Sidebar

Magazine menu

18
T5, 04

 

KINH NGHIỆM CÁC NƯỚC TRONG PHÁT TRIỂN HỢP TÁC GIỮA TRƯỜNG ĐẠI HỌC VÀ DOANH NGHIỆP[1]

Nguyễn Hoài Nam[2]

 Nguyễn Thu Hà[3]

Nguyễn Thị Sâm[4]

Trần Tú Uyên[5]

Tóm tắt

Sự hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp trở nên cần thiết không chỉ riêng đối với nhà trường và doanh nghiệp, mà cả đối với các khu vực và quốc gia trên thế giới. Mối quan hệ hợp tác này không chỉ làm tăng khả năng chuyển giao công nghệ và tri thức, mà còn giúp các doanh nghiệp mới phát triển trên tinh thần khởi nghiệp. Để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh trong thị trường năng động hiện nay, đồng thời đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế của quốc gia và đáp ứng đòi hỏi khắt khe của thị trường lao động, việc hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp càng có ý nghĩa quan trọng. Bài viết này tập trung phân tích kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong việc phát triển hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp, nghiên cứu thực trạng hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp tại Việt Nam nhằm chỉ ra những vấn đề hạn chế trong việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác này như: vai trò của các bên liên quan còn mờ nhạt, chính sách cho việc phát triển mối quan hệ này còn hạn chế, phương thức và nội dung hợp tác còn chưa mang tính lâu dài. Trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm hợp tác từ các nước và thực trạng hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học tại Việt Nam, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm phù hợp cho Việt Nam.

Từ khóa: Hợp tác, trường đại học và doanh nghiệp, kinh nghiệm quốc tế.

 

Abstract

Collaboration between universities and firms has become necessary not only for the entities themselves, but also for nations and regions all over the world. On one hand, the university-industry linkage increases the chance to transfer technology and knowledge, and on the other hand, this develops new businesses in the entrepreneural spirit. In order to improve the competitiveness in today's dynamic market, to contribute to the national economic growth and to meet the rigorous demands of the labor market, the collaboration and linkages between universities and firms have become even more important. This paper discusses the best practices and experiences of countries worldwide in enhancing the university-industry linkages, studying the cooperation between universities and firms in Vietnam, clarifying limitations in promoting this cooperation as: the role of stakeholders is still fuzzy, the policy for developing this relationship is limited, the method and content of cooperation is not long-term. On the basis of learning from cooperative experiences from typical countries and the status of cooperation between universities and firms in Vietnam and then draws relevant lessons for Vietnam.

Keywords: Cooperation, university-industry linkage, international experiences.

 

  1. Đặt vấn đề

Hiện nay cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang trong giai đoạn khởi phát và sẽ tác động đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, đồng thời thay đổi hoàn toàn hệ thống sản xuất và quản trị đang áp dụng. Điều này sẽ buộc tất cả các thành phần kinh tế cần đổi mới sáng tạo để có thể thích nghi với môi trường mới. Các trường đại học và các doanh nghiệp cũng không nằm ngoài quy luật này. Các trường đại học sẽ là nơi đầu tiên nghiên cứu các công nghệ mới, trong khi đó các doanh nghiệp lại là nơi áp dụng những kết quả nghiên cứu này vào thực tế. Sự hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp là một sự thật khách quan, là một xu thế tất yếu, là mối quan hệ “win-win”, mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Nhận thức được tầm quan trọng của mối quan hệ giữa trường đại học và doanh nghiệp mà ở nhiều nước trên thế giới đã phát triển nhiều mô hình hợp tác đem lại hiệu quả to lớn và giải quyết nhiều vấn đề cho các bên tham gia. Tại Việt Nam trong những năm gần đây, việc xây dựng quan hệ hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp cũng đã được một số trường quan tâm và triển khai thực hiện. Tuy nhiên, kết quả còn khá khiêm tốn, chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Bởi vậy bài viết này nghiên cứu kinh nghiệm phát triển hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp của các nước trên thế giới và rút ra bài học cho Việt Nam.

  1. 2. Khái quát chung về hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp

2.1. Khái niệm

  Hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp đã được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm và xem xét cũng như đưa ra nhiều giải pháp nhằm thực hiện vấn đề này.

Mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp được hiểu như là những giao dịch giữa các trường đại học và các tổ chức sản xuất kinh doanh vì lợi ích của cả hai bên. Đẩy mạnh việc hợp tác nàyvà khai thác giá trị của nó có thể giúp nhà trường tháo gỡ những khó khăn về tài chính, và giúp các doanh nghiệp đạt được hoặc duy trì ưu thế cạnh tranh trong thị trường năng động ngày nay, đồng thời đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế của quốc gia và đáp ứng đòi hỏi của thị trường lao động (Carayon, 2003; Gibb & Hannon, 2006).

 Sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp thực chất còn là sự tương tác giữa trường đại học và các học giả, các nhân viên, các tổ chức, cơ quan nhà nước và các đơn vị liên quan tại địa phương. Sự hợp tác này thể hiện việc các bên quan tâm đến các công việc; thông tin về chính sách cũng như các kết quả về các hình thức hợp tác, giữa lý thuyết và thực tiễn (Dan, 2013).

           Như vậy có thể định nghĩa quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là tất cả mọi hình thức tương tác trực tiếp hay gián tiếp, có tính chất cá nhân hay tổ chức giữa trường đại học và các doanh nghiệp nhằm hỗ trợ lẫn nhau vì lợi ích của cả hai: hợp tác trong nghiên cứu và phát triển, kích thích sự vận động năng động qua lại của giảng viên, sinh viên và các nhà chuyên môn đang làm việc tại các doanh nghiệp; thương mại hóa các kết quả nghiên cứu; xây dựng chương trình đào tạo; tổ chức học tập suốt đời; hỗ trợ các nỗ lực sáng nghiệp và quản trị tổ chức.

2.2. Lợi ích của hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp

Trên góc độ của cơ sở giáo dục đại học, mối liên kết này mang lại những lợi ích sau đây:            

Thứ nhất, liên kết giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp giúp các cơ sở giáo dục đại học có thể bán các sản phẩm nghiên cứu của mình, tăng thu nhập cho đơn vị, tăng quỹ cho nghiên cứu khoa học, điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tất yếu về tự chủ tài chính của các cơ sở giáo dục đại học như hiện nay tại Việt Nam. Theo Dooley và Kirk (2007), liên kết giữa các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp đã làm tăng lượng lớn các bằng phát minh sáng chế của nhà trường chuyển giao cho các doanh nghiệp dưới hình thức chuyển giao sản phẩm khoa học công nghệ. Các doanh nghiệp sẽ đầu tư nguồn vốn phục vụ nghiên cứu cho cơ sở giáo dục đại học, các hình thức đầu tư có thể đa dạng như đầu tư trang thiết bị cho phòng thí nghiệm, trao đổi học bổng cho sinh viên, đầu tư cho hoạt động R&D, v.v.

Thứ hai, nhờ mối liên kết này các giảng viên của các cơ sở giáo dục đại học cũng sẽ năng động hơn, không những đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao năng lực nghiên cứu, đồng thời cập nhật những công nghệ tiên tiến, áp dụng kinh nghiệm thực tế vào giảng dạy, nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu một cách hiệu quả. Đối với sinh viên sẽ có môi trường thực tế để thực hành, được lựa chọn những môn học, học phần phù hợp với khả năng của mình. Hơn nữa sau khi tốt nghiệp cơ hội việc làm trở nên rộng mở do đã được học đúng chuyên môn mà doanh nghiệp đang cần, thực hành tại chính những doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng.

Thứ ba, sau khi doanh nghiệp sử dụng sản phẩm của cơ sở giáo dục đại học (cả sản phẩm công nghệ và sản phẩm con người), các doanh nghiệp sẽ có những phản hồi về độ thỏa dụng, tính hữu ích cũng như các ưu nhược điểm của sản phẩm. Căn cứ trên những phản hồi này cơ sở giáo dục đại học cần phải đổi mới sáng tạo, cập nhật chương trình đào tạo, chương trình nghiên cứu của mình để phù hợp với những đòi hỏi không ngừng của người tiêu dùng, mà doanh nghiệp là trung gian để truyền tải các thông điệp này.

Bên cạnh đó, dưới góc độ lợi ích đối với các doanh nghiệp cũng có rất nhiều điểm quan trọng. Thứ nhất, công nghệ mới ngày càng phức tạp gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực và năng lực cần thiết cho quá trình đổi mới công nghệ và thương mại hóa thành công (Woo, 2003). Do đó, khi doanh nghiệp liên kết hợp tác với cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiêp sẽ tận dụng được nguồn tri thức dồi dào và khả năng nghiên cứu vượt trội của các nhà khoa học. Doanh nghiệp có thể dễ dàng có được các sản phẩm công nghệ mới với chi phí thấp nhất và trong thời gian nhanh nhất thông qua việc đặt hàng cho cơ sở giáo dục đại học.

Thứ hai, có thể kể đến nguồn nhân lực chất lượng cao là các sinh viên đại học sau khi tốt nghiệp, doanh nghiệp có thể trực tiếp yêu cầu nhà trường đào tạo những kỹ năng, những môn học cần thiết cho nhu cầu tuyển dụng của mình mà không cần phải đào tạo lại như phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải.

Thứ ba, việc liên kết với cơ sở giáo dục đại học sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế. Bên cạnh mục tiêu lợi nhuận doanh nghiệp cũng sẽ quan tâm đến trách nhiệm xã hội của mình hơn, do trong các nghiên cứu đổi mới sáng tạo của mình, trường đại học luôn quan tâm đến tính bền vững, tăng cường khả năng bảo vệ môi trường. Việc luôn được tiếp cận với các sản phẩm có tính sáng tạo cao, thân thiện với môi trường mà các trường đại học nghiên cứu ra sẽ giúp doanh nghiệp tự đổi mới mình, đổi mới quy trình công nghệ và hoàn thiện mình hơn.

2.3. Phương thức hợp tác

              Mối quan hệ hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp là xu hướng phổ biến và được đánh giá là giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Tùy tình hình, đặc điểm của từng nước, từng ngành mà mỗi nước sẽ lựa chọn phương thức hợp tác phù hợp để phát triển, theo Nguyễn Thu Thủy và Bùi Thị Kim Phúc (2017), các phương thức hợp tác phổ biến có thể kể đến:

- Hợp tác trong nghiên cứu: Đây là hình thức hợp tác cao nhất giữa nhà trường và doanh nghiệp, nhưng thực tế còn diễn ra rất khiêm tốn trong giới hàn lâm. Mục đích của sự hợp tác này là đạt đến sự hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu của nhà trường, thực hiện các dự án liên kết mà giới hàn lâm và các doanh nghiệp cùng tiến hành. Các trường có thể tìm kiếm sự hợp tác này bằng cách chủ động giới thiệu với các doanh nghiệp những chương trình nghiên cứu khả dĩ đem lại lợi ích trực tiếp cho các doanh nghiệp.

- Thương mại hóa các kết quả nghiên cứu: Đây là điều khá phổ biến trong các nước phát triển mặc dù còn ít được giới hàn lâm trong trường đại học chú ý. Thương mại hóa ở đây bao gồm cả chuyển giao công nghệ. Ở các nước đang phát triển như Việt Nam, để có thể đẩy mạnh hình thức hợp tác này, một điều rất cần phải làm ngay là củng cố bộ khung thể chế bảo đảm trong thực tế quyền sở hữu trí tuệ. Hoạt động này thường tập trung ở những người đang có quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyên ngành của họ. Cần thúc đẩy lợi ích của cả ba bên, giới hàn lâm, nhà trường và doanh nghiệp, và ủng hộ các nỗ lực của họ.

- Thúc đẩy khả năng lưu chuyển của sinh viên: bằng cách tạo ra các cơ chế hỗ trợ họ, ví dụ như đưa sinh viên đi thực tập và tạo ra cơ hội giao lưu để họ có thể trải nghiệm nhiều khía cạnh phong phú của thế giới bên ngoài nhà trường. Tăng cường phối hợp với phòng nhân sự của các công ty, doanh nghiệp để tạo điều kiện cho sinh viên đến với thế giới việc làm.

- Thúc đẩy sự vận động, lưu chuyển của giới hàn lâm: Khuyến khích những hoạt động giao lưu hay hợp đồng làm việc ngắn hạn của giới hàn lâm trong các doanh nghiệp nhằm xây dựng quan hệ, chia sẻ quan điểm và nắm bắt thực tế. Cần có luật lệ, quy định để quyền lợi của giảng viên (như hưu bổng, kỳ nghỉ, sự thăng tiến, v.v.) không bị ảnh hưởng bởi thời gian làm việc ngắn hạn như thế.

- Xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo: Có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và giúp sinh viên thích ứng tốt với đòi hỏi của thị trường lao động. Cần khuyến khích sự tham gia của giới doanh nghiệp vào việc xây dựng và cập nhật chương trình của nhà trường, thông qua các cuộc thảo luận và trao đổi thông tin. Giới chuyên gia đang làm việc tại các doanh nghiệp cũng là một nguồn hợp tác đầy tiềm năng trong việc đảm nhận một phần việc giảng dạy trong nhà trường.

- Học tập suốt đời: hiện nay hoạt động này còn rất ít có sự hợp tác giữa hai bên. Cần nâng cao hiểu biết về học tập suốt đời, và tăng cường giao tiếp với các doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu cũng như lợi ích và khả năng thực hiện nhiều hình thức học tập khác nhau mà nhà trường có thể đem lại cho doanh nghiệp.

- Hỗ trợ tinh thần sáng nghiệp và các hoạt động khởi nghiệp: Nâng cao tinh thần sáng nghiệp trong nhà trường, tạo ra một văn hóa kích thích giảng viên và sinh viên suy nghĩ và hành động với tinh thần khởi nghiệp, đặt họ trước những con đường sáng nghiệp của giới doanh nghiệp và lôi cuốn họ thoát ra khỏi lối mòn tư duy.

- Tham gia quản trị nhà trường: Tăng cường sự tham gia của giới doanh nghiệp vào quá trình ra quyết định ở tầm lãnh đạo của nhà trường. Mời những người thành đạt trong giớidoanh nghiệp tham gia vào hội đồng trường. Họ sẽ giúp ích nhà trường rất nhiều đặc biệt là về chiến lược phát triển.

  1. 3. Kinh nghiệm hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp trên thế giới

3.1. Cộng hòa Liên bang Đức

Với nền giáo dục phát triển của thế giới, Đức là một trong những quốc gia đi đầu về các mô hình liên kết giữa các trường đại học và doanh nghiệp, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Điển hình như mô hình liên kết từ Trường Đại học Khoa học tự nhiên FH Mainz (Đức) với thành viên của Chương trình đối tác Đại học SAP. Trường FH Mainz có mối quan hệ liên kết với hơn 500 doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ trong hoạt động đào tạo nhân lực tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nhờ hoạt động liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo, Nhà trường đã tạo dựng được uy tín lớn đối với các đơn vị sử dụng lao động. Một trong những thành công lớn của Nhà trường được đánh dấu bởi việc tham gia Chương trình đối tác Đại học SAP.

Chương trình đối tác Đại học SAP là một sáng kiến có tính chất toàn cầu, được sự chia sẻ và tài trợ chính từ SAP - một doanh nghiệp hàng đầu trong cung cấp giải pháp và phần mềm quản trị doanh nghiệp. Chương trình đã phát triển mở rộng và có tính toàn cầu, thu hút hơn 800 trường đại học tại 36 quốc gia, hơn 2.200 giảng viên và 150.000 sinh viên tham gia, như: Đức, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan... Mô hình này đã kết nối cộng đồng các trường đại học và doanh nghiệp, đạt được nhiều thành công trong hoạt động xây dựng chương trình đào tạo; phát triển năng lực giảng viên, sinh viên; cung cấp những công cụ và tài nguyên phục vụ giảng dạy, học tập cho sinh viên ngành công nghệ... Trong mô hình này, các trường đại học được cung cấp miễn phí phần mềm SAP và nhiều công cụ, tài liệu phục vụ đào tạo. Ngược lại, doanh nghiệp cũng được hưởng lợi từ nguồn nhân lực chất lượng cao mà nhà trường đào tạo; được tiếp cận với nguồn chất xám của các giáo sư, tiến sĩ trong nhà trường phục vụ sự phát triển của doanh nghiệp.

3.2. Trung Quốc

 Tại Trung Quốc xu thế hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp ngày càng tăng, đặc biệt là trong các dự án chiến lược công nghệ cao ở Trung Quốc (Fiaz, 2013). Sau những thay đổi đáng kể trong chính sách thương mại năm 1978, Trung Quốc đặc biệt chú trọng phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Để đạt được các mục tiêu quốc gia thì sự hợp tác trong R&D là rất cần thiết. Các tổ chức mong muốn hợp tác để chia sẻ gánh nặng về chi phí và nỗ lực thực hiện R&D. Các ấn phẩm nghiên cứu của các học giả Trung Quốc và tỷ lệ bằng sáng chế công nghệ đang ngày càng tăng ở Trung Quốc. Các doanh nghiệp công nghệ cao có khuynh hướng chia sẻ các dự án với các trường đại học. Các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp được nhà nước hỗ trợ và các doanh nghiệp địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường các mối quan hệ đại học - doanh nghiệp. Tại Trung Quốc sự hợp tác này được thiết lập và khuyến khích là do các yếu tố như: xu hướng R&D, các rủi ro khi thực hiện R&D, các nhân tố khuyến khích R&D. Các nhà nghiên cứu cũng đồng ý rằng chiến lược hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp là một yêu cầu thực tế bắt buộc đối với Trung Quốc để đạt được mục tiêu trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo của thế giới.

           Việc mở cửa nền kinh tế của Trung Quốc bắt đầu với chính sách mở cửa vào năm 1978 cùng với những chính sách khuyến khích đầu tư vào Trung Quốc đã khiến cho nhiều thương hiệu quốc tế bắt đầu mở rộng kinh doanh tại đây. Trong vài thập kỷ qua, nhiều sản phẩm của quá trình đổi mới sáng tạo đã được đưa vào áp dụng để đạt được những lợi thế cạnh tranh. Sự canh tranh dựa trên đổi mới sáng tạo của công nghệ mà các doanh nghiệp có được từ những nghiên cứu hàn lâm. Chính bởi lẽ đó mà sự hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp đã thu hút được nhiều sự chú ý trong nền văn minh công nghiệp mới phát triển của Trung Quốc. Trung Quốc đã công bố Chương trình Quốc gia về Phát triển Công nghệ và Khoa học Trung hạn và Dài hạn 2006–2020 (Crookes, 2009). Mục đích là để truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động R&D, thiết lập các trung tâm R&D chung dẫn đến sự gắn bó giữa các học viện, doanh nghiệp và các viện nghiên cứu khoa học được nhà nước hỗ trợ với nhau. Chính sách này đã được triển khai giúp Trung Quốc vươn lên vị trí hàng đầu trong các quốc gia dẫn đầu về các công trình nghiên cứu. Nhiều trường đại học đang thực hiện các dự án R&D kết hợp công và tư. Nhiều viện nghiên cứu khác nhau đã được thành lập bởi Chính phủ Trung Quốc để hỗ trợ và bắt đầu thực hiện các chương trình R&D công nghệ cao, trong đó có Viện Vật lý Ứng dụng Thượng Hải, Viện Công nghệ Điện tử Nam Kinh, Viện Vật lý Kỹ thuật Thượng Hải, Học viện Hàng không Vũ trụ thứ 8 Thượng Hải…

3.3. Na Uy

Hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp ở Na Uy ngày càng được gia tăng và duy trì sự ổn định. Ngay từ những năm 1980, nhiều doanh nghiệp đã tài trợ cho hoạt động R&D trong các trường đại học, và đến những năm 1990 nhiều nghiên cứu sinh còn tìm được việc làm trong các công ty khi chưa tốt nghiệp (Gulbrandsen & Nerdrum, 2007).

Ở Na Uy, vào đầu thế kỷ XX, việc đẩy mạnh hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp là mối quan tâm của các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và các nhà giáo dục. Năm 2003, Na Uy đã theo gương của nhiều quốc gia, bao gồm Đan Mạch, Đức, Bỉ và Hà Lan, thực hiện thay đổi chính sách để đẩy mạnh xu hướng hợp tác này. Một số chương trình và chính sách cụ thể ở Na Uy như sau: (1) Các chương trình do Hội đồng Nghiên cứu Na Uy thực hiện, bao gồm “các dự án do người dùng quản lý”, hỗ trợ hợp tác đổi mới khu vực, chương trình thương mại hóa kết quả R&D, trung tâm nghiên cứu cơ bản (các công ty là đối tác ở một số trung tâm) và trung tâm "đổi mới dựa trên nghiên cứu" (quan hệ đối tác công-tư); (2) Các chương trình của tổ chức đổi mới “Innovasjon Norge” bao gồm các trung tâm chuyên môn và các cơ chế hỗ trợ theo vệ tinh, hỗ trợ dự án đổi mới sáng tạo và các sáng kiến khác nhau dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs); (3) Hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho Cơ quan Phát triển Công nghiệp SIVA nhằm hỗ trợ 18 vườn ươm, 18 công viên khoa học, 9 công ty đầu tư, v.v. Tám công viên khoa học đều nằm gần một trường đại học lớn, trong khi hầu hết các công viên kiến thức đều có liên kết đến một trường cao đẳng quốc gia; (4) Hợp đồng phát triển công nghiệp và công cộng, bao gồm hỗ trợ R&D trong các công ty vừa và nhỏ có liên quan đến việc mua sắm của các cơ quan nhà nước hoặc các công ty lớn; và (5) Các khoản khấu trừ thuế cho hoạt động R&D tư nhân, trong đó số tiền khấu trừ được tăng gấp đôi nếu công ty hợp tác với một “tổ chức R&D được phê duyệt” - bao gồm tất cả các trường đại học, cao đẳng và viện nghiên cứu của Na Uy và nước ngoài (Gulbrandsen & Nerdrum, 2007). Các hình thức hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp điển hình như sau:

  • Hợp tác giữa trường đại học – doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu

Tại Na Uy, Hội đồng nghiên cứu khoa học và công nghệ Na Uy đã đưa ra đề xuất chương trình nghiên cứu “do người dùng quản lý”, doanh nghiệp tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu của trường đại học đáp ứng được các yêu cầu cụ thể của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp công nghệ tiên tiến của Na Uy đã tham gia vào làn sóng nghiên cứu do người dùng quản lý. Từ giữa những năm 1990, các cơ chế chính sách mới tập trung hơn vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp công nghệ thấp và các trường đại học có năng lực nghiên cứu yếu kém. Một số chương trình đã tìm cách xây dựng các mối quan hệ mới thông qua kết nối với các doanh nghiệp từng có ít hoặc không có kinh nghiệm trong việc hợp tác với các trường đại học. Sự tăng cường tương tác như vậy đã làm cho các nhà nghiên cứu ở trường đại học thoát ra khỏi nghiên cứu và giảng dạy thuần túy, hướng đến hoạt động đổi mới sáng tạo gắn với nhu cầu của thị trường.

Về hoạt động đồng xuất bản các ấn phẩm nghiên cứu: việc đồng xuất bản là một yếu tố quan trọng trong sự hợp tác. Tại Na Uy, tỷ lệ các trường đại học và cao đẳng có các ấn phẩm đăng trên ISI chiếm trên 80%, cao hơn khoảng 8% so với mức của các nước như Canada, Hà Lan và Vương quốc Anh (Calvert & Patel, 2003). Số lượng đồng xuất bản các ấn phẩm không chỉ tăng giữa các trường đại học và viện nghiên cứu mà còn tăng nhờ việc hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp cũng như giữa doanh nghiệp và viện nghiên cứu.

Về đổi mới sáng tạo: sự hợp tác đổi mới sáng tạo giữa các doanh nghiệp và khu vực nghiên cứu công lập đặc biệt phổ biến trong các ngành công nghiệp quan trọng của quốc gia như hóa chất, thiết bị truyền thông, dầu khí, kim loại cơ bản và bột giấy. Các trường đại học trở thành đối tác quan trọng hơn các viện nghiên cứu trong các ngành công nghệ cao, và ngược lại các viện nghiên cứu quan trọng hơn trường đại học trong lĩnh vực sản xuất. So với các quốc gia khác, các công ty của Na Uy đánh giá cao trường đại học và viện nghiên cứu, coi đây là đối tác và là nguồn thông tin quan cho hoạt động của doanh nghiệp.

  • Hợp tác giữa trường đại học – doanh nghiệp trong hoạt động giảng dạy

Sự xuất hiện của đại diện doanh nghiệp tại các trường đại học cho thấy vai trò tạo cần thiết để có những thay đổi trong chương trình giảng dạy và phương pháp nghiên cứu phù hợp với yêu cầu thực tế. Một dấu hiệu khác của “mối quan hệ giảng dạy” cũng là dấu hiệu chứng minh năng lực nghiên cứu và phát triển và khả năng áp dụng vào thực tiễn đó là số lượng tiến sĩ làm việc trong các lĩnh vực khác nhau. Trong nhiều năm qua nhiều công ty của Na Uy đã tiến hành hỗ trợ các chương trình đào tạo tiến sĩ.

  • Hợp tác giữa trường đại học – doanh nghiệp trong khởi nghiệp và thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu

Tất cả các trường đại học và cao đẳng Na Uy đều có nêu rõ khởi nghiệp và thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu có tầm quan trọng không kém so với hai nhiệm vụ nghiên cứu và giảng dạy. Tại Na Uy các trường đại học được cấp kinh phí để thành lập văn phòng chuyển giao công nghệ. Các công viên khoa học bên ngoài và vườn ươm chủ yếu hoạt động như các văn phòng chuyển giao công nghệ. Ở một mức độ nào đó cho thấy định hướng thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu khá phổ biến trong hệ thống giáo dục ở Na Uy. Nhiều tổ chức nghiên cứu công có truyền thống lâu đời về tạo lập các doanh nghiệp khởi nghiệp và có văn phòng chuyển giao công nghiệp của riêng mình đóng vai trò cầu nối hỗ trợ rất hiệu quả (Gulbrandsen và cộng sự, 2006).

3.4. Úc

            Việc hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp là cần thiết bởi những sinh viên tốt nghiệp ra trường sẽ là lực lượng lao động chính, là tài sản quý giá của doanh nghiệp. Sinh viên ra trường với kiến thức được học sẽ áp dụng vào thực tiễn. Tuy nhiên không phải sản phẩm đào tạo nào của trường cũng đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp, chính vì lẽ đó các doanh nghiệp của Úc đã tham gia vào quá trình đào tạo sinh viên, ví dụ như góp ý đưa các chuyên đề mà doanh nghiệp thấy cần thiết vào chương trình đào tạo để sinh viên nghiên cứu và thực hành như quản lý vốn, quản lý rủi ro, xây dựng kế hoạch kinh doanh, giao dịch với các đối tác và nhiều tình huống khác. Không chỉ tham gia đào tạo bằng các chuyên đề giảng dạy mà nhiều doanh nghiệp còn đặt hàng nghiên cứu với mong muốn tạo ra nhiều sản phẩm có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường.

            Một trong những mô hình thành công nhất và trở thành mô hình trọng điểm quốc gia đó là “The Business/Higher Education Round Table” được giới thiệu vào năm 1990 để tăng cường mối quan hệ giữa doanh nghiệp, các ngành và giáo dục đại học (The Hon Christopher Pyne MP, 2014) – một mô hình bàn tròn hợp tác doanh nghiệp và đại học. Đây là một dạng câu lạc bộ đảm nhiệm vai trò kết nối các doanh nghiệp và trường đại học. Mục đích của diễn đàn này là giao lưu, kết nối giữa các trường đại học và các doanh nghiệp; đồng thời hợp tác tổ chức xây dựng chương trình đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng các đề tài khoa học vào thực tiễn, tạo sự kết nối, thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học. Thông qua diễn đàn, nhà trường và doanh nghiệp thực hiện hợp tác nghiên cứu nhằm giải quyết những yêu cầu về các lĩnh vực kinh tế - xã hội, khoa học kỹ thuật và thực tiễn đang đặt ra. Hình thức hoạt động của diễn đàn rất phong phú bao gồm: đối thoại, hội thảo, báo cáo khoa học, thiết lập dự án, chương trình đào tạo, phổ biến kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm nên diễn đàn thu hút được đông đảo các trường đại học, các nhà quản lý, sinh viên và các doanh nghiệp cùng tham gia. Thông qua đây, các trường đại học cung cấp các kiến thức chuyên môn sâu cho lĩnh vực mà doanh nghiệp yêu cầu. Ngược lại doanh nghiệp yêu cầu trường đại học xây dựng và thiết kế chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu của từng lĩnh vực chuyên ngành. Một số trường đại học còn cử các chuyên gia đến tư vấn trực tiếp cho doanh nghiệp và ngược lại các doanh nghiệp đến diễn thuyết tại trường đại học nhằm trao đổi học thuật và kinh nghiệm thực tiễn giúp sinh viên có những kiến thức toàn diện.

       Dựa trên mô hình nêu trên, một số trường đại học và doanh nghiệp đã tổ chức một số hoạt động gắn kết mới giữa đại học và doanh nghiệp như dự án “Hội đồng các khoa kinh doanh và các doanh nghiệp Úc”. Dự án này được hỗ trợ bởi Chính phủ Úc và Bộ Công nghiệp năm 2014. Mục đích của dự án là đánh giá toàn diện về đổi mới hệ thống quốc gia, những thách thức của doanh nghiệp; trên cơ sở đó xây dựng năng lực tích hợp cần thiết để lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo, phát triển và mở rộng các năng lực này trong phạm vi cả nước Úc. Nội dung cụ thể của dự án này là thiết kế chương trình đào tạo chi tiết gắn liền với yêu cầu đổi mới, tổ chức diễn đàn tư vấn với các doanh nghiệp và cộng đồng; thử nghiệm và ứng dụng sáng tạo. Kết quả thử nghiệm của các nghiên cứu sẽ giúp bổ sung hoàn thiện chương trình giảng dạy kinh doanh ở trường đại học có khoa kinh doanh.

3.5. Mỹ

            Trước năm 1980, việc thương mại hóa tài sản sở hữu trí tuệ của các trường đại học là rất hiếm và ít được quan tâm. Việc Quốc hội Mỹ ban hành Đạo luật Bayh-Dole vào năm 1980 cho phép các trường đại học và doanh nghiệp nhỏ sở hữu bằng sáng chế về nghiên cứu được liên bang tài trợ đã cách mạng hóa mối quan hệ giữa trường đại học và doanh nghiệp. Pháp luật cho phép các trường đại học cấp bằng sáng chế của họ cho doanh nghiệp, độc quyền hoặc không độc quyền. Khoản tiền bản quyền mà các trường đại học nhận được sẽ được dành cho các chương trình nghiên cứu mới (Ranga và cộng sự, 2013).

Với lịch sử lâu dài và đa dạng các hình thức hợp tác đại học doanh nghiệp ở Mỹ, các hình thức hợp tác của Mỹ cũng rất đặc trưng bởi sự kết hợp đa dạng của các tổ chức, bao gồm các trường đại học nghiên cứu, các trường đại học khai phóng, và các tổ chức công và tư.

Trung tâm Nghiên cứu Kỹ thuật của Quỹ Khoa học Quốc gia là một trong những chính sách lớn của Chính phủ Mỹ trong những năm 1980 để thúc đẩy sự hợp tác nghiên cứu và phát triển của trường đại học (Maldonado và cộng sự, 2010). Phần lớn các trường đại học ở Mỹ đã thiết lập mô hình đào tạo nghiên cứu và chuyển giao các kết quả nghiên cứu, cấp phép thực hiện thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu. Các trường đại học còn tham gia quản lý các hoạt động cấp phát bằng phát minh sáng chế, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho phép những người thực hiện các đề án nghiên cứu do chính phủ tài trợ được phép xin cấp bằng sáng chế. Các trường đại học ở Mỹ không những kết hợp với doanh nghiệp bên ngoài tham gia vào thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu mà còn đóng vai trò như các trung tâm, nơi sinh viên, giảng viên, cựu sinh viên, doanh nhân, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp có thể kết nối với nhau. Một số đại học hợp tác thành công với doanh nghiệp ở Mỹ có thể kể đến:

- Đại học Nam California: khuyến khích giảng viên phát triển tinh thần kinh doanh và đổi mới sáng tạo bằng cách hỗ trợ, khen thưởng và tài trợ cho công việc của giảng viên.

- Đại học Virginia: Trong năm 2010, Trường Y khoa trực thuộc Đại học Virginia là một trong những trường đại học đầu tiên thực hiện thương mại hóa kết quả NCKH và thực hiện các hoạt động hợp tác kinh doanh giữa trường đại học và doanh nghiệp.

- Trường Đại học Doanh nhân của Trung tâm Y khoa Nebraska: hợp tác với cơ quan có thẩm quyền để cấp phép thành lập và các nhà nghiên cứu tại đại học để giúp xác định, đánh giá, phát triển và hỗ trợ việc thành lập các công ty mới để kinh doanh dựa trên cơ chế hợp tác đào tạo và chuyển giao các kết quả nghiên cứu.

- Đại học Bắc Carolina Chapel Hill: cung cấp thực tập sinh và học bổng cho sinh viên đạt kết tốt trong việc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

Như vậy mô hình hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp ở Mỹ tập trung hơn vào việc đào tạo kỹ năng kinh doanh cho sinh viên, khuyến khích giảng viên đổi mới phương pháp giảng dạy và tham gia kinh doanh doanh, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu giữa trường đại học và doanh nghiệp.

3.6. Vương quốc Anh

            Các trường đại học nghiên cứu của Anh ngày càng trở nên hiệu quả và đáng học tập trong việc thương mại hóa nghiên cứu, cấp phép và chuyển giao công nghệ và có nhiều hình thức để hợp tác với các doanh nghiệp và các ngành kinh doanh. Hệ thống trường đại học đẳng cấp thế giới, đặc biệt là ở các nước cạnh tranh như Anh, được đặc trưng bởi việc chuyển tải và đưa các kiến thức khoa học và bí quyết công nghệ vào thực tế, thương mại hóa kết quả nghiên cứu hoặc các ứng dụng xã hội khác. Những đóng góp từ các nhà nghiên cứu của các trường đại học Anh để giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội thực sự là đáng kể. Một số hình thức nổi bật về hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp ở Anh có thể kể đến:

+ Chương trình Hợp tác chuyển giao tri thức (Knowledge Tranfer Partnership) là một chương trình do Quỹ đổi mới sáng tạo Anh tài trợ, nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện hình thành quan hệ đối tác giữa công ty hoặc tổ chức phi lợi nhuận với một trường đại học để thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu và thực hiện các dự án đổi mới sáng tạo.

+ Giải thưởng hợp tác về Khoa học và Kỹ thuật dành cho Sinh viên (Collaborative Awards in Science and Engineering - CASE): Giải thưởng này là một cơ chế cho phép các doanh nghiệp và trường đại học hợp tác và đóng vai trò tiền thân cho các mối quan hệ đáng kể sau này, nếu có lợi. Các giải thưởng này được đồng tài trợ bởi Hội đồng nghiên cứu và một đối tác là doanh nghiệp. Việc hợp tác này không những cung cấp cho sinh viên cơ hội phát triển các kỹ năng không có trong chương trình đào tạo mà còn giúp cho các doanh nghiệp khám phá được các hợp tác nghiên cứu có tiềm năng hoặc tăng cường mối quan hệ hiện tại. Hình thức phổ biến nhất của giải thưởng này đó là các doanh nghiệp hỗ trợ tài chính cho các nghiên cứu sinh đang thực hiện nghiên cứu tại các trường đại học với mong muốn là họ sẽ có khả năng thực hiện các dự án nghiên cứu liên quan đến mục tiêu của doanh nghiệp.

+ Hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp trong các Hội đồng Nghiên cứu (Research Council) và Ban Chiến lược Công nghệ (Technology Strategy Board): Hội đồng nghiên cứu và Ban chiến lược công nghệ là hai cơ quan có tầm ảnh hưởng ở Anh có vai trò hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu của nước này liên quan đến các nghiên cứu cơ bản, chiến lược và ứng dụng. Các doanh nghiệp và các trường đại học đều có đại diện của mình trong hai cơ quan này.

3.7. Đánh giá chung

Các kinh nghiệm hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp trên thế giới đều chỉ ra rằng:

- Thứ nhất, xác định được vai trò của các bên liên quan trong thúc đẩy hợp tác:

+ Chính phủ ở các nước, đặc biệt là các nước phát triển quan tâm hoạch định các chính sách thúc đẩy hoạt động nghiên cứu tại các trường đại học và tạo lập liên kết giữa các trường đại học với các ngành công nghiệp gắn với chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và chiến lược đổi mới công nghệ. Trong đó, các chính sách hỗ trợ đầu tư và khuyến khích hoạt động R&D và chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu ở các lĩnh vực khoa học công nghệ ưu tiên trở thành yếu tố quan trọng.

+ Các doanh nghiệp có vai trò quyết định trong tạo lập các liên kết và đưa các hạt động hợp tác cụ thể từ liên kết đó vào thực tiễn hoạt động. Doanh nghiệp cũng có vai trò trong xây dựng các chính sách, tiến hành các biện pháp thích hợp trong triển khai các mục tiêu  của các liên kết.

+ Đối với các trường đại học, môi trường cạnh tranh, hội nhập và tốc độ phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã thúc ép các trường đại học phải thay đổi tổ chức và các hoạt động quản trị đại học hướng tới mục tiêu đáp ứng nhu cầu của xã hội và hợp tác với doanh nghiệp. Ngoài sứ mệnh đào tạo nhân lực chất lượng cao, các trường đại học phải quan tâm thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu, các phát minh sáng chế. Do vậy, vai trò của các đại học ngày càng trở nên quan trọng trong việc kết nối với doanh nhân, các tổ chức và các ngành công nghiệp để thực hiện mục tiêu này.

- Thứ hai, chỉ mức độ hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp

+ Mức thấp và phổ biến là: tiếp nhận sinh  viên đến thực tập, tham quan thực tế, hỗ trợ chi phí và thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập.

+ Các mức cao hơn là: trao đổi chuyên gia, chia sẻ tri thức, công nghệ; đầu tư cho nghiên cứu, triển khai để cùng sở hữu và chuyển giao công nghệ; cùng đầu tư phát triển doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho xã hội.

- Thứ ba, chỉ rõ các hình thức hợp tác điển hình:

+ Chương trình thực tập dành cho sinh viên;

+ Doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo;

+ Doanh nghiệp tham gia vào hoạt động nghiên cứu;

+ Thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, cấp phép và chuyển giao công nghệ;

+ Tài trợ thực hiện các dự án nghiên cứu;

+  Hình thành các hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp;

+  Hình thành các công viên khoa học, vườn ươm công nghệ;

+ Thành lập các văn phòng chuyển giao công nghệ.

  1. 4. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong phát triển hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp

Ở Việt Nam, hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm từ hai thập niên trở lại đây. Các văn bản tuyên bố chủ trương và chỉ đạo khẳng định: Các trường đại học phải là các trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ, chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào sản xuất và đời sống; thực hiện liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động, cơ sở đào tạo và Nhà nước để phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội (chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020); coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới ứng dụng và chuyển giao công nghệ, là nguồn cầu quan trọng nhất của thị trường khoa học công nghệ (Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Trung ương Đảng khóa XI).

4.1. Một số mô hình hợp tác điển hình tại Việt Nam

                   * Mô hình hợp tác của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN): ĐHQGHN đã triển khai hiệu quả các mô hình liên kết ở hai cấp: liên kết trường - viện thuộc hệ thống ĐHQGHN, mô hình phòng thí nghiệm “phối thuộc” liên kết giữa trường đại học thành viên với viện nghiên cứu và doanh nghiệp bên ngoài ĐHQGHN; liên kết giữa ĐHQGHN với các doanh nghiệp và địa phương để thúc đẩy hợp tác giữa các đơn vị thành viên và nhà khoa học với các doanh nghiệp. Các phòng thí nghiệm theo mô hình “phối thuộc” tại Trường Đại học Công nghệ đã tạo điều kiện tốt hơn cho người học tiếp xúc với thực tế và tăng năng lực nghiên cứu, thực hành trong điều kiện nhà trường chưa đủ kinh phí đầu tư phòng thí nghiệm hiện đại cho các lĩnh vực (Đinh Văn Toàn, 2016)

             * Mô hình hợp tác giữa Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBKHN) thực hiện với Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông trong R&D, chuyển giao công nghệ là một hợp tác tiêu biểu, nhiều đề tài, dự án tăng cường năng lực nghiên cứu, hai phòng thí nghiệm chung (01 đặt tại Rạng Đông và 01 tại Trường) đã hình thành góp phần tạo nên sự tăng trưởng vượt bậc của Rạng Đông trong sản xuất - kinh doanh. Đặc biệt là mô hình BK Holdings gồm hệ thống các doanh nghiệp: 8 công ty thành viên, 1 chương trình hợp tác đào tạo và 2 trường đào tạo (Cao đẳng và Trung học phổ thông) do trường ĐHBKHN góp vốn sáng lập và cử người tham gia hội đồng quản trị. BK Holdings đóng vai trò cầu nối hợp tác, kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp và cá nhân cho các nhà khoa học và nhà trường khi có nhu cầu phát triển sản phẩm, thương mại hóa hoặc đầu tư nghiên cứu ban đầu về công nghệ. Điểm đặc biệt là trường ĐHBK hoặc các đơn vị, cá nhân trong trường có thể góp vốn vào các doanh nghiệp này bằng chính sáng kiến, quy trình công nghệ và sở hữu trí tuệ (Lê Công Cơ và các cộng sự, 2018).

              * Mô hình hợp tác của Đại học Thái Nguyên: Nhà trường đã tăng cường hợp tác trong và ngoài nước, trong đó có các hợp tác cụ thể với doanh nghiệp nước ngoài đóng ở Việt Nam. Năm 2015, Công ty Samsung Việt Nam đặt phòng Lab nghiên cứu - đào tạo tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên), thể hiện cam kết của hãng trong hợp tác phát triển nguồn nhân lực, giúp sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin được tiếp cận và trải nghiệm những công nghệ mới nhất. Các doanh nghiệp như Samsung cũng thể hiện sự nỗ lực liên kết với các đại học, gắn đào tạo với hoạt động sản xuất - kinh doanh giống như một số doanh nghiệp nước ngoài làm ăn lâu dài ở Việt Nam. Văn phòng hợp tác Đại học Thái Nguyên và Công ty TNHH Minami Fuji đặt tại Đại học Thái Nguyên minh chứng sự quyết tâm tăng cường hợp tác lâu dài giữa hai bên trong thời gian gần đây (Đinh Văn Toàn, 2016). Văn phòng có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động tư vấn, đào tạo và định hướng nghề nghiệp, tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, đồng thời hỗ trợ xúc tiến các đề án, chương trình hợp tác toàn diện giữa hai bên.

              * Mô hình của Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Huế: Theo Lê Công Cơ và cộng sự (2018), Trường Đại học Nông Lâm, thuộc Đại học Huế là một trong những trường đại học đầu tiên được chọn thí điểm mô hình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng (POHE) từ năm 2005. Trường đã nỗ lực hợp tác với doanh nghiệp để đổi mới chương trình đào tạo, giúp sinh viên tiếp cận nhiều hơn với thực tế, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Sinh viên được đào tạo theo Dự án POHE có nhiều cơ hội trực tiếp tham gia các hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh của các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước, như: Lào, Campuchia, Thái Lan... Đến nay, Trường đã có quan hệ hợp tác với gần 500 doanh nghiệp, mang lại cơ hội rất lớn cho người học. Chính điều này giúp sinh viên tự tin, năng động và tìm kiếm được việc làm đúng với sở trường và ngành nghề đào tạo sau khi tốt nghiệp.

              * Đánh giá chung các mô hình hợp tác tại Việt Nam

              Hợp tác đại học - doanh nghiệp ở Việt Nam thời gian vừa qua còn mang tính “chắp vá” cả về phương thức, thời hạn và nội dung. Các hợp tác (nếu có), kể cả hợp tác toàn diện đã được các tập đoàn và đại học lớn như Đại học Quốc gia ký kết, còn mang tính ngắn hạn, được triển khai trong giai đoạn ngắn hạn hoặc có tính “nhiệm kỳ”. Chưa có các hợp tác đạt được thành công mang tính dài hạn giữa các bên trong khoảng 10 năm trở lại đây. Về phương thức, các đại học chủ yếu thực hiện hình thức nhận tài trợ từ doanh nghiệp. Về nội dung, hợp tác thời gian qua của các đại học chủ yếu là ở hoạt động đào tạo, cung ứng lao động cho doanh nghiệp. Hợp tác trong nghiên cứu khoa học công nghệ còn hạn chế và chưa theo kịp xu thế của thế giới (các trường đại học thực hiện theo đặt hàng của doanh nghiệp và thị trường, sản phẩm khoa học công nghệ thuộc sở hữu chung, hai bên cùng phát triển để thương mại hóa).

              Các rào cản cho mối quan hệ hợp tác:

  • Phần lớn các chương trình nghiên cứu và nguồn thu chủ yếu của trường đại học đều được cấp bởi ngân sách nhà nước. Một mặt, nhiều sản phẩm nghiên cứu chưa gắn liền với ứng dụng thực tiễn. Mặt khác, các đại học và các nhà khoa học chủ yếu tập trung vào nghiên cứu khoa học theo đặt hàng ở giai đoạn nghiên cứu cơ bản vì không có rủi
  • Thiếu biên chế nghiên cứu viên trong các trường đại học. Nếu coi nghiên cứu ở trường đại học là một nhiệm vụ quan trọng không kém gì giảng dạy thì nhất thiết phải cấp biên chế và kinh phí ch hoạt động nghiên cứu.
  • Doanh nghiệp chưa mặn mà liên kết với viện/trường đại học, không chỉ do vấn đề cơ chế chính sách của Nhà nước, mà chủ yếu là do “trình độ KH&CN của chúng ta tuy có khá hơn trước nhưng so với quốc tế vẫn thấp”. Bên cạnh đó có nguyên nhân chủ quan là do các hướng nghiên cứu còn tản mát và thụ động.
  • Hoạt động đào tạo nhân lực tại các trường đại học cũng chưa thực sự đáp ứng được những đòi hỏi của doanh nghiệp, các chương trình đào tạo vẫn cần gắn liền với thực tiễn ứng dụng.
  • Một rào cản rất lớn khác cho các doanh nghiệp mong muốn tiếp cận hợp tác với các viện/trường đại học là sự hạn chế thông tin, mặc dù nhu cầu kết nối hợp tác là rất lớn. Các trường đại học chưa chủ động hợp tác, chia sẻ thông tin và quyền sáng chế cho doanh nghiệp và doanh nhân.

4.2. Một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

                 Từ việc phân tích kinh nghiệm hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp của các nước trên thế giới chúng ta có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc phát triển mối quan hệ này.

Một là, hoàn thiện hệ thống chính sách định hướng và điều chỉnh hoạt động liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp. Thời gian qua, Nhà nước đã có chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa một số ngành, lĩnh vực, trong đó khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư cho hoạt động giáo dục; tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các TĐH; khuyến khích các DN, hiệp hội DN liên kết với các TĐH trong đào tạo, hợp tác nghiên cứu... Tuy nhiên, để việc liên kết này hiệu quả, Nhà nước phải có chính sách hướng dẫn cụ thể và hành lang pháp lý thuận lợi, quy định cụ thể quyền, trách nhiệm, phương thức hợp tác giữa TĐH&DN, tránh những xung đột lợi ích, hay những mâu thuẫn từ mục tiêu phát triển giữa hai bên.

Hai là, xây dựng mạng lưới liên kết giữa TĐH&DN: Một mạng lưới liên kết giữa các TĐH&DN với vai trò là trung gian kết nối; thu thập, cập nhật dữ liệu; tư vấn và cung cấp các thông tin, mô hình liên kết là giải pháp tốt để các bên dễ dàng tìm được đối tác phù hợp và tham mưu cho các cơ quan chức năng trong việc hoạch định chính sách có liên quan.

Bên cạnh đó, TĐH&DN cũng cần duy trì các kênh tiếp xúc và liên lạc thường xuyên thông qua bộ phận chuyên trách phụ trách về hợp tác hoặc thông qua các hội nghị, hội thảo, các diễn đàn khoa học; những dự án chung để các bên có sự thông hiểu, tin tưởng lẫn nhau qua hoạt động thực tiễn.

Ba là, thực tiễn hóa đội ngũ giảng viên trong các TĐH và tri thức hóa đội ngũ công nhân trong các DN: Các DN cần có cơ chế, chính sách khuyến khích đội ngũ giáo sư, tiến sĩ, giảng viên có chất lượng cao trong các TĐH tham gia vào các dự án hoặc chia sẻ, cố vấn cho DN thông qua các chương trình đào tạo nội bộ.

Ngược lại, TĐH cũng cần chủ động mời các nhà quản lý, nhân lực giỏi từ DN tham gia vào hoạt động đào tạo của nhà trường về những kỹ năng tác nghiệp trên máy móc, thiết bị thực tế để quá trình nghiên cứu, giảng dạy trên giảng đường sát với thực tiễn.

Bốn là, kết hợp hài hòa các lợi ích: Để hợp tác giữa TĐH&DN được thiết thực, hiệu quả và bền vững, các bên cần nhận thức rõ các lợi ích, tôn trọng và cân bằng các lợi ích. Nhà trường cần ưu tiên chuyển giao công nghệ, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ DN trong tư vấn, giải quyết các vấn đề của DN. Ngược lại, DN cần tạo điều kiện tiếp nhận sinh viên kiến tập, thực tập, tham quan, khảo sát, tuyển dụng và sử dụng sinh viên tốt nghiệp của nhà trường; đóng vai trò là nhà cung cấp thông tin, phản biện để các cơ sở đào tạo nắm được nhu cầu của thị trường lao động; thường xuyên trao đổi, góp ý chương trình đào tạo, mô hình, phương pháp đào tạo của nhà trường; tài trợ, ủng hộ cho nhà trường cơ sở vật chất, thông tin và các nguồn lực trong khả năng của DN. Có như vậy, hoạt động liên kết giữa TĐH&DN mới có ý nghĩa thiết thực, hiệu quả và bền vững.

 

  1. Kết luận

Trong nền kinh tế thị trường phát triển, Việt Nam ngày càng phát triển và hội nhập sâu rộng trong khu vực và trên thế giới thì mối quan hệ giữa trường đại học và doanh nghiệp là rất quan trọng xuất phát từ yêu cầu khách quan của quy luật kinh tế, quy luật cung cầu, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên. Trong khuôn khổ của bài viết này chúng tôi mới phân tích được những kinh nghiệm phát triển mối quan hệ hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp của các nước trên thế giới để thấy được tầm quan trọng của việc phát triển sự hợp tác này đồng thời chỉ ra những mô hình hợp tác tiêu biểu. Trên cơ sở đó Việt Nam có thể tiếp thu và học hỏi kinh nghiệm để xây dựng và củng cố mối gắn kết bền vững giữa trường đại học và doanh nghiệp.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Calvert, J., and Patel, P. (2003). University-industry research collaborations in the UK: Bibliometric trends, Science and Public Policy 30(2), 85-96.
  2. Crookes, P.C.I. (2009). China’s embrace of the market economy: understanding its innovation strategy, European View Vol 8, 133–141.
  3. Đinh Văn Toàn (2016). Hợp tác đại học – doanh nghiệp trên thế giới và một số gợi ý cho Việt Nam, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Chuyên san Kinh tế và kinh doanh, Vol. 32, số 4, 69-80.
  4. Fiaz, M. (2013). An empirical study of university–industry R&D collaboration in China: Implications for technology in society, Technology in Society 35, 191–202.
  5. Gibb, A.A., and Hannon, P. (2006). Towards the Entrepreneurial University, International Journal of Entrepreneurship Education 4, 73-110.
  6. Guimón, J. (2013). Promoting University - industry collaboration in developing countries, Public Policy Brief, World Bank, Washington D.C.
  7. Lê Công Cơ, Lê Đức Toàn, và Nguyễn Thị Hạnh (2018). Mô hình gắn kết giữa trường Đại học với doanh nghiệp trong đào tạo đại học tại khu vực Miền Trung Việt Nam, NXB Thông tin và Truyền thông.
  8. Maldonado, M.U., Maldonato, M., Chaim, R.M., Pietrobon, R., and Varvakis, G. (2015). University-Industry partnerships with a focus on BRIC countries: A systems perspective on the good, the bad and the ugly, The 28th International Conference of The System Dynamics Society, 25th July, Seoul, Korea, 3041-3050.
  9. Dan, M. (2013). Why should university and Business cooperate? A discussion of advantages and disadvantages, International Journal of Economic Practices and Theories 3(1), 2247–7225.
  10. Ministry of State for Universities and Science (2015). The dowling Review of Business – University Research  Collaborations, https://www.raeng.org.uk/publications/reports/the-dowling-review-of-business-university-research.
  11. Nguyễn Kim Dung, Phạm Thị Hương (2017). Thực trạng hợp tác của các trường đại học với doanh nghiệp ở Việt Nam, Tạp chí Khoa học giáo dục số 4/2017, 29-41.
  12. Nguyễn Thu Thủy (2017). Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam, Những vấn đề Kinh tế chính trị và Thế giới số 7 (255), 57-68.
  13. Nguyễn Thu Thuỷ, Bùi Thị Kim Phúc (2017). Thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp, Tạp chí Kinh tế đối ngoại số 93/2017, 80-93.
  14. Phạm Bá Phong (2014). Bàn về quan hệ hợp tác giữa trường đại học với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực, Bản tin Khoa học và Giáo dục, 4-6
  15. Ranga, M., Hoareau, C., Durazzi, N., Etzkowitz, H., Marcucci, P., and Usher, A. (2013). Study on University – Business Cooperation in the US and Canada, Final Report to the European Commission, DG Education and Culture.

 

[1] Bài viết là sản phẩm của Chương trình KH&CN cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo “Nghiên cứu đề xuất giải pháp thúc đẩy hợp tác khoa học công nghệ giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp”.

[2] Học viện Ngân hàng, Email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó.

[3] Trường Đại học Ngoại thương, Email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó.

[4] Trường Đại học Ngoại thương, Email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó.

[5] Trường Đại học Ngoại thương, Email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó.

 

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG KINH DOANH NGOẠI TỆ TẠI CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VIỆT NAM

 

Phùng Thị Lan Hương[1]

Phùng Mạnh Hùng[2]

 

 

Tóm tắt

Kinh doanh ngoại tệ là một trong những hoạt động cơ bản của NHTM, đóng góp tỷ lệ đáng kể trong thu nhập của các NHTM. Trước áp lực thị trường, sự gia tăng dòng vốn đầu tư, việc nâng cao chất lượng hoạt động kinh doanh ngoại tệ của các NHTM Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam

Từ khoá: kinh doanh ngoại tệ, chất lượng kinh doanh ngoại tệ, hiệu quả hoạt động, ngân hàng thương mại

Abstract

               Foreign currency trading is one of the basic activities of commercial banks, contributing a significant proportion to the income of commercial banks. In the face of market pressures, the increase in investment capital flow, the improving the quality of foreign trade activities of Vietnamese commercial banks has an impact in enhancing the efficiency of Vietnamese commercial banks.

 

Keywords: foreign exchage trade, quality of foreign exchage trade, performance, commercial bank

 

  1. Đặt vấn đề

Kinh doanh ngoại tệ có một vai trò quan trọng và càng không thể thiếu được trong điều kiện hoạt động của một ngân hàng hiện đại. Những biến động trên thị trường ngoại hối quốc tế và sự gia tăng các luồng vốn đầu tư nước ngoài đã khiến cho thị trường ngoại hối Việt Nam diễn biến phức tạp, có những thời điểm cung cầu ngoại tệ mất cân đối, lúc thừa, lúc thiếu ngoại tệ, là những trở ngại không nhỏ đối với đối với chất lượng hoạt động kinh doanh ngoại tệ các NHTM Việt Nam. Vì vậy việc nâng cao chất lượng hoạt động kinh doanh ngoại tệ các NHTM Việt Nam ngày càng cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

  1. Tổng quan về chất lượng hoạt động kinh doanh ngoại tệ của ngân hàng thương mại

       Chất lượng hoạt động kinh doanh ngoại tệ của ngân hàng thương mại được thể hiện thông qua sự đa dạng khách hàng trong sử dụng dịch vụ của ngân hàng, sự gia tăng trong thị phần ngân hàng chiếm lĩnh được, sự gia tăng doanh số giao dịch. Chất lượng hoạt động kinh doanh ngoại tệ đồng nghĩa với việc việc ngân hàng đa dạng hóa các nghiệp vụ kinh doanh, các loại ngoại tệ sử dụng trong giao dịch. Trong đó ngân hàng không chỉ có duy trì và phát triển các giao dịch truyền thống như giao dịch giao ngay mà mở rộng và phát triển các giao dịch phái sinh như giao dịch kỳ hạn, giao dịch hoán đổi. Chất lượng hoạt động kinh doanh ngoại tệ còn là sự gia tăng về chất lượng của các giao dịch ngoại tệ, sự vận hành của các giao dịch phái sinh trong việc phòng chống rủi ro. Đồng thời chất lượng hoạt động kinh doanh ngoại tệ còn thể hiện ở hiệu quả trong kinh doanh của từng ngoại tệ, giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh ngoại tệ, là sự phát triển an toàn và bền vững trong hoạt động kinh doanh ngoại tệ.

       Đánh giá chất lượng hoạt động kinh doanh ngoại tệ thông qua một số chỉ tiêu cơ bản như lãi thuần hoạt động kinh doanh ngoại tệ, tỷ lệ thu nhập thuần hoạt động kinh doanh ngoại tệ/lợi nhuận trước thuế của ngân hàng, mức độ đa dạng hoá của các giao dịch và mạng lưới kênh phân phối.

       Có nhiều nghiên cứu liên quan đến chất lượng hoạt động kinh doanh ngoại tệ và hiệu quả hoạt động của ngân hàng thương mại:

Nghiên cứu của giáo sư McGraw-Hill (1998) trong cuốn « Foreign currency trading” mô tả các giao dịch ngoại tệ một cách rõ ràng, cho thấy những rủi ro, lợi ích và những cơ hội có thể tận dụng được từ thị trường ngoại hối. Đồng thời tác giả cũng cho thấy cơ chế hoạt động của các giao dịch ngoại tệ cũng như các điều khoản hoạt động cần thiết trong kinh doanh ngoại tệ. Bên cạnh đó, bằng lý luận và phân tích kỹ thuật Phillip Gottelf (2003) trong cuốn « Currency trading » cung cấp những kiến thức trong việc tận dụng những lợi thế biến động trong thị trường ngoại hối nhằm thu lợi nhuận. Hoặc như nghiên cứu của Cornelius Luca (2007) trong cuốn « Trading in the Global Currency Market’’ đưa ra những vấn đề tổng quan về thị trường ngoại hối, các công nghệ mới trong kinh doanh ngoại tệ và sự liên kết thông tin từ các hoạt động kinh doanh ngoại tệ thực tế với những minh họa với nhiều biểu đồ hình ảnh nhằm giải thích cơ sở nền tảng  của hoạt động kinh doanh ngoại tệ và các yếu tố góp phần trong sự tăng trưởng của hoạt động kinh doanh ngoại tệ.

Luận văn thạc sĩ của Lê Thị Minh Phương (2012) “Phân tích hiệu quả tài chính của NHTMCP ngoại thương Việt Nam” đã đánh giá thực trạng phân tích hiệu quả tài chính của NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) giai đoạn 2006-2011, nghiên cứu mô hình CAMEL các mô hình định lượng tác động hiệu quả tài chính của NHTMCP ngoại thương Việt Nam.

Nghiên cứu của Nguyễn Hoàng Cẩm Tú (2010) “Phân tích hiệu quả hoạt động tài chính của ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Vũng Tàu’; đã đề cập hiệu quả hoạt động kinh doanh của NHNN và PTNT chi nhánh Vũng Tàu, thông qua phân tích hiệu quả hoạt động tín dụng, hoạt động huy động vốn và các hoạt động khác của ngân hàng.

Bên cạnh đó một số bài viết nghiên cứu về hoạt động kinh doanh ngoại tệ, hiệu quả hoạt động của ngân hàng thương mại chưa có công trình nào đề cập cũng như phân tích một cách sâu sắc tác động các yếu tố của chất lượng của hoạt động kinh doanh ngoại tệ tới hiệu quả hoạt động của các NHTM Việt Nam. Nhiều luận văn thạc sĩ, đề tài nghiên cứu các cấp đề cập đến hoạt động kinh doanh ngoại tệ. Tuy nhiên những nghiên cứu này chỉ đánh giá khái quát hoạt động kinh doanh ngoại tệ của từng ngân hàng riêng lẻ. Ngoài ra một số bài trích đề cập hoạt động kinh doanh ngoại tệ riêng lẻ của từng ngân hàng thương mại Việt Nam. Những nghiên cứu trên là nguồn dữ liệu quan trọng trong phân tích các nội dung của nghiên cứu của tác giả.

  1. Thực trạng chất lượng hoạt động kinh doanh ngoại tệ của các NHTM Việt Nam

3.1. Lãi thuần hoạt động kinh doanh ngoại tệ của các NHTM Việt Nam

          Hoạt động kinh doanh ngoại tệ là một trong những hoạt động mang lại tỷ lệ thu nhập nhất định cho các NHTM Việt Nam. Trong giai đoạn 2007-2012, thu nhập hoạt động kinh doanh ngoại tệ biến động thất thường nhưng đặc biệt vào năm 2008, các NHTM Việt Nam đạt sự tăng trưởng mạnh mẽ, cao nhất về thu nhập, cụ thể thu nhập hoạt động kinh doanh ngoại tệ tăng 224.3% so với năm 2007. Ngân hàng BIDV có mức thu nhập cao nhất, sau đó là ACB và VCB. Ngân hàng Techcombank có thu nhập thấp nhất là 21793 triệu VND. Thời kỳ 2009-2012, đây là thời gian khó khăn của kinh tế thế giới và cả của Việt Nam, vì vậy hầu hết các ngân hàng đều có sự giảm sút thu nhập kinh doanh ngoại tệ, thậm chí có ngân hàng bị lỗ như Agribank lỗ tới 68.582 triệu VND trừ VCB và Techcombank. Năm 2010, thu nhập của VCB giảm tới 38.4%. Nguyên nhân là do những biến động phức tạp từ tình hình kinh tế giới, sự biến động tỷ giá USD/VND gây những áp lực nhất định trong kinh doanh ngoại tệ của ngân hàng.

Sau đó hoạt động kinh doanh ngoại tệ cuả các NHTM Việt Nam từ 2013-2017 có sự khởi sắc, thể hiện thu nhập hoạt động này có sự gia tăng đáng kể, đỉnh đạt năm 2017 với mức tăng bình quân của các ngân hàng là 13.2%. Như vậy, thu nhập hoạt động kinh doanh ngoại tệ của các NHTM Việt Nam có những biến động thất thường, không ổn định, thậm chí có nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân thường xuyên tăng trưởng âm.

 

Nguồn Báo cáo tài chính của các NHTM Việt Nam

Biểu đồ 1. Thu nhập thuần KD ngoại tệ của các NHTM Việt Nam

 

3.2. Tỷ lệ thu nhập thuần kinh doanh ngoại tệ /lợi nhuân trước thuế của các NHTM Việt Nam

 

Hoạt động kinh doanh ngoại tệ của các NHTM Việt Nam trong thời kỳ 2007-2017 đóng góp tỷ lệ bình quân 7.5% lợi nhuận trước thuế của các NHTM Việt Nam, đặc biệt cao nhất năm 2008 là 25.9%. Đối với nhóm NHTM nhà nước, VCB là ngân hàng có tỷ lệ thu nhập kinh doanh ngoại tệ so với lợi nhuận trước thuế cao nhất là 21%, tiếp theo là Agribank với tỷ lệ 7.5%. Năm 2008, BIDV có tỷ lệ thu nhập kinh doanh ngoại tệ đột biến chiếm tới 33.6% lợi nhuận trước thuế. Nguyên nhân của sự tăng trưởng cao như vậy là do trong năm 2008, BIDV đã phát huy tối đa tiềm năng trong lĩnh vực kinh doanh ngoại tệ và đã đạt được kết quả vượt bậc đạt lợi nhuận 791 tỷ VND từ hoạt động kinh doanh ngoại tệ. Thu nhập thuần từ KDNT của BIDV năm 2008 tăng đột biến gấp 5,6 lần năm 2007 (từ 140 tỷ đồng năm 2007 lên 791 tỷ đồng năm 2008). Như vậy có thể thấy tốc độ tăng trưởng thu nhập thuần từ hoạt động KDNT tại BIDV tương đối nhanh. Thời kỳ 2009-2012, tỷ lệ thu nhập kinh doanh ngoại tệ so với lợi nhuận trước thuế của BIDV có xu hướng giảm so với 2008 vì nhiều lý do. Lý do thứ nhất, là do môi trường cạnh tranh giữa các ngân hàng ngày càng căng thẳng. Nhiều NHTM khác trên địa bàn bắt đầu đẩy mạnh áp dụng các kỹ thuật nghiệp vụ trong kinh doanh ngoại tệ, một phần vì muốn cạnh tranh thu hút khách hàng, một phần vì muốn tăng lợi nhuận của toàn ngân hàng. Lý do thứ hai, tỷ giá USD/VND trong thời kỳ này luôn trong trạng thái căng thẳng, tình trạng hai tỷ giá trong hoạt động mua bán ngoại tệ tại các ngân hàng bởi mức trần tỷ giá trong giao dịch mua bán ngoại tệ theo quy định của NHNN đã khiến cho các ngân hàng và doanh nghiệp thêm nhiều khó khăn. Để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và không vi phạm quy định của NHNN, một phần chênh lệch tỷ giá trong các giao dịch ngoại hối đã được các đơn vị hạch toán sang doanh thu dịch vụ của ngân hàng. Do đó, thu nhập thuần từ KDNT phản ánh trên báo cáo thường niên không hoàn toàn phản ánh chính xác lợi nhuận thực tế từ hoạt động KDNT của ngân hàng.       

          Ngân hàng VCB là ngân hàng có thu nhập kinh doanh ngoại tệ cao nhất trong hệ thống NHTM Việt Nam. Đỉnh cao là năm 2017 với mức lãi là 2,042,417 triệu đồng, chiếm 18% tổng thu nhập của NHTM. Mục tiêu quan trọng nhất của các ngân hàng là lợi nhuận tối đa. Tuy nhiên VCB xác định mục tiêu hàng đầu và trọng tâm của ngân hàng là đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Hoạt động kinh doanh ngoại tệ của ngân hàng đã đóng góp tỷ lệ đáng kể trong lợi nhuận của ngân hàng. Tính chung cho cả thời kỳ, tỷ lệ bình quân của thu nhập kinh doanh ngoại tệ so với lợi nhuận của ngân hàng là 21%.

       Việc phát triển kinh doanh ngoại tệ của VCB đã đạt được ở mức nhất định được thể hiện thông qua quy mô các khoản thu nhập năm sau cao hơn năm trước và tỷ trọng thu nhập kinh doanh ngoại tệ so với lợi nhuận giữa các năm có sự khác nhau nhưng xét chung đều có sự gia tăng đáng kể.

       Đối với nhóm NHTMCP, tỷ lệ thu nhập của họat động kinh doanh ngoại tệ đạt thời kỳ 2007-2017 đạt 1.5% thấp hơn so với nhóm NHTMNN (đạt 10.6%). SCB đạt tỷ lệ tương đối cao, bình quân là 8.9% hơn hẳn Agribank và Vietinbank. Techcombank, VPbank có thu nhập kinh doanh ngoại tệ thấp nhất trong cả hai nhóm, bình quân -4.3% và -2.1%. Điều này chứng tỏ chất lượng họat động kinh doanh ngoại tệ của Techcombank, VPBank vẫn còn hạn chế.

                                                                                  

Nguồn Báo cáo tài chính của các NHTM Việt Nam

Biểu đồ 2. Tỷ lệ thu nhập thuần KDNT/LNTT của các NHTM Việt Nam

         Việc đánh giá chất lượng kinh doanh ngoại tệ của NHTM Việt Nam thông qua việc số liệu phân tích thể hiện chất lượng của họat động kinh doanh ngoại tệ vẫn còn hạn chế. So sánh bình quân thì hầu hết các năm đều thấp hơn tỷ lệ bình quân, trừ năm 2008. Thêm vào đó, xét theo tiêu chí đánh giá, tỷ lệ năm sau cao hơn năm trước, nhiều năm đều tăng trưởng âm trừ trong giai đoạn 2009-2012.

3.3. Mức độ đa dạng hoá các giao dịch đặc biệt các giao dịch phái sinh là công cụ giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh ngoại tệ của các NHTM Việt Nam

Các NHTM nhà nước như BIDV, Vietinbank có thu và chi từ hoạt động phái sinh là lớn nhất trong hệ thống. Tại BIDV riêng thu từ các giao dịch phái sinh tiền tệ năm 2012 đạt 64 tỷ, tăng 12% so với năm 2011. BIDV đã thành công trong việc đa dạng hóa sản phẩm, tạo sản phẩm có cấu trúc linh hoạt, giúp gia tăng doanh số và đem lại lợi nhuận cho BIDV. Trong năm 2013, BIDV tiếp tục khẳng định vị thế hàng đầu trong lĩnh vực phát triển giao dịch phái sinh trên thị trường Việt Nam khi được vinh danh là ngân hàng Việt Nam duy nhất đạt giải thưởng “Ngân hàng cung cấp dịch vụ phái sinh tốt nhất Việt Nam” do tạp chí tài chính uy tín hàng đầu khu vực Châu Á Thái Bình Dương (AsiaRisk) trao tặng.

VCB là NHTM có nguồn thu và chi phí tương đối ổn định từ các giao dịch phái sinh, năm 2013, thu từ giao dịch phái sinh của VCB đạt hơn 1830 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2012 và năm 2011.

Đối với nhóm ngân hàng như Techcombank, ACB, SCB có doanh số giao dịch phái sinh chiếm tỷ lệ thấp. Ngân hàng Tecombank là NHTM có nguồn thu từ giao dịch phái sinh giảm liên tục trong giai đoạn 2011-2013, cụ thể doanh số giao dịch phái sinh năm 2013 đạt 172 tỷ đồng, giảm 34% so  với năm 2012, giảm 98% so với năm 2011(năm 2011 đạt 6270 tỷ đồng). Trong khi đó SCB là ngân hàng có chi phí giao dịch phái sinh biến động mạnh nhất, với tốc độ tăng trưởng năm 2014 so với 2013 là hơn 20 lần và 1.5 lần giữa 2015 với 2014.

BIDV là NHTM có mức lợi nhuận đạt được từ giao dịch phái sinh ổn định nhất với năm 2012 tăng gần gấp 10 lần 2011 và năm 2013 gấp 2.6 lần so với 2012. ACB là NHTM có lợi nhuận kém ổn định nhất với mức lỗ kỷ lục 1400 tỷ năm 2011, năm 2012 có sự chuyển biến tích cực khi mức lãi là 47,6 tỷ tuy nhiên đến năm 2013 ACB lại tiếp tục lỗ với mức lỗ 64 tỷ đồng.

       Trong nhiều năm, các giao dịch phái sinh với doanh số khiêm tốn cùng tỷ trọng đóng góp của lợi nhuận từ giao dịch phái sinh trong tổng lợi nhuận của các NHTM. Đa số khoản lợi nhuận từ giao dịch phái sinh chỉ chiếm bình quân khoảng 8% trong tổng lợi nhuận của các ngân hàng thương mại. Điều này có thể thấy các NHTM chất lượng kinh doanh ngoại tệ cải thiện ít, chưa có sự quan tâm đúng mức tới các giao dịch phái sinh đồng thời các DN cũng chưa có thông tin cũng như kiến thức nhiều về các giao dịch này.

Biểu 3. Lợi nhuận từ các GDPS tại các NHTM Việt Nam

Nguồn Báo cáo tài chính của các NHTM Việt Nam

3.4. Mạng lưới kênh phân phối của các NHTM Việt Nam

Các NHTM Việt Nam có mạng lưới phân phối liên tục gia tăng trong thời kỳ 2007-2017, đặc biệt Agribank có số lượng chi nhánh và phòng giao dịch lớn nhất với hơn 2000 phòng giao dịch và chi nhánh gấp đôi các ngân hàng BIDV và Vietinbank và gấp hơn 4 lần VCB.

Biểu 4. Số lượng CN và PGD của các NHTM Việt Nam

Nguồn Báo cáo thường niên của các ngân hàng 2017-2017

Đây lợi thế nổi trội của nhóm NHTM nhà nước của Việt Nam so với các NHTMCP, đặc biệt khả năng cạnh tranh của nhóm NHTM nhà nước của Việt Nam ở khu vực Hà Nội và Hồ Chí Minh cao hơn hẳn so với các khu vực khác với mạng lưới phủ khắp cả nước và ưu thế chi phí bình quân thấp. Sự gia tăng mạng lưới phân phối, các NHTM Việt Nam có thể tiếp cận tối đa tới khách hàng, mở rộng thị phần kinh doanh ngoại tệ để phát triển họat động kinh doanh ngoại tệ của ngân hàng, là tiền đề gia tăng doanh số và chất lượng hoạt động kinh doanh ngoại tệ.

3.5. Đánh giá chất lượng hoạt động kinh doanh ngoại tệ của các ngân hàng thương mại Việt Nam

3.5.1 Kết quả đạt được

Thu nhập thuần hoạt động kinh doanh ngoại tệ của các NHTM Việt Nam đã có sự gia tăng với tỷ lệ nhỏ, đóng góp vào lợi nhuận của các ngân hàng thương mại Việt Nam. Các giao dịch phái sinh đã được thực hiện nhưng với mức độ khiêm tốn. Sự gia tăng mạng lưới giao dịch góp phần gia tăng số lượng khách hàng, mở rộng thị trường kinh doanh ngoại tệ. Đồng thời trong quá trình thực hiện hoạt động kinh doanh ngoại tệ, các NHTM Việt Nam gặp phải một số hạn chế trong chính sách tài chính- tiền tệ, các quyết định trong quản lý ngoại hối đối với các ngân hàng thương mại, chưa phù hợp với điều kiện hoạt động thực tiễn để từ đó đề xuất với Chính phủ và NHNN có những điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Thực tế cho thấy, những đóng góp của các NHTM Việt Nam thông qua hoạt động kinh doanh ngoại tệ đã giúp cơ quan quản lý nhà nước ban hành hệ thống văn bản sát với điều kiện thực tiễn.

3.5.2 Những hạn chế

       Chất lượng hoạt động kinh doanh ngoại tệ của NHTM Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng kể song nó còn tồn tại những mặt hạn chế cần giải quyết:

  • Sự mất cân đối lớn trong cơ cấu các giao dịch ngoại tệ

       Các hình thức kinh doanh ngoại tệ tuy đã được đa dạng nhưng vẫn ở mức hạn chế. Hoạt động kinh doanh ngoại tệ của NHTM Việt Nam chỉ giới hạn ở những nghiệp vụ truyền thống như nghiệp vụ mua bán giao ngay (SPOT) và nghiệp vụ kỳ hạn (FORWARD). Các nghiệp vụ phức tạp như hoán đổi (SWAP), quyền chọn (OPION) đã được thực hiện nhưng doanh số giao dịch chiếm tỷ trọng thấp với toàn bộ giao dịch của ngân hàng. Các nghiệp vụ phái sinh của NHTM Việt Nam chưa linh hoạt, đặc biệt là với sản phẩm hoán đổi tiền tệ chéo. Như vậy, các NHTM Việt Nam tham gia công cụ phái sinh với mục đích bảo hiểm rủi ro giao dịch tài chính cho cả ngân hàng và khách hàng. Trong quá trình họat động, nếu có sinh lời thì bản chất vẫn là phòng ngừa rủi ro để tối đa hóa lợi nhuận chứ không hẳn là kiếm lời. Mặc dù nhận thức được những lợi ích của việc sử dụng các công cụ phái sinh, tuy nhiên cả khách hàng và ngân hàng đôi khi còn e ngại không dám sử dụng dịch vụ này. Vì vậy, quy mô các nghiệp vụ phái sinh còn nhỏ so với quy mô tiềm năng của các giao dịch này.

  • Sức sinh lời của hoạt động kinh doanh ngoại tệ còn thấp

         Thu nhập hoạt động kinh doanh ngoại tệ của NHTM Việt Nam trong thời kỳ 2007-2017 đóng góp một tỷ lệ bình quân là 10.9% trong tổng lợi nhuận trước thuế của các NHTM Việt Nam. Trong đó đứng đầu là Eximbank năm 2014 với tỷ lệ 247.5%, tiếp theo là SCB là 170%, thấp nhất là ACB năm 2012 là -179%.

  • Nguyên nhân của những hạn chế
  • Tiềm lực vốn còn ở mức thấp

       Họat động kinh doanh ngoại tệ đạt kết quả chưa cao do quy mô nguồn vốn kinh doanh còn ở mức hạn chế. Tỷ lệ vốn tự có so với tổng tài sản của NHTM Việt Nam theo báo cáo thường niên của ngân hàng nhà nước bình quân tính đến cuối 2017 là 7.14%. Trong khi đó hệ số an toàn vốn tối thiểu theo quy định của NHNN là 8%

  • Nguồn nhân lực yếu cả về số lượng và chất lượng

       Hoạt động kinh doanh ngoại tệ là hoạt động phức tạp, đòi hỏi cán bộ kinh doanh phải có trình độ chuyên môn sâu rộng cũng như phẩm chất nghề nghiệp. Tính chuyên nghiệp của đội ngũ kinh doanh ngoại tệ của NHTM Việt Nam chưa cao do mô hình tổ chức bộ phận kinh doanh ngoại tệ chưa thật sự khoa học. Mặc dù bộ phận kinh doanh ngoại tệ được chia làm ba bộ phận nhưng chưa theo mô hình chuẩn Front-Middle-Back. Các cán bộ thực hiện nghiệp vụ kinh doanh chưa thực hiện đầy đủ các thao tác về dự báo và nhận định thị trường định kỳ đầu ngày, đặc biệt còn thiếu những cán bộ thực hiện công tác kiểm soát rủi ro, có khả năng phân tích thị trường và nhận biết rủi ro.

  • Năng lực quản trị rủi ro của ngân hàng ở mức thấp

          Quản trị rủi ro trong kinh doanh ngoại tệ là nghiệp vụ phức tạp đòi hỏi kỹ năng và kinh nghiệm chuyên môn. Các NHTM Việt Nam cần hướng tới một mô hình quản trị rủi ro hiện đại. Các chuyên gia quản trị rủi ro của NHTM phải được đào tạo và tiếp cận mô hình rủi ro theo chuẩn quốc tế đồng thời phải có kinh nghiệm dày dặn về kinh doanh ngoại tệ. Bên cạnh đó, hệ thống công nghệ thông tin là công cụ đắc lực trong quản trị rủi ro thông qua việc cung cấp công cụ phân tích, lập báo cáo, kho dữ liệu về quản trị rủi ro. Tuy nhiên đối với NHTM Việt Nam, trong thời gian qua ba yếu tố: mô hình quản trị rủi ro, chuyên gia quản trị rủi ro và hệ thống thông tin đã được chú trọng nhưng sự phát triển của hệ thống chưa tương xứng với sự phát triển ngày càng đa dạng, phức tạp của rủi ro trong kinh doanh ngoại tệ. Thêm vào đó quản trị rủi ro trong kinh doanh ngoại tệ của NHTM theo kinh nghiệm và học hỏi một cách không hệ thống hoạt động quản trị rủi ro của các ngân hàng nước ngoài.

  • Khả năng khai thác, duy trì và phát triển khách hàng còn thấp

  Khách hàng có quan hệ với NHTM Việt Nam chủ yếu là các Công ty và các Tổng công ty có hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu. Vì vậy, doanh số hoạt động của khách hàng này lớn nên nhu cầu mua ngoại tệ tương đối nhiều. Tuy nhiên, đối tượng khách hàng này của NHTM Việt Nam ngày càng thu hẹp. Trong điều kiện hiện nay, nhiều khách hàng của NHTM Việt Nam chuyển sang mở tài khoản giao dịch ở các ngân hàng nước ngoài khác bởi vì nhiều ngân hàng nước ngoài có chức năng kinh doanh đối ngoại nên tìm cách thu hút khách hàng của NHTM Việt Nam.

  1. Giải pháp tăng cường chất lượng hoạt động kinh doanh ngoại tệ của các NHTM Việt Nam

4.1. Tăng cường các giao dịch phái sinh nhằm giảm thiểu rủi ro, gia tăng chất lượng hoạt động kinh doanh ngoại tệ

          Thực tế cho thấy cơ cấu các nghiệp vụ kinh doanh ngoại tệ của các NHTM Việt Nam chưa cân đối, chỉ thực hiện các giao dịch giao ngay, giao dịch kỳ phái sinh chiếm tỷ trọng thấp. Vì vậy việc mở rộng đa dạng hóa các nghiệp vụ kinh doanh ngoại tệ sẽ giúp các NHTM Việt Nam mở rộng quy mô kinh doanh, tạo sự tăng trưởng cả về lượng và chất trong hoạt động kinh doanh này, đồng thời hỗ trợ các nghiệp vụ khác, góp phần vào sự phát triển chung của các NHTM Việt Nam.

Việc áp dụng các nghiệp vụ kỳ hạn chưa phổ biến có thể coi là thị trường tiềm năng cho các NHTM Việt Nam khai thác, khuyến khích khách hàng tham gia vào nghiệp vụ này. Việc phát triển các nghiệp vụ kỳ hạn có thể thực hiện thông qua các biện pháp như nghiên cứu nhu cầu của khách hàng để từ đó các NHTM Việt Nam chuẩn bị nguồn ngoại tệ và các yếu tố có liên quan để có thể cung cấp cho khách hàng dịch vụ tốt nhất. Thực hiện tư vấn khách hàng để khách hàng hiểu và sử dụng sản phẩm của ngân hàng. Ngân hàng cần tìm giải pháp gia tăng nguồn cung ngoại tệ từ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các nguồn khác. Phát triển nghiệp vụ hoán đổi, thông tin cho khách hàng để khách hàng biết được sản phẩm của ngân hàng đồng thời xác định tỷ giá trong giao dịch hoán đổi hợp lý. Thúc đẩy sự phát triển của giao dịch quyền chọn. Giao dịch quyền chọn tiền tệ được áp dụng thích hợp nhất cho các nhà xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh phải thực hiện đấu thầu. Các NHTM Việt Nam cũng đã thực hiện nghiệp vụ này nhưng quy mô còn hạn chế. Trên góc độ ngân hàng phát hành bán quyền có thể thu lợi nhuận nếu thị trường ổn định. Ngược lại, nếu thị trường không ổn định thì các NHTM Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ trạng thái ngoại hối và phải kết hợp với các hoạt động khác như cho vay hoặc đầu tư. Rủi ro do sử dụng nghiệp vụ này rất lớn, khi những biến động tỷ giá theo chiều bất lợi. Để thúc đẩy nghiệp vụ này, các NHTM Việt Nam cần có sự bồi dưỡng cán bộ về chuyên môn, nghiệp vụ. Cán bộ làm việc đòi hỏi có trình độ chuyên môn cao, nắm bắt thông tin và sử lý kịp thời. Kết hợp với yếu tố con người là trang thiết bị, công nghệ hỗ trợ cho giao dịch. Một yếu tố quan trọng trong thúc đẩy giao dịch này là giới thiệu, quảng bá những tiện ích của nghiệp vụ này tới khách hàng.

Như vậy, việc mở rộng đa dạng hóa các giao dịch và nghiệp vụ và việc áp dụng vào quá trình kinh doanh nhiều giao dịch và nghiệp vụ khác nhau, ở đó các NHTM Việt Nam có thể đáp ứng và cung cấp cho mọi khách hàng trong nền kinh tế những loại giao dịch và nghiệp vụ mà họ muốn lựa chọn. Việc mở rộng đa dạng hóa các giao dịch và nghiệp vụ là biện pháp tăng cường chất lượng hoạt động kinh doanh ngoại tệ, đồng thời giúp các NHTM Việt Nam nâng cao hiệu quả hoạt động.

4.2. Nâng cao trình độ và năng lực của đội ngũ kinh doanh ngoại tệ

Theo đánh giá chung, nguồn nhân lực của các NHTM Việt Nam còn nhiều hạn chế và bất cập. Sự hiểu biết và kỹ năng thực hiện các công việc chuyên môn của nhiều cán bộ còn yếu và chưa đáp ứng đòi hỏi của hoạt động ngân hàng trong điều kiện cạnh tranh và hội nhập, nhất là trong việc triển khai các dịch vụ mới và theo cách thức hoạt động của ngân hàng hiện đại, đặc biệt khi tham gia hoạt động cùng với các ngân hàng thương mại nước ngoài. Sự yếu kém không chỉ thể hiện ở trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm hoạt động mà còn ở trình độ ngoại ngữ, sự am hiểu pháp luật, thông lệ quốc tế. Tình hình này đòi hỏi phải tăng cường về đào tạo và sử dụng hợp lý hơn nguồn nhân lực bằng cách bồi dưỡng nguồn nhân lực bắt đầu từ việc tuyển chọn những nhân viên có năng lực, hoài bão, kỹ năng làm việc độc lập, làm việc nhóm, có khả năng ra quyết định. Xác định số lượng cán bộ cần thiết cho từng nghiệp vụ và yêu cầu trình độ cho mỗi vị trí. Xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá kết quả công tác, năng lực cán bộ thông qua việc xác định trách nhiệm và vai trò của cán bộ theo mô tả công việc. Hàng năm tổ chức đánh giá công tác cán bộ để rút kinh nghiệm, có định hướng cho năm sau, khen thưởng, xử phạt kịp thời.

4.3. Nâng cao năng lực công nghệ của ngân hàng

Hệ thống thông tin quản lý là yếu tố then chốt trong quản trị và điều hành hoạt động kinh doanh ngoại tệ của các NHTM Việt Nam trong nước cũng như cũng như ở nước ngoài. Bởi vì với hệ thống thông tin thông suốt thì bất kỳ đâu, bất kỳ thời điểm nào Hội đồng quản trị, Giám đốc điều hành cũng như các cơ quan chức năng giám sát có thể truy cập để nghiên cứu tình hình hoạt động của ngân hàng, các chi nhánh, văn phòng đại diện của các NHTM Việt Nam ở nước ngoài với số liệu cập nhật và chính xác. Trên cơ sở nắm vững tình hình hoạt động, các nhà quản trị điều hành các NHTM Việt Nam mới có thể có những quyết định kinh doanh kịp thời, hợp lý, hiệu quả với độ chính xác cao. Như vậy, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa công nghệ ngân hàng là điều kiện tiên quyết để các NHTM Việt Nam có thể nâng cao chất lượng hoạt động kinh doanh ngoại tệ. Các NHTM Việt Nam cần xây dựng dự án đầu tư công nghệ, tranh thủ sự giúp đỡ của NHNN và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới hoặc tự trang bị công nghệ cho mình bằng hình thức thuê mua thiết bị hạ tầng kỹ thuật công nghệ hoặc các NHTM Việt Nam có thể liên kết với các đối tác chiến lược nước ngoài hoặc cổ đông chiến lược để thực hiện dự án đầu tư và hiện đại công nghệ theo tiêu chuẩn quốc tế.

         Hiện đại hóa công nghệ ngân hàng kết hợp với vận dụng công nghệ, các NHTM Việt Nam cần đào tạo đội ngũ chuyên môn có trình độ chuẩn hóa để quản lý và duy trì tốt các thiết bị công nghệ.

  • Nâng cao năng lực điều hành và quản trị rủi ro

Hoạt động kinh doanh ngoại tệ trong môi trường đầy biến động và cạnh tranh gay gắt, để phát triển bền vững, gia tăng chất lượng hoạt động các NHTM Việt Nam phải nâng cao năng lực quản trị điều hành ban lãnh đạo ngân hàng. Đây là một trong những yếu tố quyết định năng lực và hiệu quả hoạt động của mỗi ngân hàng. Năng lực này phụ thuộc vào khả năng dự báo và chủ động xử lý kịp thời các tình huống phát sinh sử dụng có hiệu quả các cơ hội và vượt qua các thách thức.

- Áp dụng các phương pháp quản trị hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế.

- Quản trị điều hành đồng thời kiểm soát rủi ro đặc biệt rủi ro tỷ giá trong kinh doanh ngoại tệ. Hoạt động kinh doanh ngoại tệ là loại hình hoạt động có độ rủi ro cao. Tuy nhiên, thời gian vừa qua việc thực thi các biện pháp để hạn chế rủi ro kinh doanh ngoại tệ mà chủ yếu là rủi ro tỷ giá chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy để ngân hàng từng bước mở rộng các hoạt động kinh doanh ngoại tệ cần xây dựng một hệ thống hạn chế rủi ro hiệu quả. Tổ chức và tiến hành các biện pháp hạn chế rủi ro mà không bỏ lỡ các cơ hội kinh doanh. Các NHTM Việt Nam cần phải lập nhóm các cán bộ chuyên trách phân tích, đánh giá và dự báo tình hình thị trường về tỷ giá, lãi suất cũng như hoạt động của đối thủ cạnh tranh, tình hình kinh tế chính trị của các nước để từ đó có những đề xuất, kiến nghị đồng thời giúp các cán bộ làm nhiệm vụ kinh doanh đưa ra các quyết định kinh doanh kịp thời. Để thực hiện nhiệm vụ này, ngoài việc lắp đặt một hệ thống thiết bị cung cấp thông tin chính xác, nhanh nhạy, cần phải đào tạo một đội ngũ có kiến thức sâu rộng, bản lĩnh vững vàng, có khả năng dung hòa giữa sự liều lĩnh mạo hiểm của một nhà kinh doanh và sự thận trọng, chín chắn của một cán bộ quản trị. Đẩy mạnh công tác kiểm tra kiểm soát nội bộ với mục tiêu quan trọng là giám sát các quy trình, chính sách, xây dựng phát triển và khai thác hiệu quả hệ thống thông tin quản lý để tìm kiếm những tiềm ẩn tiêu cực, rủi ro trong hoạt động kinh doanh ngoại tệ và đưa ra các biện pháp giải quyết kịp thời. Xây dựng các báo cáo rủi ro phải kịp thời, hoàn chỉnh, đáng tin cậy và có ý nghĩa. Hoạt động kiểm tra kiểm soát cần tiến hành thường xuyên, cán bộ kiểm tra giám sát hoạt động kinh doanh ngoại tệ phải chịu trách nhiệm về báo cáo kiểm tra của mình. Cán bộ làm công tác quản trị rủi ro cần được đào tạo bài bản và am hiểu sâu sắc cả lý luận và thực tiễn những rủi ro trong hoạt động kinh doanh ngoại tệ. Khi xây dựng chiến lược trong hoạt động kinh doanh ngoại tệ cần phân tích, tính toán các điều kiện kinh tế vĩ mô, xu hướng phát triển của thị trường và tình hình quốc tế. Đây là một số công việc cần phải tiến hành một cách thường xuyên và liên tục.

Trên đây chỉ là những biện pháp cơ bản để giúp các NHTM Việt Nam đẩy mạnh chất lượng hoạt động kinh doanh ngoại tệ. Tuy nhiên, các NHTM Việt Nam cần lập ra một chiến lược cụ thể phân tích điểm mạnh và điểm yếu, cơ hội và hiểm họa của mình để từ đó đưa ra những giải pháp khắc phục thoả đáng.

  1. Kết luận

Việc nâng cao chất lượng hoạt động kinh doanh ngoại tệ của các NHTM Việt Nam là một trong yếu tố gia tăng hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Mỗi sự thành công trong từng hoạt động của các ngân hàng không những góp phần gia tăng lợi nhuận mà còn tăng cường sự cạnh tranh của các NHTM Việt Nam với các ngân hàng khu vực.

Tài liệu tham khảo

  1. Báo cáo thống kê các chỉ tiêu của Ngân hàng Nhà nước tháng 12/2017.
  2. Báo cáo thường niên của ngân hàng nhà nước 2017.
  3. Báo cáo thường niên của các ngân hàng VCB, Vietinbank, BIDV, Agribank, SCB, Eximbank, Techcombank, SHB, 2007-2017.
  4. Phan Thị Thu Hà (2013), Quản trị Ngân hàng thương mại, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân.
  5. Nguyễn Văn Tiến (2017), Giáo trình Tài chính quốc tế, Nhà xuất bản thống kê.
  6. Cornelius Luca (2007), Trading in the Global Currency Market, Prentice Hall Press.
  7. McGraw-Hill (1998), Foreign currency Trading, Russell R. Wasendorf.
  8. Philip Gotthelf (2003), Currency trading, John Wiley and Sons.

 

[1]  Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật Công nghiệp, Email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó.

[2] Trường Đại học Ngoại thương, Email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó.

 

CHÍNH SÁCH VỀ NGUỒN NHÂN LỰC CỦA ĐÀI LOAN VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM

Nguyễn Thu Thủy[1]

Nguyễn Hoài Nam[2]

Trần Tú Uyên[3]

 Tóm tắt            

   Trong vòng hơn hai chục năm, từ những năm cuối thập kỉ 1940 của thế kỷ XX đến giữa thập niên 1960 Đài Loan từ một vùng lãnh thổ nghèo đói lạc hậu đã trở thành một trong bốn quốc gia/vùng lãnh thổ phát triển nhất về cả kinh tế, văn hóa- xã hội và giáo dục của Châu Á nhờ có những bước cải tiến vượt bậc trong chính sách phát triển nguồn nhân lực. Bài viết này nghiên cứu các chiến lược và chính sách xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Đài Loan, từ đó gợi mở những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc xây dựng đội ngũ trí thức và phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.Từ khoá: chính sách, phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo, Đài Loan.Abstract               Over the past decades, from a poor territory, Taiwan has become one of the most developed countries/territories in Asia, not only in terms of socio-economic development, but also in terms of culture and education, thanks to the remarkable improvements in their human resource development policies. This paper studies Taiwan’s strategy and policies in building up and developping their high-quality human resources, and thereby suggests relevant lesons for Vietnam in promoting the country’s intellectuals and human resources to meet the demand of industrialization, modernization and international integration.

Keywords: policies, human resource development, training and education, Taiwan.

1.      Đặt vấn đề

Nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng cấu thành nên lực lượng sản xuất xã hội, từ đó quyết định sức mạnh của một quốc gia. Trong lịch sử các nền kinh tế trên thể giới cho thấy không có một nước giàu có nào đạt được tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao trước khi đạt được mức phổ cập giáo dục phổ thông. Giải pháp đặc biệt quan trọng nhằm thúc đẩy sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh quốc gia chính là tăng hiệu quả giáo dục, hiệu quả đầu tư cho nguồn nhân lực. Trong điều kiện xã hội đang chuyển sang nền kinh tế tri thức thì nhân tố tri thức của con người ngày càng chiếm vị trí quan trọng. Khi xã hội không ngừng tiến lên, doanh nghiệp ngày càng phát triển và nguồn lực con người là vô tận thì việc khai thác nguồn lực này đúng cách sẽ tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội, thoả mãn nhu cầu ngày càng cao của con người.

Trong những năm đầu tiên thành lập, Đài Loan gặp rất nhiều khó khăn do tài nguyên thiên nhiên khan hiếm, kinh tế kém phát triển, nông nghiệp và công nghiệp đều rất lạc hậu, thất nghiệp phổ biến, mức sống thấp. Tuy nhiên ngay trong giai đoạn khó khăn này Đài Loan đã đầu tư cho giáo dục, cụ thể đã đạt mức phổ cấp giáo dục từ rất sớm. Với chiến lược hiện đại hóa công nghiệp, phát triển các ngành dịch vụ và đặc biệt là coi trọng phát triển giáo dục ở tất cả các cấp bậc nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đến giữa thập niên 1960 và thập niên 1990, từ một nền kinh tế lạc hậu, Đài Loan đã vươn mình trở thành một khu công nghiệp mới và được coi là một trong bốn con rồng của Châu Á bên cạnh Hồng Kông, Singapore và Hàn Quốc.

Bài viết này nghiên cứu kinh nghiệm về chính sách và chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Đài Loan, nơi đã có những kế hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phù hợp và đạt được nhiều kết quả tích cực. Bên cạnh đó Đài Loan cũng có nhiều đặc điểm về kinh tế, xã hội và văn hóa khá tương đồng với Việt Nam. Bài viết chỉ ra những bài học kinh nghiệm hữu ích cho các nước đang phát triển nói chung, và cho Việt Nam nói riêng, đặc biệt trong quá trình đẩy mạnh nền kinh tế quốc dân trong điều kiện Cách mạng công nghiệp 4.0 rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao ngày nay.

  1. Khái quát về bối cảnh của Đài Loan

Đài Loan là hòn đảo ở khu vực Đông Á, ngoài khơi đông nam Đại lục Trung Quốc, phía nam Nhật Bản và phía bắc Philippines, phía đông giáp với Thái Bình Dương, phía nam giáp Biển Đông, phía tây là eo biển Đài Loan và phía bắc là Biển Hoa Đông. Hòn đảo dài 394 km và rộng 144 km, gồm nhiều dãy núi dốc và được bao phủ bởi hệ thực vật nhiệt đới và cận nhiệt đới.

Đài Loan là một nền kinh tế nhỏ song đã đạt được những bước đi và thành tựu xuất sắc trong việc phát triển nền kinh tế dựa vào trí thức. Trong suốt thời gian dài thực hiện công nghiệp hóa từ năm 1950, Đài Loan luôn đạt được sự phát triển cao ổn định nhờ có chiến lược và những chính sách quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực. Một trong những điều chỉnh lớn đặc biệt quan trọng trong thập niên 1980 đến nay là sự điều chỉnh nhằm hướng tới phát triển nền kinh tế dựa vào tri thức và nhấn mạnh việc sản xuất các sản phẩm có hàm lượng tri thức cao.

Bảng 1. Tỷ lệ tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Đài Loan

Năm

1980

1981

1982

1983

1984

1985

1986

1987

1988

GDP bình quân đầu người (USD)

3.068

3.184

3.233

3.435

3.472

3.879

4.282

4.739

5.021

Mức tăng trưởng (%)

5,1

3,8

1,5

6,2

8,9

3,7

10,4

10,7

5,9

Nguồn: Thu nhập quốc gia tại Đài Loan, theo R.O.C năm 1988

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, nền kinh tế - xã hội Đài Loan rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, thách thức về sự đói nghèo, lạc hậu ngày càng tăng cao. Vậy mà chưa đầy ba thập kỷ sau, nhờ có những chính sách khắc phục, cải tiến phù hợp đặc biệt là chiến lược phát triển nguồn nhân lực hợp lý, Đài Loan từ một vùng lãnh thổ bị bao trùm bởi nguy cơ suy tàn, sụp đổ đã có những bước tiến mạnh mẽ.

2.1. Về kinh tế

Đài Loan đã chọn con đường cực kì mạo hiểm đó là phát triển ngành điện tử công nghệ cao làm động lực để phát triển kinh tế. Trong khi Đài Loan thất thế hơn so với những nước cũng phát triển ngành công nghệ mới như Nhật Bản và Hàn Quốc về tiềm lực kinh tế, song Chính phủ Đài Loan đã có những bước đi tiến bộ phù hợp với hoàn cảnh thời điểm bấy giờ. Đài Loan sẵn sàng gửi hàng nghìn kĩ sư sang những đất nước có nền công nghệ cao như Mỹ, bất chấp việc 10 người sang chỉ có 1 người trở về nước sau khi học. Tuy nhiên, sau này khi Đài Loan có những chính sách thiết thực thì những nhân tài này đã quay trở lại quê hương để đặt nền móng cho ngành công nghệ cao, tạo tiền đề cho sự phát triển thần kì về kinh tế như hiện nay.

Thu nhập bình quân đầu người của Đài Loan luôn được xếp vào danh sách cao (đạt 12.735 USD/ người trở lên), GDP của Đài Loan tăng 0,80% trong quý II năm 2018 so với quý trước. Tốc độ tăng trưởng GDP ở Đài Loan trung bình 1,27% từ năm 1981 đến năm 2018, đạt mức cao nhất là 5,64% trong quý IV năm 1990 và mức thấp kỷ lục là -5,07% trong quý IV năm 2008 (theo Cục Thống kê quốc gia Đài Loan).

Bảng 2. Những chỉ số kinh tế của Đài Loan giai đoạn 2013-2017

 

2013

2014

2015

2016

2017

Dân số (triệu người)

23,4

23,4

23,5

23,5

23,6

GDP bình quân đầu người (USD)

21.894

22.716

22.559

22.629

24.402

GDP (tỷ USD)

512

532

530

533

575

Chỉ số tăng trưởng kinh tế (%)

2,2

4,0

0,8

1,4

2,9

Nguồn: Cục Thống kê Đài Loan

Đài Loan là vùng lãnh thổ có rất nhiều đột phá trong nhiều lĩnh vực. Chính quyền Đài Loan đã đề ra Kế hoạch phát triển Thung lũng Silicon Châu Á (Asia Silicon Valley Development Plan – ASVDP) nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ IoT (Internet of Things) và hệ sinh thái khởi nghiệp. Nói về kế hoạch phát triển đầy tham vọng này, ông Kung Ming-hsin – CEO của ASVDA cho biết: “ASVDP được kỳ vọng sẽ giúp Đài Loan trở thành một trung tâm sáng tạo, kết nối toàn bộ Châu Á với Thung lũng Silicon của Mỹ. Để đạt được mục tiêu này, sự đầu tư vào công nghệ thông tin của Đài Loan sẽ được chuyển thành đầu tư vào IoT, giúp Đài Loan trở thành một hòn đảo thông minh. IoT cũng hứa hẹn tạo ra những cơ hội kinh doanh khổng lồ cho Đài Loan”. Trên thực tế, các startup, các doanh nhân trẻ có tham vọng và có những ý tưởng độc đáo sẽ được cả Chính phủ và những đơn vị tư nhân khác tài trợ cả về tài chính lẫn không gian làm việc. Ví dụ, Taoyuan Youth Commander (TYCommander) là không gian làm việc dành cho doanh nhân và startup đầu tiên được thành lập từ nguồn vốn của chính quyền vào năm 2016.

4.2. Về văn hóa - xã hội

Nhờ những chính sách ổn định và công bằng, Chính phủ Đài Loan đang ngày càng nâng cao chất lượng sống của người dân. Ba nội dung quan trọng trong chính sách xã hội luôn được thực hiện nghiêm ngặt và đều đặn là: chế độ bảo hiểm, chế độ phúc lợi và trợ cấp xã hội. Đài Loan có hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân hàng đầu thế giới, tại đây có tới 14 bệnh viện lọt vào top 200 bệnh viện tốt nhất thế giới, chỉ xếp sau hai cường quốc phát triển là Mỹ và Đức, và đứng đầu tại Châu Á.

Dù là nơi có nền công nghiệp tiên tiến, ở Đài Loan khoảng cách giàu nghèo không quá cách biệt. Bằng nhiều chính sách an sinh xã hội thiết thực, từ y tế, giáo dục, việc làm, hưu trí, bảo hiểm, nghỉ dưỡng, nhà ở, Đài Loan là một trong những nơi có tỷ lệ người nghèo thấp nhất thế giới, dưới 1%. Theo Tổng cục Ngân sách, Kế toán và Thống kê Đài Loan, tỷ lệ thất nghiệp của Đài Loan luôn giữ mức ổn định và có xu hướng ngày càng giảm. Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp trung bình tại Đài Loan là 3,05%, tính riêng tháng 8/2018 con số này là 3,69%; năm 2017, tỷ lệ thất nghiệp ở Đài Loan trung bình là 3,76%, mức thấp nhất kể từ năm 2000 (2,99%).

Đài Loan xếp hạng 21 trong số 188 quốc gia trên thế giới về chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2014. Chỉ số này được tổng hợp dựa trên cơ sở dữ liệu thu thập trong năm 2013 về tuổi thọ, giáo dục và thu nhập. Xếp hạng này của Đài Loan năm 2014 tăng 4 bốn bậc so với thứ hạng năm 2013 là 25. Cụ thể là chỉ số HDI đạt 0,882. Na Uy đứng đầu danh sách, với chỉ số là 0,944, tiếp theo là Úc là 0,933 và Thụy Sĩ là 0,917. Singapore đứng ở vị trí thứ 9, Hàn Quốc và Hồng Kông đứng ở vị trí thứ 15, Nhật Bản đứng ở vị trí thứ 17 và Trung Quốc xếp thứ 92.

4.3. Về giáo dục

Trong quá trình xây dựng kinh tế - xã hội, Đài Loan đã dựa trước hết và chủ yếu vào nguồn tài nguyên quý báu nhất chính là “con người” vì vậy đối với Chính phủ, giáo dục luôn được coi là nhiệm vụ hàng đầu. Về bậc tiểu học, Đài Loan thuộc về 10 nước thành công nhất trên thế giới. Ở cấp trung học, Đài Loan xếp hàng thứ 4 trong bảng đánh gía của PISA (2013). Trong bậc đại học, hiện nay có tới 96% học sinh sau trung học tiếp tục bậc đại học.

Theo bảng xếp hạng đại học của QS (QS World University Rankings), Trường Đại học Quốc gia Đài Loan (National Taiwan University) là trường lọt vào top 100 trường Đại học tốt nhất thế giới trong nhiều năm liền từ năm 2015-2018, cụ thể là năm 2015 đứng thứ 70, năm 2016 đứng thứ 68, năm 2017 đứng thứ 76 và năm 2018 đứng thứ 72. Theo báo cáo Cạnh tranh toàn cầu WEF năm 2012-2013, Đài Loan đứng thứ 13, trong đó lĩnh vực giáo dục đại học của Đài Loan được đánh giá cao, được xếp thứ 9. Với sự cạnh tranh và chất lượng mang tính quốc tế thì chi phí cho học tập và phí sinh hoạt tại Đài Loan cũng rất vừa phải và hợp lý cho việc học tập của sinh viên và học sinh trong và ngoài vùng lãnh thổ này.

  1. Chiến lược và các chính sách phát triển nguồn nhân lực của Đài Loan

3.1. Chiến lược định hướng tổng thể và phát triển nguồn nhân lực

Sau một thời gian dài đạt được những thành tựu quan trọng trong công nghiệp hoá nhờ phát triển thành công các ngành công nghiệp xuất khẩu có hàm lượng lao động cao, từ cuối những năm 1970 đầu 1980, Đài Loan bắt đầu thực hiện từng bước chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế theo hướng nhấn mạnh các ngành có giá trị gia tăng cao, đặc biệt các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao nhằm thu hút và khuyến khích nguồn nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước, tiêu biểu là ngành công nghiệp điện tử, bao gồm: ngành công nghiệp máy tính (thời kỳ 1980-1986, ngành công nghiệp máy tính của Đài Loan có mức tăng trưởng 100%, xuất khẩu tăng nhanh trong cùng kì và chiếm được thị phần quan trọng của các nước phát triển như Anh, Pháp, Hà Lan, Mỹ. Tính riêng tại Mỹ, máy tính của Đài Loan đã chiếm gần hai phần ba thị trường); ngành viễn thông; bán dẫn; hàng không vũ trụ;… Một ví dụ quan trọng thể hiện việc thu hút nguồn nhân lực của Đài Loan là việc xây Khu công nghệ cao Tân Trúc. Tại đây, chính phủ khuyến khích các doanh nhân, nhà nghiên cứu đã và đang hoạt động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, các nhân tài đang làm việc cho các trung tâm công nghệ cao như Thung lũng Silicon ở Mỹ trở về, nghiên cứu và thử nghiệm. Tính đến năm 1986, đã có hơn 90% số lao động chất lượng cao này trở về, trở thành lực lượng nòng cốt để phát triển lĩnh vực công nghệ cao. Kinh phí dành cho hoạt động này trong mười năm từ năm 1986-1996 lên tới hơn 7 tỷ đô la Đài Loan. Trong “Chiến lược vàng” phát triển kinh tế 10 năm (2010 - 2020), Chính phủ Đài Loan coi phát triển khoa học công nghệ là trụ cột chính. Theo đó, các cơ quan chức năng phải đưa ra chính sách, quy hoạch và cơ chế khoa học công nghệ quốc gia sau mỗi 4 năm phát triển. Việc phân bổ ngân sách cho khoa học công nghệ được quy định theo nguyên tắc chọn lọc kỹ càng, tập trung để ngân sách được phân phối minh bạch, công bằng.

Bảng 3. Chi tiêu cho phát triển khoa học và công nghệ Đài Loan

 

2004

2005

2006

2007

2008

2012

Chi tiêu cho R&D (triệu USD)

8.227

8.781

9.595

10.356

10.981

10.981

Tỷ lệ chi tiêu cho R&D (%GDP)

2,32

2,39

2,51

2,57

2,77

3,00

Nguồn: Nation Science Council, NSC (2012)

Với sách lược “liền mạch lâu dài”, bên cạnh việc sử dụng nguồn nhân lực với trình độ chuyên môn cao, Chính phủ Đài Loan cũng có những chuẩn bị cần thiết để tạo thêm tiền đề, sức mạnh cho việc phát triển nền kinh tế dựa vào tri thức sau này. Cụ thể, Đài Loan đặc biệt chú ý vào việc đào tạo nghề sau trung học. Có thể lưu ý rằng việc nhấn mạnh đào tạo nghề sau trung học cũng là một hướng được quan tâm đặc biệt trong quá trình chuyển đổi cơ cấu ngành từ các ngành công nghiệp có hàm lượng lao động cao, giá trị gia tăng thấp sang các ngành có hàm lượng công nghệ cao và giá trị gia tăng cao ở Đông Á như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tại Đài Loan, trong những năm 1980, rất nhiều trường đào tạo nghề đã được mở ra, đó là chương trình đào tạo nghề hai năm, ba năm cho những học sinh đã tốt nghiệp phổ thông và năm năm liên thông cho học sinh trung học. Chương trình này đã có những hiệu quả rõ rệt, theo thống kê vào năm 1992, có 80% số học sinh tốt nghiệp đào tạo nghề hai năm sau trung học và 63% số học sinh tốt nghiệp đào tạo nghề ba năm sau trung học có việc làm.

Ngoài việc đào tạo và thu hút nguồn nhân lực để đáp ứng cho nhu cầu trước mắt, phát triển các ngành công nghệ cao, Đài Loan còn có những định hướng tạo ra một nền tảng nguồn nhân lực quan trọng cho phát triển nền kinh tế dựa vào tri thức trong dài hạn. Đó là các chính sách phát triển xã hội học tập suốt đời và cải cách giáo dục phổ thông. Tiêu chí đào tạo của Đài Loan đó là luôn luôn cải cách chương trình học theo hướng giúp học sinh có thể đáp ứng những thay đổi nhanh chóng trong xã hội, học sinh được trang bị những kiến thức chung cùng với kỹ năng chuyên môn chuyên sâu và tham gia các hoạt động kinh doanh thực tiễn hoặc những công việc thực ngoài xã hội để tăng khả năng ứng biến, giải quyết vấn đề trong nhóm, cộng đồng.

3.2. Các chiến lược về giáo dục đào tạo quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực

Đài Loan là một lãnh thổ không giàu có về tài nguyên, khoáng sản nên ngay từ đầu đã chọn một hướng phát triển cực kì khôn ngoan đó là có những chiến lược về giáo dục đào tạo quan trọng từ đó phát triển nguồn nhân lực một cách hiệu quả và bền vững. Giáo dục của Đài Loan cách đây 30 năm gần giống hệt như nền giáo dục của Việt Nam hiện nay, nhưng chỉ sau 15 năm cải cách, Đài Loan đã làm cả thế giới phải kinh ngạc.

Từ sau khi thiết lập chính quyền vào năm 1949, Đài Loan đã có nhiều biện pháp tích cực để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa đặc biệt là giáo dục ở đây. Tuy nhiên, do trình độ dân trí ở Đài Loan lúc này còn ở mức thấp, nhiều người không muốn cho con em mình tới trường bởi họ chưa nhận thức được vai trò quan trọng của giáo dục trong đời sống kinh tế - xã hội. Chính vì thế, thời bấy giờ, chính quyền Đài Loan đã đề ra rất nhiều chính sách vừa mang tính động viên, vừa mang tính nghĩa vụ để thúc đẩy tỷ lệ học sinh tới trường, ví dụ như ban hành “Biện pháp cưỡng học đối với thiếu niên nhi đồng”, cảnh cáo, phạt tiền cha mẹ nếu hạn định thời gian đến trường của con,... Bằng những biện pháp tích cực và triệt để như trên, Đài Loan đã có những chuyển biến nhanh chóng, làm gia tăng tỷ lệ người biết chữ một cách đáng kể.

Các chính sách nổi bật và quan trọng về giáo dục của Đài Loan phải kể đến như sau:

  • Thứ nhất, coi trọng phát triển giáo dục

Cách mạng giáo dục ở Đài Loan không đồng nhất với những cuộc cách mạng về chính trị; chính vì vậy, khi giáo dục được tách biệt và độc lập sẽ tránh được những lũng đoạn và bất cập không cần thiết. Ở Đài Loan, cách mạng giáo dục bắt đầu với việc đặt lại mục đích của giáo dục, chính con người, người đi học mới là mục đích chính của giáo dục - học thế nào để học sinh, sinh viên có khả năng sống, khả năng giao tiếp và khả năng tự hoàn thiện bản thân. Từ nhận định như vậy, hệ thống giáo dục Đài Loan được đa diện hóa, đa nguyên hóa và linh động hơn, cho phép người học lựa chọn theo mục đích và nhu cầu của họ. Mọi người công dân đều có quyền được trợ cấp, học sinh trường công hay tư học 12 năm bắt buộc đều được miễn phí. Tại các trường đại học, cao đẳng sinh viên trường công đều được trợ cấp một phần học phí.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục Đài Loan, vào năm 2017, ngân sách dành cho giáo dục ở Đài Loan là khoảng hơn 20 tỷ đô la Mỹ, chiếm 20,2% trong tổng ngân sách của Chính phủ, trong đó việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và chính sách đãi ngộ giáo viên ở đây chiếm phần lớn và cực kì được chú trọng. Hiểu rõ tầm quan trọng của những người thầy trong giáo dục và đào tạo, Đài Loan chi trả mức lương cho nghề giáo viên cao hơn từ 20-30% so với mức trung bình của các ngành nghề khác. Chính vì lý do này, rất nhiều người muốn vào ngành sư phạm và trường sư phạm có khả năng tuyển chọn được những người giỏi nhất. Giáo viên được tuyển chọn và đào tạo tốt, lại được bồi dưỡng liên tục, không ngừng nâng cao và cải thiện chất lượng hệ thống giáo dục, thúc đẩy hoạt động dạy và học phát triển mạnh mẽ.

  • Thứ hai, phát triển giáo dục đại học

Tại Đài Loan, đến đầu năm 2013 có khoảng 176 trường đại học và học viện trên tổng số dân là 24 triệu. Nếu như năm 1995, chỉ khoảng 4/10 thí sinh dự thi đậu đại học thì đến cuối năm 2010 tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp thi đỗ vào đại học là 97%. Số lượng các trường đại học đang có xu hướng giảm dần qua các năm, vào 2011, tại Đài Loan có 163 các trường và học viện bao gồm 161 trường đại học, 32 trường cao đẳng và 5 trường trung cấp với tổng số sinh viên là 1.352.084 sinh viên, trong đó có 3.326 sinh viên liên kết và 217.799 là sinh viên sau đại học. Theo báo cáo Cạnh tranh toàn cầu WEF (Diễn đàn Kinh tế Thế giới) năm 2012-2013, Đài Loan đứng thứ 13, trong đó lĩnh vực giáo dục đại học và đào tạo của Đài Loan được đánh giá cao đồng thời được xếp thứ 9, đã khẳng định được vị trí của Đài Loan trong lĩnh vực giáo dục đại học và sau đại học trên thế giới.

Hệ thống quản trị đại học tại Đài Loan rất được chú trọng, bao gồm: quản trị nhân sự, quản trị chất lượng và quản trị tài chính. Đầu tiên, phải kể đến quản trị nhân sự, hệ thống quản trị nhân sự ở Đài Loan khá giống với mô hình trong các trường Đại học ở Mỹ, tức là áp dụng phương pháp quản lý theo kiểu công ty trong trường đại học. Đứng đầu là Chủ tịch, sau đó đến Hiệu trưởng, ngoài ra còn nhiều phó hiệu trưởng phụ trách các mảng khác nhau trong trường; tiếp theo, phải kể đến đội ngũ giảng viên cực kì chất lượng, được tuyển chọn kĩ càng, bao gồm: giảng viên chính thức, giảng viên tạm thời, bán thời gian, giảng viên thỉnh giảng và trợ giảng. Ngoài ra, về vấn đề tuyển dụng bổ sung nhân sự cũng được tiến hành một cách linh động, không bó buộc, cụ thể là các khoa được tự mình tuyển chọn người phù hợp với nhu cầu và nhà trường sẽ phê duyệt theo sự đề xuất này. Đây được đánh giá là hình thức chọn lọc hợp lý và hiện đại, tránh đi theo lối mòn truyền thống, từ đó tìm được người phù hợp với yêu cầu cần thiết của người học.

Trong các trường đại học ở Đài Loan, mục tiêu quản trị chất lượng được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu. Qua các năm, việc quản trị chất lượng ở Đài Loan không ngừng được cải thiện và nâng cao thông qua nhiều các công cụ khác nhau. Chính phủ cùng Bộ Giáo dục luôn luôn sát sao với chất lượng của từng trường đại học, để từ đó quyết định mức chi ngân sách cho từng trường. Cùng với đó là đánh giá chất lượng thông qua việc lấy ý kiến của sinh viên thường niên nhằm mục đích điều tra và đánh giá nhu cầu của sinh viên về dịch vụ đào tạo cũng như là chất lượng giảng viên giảng dạy.

Về quản trị tài chính, do chính sách phổ cập giáo dục đại học, ngày càng có nhiều người bao gồm cả những người có thu nhập cao và những người có thu nhập thấp đều có thể vào đại học. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân trên cả nước, Chính phủ đã có những nguyên tắc chung về mức học phí cũng như lộ trình tăng và nguồn thu tài chính của các trường đại học. Cụ thể, theo thống kê của Bộ Giáo dục Đài Loan, tài chính của các trường đại học sẽ đến chủ yếu từ các nguồn thu như sau: học phí, đóng góp quyên tặng, hợp tác nghiên cứu, các chương trình học và đào tạo, nguồn tài chính đầu tư, tài trợ Chính phủ.

  • Thứ ba, tăng cường mối quan hệ giữa giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ

Con đường phát triển của Đài Loan đã trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu nền kinh tế dựa vào nông nghiệp (1973-1985), tiếp đó là các ngành công nghiệp nhập khẩu công nghệ, sản xuất dựa vào nhân công giá rẻ (1985-1994) và giai đoạn ba là chuyển đổi các ngành công nghiệp nội địa, tăng cường định hướng đổi mới sáng tạo (1994-2002), hiện nay đang chuyển sang phát triển nền công nghiệp giá trị cao, xây dựng kinh tế dựa vào tri thức.

Để đáp ứng được nền kinh tế đang chuyển giao công nghệ hiện đại như vậy, quản trị khoa học cũng đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống các trường đại học ở Đài Loan. Mối quan hệ giữa đào tạo và quản trị khoa học là mối quan hệ hữu cơ, thúc đẩy nhau cùng phát triển, góp phần bồi dưỡng đội ngũ giảng viên và sinh viên từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy. Hoạt động nghiên cứu khoa học nhận được rất nhiều sự quan tâm không chỉ về phía nhà trường mà còn nhận được sự hỗ trợ tài chính, cũng như về mặt cơ chế, chính sách, và cơ sở hạ tầng từ Nhà nước, mỗi năm Chính phủ dành ra hàng triệu Đài tệ để phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học trong các trường đại học, học viện. Nhờ việc thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học, qua thời gian, rất nhiều công trình nghiên cứu có tính thực tiễn cao đã được ra đời, góp phần vào sự phát triển chung của nền khoa học, công nghệ của Đài Loan. Đài Loan cũng là một trong các quốc gia thành công về ươm tạo doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp dựa vào công nghệ nói riêng. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục Đài Loan, bắt đầu từ năm 1996, trong các trường đại học và viện nghiên cứu thường có các trung tâm ươm tạo (ICs) với sứ mệnh là thu hút, hỗ trợ các doanh nghiệp có định hướng công nghệ cao.

  • Thứ tư, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phù hợp với thị trường lao động

Ở Đài Loan rất nhiều trường dạy nghề đã được mở ra nhằm tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển ngành công nghệ cao, bên cạnh đó là việc gửi nhiều kĩ sư, nhà khoa học sang những nước phát triển hơn như Mỹ để nâng cao trình độ. Việc học nghề ở đây không hoa mỹ mà học luôn gắn với hành và có bóng dáng của các doanh nghiệp để các công trình nghiên cứu, sản phẩm mà các học viên tạo ra có thể áp dụng vào đời sống xã hội. Bên cạnh đó, học viên học tại các cơ sở đào tạo nghề tại Đài Loan luôn có cơ hội vừa học vừa làm rất linh hoạt; các bài giảng được thiết kế phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp; có sự đánh giá của doanh nghiệp để đào tạo cho sinh viên các kĩ năng thuần thục và phù hợp với môi trường thực tế của doanh nghiệp. Một ví dụ về việc hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao giữa trường đại học và các doanh nghiệp là mô hình hợp tác mẫu mực trong lĩnh vực công nghệ cao giữa Trường Đại học Kỹ thuật Chang Jung (Khoa Chế tạo máy bay không người lái - UAV) và Tập đoàn Công nghệ và Hàng không vũ trụ GeoSat tại Thành phố Đài Bắc.

Việt Nam cần tham khảo học hỏi Đài Loan về mô hình kết hợp giữa các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề với các doanh nghiệp nhất là những ngành nghề trọng điểm cấp độ quốc gia. Sự liên kết giữa các trường đại học và doanh nghiệp là một sự thật khách quan, là một xu thế tất yếu, là mối quan hệ “win-win”, mang lại lợi ích cho cả hai bên.

3.3. Các chính sách đào tạo và thu hút nhân tài trong và ngoài nước

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa, vật lý, sinh học với trung tâm và khâu đột phá là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật, rô-bốt, công nghệ na-nô, công nghệ sinh học,... đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới, tạo ra những cơ hội rất lớn nhưng cũng đặt ra cả thách thức lẫn cơ hội không nhỏ cho mỗi quốc gia. Đặc biệt là đối với một quốc gia phát triển mạnh mẽ về công nghệ như Đài Loan. Khi mà cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang làm thay đổi nhanh chóng cơ cấu lao động và thị trường lao động, sức lao động sẽ dần được thay thế bằng máy móc thì việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đang là vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết.

Đầu tiên, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là vấn đề được Đài Loan rất quan tâm và thực hiện một cách cụ thể, rõ ràng. Đài Loan đặc biệt chú trọng đầu tư để phát triển nền giáo dục đại học, luôn luôn coi phát triển giáo dục đại học là quốc sách hàng đầu, cùng với đó là xây dựng đội ngũ giảng viên đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng dạy và học.

Đặc biệt, Theo Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo Đài Loan, ở đây các trường đại học được phân loại theo các mục khác nhau, tùy thuộc vào chức năng và những yêu cầu thực tiễn của nền kinh tế xã hội nước nhà, cụ thể là có 4 nhóm đại học chính, bao gồm: Các trường đại học nghiên cứu (áp dụng với một số lượng nhỏ các trường đại học chịu trách nhiệm nghiên cứu. Các thiết bị tân tiến được cấp cho các trường này, giúp các nhà nghiên cứu hàng đầu tạo ra những kiến thức mới, tri thức mới, phát minh ra các công nghệ mới); các trường đại học thực nghiệm (một số trường đại học chủ chốt của Đài Loan được phân vào cấp này có nhiệm vụ chủ yếu là dạy cho sinh viên những kiến thức hiện đại nhất trong lĩnh vực kiến thức họ lựa chọn và cung cấp những khoá học cơ sở cho các sinh viên đó, nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức và kĩ năng cần thiết cho ngành nghề sau này); đại học cộng đồng (là những trường cao đẳng hệ 2 năm ở địa phương thay thế cho những trường dạy nghề cũ được thành lập trước đây); các trường đại học dành cho những mục đích đặc biệt (áp dụng với các trường dạy nghề như kỹ thuật viên, y tá và các giáo viên tiểu học đã có những đóng góp quan trọng cho nền giáo dục Đài Loan trong vòng hơn hai thập kỷ qua. Chính quyền Đài Loan đã chỉ đạo nâng cấp một số các trường dạy nghề này thành trường cao đẳng hệ 4 năm và các trường đại học bách khoa).

Thứ hai, Đài Loan đã có những biện pháp thiết thực để sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao một cách có hiệu quả và bền vững. Tận dụng những thế mạnh hiện có của nền kinh tế, Đài Loan đã triệt để thu hút nhân tài từ mọi nguồn cả trong và ngoài nước. Ở lãnh thổ này, tri thức và chất xám được đầu tư và đánh giá rất cao, rất nhiều chính sách mềm dẻo đã được thông qua nhằm mục đích giữ chân nhân tài trong nước, hoàn lưu đội ngũ kiều bào và thu hút một lượng lớn Nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ngoài đến làm việc tại Đài Loan. Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), vào năm 2017, một nguồn lao động lớn của Việt Nam đã sang Đài Loan để làm việc, con số này lên tới 67.000. Dự báo trong năm 2018-2019, Đài Loan sẽ là một trong những thị trường có nhu cầu cao tiếp nhận lao động Việt Nam.

Phát triển nguồn nhân lực từ quốc tế là một phần không thể thiếu trong chính sách phát triển của Đài Loan. Đặc biệt là trong bối cảnh lãnh thổ này đang phải đau đầu về việc rất nhiều nhân tài đến Trung Quốc làm việc, đối mặt với mức đối mặt với vấn nạn “chảy máu chất xám” cùng tình trạng giảm dân số ở độ tuổi lao động. Theo thống kê của chính quyền, nhiều ngành công nghiệp của Đài Loan, đặc biệt là lĩnh vực điện tử, đang thiếu hụt khoảng 218.000 công nhân. Nếu dân số hòn đảo giảm mạnh vào năm 2021 như dự đoán trước đó, số người trong độ tuổi lao động sẽ ngày càng giảm. 

"Đến năm 2060, khoảng 20% dân số Đài Loan là người trên 65 tuổi, và trong những năm sau đó, các doanh nghiệp của Đài Loan sẽ không có đủ công nhân lao động", bà Chen Mei Ling, người đứng đầu hội đồng phát triển Đài Loan, cho biết. Chính vì vậy, Chính phủ Đài Loan đã cấp bách thông qua rất nhiều chính sách cấp thiết để thu hút nguồn lao động ở nước ngoài đến hòn đảo này làm việc.

Ngày 31/10/2017, Chính phủ Đài Loan đã dự thảo đạo luật Tuyển dụng nhân tài nước ngoài, theo đó những quy định về thị thực, giấy phép lao động, giấy cư trú, bảo hiểm y tế, thuế và lương hưu sẽ trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn cho lao động nước ngoài khi đến làm việc và cư trú tại Đài Loan. Theo Hội đồng Phát triển Quốc gia cấp Nội các, dự luật không chỉ mở đường cho việc tạo ra môi trường sống và làm việc thân thiện cho các nhân tài nước ngoài, mà còn giúp tăng cường khả năng cạnh tranh toàn cầu của Đài Loan cũng như mở rộng các mối quan hệ kinh tế và thương mại. Việc thông qua dự luật này đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nỗ lực của chính phủ nhằm thu hút và giữ chân các tài năng quốc tế. Theo đó, giấy phép làm việc và cư trú cho các nhân tài ngoài nước (đủ điều kiện) sẽ được gia hạn từ tối đa ba năm đến năm hiện tại, trong khi thời gian gia hạn tới năm năm cũng có thể được cấp khi hết hạn. Họ cũng sẽ có thể nộp đơn xin Thẻ Vàng bốn trong một (four-in-one Employment Gold Card), bao gồm giấy phép lao động, visa cư trú, Giấy chứng nhận Cư trú Người nước ngoài và giấy phép tái nhập cảnh và có hiệu lực trong thời gian từ một đến ba năm. Điều này sẽ khiến người lao động nước ngoài cảm thấy tự do hơn vì họ sẽ không phải phụ thuộc vào người sử dụng lao động để xin giấy phép lao động. Dự luật cũng sẽ loại bỏ yêu cầu người nước ngoài phải cư trú trong nước 183 ngày mỗi năm để duy trì giấy phép cư trú vĩnh viễn của họ. Đối với người phụ thuộc, vợ/chồng của người lao động và trẻ em là trẻ vị thành niên sẽ không còn phải chờ 6 tháng trước khi có thể đăng ký bảo hiểm theo chương trình Bảo hiểm Y tế Quốc gia. Luật mới cũng quy định: người phụ thuộc bao gồm vợ/chồng, trẻ em vị thành niên cũng như trẻ khuyết tật của người lao động người nước sẽ có thể nộp đơn xin thường trú tại Đài Loan. Theo luật, các chuyên gia nước ngoài có việc làm thường trú tại Đài Loan có thể được đưa vào hệ thống lương hưu quốc gia theo Đạo luật Lao động. Hội đồng cho biết họ sẽ tích cực cộng tác với các cơ quan chính phủ liên quan để thúc đẩy sáng kiến cũng như nâng cao hiệu quả của hành động. Luật này dự kiến sẽ được ban hành vào năm 2019.

3.4. Hoàn lưu đội ngũ nhân tài và hạn chế tình trạng “chảy máu chất xám”

“Hoàn lưu chất xám” của Đài Loan là một trong những chiến lược hiệu quả và thiết thực. Đài Loan xây dựng Khu công nghiệp Tân Trúc và cung cấp kinh phí tạo môi trường thuận lợi nhất cho các nhà nghiên cứu trở về nước làm việc. Đó chính là yếu tố then chốt giúp Chính phủ Đài Loan cạnh tranh được với các nước phát triển khác: tạo điều kiện làm việc và chế độ đãi ngộ tương đương các nơi khác trên thế giới.

  1. Bài học kinh nghiệm về chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Đài Loan

4.1. Chú trọng phát triển giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học

Từ những chính sách giáo dục cụ thể gắn liền với thực tiễn của Đài Loan có thể rút ra được kinh nghiệm: phát triển nguồn nhân lực dựa trên nền tảng giáo dục cần được thực hiện triệt để và toàn diện. Đầu tiên, Nhà nước cần coi giáo dục đặc biệt là giáo dục đại học là quốc sách hàng đầu. Theo thống kê của Bộ Giáo dục Đài Loan và Vụ Giáo dục thường xuyên Việt Nam (trực thuộc Bộ Giáo dục Đào tạo Việt Nam), tính đến năm 2016, ở Đài Loan tỷ lệ biết chữ (đến tuổi 15 biết đọc biết viết) là 99% thì ở Việt Nam con số này là 94%. Con số này nói lên tình trạng mù chữ ở Việt Nam là khá lớn, cần được cải thiện ngay lập tức.

Tiếp đến là cần xây dựng đội ngũ giáo viên, giảng viên thực sự có thực lực, đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng. Ở Đài Loan, giáo viên được coi là một nghề cao quý và rất được kính trọng, hầu hết các giảng viên của các trường đại học ở đây đều được gửi đi tu nghiệp ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, và hầu hết có bằng tiến sĩ. Giáo viên ở Đài Loan được tái đào tạo và bồi dưỡng liên tục. Có 12 trung tâm đào tạo nâng cao nhằm cập nhật kiến thức và huấn luyện giáo viên thực hiện những chính sách về cải cách giáo dục, giúp họ không ngừng phát triển và trưởng thành.

4.2. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu của thị trường lao

động

   Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cần phù hợp với thị trường lao động. Vì thế, Việt Nam cần tham khảo, học hỏi Đài Loan về mô hình kết hợp giữa các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề với các doanh nghiệp nhất là những ngành nghề trọng điểm cấp độ quốc gia. Sự liên kết giữa các trường đại học và doanh nghiệp là một sự thật khách quan, là một xu thế tất yếu, là mối quan hệ “win-win”, mang lại lợi ích cho cả hai bên.

4.3. Thu hút và đãi ngộ nhân tài trong và ngoài nước

Dự luật “Tuyển dụng nhân tài nước ngoài” nói trên cho thấy tại Đài Loan, những qui định về quản lý lao động nước ngoài đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng lao động nước ngoài làm việc tại đây. Tuy nhiên ở Việt Nam, những qui định và thủ tục về tuyển dụng và quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam còn khá rườm rà, thiếu hiệu quả; công tác phối hợp, trao đổi thông tin trong quản lý lao động nước ngoài giữa các cơ quan chuyên môn ở địa phương và các bộ ngành chưa chặt chẽ, kịp thời và đồng bộ, đặc biệt là trong việc chia sẻ thông tin, giải quyết các vi phạm phát sinh. Bên cạnh đó, điều kiện sống và làm việc của chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam còn hạn chế. Trong khảo sát của HSBC về đời sống của các chuyên gia nước ngoài - HSBC Expat Explorer 2018, Việt Nam đứng thứ 30 trên bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về mọi mặt cho chuyên gia nước ngoài dựa trên 5 tiêu chí: sự thoải mái khi tới định cư ở một đất nước hoặc vùng lãnh thổ, chất lượng cuộc sống, chi tiêu cá nhân, môi trường làm việc, và khả năng ổn định và hòa nhập; và xếp hạng này giảm 11 bậc so với năm 2016. Việt Nam cần chú trọng xây dựng những chính sách thiết thực, hợp lý và linh hoạt hơn nữa để khắc phục những điểm yếu còn tồn tại nhằm thu hút đội ngũ nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đến làm việc và sinh sống tại Việt Nam.

Ngoài ra, khắc phục tình trạng “chảy máu chất xám” cũng là một trong những bài học kinh nghiệm quan trọng và thiết thực mà Việt Nam có thể tham khảo. Theo thống kê của Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam), số lượng du học sinh Việt Nam ở nước ngoài ngày càng tăng, trung bình mỗi năm số lượng học sinh Việt Nam du học nước ngoài tăng 8% trong giai đoạn 2010-2017. Mỗi năm các gia đình Việt Nam chi tiêu gần 2 tỉ USD cho việc du học ở nước ngoài. Ước tính số học sinh Việt Nam hiện tại ở nước ngoài trong năm 2017 là 80.000 người. Tuy nhiên, trên thực tế, có tới 70% du học sinh không quay trở về nước sau khi kết thúc chương trình học tập, đồng nghĩa với việc Việt Nam bị thất thoát số “chất xám” này. Do vậy, để có một kế hoạch và chính sách lâu dài cho việc thu hút lưu học sinh học xong về nước, Nhà nước cần chú trọng việc phát triển các ngành khoa học công nghệ, đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất cũng như có chế độ đãi ngộ phù hợp nhằm thu hút nhân tài hoàn lưu, cạnh tranh với các nước phát triển khác về môi trường học tập, làm việc để hạn chế “chảy máu chất xám”.

  1. Kết luận

Trong điều kiện ban đầu gặp rất nhiều khó khăn từ điều kiện thiên nhiên đến bối cảnh kinh tế - xã hội, Đài Loan đã có những chiến lược phát triển nguồn nhân lực hợp lý và hiệu quả, có những ưu tiên phát triển được đầu tư đúng mức. Từ đó, Đài Loan đạt được những bước chuyển mình thần tốc về kinh tế và xã hội, đời sống và phúc lợi của người dân không ngừng được nâng cao, trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu Châu Á. Tuy đã đạt được thành tựu đáng kể, Chính phủ Đài Loan vẫn tiếp tục không ngừng đổi mới, luôn có sự chuẩn bị cho những bước tiến tương lai.

Chính sách phát triển nguồn nhân lực của Đài Loan trở thành những bài học kinh nghiệm hữu ích cho rất nhiều quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam và Đài Loan đang mở rộng mối quan hệ trên nhiều các lĩnh vực như giáo dục, y tế, đặc biệt là về kỹ thuật công nghiệp; bên cạnh đó, rất nhiều tập đoàn kinh tế của Đài Loan cũng đang đầu tư nhiều dự án lớn vào thị trường Việt Nam. Những chính sách và chiến lược về công nghệ cao của Đài Loan có thể mang đến những bài học kinh nghiệm cần thiết và hữu ích cho Việt Nam trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tiến đến là hòa nhập với Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tài liệu tham khảo

  1. Bích Trâm (2018), “Đài Loan, vùng đất của những đột phá sáng tạo”, Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn, tháng 5/2018.
  2. Cục Thống kê Đài Loan, Những chỉ số kinh tế của Đài Loan giai đoạn 2013-2017.
  3. Cung Hữu Khánh (2013), “Giáo dục Đài Loan: Cải cách và thành tựu”, Tạp chí điện tử Viện nghiên cứu Đông Bắc Á, tháng 9/2013.
  4. Đặng Ngọc Trâm (2013), “Thu hút chất xám từ nước ngoài – kinh nghiệm của Đài Loan đối với KCN Tân Trúc”, ý kiến trao đổi, tháng 10/2013.
  5. Hãng tin Trung ương CNA (2018), Diễn đàn kinh tế thế giới đánh giá Đài Loan là một trong bốn cường quốc sáng tạo của thế giới, Báo Điện tử kênh thông tin Chính sách hướng Nam mới.
  6. Hsiao, F.S.T. & Hsiao, M.W. (2017), Economic Development of Emerging East Asia-Catching Up Taiwan and South Korea.
  7. National Science Council (2011), The “Silicon Island Project”.
  8. Ngân hàng HSBC (2018), Báo cáo năm thứ 11 về Khảo sát chuyên gia nước ngoài (Expat Explorer), HSBC.com.vn.
  9. Ngọc Thanh (2016), “Đây là cách người Đài Loan vươn lên mức thu nhập ngang với người Nhật, Úc sau 4 thập kỷ”, Báo điện tử Trí thức trẻ, tháng 6/2016.
  10. Nguyễn Thị Thu Oanh (2010), “Định hướng phát triển công nghệ của Đài Loan”, Ấn phẩm điện tử báo Khoa học và Phát triển tháng 10/2010.
  11. Nhị Bình (2008), “Đài Loan – những vấn đề phát triển nguồn nhân lực”, Báo điện tử Taiwan Today, tháng 12/2008.
  12. Phùng Thị Huệ (2000), Quá trình phát triển kinh tế - xã hội Đài Loan (1949-1996), Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội.
  13. Special Reports (2005), International Human Resource Development in Taiwan.
  14. Taiwan Today (2017), Legislature passes act to attract foreign talent.
  15. Thống kê của Bộ Giáo dục Đài Loan, http://140.111.34.54/statistics/content.aspx?site.
  16. Thống kê của IMF và CIA - The World Factbook (2015-2017), Thu nhập bình quân đầu người của Đài Loan từ 2015-2017.
  17. Tradingeconomics (2018), Taiwan GDP Growth Rate.
  18. UNDP (2018), Human Development Reports
  19. VnReview (2017), “Nền tảng sự phát triển kinh tế của Đài Loan”, Tạp chí Điện tử Bộ Giao thông Vận tải, tháng 1/2017.
  20. Yu-Ru (1999), Recuitment and Selection and Human Resource Management in the Taiwanese Cultural Context, PhD dissertation, University of Plymouth.

 

[1]Trường Đại học Ngoại thương, Email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó.                                                     

[2] Học viện Ngân hàng, Email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó.

[3] Trường Đại học Ngoại thương, Email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó.

 

LIÊN KẾT KINH DOANH – THỰC TIỄN TẠI VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ GỢI Ý CHÍNH SÁCH

Cao Đinh Kiên[1]

Lê Thị Vân Dung[2]

 

Tóm tắt

Liên kết kinh doanh (business linkage) là hoạt động diễn ra ngày càng phổ biến trong nền kinh tế thế giới vì những lợi ích nó mang lại cho các bên tham gia. Đặc biệt, với sự phát triển của công nghệ và xu thế toàn cầu hóa, hoạt động liên kết kinh doanh là điều tất yếu để giúp các doanh nghiệp mở rộng phạm vi, quy mô hoạt động cũng như giảm chi phí hay tăng sức cạnh tranh. Tại Việt Nam, với quá trình thực hiện đổi mới từ năm 1986, Đảng và Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách nhằm khuyến khích phát triển kinh tế đa thành phần cũng như thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế bằng việc mở cửa nền kinh tế và tham gia tích cực vào các tổ chức kinh tế thế giới. Điều này vừa tạo tiềm năng, cơ hội phát triển nhưng đồng thời vừa tạo ra thách thức lớn về cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải biết tận dụng hoạt động liên kết kinh doanh cũng như các lợi thế của hoạt động liên kết kinh doanh nhằm gia tăng sức cạnh tranh của mình. Bài nghiên cứu này tìm hiểu tổng quan về các hình thức và phương thức liên kết kinh doanh đã và đang được áp dụng trên thế giới. Bên cạnh đó, bài nghiên cứu cũng tìm hiểu thực trạng và trao đổi về hàm ý chính sách nhằm phát triển hoạt động liên kết kinh doanh tại Việt Nam.

Từ khoá: liên kết kinh doanh, business linkage, hội nhập kinh tế, kinh tế quốc tế

Abstract

For the benefits of all stakeholders, business linkage is becoming more and more popular in the global economy. With the development of technology and the globalization process, business linkage is indispensable to help businesses increase market share well as reduce costs and improve the competitive advantages. Since the Reform of 1986, Vietnamese Government have launched many policies to encourage multi-sectoral economic development as well as to promote international economic integration by opening and participating in global economic organizations. This trend creates potencial opportunities but simultaneously represents competition challenges for domestic business. Businesses must take advantage of business linkage activities to increase their competitive advantages in the market. This paper provides overview about business linkage types and methods applicable around the world. Moreover, the paper also discusses the status and policy implications to promote business linkage activities in Vietnam.

Keyword: Business linkage, economic integration, international business

 

  1. Đặt vấn đề

Theo từ điển thuật ngữ kinh tế, liên kết kinh tế (hay liên kết kinh doanh) được định nghĩa như sau: “Liên kết kinh tế là hình thức hợp tác và phối hợp do các đơn vị kinh tế tự nguyện tiến hành nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển theo hướng có lợi nhất, trong khuôn khổ pháp luật nhà nước.” Khái niệm liên kết kinh doanh đề cập đến sự hợp tác giữa các doanh nghiệp để cùng thực hiện một hay nhiều công việc nhằm đạt được mục tiêu chung. Liên kết kinh doanh có thể thực hiện ở nhiều quy mô địa lý khác nhau như quy mô khu vực (ASEAN, AFTA), quy mô quốc gia, quy mô tỉnh hay thành phố…, Hơn thế nữa, liên kết kinh doanh cũng có thể thực hiện giữa nhiều chủ thể với nhau, ví dụ như hợp tác giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp hay hợp tác giữa cá nhân với doanh nghiệp.

Bằng cách phân tích các mối quan hệ kinh doanh của doanh nghiệp, có thể thấy rằng mối quan hệ giữa doanh nghiệp, khách hàng và nhà cung cấp thường có tính chất lâu dài. Điều này có lợi cho doanh nghiệp vì việc lặp đi lặp lại các giao dịch với các đối tác quen thuộc sẽ làm chi phí giao dịch thấp hơn so với việc liên tục thay đổi sang các đối tác mới. Do vậy, cân nhắc việc phát triển hay thiết lập các mối liên kết kinh doanh mới luôn được coi là sự đầu tư cho tương lai, vượt xa ra khỏi lợi ích từ một vài hoạt động kinh doanh riêng lẻ tại thời điểm hiện tại. Có thể thấy liên kết kinh doanh là một xu thế tất yếu trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Các doanh nghiệp Việt Nam phải biết tận dụng hoạt động liên kết kinh doanh cũng như các lợi thế của hoạt động liên kết kinh doanh nhằm gia tăng sức cạnh tranh của mình. Bài nghiên cứu này tìm hiểu tổng quan về các hình thức và phương thức liên kết kinh doanh đã và đang được áp dụng trên thế giới. Bên cạnh đó, bài nghiên cứu cũng tìm hiểu thực trạng và trao đổi về hàm ý nhằm phát triển hoạt động liên kết kinh doanh tại Việt Nam.

 

  1. Phân loại và các phương thức liên kết kinh doanh

2.1. Phân loại liên kết kinh doanh

Liên kết kinh doanh là sự hợp tác giữa doanh nghiệp và các đối tác nhằm hướng tới sự phát triển từ các lợi ích chung. Các doanh nghiệp tham gia một nhóm liên kết chính thức hoặc không chính thức với mục đích mang lại một mối quan hệ có lợi cho các bên liên quan. Nếu liên kết kinh doanh có tính chất dài hạn và liên quan đến các nguồn lực lớn, các bên liên quan cần chuẩn bị văn bản pháp lý quy định ràng buộc trong liên kết kinh doanh và chế tài xử phạt nếu một thành viên vi phạm những ràng buộc này.

Liên kết kinh doanh đặc biệt có ích cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa vì các doanh nghiệp này có thể vượt qua giới hạn về quy mô bằng cách với tác với nhau trong các liên kết kinh doanh. Biểu đồ sau đây cho thấy hai hình thức liên kết kinh doanh chủ yếu được sử dụng:

2.1.1 Liên kết kinh doanh theo chiều ngang

Liên kết kinh doanh theo chiều ngang là loại hình hoạt động hợp tác giữa các doanh nghiệp, cá thể có cùng vị trị trong chuỗi giá trị. Chẳng hạn, liên kết của những nhà cung cấp nguyên phụ liệu may với nhau, liên kết của những doanh nghiệp may xuất khẩu với nhau, hay liên kết của những doanh nghiệp phân phối hàng may ở thị trường nước ngoài. Mục đích của liên kết theo chiều ngang thường là để tìm kiếm sự hợp tác của những tổ chức có cùng chức năng nhằm tăng cường công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm/dịch vụ hoặc thực hiện những hoạt động nhằm tăng cường khả năng bán hàng của các doanh nghiệp. Lý do cơ bản của hình thức liên kết kinh doanh theo chiều ngang là:

  • Quy mô mỗi cá thể tham gia liên kết kinh doanh là quá nhỏ để đạt được lợi thế kinh tế từ quy mô. Lợi ích cho doanh nghiệp tham gia liên kết kinh doanh là tăng lợi thế kinh tế từ quy mô
  • Phạm vi hoạt động của mỗi cá thể tham gia liên kết kinh doanh là quá nhỏ để phục vụ một số đối tượng khách hàng nhất định. Lợi ích cho doanh nghiệp tham gia liên kết kinh doanh là khả năng tiếp cận thị trường mới và tăng doanh thu
  • Thông qua liên kết kinh doanh, chi phí marketing của mỗi cá thể tham gia liên kết kinh doanh giảm xuống. Hơn thế nữa, liên kết kinh doanh còn cho phép của các cá thể tham gia tham gia phát triển sản phẩm dưới cùng một thương hiệu lớn. Lợi ích cho doanh nghiệp tham gia liên kết kinh doanh là khả năng tiếp cận thị trường mới, tăng doanh thu và giảm chi phí marketing

Liên kết kinh doanh theo chiều ngang thường giới hạn ở phạm vi địa lý cụ thể hay thông qua các hiệp hội ngành nghề. Vì vậy, thường có những văn bản chính thức quy định về các điều kiện để có thể trở thành thành viên cũng như các hình thức xử lý vi phạm của các thành viên. Hình thức liên kết kinh doanh theo ngang thường phổ biến ở một số ngành bán lẻ hay ngành thủ công mỹ nghệ với sự liên kết của các hộ gia đình, đặc biệt phổ biến trong lĩnh vực nông nghiệp.

2.1.2. Liên kết kinh doanh theo chiều dọc

Liên kết kinh doanh theo chiều dọc là sự hợp tác giữa các doanh nghiệp và cá thể trong cùng một chuỗi giá trị. Nhìn chung, liên kết kinh doanh theo chiều dọc không giới hạn về mặt địa lý cũng như về quy mô doanh nghiệp. Thông thường các doanh nghiệp lớn tại các nước phát triển có thể lựa chọn gia công hàng hóa của mình ở các nước đang phát triển để tận dụng lợi thế so sánh của các nước này như chi phí lao động thấp, nguồn tài nguyên dồi dào… Loại hình liên kết này thường thấy ở các ngành như may mặc, giày dép, vật liệu xây dựng, trang trí nội thất… Hình thức liên kết kinh doanh theo chiều dọc sẽ mang lại cho các cá thể tham gia một số lợi ích như:

  • Thông qua liên kết kinh doanh, mỗi cá thể tham gia có thể sử dụng một bộ tiêu chuẩn về chất lượng, môi trường và xã hội chung. Lợi ích cho doanh nghiệp tham gia liên kết kinh doanh là giảm chi phí và tăng mức độ hài lòng của khách hàng
  • Thông qua liên kết kinh doanh, một kênh liên lạc trực tiếp giữa các cá thể tham gia liên kết kinh doanh sẽ được tạo ra. Lợi ích cho doanh nghiệp tham gia liên kết kinh doanh là giảm chi phí và tăng mức độ hài lòng khach hàng
  • Thông qua liên kết kinh doanh, mỗi cá thể tham gia sẽ cùng hợp tác để cải tiến sản phẩm trong chuỗi giá trị. Lợi ích cho doanh nghiệp tham gia liên kết kinh doanh là gia tăng mức độ hài lòng của khách hang cũng như nâng cao khả năng bắt nhịp với sự phát triển của công nghệ cũng như hành vi mua hàng của người tiêu thụ cuối cùng

Ngoài ra, hiện nay còn có hình thức liên kết kinh doanh mới phổ biến là liên kết kinh doanh ngành với sự kết hợp của liên kết kinh doanh theo chiều dọc và liên kết kinh doanh theo chiều ngang để nhóm thành hàng trăm, thậm chí hàng ngàn doanh nghiệp liên quan đến nhau trong một lĩnh vực cụ thể.

2.1.3. Phân loại liên kết kinh doanh khác

Theo Hussain (2000), liên kết kinh doanh giữa các doanh nghiệp cũng có thể phân thành 3 mô hình chính: Liên minh (alliances), cụm liên kết (cluster) và mạng liên kết (network).

* Liên minh

Liên minh phản ánh hình thức liên kết giữa các doanh nghiệp thông qua những thỏa thuận hoặc hợp đồng cụ thể như gia công, liên doanh, đồng minh chiến lược, nhượng quyền, tập đoàn, công ty mẹ - công ty con.

* Cụm liên kết

Cụm liên kết (hay còn gọi là cụm/quận công nghiệp - industrial cluster/district) là hình thức liên kết kinh doanh có nhiều nét tương đồng với liên kết kinh doanh theo chiều ngang nhưng được giới hạn trong những khu vực địa lý nhất định. Hiện nay, trên thế giới có nhiều nghiên cứu về cụm liên kết và các nghiên cứu này về cơ bản thống nhất với nhau về định nghĩa của mô hình này. Các nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế thuộc Trường Đại học Suxex của Anh cho rằng cụm liên kết là sự tập trung về mặt địa lý của các công ty cạnh tranh, bổ trợ, độc lập với nhau, cũng như các ngành có quan hệ kinh doanh qua lại với nhau và/hoặc cùng có nhu cầu về nhân lực, công nghệ, và cơ sở hạ tầng. Một định nghĩa khác của Michael Porter lại cho rằng liên kết cụm bao gồm một nhóm các công ty có mối liên hệ với nhau và các cơ quan hữu quan trong một ngành riêng biệt bao gồm nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ, nhà cung cấp, trường đào tạo và các hiệp hội ngành nghề. Nhìn chung, các định nghĩa về cụm liên kết đều tập trung vào yếu tố vị trí địa lý của liên kết, đối tượng liên kết và ngành nghề liên kết.

* Liên kết mạng

Liên kết mạng là khi một nhóm các doanh nghiệp hợp tác với nhau không phân biệt về vị trí địa lý. Liên kết mạng bao gồm cả các liên kết theo chiều ngang giữa các doanh nghiệp cùng ngành nghề, liên kết theo chiều dọc giữa các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm. Đối tượng liên kết được mở rộng gồm các doanh nghiệp, các hiệp hội, các viện nghiên cứu đào tạo, tổ chức xúc tiến thương mại. Không gian địa lý cũng mở rộng ra khỏi phạm vị địa phương, vùng, quốc gia, khu vực đến phạm vi toàn cầu. Ngân hàng Thế giới định nghĩa rằng liên kết mạng là một mạng lưới sản xuất của các công ty độc lập (bao gồm cả những nhà cung cấp chuyên biệt), các tổ chức sản xuất tri thức (trường đại học, viện nghiên cứu), các tổ chức cầu nối (công ty môi giới, tư vấn) và khách hàng, liên kết với nhau. Mô hình liên kết mạng có nhiều nét tương đồng với liên kết kinh doanh theo ngành.

 

 

2.2. Các phương thức liên kết kinh doanh

2.2.1. Liên kết kinh doanh với mục tiêu phân phối

Phương thức liên kết kinh doanh với mục tiêu phân phối có thể hướng tới mục tiêu mở cửa thị trường tiêu dùng ở một nước đang phát triển. Mục tiêu này có thể rất hấp dẫn đối với các công ty đa quốc gia và các doanh nghiệp lớn. Người dùng cuối có thể là hộ nghèo, nông dân hoặc doanh nghiệp nhỏ. Trong bối cảnh này, hai mô hình điển hình có thể được phân biệt:

  • Hệ thống tương tự nhượng quyền thương mại
  • Mô hình phát triển kinh doanh tích hợp để hỗ trợ/nâng cao khả năng sử dụng sản phẩm

* Hệ thống tương tự nhượng quyền thương mại

Với một hệ thống tương tự như nhượng quyền thương mại, các doanh nghiệp lớn có thể thâm nhập thị trường kém phát triển hơn. Doanh nghiệp lớn thường có những sản phẩm/dịch vụ gắn liền với thương hiệu của mình và, để mang sản phẩm/dịch vụ này đến gần hơn với khách hàng, một cơ cấu phân phối trải rộng theo khu vực thường là sự lựa chọn của doanh nghiệp. Dưới mô hình này, một số lượng lớn các cửa hàng bán lẻ nhỏ hay các ki-ốt đường phố sẽ được sử dụng. Việc phân phối tại các thị trường như vậy có thể được thực hiện thường xuyên và hiệu quả nhất bằng một vài nhà phân phối nhỏ hoặc một doanh nghiệp với vài nhân viên.

Bên nhượng quyền (doanh nghiệp lớn) sẽ hỗ trợ các đơn vị được nhượng quyền của mình thông qua một số biện pháp như:

  • Thúc đẩy gắn kết thương hiệu và lợi thế của mình;
  • Xây dựng mô hình kinh doanh;
  • Đào tạo các kỹ năng cơ bản như định giá, lưu trữ, dự báo, yêu cầu pháp lý, bán hàng, quan hệ khách hàng và tiếp thị;
  • Ưu tiên tiếp cận vốn lưu động và thiết bị;
  • Các giải pháp sáng tạo như xe đạp vận chuyển hoặc thiết bị làm mát di động để bán hàng tự động.

Việc thành lập một doanh nghiệp trong một hệ thống nhượng quyền thương mại dễ dàng hơn và ít rủi ro hơn rất nhiều so với việc tự xây dựng một doanh nghiệp riêng, đặc biệt thuận lợi cho các lao động có học vấn thấp và ít kinh nghiệm kinh doanh. Đây cũng là cơ hội cho các hộ gia đình nghèo. Việc phân phối lợi ích và chi phí phụ thuộc về những gì được thỏa thuận trong hợp đồng nhượng quyền thương mại.

* Mô hình phát triển kinh doanh tích hợp để hỗ trợ/nâng cao năng lực sử dụng sản phẩm

Do điều kiện tài chính có hạn, các dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh doanh thường là các hoạt động duy nhất được các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ sử dụng. Tuy nhiên, các công ty đa quốc gia hoặc doanh nghiệp lớn còn thực hiện hoạt động đào tạo khách hàng cũng như liên kết khách hàng với các dịch vụ tài chính nhằm mục đích tăng doanh thu.

Các dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh doanh tích hợp bao gồm:

  • Hướng dẫn sử dụng các sản phẩm liên quan;
  • Hỗ trợ tài chính để đáp ứng tình trạng thiếu thanh khoản của khách hang;
  • Đào tạo bổ sung về kiến thức quản lý cơ bản, ví dụ như kỹ năng lập kế hoạch tài chính.

2.2.2. Liên kết với hoạt động kinh doanh cốt lõi của các tập đoàn lớn

Nhìn chung, việc liên kết các doanh nghiệp nhỏ và vừa với hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty đa quốc gia tương đối phức tạp vì chất lượng nguồn cung cho hoạt động kinh doanh cốt lõi đóng vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp lớn. Đổi lại, tiềm năng phát triển của doanh nghiệp nhỏ khi tham gia vào hoạt động liên kết này là rất lớn. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa được liên kết có thể phát triển phù hợp với tốc độ tăng trưởng của hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp lớn.

Nếu tham gia vào hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp nhỏ sẽ được đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn. Tại Việt Nam, do nền công nghiệp ô tô còn non trẻ, Nhà nước yêu cầu các doanh nghiệp lớn và công ty đa quốc gia sử dụng các nhà cung ứng linh kiện Việt Nam nhằm tạo điều kiện để các nhà sản xuất trong nước học hỏi kinh nghiệm từ nước ngoài. Đây là lý do Trường Hải và một vài nhà sản xuất linh kiện khác hợp tác gia công linh kiện cho các nhà máy lắp ráp của Huyndai, Kia, GM. Tuy nhiên, sự tham gia của các doanh nghiệp lớn trong việc nâng cao trình độ nhà cung cấp đi kèm các điều kiện tiên quyết và phụ thuộc vào mô hình liên kết với hoạt động cốt lõi:

Mối quan hệ giao dịch độc lập: Các doanh nghiệp giao dịch với nhau một cách bình đẳng. Sản phẩm được tiêu chuẩn hóa hoặc dễ dàng tùy chỉnh theo nhu cầu. Các nhà cung cấp có thể được thay đổi một cách linh hoạt. Không có động cơ nào cho các công ty đa quốc gia hay doanh nghiệp lớn ở từng địa phương thiết lập mối quan hệ hợp tác này.  

Mạng lưới cân bằng: Các doanh nghiệp hợp tác và có năng lực bổ khuyết cho nhau nhưng không kiểm soát lẫn nhau. Mô hình liên kết này thường phổ biến đối với các doanh nghiệp có kích thước tương đương và hiếm thấy giữa các doanh nghiệp có quy mô khác nhau cũng như ở các cấp độ công nghệ khác nhau. Trọng tâm của mô hình liên kết này là việc phát triển các sản phẩm và quy trình mới. Đây là mối quan hệ thường thấy trong mạng lưới sáng tạo ở các nước phát triển.

Mạng lưới phụ thuộc: Doanh nghiệp dẫn đầu đặt các quy tắc cũng như khuôn khổ hoạt động cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia liên kết kinh doanh. Mối quan hệ này gần như là mối quan hệ phân cấp, trong đó các công ty đa quốc gia và các doanh nghiệp lớn có động lực để thiết lập mối quan hệ với các nhà cung cấp. Mạng lưới phụ thuộc được hình thành khi doanh nghiệp dẫn đầu đang theo đuổi một chiến lược khác biệt về sản phẩm thông qua thiết kế và xây dựng thương hiệu và cần đảm bảo rằng các nhà cung cấp đáp ứng các yêu cầu về chất lượng. Việc trở thành thành viên trong mạng lưới phụ thuộc có thể tạo đà cho sự phát triển nhanh chóng của các doanh nghiệp nhỏ trong vấn đề nâng cấp sản phẩm và quy trình.

Hệ thống phân cấp: Các công ty đa quốc gia có thể thành lập các công ty con để phục vụ việc sản xuất tại các địa điểm khác nhau. Để kiểm soát quy trình sản xuất tại các công ty con này, các công ty đa quốc gia sẽ kiểm soát hoàn toàn quy trình sản xuất. Để hiểu được cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ khi tham gia vào mô hình liên kết kinh doanh này, lộ trình lý tưởng cho những doanh nghiệp này được mô tả như sau:

- Bước đầu tiên là nâng cấp chu trình. Hiệu quả hoạt động nội bộ trong các doanh nghiệp nhỏ tăng lên khi doanh nghiệp làm chủ quy trình hoạt động, kiểm soát thời gian giao hàng và tiêu chuẩn chất lượng. Kết quả này đi kèm với việc cải thiện năng lực quản lý cũng như tiếp cận công nghệ tiên tiến hơn. 

- Bước thứ hai là nâng cấp sản phẩm. Năng lực sản xuất của doanh nghiệp cần được cải tiến hoặc họ phải tìm cách phát triển các sản phẩm mới.  

- Bước thứ ba là nâng cấp chức năng. Nâng cấp chức năng đề cập đến việc tiếp cận/triển khai một vai trò cao hơn trong chuỗi giá trị (ví dụ: xây dựng thương hiệu, thiết kế và tiếp thị) hoặc bỏ qua các chức năng tạo ra giá trị thấp hiện có. Các doanh nghiệp nhỏ có thể không hứng thú với những khách hàng lớn không có động lực chia sẻ năng lực cốt lõi nhưng muốn kiểm soát các bước tạo ra giá trị lớn nhất trong chu trình sản xuất. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ vẫn có cơ hội để thay đổi và khám phá các thị trường mới.  

- Cuối cùng, nâng cấp liên ngành có thể phát triển. Doanh nghiệp có thể chuyển sang ngành hoàn toàn khác, ví dụ: máy tính bấm tay sang máy vi tính, với giá trị cao hơn dựa trên kiến thức hoặc quan hệ khách hàng sẵn có.

2.2.3. Liên kết với hoạt động kinh doanh phi cốt lõi của các tập đoàn lớn

Liên kết với hoạt động kinh doanh phi cốt lõi của công ty đa quốc gia hoặc doanh nghiệp địa phương lớn xuất phát từ xu hướng thuê ngoài (outsourcing). Xu hướng thuê ngoài này là kết quả của việc tăng cường chuyên môn hóa và mô hình tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi để nâng cao hiệu quả. Thông thường, các hoạt động tương đối đơn giản, chẳng hạn như làm sạch hoặc vận chuyển, được thuê ngoài. Vì các hoạt động này không đòi hỏi khả năng kỹ thuật cao, đây là tiềm năng cho các doanh nghiệp nhỏ với trình độ quản lý cơ bản.

Tuy nhiên, tối đa hóa hiệu quả không phải là lý do duy nhất để các công ty đa quốc gia hoặc các doanh nghiệp lớn thuê các doanh nghiệp khác thực hiện hoạt động kinh doanh phi cốt lõi. Áp lực chính trị hay từ khu vực công cũng có thể tác động đến quyết định hình thành các mối liên kết kinh doanh ở phương thức này. Đối với doanh nghiệp nhỏ, liên kết kinh doanh với hoạt động phi cốt lõi có tiềm năng hơn là liên kết kinh doanh với hoạt động cốt lõi của của công ty đa quốc gia.

  1. Liên kết kinh doanh tại Việt Nam

Tại Việt Nam, liên kết kinh doanh cũng được hình thành từ lâu. “Buôn có bạn, bán có phường” chỉ sự liên kết của những người kinh doanh trong mọi ngành nghề. Phường ở đây vốn là cộng đồng của những người làm cùng một nghề của một làng quê, vì những lý do khác nhau họ tách ra thành một bộ phận vào thành phố làm ăn, dựng nhà trên cùng dãy phố, phía trong sản xuất, phía ngoài bán hàng.

Hình thức làng, phường thủ công phát triển khá mạnh trong thời nhà trần và Hậu Lê, thời Trần kinh dô Thăng Long có 61 phường, sang thời Hậu Lê cả nước có 83 làng, phường thủ công, Thăng Long có 36 phường như phường An Thái làm Giấy, phường Nghi Tàm dệt vải…(Chí Hải, 2006). Việc tổ chức buôn bán theo phường tạo ra được liên kết giữa những người bán vì họ có điều kiện giúp đỡ nhau trong việc định giá, giữ giá, vay mượn hàng, giới thiệu khách hàng, bảo vệ lẫn nhau. Liên kết giữa những nhà sản xuất để đáp ứng thị hiếu khách hàng và học hỏi kinh nghiệm. Các liên kết khác như liên kết người bán và người sản xuất, liên kết giữa người sản xuất và cung cấp nguyên liệu cũng được hình thành. Các liên kết trên góp phần tạo nên sự khác biệt của từng phường ngành nghề. Từ thế kỷ 16 đến giữa thế kỷ 19, chế độ phong kiến Việt Nam bước vào giai đoạn suy thoái và khủng hoảng. Do chính sách kinh tế lạc hậu và bảo thủ, các đơn vị làm kinh tế tại Việt Nam không có điều kiện phát triển các liên kết kinh doanh lên tầm cao mới như ở các nước phương Tây thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ hai. Trong thời kỳ Pháp thuộc, nền kinh tế Việt Nam mang tính chất thuộc địa nửa phong kiến. Các liên kết sản xuất trong nước kém phát triển một phần do chế độ thuộc Pháp kiểm soát chặt chẽ tất cả các liên kết trong xã hội để chống lại các phong trào cách mạng. Các liên kết kinh tế chỉ thực sự phát triển trở lại cùng quá trình đổi mới của Việt Nam kể từ năm 1986. Quá trình đổi mới này cùng với tiến trình toàn cầu hóa đã mang lại cho Việt Nam cơ hội hình thành các liên kết kinh doanh với đầy đủ các đặc điểm giống như ở các nước khác trên thế giới.

Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật”. Với sự thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần, cùng với tư duy cởi mở, hòa nhập vào nền kinh tế thế giới, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã và đang liên tục khuyến khích các hoạt động liên kết, liên doanh giữa các thành phần kinh tế nhằm đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất. Trong đó, đặc biệt chú trọng phát triển các doanh nghiệp tư nhân, coi đây là nhân tố chính của ngành công nghiệp hỗ trợ, mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị để nâng cao khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, hình thành nên những cụm liên kết điện tử, hay dệt may, thủy sản .v.v. Trong báo cáo Phát triển bền vững khu vực doanh nghiệp tư nhân trình Chính phủ, ngoài việc nêu ra những hạn chế của khu vực kinh tế tư nhân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn nhấn mạnh vào hoạt động liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân. Báo cáo đánh giá: sự liên kết của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam còn yếu, đặc biệt là có rất ít mối liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp có quy mô lớn hơn. Các liên kết trong mô hình tập đoàn còn khá đơn giản, chưa triển khai được các hình thức liên kết “mềm” khác thông qua thỏa thuận, hợp tác sử dụng thương hiệu, dịch vụ, kết quả nghiên cứu đổi mới, ứng dụng khoa học, công nghệ chung trong tập đoàn theo nguyên tắc thị trường.

Có thể thấy rằng, với xu hướng công nghệ phát triển ngày càng nhanh chóng hiện nay, với việc toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới, việc liên kết kinh doanh nhằm giảm thiểu chi phí, rủi ro, tăng quy mô cũng như sức cạnh tranh; chủ động tham gia vào một khâu trong chuỗi giá trị là điều cần thiết cho tất cả các thành phần kinh tế của nước ta hiện nay.

* Liên kết kinh doanh giữa kinh tế Nhà nước với các thành phần kinh tế tư nhân

            Trong bối cảnh ngân sách không "theo kịp" nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển an sinh xã hội cũng như bảo vệ môi trường, sự hợp tác công - tư chính là lời giải cho bài toán mang tên tối đa hóa lợi ích cộng đồng. Theo đó, thuật ngữ Đối tác công - tư (Private - Public Partnership - PPP) sẽ được tiếp cận theo hình thức liên kết kinh doanh giữa Nhà nước và tư nhân.  Có thể kể đến rất nhiều ví dụ của hình thức liên kết “công- tư” là các dự án được Chính phủ Việt Nam hợp tác thực hiện dưới các hình thức BTO, BOT, BT... Các dự án đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây tiết kiệm cho xã hội 50% thời gian đi lại và 30% chi phí bên cạnh những lợi ích không định lượng được bằng tiền như giảm thiểu tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường và rút ngắn thời gian đi lại. Một lĩnh vực hạ tầng khác đang phát triển là ngành điện. Trong giai đoạn 1992-2012, Việt Nam đã thu hút các nhà đầu tư nước ngoài hợp tác trong 5 dự án điện là Wartsila, Phú Mỹ 2.2, Phú Mỹ 3, Mông Dương và Hải Dương với tổng vốn đầu tư là 5.036 triệu USD. Mức vốn đầu tư này chiếm 53% tổng đầu tư cho kết cấu hạ tầng của Việt Nam năm 2010. Các dự án nhà máy điện này ứng dụng những công nghệ mà nhà đầu tư trong nước chưa làm chủ như công nghệ than phun, chu trình liên hợp. Hình thức liên kết công-tư trong các dự án này khắc phục được những thách thức về ngân sách, kinh nghiệm, nhân lực mà Nhà nước Việt Nam không thể đảm đương.

* Liên kết giữa các doanh nghiệp trong thành phần kinh tế tư nhân

Điểm khó khăn trong vấn đề liên kết kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam là tình trạng phát triển manh mún và mang tính tự phát cao. Theo thống kê, khu vực kinh tế tư nhân là lực lượng đóng góp tới 50% vào tổng GDP, cao nhất so với các thành phần kinh tế khác. Tuy nhiên, doanh nghiệp tư nhân chỉ đóng góp khoảng 8% GDP, phần lớn còn lại thuộc về khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình. Điều đó có nghĩa số đông trong khu vực kinh tế tư nhân vẫn là các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Chính vì vậy, việc khuyến khích các doanh nghiệp này chủ động tham gia vào chuỗi liên kết ngành là điều vô cùng cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững cho chính các doanh nghiệp. Trên thực tế, các liên kết đã được hình thành chủ yếu tại các lĩnh vực nông nghiệp, chế biến thực phẩm như chuỗi nông sản của Vineco, Hoàng Anh Gia Lai đến chuỗi chăn nuôi cung ứng thịt của Masan. Tuy nhiên, mỗi liên kết thành công đều chịu ảnh hưởng của một vài doanh nghiệp đầu mối như CTCP Tập đoàn Vingroup, CTCP Hoàng Anh Gia Lai hay CTCP Tập đoàn Masan.

  • Liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài

Việt Nam luôn là một trong những nước nằm trong nhóm những nước có kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa cao trên thế giới. Tuy nhiên, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu lại chủ yếu đến từ khu vực doanh nghiệp FDI (chiếm đến hơn 70%), trong khi sự tham gia của các doanh nghiệp Việt còn rất mờ nhạt và hạn chế. Các doanh nghiệp FDI nhận được những ưu đãi lớn như: ưu đãi trong tiếp cận đất đai, ưu đãi về thuế… Với tiềm lực mạnh hơn các doanh nghiệp trong nước về vốn, công nghệ, quản trị, kết nối thị trường, lại ít bị tác động hơn bởi những rào cản từ thể chế, các doanh nghiệp FDI đã nhanh chóng vượt lên nắm giữ tỉ trọng ngày càng cao trong những lĩnh vực được coi là động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Trong khi đó, một thực trạng tồn tại là các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các chuỗi giá trị toàn cầu; đặc biệt, rất khó có thể tham gia vào các khâu sản xuất của doanh nghiệp FDI. Điển hình trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, trong chiến lược xây dựng tổ hợp công nghiệp phụ trợ cho sản xuất xe ô tô của mình, Vinfast đã liên doanh với công ty AAPICO Hitech (Thái Lan) để lập nhà máy dập hàn các chi tiết thân vỏ xe (vào tháng 6/2018). Trong liên doanh này, AAPICO đảm đương các công nghệ sản xuất và vận hành, trong khi Vinfast đáp ứng các điều kiện kinh doanh và vận hành cho liên doanh. Hay trong lĩnh vực tài chính, Công ty tài chính Hàn Quốc Mirae Asset đã liên doanh với Công ty Cổ phẩn quản lý Quỹ Tín Phát để thành lập liên doanh. Đây là chiến lược đa dạng hóa các danh mục đầu tư của Mirae Asset nhưng cũng đồng thời là cơ hội học hỏi kinh nghiệm quản lý cho Tín Phát Việt Nam.

  1. Kết luận và hàm ý chính sách

Khi thiết lập hay phát triển các mối liên kết kinh doanh, doanh nghiệp phải chú ý đến một số điều kiện cơ bản sau: (1) Khoảng cách và cơ sở hạ tầng: sự tồn tại cũng như chất lượng của các con đường, tuyến vận chuyển, đường sắt và sân bay, cũng như các dịch vụ cần thiết khác cho quá trình vận chuyển hàng hóa, chẳng hạn như xe tải lạnh và cơ sở lưu trữ để xuất khẩu sản phẩm tươi sống. Cả chất lượng và khoảng cách của các phương thức vận chuyển khác nhau cũng như tính khả dụng và chất lượng dịch vụ ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển; (2) Chính sách thương mại: Các chính sách thương mại có thể ảnh hưởng đến hoạt động giao dịch của các doanh nghiệp, ví dụ như việc đưa ra hạn ngạch xuất nhập khẩu, mức thuế hải quan sẽ gây ra ảnh hưởng đến khả năng liên kết kinh doanh với các đối tác ở nước ngoài; (3) Các mối liên kết kinh doanh hiện tại: Chọn đối tác kinh doanh mới làm tăng cả chi phí phát sinh trong quá trình tìm kiếm và rủi ro liên quan đến việc kiểm tra sự hiệu quả và tính tin cậy của đối tác này. Nếu đã tồn tại mối quan hệ kinh doanh tại khu vực mà doanh nghiệp muốn tham gia, việc thâm nhập thị trường sẽ gặp khó khăn.

Nhìn chung ở Việt Nam, nhiều liên kết kinh doanh đã được hình thành nhưng còn chưa mang tính chủ động từ các chủ thể tham gia, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ - những đối tượng được nhiều lợi ích từ hoạt động này. Các hình thức liên kết kinh doanh ở Việt Nam cũng dừng lại ở mức độ đơn giản, thực hiện liên kết ngang, liên kết cụm để hình thành các làng nghề thủ công, hay các hiệp hội kinh doanh một ngành nghề nhất định. Một số các doanh nghiệp lớn tiến hành liên kết với các doanh nghiệp nhỏ, các hộ kinh doanh theo hình thức thuê, khoán mà đa phần là cho các hoạt động kinh doanh phi cốt lõi của doanh nghiệp. Tỷ lệ tiến hành liên kết kinh doanh cho các hoạt động kinh doanh cốt lõi hay xa hơn là tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu còn chưa nhiều. Điều này một phần do nền kinh tế nước ta đa phần là kinh doanh chủ hộ, cá thể, mang tính tự phát cao; quy trình, chất lượng sản xuất đều chưa được quy chuẩn nên rất khó để các doanh nghiệp lớn hay các doanh nghiệp nước ngoài tin tưởng và hợp tác lâu dài.

Để có thể khuyến khích được hoạt động liên kết kinh doanh, cần có sự phối hợp nhịp nhàng của cả 3 nhân tố là Nhà nước, tổ chức ngành nghề và chủ thể kinh tế. Thứ nhất, Nhà nước phải tạo ra khuôn khổ pháp lý thuận lợi, tạo thể chế, chính sách pháp lý phù hợp cho các loại hình doanh nghiệp khác nhau phát triển. Ví dụ, các chính sách thuế và khuyến khích đầu tư vừa phải tuân theo nguyên tắc minh bạch của thị trường vừa phải có vai trò hỗ trợ thúc đẩy phát triển. Luật cạnh tranh phải đảm bảo việc hỗ trợ các liên kết kinh doanh nhưng không kìm hãm sự cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là phải lường trước được khả năng cạnh tranh không lành mạnh, cá lớn nuốt cá bé từ các liên kết kinh doanh giữa các doanh nghiệp lớn với các doanh nghiệp nhỏ lẻ. Thứ hai, các tổ chức ngành nghề thuộc các lĩnh vực kinh tế phải thể hiện vai trò trong việc tuyên truyền thông qua các hội thảo, chuyên đề có nội dung liên quan đến hoạt động liên kết kinh doanh. Các tổ chức ngành nghề cần tăng cường vai trò tư vấn, kết nối để các doanh nghiệp tìm thấy những cơ hội liên kết cùng phát triển chuỗi giá trị của ngành, ở trong và ngoài nước. Để làm được như vậy thì các tổ chức ngành nghề cần nguồn lực tài chính và nhân sự có chuyên môn nhằm thực hiện vai trò định hướng cố vấn. Cuối cùng, các chủ thể kinh tế cần có ý thức trong việc thay đổi, tự hoàn thiện mình và chủ động tìm kiếm để tham gia vào quá trình liên kết kinh doanh, hình thành các chuỗi giá trị toàn cầu. Sự chủ động của các chủ thể kinh tế đóng vai trò then chốt trong việc hình thành và vận hành các liên kết kinh tế. Để thúc đẩy lợi ích kinh tế và xã hội từ các liên kết kinh doanh, các chủ thể kinh tế phải chủ động tìm kiếm các cơ hội hợp tác cùng giải quyết các khó khăn trong chính chuỗi giá trị mà doanh nghiệp mình vận hành. Có như vậy, các liên kết kinh doanh mới có thể vận hành một cách có hiệu quả nhất trên thị trường.

Tài liệu tham khảo

  1. Trần Thị Kim Anh và Nguyễn Thị Thu Thuỷ (2007), “Liên minh chiến luợc trong kinh doanh quốc tế”, Tạp chí Kinh tế Đối ngoại, số 27.
  2. Trần Kim Hào (2015), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng tập đoàn kinh tế Việt Nam, thuộc chương trình: Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2011-2015”, mã số KX.04/11-15.
  3. Nguyễn Thị Thu Hằng (2016), “Phát triển các dự án BOT cho ngành điện tại Việt Nam: Tồn tại và nguyên nhân”, Tạp chí Kinh tế Đối ngoại, số 82 – tháng 5/2016
  4. Bùi Thị Lý (2009), Giáo trình Quan hệ kinh tế quốc tế, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.
  5. Lê Minh Ngọc và Lê Huyền Trang (2011), “Một số giải pháp thúc đẩy sự phát triển các cụm liên kết ngành tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập”, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, số 396.
  6. Trần Đình Thiên (2005), Liên kết kinh tế ASEAN- Vấn đề và triển vọng, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội.
  7. Mirae Asset to set up asset management firm in Vietnam, Pulse – Korea, 02/2016
  8. Schulenburg, F. (2006), Business Linkages. Promoting Business Linkages: Overview and Tool, Economic Reform and Private Sector Development Section, Deutsche Gesellschaft für.
  9. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2018), Báo cáo phát triển bền vững kinh tế tư nhân.
  10. Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Liên kết để lớn: https://www.baohaiquan.vn/Pages/Doanh-nghiep-nho-va-vua-Lien-ket-de-lon.aspx.
  11. Thuận lợi hóa thương mại: Thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu: http://baoquocte.vn/ho-tro-doanh-nghiep-vua-va-nho-tham-gia-chuoi-gia-tri-toan-cau-74021.html.

 

[1] Trường Đại học Ngoại thương, Email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó.

[2] Trường Đại học Ngoại thương, Email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó.

 

THỂ CHẾ ĐỐI VỚI CƠ QUAN QUẢN LÝ VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP – KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VÀ BÀI HỌC ĐỐI VỚI VIỆT NAM

Nguyễn Thùy Linh[1]

                                               

            Tóm tắt: Tại Việt Nam, một trong những vấn đề nổi cộm nhất trong quản lý nhà nước chủ yếu ở khía cạnh là đại diện sở hữu toàn dân, nói cách khác là nhà đầu tư, quản lý, sử dụng tài sản công chưa hiệu quả, trong đó quản lý doanh nghiệp nhà nước (DNNN) bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng trên là do trước đây chúng ta chưa tách chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp ra khỏi các cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Sự ra đời của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (tên giao dịch quốc tế là CMSC) theo Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ  và Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 của Chính phủ với vai trò là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước chuyên trách, chuyên nghiệp được kỳ vọng sẽ khắc phục tình trạng phân tán quyền chủ sở hữu vốn nhà nước, đồng thời tạo điều kiện cho các bộ, UBND cấp tỉnh tập trung năng lực vào thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, thay vì vừa phải quản lý nhà nước, vừa phải quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN như hiện nay. Để góp phần hoàn thiện thể chế hoạt động của cơ quan quản lý vốn nhà nước, việc nghiên cứu mô hình quản lý vốn nhà nước ở một số quốc gia trên thế giới và rút ra bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam là một yêu cầu cần thiết hiện nay.

Từ khóa: doanh nghiệp nhà nước, cơ quan quản lý vốn nhà nước, kinh nghiệm quốc tế, thể chế     

Abstract: In Vietnam, one of the most prominent problems in state management is the unefficiency of being a public ownership representative, in other words, an investor, management and use of public assets, in which state-owned enterprise (SOEs) management reveals many limitations and weaknesses, causing great damage to the economy. One of the main causes of this situation is because we have not previously separated the function of representing the owner of state capital in enterprises from the state administrative agencies. The establishment of the Committee on  Management of State Capital (CMSC) at enterprises under Government’s Resolution No.09/NQ-CP dated February 3, 2018 and Government’s Decree No.131/2018/ND-CP dated September 29, 2018 as a specialized and professional state capital representative agency is expected to overcome the dispersion of state capital ownership rights and at the same time create conditions for ministries and People's Committees to focuse on implementing the state management task, instead of having to manage the state and moderate the production and business activities of SOEs as at present. In order to contribute the operational regime of the state capital management agency, studying the state capital management models in some countries around the world and drawing lessons for Vietnam is a current demand.

Keywords: State-owned enterprises, state capital management agencies, international experiences, institution

 

  1. Đặt vấn đề

Thể chế đối với doanh nghiệp nhà nước được hiểu là hệ thống các quy phạm pháp luật nhằm điều chỉnh các chủ thể kinh tế, các hành vi sản xuất kinh doanh và các quan hệ kinh tế trong doanh nghiệp Nhà nước. Nó bao gồm các yếu tố bên ngoài (như các văn bản pháp luật quy định về cơ chế, chính sách dành cho DNNN) và yếu tố bên trong (khung quản trị doanh nghiệp Nhà nước)…

            Theo Hướng dẫn của OECD (2005, 2015) về quản trị công ty trong DNNN thì khuôn khổ pháp lý và quản lý cho doanh nghiệp nhà nước phải đảm bảo một sân chơi bình đẳng trên thị trường nơi các doanh nghiệp nhà nước và công ty tư nhân có thể tự do cạnh tranh nhằm làm tránh biến dạng thị trường. Khuôn khổ này cần được xây dựng dựa trên bộ Nguyên tắc Quản trị Công ty của OECD và phải đảm bảo các yếu tố sau: (1) Cần có sự phân định rõ giữa chức năng sở hữu và các chức năng khác của nhà nước có thể ảnh hưởng tới điều kiện hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là chức năng điều tiết thị trường; (2) Chính phủ cần nỗ lực đơn giản hóa và hợp lý hóa thông lệ hoạt động và khuôn khổ pháp lý cho doanh nghiệp nhà nước; (3) Bất kỳ nghĩa vụ và trách nhiệm nào mà doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện có liên quan đến dịch vụ công vượt ra ngoài chuẩn mực cho phép chung cần được luật pháp quy định rõ ràng; (4) Doanh nghiệp nhà nước không được miễn trừ khỏi việc áp dụng các luật lệ chung; (5) Khuôn khổ pháp lý và quản lý phải cho phép doanh nghiệp nhà nước linh hoạt trong thay đổi cơ cấu vốn khi việc này là cần thiết để đạt được mục tiêu của doanh nghiệp và (6) Doanh nghiệp nhà nước phải đáp ứng các điều kiện cạnh tranh về sử dụng tài chính.

            Thực  tiễn tại nhiều quốc gia trên thế giới, DNNN  vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Quản lý tốt và sử dụng có hiệu quả số tài sản công khổng lồ trong nền kinh tế vừa là yêu cầu, vừa là một động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế và gia tăng phúc lợi quốc gia. Để nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đặc biệt quan trọng này, một trong những giải pháp cơ bản đầu tiên là phải có bộ máy chuyên nghiệp, chuyên trách quản lý và giám sát tài sản nhà nước một cách tập trung, trong đó có vốn đầu tư của nhà nước tại doanh nghiệp.

  1. Yêu cầu thành lập cơ quan quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

            Nhà nước, mà trực tiếp là Chính phủ ở cấp trung ương và địa phương, là nhà đầu tư lớn, nắm giữ trong tay số lượng vốn và tài sản có quy mô lớn nhất, hơn bất cứ một nhà đầu tư nào trong một quốc gia cụ thể. Trong 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới của Fortune Global (2014), doanh nghiệp nhà nước chiếm 22,8% số lượng doanh nghiệp; 30% lao động; 24,1% doanh thu, 23% tài sản và 19,9% lợi nhuận. Tổng doanh thu của doanh nghiệp nhà nước trong danh mục 2.000 doanh nghiệp lớn nhất của Forbes Global đạt 3,6 nghìn tỷ USD, tương đương 6% GDP toàn cầu. Tại các nước OECD (2012), tổng số có 2.111 doanh nghiệp nhà nước, giá trị tài sản đạt 2.218,1 tỷ USD, tạo việc làm cho hơn 6 triệu lao động, trong đó, nhiều quốc gia có giá trị tài sản của doanh nghiệp nhà nước đạt trên 100 tỷ USD như Na Uy 243,7 tỷ; Hàn Quốc 200,9 tỷ; Nhật Bản 339,3 tỷ; Italia 226,1 tỷ; Pháp 111,4 tỷ,v.v. Cũng theo số liệu của OECD (2011), đóng góp trung bình của khu vực doanh nghiệp nhà nước cho tăng trưởng kinh tế ở các nước thành viên có báo cáo là khoảng 15% GDP, một số nước đạt trên 20% GDP như Cộng hòa Séc, Phần Lan, Israel, Ba Lan, Na Uy.

Việc thành lập cơ quản quản lý vốn nhà nước là giải pháp được đúc kết từ quá trình cải cách quản trị tài sản nhà nước quản trị doanh nghiệp nhà nước trong nhiều năm qua trên thế giới với những lợi ích đã được thừa nhận và kiểm chứng sau đây:

Thứ nhất, tách biệt việc thực hiện chức năng chủ sở hữu của nhà nước với chức năng hoạch định chính sách, điều tiết và quản lý thị trường: bộ máy quản lý, giám sát tài sản nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp được chuyên trách và chuyên nghiệp hóa; phá vỡ mối quan hệ thân hữu giữa cơ quan có thẩm quyền phân bổ nguồn lực với doanh nghiệp sử dụng nguồn lực; giảm thiểu lợi thế chính sách và đặt doanh nghiệp nhà nước vào vị thế cạnh tranh thực sự trên thị trường; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp. Điều này là đặc biệt quan trọng đối với các nước chuyển đổi đang tiến tới kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập. Biện pháp cụ thể là tập trung doanh nghiệp nhà nước từ các bộ quản lý ngành về một cơ quan hoặc tổ chức kinh tế chuyên trách nhiệm vụ quản lý, giám sát. Cơ quan, tổ chức này có thể độc lập hoặc nằm trong cơ cấu tổ chức của một cơ quan thuộc Chính phủ, nhưng quan trọng là không thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước, không có vai trò điều tiết thị trường và tách khỏi các bộ quản lý ngành. Chuyên trách hóa, chuyên nghiệp hóa thực hiện chức năng chủ sở hữu, chức năng đầu tư, quản lý và sử dụng vốn, tài sản sở hữu nhà nước còn tạo nền tảng cho việc xây dựng các năng lực cốt lõi, công cụ quản lý, tổ chức và nhân lực tốt, ổn định và lâu dài; hạn chế tối đa can thiệp hành chính và can thiệp chính trị mang tính vụ việc vào quản lý và sử dụng tài sản nhà nước, làm sai lệch mục tiêu chiến lược và dài hạn của đầu tư nhà nước.

Thứ hai, giúp Nhà nước thực hiện hiệu quả chức năng chủ sở hữu, chức năng đầu tư, quản lý sử dụng vốn: việc tập trung tài sản có tính thương mại của Nhà nước (commercial public assets) về một đầu mối thống nhất giám sát và quản lý giúp cho Chính phủ (người đại diện chủ sở hữu) xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin thống nhất, qua đó, dễ dàng biết được: (i) hiện Chính phủ đang có bao nhiêu tài sản, (ii) loại tài sản cụ thể, (iii) giá trị sổ sách và giá trị thị trường của tất cả tài sản nói chung và từng tài sản nói riêng, (iv) tài sản đang ở đâu, (v) tài sản nào đang sinh lợi, tài sản nào đang sử dụng kém hiệu quả, làm hao mòn tài sản quốc gia, và những cơ hội, khả năng nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản,.v.v…. Hệ thống thông tin nói trên không chỉ giúp Chính phủ, mà cả công chúng, thị trường nói chung tham gia giám sát và đánh giá mức độ hiệu lực và hiệu quả đối với sử dụng vốn và tài sản công.

Thứ ba, giúp Nhà nước tập trung nguồn lực, vốn và tài sản để thực hiện nhiệm vụ quan trọng: việc tập trung nguồn lực, vốn và tài sản nhà nước là để hướng trọng tâm vào thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, chiến lược có giá trị gia tăng cao nhất về dài hạn mà khu vực tư nhân không làm hoặc không thể làm được thay vì để cho các nguồn lực này phân tán trong các hoạt động kinh doanh, ngành, lĩnh vực khác nhau.

  1. Các mô hình cơ quan quản lý nhà nước phổ biến hiện nay trên thế giới

Trên thế giới hiện nay có 02 mô hình phổ biến:  Mô hình phân tán và mô hình tập trung:

- Theo mô hình phân tán: các bộ thực hiện quyền chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành quản lý. Mô hình bộ quản lý ngành thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước được áp dụng ở các quốc gia không còn nhiều doanh nghiệp nhà nước, chủ yếu hoạt động trong các ngành, lĩnh vực ít có sự tham gia cạnh tranh của khu vực tư nhân, tổng  giá trị vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp ở mức thấp.

- Theo mô hình tập trung: doanh nghiệp nhà nước được tập trung về một hoặc một số cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng chủ sở hữu. Cơ quan chuyên trách có thể là bộ (như ở Indonesia), cơ quan đặc biệt thuộc Chính phủ (như ở Trung Quốc), cơ quan cấp cục hay tổng cục thuộc bộ (như Pháp, Na Uy, Ba Lan, Anh…). Nhiều quốc gia thành lập các công ty đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước như Singapore, Hungary…. Dù với hình thức tổ chức nào, cơ quan chuyên trách chỉ thực hiện chức năng chủ sở hữu, không thực hiện nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp nói chung. Mô hình tập trung là xu thế mới xuất hiện từ quá trình cải thiện quản trị doanh nghiệp nhà nước từ những năm 1980 đến nay, trước hết ở các quốc gia mà quy mô, phạm vi và vai trò của doanh nghiệp nhà nước còn lớn. Lợi ích của việc hình thành bộ máy chuyên trách và chuyên nghiệp thực hiện quyền sở hữu nhà nước là tách biệt việc thực hiện chức năng chủ sở hữu của nhà nước ra khỏi chức năng hoạch định chính sách, chức năng điều tiết và quản lý thị trường và các chức năng khác của nhà nước, qua đó, giảm thiểu lợi thế chính sách và đặt doanh nghiệp nhà nước vào vị thế cạnh tranh thực sự trên thị trường, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp. Điều này là đặc biệt quan trọng đối với các nước chuyển đổi đang tiến tới kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập.

Bảng 1. Cơ quan chủ sở hữu theo mô hình tập trung

Quốc gia

Tên gọi

Đơn vị quản lý

1. Mô hình cơ quan nhà nước

1.1. Bộ (Ownership ministries)

Indonesia

Ministry of State Enterprises

Bộ DNNN

1.2. Đơn vị thuộc Bộ (Ownership departments in a ministry)

Phần Lan

Ownership Steering Department

Văn phòng Chính phủ

Pháp

Agence des Participations de l’Etat

Bộ Kinh tế Tài chính

Na Uy

Ownership Department

Bộ Công thương

Ba Lan

Department of Ownership Supervision

Bộ Tài chính

Nam Phi

Department of Public Enterprises

Bộ Tài chính

Anh

Shareholder Executive

Bộ KD đổi mới và kỹ năng

1.3. Cơ quan chủ sở hữu độc lập (Ownership agencies)

Trung Quốc

State-Owned Assets Supervision and Administration Commission

Chính phủ

2. Mô hình công ty

Bhutan

Druk Holding and Investments

Bộ Tài chính

Hungary

State Holding Company

Hội đồng nắm vốn quốc gia

Malaysia

Khazanah Nasional

Bộ Tài chính

Peru

Fondo Nacional de Financiamiento de la Actividad Empresarial del Estado

Holding company

Bộ Tài chính

Singapore

Temasek Holdings

Bộ Tài chính

Nguồn: WB (2014)

  1. Kinh nghiệm cơ quan quản lý vốn nhà nước tại một số quốc gia trên thế giới

4.1. Kinh nghiệm của Trung Quốc

Chính phủ Trung Quốc xây dựng mô hình quản lý tài sản nhà nước tập trung thông qua việc thiết lập hệ thống Ủy ban Quản lý và Giám sát tài sản nhà nước (SASAC) ở cả cấp Trung ương và các địa phương. SASAC được thành lập tháng 3/2003 với tư cách là cơ quan cấp bộ đặc biệt thuộc Chính phủ Trung Quốc. Nhiệm vụ chính của SASAC vừa là đại diện chủ sở hữu của các DNNN, hoặc cổ đông nhà nước của các doanh nghiệp có vốn nhà nước, vừa giám sát để giải quyết các vấn đề trong hoạt động hàng ngày tại các DNNN, tập đoàn kinh tế nhà nước trên 3 lĩnh vực: giám sát về nhân sự chủ chốt, giám sát các vấn đề trọng yếu của doanh nghiệp và giám sát tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Ủy ban là cơ quan đặc biệt trực thuộc Quốc vụ viện (Chính phủ) có 21 Cục và 20 đơn vị trực thuộc, quản lý 196 tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Sau quá trình tái cơ cấu và sắp xếp doanh nghiệp, hiện nay còn 119 doanh nghiệp (không gồm các ngân hàng thương mại nhà nước) do SASAC trực tiếp quản lý với tổng tài sản khoảng 26.000 tỷ NDT. Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc cũng đã thành lập một số công ty để thực hiện hoạt động đầu tư và kinh doanh vốn và tài sản của Nhà nước với mục tiêu lợi nhuận như: CIC; NSSF; SAFE.

Thể chế quản lý vốn nhà nước đối với SASAC: Là một cơ quan đặc biệt hoạt động theo cơ chế cấp Bộ, trực thuộc Chính phủ, khác với các cơ quan hành chính, SASAC được giao 9 nhiệm vụ thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp và giám sát tài sản nhà nước ở Trung ương và địa phương (theo sự phân cấp). SASAC được thành lập và hoạt động theo Luật Công ty và Điều lệ giám sát và quản lý tài sản nhà nước tại các DN. Việc thành lập SASAC giúp cho hệ thống giám sát và quản lý tài sản của Nhà nước được quy về một mối, tương đối độc lập và trực thuộc Chính phủ, giúp Chính phủ thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu, thúc đẩy cải cách DNNN, làm cho doanh nghiệp tự chủ trong kinh doanh, tự chịu trách nhiệm, thực hiện bảo toàn và làm tăng giá trị của tài sản Nhà nước.

Hạn chế: Do là một cơ quan hành chính thực hiện việc quản lý doanh nghiệp, mô hình vận hành của SASAC không tuân theo cơ chế thị trường nên đã dẫn đến không ít những hạn chế về hiệu quả quản trị doanh nghiệp. SASAC không có báo cáo tài chính riêng và không công khai, minh bạch thông tin hoạt động như mô hình các doanh nghiệp nên không có tiêu chí để đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ chức này. SASAC thiếu tự chủ trong lựa chọn người lãnh đạo đứng đầu các DNNN và chế độ đãi ngộ dẫn đến hạn chế trong bộ máy nhân sự quản lý. Trong mô hình hoạt động của SASAC tồn tại mối quan hệ cộng sinh giữa SASAC với các DNNN và tập đoàn kinh tế lớn. SASAC có xu hướng bảo hộ cho cho các DNNN duy trì sức mạnh độc quyền và ngày càng mở rộng hơn để gia tăng tầm ảnh hưởng của mình. Với sự tồn tại của SASAC, các DNNN độc quyền chậm thay đổi khi mà họ vẫn tiếp tục được hưởng ưu đãi từ những nguồn lực có lợi cho mình và như vậy, các DNNN và các doanh nghiệp khối tư nhân không thể cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng (Huy Nguyên, 2016). Một ví dụ điển hình là năm 2009, khi Bộ Thương mại cảnh báo kế hoạch sáp nhập China Unicom và China Netcom (2 doanh nghiệp đầu ngành về viễn thông do SASAC quản lý) sẽ vi phạm luật chống độc quyền, SASAC đã nhanh chóng giải vây cho 2 doanh nghiệp của mình bằng lý luận rằng, việc sáp nhập và tái cấu trúc các DNNN không nằm dưới sự chi phối của luật chống điều hành của Bộ Thương mại. Ngoài ra, SASAC cũng bị đánh giá là chưa làm tốt chức năng tái cơ cấu các ngành kinh tế khi chưa kiểm soát được tỷ lệ đầu tư ngoài ngành của các DNNN do mình quản lý. Theo số liệu của Bộ Tài chính Trung Quốc, kể từ sau khi thành lập SASAC (năm 2003) đến năm 2011, tỷ lệ phân bổ tài sản của DNNN vào các ngành chiến lược đã giảm từ 56% xuống còn 51%, trong khi đó tỷ lệ đầu tư tài sản vào các ngành nghề không chiến lược tăng lên từ 44% lên 49%.

Do những hạn chế nội tại của mô hình hoạt động hiện nay, việc cải tổ SASAC được đặt ra như một yêu cầu tất yếu trong một chuỗi các nhiệm vụ cải cách DNNN ở Trung Quốc. Cuối năm 2015, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành một số định hướng thúc đẩy cải cách DNNN, trong đó đặt ra yêu cầu tăng cường quyền tự quyết cho Ban điều hành các DNNN, bãi bỏ việc can thiệp hành chính của chính quyền. Đặc biệt, tách biệt 2 chức năng quản lý vốn nhà nước và chức năng quản trị doanh nghiệp, thông qua mô hình 2 nhóm công ty: nhóm các doanh nghiệp vì mục tiêu công ích, an ninh quốc phòng (các công ty điều hành vốn nhà nước) và nhóm các doanh nghiệp hoạt động trên nguyên tắc thị trường và vì mục tiêu kinh doanh thương mại thuần túy, từ đó gia tăng vốn nhà nước và thúc đẩy nền kinh tế (các công ty đầu tư vốn nhà nước). Tiến tới, SASAC sẽ chỉ còn là cơ quan hoạch định chiến lược và chính sách cho hệ thống mà sẽ không trực tiếp can thiệp vào các hoạt động của doanh nghiệp.

4.2. Kinh nghiệm của Hàn Quốc

Chaebol không phải là các doanh nghiệp nhà nước mà là công ty lớn thuộc sở hữu của gia đình ở Hàn Quốc được nhà nước hỗ trợ, hậu thuẫn mạnh mẽ trong quá trình phát triển nhằm thực hiện chiến lược kinh tế quốc gia theo hướng xuất khẩu và đồng thời thay thế hàng nhập khẩu. Sự hợp tác giữa chính phủ với các Chaebol đã đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và tạo nên những thành công đáng kinh ngạc của Hàn Quốc do đó nghiên cứu thể chế đối với các Chaebol có giá trị tham khảo quan trọng đối với việc thành lập cơ quan quản lý vốn nhà nước tại DNNN.

 Thể chế quản lý vốn nhà nước đối với Chaebol: Chính phủ Hàn Quốc đã cho các Chaebol vay nhiều khoản với lãi suất ưu đãi thấp, với thời gian dài để thực hiện chiến lược xuất khẩu của quốc gia. Khi kinh tế thế giới khủng hoảng năm 1979 cùng với sự phát triển tràn lan vào các ngành kinh tế mũi nhọn đã ảnh hưởng sự tăng trưởng kinh tế vĩ mô và quá trình phát triển bền vững, nhiều Chaebol không có khả năng trả nợ.Đứng trước tình huống đó, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định thực hiện tái cấu trúc các tập đoàn (cheabol) bằng những chính sách cứng rắn với những nội dung chủ yếu như sau: (i) Xác lập và khống chế các tỷ lệ tài chính nhằm bảo đảm an toàn tài chính cho tập đoàn. Trong đó tỷ lệ nợ vay trên vốn sở hữu không quá 2 lần; (ii) Không cho phép công ty mẹ bảo lãnh nợ cho công ty con thuộc tập đoàn; (iii) cấm các Chaebol sở hữu các công ty tài chính phi ngân hàng; (iv) Minh bạch hóa quản lý bằng cách công bố các báo cáo tài chính, thông tin tài chính và thông tin kinh doanh; (v) Tập trung vào ngành nghề chính nhằm tăng sức cạnh tranh ở tầm toàn cầu; (vi) Quy trách nhiệm cá nhân các lãnh đạo gia đình Chaebol trong việc điều hành và lãnh đạo tập đoàn; (vii) Gia tăng quyền hạn cho cổ đông thiểu số, đây là biện pháp giám sát và kiểm soát hữu hiệu hơn đối với các tập đoàn; (viii) Khống chế đầu tư vào các công ty thành viên và cấm một số giao dịch giữa các công ty thành viên với nhau; (ix) Nghiêm cấm các hình thức hối lộ, các hình thức tác động lên quá trình ra quyết định chính sách.

Công cuộc cải cách đã làm thay đổi bộ mặt doanh nghiệp ở Hàn Quốc. Một số Chaebol bị phá sản, bị chia cắt thành một số công ty và bị bán riêng rẽ. Cấu trúc của Chaebol trở nên nhẹ nhàng hơn, có khả năng đáp ứng linh hoạt và hiệu quả hơn với những yêu cầu của nền kinh tế toàn cầu hóa. Hàn Quốc áp dụng mô hình cải cách trên với sự tham gia của 5 chủ thể chính là Quốc hội, Tổng thống, Bộ quản lý ngành, Bộ chiến lược và tài chính, Ủy ban điều hành tổng công ty nhà nước và Ủy ban đánh giá hoạt động các tổng công ty nhà nước. Hai ủy ban này được thành lập để đảm bảo tính khách quan, độc lập và giảm ảnh hưởng của các cơ quan hành chính nhà nước trong quá trình triển khai thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu.

4.3. Kinh nghiệm của Singapore

Temasek (Singapore) là tổ chức kinh doanh vốn đầu tư nhà nước hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp, là công cụ thực hiện hiệu quả hoạt động đầu tư, kinh doanh của Chính phủ Singapore. Temasek Holdings được thành lập năm 1974 trực thuộc Bộ Tài Chính với giá trị thị trường thời điểm đó là 70 tỷ đô la Singapore (SGD), đến năm 2006 là 112 tỷ và tính đến 31/3/2016, tổng giá trị tài sản của Temasek đã đạt 242 tỷ SGD, tăng gấp đôi trong vòng 10 năm.

Thể chế quản lý vốn nhà nước đối với Temasek: Tại Singapore, Temasek cùng với Tổng công ty Đầu tư vốn của Chính phủ (CIIC) được Chính phủ Singapore cấp vốn để đầu tư vào các doanh nghiệp khác. Việc cấp vốn cho hai doanh nghiệp này được thực hiện thông qua Bộ Tài chính trên cơ sở dự toán đầu tư vốn đã được Quốc hội phê chuẩn. Để thực hiện hiệu quả chức năng quản lý phần vốn thuộc sở hữu của Chính phủ đầu tư tại các DN, Temasek cũng rất chú trọng việc bổ nhiệm nhân sự của mình tại Hội đồng quản trị các công ty có vốn góp của Chính phủ nhằm tăng cường khả năng quản trị hoặc giám sát hoạt động của các công ty thành viên, hướng hoạt động của các công ty này phù hợp với chiến lược phát triển của tập đoàn. Tùy thuộc tỷ lệ đầu tư nắm vốn, Temasek thực hiện các quyền của chủ sở hữu trong quản trị và giám sát hoạt động công ty, quyết định nhân sự chủ chốt, phê duyệt phương án đầu tư hoặc kinh doanh khác nhau với tư cách là một cổ đông hoặc người góp vốn vào công ty.

  Ngoài đặc điểm là tập đoàn do Nhà nước đầu tư vốn, Temasek hoạt động như một tập đoàn tư nhân và được khẳng định là một nhà đầu tư và một cổ đông năng động. Những ưu thế về thể chế pháp trị minh bạch, cơ chế thị trường hiện đại, cộng với tính kỹ trị và tính chuyên nghiệp cao, đã tạo điều kiện cho Temasek phát triển, uy tín ngày càng cao trong cộng đồng kinh doanh và tài chính, không chỉ trong nước mà còn vươn ra toàn cầu. Phương thức đầu tư của Temasek chủ yếu thông qua mua cổ phần các công ty kinh doanh dựa trên tầm nhìn, năng lực thẩm định và kỹ năng giao dịch đàm phán chuyên sâu. Tổng danh mục vốn đầu tư của Temasek đến 31/3/2014 là 223 tỷ đô la Singapore, tăng hơn 2 lần so với năm 2004 (90 tỷ đô la Singapore). 31% số vốn được đầu tư tại Singapore, 41% tại các nước châu Á (riêng Trung Quốc là 25%) và 28% là tại các khu vực khác trên toàn thế giới.

Thể chế quản lý vốn nhà nước tại Temasek có những bài học kinh nghiệm quý báu trong việc quản lý và tổ chức kinh doanh vốn đầu tư của nhà nước sau:

(i) Tôn trọng nguyên tắc thị trường, giảm thiểu can thiệp và ảnh hưởng từ Chính phủ: Temasek được quyền tự quyết các hoạt động đầu tư, không bị giới hạn lĩnh vực, được quyền quyết định đầu tư hay thoái vốn cổ phần tại công ty nào đó, miễn là các hoạt động đó không làm giảm giá trị tài sản dự trữ quá khứ của nhà nước (đã được xác định). Vai trò của nhà nước ở đây chỉ liên quan đến phần giá trị tài sản (past reserve) đã được xác định trước, tức là Thủ tướng chỉ can thiệp đối với các hoạt động đầu tư làm giảm giá trị tài sản nhà nước đã xác định này, hoặc tham gia vào việc bổ nhiệm các chức danh trong công ty. Với cơ chế này, mọi hoạt động của Temasek đều tuân theo nguyên tắc thị trường, giá trị tài sản của Temasek cũng định giá theo thị trường. Chẳng hạn năm 2009, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, giá trị thị trường của Temasek giảm xuống còn 130 tỷ SGD so với 185 tỷ SGD vào năm 2008. Tuy nhiên, giá trị tài sản quốc gia vẫn không bị ảnh hưởng.

(ii) Đảm bảo nguyên tắc minh bạch, công khai thông tin tài chính: Theo luật pháp, Temasek được quyền miễn trừ công khai tài chính. Tuy nhiên, do hoạt động theo nguyên tắc thị trường, nên các thông tin của Temasek được kiểm toán và công khai cũng là điều tất yếu. Ngoài ra, Temasek đã lựa chọn công bố kết quả kinh doanh hàng năm được kiểm toán cũng như danh mục đầu tư, lợi nhuận cổ đông, cơ chế đầu tư, quản trị điều hành, định hướng và mục tiêu đầu tư kinh doanh, danh mục tài sản đầu tư và nhiều thông tin khác. Mức độ công khai tài chính của Temasek vượt trội so với chuẩn mực được yêu cầu.  Temasek được các công ty kiểm toán quốc tế thẩm định và được đánh giá xếp hạng bởi các công ty xếp hạng quốc tế, là một trong số ít các công ty được xếp hạng AAA theo đánh giá của Standard & Poors và AAA theo Moody’s.

(iii) Trách nhiệm giải trình cao của người thực hiện: Bộ máy quản trị của Temasek là các thành viên độc lập, thuộc mọi tầng lớp, ngành nghề khác nhau, ở trong nước hoặc nước ngoài, đến từ cả khu vực công và tư. Temasek có thể thuê cả các chính trị gia về hưu trong vai trò quản lý giám sát mà không tham gia điều hành hoạt động công ty. Với sự đa dạng của ban điều hành, Temasek có thể tránh được rủi ro về lợi ích nhóm. Ngoài ra với quyền tự quyết trong kinh doanh, Temasek không bị chi phối bởi nhóm chính trị gia hoặc chính phủ. Các thành viên trong bộ máy quản trị cũng tự chịu trách nhiệm đối với các quyết định điều hành của mình. Về vai trò của Temasek đối với các công ty nhà nước mà Temasek nắm giữ cổ phần (một công ty được coi là thuộc sở hữu nhà nước nếu tỷ lệ mà Temasek nắm giữ là trên 20%). Temasek không tham gia vào các hoạt động đầu tư của các công ty này mà chỉ thực hiện vai trò hỗ trợ đào tạo, giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng quản trị và đội ngũ nhân viên với chuyên môn cao, hỗ trợ về mặt quản trị doanh nghiệp và đào tạo nhân lực. Điều này cũng loại bỏ được xung đột lợi ích trong các quyết định đầu tư hoặc thoái vốn tại công ty mà Temasek nắm giữ cổ phần.

4.4. Kinh nghiệm của Indonesia

            Tại Indonesia, trước đây việc quản lý DNNN được phân chia giữa Bộ Tài chính và Bộ quản lý ngành. Trong đó, Bộ Tài chính được giao quyền quyết định những vấn đề có liên quan đến tài chính của DNNN, còn bộ chuyên ngành kỹ thuật được giao quyền quản lý các vấn đề liên quan đến hoạt động của DNNN. Mặc dù đã có sự phân định nhất định về quyền, trách nhiệm giữa Bộ Tài chính và bộ chuyên ngành kỹ thuật, nhưng vẫn tồn tại nhiều chồng chéo, trùng lắp trong thực hiện quyền, trách nhiệm giữa hai bộ này do các vấn đề tài chính và hoạt động của doanh nghiệp có quan hệ chặt chẽ với nhau. Đến năm 2001, Bộ Đầu tư và Phát triển DNNN được khôi phục và năm 2004 được đổi tên thành Bộ DNNN. Việc thành lập Bộ DNNN nhằm khắc phục những yếu kém trong quản lý, giám sát DNNN; đảm bảo phát triển các DNNN một cách chuyên nghiệp để tăng giá trị của DNNN; quản trị hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế; góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của Nhà nước cho nền kinh tế quốc dân. Bộ DNNN thành lập Quỹ đầu tư để huy động nguồn vốn trong và ngoài nước trực tiếp tham gia vào quá trình cổ phần hóa (vốn mồi) và đầu tư vào các ngành, lĩnh vực thực hiện chiến lược phát triển kinh tế của Quốc gia. Bộ DNNN được giao thực hiện các chức năng, nhiệm vụ đại diện của Chính phủ tại các DNNN, điều phối quản lý DNNN và hỗ trợ Tổng thống trong việc ban hành các chính sách trong quản lý DNNN.

  4.5. Kinh nghiệm của Malaysia

            Khazanah là tổ chức đầu tư vốn nhà nước có cơ cấu gồm công ty mẹ (Khazanah Nasional Berhad), các công ty con và các công ty có cổ phần, vốn góp của công ty mẹ. Khazanah Nasional Berhad được giao thực hiện các chức năng, nhiệm vụ: quản lý các khoản vốn đầu tư do Chính phủ Malaysia giao; thực hiện các khoản đầu tư mới trong các ngành, lĩnh vực mang tính chiến lược, lĩnh vực công nghệ cao và tìm kiếm các khoản đầu tư chiến lược ở nước ngoài; quản lý có hiệu quả vốn, tài sản của Chính phủ Malaysia tại các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp khác (trừ Tập đoàn Petronas và một số DNNN do Chính phủ trực tiếp quản lý). Hiện nay, Khazanah Nasional Berhad là cổ đông chi phối của 9 công ty chiến lược quốc gia: Tenaga Nasional, Telekom Malaysia, Proton, Tập đoàn UEM, Plus, Ngân hàng RHB, Malaysia Airports, PMB và Malaysia Airlines. Khazanah cũng là nhà đầu tư chủ yếu trong các ngành, lĩnh vực chiến lược như: cơ sở hạ tầng, dịch vụ công cộng, dịch vụ tài chính, hàng không, công nghệ và truyền thông. Các tài sản do Công ty quản lý có giá trị khoảng trên 50 tỷ Ringit (tương đương khoảng 12 tỷ USD). Các công ty mà Khazanah Nasional Berhad là cổ đông đa số có nguồn vốn trên 200 tỷ Ringit, chiếm 1/3 thị trường vốn của Malaysia.

 5. Bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam

Từ kinh nghiệm của các nước trong thực hiện mô hình cơ quan quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm chung trong việc xây dựng và thực hiện hiệu quả mô hình này tại Việt Nam:

Thứ nhất, không có mô hình tối ưu nào có thể áp dụng được cho tất cả các nước. Tùy theo quy mô, tính chất, vị trí, vai trò, số lượng DNNN và tình hình cụ thể, mỗi nước cần thiết lập mô hình cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của mình theo những yêu cầu và mục tiêu phát triển của từng giai đoạn.

Thứ hai, xây dựng mô hình đại diện chủ sở hữu cần thống nhất, tách bạch chức năng chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan nhà nước nhằm tăng cường chuyên nghiệp hóa, hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước và tạo bình đẳng giữa các loại hình DN; các chính sách điều tiết thị trường không bị chi phối bởi lợi ích ngành và DNNN. Tập trung một đầu mối xác định rõ trách nhiệm của cơ quan chuyên trách và các bộ, ngành đối với hiệu quả hoạt động của DNNN có trách nhiệm giải trình độc lập, đủ nguồn lực và năng lực thực hiện nhiệm vụ được cụ thể hóa bằng luật và nghị định. 

Thứ ba, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN không nên bao gồm các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính. Số lượng DN do cơ quan đại diện chủ sở hữu ở mức độ vừa phải để phù hợp với năng lực quản lý, giám sát và có thể tập trung nguồn lực quản lý được tốt. 

Thứ tư, để khắc phục hạn chế của cơ quan quản lý hành chính của chủ sở hữu, cơ quan đại diện chủ sở hữu tập trung cần thiết có các quỹ đầu tư tài chính vì mục tiêu lợi nhuận (thực hiện mục tiêu phát triển DN, ngành và lĩnh vực hiệu quả) và quỹ đầu tư quốc gia (thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế của quốc gia). Nguồn đầu tư được tích tụ từ thực hiện bán vốn nhà nước và lợi nhuận và từ cổ phần hóa của DNNN.

Thứ năm, việc đổi mới mô hình tổ chức thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DN ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các cơ quan đang thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DNNN nên hầu hết các nước cũng thực hiện giải pháp thận trọng từng bước từ mô hình bộ chủ quản sang mô hình phối hợp giữa bộ chủ quản và các bộ khác và tiến tới mô hình tập trung. Cần có quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nguyên tắc thực hiện nhất quán là đặt mục tiêu lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết.

Thứ sáu, Nhà nước cần xác định rõ những lĩnh vực cần nắm giữ 100% vốn, lĩnh vực giữ cổ phần chi phối và lĩnh vực không cần nắm giữ làm mục tiêu, định hướng sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN. Mức độ quản lý, giám sát của Nhà nước phụ thuộc vào mức độ đầu tư vốn nhà nước nhiều hay ít, tính chất hoạt động của DN là công ích hay kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận;

 

Thứ bảy, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ... là các chủ thể thực hiện quyền của chủ sở hữu nhà nước ở các mức độ khác nhau và có sự phân cấp. Cơ chế giám sát chủ yếu thông qua thực hiện chế độ báo cáo và minh bạch hoá thông tin. Để đảm bảo việc giám sát có hiệu quả phần vốn nhà nước tại DN và nâng cao quyền tự chủ của DN, Chính phủ cần xây dựng một khung khổ pháp lý với các quy định rõ ràng, minh bạch, làm cơ sở cho quản lý và giám sát phần vốn nhà nước tại các DN được hiệu quả, xây dựng các chỉ tiêu để quản lý kết quả hoạt động kinh doanh của DN và phù hợp với nhiều loại hình DN khác nhau.

Thứ tám, kinh nghiệm thực tiễn cho thấy khi chuyển đổi sang mô hình mới cần thúc đẩy cơ cấu lại và cải cách quản lý DNNN. Thực hiện một cách đồng bộ đổi mới mô hình với giải pháp đổi mới cơ chế quản lý và giám sát, quản trị DN theo chuẩn mực kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế.

Thứ chín, cần chú trọng công tác cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo các cơ quan chuyên trách và các DN lớn.

  1. Kết luận

Từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam cho thấy những hạn chế của mô hình thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu hiện nay tại Việt Nam cần được khắc phục bằng việc hình thành một cơ quan đại diện chủ sở hữu chuyên trách chuyên nghiệp và có trách nhiệm giải trình đầy đủ. Mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu chuyên trách cũng tạo thuận lợi hơn cho việc áp dụng các nguyên tắc quản trị tốt theo thông lệ quốc tế để nâng cao hiệu lực quản trị doanh nghiệp nhà nước ở nước ta, trước hết là Nguyên tắc quản trị doanh nghiệp nhà nước của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD mà hiện nay đang áp dụng ở trên 60 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Tuy chưa thể nói trước được hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN như thế nào khi thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhưng chắc chắn, mô hình quản lý các DNNN theo hướng cũ, kém hiệu quả sẽ chấm dứt để chuyển sang một mô hình mới, kỳ vọng sẽ tốt hơn, hiệu quả của DNNN được nâng cao hơn. Việc thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút FDI và kích thích DN tư nhân phát triển./.

 

 

Tài liệu tham khảo

  1. Bajona, Claustre and Tianshu (2004), “China’s WTO Accession and Its Effect on State-Owned Enterprises”, East-West Center, Economic Study Area, Economic Study Area Working Papers: 70.
  2. Chính phủ (2018), Nghị quyết số 09/NQ-CPngày 03 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ Nghị quyết số 09/NQ-CPngày 03 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ về thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
  3. Chính phủ (2018), Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
  4. Chung, H.Lee (2005), “The Political Economy of Institutional Reform in Korea”, Journal of the Asia Pacific Economy, 8/2005
  5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2017), Nghị quyết số 12-NQ/TW Khóa XII
  6. Huy Nguyên (2016), Kinh nghiệm các nước về mô hình quản lý vốn nhà nước, https://tinnhanhchungkhoan.vn/dau-tu/kinh-nghiem-cac-nuoc-ve-mo-hinh-quan-von-nha-nuoc-159658.html
  7. OECD (2005), Hướng dẫn của OECD về Quản trị công ty trong DNNN.
  8. OECD (2015), Hướng dẫn của OECD về Quản trị công ty trong DNNN.
  9. Quốc hội (2013), Hiến pháp nước CHXHCNVN
  10. Quốc hội (2014), Luật Tổ chức Quốc hội
  11. Quốc hội (2015), Luật Tổ chức Chính phủ
  12. Quốc hội (2015), Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2015

13.Quốc hội (2018), Báo cáo số 16/BC-ĐGS ngày 25/5/2018 báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016

  1. Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (2015), Doanh nghiệp nhà nước và méo mó thị trường, NXB Tài chính, Hà Nội.
  2. Nguyễn Quang Thuấn (2017), Cải cách doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam sau 30 năm đổi mới: Thực trạng và Giải pháp, NXB Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.
  3. Unicon (2013), Báo cáo so sánh kinh nghiệm trên thế giới về quản lý vốn nhà nước dành cho Ngân hàng phát triển Châu Á và Bộ Tài chính, Dự án Hỗ trợ nâng cao năng lực Chương trình Cải cách DNNN và hỗ trợ quản trị công ty.
  4. World Bank (2014), Tính Minh bạch của Doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam, Thực trạng và ý tưởng cải cách, Báo cáo chính sách, Hà Nội.
  5. Xie Xuejun (2006), “WTO Rules on State-Owned Enterprises and Implications for Chinese SOE Reforms in China and the vWTO: Some Reflection”, edited by E.Mrudula and P.RaJu: ICFAI University Press.

 

 

[1] Văn phòng Quốc hội, Email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó.

 

CHIẾN LƯỢC VÀ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC QUỐC GIA CỦA HÀN QUỐC[1]

Nguyễn Hồng Quân[2]

Nguyễn Thu Thủy[3]

 

Tóm tắt

Hàn Quốc là một quốc gia có nền giáo dục hàng đầu châu Á, có sự tăng trưởng và phát triển ngoạn mục về kinh tế trong suốt những thập niên cuối thế kỷ XX. Mặc dù đầu những năm 1960, Hàn Quốc là một trong những quốc gia có thu nhập bình quân đầu người thuộc các nước thấp nhất thế giới - chưa đến 100 USD, đến nay thu nhập đầu người của Hàn Quốc đạt gần  30.000 USD/năm, trong khi tài nguyên thiên nhiên không phải là thế mạnh của quốc gia này. Cùng với khoảng thời gian đổi mới và phát triển kinh tế, chiến lược phát triển quốc gia về nguồn nhân lực mới cũng được tiến hành và đã có sự đóng góp không nhỏ đến thành công của Hàn Quốc ngày hôm nay. Bài viết này nghiên cứu và phân tích chiến lược và chính sách phát triển nguồn nhân lực quốc gia của Hàn Quốc, chỉ ra mối quan hệ giữa chính sách phát triển nguồn nhân lực với những thành tựu mà ngành giáo dục và nền kinh tế Hàn Quốc đã đạt được trong thời gian qua, cùng một số bài học kinh nghiệm cho các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Từ khóa: Chiến lược phát triển, chính sách phát triển, nguồn nhân lực, Hàn Quốc.

Abstract

Korea is the Asia's leading education countries, with spectacular economic growth and development during the last decades of the 20th century. Although in the early 1960s, Korea was one of those countries with the lowest per capita income in the world - less than USD100, Korea's per capita income now has reached nearly USD30,000/year, while natural resources are not the strength of the country. Along the period of innovation and economic development, the national strategy for human resource development has also been carried out and made a great contribution to the success of Korea today. This paper studies and analyzes Korea's national strategy and policies in human resource development, points out the relationship between those strategy & policies and the achievements that the education sector and the Korea's economy as a whole have gained over the recent years, then draws relevant lessons for developing countries, including Vietnam.

Keywords: Strategy, policies, human resource development, Korea

  1. Đặt vấn đề

Con người là trung tâm của mọi hoạt động trong xã hội loài người. Vai trò của nguồn nhân lực đối với tăng trưởng kinh tế đã được ghi nhận trong các lý thuyết về tăng trưởng nội sinh của Romer (1986), Lucas (1988), Squire và cộng sự (1993), Bassanini & Scarpetta (2001) đã xác định nguồn nhân lực trở thành yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo. Nguồn nhân lực là tổng thể các tiềm năng, năng lực, khả năng của mỗi cá nhân, của mỗi cộng đồng và toàn xã hội đã tạo ra sự phát triển cho xã hội được thể hiện qua các yếu tố như giáo dục, chuyên môn, kỹ năng lao động, mức sống, sức khỏe, tư tưởng tình cảm. Trong các yếu tố đó thì hai nhân tố quan trọng và bao quát nhất là giáo dục và sức khỏe.

Nhận thức rõ điều này, năm 1948, khi Hàn Quốc được thành lập, chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành xây dựng một hệ thống giáo dục mới. Qua nhiều lần cải cách, ngày nay hệ thống giáo dục đó được nhiều quốc gia nghiên cứu và học tập. Khi nói tới nền giáo dục của Hàn Quốc có thể nhìn nhận ở một số điểm nổi bật: (1) là nền giáo dục bảo đảm quyền bình đẳng về cơ hội cho mọi công dân, mọi người đều được học tập tùy theo năng lực của mình, không phân biệt giới tính, tôn giáo, vùng miền hay địa vị xã hội (những chính sách cụ thể hiện nay đã thể hiện nhất quán tư tưởng đó như giáo dục miễn phí, phát miễn phí sách giáo khoa cho học sinh ở bậc học bắt buộc); (2) có vai trò cực kì quan trọng trong đời sống của đất nước; tất nhiên, giáo dục có vai trò quan trọng đối với mọi quốc gia nhưng ở Hàn Quốc, nó có tầm quan trọng quá đặc biệt; (3) do chính sách giáo dục bình đẳng, tinh thần hiếu học và sự đầu tư lớn từ cả nhà nước và người dân, Hàn Quốc có một nền giáo dục có chất lượng đáng để học tập. Để có được những thành quả đó, Hàn Quốc đã có những chiến lược và chính sách phát triển nguồn nhân lực hợp lý và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của đất nước, một mặt tạo lập yếu tố đầu vào có chất lượng cho quá trình công nghiệp hóa đất nước, mặt khác còn tạo ra một thế hệ công dân mới, công dân toàn cầu. Bài viết này tập trung phân tích các chiến lược và chính sách phát triển nguồn nhân lực của Hàn Quốc, nhấn mạnh vào các chính sách giáo dục và đào tạo, từ đó chỉ ra các bài học kinh nghiệm cho các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

  1. Giới thiệu khái quát về bối cảnh kinh tế - xã hội của Hàn Quốc

2.1. Về kinh tế

Kinh tế Hàn Quốc đã có sự phát triển mạnh mẽ, từ một trong những nước nghèo nhất thế giới sau cuộc chiến tranh Triều Tiên trở thành một trong những nước giàu, đứng trong top 10 nước có GDP bình quân đầu người cao nhất ở khu vực châu Á[4]. Tổng sản phẩm quốc nội trên đầu người (tính theo sức mua tương đương) của nước này đã nhảy vọt từ 100 USD vào năm 1963 lên 10.000 USD vào năm 1995, 25.000 USD vào năm 2007 và đạt mức 32.400 USD vào năm 2014. Theo một báo cáo phân tích và dự báo của Goldman Sachs (OECD, 2012), Hàn Quốc có thể trở thành nước giàu thứ 3 trên thế giới vào năm 2025 với GDP bình quân đầu người là 52.000 USD.

Kinh tế Hàn Quốc có sự nhảy vọt như vậy là nhờ vào chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ. Một mặt Hàn Quốc thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nhằm mở rộng thị trường cho hàng hóa của Hàn Quốc, bên cạnh đó, Hàn Quốc còn tập trung vào phát triển nông nghiệp bên cạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa nhanh chóng. Cùng với sự phát triển khoa học công nghệ mạnh mẽ, gia tăng nhanh chóng chất lượng giáo dục và mức sống, Hàn Quốc đã đạt được mốc GDP 1.530 tỷ USD[5] năm 2017.

2.2. Về xã hội

Ở Hàn Quốc, ngôn ngữ chính thức là tiếng Hàn Quốc (tiếng Triều Tiên). Kể từ bậc tiểu học, học sinh đã được dạy tiếng Anh. Sau này tiếng Trung Quốc và tiếng Nhật cũng trở thành ngoại ngữ chính. Các ngôn ngữ Châu Âu như tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Tây Ban Nha ít phổ biến hơn. Ở Hàn Quốc, có khoảng 46% của công dân không theo tôn giáo nào. Người theo đạo Cơ đốc chiếm 29,2% dân số (trong số đó là đạo Tin lành 18,3%, Công giáo 10,9%) và 22,8% là Phật tử; 1% là tín đồ đạo Khổng, 1% còn lại theo các tôn giáo khác. Tại Hàn Quốc có khoảng 45.000 người bản địa theo Hồi giáo (khoảng 0,09% dân số), bổ sung vào con số 100.000 lao động nước ngoài từ các quốc gia Hồi giáo.

2.3. Về giáo dục

Hệ thống trường học hiện đại ở Hàn Quốc gồm sáu năm tiểu học, ba năm trung học cơ sở và ba năm trung học phổ thông. Học sinh bắt buộc phải học tiểu học và trung học cơ sở nhưng không phải trả chi phí giáo dục, ngoại trừ một khoản phí nhỏ gọi là “Phí hỗ trợ hoạt động của nhà trường”, khoản phí này khác nhau tùy theo từng trường học. Chương trình đánh giá học sinh quốc tế, do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế thế giới (OECD) khởi xướng và chỉ đạo, xếp hạng giáo dục khoa học của Hàn Quốc tốt thứ ba trên thế giới (OECD, 2012).

Hàn Quốc thường xuyên có xếp hạng cao về toán học và văn học trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế, trong đó kỹ năng giải quyết vấn đề luôn được đánh giá rất cao (theo kết quả của PISA – chương trình đánh giá học sinh quốc tế của OECD). Mặc dù sinh viên Hàn Quốc thường được xếp hạng cao trong các bài kiểm tra so sánh quốc tế, hệ thống giáo dục của nước này đôi khi bị lên án vì tập trung nhấn mạnh vào việc học thụ động và học thuộc lòng. Hệ thống giáo dục của Hàn Quốc được được đánh giá là tương đối khắt khe và có xu hướng rập khuôn hơn hệ thống giáo dục ở hầu hết các nước phương Tây. Ngoài ra, các trường tư thục thường có mức thu học phí cao và đây là một vấn đề lớn của xã hội.

  1. Chiến lược và các chính sách phát triển nguồn nhân lực quốc gia của Hàn Quốc

3.1. Chiến lược định hướng tổng thể về phát triển nguồn nhân lực quốc gia theo từng giai đoạn

Chính sách giáo dục được xây dựng phù hợp với đòi hỏi của nền kinh tế. Đây là nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của quốc gia này. Năm 1950, Chính phủ Hàn Quốc chủ trương xóa mù chữ cho toàn dân. Những năm sau đó, hệ thống giáo dục dần được đẩy mạnh như: phát triển giáo dục hướng nghiệp trong các trường trung học (năm 1960); các trường dạy nghề kỹ thuật (năm 1970); đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và giáo dục trên lĩnh vực khoa học cơ bản và công nghệ, nâng cao chất lượng giáo dục và học suốt đời. Năm 1992, Hàn Quốc thực hiện cải cách giáo dục với mục tiêu tái cấu trúc hệ thống giáo dục hiện có thành một hệ thống giáo dục mới, bảo đảm cho người dân được học suốt đời. Tháng 12/2001, Chính phủ Hàn Quốc công bố Chiến lược quốc gia lần thứ nhất về phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2001-2005. Tiếp đó, Chiến lược quốc gia lần thứ hai về phát triển nguồn nhân lực thời kỳ 2006-2010 được xây dựng và thực hiện hiệu quả.

3.1.1. Chiến lược xóa mù chữ toàn dân (1950-1960): Kể từ sau Thế chiến thứ hai kết thúc, Bán đảo Hàn Quốc được giải phóng, thoát khỏi ách thống trị của Nhật sau hơn 35 năm. Tuy nhiên, không lâu sau đó, thế giới bắt đầu đi vào thời kỳ chiến tranh lạnh, bán đảo Hàn bị chia cắt thành hai miền Nam-Bắc với hai chế độ chính trị xã hội đối lập nhau, người dân xứ Hàn đã phải trải qua những thử thách nặng nề bởi cuộc nội chiến (1950-1953). Nam Triều Tiên (Hàn Quốc) đã đồng nhất quan điểm phát triển với Mỹ và đã đạt được thỏa thuận tài trợ từ phía Mỹ khoảng 12 tỷ USD (gấp 6 lần so với GDP) vào thời điểm đó. Các chương trình xóa mù chữ toàn dân được Chính phủ Hàn Quốc ưu tiên thực hiện và coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công cuộc tái thiết đất nước và chuẩn bị yếu tố nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của đất nước trong tương lai. Năm 1945 tỷ lệ mù chữ của Hàn Quốc là 97%, đến năm 1960 tỷ lệ này chỉ còn 20%, và đến 2017 chỉ còn dưới 2%. Hệ thống các trường học được Hàn Quốc đầu tư và khuyến khích toàn dân tham gia học tập để xây dựng và kiến thiết đất nước, thậm chí còn có những khẩu hiệu “Ngủ 5 giờ/đêm là thất bại, ngủ 4 giờ/đêm là thành công”.

3.1.2. Chiến lược giáo dục hướng nghiệp (1970-1990): trong giai đoạn này, bằng cấp được xã hội Hàn Quốc coi trọng và việc công dân học tập để tìm kiếm một công việc là một yêu cầu bắt buộc. Theo đó, năm 1967, đạo luật đào tạo nghề ra đời đã khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề nhằm tạo ra lực lượng lao động có kỹ năng mà các doanh nghiệp có nhu cầu. Các trường và trung tâm dạy nghề phát triển nhanh và mở rộng trong những năm 1970. Đồng thời, Hàn Quốc tăng cường hợp tác với các nước Mỹ, Đức, Nhật, Bỉ... trong đào tạo giáo viên hướng dẫn nhằm tạo “khung” hệ thống đào tạo nghề. Thời kỳ 1980-1990, nền công nghiệp hướng vào phát triển các ngành công nghiệp dựa vào thông tin, tri thức và công nghệ cao. Vì thế, đào tạo nghề tập trung vào đào tạo lao động kỹ thuật có trình độ cao.

3.1.3. Chiến lược giáo dục suốt đời (1992-2000): Bước sang thế kỷ XXI, nền giáo dục của Hàn Quốc đứng trước thách thức mới. Thế giới đang chuyển từ Thời đại công nghiệp sang Thời đại Công nghệ thông tin và nền kinh tế tri thức. Hàn Quốc phải đương đầu với hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính năm 1997, qua đó tiến hành cải cách toàn diện nền kinh tế, trong đó có cải cách về lực lượng lao động. Nếu như trước kia lao động chăm chỉ và lương thấp là điều kiện quan trọng trong tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc thì đến nay đã trở nên lỗi thời và thậm chí còn gây cản trở đối với nền kinh tế. Yêu cầu về nguồn nhân lực của Hàn Quốc đã thay đổi từ những công nhân được tiêu chuẩn hoá hàng loạt sang các chuyên gia sáng tạo đa dạng. Cuộc cải cách giáo dục mới nhằm mục tiêu đào tạo ra nguồn nhân lực thích hợp, xây dựng xã hội thông tin, tăng cường năng lực cạnh tranh của Hàn Quốc trong thế kỷ XXI. Mức đầu tư cho nghiên cứu và triển khai (R&D) của Hàn Quốc năm 2000 vào loại cao, chiếm 2,8% GDP so với ở Mỹ 2,6%, Pháp 2,3%, Singapore 1,1% và Malaysia 0,2%. Hàn Quốc cần có một đội ngũ lao động được đào tạo quy mô làm nền tảng cho các ngành công nghiệp mới, trong đó việc đầu tư cho các nguồn nhân lực tài năng, có kỹ năng và sáng tạo phải được ưu tiên hàng đầu.

Từ những năm 1990 trở đi, Chính phủ Hàn Quốc có định hướng chiến lược phát triển 10 ngành công nghiệp chủ lực làm động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển, các hoạt động nghiên cứu và giáo dục trên lĩnh vực khoa học cơ bản, công nghệ, nâng cao chất lượng giáo dục và học tập suốt đời, được đẩy mạnh. Năm 1992, Hàn Quốc thực hiện cải cách giáo dục với mục tiêu tái cấu trúc hệ thống giáo dục hiện có thành hệ thống giáo dục mới bảo đảm cho người dân được học tập suốt đời.

3.1.4. Chiến lược giáo dục quốc gia lần thứ Nhất (2001-2005) và Chiến lược giáo dục quốc gia lần thứ Hai (2006-2010): Phát triển nguồn nhân lực

Nội dung chính của các chiến lược này đề cập tới sự tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp, trường đại học và các cơ sở nghiên cứu; nâng cao trình độ sử dụng và quản lý nguồn nhân lực, nâng cao tính chuyên nghiệp của nguồn nhân lực trong khu vực công; xây dựng hệ thống đánh giá và quản lý kiến thức, kỹ năng và công việc; xây dựng kết cấu hạ tầng thông tin cho phát triển nguồn nhân lực; xây dựng và phát triển thị trường tri thức...Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp Hàn Quốc là một trong những nội dung quan trọng của đào tạo nghề được đầu tư và phát triển tại Hàn Quốc. Việc hỗ trợ cho doanh nghiệp của Hàn Quốc khi doanh nghiệp đào tạo nghề cho lao động được lấy trong chi phí bảo hiểm lao động. Để nhận chi phí đào tạo này thì doanh nghiệp Hàn Quốc phải đăng ký và mua bảo hiểm lao động. Chi phí này được hỗ trợ cho việc chí phí đào tạo, ăn ở, đi lại. Quy trình hỗ trợ đào tạo doanh nghiệp từ khi bắt đầu đăng ký đến nhận hỗ trợ đều được đăng ký trên internet. Doanh nghiệp cũng như bên hỗ trợ đào tạo sẽ nên lịch trình nội dung, mục đào tạo gửi lên Cơ quan phát triển nguồn nhân lực (HRD) để đăng ký. Cơ quan HRD sẽ kiểm tra, xem chương trình có khả thi để đồng ý hay không đồng ý. Với trường hợp cho phép doanh nghiệp tiến hành đào tạo, doanh nghiệp sẽ phải nộp báo cáo về tiến độ đào tạo cũng như hỗ trợ tài chính cho quá trình đào tạo và trình lên các cơ quan liên ngành. Phía HRD sẽ nhận báo cáo của doanh nghiệp và sẽ giám sát quá trình đào tạo xem có phù hợp với người lao động không. Hiện nay, hỗ trợ đào tạo năng lực nghề cho doanh nghiệp đang chiếm tỷ trọng ngân sách lớn nhất của HRD, khoảng 3.000 tỷ Won (Bộ LĐ-TB&XH, 2018). Cách thức đào tạo phong phú, đa dạng từ đào tạo trực tiếp đến đào tạo từ xa. Hiện nay, hình thức đào tạo trực tiếp đang có xu hướng giảm và thay vào đó là đào tạo từ xa thông qua internet. Đây là hình thức đào tạo phù hợp với xu hướng nhằm tiếp kiệm thời gian, tiền bạc. Hình thức đào tạo này chủ yếu đào tạo quy trình nghiệp vụ (hành chính). Về kế hoạch đào tạo nghề cho doanh nghiệp, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tập trung ưu tiên đào tạo cho doanh nghiệp vừa và nhỏ với tỷ lệ 100% cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, 60% cho doanh nghiệp lớn và 40% cho doanh nghiệp trên 1.000 người (Bộ LĐ-TB&XH, 2018).

3.1.5. Chiến lược giáo dục thông minh (2011-2015): Giáo dục thông minh là một dạng đổi mới giáo dục, bởi nó thay đổi khuôn khổ giáo dục hiện hành. Vì thế, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, không để xảy ra những hiệu ứng phụ tiêu cực. Mục đích của giáo dục không chỉ là cung cấp kiến thức. Cần đặc biệt chú ý việc xây dựng tính cách và phát triển hành vi ứng xử xã hội. Chính phủ cũng cần nỗ lực hết sức đưa ra các biện pháp hỗ trợ để giải quyết những vấn đề có thể nảy sinh trong quá trình xây dựng nền giáo dục thông minh.

Trong giai đoạn này, Bộ Giáo dục Hàn Quốc bảo đảm đầu tư khoảng 2 tỷ USD để xây dựng hạ tầng cần thiết và mua máy tính cũng như các thiết bị tiên tiến khác. Sách giáo khoa in và các tài liệu giảng dạy khác sẽ được số hóa đối với bậc tiểu học vào năm 2014 và bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông vào năm 2015. Như vậy, kể từ năm 2015, sách giáo khoa in sẽ không còn tồn tại trong các trường tiểu học và trung học ở Hàn Quốc. Chiến lược giáo dục "thông minh" ở Hàn Quốc nhằm nâng cao tính cạnh tranh, đưa giáo dục Hàn Quốc vào tốp 10 nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới vào năm 2015 và tốp ba trên thế giới vào năm 2025. Để thực hiện mục tiêu này, nền giáo dục thông minh sẽ tập trung vào "hướng dẫn tự học" và "học tập theo yêu cầu". Đây là một sự chuyển hướng từ việc truyền tải kiến thức tiêu chuẩn theo cách truyền thống trên diện rộng nhắm tới đối tượng học sinh mức trung bình. Hệ thống giáo dục thông minh sẽ hướng dẫn cho các em tự học, phù hợp nhu cầu của từng học sinh. Học sinh sẽ có thêm cơ hội tham dự nhiều lớp học khác nhau theo sở thích và năng khiếu của từng em. Sách giáo khoa số là một dạng "nội dung" sẽ được lưu trong máy chủ internet thông qua hệ thống điện toán đám mây và được truy cập bằng máy tính cá nhân, máy tính bảng, điện thoại thông minh và Tivi thông minh cùng nhiều thiết bị khác. Điều này có nghĩa là học sinh có thể truy cập bất cứ những gì các em muốn học và vào bất cứ lúc nào. Cách này sẽ giúp cải thiện đáng kể hiệu quả học tập của các em. Việc số hóa sách giáo khoa sẽ giúp giảm chi phí liên quan giáo dục của các hộ gia đình và giảm nhu cầu học thêm.

3.1.6. Chiến lược giáo dục kỷ nguyên 4.0 (2016 trở đi):

Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab (2017) từng đưa ra nhận định về sự thiếu vắng của một dòng chảy chung và liền mạch để tích cực dẫn dắt thế giới đi qua những cơ hội và thách thức do cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) mang đến; Trong lúc đó, năng lực lãnh đạo và sự hiểu biết của chúng ta liên quan đến các xu hướng trong nhiều lĩnh vực hiện vẫn còn ở mức thấp so với yêu cầu cần xét lại của cả hệ thống kinh tế, xã hội, chính trị để có thể thích nghi với những thay đổi mang tính nền tảng. Vì vậy, Hàn Quốc cũng không phải là một ngoại lệ, họ đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn nhân lực để tiếp cận và làm chủ với cuộc CMCN 4.0.

Hàn Quốc cũng đã tiến hành đánh giá về năng lực cạnh tranh của quốc gia trong CMCN 4.0 một cách thực chất, theo đó Hiệp hội Ngoại thương Hàn Quốc (KITA) thực hiện đã xếp nước này đứng thứ 21, đây là mức khá thấp so với trình độ phát triển chung, nhất là trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, vốn là thế mạnh của Hàn Quốc. Chính vì vậy, Hàn Quốc hiện đang rất nỗ lực thu hút sự chú ý của người dân và doanh nghiệp đến với cuộc CMCN 4.0. Bên cạnh đó, việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho cuộc CMCN 4.0 cũng đã được Chính phủ Hàn Quốc xem xét và nhìn nhận một cách nghiêm túc trên cơ sở sự hợp tác chặt chẽ giữa người học, doanh nghiệp và toàn xã hội.

3.2. Các biện pháp chính sách hỗ trợ thực hiện chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mang đẳng cấp quốc tế

3.2.1. Định hướng tổng thể phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc

- Chính sách pháp luật về phát triển nguồn nhân lực

Sau khi ban hành luật đào tạo nghề vào năm 1967, hệ thống dạy nghề ở Hàn Quốc đã trở thành hệ thống phụ giúp cho hệ thống giáo dục chính thống trong việc đào tạo người có kĩ năng. Điều luật này quy định các cơ sở đào tạo nghề gồm 3 loại: tổ chức nghề cộng đồng được điều hành bởi nhà nước và chính quyền trung ương; tổ chức nghề phi lợi nhuận được điều hành bởi bộ lao động; và các trường dạy nghề thông thường được thực hiện bởi chính các doanh nghiệp tư nhân. Một quy định quan trọng đó là điều luật quy định tất cả các doanh nghiệp trên 500 nhân công phải cung cấp chương trình đào tạo thường xuyên.

Để tăng tính hiệu quả của điều luật, năm 1997, một điều luật khác về tăng cường đào tạo đã được thông qua bởi các nhà quản lí. Điều luật số 5474 với mục tiêu nâng cao nghề nghiệp của người lao động, nâng cao vị thế, tăng năng suất lao động bằng cách giúp người lao động phát triển và sử dụng khả năng để đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Điều luật này đặt ra tiêu chuẩn rằng, các khóa đào tạo phải đi đôi với giáo dục chính thống và gắn với ngành công nghiệp trọng điểm. Hơn nữa, điều luật cũng quy định nếu bất cứ cá nhân hoặc doanh nghiệp nào có thể phát triển trường đào tạo chất lượng sẽ được Bộ Lao động cung cấp các chi phí và khoản tín dụng. Như vậy, chính sách này không chỉ giúp các tổ chức hoặc doanh nghiệp lớn mà còn khuyến khích các cá nhân mở các chương trình đào tạo. Chính những khuyến khích bằng các điều luật này đã là nguồn cung cấp nhân lực kĩ thuật cao cho các doanh nghiệp của cả nhà nước và tư nhân trong quá khứ và những năm gần đây.

- Tổ chức chuyên trách về nhân lực ở Trung ương

Để nâng cao tầm quan trọng của nguồn nhân lực, Chính phủ Hàn Quốc đã tổ chức một số đơn vị chuyên trách về nhân lực. Trước hết, Bộ Giáo dục được phát triển trong 3 giai đoạn: giai đoạn quản lí hành chính, giai đoạn cải cách và giai đoạn nâng cấp. Trong thời kỳ đầu, Bộ quyết định phần lớn các công việc về giáo dục như số lượng nhập học, chi tiêu tài chính và cơ cấu của các trường đại học. Chính vì vậy, có nhiều quan điểm cho rằng, các đại học thành viên không có nhiều tự do để lựa chọn những sinh viên đầu vào và các kì thi viết và thi đầu vào được ấn định bởi Bộ giáo dục. Hơn nữa, không có nhiều cơ hội cho các tổ chức để thành lập các trường đại học do cách quản lí và tính nguyên tắc từ bộ. Tuy vậy, kể từ năm 1991, Bộ Giáo dục đã trao quyền thêm cho các trường đại học trong việc kế hoạch chi tiêu và ra quyết định hành chính, điều này tạo điều kiện hơn cho các trường đại học trong việc theo đuổi các chuyên ngành mũi nhọn chất lượng cao. Bên cạnh đó, quan chức địa phương không được phép can thiệp vào hệ thống giáo dục ở địa phương nhằm đảm bảo hệ thống giáo dục mang tính độc lập so với hệ thống quản lí hành chính.

-  Chính sách đào tạo nhân tài ở Hàn Quốc

Hàn Quốc đã xây dựng chương trình giáo dục cho người tài và người đặc biệt, chương trình cho giáo dục người tài gồm hai phần: giáo dục phổ thông và giáo dục với chương trình đặc biệt. Ở Hàn Quốc, trường học đầu tiên cho giáo dục nhân tài được thành lập vào năm 1983 ở bậc trung học phổ thông. Trường học này tập trung vào những bài giảng có trình độ tiên tiến. Tuy nhiên, thời kỳ đầu chỉ bao gồm các khoa như ngoại ngữ, nghệ thuật và thể thao. Hơn nữa, các trường học này được thành lập theo Luật Giáo dục thông thường nên sự hoạt động vẫn chưa đủ hiệu quả và năng động để đáp ứng những yêu cầu của học sinh tài năng.

Sau khủng hoảng kinh tế tại nước này năm 1997, Quốc hội Hàn Quốc đã nhanh chóng ban hành Luật Giáo dục nhân tài. Luật này đề cập đến ba loại hình đào tạo nhân tài gồm: trường đặc biệt cho nhân tài, trung tâm giáo dục người tài và những lớp đặc biệt cho học sinh đặc biệt ở các trường học thông thường. Luật yêu cầu chính quyền trung ương và địa phương phải lập kế hoạch, thực hiện và trợ giúp một cách hệ thống và liên tục đối với giáo dục nhân tài. Mỗi trường học có sự tự quản về chính sách giáo dục nhân tài và quan trọng hơn, mỗi một bộ, ngành bên cạnh Bộ Giáo dục có thể xây dựng và tổ chức các trường giáo dục nhân tài. Để giáo dục nhân tài hoạt động hiệu quả, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực năm 2004, cơ sở luật pháp cho việc thực hiện giáo dục nhân tài theo sau điều luật trên được ban hành vào tháng 1 năm 2000. Điều khoản luật mới khuyến khích các trường thành lập nhiều nhóm nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng số lượng của mỗi nhóm nên ở con số tối thiểu. Các lớp học cho sinh viên đặc biệt và các trường học có trách nhiệm tìm ra những sinh viên đặc biệt và tiến hành cung cấp nhiều hoạt động giáo dục khác nhau cho những học viên tài năng.

Vào tháng 11 năm 2002, một kế hoạch khác ra đời nhằm thúc đẩy giáo dục nhân tài do Hội đồng Phát triển Nguồn nhân lực ban hành. Kế hoạch này đưa ra các mục tiêu rõ ràng và mang tính hiện thực cao. Hơn nữa, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng tiến hành mở các lớp và trung tâm giáo dục khoa học cho những học viên tài năng và những trung tâm này cũng giống như các phòng thí nghiệm đang hoạt động trong các trường đại học. Ở các trung tâm khoa học này có sự khác nhau giữa các khu vực trong việc tuyển chọn học viên không theo kì thi tuyển mà bằng việc xem xét kết quả học tập ở các cấp học bên dưới, thông qua phỏng vấn và những trắc nghiệm khác nhau. Điểm số đầu vào được đánh giá cao dựa trên phỏng vấn khác biệt, dựa trên thi nói và khả năng trong các cuộc thi mà thí sinh đã dự thi. Đối với các học sinh ở bậc trung học phổ thông, sau khi kết thúc các lớp học khoa học, họ có thể vào thẳng năm thứ hai bậc đại học của Viện Khoa học và Công nghệ Cao cấp Hàn Quốc (KAIST). Hội đồng tuyển chọn bao gồm các giáo sư trong Viện KAIST sẽ chọn những học viên xuất sắc nhất và những sinh viên mới này sẽ được học các chương trình học nâng cao với nhiều nội dung đủ để đạt trình độ cao và hiện đại khi tốt nghiệp

- Ngân sách đầu tư cho giáo dục

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Hàn Quốc cũng đã đóng góp đáng kể vào giá trị mà người Hàn Quốc đặt vào giáo dục đại học. Trong 25 năm qua, quốc gia này đã nhận ra tỷ lệ lợi nhuận rất cao từ đầu tư giáo dục, dao động khoảng 10%. Việc đầu tư cho giáo dục một mặt tạo công ăn việc làm với thu nhập cao hơn cho người học và giá trị tích lũy càng tăng theo thời gian. Theo thống kê của Bộ Giáo dục Hàn Quốc, năm 2007, sinh viên tốt nghiệp đại học có thu nhập gấp 2,5 lần so với các đồng nghiệp có bằng trung học cơ sở. Với sự nghiệp công nghiệp hóa nhanh chóng của Hàn Quốc, thị trường lao động được phân chia theo các lĩnh vực giáo dục. Giáo dục đại học được coi là điều thiết yếu để tham gia vào thị trường lao động chính vì đây là lực lượng lao động có trình độ cao có thể đảm nhận được các vị trí then chốt trong nền kinh tế Hàn Quốc.

Từ quan điểm đó, Bộ Giáo dục có ngân sách 29 tỷ đô la Mỹ, gấp sáu lần so với năm 1990, con số này chiếm khoảng 20% chi tiêu của chính phủ trung ương. Chi ngân sách giáo dục không ngừng tăng lên, đến năm 2017, chi giáo dục đạt con số 4.1% GDP. Giáo viên được coi là một phần quan trọng của khoản đầu tư đó, thống kê của OECD xếp thứ 10 Hàn Quốc trong bảng xếp hạng về mức lương giáo viên, đến năm 2005 lương giáo viên đã được xếp thứ 3 trong các nghề tại Hàn Quốc.

3.2.2. Đổi mới hệ thống giáo dục, chương trình đào tạo và nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên

- Đổi mới hệ thống giáo dục

Sau một thời gian hiệu chỉnh hệ thống giáo dục của Hàn Quốc cho tới nay đã thống nhất theo năm và các cấp học bao gồm: Bậc tiểu học (6 năm), Bậc Trung học cơ sở (3 năm), bậc Trung học Phổ thông (3 năm), Bậc Đại học (4 năm), Sau đại học (2-3 năm đối với Thạc sĩ, 2-4 năm đối với Tiến sĩ).

- Chương trình đào tạo của Hàn Quốc

+ Triết lý và quan điểm giáo dục

Tư tưởng chỉ đạo xây dựng Chương trình giáo dục Hàn Quốc năm 2007 được xác định cũng nhằm hướng đến con người được giáo dục tốt nhất: “Giáo dục Hàn Quốc nhằm giúp mỗi công dân phát triển cá tính và những kĩ năng cần thiết cho cuộc sống của một công dân độc lập dưới ánh sáng của tư tưởng nhân đạo và tinh thần trách nhiệm vì sự phồn thịnh của đất nước và nhân loại”. Để phát triển con người được giáo dục với chất lượng cao Chương trình nêu lên các tiêu chí sau: (1) Phát triển cá tính của mỗi người và chăm sóc tất cả mọi người; (2) Giúp thể hiện năng lực sáng tạo và ứng dụng kiến thức, kĩ năng; (3) Có một nền tảng tri thức rộng để học tiếp và định hướng nghề nghiệp; (4) Sáng tạo những giá trị mới trên cơ sở các giá trị truyền thống dân tộc; (5) Nhiệt tình cải tạo cộng đồng như một công dân.

+ Mục tiêu giáo dục của Hàn Quốc

Chương trình năm 2007 của Hàn Quốc ghi rõ: “Mục tiêu của giáo dục Hàn Quốc nhằm giúp mỗi công dân phát triển cá tính và những kĩ năng cần thiết cho cuộc sống của một công dân độc lập dưới ánh sáng của tư tưởng nhân đạo và tinh thần trách nhiệm vì sự phồn thịnh của đất nước và nhân loại”.

- Sách giáo khoa ở Hàn Quốc

Ở Hàn Quốc, từ năm 1995 nước này bắt đầu xóa bỏ chính sách độc quyền về sách giáo khoa. Theo đó, sách giáo khoa gồm 2 loại:

Loại thứ nhất là sách giáo khao quốc gia do Bộ Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (MOEHRD) tổ chức biên soạn, bao gồm tất cả sách giáo khoa mầm non và tiểu học, sách Quốc ngữ (Tiếng Hàn), Quốc sử (Lịch sử Hàn Quốc), Đạo đức cho các lớp còn lại.

