Sidebar

Magazine menu

03
T6, 05

Tạp chí KTĐN số 119

 

ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG CÁC TRANG MẠNG CÓ MÃ NGUỒN MỞ VÀO GIẢNG DẠY TIẾNG ANH THƯƠNG MẠI Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI THƯƠNG

Vũ Thị Diễm Phúc[1]

 

Tóm tắt

Giáo dục và đào tạo, đặc biệt giáo dục đại học, không thể nằm ngoài xu thế phát triển của công nghệ thông tin thời đại 4.0, giảng viên cần tăng cường hiểu biết về công nghệ và ứng dụng của công nghệ nhằm thích ứng và tận dụng vào giảng dạy. Với mục tiêu cung cấp cho giảng viên hiểu biết về cơ sở pháp lý và trang bị kiến thức về ứng dụng trang mạng mã nguồn mở trong giảng dạy, cụ thể là trang canvas miễn phí, bài viết đề cập đến một số văn bản luật điều chỉnh, khuyến khích việc sử dụng công nghệ thông tin trong giáo dục; phân tích ưu điểm của việc áp dụng các trang mạng mã nguồn mở; tìm hiểu thực trạng sử dụng các trang mạng mã nguồn mở trong quá trình giảng dạy của giảng viên khoa Tiếng Anh Thương mại như một trường hợp cụ thể về ứng dụng mạng tương tác trong giảng dạy; và đưa ra các biện pháp đẩy mạnh ứng dụng các trang mạng này vào giảng dạy Tiếng Anh Thương mại. trong đó có hướng dẫn cách sử dụng Canvas miễn phí trong giảng dạy.

Từ khóa: Công nghệ thông tin, giảng dạy ngoại ngữ, giáo dục và đào tạo, mã nguồn mở, ứng dụng.

Abstract:

Understanding and applying technology in education and training, especially at Higher Education, is a must in the era of Industry 4.0. With an aim to encourage instructors apply technology in teaching languages at the Foreign Trade University, the author introduces the law documents that guide the application of technology in teaching, discusses the benefits of using an LMS, analyses the practice of applying LMS at the Faculty of Business English as a case study, and provides instructions of using Canvas Instructure as a tool for instructors in their teaching.

Keywords: Technology, language teaching, education and training, open source, application.

 

 

  1. Đặt vấn đề

Công nghệ thông tin đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển của xã hội trong thời đại ngày nay. Công nghệ thông tin đã trở thành nhân tố quan trọng, là cầu nối trao đổi giữa các thành phần của xã hội toàn cầu trong mọi vấn đề. Giáo dục và đào tạo, đặc biệt giáo dục đại học, không thể nằm ngoài xu thế tận dụng những cơ hội kỳ diệu được tạo ra nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin và những ứng dụng mà nó mang lại cũng như đối mặt với những thách thức trong việc thay đổi để theo kịp và thích ứng với những thay đổi chóng mặt của các ứng dụng công nghệ thông tin trong hỗ trợ tương tác giữa giảng viên và sinh viên.

Việc nhanh chóng đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và học tập đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhà nước ta. Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học, đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 đã nêu rõ nhiệm vụ này trong phần III, mục 2: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực. Chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức  học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học.”

Với sự phát triển của Internet, một trong các ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục đào tạo là việc sử dụng kết nối mạng để phục vụ học tập, lấy tài liệu học, trao đổi giao tiếp giữa người học với nhau và với giảng viên. Giảng viên có thể thông qua các trang mạng có mã nguồn mở để giao tiếp với sinh viên, có thể qua đó cung cấp tài liệu, nhận bài làm và trực tiếp chữa bài, thảo luận với sinh viên, kiểm tra đánh giá sinh viên. Các trang mạng này thúc đẩy sự tương tác giữa giảng viên và học viên, giữa các học viên với nhau. Tuy nhiên, nhiều giảng viên vẫn chưa biết đến các trang mạng tương tác này hoặc chưa tận dụng được hết các tính năng của chúng vào quá trình giảng dạy của mình và hỗ trợ việc học của sinh viên. Việc giảng dạy và học tập vẫn hầu như dựa vào phương pháp giao tiếp truyền thống giữa giảng viên và sinh viên, chưa tận dụng được các tiện ích của Internet để tiết kiệm thời gian, công sức trong quá trình giảng dạy, hỗ trợ kịp thời việc học tập của sinh viên và đánh giá sinh viên, cũng như chưa tiếp cận để khai thác được năng lực và xu hướng đam mê công nghệ của giới trẻ để tận dụng chúng vào việc học tập nói chung và học ngoại ngữ nói riêng.

