Sidebar

Magazine menu

29
T6, 03

Tạp chí KTĐN số 98

TÁC ĐỘNG CỦA ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ ĐẾN QUỐC TẾ HÓA CỦA CÁC DOANH NGHIỆP THUỘC LĨNH VỰC CHẾ TẠO TẠI INDONESIA

TÁC ĐỘNG CỦA ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ ĐẾN QUỐC TẾ HÓA CỦA CÁC DOANH NGHIỆP THUỘC LĨNH VỰC CHẾ TẠO TẠI INDONESIA

Phan Anh Tú [1]

Lê Thị Bảo Phương[2]

 

Tóm tắt

Mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá tác động của việc đổi mới công nghệ đến định hướng quốc tế hóa của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chế tạo tại Indonesia. Dựa trên số liệu từ dự án nghiên cứu Enterprise Surveys được thu thập bởi Ngân hàng Thế giới trong năm 2015 với đối tượng điều tra là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chế tạo tại Indonesia, kết quả ước lượng của mô hình nhị phân Logistic cho thấy việc ứng dụng các yếu tố thuộc năng lực công nghệ có tác động tích cực đến định hướng quốc tế hóa của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chế tạo tại Indonesia. Hàm ý của nghiên cứu này sẽ giúp các nhà quản trị hoạch định chiến lược xuất khẩu thích hợp nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế.

Từ khóa: Doanh nghiệp chế tạo, quốc tế hóa, đổi mới công nghệ, Indonesia

Abstract

 The purpose of this research is to investigate the influence of technological innovation on internationalization of Indonesian manufacturing firms. Based on the data from Enterprise Surveys research project conducted by the World Bank in 2015 with the surveyed subject including manufacturing firms in Indonesia, the Logistic model result indicates that technological innovation has a positive influence on internationalization of Indonesian manufacturing firms. The implication of this research enable the managers of the firms can devise suitable strategies in order to improve their firms’s competitive advantages in global market.

Keywords: Manufacturing firms, internationalization, technological innovation, Indonesia

 

  1. Đặt vấn đề

Lĩnh vực chế tạo được xem là động lực chính đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Indonesia kể từ những năm 1980 (Global Business Guide Indonesia, 2012). Tuy nhiên, năng suất và tăng trưởng của ngành lại không bằng đối thủ cạnh tranh trong khu vực và phải đối mặt với môi trường cạnh tranh khốc liệt khi nhiều hiệp định thương mại tự do toàn cầu được ký kết. Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu phải dựa vào sự khác biệt và chi phí thấp thì năng lực công nghệ là yếu tố quyết định “sống còn” (Carl Dahlman, 2007; Chetty và Hamilton, 1993). Hơn thế nữa, năng lực công nghệ còn là nền tảng cốt lõi của tất cả các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chế tạo, do đó năng lực này cần được cải thiện và giám sát thường xuyên (Nurazwa Ahmad et al., 2012).

Nhiều nghiên cứu thực nghiệm trên thế giới sử dụng lý thuyết nguồn lực (resource-based theory) đã tìm thấy bằng chứng cho thấy chiến lược quốc tế hóa của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) chịu ảnh hưởng phần lớn bởi đặc điểm của nhà lãnh đạo (thái độ, kiến thức, kinh nghiệm) (Ciszewska-Mlinaric & Mlinariè, 2010). Cơ sở lý thuyết này cho rằng quốc tế hóa luôn đặt ra các thử thách lớn cho các SMEs do bởi giới hạn về nguồn lực, kiến thức, và kỹ năng so với các doanh nghiệp có quy mô lớn (Reuber & Fisher, 1997), do đó xuất khẩu là chiến lược thường được lựa chọn bởi các SMEs do đây là hình thức ít chịu rủi ro nhất. Mặt khác, phần lớn cơ sở lý thuyết về quốc tế hóa doanh nghiệp cho rằng các doanh nghiệp có xu hướng tận dụng lợi thế năng lực đổi mới vượt trội ở vài thị trường chủ lực và tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ cao. Khác với các lập luận này, chúng tôi bàn cãi rằng đổi mới công nghệ (được đo lường thay thế bằng năng lực công nghệ) cũng có ảnh hưởng quan trọng đến định hướng quốc tế hóa của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chế tạo do đổi mới công nghệ có thể tạo lập lợi thế cạnh tranh và nâng cao sự hiện diện trên thị trường quốc tế (Kylläheiko, Jantunen,  Puumalainen, Saarenketo & Tuppura, 2011) mặc dù cho đến nay vẫn chưa có kết quả rõ ràng từ bằng chứng thực nghiệm (Love & Ganotakis, 2013). Một hiểu biết đầy đủ về mối quan hệ nhân quả này là phức tạp và gây ra nhiều tranh luận (Lecerf, 2012). Do vậy, mục tiêu của nghiên cứu này là nhằm  trả lời câu hỏi nghiên cứu “Có hay không và làm thế nào việc đổi mới công nghệ tác động đến định hướng quốc tế hóa của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chế tạo tại Indonesia?”

  1. Cơ sở lý thuyết và giả thuyết

2.1 Quốc tế hóa và đổi mới công nghệ

Một trong những lý thuyết đầu tiên và được biết đến nhiều nhất về quốc tế hóa là lý thuyết “Quá trình quốc tế hóa” hay còn gọi là “Mô hình Uppsala” (Johanson & Vahlne, 1977). Theo lý thuyết này, quốc tế hóa là một tiến trình gồm bốn giai đoạn, trong đó các doanh nghiệp thực hiện các nỗ lực không ngừng để tăng cường sự tham gia vào thị trường quốc tế, đồng thời dần dần cải thiện nhận thức và cam kết của người tiêu dùng nước ngoài đối với sản phẩm của họ. Cụ thể, giai đoạn đầu tiên các doanh nghiệp hoạt động tại thị trường trong nước và không tham gia hoạt động xuất khẩu. Sang giai đoạn kế tiếp, các doanh nghiệp bắt đầu quan tâm đến việc mở rộng hoạt động kinh doanh xuyên biên giới bằng cách xuất khẩu thông qua người đại diện hoặc đại lý. Trong giai đoạn thứ ba, do có liên quan ràng buộc với các nguồn lực ở thị trường quốc tế, các doanh nghiệp thường thiết lập chi nhánh bán hàng tại nước ngoài, và xa hơn là xây dựng cơ sở sản xuất/chế tạo tại nước ngoài. Kết quả của từng giai đoạn sẽ được định đoạt bởi quy mô và kinh nghiệm quốc tế của các doanh nghiệp.

Đổi mới và quốc tế hóa là hai hoạt động chiến lược, và chúng có mối quan hệ tương quan với nhau. Điều này là do bởi quốc tế hóa là một dạng hình thức của đổi mới và để quốc tế hóa thành công đòi hỏi doanh nghiệp phải có đổi mới và ít nhất là có sở hữu nguồn lực vượt trội (Williams & Shaw, 2011). Xâm nhập thị trường mới, tạo lập hay phát minh ra sản phẩm mới và dịch vụ mới, quy trình quản lý đáp ứng tiêu chuẩn mới, đổi mới tiếp thị hay ứng dụng công nghệ đều được xem là nền tảng của đổi mới (Kylläheiko et al., 2011).

Xa hơn, dựa trên quan điểm lý thuyết nguồn lực, chúng tôi cho rằng đổi mới công nghệ còn là một nhân tố quan trọng thúc đẩy chiến lược quốc tế hóa doanh nghiệp. Điều này là do bởi đổi mới công nghệ tạo lập lợi thế cạnh tranh, gia tăng quyền lực trên thương trường (market power) và là tiền đề cho quốc tế hóa doanh nghiệp (Roper & Love 2002). Thêm vào đó, đổi mới công nghệ còn ngụ ý năng lực cạnh tranh cốt lõi (core competence) của doanh nghiệp về khả năng vượt qua được rủi ro phá sản khi mới thâm nhập vào thị trường quốc tế (Chetty & Stangl, 2010). Mặt khác, đổi mới công nghệ có mối quan hệ mật thiết với đổi mới quy trình tổ chức hay vận hành, đổi mới sản phẩm, cũng như đổi mới về năng lực tiếp thị sản phẩm, do đó giúp tạo lập và gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế thông qua hiệu quả về chi phí (lợi ích vượt qua chi phí đầu tư), năng suất, và tạo lập giá trị mới cho khách hàng (Lopez & García, 2005), tạo sự khác biệt so với đối thủ cạnh tranh và ngăn cản sự thâm nhập của các đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn (Rosenbusch, Brinckmann & Bausch, 2011) .

Mặt khác, lý thuyết tăng trưởng doanh nghiệp của Penrose (1959) có nhấn mạnh thông điệp quan trọng rằng đổi mới công nghệ hay năng lực công nghệ (a) đều có liên quan đến năng lực quản trị trong nội tại doanh nghiệp, sử dụng tốt nguồn lực hay kiến thức sẵn có để hấp thu được các kiến thức từ bên ngoài (trong đó có nguồn lực hữu hình và vô hình), và năng lực của doanh nghiệp trong việc tận dụng tốt lợi thế do viễn cảnh (economies of scope), lợi thế đạt được do đa dạng hóa ngành hàng trong những hoàn cảnh khác nhau; (b) là yếu tố tiên lượng tiềm năng của đổi mới và quốc tế hóa, từ đó kích thích tốc độ tăng trưởng về lợi nhuận của doanh nghiệp. Lý thuyết này đặt nền móng cơ bản cho sự phát triển của lý thuyết nguồn lực. Tóm lại, nghiên cứu này sử dụng cả lý thuyết tăng trưởng doanh nghiệp của Penrose như là điểm khởi đầu và lý thuyết nguồn lực do sự phù hợp của các lý thuyết này khi xem xét doanh nghiệp là một đơn vị phân tích. 

Theo tổ chức hợp tác Kinh tế và phát triển (OECD), đổi mới (công nghệ) là một quá trình tương tác và phát triển các sản phẩm mới và quy trình mới hoặc các cải tiến công nghệ mới từ các sản phẩm hiện tại. Nó bao gồm đổi mới quy trình (kể cả ứng dựng phương pháp mới, phần mềm mới), cách thức tiếp thị mới, phương pháp tổ chức, cấu trúc lại tổ chức và các mối quan hệ với bên ngoài nhằm hướng đến hiệu suất và nâng cao chất lượng. Đáng chú ý là năng lực công nghệ hay đổi mới công nghệ không chỉ có liên quan đến tài sản hữu hình mà còn liên quan đến tài sản vô hình như kỹ năng và kiến thức (ẩn ý) thông qua đào tạo và sử dụng các công cụ phù hợp để thực thi chiến lược kinh doanh (email, website), bằng phát minh, sáng chế, chứng nhận chất lượng (Teece, 2007)

 

 

2.2 Sự tác động của đổi mới công nghệ đến quá trình quốc tế hóa của doanh nghiệp sản xuất Indonesia

(Tác giả cần thêm lý thuyết chứng minh rằng Đổi mới công nghệ bao gồm các yếu tố: (i1) Chứng nhận chất lượng quốc tế, (i2) Email, (i3) website, và (i4) đào tạo chính quy cho người lao động và lý giải tại sao tác giả chọn lý thuyết này? Vì phù hợp với điều kiện của các doanh nghiệp sản xuất Indonesia hay là vì lý do khác?. Hơn nữa, tác giả cần đưa vào một số nội dung về quá trình quốc tế hóa của doanh nghiệp sản xuất Indonesia ở góc độ tổng thể để giúp người đọc thấy được nghiên cứu này khác với các nghiên cứu khác và đặc trưng của các doanh nghiệp sản xuất Indonesia

Theo Global Business Guide Indonesia (2012) lĩnh vực sản xuất - chế tạo là đầu tàu cho tăng trưởng kinh tế từ những năm 1980 cho đến cuối những năm 1990 và là một nguồn cung cấp việc làm cho đất nước. Tuy nhiên, năng suất và tăng trưởng của ngành này có xu hướng chững lại và khó cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực (như dệt may), đặc biệt là sự ra đời của Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (CAFTA) trong tháng 1 năm 2010. Các thỏa thuận này là một con dao hai lưỡi trong việc miễn (giảm) thuế quan đối với nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc trong khi cho phép nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc từ hàng dệt may, điện tử, giày dép, mỹ phẩm đến thực phẩm và đồ uống. Hơn thế nữa, Indonesia phải đối mặt với một thách thức vô cùng lớn khi muốn cạnh tranh với các doanh nghiệp Trung Quốc về năng suất, quy mô, và giá cả. Trong khi mất cơ hội cạnh tranh trên sân nhà thì Indonesia lại có cơ hội để định vị mình trên thị trường quốc tế thông qua cải tiến về chất lượng hàng hóa. Từ đó thúc đẩy nhanh chóng các doanh nghiệp hướng ra thị trường quốc tế.

2.3.1 Sự tác động của chứng nhận chất lượng quốc tế vào quá trình quốc tế hóa doanh nghiệp sản xuất Indonesia

Năng lực công nghệ của một doanh nghiệp có thể được đo lường bởi việc có hay không một doanh nghiệp có áp dụng các tiêu chuẩn, quy trình quản lý chất lượng (J.L.D Lamprecht M.Com, 2011). Một doanh nghiệp có áp dụng quy trình quản lý và kiểm soát chất lượng như ISO, TQM, HACCP,… thường là các doanh nghiệp có đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), từ đó giúp tạo ra nhiều sản phẩm mới, đồng nhất và đạt chuẩn quốc tế, giúp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu (Gemunden, 2012). Năng lực công nghệ cho phép doanh nghiệp cung cấp hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao, làm tăng lòng tin của khách hàng, tối ưu hóa sự hiện diện của họ trên thị trường, từ đó có được vị trí tốt hơn trên thị trường quốc tế việc sở hữu các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế cho thấy doanh nghiệp sẽ vượt qua được các rào cản kỹ thuật khi xuất khẩu, đảm bảo rằng hàng hóa có chất lượng đủ cao để kích thích nhu cầu nhập khẩu của người tiêu dùng nước ngoài.

Giả thuyết H1: Sở hữu chứng nhận chất lượng quốc tế có tác động thuận chiều đến định hướng quốc tế hóa.

2.3.2 Sự tác động của E-mail vào quá trình quốc tế hóa doanh nghiệp sản xuất Indonesia:

E-mail (thư điện tử) là một phương tiện công nghệ điện tử dùng để trao đổi thông tin giao dịch giữa người mua và người bán. Một doanh nghiệp có sử dụng công cụ Internet (Email, website) trong mua bán và tiếp thị xuất khẩu sẽ có xu hướng quốc tế hóa (Bennett, 1997). Thứ nhất, e-mail là một công cụ tương tác giúp doanh nghiệp cải thiện tốc độ tương tác với đối tác và nhà cung cấp mà không cần tốn nhiều thời gian và chi phí đi lại, do vậy mở rộng cơ hội giao thương với đối tác xuyên biên giới. Thứ hai, e-mail còn là công cụ giúp doanh nghiệp quảng cáo hay tiếp thị các sản phẩm hay dịch vụ và dễ gây ấn tượng ngay từ lần đầu tiên mà không cần phải gặp trực tiếp đối tác. Thứ ba, trong trường hợp nếu có tranh chấp hợp đồng hoặc kiện tụng, e-mail được lưu lại có thể được sử dụng để làm bằng chứng cho các thỏa thuận và giải quyết tranh chấp trong thương mại quốc tế.

Giả thuyết H2: Việc sử dụng e-mail để liên lạc với đối tác và nhà cung ứng có tác động thuận chiều đến định hướng quốc tế hóa.

2.3.3 Sự tác động của Website vào quá trình quốc tế hóa doanh nghiệp sản xuất Indonesia

Một website là công nghệ mạng chứa đựng tập hợp các thông tin đa chiều có liên quan đến doanh nghiệp (lịch sử, sản phẩm, cơ cấu tổ chức,…). Một doanh nghiệp có website riêng sẽ tìm thấy được nhiều cơ hội mở rộng quan hệ giao thương với nhiều đối tác kể cả trong và ngoài nước (Bennett, 1997). Điều này là do bởi việc sở hữu website giúp doanh nghiệp tận dụng hoàn toàn các cơ hội tiếp xúc với khách hàng và đối tác tại mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm với phạm vi khách hàng không bị giới hạn. Kế tiếp, website cung cấp cách thức giới thiệu sản phẩm thật sinh động tới khách hàng và đối tác bằng hình ảnh, âm thanh, các đoạn phim ngắn; khách hàng còn có thể dễ dàng tự tra cứu vào cơ sở dữ liệu, tìm kiếm các thông tin về sản phẩm và dịch vụ. Điều này sẽ khiến các khách hàng tiềm năng đến với doanh nghiệp nhiều hơn. Quan trọng hơn, website có thể là nơi tiếp nhận các thông tin phản hồi từ khách hàng hoặc đối tác, giúp gia tăng lợi ích ảnh hưởng định hướng thị trường mục tiêu của doanh nghiệp đến năng lực tiếp thị và hiệu quả xuất khẩu của doanh nghiệp (Prasad, Ramamurthy & Naidu, 2001).

Giả thuyết 3: Việc sở hữu website có tác động thuận chiều đến định hướng quốc tế hóa.

2.3.4 Sự tác động của yếu tố Đào tạo chính quy cho người lao động đến quá trình quốc tế hóa doanh nghiệp sản xuất Indonesia

Đào tạo chính quy là quá trình mà giáo dục được truyền đạt thông qua việc tổ chức nghiêm ngặt và các buổi học theo lịch trình. Đào tạo chính quy có thể được xem là một dạng đầu tư về con người cùng song hành với đầu tư về đổi mới công nghệ do bởi để vận hành tốt công nghệ thì cần phải đào tạo nguồn nhân lực có đủ năng lực về kiến thức để phát triển, sáng tạo, và có khả năng vận hành các thiết bị công nghệ này. Mặt khác, để hoạt động nghiên cứu và phát triển đổi mới (R&D) đạt hiệu quả cao thì doanh nghiệp cũng cần có đầu tư tương xứng về nhân lực. Do vậy, các doanh nghiệp càng chú trọng đầu tư về đào tạo và huấn luyện cho nhân viên thì càng giống như các doanh nghiệp này có thể gia tăng hiệu quả (hiệu suất) trong việc đổi mới công nghệ và đổi mới do nhân viên tích lũy đủ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm làm việc, do vậy càng giống như các doanh nghiệp này cũng sẽ hướng đến mở rộng ra thị trường ngoại quốc. (Hitt, Bierman, Uhlenbruck, & Shimizu, 2006)

Giả thuyết 4: Việc tổ chức đào tạo chính quy cho lao động có tác động thuận chiều đến định hướng quốc tế hóa.

  1. Phương pháp nghiên cứu

3.1 Dữ liệu

Số liệu được sử dụng trong nghiên cứu là số liệu từ dự án Enterprise Surveys do Ngân hàng Thế giới thu thập với đối tượng điều tra là 1.320 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chế tạo và dịch vụ tại Indonesia năm 2015[3]. Nghiên cứu này chỉ nghiên cứu định hướng quốc tế hóa của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chế tạo với cỡ mẫu gồm 1.069 doanh nghiệp chế tạo. Trong 1.069 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chế tạo, chỉ có 925 quan sát có đầy đủ thông tin trong khi có 144 doanh nghiệp thiếu thông tin. Do vậy, dữ liệu khuyết sẽ không được đưa vào phân tích.

3.2 Phương pháp phân tích

Nghiên cứu sử dụng phương pháp thống kê mô tả để mô tả đối tượng nghiên cứu. Một số đại lượng thống kê mô tả được sử dụng: giá trị trung bình, giá trị lớn nhất, giá trị nhỏ nhất, độ lệch chuẩn. Trong nghiên cứu này, hệ số tương quan cặp biến Pearson được sử dụng để kiểm tra hiện tượng đa cộng tuyến giữa các biến độc lập trước khi thực hiện hồi quy. Mô hình hồi quy biến nhị phân Logistitc có dạng như sau:

INT = β0 + β1CER + β2EM + β3WEB + β4TR + β5AGE + β6SIZE + β7TS + β8EXP + β9ST + β10REGU + u

Trong đó:

β0 là hằng số; βi (i=1; 2;...; 10) là hệ số ước lượng của các biến độc lập; u là phần dư.

Biến phụ thuộc: INT (định hướng quốc tế hóa).

Biến độc lập thuộc năng lực công nghệ: CER (chứng nhận chất lượng quốc tế), EM (e-mail), WEB (website), TR (đào tạo lao động).

Nhóm biến kiểm soát: AGE (số năm hoạt động), SIZE (số lượng lao động), TS (tổng doanh thu), EXP (kinh nghiệm của người quản lý), ST (hệ thống tư pháp) và REGU (quy định về hải quan và thương mại).

Bảng 2. Mô tả các biến trong mô hình

Biến

Cách đo lường (Nguồn)

Kỳ vọng

INT

Biến giả, nhận giá trị 1 nếu doanh nghiệp có doanh thu được tạo ra từ xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp, còn lại nhận giá trị 0.

(J.L.D Lamprecht M.Com, 2011)

 

CER

Biến giả, nhận giá trị 1 nếu doanh nghiệp đạt bất kì loại chứng nhận chất lượng quốc tế nào, còn lại nhận giá trị 0.

(Héctor Alberto Botello, 2014)

+

EM

Biến giả, nhận giá trị 1 nếu doanh nghiệp có sử dụng e-mail,còn lại nhận giá trị 0.

(Héctor Alberto Botello, 2014)

+

WEB

Biến giả, nhận giá trị 1 nếu doanh nghiệp có website riêng, còn lại nhận giá trị 0.

(Héctor Alberto Botello, 2014)

+

TR

Biến giả, nhận giá trị 1 nếu doanh nghiệp có các chương trình đào tạo chính quy cho lao động, còn lại nhận giá trị 0.

(Héctor Alberto Botello, 2014)

+

AGE

Số năm hoạt động của doanh nghiệp tính đến thời điểm khảo sát.

(J.L.D Lamprecht M.Com, 2011)

+

EXP

Số năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực chế tạo của người quản lý.

(Héctor Alberto Botello, 2014)

+

SIZE

Số lao động toàn thời gian của doanh nghiệp ở thời điểm cuối năm tài chính.

(J.L.D Lamprecht M.Com, 2011)

+

TS

Logarit tổng doanh thu của doanh nghiệp cuối năm tài chính.

(J.L.D Lamprecht M.Com, 2011)

+

ST

Biến thứ bậc, mức độ đồng ý của đáp viên về nhận định “Hệ thống tư pháp của quốc gia công bằng và minh bạch”. Với 1= Rất không đồng ý; 2= Không đồng ý; 3= Đồng ý; 4= Rất đồng ý.

(Héctor Alberto Botello, 2014; The World Bank, 2014)

+

REGU

Biến giả, nhận giá trị 1 nếu doanh nghiệp cho rằng các quy định về hải quan và thương mại là trở ngại lớn và rất lớn, còn lại nhận giá trị 0.

(J.L.D Lamprecht M.Com, 2011; Jose P. M. Vargas, 2015)

-

Nguồn: Tự tổng hợp (2016)

  1. Kết quả nghiên cứu

Kết quả thống kê mô tả các biến trong mô hình nghiên cứu được trình bày ở Bảng 3. Ma trận tương quan giữa các biến trong mô hình nghiên cứu ở Bảng 4 cho thấy các hệ số tương quan nhỏ hơn 0,8 nên kết luận là không có hiện tượng đa cộng tuyến xảy ra trong mô hình. Kết quả ước lượng 04 mô hình được trình bày ở Bảng 5. Tất cả các mô hình đều có ý nghĩa thống kê với giá trị tuyệt đối của Log likelihood rất nhỏ (Prob > chi2 = 0,00). Ngoài ra, mức độ chính xác xác suất tiên lượng của các mô hình đều khá cao (trên 80%). Lý giải về mối quan hệ nhân quả giữa các biến sẽ tập trung vào mô hình 4.

Giả thuyết H1 được hỗ trợ (β = 0,671; p<0,01). Nghĩa là biến chứng nhận chất lượng quốc tế (CER) có tác động tích cực đến định hướng quốc tế hóa của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp đạt được các chứng nhận chất lượng quốc tế sẽ có xu hướng xuất khẩu hàng hóa nhiều hơn các doanh nghiệp khác 16,8%. Trong thực tế, các loại chứng nhận chất lượng quốc tế góp phần đảm bảo rằng hàng hóa của doanh nghiệp có chất lượng đủ cao để nước ngoài nhập khẩu và sử dụng, khắc phục được các rào cản kỹ thuật khi xuất khẩu, làm tăng lòng tin của khách hàng, tối ưu hóa sự hiện diện của họ trên thị trường quốc tế.

Giả thuyết H2 được hỗ trợ (β = 0,908; p<0,01). Biến sử dụng e-mail (EM) có tác động tích cực đến định hướng quốc tế hóa của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp có sử dụng e-mail để liên lạc với đối tác và nhà cung ứng sẽ có xác suất tham gia xuất khẩu nhiều hơn các doanh nghiệp không sử dụng 22,7%. Giả thuyết H3 cũng được hỗ trợ (β = 0,570; p<0,05). Biến sở hữu website (WEB) có tác động tích cực đến định hướng quốc tế hóa của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp có sở hữu website riêng sẽ có xu hướng xuất khẩu hàng hóa nhiều hơn các doanh nghiệp không sở hữu 14,3%. Thực tế, việc ứng dụng e-mail và website giúp doanh nghiệp tận dụng các cơ hội tiếp xúc với khách hàng với phạm vi khách hàng không bị giới hạn mà không tốn nhiều thời gian và chi phí. Ngoài ra, website còn giúp doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm thật sinh động tới khách hàng và đối tác, hỗ trợ khách hàng tự tìm kiếm thông tin về sản phẩm và dịch vụ mà họ muốn một cách nhanh chóng, tiếp nhận thông tin phản hồi giúp doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều thời gian và tiền bạc.