Loại thứ hai là sách giáo khoa do các nhà xuất bản tư nhân tổ chức biên soạn, MOEHRD thẩm định, bao gồm sách giáo khoa dùng cho các môn học khác ở trung học. Ở THCS, có 32 bộ sách môn Toán, 9 bộ sách môn Khoa học và 10 bộ sách môn Xã hội. Ở THPT, có 28 bộ sách môn Toán (trong đó có 16 bộ cho lớp 10 và 12 bộ cho lớp 11 và 12), 8 bộ sách môn Hoá, 9 bộ sách môn Vật lý, 6 bộ sách môn Lịch sử Hàn Quốc hiện đại, 8 bộ sách môn Sinh học, 8 bộ sách môn Địa lý Hàn Quốc, 8 bộ sách môn Xã hội, 11 bộ sách môn Khoa học, v.v…

Từ năm 2009, các nhà xuất bản tư nhân được phép tổ chức biên soạn và phát hành sách giáo khoa THCS và THPT kể cả các môn Quốc ngữ, Quốc sử và Đạo đức. Tất cả sách giáo khoa tiểu học sẽ do MOEHRD tổ chức biên soạn, ngoại trừ sách giáo khoa môn Thể dục, Âm nhạc, Nữ công gia chánh và Tiếng Anh dành cho các nhà xuất bản tư nhân, MOEHRD chỉ kiểm tra và sửa đổi những chỗ cần thiết. Các trường học có thể lựa chọn một số sách không qua thẩm định của nhà nước, trừ sách giáo khoa các môn Quốc ngữ, Đạo đức, Xã hội, Toán, Khoa học, Kỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục. Thậm chí MOEHRD khuyến khích các trường tự biên soạn sách giáo khoa để càng ngày càng có thêm nhiều người tham gia vào việc biên soạn những cuốn sách có chất lượng cao cho học sinh.

Từ năm 2015, sách giáo khoa bằng giấy có số lượng rất ít tại các trường tiểu học và trung học Hàn Quốc. Thay vào đó, tài liệu giáo khoa sẽ được chuyển tải dưới dạng kỹ thuật số. Học sinh chỉ cần học thông qua máy tính hay các thiết bị số khác. Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho ra khoảng 2,4 tỷ USD (năm 2011) dùng đầu tư cho việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng cần thiết như mua máy tính cá nhân hay các thiết bị khác đáp ứng cho cuộc chuyển đổi trong thời gian từ 2011-2015. Đến hết năm 2014, sách giáo khoa, sách tham khảo, từ điển hay các tài liệu bằng giấy khác tại các trường tiểu học sẽ được số hoá hoàn toàn, quá trình này mở rộng sang học sinh cấp 2 và 3 trong năm tiếp theo.

- Đội ngũ giáo viên

Hàn Quốc có tỷ lệ cao hơn hầu hết các quốc gia OECD khác về độ tuổi giáo viên, trung bình dưới 40 tuổi và ở cả hai cấp tiểu học và trung học, đều được ổn định về giáo viên cả về số lượng và chất lượng. Giáo viên tiểu học tiềm năng phải hoàn thành chương trình giáo dục bốn năm và hoàn thành bài kiểm tra đầu vào. Hàn Quốc có thang lương theo độ dốc từ mức lương khởi điểm và mức lương ở mức cao nhất, với tỷ lệ ở mức cao nhất là 2,8 lần so với mức lương khởi điểm cho tất cả các cấp từ sơ cấp đến trung học phổ thông (so với tỷ lệ trung bình của OECD là 1,9 đối với tiểu học và trung học cơ sở và 1,8 cho trung học phổ thông). Hàn Quốc cũng đánh giá cao nghề dạy học và được coi là nghề có giá trị trong xã hội. Tỷ lệ 63,4% giáo viên nói rằng họ sẽ trở thành giáo viên nếu họ có thể quyết định lại (so với mức trung bình 77,6% của OECD).

  1. Năng lực, hiệu quả của nguồn nhân lực quốc gia và chất lượng giáo dục đào tạo

4.1. Hiệu quả của nguồn nhân lực quốc gia

- Năng suất lao động

Chỉ số năng suất lao động của Hàn Quốc có tốc độ tăng tương đối ổn định qua các năm, trong khoảng 4 năm gần đây, năng suất lao động đều vượt chỉ số trên 100, năm 2017 đạt 109.7 và 2018 đạt 109.2 điểm (tính đến hết tháng 7 năm 2018). Điều này khẳng định chất lượng nguồn nhân lực của Hàn Quốc rất ổn định và được bồi dưỡng qua các năm cả về kiến thức chuyên môn, trình độ tay nghề và kinh nghiệm quản lý. Việc đào tạo tại trường đại học, cao đẳng và đào tạo nghề của Hàn Quốc một mặt được tiến hành rất bài bản, mặt khác rất sát với thực tế công việc. Bên cạnh đó, đào tạo trong công việc cũng được các doanh nghiệp Hàn Quốc rất chú trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động mới hội nhập vào môi trường có thể thích nghi, làm quen và tiếp nhận được các công việc và vị trí đảm nhận. Tất cả những điều kiện trên đã tác động đến chỉ số năng suất lao động của Hàn Quốc trong suốt thời gian qua và đây cũng là chỉ số quan trọng giúp cho sự tăng trưởng của GDP và tăng thu nhập bình quân đầu người ở Hàn Quốc.

Hình 1. Chỉ số lao động Hàn Quốc qua các năm

Nguồn: Cơ quan kinh tế thương mại Hàn Quốc, năm 2018

Nhờ có năng suất lao động bình quân cao mà thu nhập của người lao động Hàn Quốc được chi trả phù hợp và tương xứng với mức độ cống hiến trong công việc mà họ bỏ ra. Bên cạnh đó, các chế độ và chính sách đãi ngộ phi lợi nhuận cũng được các doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm như chăm lo đời sống gia đình và thế hệ kế tiếp, tạo môi trường làm việc thuận lợi, chế độ đào tạo nâng cao tay nghề,…

- Chi phí lao động

Cùng với việc tăng năng suất lao động, chi phí lao động của Hàn Quốc lại có xu hướng giảm dần qua các năm, điều này lại càng tạo điều kiện cộng hưởng cho hiệu quả của lao động Hàn Quốc. Hệ số chi phí lao động liên tục giảm từ năm 2015 đến năm 2018, lần lượt là 131 xuống còn 96,5. Đặc biệt, năm 2017 và 2018 là hai năm có chỉ số chi phí lao động giảm sâu so với các năm còn lại. Một mặt điều này đến từ sự cải tiến phương pháp quản trị nguồn nhân lực một mặt cũng có được từ hiệu quả của công tác đào tạo nguồn nhân lực.

Hình 2. Chi phí lao động Hàn Quốc qua các năm

Nguồn: Cơ quan kinh tế thương mại Hàn Quốc, năm 2018

Chi phí đào tạo lại lao động ở Hàn Quốc giảm đáng kể do hiệu quả của công tác đào tạo ở các trường đại học, cao đăng và đào tạo nghề mang lại. Bên cạnh đó, số lượng lao động phổ thông (chưa tham gia đào tạo) ở Hàn Quốc là không cao nên chi phí để đào tạo mới từ đầu đối với lao động này là rất thấp. Mặt khác, thị trường lao động của Hàn Quốc cũng được tổ chức một cách có hiệu quả nên việc gặp nhau giữa cung và cầu lao động rất thuận lợi, đảm bảo người tìm việc và việc tìm người luôn khớp và phù hợp với năng lực và yêu cầu. Như vậy, có thể thấy hiệu suất của nguồn nhân lực của Hàn Quốc là rất cao, một mặt năng suất lao động tăng cao, bên cạnh đó, chi phí lao động lại giảm xuống tương ứng, tạo điều kiện kép giúp cải thiện các yếu tố nguồn lực đầu vào trong quá trình sản xuất kinh doanh của Hàn Quốc.

- Số người lao động

Tỷ lệ người lao động của Hàn Quốc so với dân số ở mức độ tương đối cao so với các nước OECD, tỷ lệ hiện tại đạt 61.4% (khoảng 31.59 triệu người). Tuy nhiên, tỷ lệ lao động của Hàn Quốc cũng đang có xu hướng giảm dần và dân số có xu hướng già hóa do tỷ lệ người cao tuổi và đến tuổi nghỉ hưu của Hàn Quốc tương đối cao, mặc dù độ tuổi nghỉ hưu của Hàn Quốc cũng đã tăng dần qua các năm. Theo đó, độ tuổi nghỉ hưu bình quân trong năm 2017 tại Hàn Quốc đạt 61,1 tuổi. Năm 2013, Chính phủ đã tiến hành sửa đổi Luật khuyến khích tuyển dụng người cao tuổi, quy định độ tuổi nghỉ hưu của người lao động là trên 60 tuổi. Ngoài ra, kể từ năm 2016, Chính phủ đã bắt đầu mở rộng phạm vi áp dụng quy định trên cho các doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước có trên 300 nhân công trở lên. Kết quả điều tra cho thấy độ tuổi nghỉ hưu bình quân của người lao động tại các doanh nghiệp trên đang cho thấy xu hướng tăng theo từng năm. Cụ thể, độ tuổi nghỉ hưu bình quân trong năm 2013 là 58,8 tuổi, năm 2014 là 59,4 tuổi, năm 2015 là 59,8 tuổi và năm 2016 tăng lên 60,3 tuổi.

Bảng 1. Thống kê về lao động năm 2018 của Hàn Quốc

Tỷ lệ lao động (năm 2018)

Cuối kỳ

Đầu kỳ

Cao nhất

Thấp nhất

Đơn vị tính

Tỷ lệ lao động làm việc

61,4

61,2

61,6

56,1

%

Dân số

51,45

51,25

51,45

25,01

triệu người

Số người lao động

31,5903

31,365

31,6932

14,03061

triệu người

Nguồn: Tổng hợp từ Tradingeconomics.com

Với mức độ già hóa dân số và tỷ lệ sinh của Hàn Quốc cũng rất thấp sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu hụt lao động ở Hàn Quốc trong thời gian tới buộc quốc gia này phải có chiến lược đối với việc thu hút nguồn nhân lực bên ngoài Hàn Quốc hoặc các hoạt động đầu tư sang các nước có nguồn cung lao động dồi dào và thậm chí cả chính sách thu hút nhân tài từ các nước thông qua chương trình học bổng du học và chính sách nhập cư đối với lực lượng lao động đó.

- Tỷ lệ lao động thất nghiệp

Hàn Quốc là một quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp tương đối thấp so với các nước OECD với tỷ lệ trung bình khoàng 3%. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp cũng cần phải tính đến các độ tuổi khác nhau. Mặc dù, tỷ lệ lao động thất nghiệp của Hàn Quốc không cao nhưng tỷ lệ lao động trẻ thất nghiệp lại là con số đáng quan tâm.

Hình 3. Tỷ lệ lao động thất nghiệp của Hàn Quốc từ 2013-2017

Nguồn: Cơ quan kinh tế thương mại Hàn Quốc, 2018

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Hàn Quốc, trong tháng 7/2018 những người thất nghiệp ở độ tuổi 25-34 đạt 338.000 người (chiếm 6,4%), mức cao kỷ lục trong 19 năm qua, chỉ sau kỷ lục được ghi vào năm 1999 với số người thất nghiệp là 434.000 người (chiếm 7,2%). Tỷ lệ thất nghiệp ở độ tuổi này cũng tăng liên tục trong những năm gần đây. Tháng 7/2014, số người thất nghiệp trong độ tuổi này đạt 305.000 người (chiếm 5,5%), sau đó giảm vào năm 2015 xuống còn 285.000 người (5,2%). Tuy nhiên, số người thất nghiệp trong độ tuổi này tăng mạnh lên 319.000 người (chiếm 6,0%) vào tháng 7/2016, 327.000 người (6,3%) vào tháng 7/2017 và tăng kỷ lục 434.000 người vào năm nay. 

- Mức lương

Hàn Quốc được đánh giá là quốc gia có GDP tăng trưởng cao và ổn định, nhờ sự khai thác tốt các yếu tố nguồn lực, đặc biệt là nguồn nhân lực mà năng suất lao động của Hàn Quốc liên tục tăng lên. Chính vì vậy, mức lương của lao động Hàn Quốc đang được trả với mức cao so với các nước phát triển ở Châu Á. Từ năm 2010 đến 2016, lương bình quân của Hàn Quốc luôn đạt ở mức trên 31.000 USD và tăng tương đối ổn định đến ngưỡng 32.399 USD vào năm 2016 với tốc độ tăng khoảng 4%/năm.

Hình 4. Lương trung bình của lao động Hàn Quốc qua các năm

Nguồn: https://www.statista.com/statistics/557759/south-korea-average-annual-wage/

4.2. Năng lực nguồn nhân lực của Hàn Quốc

- Về trình độ và kiến thức

Theo thống kê của OECD, tỷ lệ những người độ tuổi 25-34 tốt nghiệp phổ thông lên tới 98% trong khi đó mức trung bình của OECD là 84%. Còn đối với tỷ lệ ở độ tuổi này theo học đại học là 69% cao hơn mức 42% của OECD. Điều này khẳng định trình độ đại học của lao động Hàn Quốc hiện tại là rất cao ở tất cả các lĩnh vực ngành nghề và được định hướng rất tốt trong việc chọn lựa các ngành nghề lĩnh vực theo học ngay khi còn ở bậc học phổ thông.

Tỷ lệ tốt nghiệp ở trình độ tiến sĩ là 1,6%, xung quanh mức trung bình của OECD. Hàn Quốc sở hữu một tỷ lệ lớn sinh viên tốt nghiệp đại học trong lĩnh vực kỹ thuật, sản xuất và xây dựng so với mức trung bình của OECD. Tuy nhiên, phí bảo hiểm thu nhập cho những người có trình độ giáo dục đại học thấp hơn mức trung bình của OECD. Lao động có trình độ giáo dục đại học ở Hàn Quốc kiếm được việc làm nhiều hơn 38% so với những người có trình độ học vấn trung học phổ thông năm 2014 (so với mức thu nhập trung bình của OECD là 55%) và 37% của tất cả những người trưởng thành có trình độ đại học trong độ tuổi 25-64  bao gồm già nữa là phụ nữ, không có thu nhập trong năm 2014 - tỷ lệ cao nhất trong OECD.

Hình 5. Lao động Hàn Quốc tốt nghiệp đại học

Nguồn: Tổng hợp từ Báo cáo của OECD, 2016

- Chỉ số nguồn nhân lực Hàn Quốc

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB đã công bố kết quả phát triển Chỉ số nguồn nhân lực (HCI- Human Capital Index). Ngân hàng thế giới lần đầu tiên đo lường về Chỉ số nguồn nhân lực của 157 quốc gia trên toàn thế giới, một phần trong dự án nguồn nhân lực của WB.

Chỉ số nguồn nhân lực là chỉ số phản ánh tình trạng y tế, giáo dục của một quốc gia, đo lường tổng nguồn nhân lực của những trẻ em sinh ra hôm nay cho tới năm 18 tuổi. Đây còn là một chỉ số phản ánh năng suất trong tương lai của đứa trẻ vừa ra đời. Chỉ số này có giá trị từ 0 tới 1, so sánh với khi một đứa trẻ được hưởng ưu đãi về giáo dục và y tế toàn diện. Chỉ số này đo lường về tỷ lệ sống sót của trẻ cho tới 5 năm tuổi, thời gian học tập dự kiến, thành tích học tập, tỷ lệ sống sót của người trưởng thành tới năm 60 tuổi, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị khuyết tật.

Bảng 2. Chỉ số nguồn nhân lực của Hàn Quốc

 

Xác suất sống sót đến 5 tuổi

Năm học dự kiến

Điểm kiểm tra hài hòa

Năm học điều chỉnh

Trẻ em dưới 5 tuổi không bị còi cọc

Tỷ lệ sống của người lớn

Chỉ số vốn con người (ngưỡng thấp)

Chỉ số vốn con ngường

Chỉ số vốn con người (ngưỡng cao)

Nam

1,00

13,6

560

12,1

-

0,92

0,79

0,81

0,84

Nam và Nữ

1,00

13,6

563

12,2

0,98

0,94

0,83

0,84

0,86

Nữ

1,00

13,6

567

12,3

-

0,96

0,83

0,85

0,87

Nguồn: Báo cáo của IMF và WB, 2018

Chỉ số nguồn nhân lực của Hàn Quốc đạt 0,84 điểm, đứng thứ hai trong số 157 quốc gia. Có nghĩa là trẻ em sinh ra tại Hàn Quốc có năng suất bằng 84% so với trẻ em sinh ra hôm nay được hưởng ưu đãi toàn diện về y tế, sức khỏe. Chỉ số nguồn nhân lực của bé gái tại Hàn Quốc là 0,85 điểm, cao hơn bé trai (0,81 điểm).

  1. Các giải pháp vận dụng bài học kinh nghiệp về phát triển nguồn nhân lực quốc gia của Hàn Quốc

5.1. Về tầm nhìn của người lãnh đạo, tính hiệu quả và minh bạch của Chính phủ

Thứ nhất, cần phải xác định vấn đề nhân lực là yếu tố nguồn lực chủ chốt và quan trọng của mọi hoạt động xã hội. Suy cho cùng thì mọi hoạt động xã hội đều xuất phát từ con người và cũng phục vụ cho con người là đầu tiên nên đây là yếu tố cần đặt lên hàng đầu trong tất cả các yếu tố nguồn lực khác như vốn, công nghệ, tài nguyên, thông tin hay các yếu tố nguồn lực khác.

Thứ hai, đối tượng và các bên tham gia phát triển nguồn nhân lực không chỉ có cơ quan tham gia vào công tác đào tạo (Bộ Giáo dục) mà còn có nhiều cơ quan khác nữa, trong đó doanh nghiệp là đơn vị tiếp nhận và sử dụng nguồn nhân lực trực tiếp và quan trọng. Chính vì vậy, khi xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực, Việt Nam không thể tách các chủ thể này ra trong quá trình hoạch định chiến lược mà cần cho doanh nghiệp tham gia vào trực tiếp và cụ thể hơn các nội dung chiến lược.

Thứ ba, để thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực quốc gia trước hết lãnh đạo ngành giáo dục và đào tạo cần thành lập Ủy ban phát triển nguồn nhân lực quốc gia của Việt Nam. Thực chất trong những năm vừa qua, Hàn Quốc đã thực hiện thành lập Ủy ban phát triển nguồn nhân lực dưới sự kiểm soát và đứng đầu của Phó thủ tướng để khẳng định vị trí và vai trò của công tác phát triển nguồn nhân lực. Việc thành lập Ủy ban phát triển nguồn nhân lực có ý nghĩa hết sức quan trọng vì vấn đề nguồn nhân lực không chỉ chịu sự quản lý của Bộ giáo dục mà còn có nhiều bộ ngành liên quan cũng có vai trò và trách nhiệm, đặc biệt còn có sự tham gia từ phía doanh nghiệp bởi lẽ đây là các đơn vị tiếp nhận và sự dụng nguồn nhân lực sau quá trình đào tạo.

Thư tư, công tác phát triển nguồn nhân lực cần phải thực hiện có chiều sâu và suốt cả thời gian học tập và làm việc của nhân sự, trong đó cần rất chú trọng tới độ tuổi nhỏ khi con người bắt đầu hình thành nhân cách và đạo đức nghề nghiệp sau khi bắt đầu công việc. Vấn đề đạo đức và kỹ năng cho nhân sự cần được quan tâm đặc biệt bên cạnh việc đào tạo nghiệp vụ cho nhân sự. Để thực hiện được việc này, cơ quan phát triển nguồn nhân lực trung ương và địa phương cần nghiên cứu và hiệu chỉnh lại chương trình và giáo trình đào tạo theo các bậc học theo hướng đưa thêm các nội dung liên quan tới đạo đức, trách nhiệm xã hội và giáo dục bền vững.

Thứ năm, thực hiện tốt công tác thông kê và minh bạch hóa nguồn nhân lực. Việc thực hiện tốt công tác thống kê nguồn nhân lực có tính hệ thống sẽ giúp cho các doanh nghiệp và đơn vị sửf dụng lao động có thể dễ dàng tiếp cận với nguồn nhân lực, bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cũng có thể điều chỉnh hoặc thay đổi các chương trình và chuyên ngành đào tạo cho phù hợp với yêu cầu của thị trường.

5.2. Về định hướng, tầm nhìn và chiến lược tổng thể về phát triển nguồn nhân lực

Thứ nhất, mở rộng tự chủ và tiến tới xã hội hóa hoạt động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đang giao quyền tự chủ cho một số trường đại học hội đủ các điều kiện, tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc và quy định còn chưa cụ thể dẫn tới việc triển khai tự chủ ở các trường gặp nhiều khó khăn và chưa phát huy được hết tiềm năng của các trường đại học trong công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Do vậy, Chính phủ cần mạnh dạn hơn nữa trong việc giao quyền tự chủ ở diện rộng hơn đối với các trường đại học một mặt phát huy được tiềm năng và cơ hội phát triển cho các trường đại học vươn ra tầm khu vực và thế giới, mặt khác, đây cũng là cách để giảm bớt gánh nặng ngân sách dành cho giáo dục của Chính phủ. Sau giai đoạn tự chủ, Chính phủ cũng cần nghiên cứu cơ chế để cho các thành phần kinh tế trong đó có doanh nghiệp tham gia vào đầu tư, góp vốn một phần tại các cơ sở đào tạo nhằm gắn chặt công tác đào tạo giữa cơ sở đào tạo với đơn vị sử dụng nguồn nhân lực đầu ra cả về sở hữu, chương trình đào tạo và công việc của người học sau khi được đào tạo.

Thứ hai, xây dựng khung tiêu chuẩn nhân lực quốc gia trong bối cảnh mới. Hiện nay, năng lực kiến thức và chuyên môn của nhân sự đào tạo đang được đưa ra bởi các cơ sở đào tạo dựa theo hướng dẫn của Bộ giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, trên thực tế tiêu chuẩn này chỉ mang tính định tính và rất chung chung chưa gắn với thực tế và yêu cầu của các đơn vị sử dụng nguồn nhân lực. Đây chính là nguyên nhân của khoảng cách giữa kết quả đào tạo của cơ sở đào tạo và yêu cầu năng lực và kỹ năng của đơn vị sử dụng lao động. Để công tác đào tạo sát với thực tế hơn, Bộ giáo dục và Đào tạo cần xây dựng khung tiêu chuẩn nhân lực quốc gia theo các ngành và chuyên ngành làm chuẩn trên cơ sở kết hợp với doanh nghiệp và các đơn vị sử dụng nguồn nhân lực có tính toán đến yêu cầu hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0.

5.3. Về các chính sách cụ thể trong việc trọng dụng và thu hút nhân tài

Thứ nhất, xây dựng hệ thống lương, thưởng và các chế độ ưu đãi thu hút nhân tài: chế độ lương thưởng cần xây dựng dựa trên năng lực và hiệu quả công việc của nhân lực, tránh xây dựng theo kiểu cào bằng với các thang đo cố định như hiện nay. Bên cạnh chế độ lương, thưởng cũng cần xây dựng cơ chế về điều kiện chỗ ở, phương tiện di chuyển và làm việc của nguồn nhân lực cũng như hệ thống đãi ngộ để trọng dụng nhân tài.

Thứ hai, xây dựng chính sách thu hút nhân tài từ các nước đến làm việc tại Việt Nam. Kinh nghiệm của Hàn Quốc đã triển khai nhiều năm và có được kết quả rất khả quan và đã có số lượng nhân sự lớn ở lại sau khi đào tạo và nhân sự có chất lượng cao đến từ các nước khác. Để xây dựng chính sách này, Việt Nam cần tập trung xây dựng cơ chế đãi ngộ tài chính và phi tài chính, cơ chế nhập cư và sở hữu bất động sản và động sản tại Việt Nam và các chính sách khác. Việt Nam cần phải xây dựng một quy trình hết sức khoa học, bao quát từ vấn đề tìm nguồn, tạo  nguồn tới vấn đề lựa chọn, tuyển dụng và vấn đề giám sát, đánh giá hiệu quả cho đội ngũ nhân tài của quốc gia. Quy trình này phải hướng tới việc xây dựng đội ngũ nhân lực tài năng cho cả một thời kỳ dài để hình thành nền kinh tế tri thức, chứ không chỉ là cho nhu cầu phát triển hiện tại của đất nước. Có thể đặt tên cho quy trình mang tính chiến lược này là: “Nhân tài cho tương lai”. Trong quy trình đó, phải đặc biệt chú trọng tới đội ngũ nhân tài làm việc trong khu vực công. Ðội ngũ này phải được hoạch định từ việc tìm nguồn đến việc tuyển chọn; từ việc sắp xếp công việc phù hợp để phát huy tối đa sở trường tới việc đãi ngộ xứng đáng để tránh hiện tượng “chảy máu chất xám” từ khu vực công sang khu vực tư như đang diễn ra rất phổ biến ở Việt Nam hiện nay. Các bộ, ngành, đặc biệt là những ngành công nghệ cao - đại diện cho nền kinh tế tri thức cần có những thử nghiệm táo bạo trong việc mời những trí thức Việt kiều đã thành công ở những nước phát triển về nắm giữ một số vị trí then chốt trong bộ máy lãnh đạo của bộ, ngành mình để tạo nên những đột phá cần thiết, kéo theo sự thay đổi của toàn bộ nền kinh tế.

 

Thứ ba, tạo môi trường thuận lợi cho nhân tài có điều kiện làm việc và phát huy hết khả năng của cá nhân. Trong những năm gần đây, có nhiều Tỉnh/Thành phố đã ban hành nhiều cơ chế thu hút nhân tài về làm việc lâu dài, tuy nhiên, những chính sách chỉ tập trung vào lương, thưởng và chỗ ở là chưa đủ. Điều quan trọng hơn cả là môi trường và điều kiện làm việc, sự giao quyền, ủy quyền và hợp tác trong công việc để nhân tài có thể phát huy được hết khả năng của mình khi đã toàn tâm, toàn ý làm việc lâu dài tại địa phương. Bên cạnh đó, người lãnh đạo của đơn vị, tổ chức phải thực sự coi trọng và tạo điều kiện hết sức để nhân tố nguồn lực mới này có thể phát huy hết khả năng của mình. Mỗi địa phương, dựa trên đặc điểm và nhu cầu cụ thể của mình cần có những chiến lược và chính sách linh hoạt, đa dạng để trọng dụng nguồn nhân lực tài năng phù hợp. Tránh trường hợp trọng dụng nhân tài theo kiểu phong trào, địa phương nào cũng có chính sách “trải thảm đỏ” thu hút nhân tài nhưng không thiết thực, hiệu quả làm lãng phí nguồn chất xám của đất nước như thời gian gần đây.

5.4. Về chính sách chú trọng cho giáo dục và đào tạo

Thứ nhất, ưu tiên và tăng cường ngân sách đầu tư cho đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Hiện nay, chi ngân sách đầu tư cho giáo dục ở Việt Nam chiếm khoảng 5% GDP, mặc dù mức chi ngân sách này được coi là mức trung bình so với các nước trong khu vực, tuy nhiên, nếu tính theo đầu người thì Việt Nam vẫn là quốc gia có mức chi đầu tư cho giáo dục thấp do GDP của Việt Nam thấp hơn so với các nước. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực luôn là yếu tố đầu vào quan trọng và cần được đầu tư mạnh mẽ đối với các quốc gia đang phát triển nhằm tạo động lực bứt phá. Do vậy, Việt Nam cần tăng chi đầu tư cho giáo dục và đào tạo phát triển nguồn nhân lực và cần sử dụng có hiệu quả đối với các khoản chi tiêu này.

Thứ hai, quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục ở bậc mầm non và tiểu học bởi lẽ đây là gốc rễ và nền móng quan trong của nguồn nhân lực trong tương lai. Thực chất công tác giáo dục ở bậc mầm non và tiểu học ở Việt Nam còn thiếu và yếu, bên cạnh đó công tác quản lý còn rất nhiều hạn chế. Thực tế cho thấy, học sinh ở bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông học căng thẳng, chịu “tải” nhiều hơn ở bậc học đại học. Học sinh và phụ huynh đều lao vào cuộc chạy đua trang bị kiến thức với sự mệt mỏi và cảm giác “vô lý”, nhưng lại không yên tâm để dừng lại. Học sinh phải học và nhớ nhiều kiến thức lý thuyết nhưng khi học xong, hoặc không nhớ, hoặc chóng quên, trong khi kiến thức thực tế, cách cư xử trong gia đình, kỹ năng làm việc theo nhóm, cách giao tiếp, hành xử trong cộng đồng..., lại được đào tạo, giáo dục không tương xứng. Thêm vào đó, chương trình giáo dục chưa thực sự phù hợp do chỉ tập trung vào việc học tập mà bỏ qua việc đào tạo kỹ năng cho trẻ. Công tác này được Hàn Quốc đặc biệt quan tâm và đầu tư nhiều ngân sách, chương trình và cả đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp để thực hiện.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện đề án đào tạo cán bộ tại nước ngoài bằng ngân sách nhà nước. Thêm vào đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thiết kế những dự án du học để đảm bảo số lượng du học sinh sau khi học tập phần lớn sẽ trở về cống hiến cho công cuộc phát triển đất nước. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác quốc tế để nhận thêm các hỗ trợ từ các quốc gia phát triển cấp học bổng cho học sinh, sinh viên Việt Nam sang học tập tại các nước phát triển và có cơ chế quản lý và chính sách phù hợp để lưu học sinh trở về làm việc tại Việt Nam sau khi tốt nghiệp.

  1. Kết luận

Nguồn nhân lực là yếu tố nguồn lực quan trọng nhất đối với sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Để có được nguồn nhân lực chất lượng cao, các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, cần phải xây dựng chiến lược và chính sách nguồn nhân lực đồng bộ và khoa học dựa trên việc tổng kết thực tiễn và học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia đi trước, đặc biệt là Hàn Quốc. Thông qua nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng và phát triển nguồn nhân lực của Hàn Quốc, đứng ở góc độ chiến lược và chính sách cho thấy, để có được nguồn nhân lực chất lượng cao đặc biệt cần đến tầm nhìn của lãnh đạo, tính hiệu quả và minh bạch của Chính phủ, định hướng chiến lược nhân sự tổng thể, chính sách thu hút nhân tài và đặc biệt là chính sách giáo dục và đào tạo. Cùng với đó, chúng ta cũng cần xây dựng một hệ thống thông tin về cung cầu nhân sự ở quy mô quốc gia và có những tính toán, dự báo đầu vào phục vụ cho công tác hoạch định nhân lực để thực hiện việc xây dựng chiến lược và chính sách nguồn nhân lực một cách bền vững trong tương lai.   

Tài liệu tham khảo

  1. Bassanini, A., and Scarpetta S. (2001), Does human capital matter for growth in OECD countries? Evidence from pooled mean-group estimates. OECD Economics Department Working Paper No.282. Paris: OECD.
  2. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (2018), Chính sách giáo dục và đào tạo nghề Hàn Quốc được xây dựng phù hợp với đòi hỏi của nền kinh tế, http://www.molisa.gov.vn/vi/Pages/chitiettin.aspx?IDNews=27679, truy cập ngày 09/01/2019.
  3. Bùi Mạnh Hùng (2012), “Vài nét về giáo dục Hàn Quốc và kinh nghiệp đối với Việt Nam”, Tạp chí Khoa học ĐHSP TPHCM, Số 34, 3-9.
  4. Chu Văn Cấp (2014), “Giáo dục đào tạo với phát triển nguồn nhân lực của Hàn Quốc và những gợi mở cho Việt Nam”, Tạp chí Phát triển & Hội nhập số 17, 85-88.
  5. Goldman Sachs (2009), “The Long-term Outlook for the BRICS and N-11 Post Crisis”, Global Economics Paper, No: 192.
  6. Koo, H.B (1991), Korea’s Industrialization and Social Capability,Korea Development Institute, Seoul, Korea.
  7. Lucas, R (1988), “On the mechanics of economics”, Journal of Monetary Economics 22, 3-42.
  8. Ministry of Education & Human Resources Development (2008), Korea Education 2007-2008, Republic of Korea.
  9. Ministry of Education & Human Resources Development (2004), Report "Brief Statistics on Korean Education 2003", Korean Educational Development Institute.
  10. Ministry of Education & Human Resources Development (2005), Report 2005 "Education in Korea".
  11. Ministry of Labor (2004), Labor laws of Korea, Seoul, Republic of Korea.
  12. OECD (2016), Education Policy Outlook Korea, http://www.oecd.org/education/Education-Policy-Outlook-Korea.pdf.
  13. OECD (2012), Education at a Glance: OECD Indicators, Korea, https://www.oecd.org/education/EAG2012%20-%20Country%20note%20-%20Korea.pdf.
  14. Romer, P (1986), “Increasing Returns and Long-Run Growth”, The Journal of Political Economy 94(5), 1002-1037.
  15. Squire, L., Knowlton, B., and Musen, G (1993), “The structure and organization of memory”, Annual Review of Psychology 44, 453-495.
  16. Võ Hải Thanh (2014), Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông ở Hàn Quốc, Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc – Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.

 

 

[1] Bài viết là sản phẩm của Đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong cơ chế thị trường” (thuộc Chương trình KHCN Giáo dục Quốc gia giai đoạn 2016-2020), mã số KHGD/16-20.ĐT.019

[2] Trường Đại học Ngoại thương, email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó.

[3] Bộ Giáo dục và Đào tạo, Email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó.

[4] https://www.gfmag.com/global-data/country-data/south-korea-gdp-country-report

[5] https://tradingeconomics.com/south-korea/gdp

 

 

CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN Ý ĐỊNH MUA SẮM MỸ PHẨM ORGANIC CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Nguyễn Thị Quỳnh Nga[1]

Lê Đặng Như Huỳnh[2]

Tóm tắt

Bài nghiên cứu nhằm mục đích khám phá và phân tích những nhân tố ảnh hưởng đến ý định mua mỹ phẩm organic của người tiêu dùng thành phố Hồ Chí Minh dựa trên mô hình lý thuyết Hành vi dự định. Mô hình nghiên cứu đề xuất bao gồm 5 biến độc lập: Nhận thức về sức khoẻ, Nhận thức về môi trường, Nhận thức về giá trị an toàn, Nhận thức về chất lượng và Chuẩn chủ quan. Với mẫu khảo sát là 200 người tiêu dùng, kết hợp phương pháp nghiên cứu định lượng, kết quả cho thấy cả 5 nhân tố đều có tác động đến ý định mua của người tiêu dùng, trong đó, Nhận thức về giá trị an toàn là nhân tố có tác động mạnh nhất. Bài nghiên cứu đề xuất một số biện pháp nhằm xây dựng chiến lược truyền thông hiệu quả để thúc đẩy ý định mua của người tiêu dùng.

Từ khoá: ý định mua, mỹ phẩm organic, hành vi dự định

Abstract

The objective of the paper is to investigate the factors affecting consumers’ purchasing intention towards organic cosmetics in Hochiminh city based on the theory of planned behavior. The proposed theoretical framework includes 5 factors: Health conscious, Environment conscious, Safety value, Quality knowledge and Subjective norms. An online survey was conducted with 200 respondents, and multiple regression analysis was used to test the relationships among the variables. The results indicate that all 5 factors positively influence the purchasing intentions of consumers, and safety value has the strongest impact. This study suggests that retailers can develop effective marketing strategies to increase consumers' intentions to buy organic personal care products.

Key words: purchasing intention, organic cosmetics, theory of planned behavior

  1. Giới thiệu

Tổ chức Worldwide Fund for Nature chỉ ra rằng, từ những năm 80, nhu cầu của con người đã vượt ngưỡng khả năng mà hệ sinh thái Trái đất có thể cung cấp. Sự cạn kiệt về tài nguyên và ô nhiễm môi trường ngày một nghiêm trọng đã cảnh báo con người về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường. Từ sự hiểu biết và quan tâm về những vấn đề của môi trường, nhiều đề xuất, biện pháp để cải thiện, bảo vệ hệ sinh thái và tài nguyên thiên nhiên ra đời. Các dòng sản phẩm xanh, sản phẩm organic xuất hiện và được phát triển không ngừng, chẳng hạn như: thực phẩm organic, mỹ phẩm organic, năng lượng tái tạo,... (Kim và Chung, 2011).

Theo báo cáo của NPD Group, trong năm 2017, doanh thu mỹ phẩm organic toàn cầu đạt 480 triệu USD, tức tăng 10% so với năm 2016 và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng gấp đôi trong năm 2018. Thái độ của người tiêu dùng toàn cầu đối với mỹ phẩm organic cũng trở nên tích cực hơn: có thêm 5% người tiêu dùng tìm kiếm những sản phẩm chăm sóc da được làm từ thành phần thiên nhiên/organic vào năm 2017. Và hơn 80% người tin rằng những thành phần thiên nhiên sẽ được ưa chuộng hơn trong vòng 10 năm nữa. Ngoài ra, các công ty mỹ phẩm thiên nhiên vả mỹ phẩm organic cũng đang là những đại diện chiếm giữ thị phần lớn nhất trong thị trường mỹ phẩm toàn cầu. Báo cáo của Euromonitor International cũng cho thấy nhu cầu đối với mỹ phẩm thiên nhiên, organic của người tiêu dùng Việt Nam ngày một lớn mạnh.

Cho đến nay, đã có nhiều công trình, bài nghiên cứu về hành vi người tiêu dùng đối với các sản phẩm xanh, organic, nhưng chủ yếu đều tập trung vào thực phẩm organic. Đối với mỹ phẩm organic, chỉ có một số ít công trình, bài nghiên cứu đã được thực hiện ở các nước như Mỹ, châu Âu, Malaysia, Đài Loan và vẫn chưa có nghiên cứu chuyên sâu nào về ý định mua sắm mỹ phẩm organic tại Việt Nam (Kim và Chung, 2011; Matic và cộng sự, 2016; Ghazalia và cộng sự, 2017; Hsu và cộng sự, 2017). Hầu hết các nghiên cứu này đều sử dụng lý thuyết Hành vi dự định làm lý thuyết cơ sở nên tác giả cũng sử dụng thuyết Hành vi dự định làm nền tảng để đề xuất mô hình nghiên cứu. Bên cạnh đó, việc tìm hiểu các nhân tố ảnh hưởng đến ý định mua sắm của người tiêu dùng sẽ giúp cho các nhà sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm ở Việt Nam có những biện pháp, chiến lược hiệu quả hơn để kích thích nhu cầu của người tiêu dùng.

Vì vậy, nghiên cứu này muốn tìm ra những nhân tố ảnh hưởng đến ý định mua mỹ phẩm organic của người tiêu dùng, bao gồm các nhân tố kế thừa từ lý thuyết Hành vi dự định và bổ sung những nhân tố có liên quan đến sự phát triển bền vững như môi trường, sức khoẻ, sự an toàn, từ đó hướng đến sự thay đổi trong nhận thức của người tiêu dùng về mỹ phâm organic và kích thích ý định mua của họ.

  1. Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu

2.1. Ý định mua của người tiêu dùng

Theo Ajzen (2002), ý định hành vi được hình thành từ 3 yếu tố: thái độ đối với hành vi, chuẩn chủ quan và nhận thức kiểm soát hành vi (sẽ được định nghĩa cụ thể ở mục sau). Ý định hành vi là tiền đề dẫn đến hành vi.

Theo Elbeck (2008), ý định mua một sản phẩm được thể hiện qua sự sẵn sàng của khách hàng tiềm năng trong việc mua sản phẩm đó. Việc kinh doanh của một công ty có thể dựa trên việc khảo sát thị trường về ý định mua của người tiêu dùng.

Khoản 1 Điều 3 Luật BVQLNTD năm 2010 giải thích: “Người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức”.

Ý định mua của người tiêu dùng được hiểu là sự sẵn sàng mua một sản phẩm nào đó trong tương lai gần và chịu ảnh hưởng bởi 3 yếu tố: thái độ, chuẩn chủ quan và nhận thức kiểm soát hành vi.

2.2. Khung lý thuyết về ý định mua của người tiêu dùng

Lý thuyết Hành động hợp lý (Fishbein và Ajzen, 1975) và lý thuyết Hành vi dự định (Ajzen, 1991) là những lý thuyết tiêu biểu bắt nguồn từ nghiên cứu tâm lý xã hội và được ứng dụng rộng rãi trong bối cảnh marketing hiện tại. Đối với lĩnh vực sản phẩm xanh, organic nói chung và mỹ phẩm organic nói riêng, hầu hết các bài nghiên cứu đều sử dụng các lý thuyết này làm nền tảng để xác định các nhân tố ảnh hưởng đến ý định mua của người tiêu dùng. Do đó, tác giả nhận thấy việc sử dụng lý thuyết Hành động hợp lý và lý thuyết Hành vi dự định làm cơ sở lý thuyết là phù hợp.

2.2.1. Thuyết Hành động hợp lý (Theory of Reasoned Action – TRA)

Thuyết Hành động hợp lý được Fishbein và Ajzen đề xuất và phát triển vào năm 1975, là lý thuyết nền tảng cho nhiều nghiên cứu về ý định hành vi của người tiêu dùng. Theo đó, hành vi của một người sẽ được quyết định bởi ý định thực hiện hành vi của người đó. Và theo mô hình lý thuyết, ý định này chịu ảnh hưởng bởi hai yếu tố: thái độ đối với hành vi và chuẩn chủ quan. Trong đó:

- Thái độ đối với hành vi là đánh giá của cá nhân đối với việc thực hiện hành vi, có thể là tích cực hoặc tiêu cực. Thái độ được quyết định bởi (1) niềm tin của người đó vào hệ quả của hành vi và (2) sự đánh giá mức độ tốt hoặc xấu nếu những hệ quả đó xảy ra.

- Chuẩn chủ quan là nhận thức của những người có ảnh hưởng sẽ nghĩ rằng cá nhân đó nên thực hiện hay không nên thực hiện hành vi. Chuẩn chủ quan được quyết định bởi: (1) niềm tin những người có ảnh hưởng tới cá nhân này nghĩ rằng họ nên làm gì và (2) động lực thực hiện hành vi của cá nhân theo suy nghĩ của những người có ảnh hưởng.

2.2.2. Thuyết Hành vi dự định (Theory of Planned Behavior – TPB)

Thuyết Hành vi dự định được cải tiến và mở rộng từ thuyết Hành động hợp lý vào năm 1985 và được tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa vào năm 1991, 2002.

Mô hình kế thừa hai nhân tố chính từ lý thuyết Hành động hợp lí là thái độ đối với hành vi và chuẩn chủ quan, đồng thời được tác giả bổ sung vào nhân tố mới là Nhận thức kiểm soát hành vi. Đây có thể xem là sự cải tiến để khắc phục hạn chế của lý thuyết Hành động hợp lý trước đó. Lý thuyết Hành vi dự định được vận dụng rộng rãi, phổ biến vào các nghiên cứu về hành vi người tiêu dùng ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực tiêu dùng xanh và các sản phẩm organic.

 

 

 

 

 

Thái độ đối với hành vi

Chuẩn chủ quan

Nhận thức kiểm soát hành vi

Ý định

Hành vi

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình 1. Mô hình Lý thuyết Hành vi dự định (TPB) của Ajzen (1991)

Nhận thức kiểm soát hành vi được định nghĩa là nhận thức của một cá nhân về sự dễ dàng hoặc khó khăn trong việc thực hiện một hành vi nhất định.  Cá nhân đó nỗ lực như thế nào để thực hiện hành vi và mức độ mà cá nhân đó có thể kiểm soát đối với hành vi đều có ảnh hưởng đến việc có thực hiện hành vi đó hay không. Trong thực tế, để một cá nhân thực hiện hành vi cụ thể, sẽ có những nhân tố cản trở khác như sự sẵn có của những nguồn lực hay cơ hội cần thiết (ví dụ như tiền bạc, thời gian, kỹ năng,...). Đây là những nhân tố đại diện cho kiểm soát hành vi trong thực tế của cá nhân. Do đó, nhân tố nhận thức kiểm soát hành vi đóng vai trò quan trọng trong lý thuyết Hành vi dự định và là điểm khác biệt nổi trội so với lý thuyết cũ.

