 các khu dự trữ sinh quyển; nhiều vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên; nhiều di tích văn hoá - lịch sử; v.v. Trên cơ sở phân tích một số vấn đề lí luận về phát triển bền vững và phát triển bền vững trong du lịch, tác giả muốn đề cập đến một số thuận lợi và thách thức cơ bản đối với phát triển bền vững du lịch biển ở nước ta, đồng thời đề xuất một số giải pháp về phát triển bền vững du lịch biển trong thời gian tới.

Từ khóa: Du lịch, Biển đảo, vùng ven biển, phát triển bền vững

Abstract

In many countries, coastal areas provide major tourist resources, where huge investment and tourism facilities are concentrated. Visitors are often attracted by the coastal natural environment such as beaches, beautiful landscapes, coral reefs, birds, fish, marine mammals as well as other wildlife and by related cultures such as coastal towns, villages, historical sites, harbors, fishing fleets, fishing grounds and other aspects of the fishery. Meanwhile, this particular environment is also sensitive and vulnerable. Many coasts have important habitats and biodiversity: land, water and other scarce natural resources on the coast... Therefore, the conservation and development of natural resources as well as coastal ecosystems during the economic development are urgent issues in modern economy.

Basing on an analysis of a number of theoretical issues on the sustainable development as well as the sustainable development in tourism, we wish to address some of the key advantages and challenges for sustainable development of coastal tourism in Vietnam. We also give some solutions for the sustainable development of Vietnamese coastal tourism in the next future.

Keywords: Coastal tourism, sustainable development, coastal areas, Vietnam

  1. Phát triển bền vững và phát triển bền vững trong du lịch

Theo Báo cáo Brundtland năm 1987 của Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới – WCED, phát triển bền vững là “sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai...”. Nói cách khác, phát triển bền vững phải bảo đảm có sự phát triển kinh tế hiệu quả, xã hội công bằng và môi trường được bảo vệ, gìn giữ. Phát triển bền vững hiện nay không còn chỉ đơn thuần là một khái niệm thuộc hệ thống lý luận kinh tế mà nó đã trở thành tiêu chuẩn, là chính sách là thực tiễn cuộc sống hằng ngày. Ba mảnh ghép về mục tiêu phát triển bền vững: về xã hội, về kinh tế và về môi trường luôn đi kèm trong các mục tiêu chính sách. Từ góc độ phát triển bền vững về mặt kinh tế, các dịch vụ, nhu cầu của hộ gia đình, phát triển công nghiệp và sử dụng hiệu quả lao động được xem xét. Về mặt xã hội, những tiêu chí về công bằng, sự tham gia của các thành phần xã hội, nâng cao năng lực, tính cơ động xã hội và bảo tồn văn hóa. Về mục tiêu liên quan đến môi trường, có đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên, hòa nhập hệ sinh thái, về khả năng chịu tải, về nước sạch và không khí trong lành.

Hình 1. Ba mục tiêu chung của phát triển bền vững

Về chi tiết, tại Hội nghị thượng đỉnh về phát triển bền vững, diễn ra tại New York, vào cuối tháng 9/2015, 193 thành viên của Liên Hợp quốc đã thông qua 17 mục tiêu chi tiết về phát triển bền vững (SDGs) với 169 chỉ tiêu cụ thể. SDGs là một tập hợp các chỉ tiêu liên quan đến tương lai phát triển quốc tế, được thực hiện từ 2015 đến 2030, thay cho Các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) đã hết hạn vào cuối năm 2015.

Liên quan tới lĩnh vực du lịch, một trong những ngành kinh tế năng động nhất, với phạm vi toàn cầu đáng kể, và có thể làm cho một đóng góp quan trọng vào thành tựu của SDGs, đặc biệt là trong các lĩnh vực tạo việc làm, tiêu thụ bền vững và sản xuất và bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) đã ủng hộ việc thông qua các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và nhắc lại cam kết của mình để hướng tới việc thực hiện các Mục tiêu. Tổng thư ký của UNWTO Taleb Rifai đã phát biểu rằng "Những vấn đề như biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên hiệu quả, xóa đói giảm nghèo và tăng trưởng toàn diện nhu cầu nằm ở trung tâm của sự phát triển du lịch. Bây giờ các Mục tiêu đã được phê duyệt, đó là thời gian để chúng tôi bước lên hành động, thời gian để triển khai các chính sách và chiến lược kinh doanh với tiêu chí theo sát và giảm thiểu những tác động tiêu cực của phát triển du lịch và tối đa hóa tác động tích cực của nó, cụ thể là thông qua việc phân phối các lợi ích của nó trong cộng đồng”.

Du lịch được nhắc tới trong 3 SDGs cụ thể, gồm: mục tiêu số 8, mục tiêu số 12 và mục tiêu số 14:

- Mục tiêu 8, về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện và liên tục, tạo việc làm đầy đủ và hiệu quả cho tất cả mọi người, mọi ngành nghề, cụ thể trong mục tiêu 8.9 "Đến năm 2030, đề ra và thực hiện các chính sách để thúc đẩy du lịch bền vững tạo ra công ăn việc làm và thúc đẩy các nền văn hóa địa phương và các sản phẩm".

- Mục tiêu 12 nhằm "đảm bảo các mô hình sản xuất và tiêu thụ bền vững", cụ thể mục tiêu 12.b đề cập tới việc "Xây dựng và thực hiện các công cụ để giám sát tác động phát triển bền vững cho du lịch bền vững, tạo ra công ăn việc làm, thúc đẩy văn hóa và các sản phẩm địa phương".

- Mục tiêu 14 nhắm tới "Bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và tài nguyên biển để phát triển bền vững", cụ thể tại mục tiêu 14.7, "năm 2030 tăng lợi ích kinh tế của các nước kém phát triển từ việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển, bao gồm cả thông qua quản lý bền vững nghề cá, nuôi trồng thủy sản và du lịch".

Trong thực tế, kể từ đầu những năm 2000, Tổ chức du lịch thế giới đã nghiên cứu và triển khai loại hình du lịch sinh thái, có nhiều đặc trưng gắn với phát triển bền vững, theo định nghĩa của tổ chức này, du lịch sinh thái là hình thức du lịch có các đặc trưng sau:

Thứ nhất, tất cả các hình thức du lịch dựa vào thiên nhiên, trong đó các động lực chính của khách du lịch là quan sát và thưởng thức thiên nhiên cũng như các nền văn hóa truyền thống phổ biến ở các khu vực tự nhiên.

Thứ hai, hình thức du lịch chứa đựng các tính năng giáo dục và giải thích.

Thứ ba, về tổng quát, hình thức này không độc quyền bởi các công ty lữ hành chuyên tổ chức cho các nhóm khách nhỏ. Các đối tác cung cấp dịch vụ tại các điểm đến có xu hướng nhỏ, là các doanh nghiệp thuộc địa phương sở hữu.

Thứ tư, hình thức này giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên và văn hóa-xã hội.

Cuối cùng, du lịch sinh thái hỗ trợ việc duy trì các khu vực tự nhiên được sử dụng như các điểm tham quan du lịch với mục đích tạo ra lợi ích kinh tế cho các cộng đồng sở tại, các tổ chức và các cơ quan quản lý khu vực tự nhiên với mục đích bảo tồn; Cung cấp việc làm và cơ hội thu nhập thay thế cho các cộng đồng địa phương; Nâng cao nhận thức đối với việc bảo tồn các tài sản tự nhiên và văn hóa, cả người dân địa phương và khách du lịch[2].

  1. Thuận lợi và thách thức đối với phát triển du lịch biển Việt Nam
    • Những thuận lợi cho phát triển du lịch biển

Thứ nhất, Việt Nam có vị trí địa lí đặc biệt thuận lợi cho phát triển kinh tế biển, đặc biệt là phát triển du lịch ven biển. Nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á với đường bờ biển dài 3260km chạy dài từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Hà Tiên (Kiên Giang) có khoảng 125 bãi tắm lớn nhỏ, trong dó có những bãi tắm lớn mà chiều dài tới 15 - 18km và nhiều tắm nhỏ chiều dài 1 - 2km, đủ điều kiện thuận lợi dể khai thác phục vụ du lịch.. Nằm trên ngã tư đường hàng hải, gần với các tuyến giao thông đường biển quốc tế quan trọng, nước ta còn là cửa ngõ mở lối ra biển thuận lợi cho các nước Lào, Đông Bắc Thái Lan, Campuchia và khu vực Tây Nam Trung Quốc.

Thứ hai, tài nguyên du lịch biển Việt Nam rất đa dạng và phong phú trong đó có nhiều tài nguyên du lịch có giá trị quốc tế như hệ thống các di sản thế giới, các khu dự trữ sinh quyển, các bãi biển, vũng vịnh được thế giới công nhận. Ðây được xem là nguồn lực nổi trội và là một trong những lợi thế lớn của du lịch biển Việt Nam so với nhiều nước có biển trong khu vực bên cạnh lợi thế về vị trí địa lý.

Thứ ba, so với các vùng lãnh thổ địa lý khác, hạ tầng du lịch ở vùng ven biển khá phát triển. Hệ thống giao thông đường bộ với đường QL1A và QL10 cùng với tuyến đường sắt Bắc Nam đã tạo trục liên kết đường bộ giữa các địa phương ven biển thành một lãnh thổ thống nhất. Ðây là yếu tố thuận lợi trong liên kết phát triển du lịch biển giữa các địa phương có biển, đặc biệt trong phát triển tuyến du lịch quốc gia dọc ven biển. Sự ổn định về an ninh quốc phòng của dất nuớc thời gian qua đã góp phần quan trọng vào sự phát triển du lịch Việt Nam nói chung và du lịch biển nói riêng. Bên cạnh yếu tố nguồn lực quan trọng về hạ tầng giao thông, khả năng cung cấp điện, nuớc, đặc biệt là bưu chính viễn thông ở vùng ven biển cũng khá hơn so với những vùng lãnh thổ khác.

Thứ tư, vùng ven biển có nguồn nhân lực dồi dào, đặc biệt là tỷ lệ lao động trẻ trong độ tuổi. Ðây là yếu tố nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển nói chung và du lịch biển nói riêng. Tuy nhiên trình độ lao động ở vùng ven biển nhìn chung còn thấp, có ảnh hưởng đến khả năng khai thác nguồn lực quan trọng này cho phát triển du lịch biển.

Thứ năm, hợp tác quốc tế về du lịch trên nền hợp tác quốc tế chung của đất nước đã có những kết quả đáng ghi nhận, tạo ra nguồn lực đáng kể cho du lịch nói chung và du lịch biển nói riêng phát triển. Trong thời gian tới cần chú trọng dể khai thác có hiệu quả hơn nguồn lực quan trọng này cho phát triển du lịch, đặc biệt trong thu hút dầu tư quốc tế để phát triển hệ thống cảng du lịch; nâng cấp mở rộng hệ thống sân bay, đặc biệt là sân bay quốc tế Cam Ranh, các sân bay trên các đảo Côn Ðảo, Phú Quốc, hình thành một số sân bay nội địa mới (thủy phi cơ) tại một số đảo như Quan Lạn, Cát Bà Phú Quý, Hoàng Sa, Truờng Sa, v.v.; đào tạo nguồn nhân lực du lịch. 

  • . Những thách thức đối với phát triển du lịch biển bền vững ở Việt Nam

Từ lâu, du lịch được gắn liền với biển, cát và mặt trời, thường được gọi là mô hình 3S (Sea = biển, Sand = Cát và Sun = mặt trời). Mô hình 3S gắn liền với môi trường biển và ven biển. Chính vì vậy, du lịch cũng luôn không tách rời với môi trường miền ven biển và các tỉnh thành ven biển Việt Nam, với vị trí địa lí tự nhiên của mình, hiển nhiên chứa đựng nhiều lợi thế trong việc phát triển dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, việc phụ thuộc vào môi trường biển cũng chứa đựng nhiều rủi ro cho phát triển bền vững tại các tỉnh ven biển Việt Nam.

Thứ nhất, khu vực ven biển vốn là khu vực tập trung đông dân cư, mật độ dân số đông sẽ khiến cho môi trường dễ bị tổn thương. Cùng với sự phát triển của hoạt động du lịch, lượng khách du lịch/lượng dân số không thường trú tăng lên, dễ kéo theo các hệ lụy liên quan đến ý thức trách nhiệm lâu dài với môi trường: Một mặt, sự khai thác quá mức sẽ khiến hệ sinh thái tự nhiên ven biển khó có thể phục hồi, mặt khác sự khai thác thiếu ý thức của một số bộ phận người sử dụng, có thể làm vấn đề tổn thương đó trở nên trầm trọng hơn.

Thứ hai, khi phân tích về môi trường sinh thái ven biển, có thể chia thành hai hệ sinh thái khác nhau cùng song song tồn tại: Hệ sinh thái tự nhiên (biển, khí hậu, hải sản, bờ biển…) và hệ sinh thái nhân tạo (đường sá, cầu cống, công trình…). Hai hệ sinh thái này là độc lập song cùng với hoạt động của con người, trong đó có hoạt động du lịch, hai hệ sinh thái sẽ được liên kết và tác động tới nhau. Nếu con người, cùng với việc xây dựng hệ sinh thái nhân tạo, không để ý để duy trì, bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, sẽ khiến cho hệ sinh thái tự nhiên bị phá hủy.

Thứ ba, không chỉ những dịch vụ trực tiếp liên quan đến du lịch như lữ hành, tham quan, tắm biển, những hoạt động khác cũng chưa có cơ hội phát triển để có thể thu hút nhiều hơn khách du lịch quốc tế như hoạt động lặn biển, du thuyền, thể thao dưới nước…

Thứ tư, các chính sách phát triển du lịch, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch hành động ở một mức độ địa phương còn thiếu và nếu có thì cũng chưa trở thành hệ thống và cụ thể. Hơn nữa các chính sách này cũng chưa thực sự xoáy sâu vào mục tiêu phát triển bền vững. Hoặc các chính sách có liên quan đến phát triển bền vững (xóa đói giảm nghèo) thì lại chưa thực sự gắn trực tiếp với phát triển du lịch.

Thứ năm, nhìn chung công tác phát triển bền vững nói chung và phát triển bền vững trong du lịch nói riêng còn chưa thực sự chuyên nghiệp, việc đánh giá các tác động môi trường trong phát triển du lịch còn chưa đầy đủ hoặc thậm chị chưa được triển khai. Việc quản lí, sử dụng các tài nguyên về đất, nước cũng như sự hợp tác công tư trong phát triển du lịch còn yếu và chưa hiệu quả.

  1. Giải pháp phát triển bền vững du lịch duyên hải Việt Nam
    • Các nguyên tắc chung để phát triển bền vững du lịch vùng duyên hải

Trong báo cáo về “Mười nguyên tắc phát triển vùng ven biển”[3], Michael Pawlukiewicz, Prema Katari Gupta và Carl Koelbel thuộc Viện nghiên cứu đất đô thị tại Mỹ (The Urban Land Institute, USA), đã đề xuất 10 nguyên tắc phát triển vùng ven biển như sau:

  • Tăng cường giá trị bằng cách bảo vệ và bảo tồn các hệ thống tự nhiên (Enhance Value by Protecting and Conserving Natural Systems)
  • Xác định các nguy cơ tự nhiên và giảm thiểu tính dễ tổn thương (Identify Natural Hazards and Reduce Vulnerability)
  • Áp dụng các đánh giá toàn diện cho khu vực và địa điểm (Apply Comprehensive Assessments to the Region and Site)
  • Giảm rủi ro bằng cách vượt các tiêu chuẩn về địa điểm và xây dựng (Lower Risk by Exceeding Standards for Siting and Construction)
  • Thực hiện linh hoạt tùy theo điều kiện ven biển (Adopt Successful Practices from Dynamic Coastal Conditions)
  • Áp dụng các ưu đãi theo cơ chế thị trường nhằm khuyến khích các phát triển tương ứng (Use Market-Based Incentives to Encourage Appropriate Development)
  • Quan tâm đến các vấn đề kinh tế và công bằng xã hội (Address Social and Economic Equity Concerns)
  • Cân đối quyền lợi tiếp cận công cộng và việc sử dụng với quyền sở hữu tư nhân (Balance the Public’s Right of Access and Use with Private Property Rights)
  • Bảo vệ nguồn tài nguyên nước dễ bị tổn thương trên bờ biển (Protect Fragile Water Resources on the Coast)
  • Cam kết vai trò của người quản lí (Commit to Stewardship That Will Sustain coastal areas)

Trong điều kiện Việt nam, nhóm nghiên cứu đề xuất một số nguyên tắc nhằm phát triển bền vững du lịch vùng duyên hải như sau:

Thứ nhất, nâng cao vai trò, đóng góp của dịch vụ du lịch đồng thời bảo vệ và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên.

Thứ hai, xác định rõ các nguy cơ, rủi ro tự nhiên và các rủi ro do con người gây ra khi tiến hành triển khai, đánh giá hoạt động du lịch.

Thứ ba, tăng cường mối liên hệ hợp tác công – tư trong phát triển du lịch.

Thứ tư, tôn trọng các quy luật thị trường trong phát triển du lịch.

Thứ năm, tôn trọng sự cân bằng về kinh tế và xã hội.

Thứ sáu, tôn trọng các mục tiêu phát triển bền vững nói chung của Liên hợp quốc và 3 mục tiêu cụ thể có liên quan đến du lịch.

  • Một số giải pháp phát triển bền vững du lịch tại các tỉnh duyên hải

Thứ nhất, đa dạng hóa các loại hình du lịch, các dịch vụ du lịch trên biển, trong nhà, trên đảo… giúp cho các du khách có nhiều lựa chọn hơn ngoài tắm biển. Đề án phát triển du lịch biển đảo đến năm 2020 có đề xuất phân loại các sản phẩm du lịch theo các đối tượng khách hàng cụ thể như đối với thị truờng khách Nhật Bản nên chú trọng thu hút khách du lịch tàu biển bằng những sản phẩm dịch vụ da dạng, cao cấp, xây dựng các tour tìm hiểu lối sống cộng đồng dịa phương; đối với thị truờng khách Tây Âu, Bắc Âu và Mỹ, Úc và New Zealand nên khuyến khích phát triển sản phẩm của du lịch thiên nhiên, sinh thái, mạo hiểm du lịch làng quê, du lịch nghỉ biển, du lịch tìm hiểu lối sống cộng đồng; đối với thị truờng khách Ðài Loan, Ðông Nam Á: cần phát triển tour tham quan, du lịch nghỉ biển, du lịch thể thao. Riêng thị trường khách Singapore cần phát triển du lịch tàu biển; đối với thị truờng khách nội địa: cần phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ biển, du lịch thiên nhiên, du lịch thể thao. Ngoài ra, các công ty du lịch, khách sạn, nhà hàng cần kết nối lại với nhau thiết kế nhiều tour du lịch, sản phẩm du lịch khác nhau và cần thay đổi nhiều loại hình sản phẩm lôi cuốn khác đã đến và khách chưa đến cũng như những khách tiềm năng …

Thứ hai, cần biết cách hài hòa các mâu thuẫn giữa các nhóm sở thích. Ví dụ về trường hợp Vịnh Studland nằm ở Đảo Purbeck, vùng Dorset, Anh. Nơi đây là một địa danh dụ lịch được nhiều người ưa thích. Nằm cách khu nghỉ dưỡng Swanage vài phút lái xe do đó hầu hết khách đến bằng xe hơi. Tuy nhiên, mọi người cũng có thể di chuyển bằng phà đến đây. Vịnh Studland là một ví dụ điển hình về nơi xảy ra mâu thuẫn giữa các nhóm sở thích. Tại đây, khu bảo tồn thiên nhiên là một khu vực cồn cát. Đây là những môi trường năng động, nhưng thường không ổn định và dễ bị tổn thương. Nơi đây có nhiều loài thực vật và chim quý hiếm. Đồng thời, khu vực này hấp dẫn khách du lịch vì những cồn cát và bãi biển đầy cát. Bãi biển có thể rất đông đúc trong những tháng hè. Du khách cần ở đâu đó để đỗ xe và cũng có thể cần tới các tiện ích khác, chẳng hạn như đường đi, nơi xả rác và nhà vệ sinh công cộng. Du khách có thể xả rác bừa bãi hoặc gây nguy hiểm hỏa hoạn do các lò nướng thịt lợn và đầu thuốc lá. Vậy chính quyền địa phương đã xử lí như thế nào?

Trước hết, các vùng dễ bị tổn thương và các khu vực gần đây được trồng cỏ marram (được sử dụng để ổn định các cồn cát) được rào chắn để hạn chế truy cập và thiệt hại.

Đồng thời, các lều bạt đã được trải qua các cồn cát để tập trung khách du lịch vào những con đường cụ thể. Các bãi đậu xe đã được xây dựng và mọi người không được lái xe trên bãi biển. Bình chữa cháy được đặt trong khu vực cồn cát trong trường hợp hỏa hoạn. Các tiện ích bao gồm cửa hàng, quán cà phê, nhà vệ sinh và thùng rác được cung cấp gần các bãi đỗ xe để tập trung khách du lịch vào một khu vực. Cuối cùng, các bảng thông tin giáo dục du khách về môi trường và cách thức họ có thể giúp bảo vệ nó.

Thứ ba, phát triển các hoạt động kinh tế khác có liên quan đến du lịch, như trang trại, nuôi trồng thủy hải sản để một mặt người lao động không quá phụ thuộc vào du lịch, mặt khác các hoạt động này cũng có thể tăng doanh thu lên nhờ kết hợp với du lịch. Một kinh nghiệm rất đáng ghi nhận tại thành phố Great Yarmouth, một thành phố du lịch thuộc vùng Norfolk, Vương Quốc Anh. Tại đây, nhằm giải quyết nạn thất nghiệp theo mùa, Hội đồng Thành phố đã thực hiện chương trình hỗ trợ kinh tế theo mùa, với hơn 520 người dân địa phương trong năm 2011 và 2012 để đào tạo để khuyến khích việc làm cả năm, giúp tạo ra một thị trường lao động đa dạng và bền vững. Ngoài ra, hội đồng đã thiết lập một quan hệ đối tác của EU để phát triển các kỹ năng để đào tạo trong lĩnh vực xây dựng truyền thống. Điều này sẽ hỗ trợ rất nhiều các dự án bảo tồn di sản và sẽ tạo ra những điểm thu hút du khách mới đồng thời bảo tồn các di tích lịch sử địa phương, bao gồm các tượng trưng kính và các vườn mùa đông có cấu tạo trước biển, đồng thời giúp cho người dân có thêm những kỹ năng được đào tạo giá trị.

Thứ tư, đối với cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường đầu tư  vào hoạt động du lịch đồng thời liên tục tập huấn công tác du lịch, đặc biệt, phong cách phục vụ phải chuyên nghiệp, ân cần, mến khách;  tuyên truyền các khách sạn, nhà hàng, quán ăn ký cam kết không tăng giá, không bán thực phẩm bẩn, nếu vi phạm sẽ đăng lên trang web về du lịch và tẩy chay ngày khách sạn hay nhà hàng làm ăn gian dối, lừa đảo khách… Cần có sự hợp tác vĩ mô đa dạng cấp liên ngành để xây dựng, triển khai và thực hiện các đề án phát triển bền vững tại khu vực duyên hải, trong đó các đề án phát triển du lịch. Ví dụ việc thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp chế biến thủy sản cần sự cân nhắc giữa các Bộ/Sở Kế hoạch và đầu tư, Bộ/Sở thông tin truyền thông, Bộ/Sở Giao thông vận tải, Bộ/Sở Văn hóa thông tin… khi xem xét triển khai xây dựng nhà máy ở đâu, có ảnh hưởng tới hệ sinh thái như thế nào, cần tuyên tuyền, giáo dục ý thức người lao động ra sao để giúp duy trì và phát triển môi trường tự nhiên và liệu dự án có ảnh hưởng tới việc thu hút khách du lịch hay không?

Cuối cùng, cần nâng cấp các sân bay gần biển thành các sân bay quốc tế, có thể đón các loại máy bay cỡ lớn như Boeing 777, Airbus 380, đồng thời tăng cường công tác truyền thông nhằm truyền bá các sản phẩm du lịch cho cộng đồng quốc tế.

  1. Kết luận

Vùng ven biển có tiềm năng lớn để phát triển du lịch ở nước ta. Chính phủ, địa phương và các doanh nghiệp du lịch cần phải chú trọng đến các nguyên tắc phát triển bền vững trong du lịch để giúp cho ngành này vừa đảm bảo là một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời giúp bảo tồn môi trường ven biển và đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động môi trường và góp phần vào sự an sinh của cộng đồng địa phương. Hiện nay, cần thiết phải tăng cường các khuôn khổ chính sách và cung cấp các cơ cấu quản trị hiệu quả cho du lịch ven biển bền vững. Tính bền vững của du lịch ven biển có thể tiếp tục được tăng cường bằng cách tích hợp quy hoạch du lịch trong bối cảnh tăng cường quản lý , tăng cường đánh giá các dự án phát triển du lịch, cải thiện giám sát và quản lý của các doanh nghiệp du lịch, và theo đuổi những lợi ích chung giúp bảo tồn hệ sinh thái và văn hóa cộng đồng địa phương,  nỗ lực từ hợp tác giữa khu vực công và tư nhân, xã hội hóa du lịch, tăng cường công tác truyền thông, giáo dục giúp cho cả bên cung lẫn bên cầu của thị trường du lịch hiểu rõ những mục tiêu phát triển bền vững nói chung và phát triển bền vững trong du lịch nói riêng.

Tài liệu tham khảo

  1. Liu J. H., Hills P. (1999), Marine Protected Areas and Local Coastal Conservation and Management in Hong Kong, Local Environment, vol. 2, n°.3.
  2. Lawal MohammedMarafa (2015), Integrating Sustainable Tourism Development in Coastal and Marine Zone Environment, Études Caribeennes, No 31-32, August December.
  3. Michael Pawlukiewicz, Prema Katari Gupta và Carl Koelbel (2007), Ten Principles for Coastal Development, the Urban Land Institute.
  4. Pawlukiewicz, Michael, Prema Katari Gupta, and Carl Koelbel (2007), Ten Principles for Coastal Development, Washington, D.C.: ULI–the Urban Land Institute.
  5. UNEP (2009), Sustainable Coastal Tourism.
  6. UNWTO (2002), British market of ecotourism.
  7. UNWTO (2016), Tourism background report, Tourism in the Green Economy.
  8. Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch, Ðề án “Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển đến năm 2020”.

 

 

[1] Trường Đại học Ngoại thương, Email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó.

[2] British market of ecotourism, UNWTO, 2002

[3] Ten Principles for Coastal Development, the Urban Land Institute, 2007.