Giả thuyết H4 được hỗ trợ (β = 1,236; p<0,01). Biến đào tạo chính quy người lao động (TR) có tác động tích cực đến định hướng quốc tế hóa của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp có tổ chức đào tạo chính quy cho lao động sẽ có xu hướng tham gia vào thị trường quốc tế nhiều hơn các doanh nghiệp không có tổ chức đào tạo lao động đến 30,9%. Thực tế, việc đào tạo lao động có thể giúp doanh nghiệp biết ứng dụng các công nghệ tiên tiến và thích nghi với một môi trường cạnh tranh toàn cầu và thích ứng tốt với sự thay đổi. Ngoài ra, còn có thể giúp doanh nghiệp có nguồn nhân lực cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng và mở rộng kinh doanh ra thị trường nước ngoài.

Các biến kiểm soát như số năm hoạt động (β = 0,027; p<0,01), tổng doanh thu (β = 0,100; p<0,05) tác động thuận chiều đến định hướng quốc tế hóa của các doanh nghiệp. Trên thực tế, những bài học kinh nghiệm thu được trong khoảng thời gian hoạt động sẽ giúp doanh nghiệp có thể vượt qua những khó khăn khi hoạt động ở thị trường quốc tế còn doanh thu sẽ liên quan đến nguồn lực tài chính mà doanh nghiệp cần thiết phải sở hữu để có thể duy trì hoạt động ở nước ngoài. Tuy nhiên, số lượng lao động (β = 0,000; p>0,1) và kinh nghiệm của người quản lý (β = -0,014; p>0,1) không có ý nghĩa thống kê. Kết quả nghiên cứu của J.L.D Lamprecht M.Com (2011) cũng cho rằng số lượng lao động không có ảnh hưởng đến định hướng quốc tế hóa và tùy thuộc vào độ lớn của quy mô và chất lượng của lao động. Bloodgood et al. (1996) cho rằng một người quản lý có kinh nghiệm quốc tế sẽ nhận thấy nhiều cơ hội tạo ra lợi nhuận ở một thị trường mới hơn những người quản lý không có kinh nghiệm quốc tế. Tuy nhiên, do biến số kinh nghiệm của nhà quản lý không có thông tin có hay không nhà quản lý có kinh nghiệm quốc tế mặc dù đã làm việc lâu năm trong lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, do vậy khó có tác động thuận chiều đến định hướng quốc tế. Mặc khác, sự công bằng của hệ thống tư pháp ở Indonesia không ảnh hưởng đến quyết định tham gia xuất khẩu; tuy nhiên, các quy định về hải quan và thương mại lại có ảnh hưởng và ảnh hưởng tiêu cực đến định hướng tham gia thị trường quốc tế của các doanh nghiệp. Trên thực tế, trong quá trình kinh doanh, doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều trở ngại (J.L.D Lamprecht M.Com, 2011). Trở ngại này là một vấn đề đối với các hoạt động tăng trưởng của doanh nghiệp, nhất là hoạt động xuất khẩu. Khi doanh nghiệp nhận thấy các quy định này là trở ngại lớn, họ sẽ lo ngại và ít có xu hướng quốc tế hóa doanh nghiệp hơn.

 

Bảng 3. Thống kê mô tả các biến trong mô hình nghiên cứu

Tên biến

Ký hiệu

Số quan sát

Giá trị nhỏ nhất

Giá trị lớn nhất

Giá trị trung bình

Độ lệch chuẩn

Biến phụ thuộc

Định hướng quốc tế hóa

INT

925

0

1

0,21

0,41

Nhóm biến chính thuộc năng lực công nghệ

Chứng nhận chất lượng quốc tế

CER

925

0

1

0,24

0,43

Sử dụng e-mail

EM

925

0

1

0,47

0,50

Sở hữu website

WEB

925

0

1

0,37

0,48

Đào lạo chính quy lao động

TR

925

0

1

0,12

0,33

Nhóm biến kiểm soát

Thuộc đặc điểm bên trong doanh nghiệp

Số năm hoạt động

AGE

925

2

95

21,13

11,42

Kinh nghiệm của người quản lý

EXP

925

1

50

15,93

8,46

Số lượng lao động

SIZE

925

2

7.000

169,56

459,84

Tổng doanh thu

TS

925

15

32

22,34

3,15

Thuộc đặc điểm bên ngoài doanh nghiệp

Quy định về hải quan và thương mại

REGU

925

0

1

0,17

0,37

Hệ thống tư pháp

ST

925

1

4

2,78

0,91

Nguồn: Số liệu điều tra của Ngân hàng Thế giới (2015)

 

Bảng 4. Ma trận tương quan

 

Trung bình

Độ lệch chuẩn

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)

(10)

(11)

(1) INT

0,21

0,41

1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

(2) CER

0,24

0,43

0,42**

1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

(3) EM

0,47

0,50

0,39**

0,46**

1

 

 

 

 

 

 

 

 

(4) WEB

0,37

0,48

0,41**

0,56**

0,69**

1

 

 

 

 

 

 

 

(5) TR

0,12

0,33

0,42**

0,36**

0,33**

0,34**

1

 

 

 

 

 

 

(6) SIZE

169,56

459,84

0,27**

0,38**

0,31**

0,35**

0,29**

1

 

 

 

 

 

(7) AGE

21,13

11,42

0,26**

0,32**

0,21**

0,25**

0,24**

0,15**

1

 

 

 

 

(8) EXP

15,93

8,46

-0,06ns

-0,02ns

-0,15**

-0,12**

-0,08*

-0,06*

0,42**

1

 

 

 

(9) TS

22,34

3,15

0,45**

0,59**

0,59**

0,59**

0,37**

0,38**

0,30**

-0,07*

1

 

 

(10) REGU

0,17

0,37

-0,05ns

0,09**

0,13**

0,16**

-0,03ns

0,12**

-0,02ns

-0,08**

0,01ns

1

 

(11) ST

2,78

0,91

-0,07*

0,01ns

0,00ns

0,03ns

-0,07*

0,03ns

0,06ns

0,00ns

-0,07*

0,22**

1

Ghi chú: (*) mức ý nghĩa 5%, (**) mức ý nghĩa 1%, (ns) không có ý nghĩa thống kê

Nguồn: Số liệu điều tra của Ngân hàng Thế giới (2015)

 

Bảng 5. Kết quả ước lượng mô hình hồi quy nhị phân Logistic

Tên biến

Mô hình 1

Mô hình 2

Mô hình 3

Mô hình 4

Hệ số

Dy/dx

Hệ số

Dy/dx

Hệ số

Dy/dx

Hệ số

Dy/dx

Hằng số

-6,089***

-

-5,178***

-

-4,844***

-

-4,940***

-

 

(0,889)

 

(0,916)

 

(0,929)

 

(0,953)

 

Nhóm biến chính thuộc năng lực công nghệ

Chứng nhận chất lượng quốc tế (CER)

1,064***

0,266

0,896***

0,224

0,775***

0,194

0,671***

0,168

 

(0,234)

 

(0,234)

 

(0,238)

 

(0,246)

 

Sử dụng e-mail (EM)

 

 

1,285***

0,321

1,013***

0,253

0,908***

0,227

 

 

 

(0,260)

 

(0,286)

 

(0,292)

 

Sở hữu website (WEB)

 

 

 

 

0,636 **

0,159

0,570 **

0,143

 

 

 

 

 

(0,265)

 

(0,272)

 

Đào tạo lao động (TR)

 

 

 

 

 

 

1,236***

0,309

 

 

 

 

 

 

 

(0,257)

 

Nhóm biến kiểm soát

Thuộc đặc điểm bên trong doanh nghiệp

Số năm hoạt động (AGE)

0,037***

0,009

0,032***

0,008

0,032***

0,008

0,027***

0,007

 

(0,009)

 

(0,009)

 

(0,009)

 

(0,009)

 

Số lượng lao động (SIZE)

0,000**

0,000

0,000*

0,000

0,000 ns

0,000

0,000ns

0,000

 

(0,000)

 

(0,000)

 

(0,000)

 

(0,000)

 

Tổng doanh thu (TS)

0,195***

0,049

0,122***

0,030

0,104***

0,026

0,100 **

0,025

 

(0,035)

 

(0,038)

 

(0,039)

 

(0,039)

 

Kinh nghiệm của quản lý (EXP)

-0,030 **

-0,008

-0,022*

-0,005

-0,020  ns

-0,005

-0,014 ns

-0,003

 

(0,012)

 

(0,012)

 

(0,012)

 

(0,013)

 

Thuộc đặc điểm môi trường bên ngoài doanh nghiệp

Hệ thống tư pháp (ST)

-0,173ns

-0,043

-0,166ns

-0,042

-0,175 ns

-0,044

-0,131 ns

-0,033

 

(0,106)

 

(0,106)

 

(0,106)

 

(0,108)

 

Quy định của hải quan và thương mại (REGU)

-0,621**

-0,155

-0,767***

-0,192

-0,860***

-0,215

-0,746**

-0,187

 

(0,285)

 

(0,285)

 

(0,287)

 

(0,291)

 

Tên biến

Mô hình 1

Mô hình 2

Mô hình 3

Mô hình 4

Hệ số

Dy/dx

Hệ số

Dy/dx

Hệ số

Dy/dx

Hệ số

Dy/dx

Các thông số của mô hình

N

925

925

925

925

Log likelihood

-357,53

-344,60

-341,72

-330,10

LR chi2

232,43

258,29

264,07

287,29

Prob > chi2

0,00

0,00

0,00

0,00

Pseudo R2

0,25

0,27

0,28

0,30

Mức độ chính xác

83,03%

83,78%

83,46%

84,32%

Ghi chú: (*) mức ý nghĩa 10%, (**) mức ý nghĩa 5%, (***) mức ý nghĩa 1%, (ns) không có ý nghĩa thống kê

Nguồn: Số liệu điều tra của Ngân hàng Thế giới (2015)

 

  1. Kết luận và hàm ý nghiên cứu

Kết quả nghiên cứu cho thấy tất cả các yếu tố phản ánh năng lực công nghệ như đạt chứng nhận chất lượng quốc tế, ứng dụng e-mail, website và đào tạo lao động có tác động tích cực đến định hướng quốc tế hóa của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chế tạo tại Indonesia. Nhân tố tổ chức đào tạo người lao động có hệ số tác động lớn nhất và tác động tích cực đến định hướng quốc tế hóa của các doanh nghiệp. Không chỉ riêng đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chế tạo tại Indonesia, hàm ý nghiên cứu còn khuyến khích các nhà quản lý của các doanh nghiệp nói chung nên chú trọng hơn về đầu tư cho nguồn nhân lực có chất lượng cao. Ngoài ra, thông tin liên lạc qua e-mail hoặc website là phương tiện liên lạc thông dụng và hữu hiệu nhất trong kinh doanh thời hiện đại. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc ứng dụng e-mail/website là một công cụ hữu hiệu trong tiếp thị quốc tế. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự khác biệt văn hóa và môi trường thể chế và luật pháp là hiện hữu thì việc sử dụng các công cụ này còn giúp các doanh nghiệp có thể vượt qua rào cản về văn hóa.

Sở hữu chứng nhận chất lượng quốc tế phản ánh năng lực công nghệ trong quy trình sản xuất, cũng như chất lượng sản phẩm mà doanh nghiệp tạo ra. Trong môi trường kinh doanh ngày nay, các loại giấy chứng nhận này được xem như là giấy thông hành để xâm nhập vào thị trường thế giới. Do đó, các nhà quản trị nói chung và các nhà quản trị của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chế tạo tại Indonesia nói riêng, nên chú trọng cải tiến quy trình sản xuất theo hướng đạt chuẩn quốc tế thì mới có thể gia tăng sức mạnh cạnh tranh và đứng vững trên thị trường toàn cầu./.

 


 

Tài liệu tham khảo

  1. Bennett, R. (1997). Export marketing and the internet: Experiences of web site use and perceptions of export barriers among UK businesses. International Marketing Review, 14(5), 324-
  2. Ciszewska-Mlinaric, M., & Mlinariè, F. (2010). Small firms in a small country: managerial factors, internationalization and performance of Slovenian SMEs. Managing Global Transitions, 8(3), 239.
  3. Chetty & Hamilton (1993). Firm-Level Determinants of Export Performance: A Meta-Analysis. International Marketing Review, Volume 10, pp. 26-34.
  4. Chetty, S. K., & Stangl, L. M. (2010). Internationalization and innovation in a network relationship context. European Journal of Marketing, 44(11/12), 1725-1743.
  5. Global Business Guide Indonesia (2012). Overview of the Manufacturing Sector. [Online]
    Available at: http://www.gbgindonesia.com/en/manufacturing/article/2011/overview_of_the_manufacturing_sector.php [Accessed 18 August 2016].
  6. Gemunden, H. G. (1991). Success factors of export marketing: A meta-analytic critique of the empirical studies. New perspectives on international marketing, Routledge, London, 33-62.
  7. Héctor Alberto Botello (2014). Conditions and Determinants of the Internationalization of Latin American Industrial Enterprises. Centro de Investigación de la Universidad del Pacífico, 75(0252-1865), pp. 47-78.
  8. Hitt, M. A., Bierman, L., Uhlenbruck, K., & Shimizu, K. (2006). The importance of resources in the internationalization of professional service firms: The good, the bad, and the ugly. Academy of Management Journal, 49(6), 1137-1157.
  9. L.D Lamprecht M.Com (2011). A comparison of the characteristics of internationalising SMEs in South Africa and the BRIC countries, s.l.: s.n.
  10. Jeremy Wilcomb (2012). How an employee training and development program can help your company. [Online] Available at: http://www.danielgroupus.com/how-an-employee-training-and-development-program [Accessed 21 October 2016].
  11. Jose P. M. Vargas (2015). Identifying Binding Constraints to Growth: Does Firm Size Matter?, l.: International Monetary Fund.
  12. Johanson, J., & Vahlne, J. E. (1977). The internationalization process of the firm - A model of knowledge development and increasing foreign market commitments, Journal of International Business Studies, 8 (1), 23-32.
  13. Kylläheiko K., A. Jantunen, K. Puumalainen, S. Saarenketo, & A. Tuppura. (2011). Innovation and internationalization as growth strategies: The role of technological capabilities and appropriability. International Business Review, 20: 508–520.
  14. Lecerf, M. A. (2012). Internationalization and innovation: the effects of a strategy mix on the economic performance of French SMEs. International Business Research, 5(6), 2.
  15. Love, J. H., & Ganotakis, P. (2013). Learning by exporting: Lessons from high-technology SMEs. International Business Review, 22(1), 1-17.
  16. López, R. & García, R. (2005). Technology and export behaviour: A resource-based view approach. International Business Review, Volume 14(5), pp. 539-557.
  17. Nurazwa Ahmad, Norezam Othman, & Halim Mad Lazim. (2012). A review of technological capability in Malaysianmanufacturing sector. Melaka - Malaysia, University Utara Malaysia.
  18. Prasad, V. K., Ramamurthy, K., & Naidu, G. M. (2001). The influence of internet-marketing integration on marketing competencies and export performance. Journal of International Marketing, 9(4), 82-110.
  19. Roper, S. & Love, J. (2002). Innovation and export performance: evidence from the UK and German manufacturing plants. Research Policy, Volume 31(7), pp. 1087-1102.
  20. Rosenbusch, N., Brinckmann, J., & Bausch, A. (2011). Is innovation always beneficial? A meta-analysis of the relationship between innovation and performance in SMEs. Journal of business Venturing, 26(4), 441-457.
  21. Reuber, A. R., & Fischer, E. (1997). The influence of the management team's international experience on the internationalization behaviors of SMEs. Journal of International Business Studies, 807-825.
  22. Teece, D. J. (2007). Explicating dynamic capabilities: the nature and microfoundations of (sustainable) enterprise performance. Strategic management Journal, 28(13), 1319-1350.
  23. Williams, A. M., & Shaw, G. (2011). Internationalization and innovation in tourism. Annals of Tourism Research, 38(1), 27-51.

 

[1] Trường Đại học Cần Thơ, Email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó.

[2] Trường Đại học Cần Thơ, Email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó.

[3] Nguồn số liệu: http://www.enterprisesurveys.org/data/exploreeconomies/2015/indonesia