Như vậy, theo mô hình lý thuyết này, ý định thực hiện hành vi là sự kết hợp giữa thái độ đối với hành vi, chuẩn chủ quan và nhận thức kiểm soát hành vi.  Thái độ đối với hành vi, chuẩn chủ quan càng tích cực và nhận thức kiểm soát hành vi càng cao thì ý định thực hiện hành vi càng mạnh mẽ. Đồng thời, kiểm soát hành vi thực tế càng cao, cá nhân càng có xu hướng thực hiện ý định hành vi khi có cơ hội (Ajzen, 2002).

2.3. Mỹ phẩm organic

Hiện tại, không có quy định hay định nghĩa chuẩn xác nào về thuật ngữ “organic” khi áp dụng cho mỹ phẩm, tuỳ quốc gia sẽ có những quy chuẩn, chứng nhận khác nhau khi sử dụng thuật ngữ này cho mỹ phẩm. Bộ Tiêu chuẩn hữu cơ quốc gia được phát hành vào năm 2017 của Việt Nam khẳng định rằng: một sản phẩm được gọi là sản phẩm organic khi nó được sản xuất, chế biến hoặc xử lý phù hợp với các tiêu chuẩn organic.

Theo USDA (United States Department of Agriculture), nếu mỹ phẩm có chứa hoặc được tạo thành từ các thành phần nông nghiệp có thể đáp ứng các tiêu chuẩn về sản xuất, xử lý, chế biến và đóng dấu của USDA / NOP (United States Department of Agriculture / National Organic Program ), sản phẩm đó xem như đủ điều kiện để được chứng nhận organic theo NOP quy định. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, xử lý các thành phần nông nghiệp organic và nhà máy sản xuất ra sản phẩm cuối cùng phải được chứng nhận bởi một cơ quan chứng nhận organic được USDA công nhận.

Khung tiêu chuẩn chung về quy trình canh tác và sản xuất organic của USDA (2000) được nhiều tổ chức chứng nhận organic trên thế giới tuân theo, cụ thể:

- Nguồn nước được sử dụng phải là nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm

- Khu vực sản xuất phải được cách ly khỏi các nguồn gây ô nhiễm như nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực đang xây dựng,…

- Cấm sử dụng tất cả các loại phân bón hoá học, các loại thuốc bảo vệ thực vật hoá học, các thành phần biến đổi gen, phân người, phân ủ từ rác thải hay chất bảo quản trong quá trình lưu trữ.

- Chỉ sử dụng các nguyên liệu đầu vào đã được đăng ký và được các tổ chức chấp thuận.

- Cấm chiếu xạ tiệt trùng.

Tóm lại, mỹ phẩm organic được hiểu là  các sản phẩm tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người để làm sạch, làm đẹp, tăng sự thu hút và thay đổi diện mạo, hình thức. Các sản phẩm này được làm từ các thành phần xuất phát từ thiên nhiên và có 95 % thành phần từ nguồn gốc nông nghiệp phải đạt chứng nhận chuẩn organic của những tổ chức có uy tín (USDA, ECOCERT, Cosmebio,…)

2.4. Mô hình nghiên cứu và các giả thuyết

2.4.1. Nhận thức về sức khoẻ

Người tiêu dùng có nhận thức về sức khoẻ cao là những người quan tâm đến lối sống lành mạnh và sẵn sàng nỗ lực trong các hoạt động để duy trì sức khoẻ (Kim và Chung, 2011). Đối với mỹ phẩm organic, những người tiêu dùng có nhận thức về sức khoẻ cao có thể sẽ cân nhắc xem một sản phẩm có tạo ra những ảnh hưởng tích cực đến da hoặc cơ thể mình không, vì vậy, họ sẽ quan tâm đến những thành phần được dùng để làm ra sản phẩm đó hơn là những người tiêu dùng có nhận thức về sức khoẻ thấp (Johri và Sahakakmontri, 1998). Các nghiên cứu trước đây cũng chứng minh những lợi ích về sức khoẻ như việc bảo vệ và cải thiện sức khoẻ là một trong những động lực có tác động lớn nhất đối với việc tiêu thụ sản phẩm organic (Xie và cộng sự, 2015, Yin và cộng sự, 2010). Với mỹ phẩm organic, kết quả của các nghiên cứu trước cho thấy nhận thức về sức khoẻ có tác động tích cực đối với ý định mua của người tiêu dùng (Kim và Chung, 2011, Ghazalia và cộng sự, 2017). Do đó, giả thuyết đề xuất:

H1: Nhân tố Nhận thức về sức khoẻ có tác động cùng chiều đến ý định mua mỹ phẩm organic.

2.4.2. Nhận thức về môi trường

Nhận thức về môi trường nghĩa là người tiêu dùng có nhận ra và ý thức về việc môi trường bị đe doạ và tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt (Kim và Chung, 2011). Người tiêu dùng nhận thức về môi trường có khả năng sẽ thay đổi hành vi mua sắm của mình nhằm cải thiện thực trạng môi trường. Nhận thức về những tác động tiêu cực mà các hoá chất trong mỹ phẩm thông thường có thể gây ra cho môi trường (thông qua hệ thống thoát nước hoặc từ các nhà máy sản xuất) ngày càng được nâng cao (Boxall và cộng sự, 2012). Bên cạnh đó, so với các sản phẩm khác, sản phẩm organic được biết đến là thân thiện với môi trường hơn vì hoàn toàn không sử dụng đến hoá chất, các loại thuốc trừ sâu,… trong quá trình canh tác. Nhận thức về môi trường không chỉ là tiền đề cho việc sử dụng các sản phẩm xanh (Vanloo và cộng sự, 2013) mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định hành vi người tiêu dùng đối với các sản phẩm organic (Paladio, 2005). Kết quả từ các nghiên cứu trước đây cho thấy nhận thức về môi trường có tác động tích cực đến ý định mua mỹ phẩm organic (Kim và Chung, 2011; Ghazalia và cộng sự, 2017). Vì vậy, giả thuyết đề xuất:

H2: Nhân tố Nhận thức về môi trường có tác động thuận chiều đến ý định mua mỹ phẩm organic.

2.4.3. Nhận thức về giá trị an toàn

Nhận thức về sự an toàn của sản phẩm là mức độ mà người tiêu dùng cho rằng việc sử dụng sản phẩm đó không gây độc hại vì nó không chứa các thành phần hoá chất (Bauer và cộng sự, 2013). Hơn nữa, người tiêu dùng sẵn sàng thay đổi hành vi tiêu dùng của mình để giảm thiểu những rủi ro mà họ nhận thức được (Yeung và Morris, 2001). Nhiều nghiên cứu đã chứng tỏ giá trị an toàn đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định hành vi mua của người tiêu dùng đối với các sản phẩm organic (Davis, 2010). Ngoài ra, mối liên hệ giữa sự an toàn thực phẩm và hành vi tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp thân thiện với môi trường cũng được chứng minh trong một nghiên cứu về hành vi người tiêu dùng ở Hàn Quốc (Kim, 2007). Kết quả nghiên cứu của Yin và các cộng sự (2010) cho thấy 67,5% người tiêu dùng phản hồi rằng lý do thúc đẩy họ sử dụng thực phẩm organic lần đầu tiên là vì thực phẩm organic không chứa hoá chất. Đối với mỹ phẩm, đã có nhiều trường hợp người tiêu dùng bị ảnh hưởng lâu dài vì sử dụng mỹ phẩm hằng ngày, điều này  góp phần cảnh báo người tiêu dùng quan tâm hơn về sự an toàn của những sản phẩm họ sử dụng. Ngoài ra, nghiên cứu của Ghazalia và cộng sự (2017) đã chứng minh được tác động tích cực của nhận thức về giá trị an toàn của mỹ phẩm organic lên ý định mua mỹ phẩm organic của người tiêu dùng, do đó, tác giả đề xuất giả thuyết:

H3: Nhân tố Nhận thức về giá trị an toàn là một trong những nhân tố tác động cùng chiều đến ý định mua mỹ phẩm organic.

2.4.4. Nhận thức về chất lượng

Nhận thức về chất lượng là những hiểu biết và niềm tin mà người tiêu dùng cho rằng mình biết được về sản phẩm, hoặc những thông tin mà họ đã từng biết đến hoặc có được qua việc trải nghiệm sản phẩm đó (Ghazalia và cộng sự, 2017). Trong nhiều nghiên cứu về hành vi người tiêu dùng đối với thực phẩm organic, nhận thức về chất lượng sản phẩm là một yếu tố quan trọng có tác động đến quá trình hình thành ý định mua và dẫn đến quyết định mua của người tiêu dùng (Padel và Foster, 2005). Những người tiêu dùng có nhận thức cao về chất lượng sản phẩm sẽ có nhiều tiêu chí để đánh giá về sản phẩm hơn, ngược lại, khi nhận thức về chất lượng sản phẩm thấp, người tiêu dùng chỉ đánh giá chủ yếu dựa trên giá cả và thương hiệu. Kết quả nghiên cứu của Gracia và Magistris (2008) cho thấy kiến thức về organic sẽ ảnh hưởng đến thái độ của người tiêu dùng, từ đó, không chỉ làm gia tăng khả năng mua thực phẩm organic của những người tiêu dùng tiềm năng mà còn tăng mức độ tiêu thụ của những người tiêu dùng thực phẩm organic hiện tại. Bên cạnh đó, nghiên cứu về ý định mua mỹ phẩm organic trước đây cũng đã chứng minh nhận thức về chất lượng mỹ phẩm tác động tích cực đến ý định mua mỹ phẩm organic của người tiêu dùng (Ghazalia và cộng sự, 2017) nên tác giả đề xuất giả thuyết:

H4: Nhân tố Nhận thức về chất lượng có tác động cùng chiều đến ý định mua mỹ phẩm organic.

2.4.5. Chuẩn chủ quan

Theo Ajzen (2002), chuẩn chủ quan là nhận thức của cá nhân về việc phải ứng xử sao cho phù hợp với chuẩn mực xã hội. Chuẩn chủ quan được quyết định bởi niềm tin những người có ảnh hưởng tới người tiêu dùng nghĩ rằng họ nên làm gì và động lực để người tiêu dùng thực hiện hành vi theo suy nghĩ của những người có ảnh hưởng đó. Nếu người tiêu dùng tin rằng những người có ảnh hưởng tới họ cảm thấy sử dụng mỹ phẩm organic là một ý kiến tốt, ý định mua mỹ phẩm organic của họ cũng sẽ cao hơn. Chuẩn chủ quan cũng là một trong những nhân tố có tác động mạnh nhất đến hành vi mua các sản phẩm thân thiện với môi trường (bên cạnh nhân tố sự quan tâm đến môi trường và giá cả) (Griskeicius và các cộng sự, 2010). Đồng thời, đã có nhiều nghiên cứu chứng tỏ chuẩn chủ quan có tác động đáng kể đến ý định mua sắm sản phẩm organic: thực phẩm organic (Al-Swidi và cộng sự 2014; Smith và Paladino, 2010) và mỹ phẩm organic (Kim và Chung, 2011; Chia-Lin Hsu và cộng sự, 2016). Vì thế, giả thuyết đề xuất:

H5: Nhân tố Chuẩn chủ quan tác động cùng chiều đến ý định mua mỹ phẩm organic.

Như vậy, mô hình nghiên cứu đề xuất gồm 5 biến độc lập ảnh hưởng đến ý định mua mỹ phẩm organic của người tiêu dùng thành phố Hồ Chí Minh (Hình 1).

Nhận thức về sức khoẻ

Nhận thức về môi trường

Chuẩn chủ quan

Nhận thức về chất lượng

Nhận thức về giá trị an toàn

Ý định

 mua sắm

mỹ phẩm organic

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình 2. Mô hình nghiên cứu đề xuất

  1. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Đặc điểm người tiêu dùng

Thông tin được thu thập qua khảo sát trực tiếp và trực tuyến với 220 bảng khảo sát được phát ra để đảm bảo đáp ứng được mẫu là 200. Bảng khảo sát giấy được phát trực tiếp cho những người tiêu dùng ở thành phố Hồ Chí Minh, phần còn lại được khảo sát trực tuyến thông qua các diễn đàn và trang mạng xã hội. Tác giả thu được 203 phản hồi, trong đó, tác giả lọc ra 3 phản hồi không được điền đầy đủ và giữ lại 200 câu trả lời hợp lệ. Đặc điểm người tiêu dùng được thể hiện ở bảng 1.

Bảng 1. Thống kê mô tả một số đặc điểm nhân khẩu học của mẫu khảo sát

 

 

Đặc điểm

Số lượng đáp viên

Tỷ lệ (%)

Tuổi

Dưới 18 tuổi

8

4

Từ 18 đến 24 tuổi

110

55

Từ 25 đến 40 tuổi

71

35,5

Trên 40 tuổi

11

5,5

Tổng

200

100

Giới tính

Nam

48

24

Nữ

152

76

Tổng

200

100

Trình độ học vấn

Trung học phổ thông

10

5

Trung cấp – cao đẳng

8

4

Đại học

175

87,5

Sau đại học

7

3,5

Tổng

200

100

Thu nhập

Dưới 5 triệu đồng

86

43

Từ 5 đến 9 triệu đồng

72

38

Từ 10 đến 20 triệu đồng

35

17,5

Trên 20 triệu đồng

7

3,5

Tổng

200

100

 

Về độ tuổi, nhóm từ 18 đến 24 tuổi và nhóm từ 25 đến 40 tuổi chiếm tỷ trọng cao nhất lần lượt là 55% và 35,5%, có thể lí giải vì đây là nhóm người tuổi có nhiều sự thay đổi về da (thay đổi nội tiết tố, lão hoá,…) và quan tâm đến việc chăm sóc da nhất. Về giới tính, người tiêu dùng nữ chiếm tỷ trọng 76% cao hơn nhiều so với người tiêu dùng nam là 24%. Sự khác biệt lớn này là do nữ giới có xu hướng quan tâm chăm sóc sắc đẹp hơn nam giới, do đó, nữ giới sẵn sàng thực hiện khảo sát hơn. Về trình độ học vấn, tác giả ưu tiên khảo sát các đáp viên đã có hiểu biết cơ bản về organic và mỹ phẩm organic nên các đáp viên có trình độ Đại học chiếm đa số. Mỹ phẩm là ngành hàng có nhiều phân khúc sản phẩm, do đó thu nhập của người tiêu dùng cũng trải đều đa dạng từ dưới 5 triệu đồng đến trên 20 triệu đồng.

3.2. Đo lường các khái niệm

Mô hình nghiên cứu đề xuất gồm 6 nhân tố: nhận thức về sức khoẻ, nhận thức về môi trường, nhận thức về giá trị an toàn, nhận thức về chất lượng, chuẩn chủ quan và ý định mua mỹ phẩm organic. Nhân tố phụ thuộc là ý định mua mỹ phẩm organic của người tiêu dùng. Tất cả thang đo được đánh giá theo thang đo Likert bao gồm 5 mức độ theo thứ tự từ 1 đến 5, với 1 là “hoàn toàn không đồng ý” và 5 là “hoàn toàn đồng ý”, mức độ đồng ý tăng dần từ 1 đến 5.

3.2.1. Xây dựng thang đo Nhận thức về sức khoẻ

Để xây dựng thang đo Nhận thức về sức khoẻ, tác giả dựa trên thang đo trong các nghiên cứu của Hee Yeon Kim và Jae Eun Chung (2011) và Ghazalia và cộng sự (2017). Thang đo Nhận thức về sức khoẻ gồm 6 biến quan sát được kí hiệu từ SK1 đến SK6.

3.2.2. Xây dựng thang đo Nhận thức về môi trường

Thang đo Nhận thức về môi trường dựa trên thang đo trong các nghiên cứu của Mostafa (2009), Hee Yeon Kim và Jae-Eun Chung (2011), Ghazalia và cộng sự (2017) với 4 biến quan sát được ký hiệu từ MT1 đến MT4.

3.2.3. Xây dựng thang đo Nhận thức về giá trị an toàn

Để xây dựng thang đo Nhận thức về giá trị an toàn, tác giả sử dụng và có điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh ở Việt Nam những thang đo được dùng trong nghiên cứu của Ghazalia và cộng sự  (2017) với 4 biến quan sát được ký hiệu từ AT1 đến AT4.

3.2.4. Xây dựng thang đo Nhận thức về chất lượng

Đối với thang đo Nhận thức về chất lượng, tác giả sử dụng những thang đo được dùng trong các nghiên cứu sau: Chiew Shi Wee và cộng sự (2013), Ghazalia và cộng sự (2017). Thang đo Nhận thức về chất lượng bao gồm 4 biến quan sát được ký hiệu từ CL1 đến CL4.

3.2.5. Xây dựng thang đo Chuẩn chủ quan 

Để xây dựng thang đo Chuẩn chủ quan, tác giả sử dụng các thang đo trong các nghiên cứu Hee Yeon Kim và Jae-Eun Chung (2011), Ghazalia và cộng sự (2017), bao gồm 4 biến quan sát được ký hiệu từ CQ1 đến CQ4.

3.2.6. Xây dựng thang đo Ý định mua mỹ phẩm organic 

Đối với thang đo Ý định mua mỹ phẩm organic , tác giả sử dụng thang đo của  Ghazalia và cộng sự (2017), gồm 5 biến quan sát được ký hiệu từ YD1 đến YD5.

  1. Kết quả nghiên cứu

4.1. Kết quả đánh giá độ tin cậy của thang đo

Kết quả phân tích độ tin cậy thang đo thông qua phân tích Cronbach's Alpha và phân tích nhân tố khám phá cuối cùng được thể hiện ở bảng 2 cho thấy các thang đo có độ tin cậy khá cao. Trong đó, khi phân tích lần 1, thang đo MT4 (Mỹ phẩm organic tốt hơn cho môi trường so với các mỹ phẩm thông thường) có hệ số Cronbach's Alpha nếu loại biến này tăng nên được loại ra khỏi mô hình. Và thang đo SK3 (Với tôi, sức khoẻ là nhân tố quan trọng để có một cuộc sống hạnh phúc) có hệ số tải ở cả nhân tố 2 và 5 lần lượt là 0,641 và 0,401. Xét thấy điều kiện hệ số tải nhân tố củа mỗi biến quаn sát рhải lớn hơn 0,5 và giá trị рhân biệt củа các các biến quаn sát là chênh lệch giữа hаi hệ số tải nhân tố củа một biến quаn sát рhải lớn hơn 0,3, do đó, biến quan sát này bị loại khỏi mô hình.

Bảng 2. Kết quả đánh giá độ tin cậy của thang đo các biến độc lập

 

Nhân tố

Biến quan sát

Hệ số tải nhân tố

1

2

3

4

5

Nhận thức về giá trị an toàn – Cronbach's Alpha: 0,840

Tôi tin là mỹ phẩm organic hoàn toàn không có các hoá chất độc hại

0,842

 

 

 

 

Tôi tin là mỹ phẩm organic an toàn hơn mỹ phẩm thông thường

0,813

 

 

 

 

Tôi tin rằng mỹ phẩm organic là một sản phẩm có độ an toàn cao

0,812

 

 

 

 

Mỹ phẩm organic không gây kích ứng

0,768

 

 

 

 

Chuẩn chủ quan – Cronbach's Alpha: 0,822

Bạn bè cho rằng tôi nên mua mỹ phẩm organic

 

0,863

 

 

 

Những người quan trọng với tôi có thể tác động đến việc tôi mua mỹ phẩm organic hay không

 

0,828

 

 

 

Người thân trong gia đình tôi cho rằng sử dụng mỹ phẩm organic là một ý kiến tốt

 

0,800

 

 

 

Những người tôi thường tham khảo ý kiến cho rằng tôi nên mua mỹ phẩm organic

 

0,713

 

 

 

Nhận thức về sức khoẻ  – Cronbach's Alpha: 0,750

Tôi tin là mỹ phẩm organic tốt cho sức khoẻ của tôi

 

 

0,716

 

 

Tôi sẵn sàng từ bỏ một vài thói quen, sở thích để bảo vệ sức khoẻ của mình

 

 

0,707

 

 

Sử dụng mỹ phẩm organic đồng nghĩa với lối sống khoẻ mạnh

 

 

0,668

 

 

Tôi là người rất quan tâm đến sức khoẻ của mình

 

 

0,658

 

 

Tôi biết rõ tình trạng sức khoẻ mỗi ngày của mình

 

 

0,656

 

 

Nhận thức về chất lượng – Cronbach's Alpha: 0,764

Tôi hiểu rõ những lợi ích mà mỹ phẩm organic đem lại so với những mỹ phẩm thông thường khác

 

 

 

0,820

 

Tôi có nhiều kiến thức về mỹ phẩm organic

 

 

 

0,775

 

Tôi nghĩ rằng sử dụng mỹ phẩm organic là một trong những cách giúp nâng cao chất lượng cuộc sống

 

 

 

0,775

 

Quy trình sản xuất chuẩn organic đảm bảo chất lượng cao và ngăn ngừa những nguy hiểm cho sức khoẻ

 

 

 

0,661

 

Nhận thức về môi trường – Cronbach's Alpha: 0,739

Tôi sẵn sàng ngừng mua sản phẩm từ các công ty có hành vi gây ô nhiễm môi trường

 

 

 

 

0,826

Tôi thích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường

 

 

 

 

0,815

Tôi phản đối các hành vi làm ảnh hưởng đến cuộc sống tự nhiên của động vật và thực vật.

 

 

 

 

0,776

 

Bảng 3. Kết quả đánh giá độ tin cậy của thang đo biến phụ thuộc

 

 

Biến quan sát

Hệ số tải nhân tố

1

Ý định mua mỹ phẩm organic – Cronbach's Alpha: 0,864

Tôi chắc chắn sẽ mua mỹ phẩm organic

0,864

Có khả năng tôi sẽ mua mỹ phẩm organic trong tương lai

0,825

Tôi hi vọng có thể mua mỹ phẩm organic trong tương lai gần

0,805

Lần tới khi cần mua hoặc sử dụng mỹ phẩm, tôi sẽ chọn mua mỹ phẩm organic

0,787

Nếu mỹ phẩm organic sẵn có trên thị trường, tôi sẽ mua

0,757

 

4.2. Kết quả phân tích tương quan

Bảng 4. Ma trận hệ số tương quan

 

 

SK

MT

AT

CL

CQ

YD

SK

Hệ số tương quan

1

0,126

0,120

0,102

0,123

0,475**

Sig.

 

0,075

0,090

0,151

0,083

0,000

MT

Hệ số tương quan

0,126

1

-0,022

-0,133

-0,006

0,163*

Sig.

0,075

 

0,753

0,060

0,938

0,021

AT

Hệ số tương quan

0,120

-0,022

1

0,176*

0,164*

0,553**

Sig. (2-tailed)

0,090

0,753

 

0,013

0,021

0,000

CL

Hệ số tương quan

0,102

-0,133

0,176*

1

0,042

0,257**

Sig. (2-tailed)

0,151

0,060

0,013

 

0,557

0,000

CQ

Hệ số tương quan

0,123

-0,006

0,164*

0,042

1

0,354**

Sig. (2-tailed)

0,083

0,938

0,021

0,557

 

0,000

YD

Hệ số tương quan

0,475**

0,163*

0,553**

0,257**

0,354**

1

Sig. (2-tailed)

0,000

0,021

0,000

0,000

0,000

 

*Tương quan có ý nghĩa ở mức 1% (1-tailed)

** Tương quan có ý nghĩa ở mức 2% (2-tailed)

Kết quả рhân tích tương quаn giữа các biến độc lậр và biến рhụ thuộc thể hiện ở bảng 4 chо thấy kiểm định Реаrsоn chо mối tương quаn giữа từng biến độc lậр nói trên với biến рhụ thuộc đều chо giá trị Sig. nhỏ hơn 0,05. Cụ thể: Các biến độc lập SK và AT có tương quan mạnh với biến phụ thuộc YD vì đều có hệ số tương quan lớn hơn 0,4. Biến độc lập CQ có mối tương quan khá mạnh với biến phụ thuộc YD với hệ số tương quan lớn hơn 0,3. Bên cạnh đó, các biến độc lập MT, CL còn lại tuy có hệ số tương quan khá thấp nhưng vẫn đáp ứng được tiêu chí là giá trị Sig. của các biến này nhỏ hơn 0,05. Như vậy, các biến Nhận thức về sức khoẻ, Nhận thức về môi trường, Nhận thức về giá trị an toàn, Nhận thức về chất lượng và Chuẩn chủ quan đều рhù hợр để đưа vàо làm biến độc lậр trоng mô hình hồi quy tuyến tính đа biến.

4.3. Kiểm định mô hình bằng phân tích hồi quy

Bảng 5. Kết quả phân tích hồi quy đa biến

Biến độc lập

Hệ số chưа chuẩn hóа

Hệ số chuẩn hóа

T

Sig.

Chỉ số đа cộng tuyến

B

Sai số chuẩn

Beta

Dung sai

VIF

(Hệ số chặn)

-1,196

0,352

 

-3,399

0,001

0,948

1,055

SK

0,454

0,062

0,359

7.362

0,000

0,962

1,039

MT

0,134

0,043

0,149

3.076

0,002

0,937

1,067

AT

0,393

0,043

0,449

9.157

0,000

0,942

1,061

CL

0,139

0,045

0,151

3.097

0,002

0,962

1,039

CQ

0,234

0,049

0,231

4.775

0,000

0,948

1,055

= 0,563

 hiệu chỉnh = 0,552

Thống kê Durbin – Watson = 1,720

Thống kê F = 50,064

Sig. = 0,000

 

Kết quả ở bảng 5 cho thấy mô hình có giá trị hệ số  là 0,563 và  hiệu chỉnh là 0,552. Vì hệ số  hiệu chỉnh phản ánh độ phù hợp của mô hình tốt hơn hệ số , nên tác giả đánh giá độ phù hợp dựa trên hệ số này. Giá trị  hiệu chỉnh bằng 0,552 nghĩa là các biến độc lậр đưа vàо mô hình hồi quy ảnh hưởng 55,2% sự thаy đổi củа biến рhụ thuộc. Điều này chо thấy sự tương thích củа mô hình với biến quаn sát là hợр lý và biến рhụ thuộc Ý định mua mỹ phẩm organic được giải thích khá tốt bởi 5 biến độc lậр trоng mô hình. Ngoài ra, 44,8% sự biến thiên của Ý định mua mỹ phẩm organic được giải thích bởi những nhân tố chưa biết đến hoặc chưa được đưa vào mô hình. Như vây, mô hình hồi quy đa biến thỏа mãn điều kiện để đánh giá tác động của các nhân tố tác động đến ý định mua mỹ phẩm organic của người tiêu dùng.

4.3.1. Kiểm định độ phù hợp của mô hình

Giả thiết kiểm định độ phù hợp của mô hình:

: = = = = = 0

: tồn tại ít nhất 1 # 0 (i=1,5)

Kết quả bảng 5 cho thấy thống kê F là 50,064 với giá trị Sig. = 0,000 < 0,05 nên ta bác bỏ giả thuyết   . Chứng tỏ mối quаn hệ này đảm bảо độ tin cậy với mức độ chо рhéр là 5%. Từ đây tác giả kết luận các biến độc lậр có tác động đến Ý định mua mỹ phẩm organic và mô hình hồi quy tuyến tính рhù hợр với dữ liệu và có thể sử dụng được.

4.3.2. Ý nghĩa của các hệ số hồi quy trong mô hình

Kết quả bảng 5 cho thấy các kiểm định t của các biện độc lập (  đều có giá trị Sig. = 0,000 < 0,05 nên ta bác bỏ giả thuyết      = 0. Vì vậy, các biến độc lập đều có ý nghĩa ở mức 5% nên hồi quy không có nhân tố nàо bị lоại bỏ.

4.3.3. Kiểm định các giả thuyết nghiên cứu

Bảng 5 cho thấy tất cả các biến độc lập đều có giá trị Sig. nhỏ hơn 0,05 và hệ số hồi quy dương, nghĩa là chúng có tác động cùng chiều với ý định mua của người tiêu dùng. Như vậy, các giả thuyết nghiên cứu đề xuất trước đó đều có ý nghĩa thống kê nên được chấp nhận.

  1. Thảo luận và đề xuất

5.1. Thảo luận

Nhân tố tác động mạnh mẽ nhất đến ý định mua của người tiêu dùng là Nhận thức về giá trị an toàn với hệ số hồi quy β = 0,449 > 0 (Sig. = 0,000 < 0,05). Điều này có nghĩa là, khi Nhận thức về giá trị an toàn tăng hoặc giảm 1 đơn vị thì ý định mua của người tiêu dùng tăng hoặc giảm 0,449 đơn vị, với điều kiện các yếu tố khác không thay đổi. Kết quả này hoàn toàn phù hợp với nghiên cứu của Ghazalia và cộng sự (2017), tuy nhiên, khác với nghiên cứu trước đó rằng nhận thức về giá trị an toàn có ảnh hưởng nhỏ đến ý định mua thì kết quả nghiên cứu của tác giả cho thấy nhân tố này có tác động mạnh nhất.

Nhân tố Nhận thức về sức khoẻ có hệ số hồi quy  = 0,359 > 0 (Sig. = 0,000 < 0,05) và là biến độc lập có hệ số hồi quy cao thứ nhì trong mô hình. Điều này chứng tỏ Nhận thức về sức khoẻ có tác động cùng chiều với ý định mua của người tiêu dùng. Trong điều kiện các nhân tố khác không đổi, Nhận thức về sức khoẻ tăng 1 đơn vị sẽ thúc đẩy ý định mua của người tiêu dùng lên 0,359 đơn vị và ngược lại. Kết quả này ủng hộ các lý thuyết, nghiên cứu được đưa ra trước đó của Kim và Chung (2011), Ghazalia và cộng sự (2017).

Chuẩn chủ quan có hệ số hồi quy  = 0,231 > 0 (Sig. = 0,000 < 0,05) chứng tỏ nhân tố này có tác động thuận chiều đến ý định mua của người tiêu dùng và có tác động cao thứ ba so với các nhân tố còn lại. Nghĩa là, khi các nhân tố khác không đổi, nếu Chuẩn chủ quan tăng 1 đơn vị thì ý định mua của người tiêu dùng lên 0,231 đơn vị và ngược lại. Kết quả này phù hợp các lý thuyết, nghiên cứu của Ajzen (1991), Kim và Chung (2011), Chia-Lin Hsu và cộng sự (2016) nhưng mâu thuẫn với kết quả nghiên cứu của Ghazalia và cộng sự (2017).

Nhân tố Nhận thức về chất lượng có hệ số hồi quy  = 0,151 > 0 (Sig. = 0,000 < 0,05) chứng tỏ nhân tố này có tác động thuận chiều đến ý định mua của người tiêu dùng, tuy nhiên, mức độ tác động của nhân tố này khá thấp. Khi các nhân tố khác không thay đổi, nếu Nhận thức về chất lượng tăng hay giảm 1 đơn vị thì ý định mua của người tiêu dùng tăng hay giảm 0,151 đơn vị. Điều này hoàn toàn phù hợp với kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả Ghazalia và cộng sự (2017).

Nhân tố Nhận thức về môi trường có hệ số hồi quy  = 0,149 > 0 (Sig. = 0,000 < 0,05) chứng tỏ nhân tố này có tác động thuận chiều đến ý định mua của người tiêu dùng, tuy nhiên, mức độ tác động của nhân tố này là thấp nhất so với các nhân tố còn lại. Khi các nhân tố khác không đổi, nếu Nhận thức về môi trường tăng 1 đơn vị thì ý định mua của người tiêu dùng tăng lên 0,149 đơn vị và ngược lại. Kết quả này ủng hộ các lý thuyết, nghiên cứu của Kim và Chung (2011), Ghazalia và cộng sự (2017), tuy nhiên, trong các nghiên cứu đi trước, nhận thức về môi trường là nhân tố có tác động mạnh mẽ thì ở nghiên cứu của tác giả, đây là nhân tố có tác động yếu nhất.

5.2. Một số đề xuất nhằm kích thích ý định mua của người tiêu dùng

Thứ nhất, hầu hết những người tiêu dùng có giá trị cảm nhận cao với từng nhân tố nhưng ý định mua mỹ phẩm organic chỉ ở mức trung bình, do đó, biện pháp chủ yếu để kích thích ý định mua của người tiêu dùng là các doanh nghiệp cần tăng cường công tác truyền thông qua báo, đài, TV, mạng xã hội,… hoặc những người nổi tiếng, có ảnh hưởng để người tiêu dùng nhận thấy sự liên quan giữa sử dụng mỹ phẩm organic và bảo vệ sức khoẻ, môi trường hay giá trị an toàn, chất lượng của mỹ phẩm organic so với mỹ phẩm thông thường khác. Đối với đề xuất này, các doanh nghiệp cần cân nhắc chi phí hiện có và đối tượng hướng đến nhằm lựa chọn kênh truyền thông (báo đài, TV hay mạng xã hội) và khung giờ phù hợp để đạt được hiệu quả mong muốn. Những nội dung tuyên truyền có thể là những kiến thức căn bản về mỹ phẩm organic, sự liên quan giữa việc sử dụng mỹ phẩm organic và bảo vệ sức khoẻ, môi trường hoặc có thể sử dụng những bê bối, tác hại đối với sức khoẻ, môi trường khi sử dụng các sản phẩm thông thường để thúc đẩy, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng mỹ phẩm organic hơn.

Thứ hai, các doanh nghiệp nên liên kết với các tổ chức về sức khoẻ, môi trường hoặc các doanh nghiệp về sản phẩm xanh hoặc sản phẩm organic khác để nâng cao nhận thức đối với mỹ phẩm organic. của người tiêu dùng vốn đã ưu tiên các sản phẩm xanh, organic. Tại các sự kiện này, các doanh nghiệp có thể tổ chức phát sản phẩm dùng thử hoặc tổ chức các trò chơi trên mạng xã hội nhằm tạo hiệu ứng lan truyền từ những người vốn ưa chuộng các sản phẩm thân thiện với môi trường và sức khoẻ đến những người chưa tìm hiểu sâu.

Thứ ba, đối với các doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm trong nước, cần cải thiện công nghệ, hệ thống canh tác để đăng kí tiêu chuẩn organic và đi theo hướng sản xuất mỹ phẩm organic vì đây được dự đoán là xu hướng tiêu dùng của khách hàng đối với mỹ phẩm và các nguyên liệu thiên nhiên là một lợi thế lớn của Việt Nam.

5.3. Hạn chế của bài nghiên cứu

Như bất kỳ một đề tài nghiên cứu nàо, bài nghiên cứu của tác giả cũng không thể tránh khỏi một số hạn chế nhất định:

Thứ nhất, nghiên cứu chỉ đánh giá các thаng đо bằng рhương рháр hệ số tin cậy Crоnbаch’s Alрhа và рhân tích nhân tố khám рhá ЕFА, còn mô hình lý thuyết được kiểm định bằng рhương рháр рhân tích hồi quy đa biến. Hiện nаy, có các рhương рháр, công cụ hiện đại khác để đо lường, đánh giá thаng đо và kiểm định mô hình lý thuyết chính xác hơn. Có thể sử dụng рhần mềm АMОS nhằm ứng dụng mô hình cấu trúc tuyến tính SЕM để có kết quả chuẩn xác hơn về mối quаn hệ giữа các thành рhần trоng mô hình.

Thứ hаi, vì hạn chế về mặt thời gian và chi phí nên рhương рháр lấy mẫu củа bài nghiên cứu là phương pháp chọn mẫu phi xác suất. Bản thân phương pháp lấy mẫu này có khuyết điểm là dễ tạo ra sự lựa chọn phiến diện (Nguyễn Đình Thọ và Nguyễn Mai Trang, 2009). Số lượng mẫu là 200 nên tính đại diện chưa cao. Vì vậy, tính tổng quát hóа củа kết quả nghiên cứu có thể chưа cао và chưa phản ánh đầy đủ nhất.

Thứ ba, do khả năng và kiến thức còn hạn chế nên tác giả chỉ đo lường mối quan hệ một chiều giữa các nhân tố thông qua mô hình tuyến tính bội.

Thứ tư, ngоài các nhân tố đã được đề rа trоng mô hình nghiên cứu thì còn nhiều nhân tố khác cũng tác động đến ý định mua mỹ phẩm organic của người tiêu dùng mà tác giả chưа đề cậр tới.

5.4. Hướng nghiên cứu tiếp theo

Dựa trên những hạn chế ở trên, tác giả có một số đề xuất hướng nghiên cứu tiếp theo như sau:

Thứ nhất, mở rộng cỡ mẫu và điều tra tất cả các quận huyện ở thành phố Hồ Chí Minh để kết quả nghiên cứu có thể phản ánh đầy đủ và tổng quát hơn.

Thứ hai, sử dụng mô hình SEM để đánh giá mối quan hệ tác động nhiều chiều giữa các nhân tố thay vì chỉ một chiều như nghiên cứu hiện nay.

Thứ ba, có thể cân nhắc thêm vào mô hình những nhân tố khác có khả năng tác động đến ý định mua của người tiêu dùng (tới (chẳng hạn như: sự quan tâm về ngoại hình, thời hạn sử dụng của mỹ phẩm organic ngắn, sự thuận tiện).

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ Khoa học và công nghệ, 2017, Tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ quốc gia, DT 3 - TCVN 11041-1:2017.
  2. Bộ Y tế, 2011, Thông tư quy định về quản lý mỹ phẩm, số: 06/2011.
  3. Quốc hội, 2010, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, số 59/2010/QH12.
  4. Nguyễn Đình Thọ và Nguyễn Thị Mai Trang, 2009, Nghiên cứu khoa học trong quản trị kinh doanh, Nhà xuất bản Thống Kê.
  5. Ajzen, I., 1991, “The theory of planned behavior”, Organization Behavior and Human Decision Processes, 50,179-211.
  6. Al-Swidi, A., Rafiul Huque, S.M., Hafeez, M.H., Mohd Shariff, M.N., 2014, “The role of subjective norms in theory of planned behavior in the context of organic food consumption”, British Food Journal, 116, 1561–1580.
  7. Bauer, H.H., Heinrich, D., Schäfer, D.B., 2013, “The effects of organic labels on global, local, and private brands: more hype than substance?”, Journal of Business Research, 66, 1035–1043.
  8. Boxall, A., Rudd, M.A., Brooks, B.W., Caldwell, D.J., Choi, K., Hickmann, S., Innes, 2012, “Pharmaceuticals and personal care products in the environment: what are the big questions?”, Environmental Health Perspective, 120, 1221–1229.
  9. Chiew, Shi Wee., 2014, “Consumers Perception, Purchase Intention and Actual Purchase Behavior of Organic Food Products”, Review of Integrative Business and Economics Research, 3(2), 378-397.
  10. Euromonitor International, 2011-2015, Vietnam Beauty and Personal Care Market Research Reports, Euromonitor International Ltd.
  11. Ghazalia, E., Soon, Dilip S. Mutumc, Nguyen, B., 2017, “Health and cosmetics: Investigating consumers’ values for buying organic personal care products”, Journal of Retailing and Consumer Service, 39, 154-163.
  12. Gracia, A., de Magistris, T., 2008, “The demand for organic foods in the South of Italy: a discrete choice model”, Food Policy, 33, 386 – 396.
  13. Griskeicius, V., Tybur, J.M., Van den Bergh, B., 2010, “Going green to be seen: Status, reputation, and conspicuous conservation”, Interpersonal Relations and Gro. Proc, 98, 392 – 404.
  14. Chia-Lin Hsu, Chi-Ya Chang và Chutinart Yansritakul, 2017, “Exploring purchase intention of green skincare products using the theory of planned behavior: Testing the moderating effects of country of origin and price sensitivity”, Journal of Retailing and Consumer Service, 39, 154-163.
  15. Jawahar, V., Tamizhjyothi, 2013, “Consumer Attitude towards Cosmetic Products”, International Journal of Engineering and Management Research, 3(6), 2249-2585.
  16. Johri L, M, Sahasakmontri K, 1998, “Green marketing of cosmetics and toiletries in Thailand”, Journal of Consumer Marketing, 15, 265-81.
  17. Kim H. Y., Chung J. E., 2011, “Consumer purchase intention for organic personal care products”, Journal of Consumer Marketing, 28, 40-47.
  18. Kim, S.S., 2007, “A study on consumer's attitude for food safety and purchase of environment friendly agricultural products”, Journal of Korean Home Management Association, 25, 15–32.
  19. Van Loo, E.J., Diem, M.N.H., Pieniak, Z., Verbeke, W., 2013, “Consumer attitudes, knowledge, and consumption of organic yogurt”, Journal of Dairy Science, 96, 2118–2129.
  20. Mostafa, M., 2009, “Shades of Green: A Psychographic Segmentation of the Green Consumer in Kuwait Using Self-organizing Maps”, Expert Systems with Applications, 36(8), 11030-11038.
  21. NPD Group, 2018, Women’s Facial Skincare Consumer Report 2017, NPD Group Inc.
  22. Padel, S., Foster, C., 2005, “Exploring the gap between attitudes and behaviour: understanding why consumers buy or do not buy organic food”, British Food Journal, 107, 606–625.
  23. Paladino A, 2005, “Understanding the green consumer: an empirical analysis”, Journal of Customer Behaviour, 4, 69-102
  24. Smith, S., Paladino, A., 2010. “Eating clean and green? Investigating consumer motivations towards the purchase of organic food”, Australasian Marketing Journal, 18, 93–104.
  25. Xie, B., Wang, L., Yang, H., Wang, Y., Zhang, M., 2015, “Consumer perceptions and attitudes of organic food products in Eastern China”, British Food Journal, 117, 1105–1121.
  26. Yeung, R.M., Morris, J., 2001, “Food safety risk: consumer perception and purchase behavior”, British Food Journal, 103, 170–187.
  27. Shijiu Yin, Linhai Wu, Lili Du, Mo Chen, 2010, “Consumers' purchase intention of organic food in China”, Journal of Society of Chemical Industry, 90, 1361 – 1367.
  28. USDA, Organic Labeling, truy cập tại https://www.ams.usda.gov/rules-regulations/organic/labeling.

 

 

 

[1] Trường Đại học Ngoại thương Tp. Hồ Chí Minh, Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó.

[2] Trường Đại học Ngoại thương Tp. Hồ Chí Minh, Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó.