Sidebar

Magazine menu

19
T6, 04

Tạp chí KTĐN số 93

NHU CẦU ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO TỈNH QUẢNG NINH VÀ KHẢ NĂNG ĐÁP ỨNG CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI THƯƠNG

NHU CẦU ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO TỈNH QUẢNG NINH VÀ KHẢ NĂNG ĐÁP ỨNG CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI THƯƠNG

Nguyễn Ngọc Lan

Tóm tắt

Bài viết tìm hiểu nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Quảng Ninh, khả năng đáp ứng của trường ĐHNT, từ đó, đưa ra một số đề xuất tiếp tục đổi mới công tác đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Quảng Ninh.
Từ khóa: Nguồn nhân lực chất lượng cao, Nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Quảng Ninh, Khả năng đáp ứng của trường ĐHNT.
Mã số: 387 | Ngày nhận bài: 20/4/2017 | Ngày hoàn thành biên tập: 28/4/2017 |Ngày duyệt đăng: 28/4/2017
Summary
The article explores the need for high-quality human resources training in Quang Ninh province, the capacity of the Foreign Trade University, and offers a number of recommendations to further improve the curriculum to meet the demand for high-quality human resources for Quang Ninh province.
JEL classification:
Key words: High quality human resource, Demand for High-quality human resource training in Quang Ninh province, Capacity of FTU.
Paper No.387 | Date of receipt: 20/4/2017| Date of revision: 28/4/2017 | Date of approval: 28/4/2017

1. Quan niệm về nguồn nhân lực chất lượng cao

Nguồn nhân lực là tổng thể các tiềm năng lao động của một tổ chức, một địa phương, một quốc gia trong thể thống nhất hữu cơ năng lực xã hội (thể lực, trí lực, nhân cách) và tính năng động xã hội của con người thuộc các nhóm đó, nhờ tính thống nhất mà nguồn lực con người biến thành nguồn vốn con người đáp ứng yêu cầu phát triển [3].
Khi bàn về khái niệm nguồn nhân lực, người ta thường đề cập đến nguồn nhân lực chất lượng cao (NNLCLC). Đặc biệt khi một quốc gia chuyển sang nền kinh tế dựa trên tri thức là chủ yếu cùng với xu thế hội nhập toàn cầu hóa thì NNLCLC được coi là một trong những yếu tố giữ vai trò quyết định trong phát triển kinh tế - xã hội.
Vậy thế nào là NNLCLC? Cho đến nay, quan niệm và các tiêu chí để đánh giá NNLCLC chưa có sự thống nhất, còn có những cách hiểu khác nhau. . Cách thứ nhất tiếp cận dưới giác độ định tính,cho rằng NNLCLC là bộ phận lao động có khả năng đáp ứng những yêu cầu phức tạp của công việc giúp tạo ra năng suất và hiệu quả cao trong công việc. Cách thứ hai tiếp cận dưới giác độ định lượng, cho rằng NNLCLC là những người lao động có trình độ chuyên môn đã qua đào tạo, có bằng cấp. Nhìn chung, cả hai cách hiểu đều có những hạn chế nhất định. Cách hiểu định tính gây khó khăn trong việc xác định NNLCLC về mặt thống kê và quản lý. Cách hiểu về định lượng sẽ loại những nghệ nhân, những người có khả năng đặc biệt, sáng tạo, làm được những công việc phức tạp nhưng lại không qua trường lớp đào tạo. Và trên thực tế, không phải người lao động nào được đào tạo cũng đáp ứng được các yêu cầu công việc tương ứng với trình độ được đào tạo.
Ngoài ra khi bàn về quan niệm NNLCLC, nhiều tác giả không chỉ đề cập đến trình độ chuyên môn, kỹ năng của nguồn nhân lực mà còn coi trọng sức khỏe, thái độ, ý thức, đạo đức, phẩm chất của NNLCLC.
Kế thừa các công trình nghiên cứu về NNLCLC, đồng thời, để đáp ứng mục tiêu của công trình nghiên cứu nhằm đánh gía khả năng đáp ứng nhu cầu đào tạo NNLCLC cho tỉnh Quảng Ninh của trường Đại học Ngoại thương (ĐHNT), bài viết tiếp cận NNLCLC dưới góc độ kết hợp cả định tính và định lượng. Theo đó, “Nguồn nhân lực chất lượng cao là bộ phận tinh hoa, chất lượng nhất của nguồn nhân lực, bao gồm những người được đào tạo từ trình độ cao đẳng trở lên, có kiến thức chuyên môn, kