Sidebar

Magazine menu

20
T7, 04

Tạp chí KTĐN số 99

LUẬT CẠNH TRANH NĂM 2004 VÀ NHỮNG YÊU CẦU SỬA ĐỔI

LUẬT CẠNH TRANH NĂM 2004 VÀ NHỮNG YÊU CẦU SỬA ĐỔI

Nguyễn Lan Anh[1]

Tóm tắt

Cho đến nay, đã có nhiều công trình khoa học đánh giá về thực trạng của pháp luật cạnh tranh của Việt Nam. Về cơ bản, các công trình khoa học đã công bố đều ghi nhận những điểm tiến bộ của Luật cạnh tranh năm 2004 nhưng cũng đồng thời chỉ ra nhiều điểm hạn chế của Luật cạnh tranh năm 2004. Những hạn chế đó đòi hỏi Luật cạnh tranh phải được sửa đổi toàn diện. Bài viết này tập trung đánh giá một số điểm hạn chế nổi bật của Luật cạnh tranh năm 2004. Từ đó, bài viết đưa ra những kiến nghị mang tính định hướng nhằm xây dựng Luật cạnh tranh sửa đổi thành một “bản hiến pháp” của nền kinh tế thị trường.

Từ khóa: cạnh tranh, phản cạnh tranh, luật cạnh tranh, độc quyền, tập trung kinh tế.

Abstract: There have been a plenty of scientific works assessing the factual situation of Vietnamese competition law. In general, the works have not just acknowleged the good points of but also pointed out the drawbacks of 2004 Competition Act. It demands for overall revision of the Competition Act due to those drawbacks. This article will concentrate on assessment of the bad points of 2004 Competition Act. Then, the article delivers some general recommendations for construction of the Competition Act (revised) to be “the Constitution” of the market.

Key words: competition, anti-competive conduct, competition law, monopoly, economic concentration

  1. Những tồn tại của Luật cạnh tranh năm 2004

Mặc dù có những thành tựu nhất định nêu trên, Luật cạnh tranh năm 2004 đã bộc lộ nhiều hạn chế dẫn đến giảm hiệu quả thi hành. Dưới đây là một trong số những hạn chế của Luật cạnh tranh năm 2004.

Thứ nhất, về phạm vi áp dụng: Cho đến nay, Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế. Các giao dịch kinh doanh – thương mại xuyên biên giới ngày càng phổ biến. Trong số đó, có không ít những giao dịch, thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có tính chất xuyên biên giới. Vấn đề đặt ra là liệu Luật cạnh tranh năm 2004 có thể được áp dụng để xử lý các giao dịch này không? Với quy định hiện hành, rất khó khẳng định Luật cạnh tranh năm 2004 có thể được áp dụng đối với các giao dịch hạn chế cạnh tranh bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có tác động hoặc khả năng tác động  tiêu cực đến cạnh tranh trên thị trường Việt Nam. Ví dụ, công ty A và công ty B có quốc tịch của quốc gia X và hoạt động kinh doanh ở X cùng thỏa thuận với nhau về việc phân chia thị trường Việt Nam. Thỏa thuận được xác lập trên lãnh thổ X. Theo thỏa thuận này, hàng hóa của A khi nhập khẩu vào Việt Nam chỉ được bán ở thị trường khu vực miền Bắc, còn hàng hóa của B chỉ được bán ở thị trường khu vực miền Nam. Rõ ràng, thỏa thuận này có ảnh hưởng tiêu cực đến thị cạnh tranh trên thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, với phạm vi áp dụng theo quy định hiện hành, rất khó khẳng định Luật cạnh năm 2004 có thể áp dụng để xử lý thỏa thuận này. Trên thực tiễn “Tập đoàn Abbott mua lại Công ty dược phẩm CFR; Tập đoàn Boehringer Ingelheim International mua lại Sanofi SA trong lĩnh vực thuốc thú y; Tập đoàn Central Group (Thái Lan) mua lại Hệ thống siêu thị Big C tại Việt Nam v.v… Tuy nhiên, pháp luật cạnh tranh Việt Nam hiện hành chưa đủ căn cứ pháp lý vững chắc điều chỉnh các loại hành vi thực hiện ở ngoài lãnh thổ.”[2]

Thứ hai, về đối tượng áp dụng: Điều 2 Luật cạnh tranh năm 2004 chỉ đề cập đến cá nhân, tổ chức kinh doanh và hiệp hội ngành nghề kinh doanh là đối tượng áp dụng. Trong khi đó, trên thực tiễn còn nhiều chủ thể khác cũng cần là đối tượng điều chỉnh của luật cạnh tranh, như các cá nhân, tổ chức có liên quan, các cơ quan nhà nước. Ví dụ, trong quá trình điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh, cơ quan có thẩm quyền cần thu thập chứng cứ từ các cá nhân, tổ chức không kinh doanh. Ngoài ra, cũng có một số cá nhân, tổ chức mặc dù không kinh doanh nhưng vẫn có thể tham gia thực hiện các hành vi được mô tả trong luật cạnh tranh. Ví dụ, cá nhân tích cực hỗ trợ các bên thông thầu. Bên cạnh đó, trong một số lĩnh vực, như xây dựng, đã có hiện tượng, các nhóm xã hội đen đã dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để cản trợ đấu thầu công bằng, cạnh tranh, hoặc ngăn cản doanh nghiệp gia nhập thị trường. Ngoài ra, trong thực tiễn cũng đã xảy ra hiện tượng, các cơ quan nhà nước can thiệp không chính đáng vào cạnh tranh. “Chỉ riêng trong hai năm 2014 và 2015, Bộ Công Thương đã tiến hành xác minh và xử lý 15 vụ việc có dấu hiệu vi phạm quy định tại Điều 6 Luật Cạnh tranh. Một số sự việc tiêu biểu như Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ban hành văn bản đề nghị các trường học, cơ sở giáo dục chỉ nên tham gia bảo hiểm với 5 doanh nghiệp bảo hiểm; Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An và một số huyện tại tỉnh Hà Tĩnh ban hành văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị, người dân địa phương ưu tiên sử dụng các sản phẩm đồ uống sản xuất trong tỉnh như bia Hà Nội, Sài Gòn, Vida…”[3]

Thứ ba, kỹ thuật lập pháp còn có nhiều tồn tại dẫn đến không bao quát hết được các hành vi phản cạnh tranh: Những tồn tại về kỹ thuật lập pháp trong Luật cạnh tranh năm 2004 được thể hiện ở những điểm sau:

Trước hết, một số khái niệm quan trọng trong Luật cạnh tranh năm 2004 mới chỉ mang tính liệt kê mà chưa nêu được các dấu hiệu mang tính bản chất của hành vi. Ví dụ, khái niệm thỏa thuận hạn chế cạnh tranh quy định tại Điều 8 Luật cạnh tranh chỉ mang tính liệt kê và mới chỉ liệt kê được các thỏa thuận theo chiều ngang mà chưa đề cập đến thỏa thuận theo chiều dọc. Bên cạnh đó, các hành vi lạm dụng ví trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền được quy định tại Điều 13, 14 Luật cạnh tranh năm 2004 chỉ có tính chất liệt kê mà chưa xây dựng được các tiêu chí xác định hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền.

Tiếp đến, Khoản 3 Điều 3 Luật cạnh tranh năm 2004 định nghĩa hành vi hạn chế cạnh tranh là: “hành vi của doanh nghiệp làm giảm, sai lệch, cản trở cạnh tranh trên thị trường, bao gồm hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền và tập trung kinh tế.” Với cách hiểu này thì tập trung kinh tế cũng được coi là hành vi hạn chế cạnh tranh. Trong khi đó, tập trung kinh tế không phải lúc nào cũng gây ra hậu quả hoặc đe dọa gây ra hậu quả hạn chế cạnh tranh. Hơn nữa, tập trung kinh tế, trong đó chủ yếu là các giao dịch sáp nhập, mua bán doanh nghiệp, liên doanh là những hoạt động thông thường của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường. Rõ ràng, trong số các giao dịch tập trung kinh tế cũng có những giao dịch làm triệt tiêu hoặc suy giảm cạnh tranh và cần phải được kiểm soát. Tuy nhiên, việc kiểm soát tập trung kinh tế không đồng nghĩa với việc coi là tập trung kinh tế là hành vi hạn chế cạnh tranh.

Điều 18 Luật cạnh tranh quy định cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan. Cách tiếp cận này không hợp lý. Bởi vì, về bản chất, chỉ tập trung kinh tế gây nguy hại đến cạnh tranh trên thị trường mới bị cấm, việc tập trung kinh tế dẫn đến thị phần kết hợp chiếm trên 50% chưa chắc đã có nguy hại đến cạnh tranh và ngược lại ngưỡng thị phần kết hợp dưới 50% lại có thể gây nguy hại cho cạnh tranh trên thị trường. Khái niệm tập trung kinh tế trong Luật cạnh tranh năm 2004 mới chỉ mang tính liệt kê mà chưa làm rõ được bản chất của tập trung kinh tế. Về bản chất, luật cạnh tranh quan tâm đến tập trung kinh tế ở khía cạnh thay đổi cấu trúc cạnh tranh trên thị trường và quyền lực thị trường. Vì vậy, yếu tố mang tính quyết định trong tập trung kinh tế mà luật cạnh tranh quan tâm là sự thay đổi về kiểm quyền soát doanh nghiệp. Tuy nhiên, Luật cạnh tranh năm 2004 chưa làm rõ được yếu tố này. Ngoài ra, trường hợp miễn trừ đối với hành vi tập trung kinh tế bị cấm được quy định tại Điều 19 Luật cạnh tranh năm 2004 là một hoặc nhiều bên tham gia tập trung kinh tế đang có nguy cơ bị giải thể hoặc lâm vào tình trạng phá sản. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng một doanh nghiệp có nguy cơ bị giải thể hoặc lâm vào tình trạng phá sản tham gia tập trung kinh tế không đồng nghĩa với việc tập trung kinh tế không có nguy hại cho cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy, việc miễn trừ như trên không thực sự hợp lý.

Ngoài ra, liên quan đến xác định vị trí thống lĩnh thị trường, Luật cạnh tranh năm 2004 mới chỉ tập trung vào yếu tố thị phần để xác định vị trí thống lĩnh thị trường mà không xét các yếu tố khác để xác định vị trí thống lĩnh thị trường. Trong khi đó, các yếu tố liên quan khác như công nghệ, rào rản kinh tế - kỹ thuật, sức mạnh của người tiêu dùng,…cũng là yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tác động đến cạnh tranh trên thị trường của doanh nghiệp.

Thứ tư, thiếu các chế tài xử lý cơ quan nhà nước cản trở cạnh tranh trên thị trường: Điều 6 Luật cạnh tranh năm 2004 có cấm cơ quan nhà nước có hành vi cản trở cạnh tranh trên thị trường. Trên thực tế, đã có nhiều cơ quan nhà nước can thiệp, cản trở cạnh tranh trên thị trường. Bộ công thương cũng đã vào cuộc yêu cầu các cơ quan này chấm dứt hành vi vi phạm. Tuy nhiên, Điều 6 Luật cạnh tranh năm 2004 chỉ tuyên bố cấm mà thiếu đi các chế tài áp dụng khi xảy ra vi phạm. Vì vậy, hành động của Bộ công thương đối với các hành vi vi phạm này không có tính chất cưỡng chế, răn đe nên không thực sự hiệu quả. Trên thực tế, Bộ Công thương chỉ thuyết phục các cơ quan nhà nước chấm dứt hành vi vi phạm. “Trước tình hình đó, để tránh gây hiểu nhầm trong dư luận về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Bộ Công Thương đã tiến hành xác minh các sự việc, chủ động làm việc và nhận được sự ủng hộ, hợp tác tích cực, hiệu quả từ hầu hết các cơ quan và đơn vị có liên quan để tháo gỡ và xử lý đối với từng sự việc trên tinh thần thượng tôn pháp luật, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội đặc thù ở từng địa phương và đồng thời cũng để giải toả những thắc mắc và bức xúc từ cộng đồng xã hội.”[4]

Thứ năm, các quy định về độc quyền nhà nước: Điều 15 Luật cạnh tranh năm 2004 đã quy định về độc quyền nhà nước. Tuy nhiên, trong Luật cạnh tranh năm 2004 không có quy định nào đưa ra các tiêu chí mang tính nguyên tắc để xác định những ngành nghề, lĩnh vực duy trì độc quyền nhà nước. Độc quyền nhà nước là cần thiết đối với một số lĩnh vực kinh tế quan trọng vì lợi ích kinh tế chung của quốc gia nhưng độc quyền nhà nước lại đi ngược với tinh thần của luật cạnh tranh. Vì lẽ đó, những tiêu chí mang tính nguyên tắc để xác định lợi ích kinh tế chung, cơ quan có thẩm quyền duy trì độc quyền nhà nước cần được quy định trong Luật cạnh tranh. Ở EU, cũng vẫn duy trì độc quyền nhà nước trong một số lĩnh vực nhưng trên cơ sở những điều kiện, và tiêu chí nhất định. Điều 106.2 Hiệp ước về các chức năng của EU[5] quy định: “Các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ phục vụ lợi ích kinh tế chung hoặc có tính chất của một doanh nghiệp độc quyền tạo lập ngân sách nhà nước sẽ tuân thủ các quy định trong Hiệp ước, cụ thể là các quy định về cạnh tranh ở mức độ không cản trở việc thực hiện các nhiệm vụ được giao về mặt pháp lý hoặc trên thực tế. Việc thực hiện các hoạt động thương mại này không được trái với lợi ích của Liên minh.” Như vậy, điều kiện để duy trì độc quyền nhà nước ở EU là: (1). Doanh nghiệp được giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ; (2). Dịch vụ được giao là dịch vụ phục vụ lợi ích kinh tế chung; (3). Việc tuân thủ pháp luật cạnh tranh sẽ cản trở việc thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ phục vụ lợi ích kinh tế chung; (4). Không trái với lợi ích chung của Liên minh.

Thứ sáu, về mô hình cơ quan cạnh tranh: Luật cạnh tranh duy trì hai cơ quan cạnh tranh độc lập với nhau là cơ quan quản lý cạnh (Cục quản lý cạnh tranh) và Hội đồng cạnh tranh. Việc duy trì hai cơ quan cạnh tranh nhưng thiếu các quy định hợp lý về sự phối hợp dẫn đến thiếu sự trao đổi thông tin giữa hai cơ quan, việc giải quyết thiếu tập trung làm cho vụ việc cạnh tranh bị kéo dài làm giảm hiệu quả thực thi. “Sau hơn 12 năm thi hành, Cơ quan QLCT và HĐCT đã điều tra, xử lý được 06 vụ việc hạn chế cạnh tranh, thời gian điều tra, xử lý trung bình mỗi vụ tính từ thời điểm ban hành quyết định điều tra sơ bộ đến thời điểm ban hành quyết định xử lý (kể cả đình chỉ giải quyết, giải quyết khiếu nại, khởi kiện) khoảng 03 năm/vụ.”[6]Bên cạnh đó, thành viên Hội đồng cạnh tranh hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm cũng ảnh hưởng đến tính chuyên nghiệp của cơ quan này trong xử lý các vụ việc cạnh tranh. Theo Luật cạnh tranh năm 2004, cơ quan quản lý cạnh tranh là cơ quan trực thuộc Bộ công thương. Việc cơ quan quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ công thương gây khó khăn cho cơ quan quản lý cạnh tranh khi phải xử lý các vấn đề liên quan đến các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ và các ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Thứ bảy, về thực thi pháp luật cạnh tranh, theo tinh thần của Luật cạnh tranh năm 2004 thì biện pháp thực thi chủ yếu là biện pháp hành chính. Tuy nhiên, Luật cạnh tranh năm 2004 không đề cập đến thực thi bằng biện pháp dân sự. Điều này dẫn đến cách hiểu là Luật cạnh tranh không thể thực thi bằng biện pháp dân sự.  Điều 50 Luật chống độc quyền năm 2007 của Trung Quốc quy định: “Chủ thể vi phạm quy định của luật này và gây thiệt hại cho người khác thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.” Tòa án đã vận dụng quy định này xét xử các vụ việc cạnh tranh. Ví dụ, vụ Li Fangping khởi kiện China Netcom’s Beijing Branch (Netcom) về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường. Tòa án đã thụ lý hồ sơ khởi kiện và kết luận rằng nguyên đơn không cung cấp đủ chứng cứ.[7] EU cũng đã thừa nhận thực thi pháp luật cạnh tranh bằng biện pháp dân sự. Hoa Kỳ khẳng định rõ ràng vai trò của biện pháp dân sự thông qua Điều 4 Luật Clayton: “Trừ trường hợp được quy định tại khoản (b), bất kỳ ai bị thiệt hại về mặt kinh doanh hoặc tài sản bởi bất kỳ hành vi vi phạm các luật về chống độc quyền có quyền khởi kiện ra tòa án quận của Hòa Kỳ tại nơi mà bị đơn cư trú hoặc có người đại diện, mà không quan trọng về giá trị tranh chấp, và được nhận mức bồi thường bằng ba lần thiệt hại mà người này phải chịu, cùng với chi phi phí khởi kiện bao gồm chi phí luật sư hợp lý.”

  1. Những yêu cầu của việc sửa đổi Luật cạnh tranh

Những hạn chế nêu trên của Luật cạnh tranh năm 2004 đòi hỏi phải ban hành một Luật cạnh tranh mới. Để thực sự là “bản hiến pháp” của nền kinh tế thị trường, có tính khả thi, có khả năng dự đoán và ổn định, Luật cạnh tranh sửa đổi cần bảo đảm những yêu cầu sau:

Một là, lần sửa đổi này cần mở rộng phạm vi áp dụng của luật cạnh tranh. Cho đến nay, mặc dù các quốc gia đã ký kết nhiều điều ước quốc tế song phương và đa phương về tự do thương mại, trong đó có đề cập đến những nguyên tắc nhất định về cạnh tranh, nhưng vẫn chưa tồn tại một hệ thống pháp luật quốc tế hoàn chỉnh về cạnh tranh xuyên biên giới. Sự thiếu một khung pháp lý hiệu quả cho hành vi cạnh tranh và phản cạnh tranh toàn cầu có thể sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của thị trường, tước đoạt tài nguyên và cơ hội kinh tế của công chúng ở bất kỳ đâu mà thị trường có thể tràn đến, đặc biệt là ở nhưng nơi mà thị trường cần thiết hơn cả.[8]Điều này đòi hỏi các quốc gia phải xem xét đến hiệu lực trị ngoại của luật cạnh tranh nhằm bảo vệ các lợi ích kinh tế của mình có thể bị xâm phạm bởi hành vi phản cạnh tranh bên ngoài lãnh thổ. Trong thực tiễn, Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên tuyên bố hiệu lực trị ngoại của luật cạnh tranh đối với các công ty nước ngoài có hành vi hạn chế cạnh tranh có ảnh hưởng đến Hoa Kỳ thông qua án lệ.[9]Về mặt lý thuyết, hiệu lực của pháp luật quốc gia bị giới hạn trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia hoặc có hiệu lực ngoài quốc gia đối với cá nhân, pháp nhân mang quốc tịch của quốc gia đó. Tuy nhiên, trong lĩnh vực pháp luật cạnh tranh nguyên tắc lãnh thổ không cản trở quốc gia có thẩm quyền đối với các hành vi phát sinh ở nước ngoài nhưng có ảnh hưởng trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia.[10]Trên thực tế, EU, Singapore, Ấn Độ, Malaysia và nhiều quốc gia khác đều ghi nhận hiệu lực trị ngoại của luật cạnh tranh. Vì vậy, trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, việc ghi nhận hiệu lực trị ngoại của luật cạnh tranh là cần thiết. Theo đó, Luật cạnh tranh sửa đổi cần quy định luật cạnh tranh áp dụng đối với cả hành vi hạn chế cạnh tranh và tập trung kinh tế phát sinh bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng gây ra hoặc có khả năng gây ra hạn chế cạnh tranh trên thị trường Việt Nam.

Hai là, Luật cạnh tranh sửa đổi cần mở rộng đối tượng điều chỉnh. Để bảo đảm tính khả thi của luật cạnh tranh, bắt buộc các cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước phải tuân thủ các quy định của pháp luật cạnh tranh, cũng như hợp tác với cơ quan quản lý cạnh tranh, thực hiện theo yêu cầu của cơ quan quản lý cạnh tranh. Đồng thời, cũng cần điều chỉnh hành vi xâm hại cạnh tranh trên thị trường của các cá nhân, tổ chức không kinh doanh và cơ quan nhà nước. Vì lẽ đó, ngoài các cá nhân, tổ chức kinh doanh và hiệp hội ngành nghề, các cá nhân, tổ chức khác và cơ quan nhà nước cũng là đối tượng điều chỉnh của luật cạnh tranh.

Ba là, cần hoàn thiện kỹ thuật lập pháp để bảo đảm Luật cạnh tranh phải bao quát hết các hành vi phản cạnh tranh. Điều này xuất phát từ mục tiêu của luật cạnh tranh là bảo đảm một nền kinh tế cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh. Đó là một nền kinh tế mà: “(1) Người tiêu dùng có thể lựa chọn và mua cả hàng hóa hoặc dịch vụ và người cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ. (2) Người cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ có thể thu hút người người tiêu dùng bằng việc cung cấp những thứ mà người tiêu dùng có nhu cầu và bằng điều chỉnh chất lượng và giá cả. (3) Có đầy đủ thông tin về giá cả, chất lượng, và có đầy đủ hàng hóa hoặc dịch vụ cho sự vận hành của thị trường. (4) Có số lượng người cung cấp và người tiêu dùng đủ đông để cả hai có thể lựa chọn, và không bất kỳ một người cung cấp hay một người tiêu dùng nào có thể tự mình xác định giá cả. Điều kiện này được hiểu là bảo đảm sự tự do gia nhập và rút lui khỏi thị trường.”[11] Vì lẽ đó, phạm vi của Luật cạnh tranh sửa đổi cần bao quát tất cả các hành vi phản cạnh tranh. Các thỏa thuận giữa các đối thủ nhằm hạn chế cạnh tranh, lạm dụng sức mạnh thị trường (vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền), tập trung kinh tế làm giảm hoặc có nguy cơ làm giảm cạnh tranh, thỏa thuận giữa nhà sản xuất và nhà phân phối, ví dụ thỏa thuận ấn định giá bán lại (resale price maintenance), giao dịch bán kèm (tying arrangement),…là các hành vi phản cạnh tranh cần được bao quát trong phạm vi điều chỉnh của Luật cạnh tranh sửa đổi. Điều 8 và Điều 9 Luật cạnh tranh năm 2004 mới chủ yếu đề cập đến thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo chiều ngang mà chưa chú trọng đến các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo chiều dọc. Luật cạnh tranh sửa đổi cần đưa cả các thỏa thuận theo chiều dọc và chiều ngang thuộc phạm vi điều chỉnh miễn rằng thỏa thuận có tính chất hạn chế cạnh tranh. Điều 13, 14 Luật cạnh tranh năm 2007 của Trung Quốc cũng quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo chiều ngang và thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo chiều dọc. Hơn nữa, Luật cạnh tranh năm 2004 mới chú trọng kiểm soát tập trung kinh tế theo chiều ngang mà chưa kiểm soát tập trung kinh tế theo chiều dọc. Trong khi đó tập trung kinh tế theo chiều dọc cũng có thể làm suy giảm cạnh tranh. Vì vậy, Luật cạnh tranh sửa đổi cần bao quát cả tập trung kinh tế theo chiều ngang và tập trung kinh tế theo chiều dọc.

Ngoài ra, với kỹ thuật lập pháp được thể hiện trong Luật cạnh tranh năm 2004 khi mô tả các hành vi phản cạnh tranh là liệt kê các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường. Phương pháp liệt kê cũng được áp dụng để mô tả các hình thức tập trung kinh tế. Cách tiếp cận này cũng có tính hợp lý nhất định vì cụ thể, rõ ràng. Tuy nhiên, với phương pháp liệt kê, Luật cạnh tranh năm 2004 đã bỏ sót nhiều hành vi phản cạnh tranh, ví dụ thoả thuận không giao dịch với các bên không tham gia thoả thuận, thỏa thuận hạn chế thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn cung cấp hàng hoá, cung ứng dịch vụ của các bên không tham gia thoả thuận không được đề cập trong Luật cạnh tranh năm 2004. Tuy nhiên, nếu chỉ định nghĩa thế nào là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, thế nào là hành vi lạm dụng ví trí thống lĩnh thị trường, thế nào là tập trung kinh tế sẽ trừu tượng, không rõ ràng và gây nhiều tranh cãi trong thực tiễn áp dụng. Vì vậy, chúng tôi cho rằng cần kết hợp cả hai phương pháp là trừu tượng hóa và liệt kê. Theo đó, thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, hành vi lạm dụng ví trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền, tập trung kinh tế và một số khái niệm quan trọng khác cần được định nghĩa và liệt kê đến mức tối đa các thỏa thuận, hành vi, hình thức, trường hợp cụ thể theo danh sách mở. Đây là phương pháp mà Luật cạnh tranh năm 2007 của Trung Quốc áp dụng. Ví dụ Điều 13 Luật cạnh tranh năm 2007 của Trung Quốc định nghĩa về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các đối thủ như sau: “Các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các đối thủ bị cấm bao gồm: (1) Ấn định hoặc thay đổi giá của sản phẩm; (2) Hạn chế số lượng đầu ra của hàng hóa hoặc khối lượng hàng hóa bán; (3) Phân chia thị trường bán hàng hoặc thị trường mua nguyên liệu; (4) Hạn chế mua công nghệ hoặc thiết bị mới, hoặc hoạn chế sự phát triển của công nghệ mới hoặc sản phẩm mới; (5) Cùng nhau tảy chay; và (6) các thỏa thuận khác được xác định bởi cơ quan quản lý cạnh tranh. “Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh” theo Luật này đề cập đến các thỏa thuận, quyết định, hoặc các hành vi khác làm suy giảm hoặc hạn chế cạnh tranh.”

Luật cạnh tranh sửa đổi cũng cần nhận thức lại bản chất của tập trung kinh tế. Theo đó không phải cứ tập trung kinh tế là phản cạnh tranh. Chỉ tập trung kinh tế gây hạn chế hoặc có nguy cơ gây hạn chế cạnh tranh mới là hành vi phản cạnh tranh, mới cần thiết phải cấm hoặc kiểm soát chặt chẽ.

Ngoài ra, Luật cạnh tranh sửa đổi cần đưa ra tiêu chí “sức mạnh thị trường” để xác định vị trí thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp. Nghĩa là, vị trí thống lĩnh thị trường được xác định theo “sức mạnh thị trường”. Bởi lẽ, bản chất của vị trí thống lĩnh thị trường là có khả năng của doanh nghiệp kiểm soát đáng kể thị trường. Khả năng có thể có được do thị phần lớn, công nghệ, rảo cản kỹ thuật,…

Bốn là, Luật canh tranh phải quy định rõ chế tài xử lý các hành vi của cơ quan nhà nước cản trở cạnh tranh trên thị trường. Như phần trên đã trình bày, trong thực tiễn đã có không ít các trường hợp cơ quan nhà nước có hành vi can thiệp, cản trở cạnh tranh trên thị trường. Việc cơ quan nhà nước sử dụng quyền lực hoặc sự ảnh hưởng của mình can thiệp vào cạnh tranh bình đẳng trên thị trường không những là hành vi phản cạnh tranh mà còn làm xấu đi hình ảnh vô tư, khách quan của cơ quan nhà nước. Đây là biểu hiện của lối tư duy cục bộ, địa phương cần phải được xóa bỏ. Trên thị trường, các chủ thể sẽ tự quyết định hành vi của mình dựa trên các quy luật của thị trường mà không cần có bất kỳ sự can thiệp nào của cơ quan nhà nước. Vì lẽ đó, tinh thần của Điều 6 Luật cạnh tranh năm 2004 cần tiếp tục được kế thừa với sự phát triển mới. Điều 6 Luật cạnh tranh năm 2004 vẫn mang tính chất liệt kê mà chưa đưa ra được định nghĩa về hành vi cản trở cạnh tranh. Trong thực tiễn, nhiều cơ quan nhà nước không ép buộc hay ban hành chính sách phân biệt đối xử nhưng lại khuyến nghị, gợi ý các doanh nghiệp hạn chế cạnh tranh. Vì vậy, Luật cạnh tranh sửa đổi cần định nghĩa rõ hành vi cản trở cạnh tranh của cơ quan nhà nước. Đương nhiên, định nghĩa nên kết hợp cả phương pháp trừu tượng và phương pháp liệt kê. Theo đó, hành vi cản trở cạnh tranh của cơ quan nhà nước là bất kỳ hành vi nào của cơ quan nhà nước gây hạn chế cạnh tranh hoặc cản trở hoặc có mục đích cản trở doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hợp pháp. Ngoài ra, để các quy định cấm cản trở cạnh tranh có tính khả thi cần phải có chế tài đối với trường hợp vi phạm. Có lẽ, biện pháp chế tài đầu tiên cần xét đến là cơ quan quản lý cạnh tranh yêu cầu cơ quan nhà nước vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm và khắc phục hiệu quả. Tuy nhiên, về mặt lý luận và thực tiễn, các cơ quan nhà nước có mối quan hệ ngang và dọc. Ví dụ, sở kế hoạch và đầu tư chịu sử quản lý hành chính của ủy ban nhân dân tỉnh (quan hệ ngang) và chịu sự chịu đạo về mặt chuyên môn của bộ kế hoạch và đầu tư. Vậy cơ chế nào để cơ quan quản lý cạnh tranh yêu cầu sở kế hoạch và đầu tư chấm dứt hành vi cản trở cạnh tranh? Giả sử khi cơ quan quản lý cạnh tranh yêu cầu sở kế hoạch và đầu tư hủy bỏ văn bản có tính chất phân biệt đối xử nhưng cơ quan này không thực hiện thì sẽ phải làm thế nào? Liệu rằng cơ quan quản lý cạnh tranh có thể yêu cầu cơ quan cấp trên của sở kế hoạch và đầu tư ra quyết định hủy bỏ văn bản trái luật không? Nếu như cơ quan cấp trên của sở kế hoạch và đầu tư cũng không thực hiện theo yêu cầu của cơ quan quản lý cạnh tranh thì sao? Vấn đề sẽ trở nên khó khăn hơn khi cơ quan vi phạm luật cạnh tranh là ủy ban nhân dân tỉnh, hội đồng nhân dân tỉnh, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ. Pháp luật cạnh tranh của Trung Quốc cũng chỉ dành cho cơ quan quản lý cạnh tranh quyền đề nghị cơ quan nhà nước cấp trên của cơ quan có vi phạm ra quyết định hủy bỏ quyết định vi phạm.[12]Mặc dù Luật cạnh tranh năm 2007 của Trung Quốc không quy định rõ liệu tòa án có thẩm quyền xử lý hành vi cản trở cạnh tranh của cơ quan nhà nước hay không? Tuy nhiên, trong thực tiễn ở Trung Quốc đã xảy ra vụ việc, Tổng cục kiểm soát và đo lường chất lượng đã bị kiện về hành vi hạn chế cạnh tranh bằng cách yêu cầu các công ty phải sử dụng dịch vụ của công ty do cơ quan này chỉ định, hồ sơ khởi kiện bị bác vì lý do hết thời hiệu khởi kiện chứ không phải do tòa án không có thẩm quyền.[13]Từ vụ việc trên, chúng tôi đề xuất Luật cạnh tranh sửa đổi cần dành cho cơ quan quản lý cạnh tranh quyền khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính là hành vi cản trở cạnh tranh ra tòa án nếu sau khi cơ quan quản lý cạnh tranh đã có yêu cầu cơ quan vi phạm thu hồi văn bản vi phạm hoặc chấm dứt hành vi vi phạm nhưng cơ quan vi phạm không thực hiện theo yêu cầu của cơ quan quản lý cạnh tranh. Ngoài cơ quan quản lý cạnh tranh, các cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng bởi hành vi cản trở cạnh tranh cũng có quyền khởi kiện hành chính. Luật cạnh tranh sửa đổi cũng cần quy định trách nhiệm cá nhân của những người trong cơ quan nhà nước có hành vi cản trở cạnh tranh, đó là những người: (1) trực tiếp hoặc gián tiếp ban hành hoặc thực hiện quyết định, hành vi cản trở cạnh tranh; (2) trực tiếp hoặc gián tiếp chỉ đạo, tổ chức ra, ban hành, thực hiện quyết định, hành vi cản trở cạnh tranh; (3) có nhiệm vụ kiểm soát, ngăn ngừa các hành vi trái pháp luật của cơ quan nhà nước, mặc dù biết hoặc buộc phải biết cơ quan nhà nước ra quyết định hoặc thực hiện hành vi cản trở cạnh tranh nhưng không áp dụng bất kỳ biện pháp hợp lý nào để ngăn cản quyết định hoặc hành vi trái pháp luật này. Chế tài áp dụng đối với các cá nhân này có thể là kỷ luật hành chính hoặc trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất và mức độ vi phạm. Trong trường hợp gây thiệt hại cho các chủ thể có liên quan thì phải bồi thường thiệt hại theo pháp luật dân sự. Về trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự sẽ do tòa án áp dụng. Tuy nhiên, kỷ luật hành chính sẽ do ai quyết định? Liệu cơ quan quản lý cạnh tranh có quyền ra quyết định kỷ luật hành chính không? Đương nhiên, theo nguyên tắc thì chỉ cơ quan quản lý cán bộ, công chức mới có thẩm quyền kỷ luật hành chính cán bộ, công chức có hành vi vi phạm. Vì vậy, Luật cạnh tranh sửa đổi cần quy định rõ cơ chế cơ quan quản lý cạnh tranh có quyền yêu cầu cơ quan quản lý cán bộ, công chức ra quyết định xử lý kỷ luật cán bộ, công chức có hành vi cản trở cạnh tranh. Cơ quan quản lý cán bộ, công chức vi phạm pháp luật cạnh tranh phải ra quyết định xử lý kỷ luật hoặc nếu từ chối xử lý kỷ luật thì phải lập văn bản nêu rõ lý do từ chối. Cơ quan quản lý cạnh tranh có quyền khiếu kiện quyết định không xử lý kỷ luật ra tòa án theo tố tụng hành chính.

Năm là, Luật cạnh tranh cần phải đề rõ nguyên tắc và điều kiện duy trì độc quyền nhà nước để tránh sự tùy tiện trong việc duy trì độc quyền nhà nước. Luật cạnh tranh là “Hiến pháp” của nền kinh tế thị trường, bảo đảm sự tự do cạnh tranh. Điều đó có nghĩa rằng, trong hầu hết các lĩnh vực, tự do cạnh tranh được bảo đảm bởi Luật cạnh tranh. Chỉ những lĩnh vực nhất định, nếu không duy trì độc quyền nhà nước, lợi ích kinh tế chung không được bảo đảm. Như vậy, độc quyền nhà nước chỉ tồn tại (1) trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ vì lợi ích kinh tế chung; và (2) sự tồn tại của độc quyền là cần thiết. Rõ ràng, đối với những lĩnh vực phục vụ lợi ích riêng thì việc duy trì độc quyền nhà nước là không hợp lý, gây cản trở cạnh tranh. Hàng hóa, dịch vụ vì lợi ích kinh tế chung cần được hiểu là những hàng hàng, dịch vụ hướng tới số đông người có thể sử dụng, tiêu thụ với mức chi trả hợp lý bảo đảm sự công bằng trong xã hội. Như vậy, lợi ích kinh tế chung không đồng nghĩa với lợi ích của một nhóm, một địa phương hay một ngành. Để bảo đảm sự công bằng, khả năng tiếp cận hàng hóa, dịch vụ của quảng đại quần chúng, các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ vì lợi ích kinh tế chung thường thiệt thòi. Do đó, họ thường được áp dụng các biện pháp hỗ trợ đặc biệt từ nhà nước và các tổ chức xã hội. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, sự hỗ trợ của nhà nước và các tổ chức xã hội không khả thi hoặc không bảo đảm bù đắp các khoản lỗ của doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ vì lợi ích kinh tế chung. Vì vậy, sự tồn tại độc quyền là nhà nước trong trường hợp này là cần thiết. Tổ chức độc quyền nhà nước có thể được hưởng những đặc quyền, không phải tuân thủ nhiều quy định trong Luật cạnh tranh nhưng không được lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền.

Sáu là, Luật cạnh tranh cần hoàn thiện mô hình cơ quan cạnh tranh. Mô hình tồn tại hai cơ quan cạnh tranh thực sự không hiệu quả. Vì vậy, chúng tôi cho rằng Luật cạnh tranh sửa đổi nên giải thể Hội đồng cạnh tranh. Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng, nếu giải thể Hội đồng cạnh tranh và chỉ để tồn tại một cơ quan quản lý cạnh trành thì dễ gây lạm quyền. Như Eleanor M. Fox & Michael J. Trebilcock nhận định: “Chúng tôi chia sẻ quan điểm cá nhân rằng việc phân tách chức năng thường cần thiết, nhất là các trường hợp liên quan đến lợi ích. Khi mà sự phân tách không khả thi, thì nhiệm vụ điều tra, truy tố, và nhiệm vụ soạn thảo quyết định được trao cho các cá nhân khác nhau để bảo đảm sự vô tư.”[14]Quan điểm này cũng có nhân tố hợp lý. Vì vậy, mặc dù cơ quan quản lý cạnh tranh có thẩm quyền điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh nhưng trong nội bộ cơ quan này có thể phân bổ nhiệm vụ điều tra và kiến nghị xử lý cho một cơ quan trực thuộc và nhiệm vụ xử lý cho một hội đồng do người đứng đầu cơ quan quản lý cạnh tranh thành lập. Hội đồng giải quyết vụ việc cạnh tranh được thành lập theo từng vụ việc và chấm dứt sau khi vụ việc được giải quyết xong.

Địa vị pháp lý của cơ quan quản lý cạnh tranh liên quan đến chức năng, thẩm quyền và vị trí pháp lý. Về địa vị pháp lý của cơ quan quản lý cạnh tranh, cơ quan quản lý cạnh tranh cần được giao đầy đủ quyền năng để thực thi được pháp luật cạnh tranh. Về cơ bản, cơ quan quản lý cạnh tranh có thẩm quyền áp dụng hầu hết các chế tài hành chính. Tuy nhiên đối với chế tài thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, tước, thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề và buộc chia, tách, bán lại một phần hoặc toàn bộ vốn góp, tài sản của doanh nghiệp hình thành từ tập trung kinh tế thì rất khó có thể trao cho cơ quan quản lý cạnh tranh xử lý. Bởi vì, việc cấp giấy chứng nhận, giấy phép, chứng chỉ, buộc chia, tách, chuyển nhượng, bán vốn, tài sản thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý chuyên ngành. Việc trao cho cơ quan quản lý cạnh tranh thẩm quyền này sẽ dẫn đến sự xung đột thẩm quyền. Vì vậy, đối với các chế tài này, cơ quan quản lý cạnh tranh chỉ có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng. Tuy nhiên, Luật cạnh tranh sửa đổi cần buộc cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải ra quyết định áp dụng biện pháp chế tài hành chính theo yêu cầu của cơ quan quản lý cạnh tranh, nếu không chấp nhận yêu cầu của cơ quan quản lý cạnh tranh thì phải lập văn bản và nêu rõ lý do. Cơ quan quản lý cạnh tranh có quyền khiếu kiện quyết định từ chối áp dụng biện pháp chế tài hành chính theo yêu cầu ra tòa án theo tố tụng hành chính.

Về vị trí pháp lý của cơ quan quản lý cạnh tranh, chúng tôi đề xuất hai phương án:

Phương án thứ nhất: Thành lập Ủy ban cạnh tranh quốc gia có vị trí pháp lý của cơ quan ngang bộ, có thẩm quyền quản lý, điều tra, xử lý cạnh tranh. Chủ nhiệm Ủy ban cạnh tranh quốc gia sẽ phân công nhiệm vụ quản lý, điều tra vụ việc cạnh tranh cho các đơn vị trực thuộc. Mỗi vụ việc cạnh tranh khi cần phải thành lập Hội đồng giải quyết vụ việc cạnh tranh, Chủ nhiệm Ủy ban cạnh tranh quốc gia sẽ ra quyết định thành lập Hội đồng. Phương án này có lợi thế là tạo ra một cơ quan cạnh tranh độc lập như nhiều quốc gia trên thế giới, cơ quan này được chủ động giải quyết các công việc trong thẩm quyền nên thời gian, thủ tục nhanh gọn hơn. Tuy nhiên, việc thành lập thêm một hệ thống cơ quan ngang bộ sẽ dẫn đến phải tăng thêm nhân sự, trụ sở làm việc và tạo thêm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Phương án thứ hai: Giao chức năng, thẩm quyền quản lý, điều tra, xử lý cạnh tranh cho Bộ công thương. Bộ công thương sẽ vẫn giữ nguyên cục quản lý cạnh tranh (có thể đổi tên thành Ủy ban cạnh tranh quốc gia hoặc Cơ quan cạnh tranh quốc gia) để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn nêu trên của Bộ công thương. Để giảm gánh nặng công việc cho Bộ trưởng Bộ công thương, pháp luật cần cho phép Bộ trưởng Bộ công thương ủy quyền dài hạn cho người đứng đầu Ủy ban cạnh tranh quốc gia hoặc Cơ quan cạnh tranh quốc gia ra quyết định thành lập Hội đồng giải quyết vụ việc cạnh tranh. Ủy ban cạnh tranh quốc gia hoặc Cơ quan cạnh tranh quốc gia nhân danh Bộ công thương thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực cạnh tranh.  Như vậy, cơ quan quản lý cạnh là cơ quan thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ công thương, thay mặt Bộ công thương đưa ra quan điểm của Bộ công thương trong các vụ việc. Vì vậy, vấn đề “tiếng nói” của cơ quan này đối với cơ quan khác là “tiếng nói” của Bộ công thương. Mặc dù phương án này không tạo ra một cơ quan quản lý cạnh tranh có địa vị pháp lý của một cơ quan ngang bộ, nhưng phương án này giúp giảm gánh nặng về mặt nhân sự và ngân sách nhà nước. Trong hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay, chúng tôi ủng hộ phương án thứ hai.

Bảy là, Luật cạnh tranh cần thừa nhận thực thi bằng biện pháp dân sự. Về nguyên tắc, cơ quan quản lý cạnh tranh không có quyền áp dụng các chế tài dân sự, như trách nhiệm bồi thường thiệt hại, thẩm quyền này thuộc về tòa án. Vì lẽ đó, Luật cạnh tranh sửa đổi cần ghi nhận rõ cá nhân, tổ chức bị thiệt hại hoặc có quyền dân sự bị xâm phạm bởi hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh có quyền khởi kiện chủ thể thực hiện hành vi vi phạm ra tòa án để buộc phải bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp chế tài dân sự khác.

Ngoài những yêu cầu trên, Luật cạnh tranh sửa đổi cần tiếp tục khắc phục những hạn chế của Luật cạnh tranh năm 2004 như vấn đề xác định thị phần, xác định sức mạnh thị trường của doanh nghiệp…

  1. Kết luận

Mặc dù Luật cạnh tranh năm 2004 đã đạt được những thành tựu nhất định, tuy nhiên vì đây là luật cạnh tranh đầu tiên của Việt Nam được ra đời trong bối cảnh Việt Nam vẫn còn bỡ ngỡ trong nền kinh tế thị trường, nên Luật cạnh tranh năm 2004 không tránh khỏi những hạn chế nhất định. Vì vậy, Luật canh tranh sửa đổi cần phải được ban hành đề phù hợp với hoàn cảnh kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay, cũng như khắc phục những hạn chế của Luật cạnh tranh năm 2004. Luật cạnh tranh sửa đổi cần phải đóng vai trò là một “bản hiến pháp” của nền kinh tế thị trường. Theo đó, phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh của Luật cạnh tranh cần được mở rộng. Bên cạnh đó, Luật cạnh tranh sửa đổi phải bao quát, dự liệu được tất cả các hành vi phản cạnh tranh có thể xảy ra trên thị trường; cần phải có những quy định hiệu quả và khả thi nhằm ngăn ngừa cơ quan nhà nước có hành vi cản trở cạnh tranh; cần thay đổi lại mô hình cơ quan cạnh tranh theo hướng hiệu lực, hiệu quả hơn. Đồng thời, Luật cạnh tranh sửa đổi cũng cần nêu bật vai trò của tòa án trong việc hỗ trợ cơ quan quản lý cạnh tranh trong việc xử lý vi phạm pháp luật cạnh tranh bên cạnh thẩm quyền xét xử hành chính đối với các quyết định, hành vi hành chính của cơ quan quản lý cạnh tranh. Cuối cùng, Luật cạnh tranh sửa đổi cũng cần ghi nhận việc thực thi pháp luật cạnh tranh bằng biện pháp dân sự.

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ Công thương (2017), Báo cáo tổng kết 12 năm thi hành Luật cạnh tranh.
  2. Bộ Công thương (2017), Bản thuyết minh chi tiết Dự thảo Luật cạnh tranh (sửa đổi), 15/09/2017.
  3. David J. Gerber (2010), Global Competition: Law, Markets, and Globalization, Oxford University Press.
  4. Eleanor M. Fox and Michael J. Trebilcock (2013), The Design of Competition Law Institutions, Oxford University Press.
  5. G. Bruce Doern and Stephen Wilks (1996), Comparative Competition Policy: National Institutions in a Global Market, Oxford University Press.
  6. Gillian Triggs (1979) , Exrrateritorial Reach of United States Anti-Trust Legislation: The International Law Implications of the Westinghouse Allegations of Uranium Producers’ Cartel, Melbourne University Law Review [Vo!. 12, Dec. '79].
  7. H. Stephen Harris, Jr. at al. (2011), Anti-Monopoly Law and Practice in China, Oxford University Press.
  8. United Nations Conference on Trade and Development, Model Law on Competition (2017) – Revised chapter II, TD/B/C.I/CLP/L.8, 17 May, 2017.

 

[1] Trường Đại học Ngoại thương, Email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó.

[2] Bộ Công thương (2017), Bản thuyết minh chi tiết Dự thảo Luật cạnh tranh (sửa đổi), 15/09/2017, tr. 3

[3] Bộ Công thương (2017), Báo cáo tổng kết 12 năm thi hành Luật cạnh tranh, tr. 10

[4] Bộ Công thương (2017), Báo cáo tổng kết 12 năm thi hành Luật cạnh tranh, tr. 10

[5] Trước đây là Điều 86.1 Hiệp ước EC (Treaty establishing the European Community)

[6] Bộ Công thương (2017), Báo cáo tổng kết 12 năm thi hành Luật cạnh tranh, tr. 26

[7] H. Stephen Harris, Jr, Peter  J.  Wang, Yizhe  Zhang, Mark A. Cohen & Sébastien J. Evrard (2011), Anti-Monopoly Law and Practice in China, Oxford University Press, tr. 118

[8] David J. Gerber (2010), Global Competition: Law, Markets, and Globalization, Oxford University Press, tr. 4-5

[9] Gillian Triggs (1979) , Exrrateritorial Reach of United States Anti-Trust Legislation: The International Law Implications of the Westinghouse Allegations of Uranium Producers’ Cartel, Melbourne University Law Review [Vo!. 12, Dec. '79]

[10] United Nations Conference on Trade and Development, Model Law on Competition (2017) – Revised chapter II, TD/B/C.I/CLP/L.8, 17 May, 2017, đoạn 50

[11] G. Bruce Doern and Stephen Wilks (1996), Comparative Competition Policy: National Institutions in a Global Market, Oxford University Press, tr. 10

[12] Điều 51 Luật cạnh tranh năm 2007 của Trung Quốc

[13] H. Stephen Harris, Jr. at al. (2011), Anti-Monopoly Law and Practice in China, Oxford University Press, tr. 189

[14] Eleanor M. Fox and Michael J. Trebilcock (2013), The Design of Competition Law Institutions, Oxford University Press, tr. 8