Không thể nằm ngoài xu thế phát triển của công nghệ thông tin thời đại 4.0, giảng viên nói chung, giảng viên ngoại ngữ nói riêng, cần tận dụng và thích ứng với công nghệ trong hỗ trợ giảng dạy bằng tăng cường hiểu biết về công nghệ và ứng dụng của công nghệ. Với những lý do đó, tác giả bài viết hướng tới việc đẩy mạnh ứng dụng các trang mạng tương tác (có mã nguồn mở) vào giảng dạy Tiếng Anh Thương mại ở trường Đại học Ngoại thương. Mục tiêu của bài viết là nhằm cung cấp cho giảng viên hiểu biết về cơ sở pháp lý dựa trên một số văn bản luật điều chỉnh, khuyến khích việc sử dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và trang bị kiến thức về việc ứng dụng trang mạng Canvas instructure (gọi tắt là Canvas) miễn phí để giảng viên có thể áp dụng trong giảng dạy. Với các mục tiêu đó, bài viết đề cập đến một số văn bản luật điều chỉnh, khuyến khích việc sử dụng công nghệ thông tin trong giáo dục; phân tích ưu điểm của việc áp dụng các trang mạng mã nguồn mở; tìm hiểu thực trạng sử dụng các trang mạng mã nguồn mở trong quá trình giảng dạy của giảng viên khoa Tiếng Anh Thương mại như một trường hợp cụ thể về ứng dụng mạng tương tác trong giảng dạy; và đưa ra các biện pháp đẩy mạnh ứng dụng các trang mạng này vào giảng dạy Tiếng Anh Thương mại, trong đó có hướng dẫn cách sử dụng Canvas miễn phí trong giảng dạy. 

 

2. Cơ sở lý luận về ứng dụng các trang mạng tương tác có mã nguồn mở trong giảng dạy ngoại ngữ

2.1. Một số căn cứ pháp lý

Công nghệ thông tin đối với giáo dục Việt Nam phát triển mạnh mẽ khi bước vào thế kỉ 21. Chỉ thị 58 – CT/TW ngày 17 tháng 10 năm 2000 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nêu rõ “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giáo dục và đào tạo ở các cấp học, bậc học, ngành học. Phát triển các hình thức đào tạo từ xa phục vụ cho nhu cầu học tập của toàn xã hội. Đặc biệt tập trung phát triển mạng máy tính phục vụ cho giáo dục và đào tạo, kết nối Internet tới tất cả các cơ sở giáo dục và đào tạo.” Đây chính là cơ sở cho rất nhiều các văn bản pháp luật ra đời, nhằm thực hiện chỉ thị này.

Chỉ thị 58-CT/TW cho thấy Đảng đã sớm nhận ra vai trò của công nghệ thông tin và mối quan hệ hai chiều giữa công nghệ thông tin và giáo dục đào tạo. Ngày 24/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 81/2001/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình hành động nhằm triển khai Chỉ thị số 58-CT/TW. Quyết định đã chỉ rõ nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục là đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giáo dục và đào tạo ở mọi cấp học, bậc học, ngành học. Thực hiện chỉ thị 58-CT/TW và Quyết định 81/2001/QĐ-TTg, ngày 30 tháng 7 năm 2001, Bộ Giáo dục và đào tạo đã ban hành Chỉ thị số 29/2001/CT-BGDDT về tăng cường giảng dạy, đào tạo và ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục giai đoạn 2001- 2005. Chỉ thị 29/2001/CT-BGDDT cho rằng đối với giáo dục và đào tạo, công nghệ thông tin có tác dụng mạnh mẽ, làm thay đổi nội dung, phương pháp, phương thức dạy và học, và nêu rõ rằng công nghệ thông tin là phương tiện để tiến tới một "xã hội học tập". Mặt khác, giáo dục và đào tạo đóng vai trò quan trọng bậc nhất thúc đẩy sự phát triển của công nghệ thông tin thông qua việc cung cấp nguồn nhân lực cho công nghệ thông tin.

Với sự phát triển nhanh chóng không ngừng của công nghệ thông tin, Đảng và các cơ quan quản lý Nhà nước cũng liên tục cập nhật các văn bản chỉ đạo thể hiện chủ trương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học. Năm 2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chỉ thị số 55/2008/CT-BGDĐT về  tăng cường giảng dạy, đào tạo và ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục giai đoạn 2008 - 2012, Chỉ thị số 55 nhấn mạnh rằng công nghệ thông tin là công cụ đắc lực hỗ trợ đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập và hỗ trợ đổi mới quản lý giáo dục, góp phần nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng giáo dục, coi phát triển nguồn nhân lực CNTT và ứng dụng CNTT trong giáo dục là một nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa quyết định sự phát triển CNTT của đất nước. Chủ trương của Bộ giáo dục và Đào tạo trong giai đoạn này là tích cực triển khai các hoạt động xây dựng một xã hội học tập mà ở đó mọi công dân đều có cơ hội được học tập, bất cứ lúc nào (any time), bất cứ nơi đâu (any where) và học tập suốt đời (life long learning). Để thực hiện được mục tiêu này, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích giáo viên, giảng viên soạn bài trình chiếu, bài giảng điện tử và giáo án trên máy tính; khuyến khích giáo viên, giảng viên trao đổi kinh nghiệm giảng dạy qua website, coi e-learning có một vai trò chủ đạo làm tăng tính mềm dẻo trong việc lựa chọn cơ hội học tập cho người học.

2.2. Một số khái niệm về trang mạng tương tác có mã nguồn mở

E-learning (online learning hay phương pháp học tập trực tuyến) là phương thức học tập có sử dụng kết nối mạng để phục vụ học tập, lấy tài liệu học, trao đổi giao tiếp giữa người học với nhau và với giảng viên. Với phương thức này, mỗi khóa học trực tuyến có thể thu hút hàng chục thậm chí hàng trăm nghìn người tham dự trên toàn thế giới. Việc cung cấp các khóa học elearning là thông qua các trang mạng có mã nguồn mở (tiếng Anh còn gọi là learning management system - LMS). Các trang mạng có mã nguồn mở là một phần của phần mềm mã nguồn mở (open source software - OSS) hay còn gọi là phần mềm tự do nguồn mở (free and open source software FOSS hay F/OSS). Mã nguồn mở là các chương trình mã nguồn máy tính theo cách cho phép người sử dụng có quyền sửa đổi, cải tiến, phát triển, nâng cấp được nội dung phần mềm theo qui định riêng mà không cần xin phép ai, điều mà họ không được phép làm đối với các phần mềm nguồn đóng. Mã nguồn đóng là mã nguồn mà chúng ta chỉ được sử dụng và không thể thay đổi hay cải tiến phần mềm. Các trang mạng sử dụng mã nguồn mở cho phép người sử dụng có thể đăng tải, chỉnh sửa nội dung đã đăng tải theo ý mình muốn, có thể tạo diễn đàn để những người sử dụng khác cùng đăng tải và thay đổi nội dung đăng tải. Ví dụ như một lớp học trực tuyến sử dụng google class, giảng viên có thể đăng tải nội dung học, đề bài kiểm tra; học viên có thể nộp bài làm. Phần mềm nguồn đóng chẳng hạn như hệ điều hành Windows chỉ cho người dùng sử dụng mà không thay đổi được phần mềm.

Các trang mạng mã nguồn mở là miễn phí vì nhà cung cấp mã nguồn mở không được bán các sản phẩm nguồn mở vì nó là tài sản trí tuệ chung, không phải là tài sản riêng của một nhà cung cấp nào. Tuy nhiên, nhà cung cấp mã nguồn mở có thể yêu cầu người dùng trả một số chi phí về các dịch vụ bảo hành, huấn luyện, nâng cấp, tư vấn, vv… tức là những dịch vụ thực sự đã thực hiện để phục vụ người dùng. Như vậy có thể hiểu là các trang mạng có mã nguồn mở có thu phí để đảm bảo các dịch vụ của nhà cung cấp. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều nhà cung cấp sẵn sàng cung cấp các trang mạng có mã nguồn mở hoàn toàn miễn phí cho người sử dụng; hoặc các nhà cung cấp có thể kết hợp bằng cách cung cấp một trang mạng mã nguồn mở miễn phí nhưng có một số tính năng không được kích hoạt. Nếu người sử dụng muốn sử dụng được hết các tính năng của phần mềm mã nguồn mở thì phải trả một khoản phí nhất định.

 

2.3.  Vai trò của việc sử dụng các trang mạng tương tác có mã nguồn mở

  • Phần mềm có thể được sao chép hoàn toàn miễn phí, người sử dụng (giảng viên) có thể tùy ý chia sẻ nội dung với những người sử dụng khác (với nhà quản lý, giảng viên khác và sinh viên).
  • Về cơ bản, các định dạng file không hoàn toàn bị kiểm soát bởi một vài nhà cung cấp, giảng viên có thể chia sẻ file dạng video, audio, word, ppt, pdf, … .
  • Giảng viên không chỉ nắm bắt được phương pháp học tập mà còn là người tạo ra bài giảng phục vụ cho giảng dạy, các bài giảng e-learning phục vụ cho tự học của người học.
  • Phần mềm mã nguồn mở có ưu điểm nổi bật là tạo ra được một môi trường rất tốt phục vụ cho phương pháp dạy học tương tác, cá nhân hóa người học.
  • Giảng viên ngoài việc chia sẻ file với giảng viên khác và sinh viên, còn có thể tương tác trực tiếp với người học thông qua các diễn đàn, thông qua việc chữa bài và thảo luận tại các trang web này.
  • Các trang web mã nguồn mở giúp quản lý quá trình và kết quả học tập của sinh viên thông qua việc giảng viên có thể tiếp cận các bài làm của sinh viên, có thể chia sẻ các nhận xét, góp ý với bài làm của sinh viên, có thể lưu bảng điểm chi tiết của sinh viên.
  • Các trang web mã nguồn mở tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận các tài liệu tham khảo dễ dàng hơn, hỗ trợ việc theo dõi bài giảng trên lớp, lưu trữ tài liệu tham khảo, bài làm của mình tốt và thành hệ thống hơn.

 

3.  Thực trạng ứng dụng các trang mạng tương tác có mã nguồn mở tại khoa Tiếng Anh Thương mại

Bộ Giáo dục và Đào tạo với Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 (Đề án 2020) đã tăng cường việc đào tạo cho giảng viên về sử dụng phần mềm mã nguồn mở, song đến nay chưa có báo cáo kết quả ứng dụng trên phạm vi cả nước. Do chưa có điều tra nghiên cứu đầy đủ trên phạm vi lớn, bài viết này tôi xin giới hạn thực trạng việc ứng dụng các trang web mã nguồn mở trong giảng dạy ngoại ngữ bằng số liệu thu thập được tại khoa Tiếng Anh thương mại, trường Đại học Ngoại thương giai đoạn 2008-2020.

- Đội ngũ giảng viên và kế hoạch đào tạo ứng dụng các trang mạng mã nguồn mở trong giảng dạy ngoại ngữ theo đề án 2020:

Đội ngũ giảng viên thực tế giảng dạy tại Khoa Tiếng Anh thương mại tại thời điểm tháng 5 năm 2018 là 16 người. Thực hiện kế hoạch của Đề án 2020, 3 giảng viên đã được đào tạo trực tiếp chính thức về ứng dụng gnomio.com (một trang web có mã nguồn mở, là một trong các ứng dụng của Moodle) trong giảng dạy ngoại ngữ vào năm 2014. Đồng thời, 1 giảng viên được đào tạo gián tiếp thông qua việc tham dự một khóa học có sử dụng website mã nguồn mở. Như vậy tỷ lệ giảng viên được đào tạo chính qui và không chính qui là 25% (tức là = 4/16 người) tổng số giảng viên giảng dạy thực tế. Tỷ lệ giảng viên được đào tạo như vậy là chưa cao.

- Kết quả đào tạo ứng dụng các trang mạng mã nguồn mở trong giảng dạy ngoại ngữ theo đề án 2020:

+ Về kết quả ứng dụng các trang mạng mã nguồn mở vào giảng dạy sau khi được đào tạo thì trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2018 chỉ có 2 giảng viên đã áp dụng các trang mạng mã nguồn mở trong giảng dạy của minh, chiếm tỷ lệ 2/16, tương đương 12,5% tổng số giảng viên giảng dạy thực tế.

+ Trong số 3 giảng viên đã được đào tạo chính thức chỉ có 1 giảng viên áp dụng trang mạng mã nguồn mở trong giảng dạy, chiếm tỷ lệ 30%.

+ Trong số các giảng viên chưa được đào tạo thì tỷ lệ chưa ứng dụng các trang mạng mã nguồn mở vào giảng dạy giảng viên là 100% (tức là không có giảng viên nào ứng dụng khi chưa được đào tạo).

- Đánh giá chung: Số liệu thực tế như trên về tỷ lệ ứng dụng trang mạng mã nguồn mở trong giảng dạy ngoại ngữ tại khoa Tiếng Anh thương mại có thể nói là thấp. Lý do có thể được giải thích bằng các khó khăn trong ứng dụng trang mạng mã nguồn mở trong giảng dạy ngoại ngữ như dưới đây:

  • Sự nhận thức của giảng viên về việc ứng dụng các trang web mã nguồn mở trong giảng dạy ngoại ngữ còn hạn chế. Nhiều giảng viên chưa biết đến các trang web mã nguồn mở, nếu biết rồi thì còn băn khoăn trong việc lựa chọn trang web phù hợp với mục đích và thiết kế bài giảng của mình. Đôi khi, khó khăn chính ở khía cạnh ngôn ngữ, do việc nhiều trang web do các nhà cung cấp nước ngoài cung cấp nên ngôn ngữ trên các trang web là tiếng Anh, điều này gây khó khăn cho giảng viên không sử dụng được tiếng Anh, và kể cả giảng viên dạy tiếng Anh do họ ngại mất thời gian tìm hiểu, thử nghiệm cách sử dụng.
  • Xây dựng nguồn tài nguyên bài giảng: Để soạn bài giảng e-learning có chất lượng đòi hỏi tốn nhiều công sức của giảng viên. Hiện nay chế độ hỗ trợ chưa phù hợp với công sức bỏ ra để soạn bài giảng e-learning, vì vậy chưa khuyến khích được giảng viên. Khối lượng công việc của giảng viên nhiều, khó có thể bỏ thêm thời gian để soạn bài đưa lên trang web hay chữa bài trực tiếp trên trang web.
  • Cơ sở vật chất: đối với cả giảng viên và sinh viên đều đòi hỏi phải biết sử dụng thành thạo máy tính, có hiểu biết cơ bản về việc Windows và Web browser trên các loại máy tính khác nhau, điều kiện truy cập được vào mạng internet. Đường truyền internet chưa ổn định và tốc độ chậm làm cản trở sự tương tác của giảng viên và sự ham học của người học.
  • Chưa có sự đồng bộ hóa và tương thích giữa các cơ sở dữ liệu của trường và phần mềm mã nguồn mở, ví dụ giảng viên có thể quản lý điểm số của sinh viên ngay tại trang web mã nguồn mở nhưng vẫn phải nhập điểm vào hệ thống tín chỉ của trường do chưa có sự đồng bộ hóa giữa hai hệ thống.
  • Người học: việc tham gia học trên các trang mạng chưa trở thành động lực học tập.

 

4. Đề xuất về việc tận dụng lợi thế của các trang mạng mã nguồn mở trong môn học của mình đối với giảng viên

Với các lợi ích về kinh tế, sự an toàn bảo mật thông tin, và hiệu quả trong giao tiếp với sinh viên giúp làm tăng hiệu quả giảng dạy và học tập, giảng viên nên tăng cường việc ứng dụng các trang mạng mã nguồn mở vào hỗ trợ các hoạt động giảng dạy của mình. Trong bài viết này, tác giả xin nêu một số biện pháp dành cho giảng viên để giúp giảng viên đẩy mạnh việc sử dụng các trang mạng.

  • Học cách sử dụng các trang mạng tương tác thông qua đọc tài liệu hướng dẫn sử dụng trực tuyến.
  • Tham gia vào các buổi tập huấn nếu có tại trường, tại khoa về ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là ứng dụng các trang mạng mã nguồn mở.
  • Chủ động thực hành và đề xuất khó khăn nếu có với giảng viên đã tập huấn cho mình.
  • Tích cực và chủ động liên hệ với các chuyên gia, với những giảng viên có kinh nghiệm sử dụng các trang mạng mã nguồn mở để học hỏi và trao đổi kinh nghiệm.
  • Chuẩn bị tài liệu cẩn thận để sẵn sàng đăng tải trên các trang mạng này. Các trang mạng chính là nơi giúp giảng viên lưu trữ thông tin hiệu quả mà không lo bị virut tấn công.
  • Lựa chọn một trang mạng tương tác dễ sử dụng bằng cách tham khảo ý kiến các kỹ thuật viên, các giảng viên đã có kinh nghiệm sử dụng hay từ kinh nghiệm chính mình với tư cách học viên.

Để giúp giảng viên hiểu rõ hơn và có thể ứng dụng luôn trang mạng mã nguồn mở vào hỗ trợ hoạt động giảng dạy của mình, trong phụ lục bài báo này, tác giả bài viết trình bày hướng dẫn sử dụng trang mạng Canvas instructure phần miễn phí cho giảng viên với mong muốn cung cấp hướng dẫn một cách đơn giản nhất có thể giúp giảng viên giảm thời gian tìm hiểu, vượt qua nỗi lo ngại mất thời gian tìm hiểu và lo ngại phiền phức hoặc tốn kém khi sử dụng.

Bên cạnh nỗ lực của riêng từng giảng viên trong ứng dụng công nghệ vào giờ dạy của mình, cần có sự trợ giúp của nhà trường bằng các hoạt động cụ thể:

  • Việc ứng dụng các trang mạng mã nguồn mở đòi hỏi giảng viên có thời gian chuẩn bị, do đó nhà trường cần thanh toán cho thời gian làm việc như vậy. Việc thanh toán có thể qui thành giờ làm việc tương ứng với mỗi giờ giảng, hoặc qui thành giờ nghiên cứu khoa học của giảng viên.
  • Tổ chức các lớp tập huấn về ứng dụng công nghệ trong giảng dạy nói chung, ứng dụng các trang mạng mã nguồn mở nói riêng tại trường hoặc cử giảng viên tham dự các khóa tập huấn này tại các cơ sở đào tạo khác nhằm hỗ trợ đào tạo cho giảng viên sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ vào giảng dạy.
  • Cử kỹ thuật viên hỗ trợ giảng viên trong một kỳ ứng dụng đầu tiên để giảm thời gian chuẩn bị bài cho giảng viên và giúp giảng viên ứng dụng thành thạo hơn.
  • Mua bản quyền sử dụng các trang mạng cần thiết hỗ trợ giảng dạy như Canvas.

 

  1. Kết luận

Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng và không ngừng như hiện nay thì việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy là tất yếu và góp phần to lớn vào hiệu quả giảng dạy. Việc ứng dụng công nghệ từ các trang mạng mã nguồn mở trong giảng dạy ngoại ngữ có rất nhiều lợi ích song cũng không tránh khỏi các khó khăn trong quá trình ứng dụng. Hiểu rõ được tầm quan trọng của công nghệ thông tin, đã có nhiều chỉ thị, quyết định, thông tư được ban hành để điều chỉnh và hỗ trợ việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giáo dục và đào tạo. Với những hỗ trợ đó và hiểu biết riêng của mình, các giảng viên nên tìm hiểu và ứng dụng các trang mạng mã nguồn mở để hỗ trợ cho công tác giảng dạy của mình.

 

Phụ lục

Hướng dẫn sử dụng trang mạng mã nguồn mở Canvas instructure miễn phí

Canvas instructure là ứng dụng hiện nay được rất nhiều trường đại học lựa chọn do tính năng tuyệt vời là có thể kết nối với các mạng tương tác khác như youtube.com, facebook.com. Canvas có giao diện khá giống với Moodle. Canvas cung cấp tài khoản có phí sử dụng, nếu người sử dụng muốn được hoàn toàn miễn phí thì đăng ký tài khoản dạng  Free for teacher. Dù miễn phí nhưng tài khoản dạng Free for Teacher cũng đã có đủ nhiều tính năng tuyệt vời hỗ trợ cho việc giảng dạy của giảng viên.

Tạo tài khoản

- Bước 1: Giảng viên cần tạo tài khoản tại Canvas trước khi có thể truy cập và xây dựng bài giảng của mình trong Canvas. Để tạo tài khoản miễn phí, giảng viên truy cập vào trang https://canvas.instructure.com/register và chọn lập dạng tài khoản  Free for Teacher bằng cách nhấn vào ô màu xanh nước biển “I’m a teacher”.  (Tại trang truy cập này, người sử dụng cũng có thể đăng ký lập tài khoản sinh viên hoặc tài khoản cha mẹ nếu người đó có con đang theo học các khóa học trong Canvas và mong muốn theo dõi lớp học của con, theo dõi việc học tập của con.)

Hình 1 – Tạo tài khoản Canvas

- Bước 2: Tại trang truy cập sau khi click, giảng viên điền đầy đủ thông tin cá nhân rồi chọn “Submit”.

Hình 2 – Điền thông tin rồi nhấn Submit

- Bước 3: Sau đó tạo mật khẩu để tiếp tục. Mật khẩu phải có ít nhất 8 ký tự.

Hình 3 –Tạo mật khẩu với ít nhất 8 ký tự

- Bước 4: Xác nhận đăng kí bằng cách nhấn vào đường link trong email xác nhận được gửi về.

- Bước 5: Cập nhật thông tin cá nhân.

Nếu đã có tài khoản, người sử dụng sẽ đăng nhập từ địa chỉ trên hoặc từ https://canvas.instructure.com/login/canvas

Sử dụng các tính năng

Tạo khóa học

Click vào “Start a new course” tại góc trái phía trên của giao diện và cửa sổ sẽ hiện ra như hình phía dưới, cho phép người sử dụng  đặt tên cho khóa học mới.  Người sử dụng nhập tên khóa học rồi chọn “Create course” như hình 4.

Hình 4 – Tạo khóa học tại Canvas

Tạo mô-đun (Modules)

Mô đun (Modules ) là nơi tập trung toàn bộ nội dung của 1 khóa học, bao gồm tài liệu bài giảng, các bài tập thực hành (có thể nộp bài và chấm điểm), các bài tập trắc nghiệm, các thảo luận trực tuyến được sắp xếp theo trình tự của một Module học tập, có thể sắp xếp theo buổi học, theo tuần học, hoặc theo ý đồ giảng dạy của giảng viên.

Hình 5 – Tạo mô đun  nội dung khóa học

Tạo mô-đun bằng cách nhấn vào “Create a new module” như hình 5 và đặt tên cho mô đun như hình 6, ví dụ đặt là BC1.

Hình 6 – Đặt tên cho mô đun, ví dụ đặt là BC1

Tạo page, assignment, discussion

Tại mô đun trong ví dụ là BC1, nhấn vào dấu cộng như trong hình 7, làm theo hướng dẫn hình 8 để đăng tải tài nguyên giảng dạy vào bằng cách tạo thư mục bài tập, thảo luận, ví dụ tạo Assignment và đặt tên là Essay 1. Các tài nguyên này kết nối tới các lựa chọn page, assignment, discussion theo như cột thanh công cụ bên tay trái.

Hình 7 – Tạo thư mục BC1

Hình 8 - Đăng tải tài nguyên giảng dạy vào thư mục BC1.

 

 

Hình 9 – Nhấn vào Edit rồi thiết lập nội dung bài tập

Mời học viên vào lớp học

Sau khi người sử dụng thiết kế các khóa học phục vụ mục đích giảng dạy của mình thì có thể cho sinh viên quyền truy cập và bắt đầu khóa học. Để cho sinh viên quyền truy cập thì sinh viên trước hết phải có tài khoản với Canvas. Giảng viên sẽ lựa chọn chức năng People, nhập Email của các sinh viên đăng kí tài khoản sinh viên trên Canvas, rồi ấn Next.

Hình 10 – Chọn sinh viên vào lớp học

 

Gửi tin nhắn đến cá nhân

Để gửi tin nhắn cá nhân đến giảng viên hoặc sinh viên, người sử dụng vào phần Inbox, tìm người muốn gởi, nội dung muốn gửi và gửi tin nhắn.

Hình 11 – Gửi tin nhắn đến cá nhân

Thiết lập lịch làm việc

Lịch làm việc giúp giảng viên thiết lập hạn nộp bài, lịch trình bài midterm,... để giữ tiến độ dạy và học. Để tạo lịch làm việc, giảng viên nhấn vào mục Calendar, chọn nhấp chuột vào ngày hiển thị theo lịch rồi nhập thông tin theo ý muốn.

Hình 12 – Lịch làm việc trong Canvas

 

 

 

Tài liệu tham khảo

  1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2000), Chỉ thị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Chỉ thị số 58 – CT/TW ngày 17 tháng 10 năm 2000, truy cập ngày 15.6.2018 tại địa chỉ: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Cong-nghe-thong-tin/Chi-thi-58-CT-TW-day-manh-ung-dung-phat-trien-CNTT-phuc-vu-su-nghiep-CNH-HDH-8207.aspx.
  2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2001), Chỉ thị về tăng cường giảng dạy, đào tạo và ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục giai đoạn 2001- 2005, Chỉ thị số 29/2001/CT-BGDDT, ngày 30 tháng 7 năm 2001, truy cập ngày 15.6.2018 tại địa chỉ: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Cong-nghe-thong-tin/Chi-thi-29-2001-CT-BGDDT-tang-cuong-giang-day-dao-tao-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-nganh-giao-duc-giai-doan-2001-2005-48854.aspx.
  3. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2008), Chỉ thị về tăng cường giảng dạy, đào tạo và ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục giai đoạn 2008 - 2012, Chỉ thị số 55/2008/CT-BGDĐT, ngày 30 tháng 9 năm 2008, truy cập ngày 15.6.2018 tại địa chỉ: http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&mode=detail&document_id=78337.
  4. Bộ Thông tin và Truyền thông ( 2014), Thông tư quy định về vác sản phẩm phần mềm mã nguồn mở được ưu tiên mua sắm, sử dụng trong các cơ quan, tổ chức nhà nước, Thông tư số 20/2014/TT-BTTTT, ngày 05 tháng 12 năm 2014, truy cập ngày 12.6.2018 tại địa chỉ: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Cong-nghe-thong-tin/Thong-tu-20-2014-TT-BTTTT-san-pham-phan-mem-nguon-mo-uu-tien-mua-sam-su-dung-co-quan-to-chuc-nha-nuoc-259703.aspx.
  5. Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội tin học Việt Nam (2017), Báo cáo tóm tắt chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam năm 2017 – Vietnam ICT Index 2017, truy cập ngày 12.6.2018 tại địa chỉ: http://www.vaip.org.vn/download/20.17/Bao%20cao%20VN%20ICT%20Index%202017%20-%20Ban%20tom%20tat.pdf.
  6. Mark Johnson (2014), Open Source Options For Education, OSS Watch, truy cập ngày 12.6.2018 tại địa chỉ: http://oss-watch.ac.uk/resources/ossoptionseducation.
  7. Nguyễn Huỳnh Lộc & Nguyễn Thị Phương Thảo (2008), ‘Các đường hướng ứng dụng công nghệ trong việc dạy học ngoại ngữ - Some technology applications in language teaching’, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Đai học Đà Nẵng – Số 6, tr.29.
  8. Nguyễn Văn Long (2016), ‘Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học ngoại ngữ: Từ kinh nghiệm quốc tế đến thực tại Việt Nam’, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Nghiên cứu Giáo dục, Số 2, Tập 32, tr. 36-47.
  9. Thủ tướng Chính phủ (2001), Quyết định số 81/2001/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình hành động triển khai Chỉ thị số 58-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Quyết định số 81/2001/QĐ-TTg , ngày 24 tháng 5 năm 2001, truy cập ngày 15.6.2018 tại địa chỉ:  https://thuvienphapluat.vn/van-ban/cong-nghe-thong-tin/quyet-dinh-81-2001-qd-ttg-duyet-chuong-trinh-hanh-dong-trien-khai-chi-thi-58-ct-tw-day-manh-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-trong-cong-nghiep-hoa-47941.aspx.

 

[1] Trường Đại học Ngoại thương, Email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó.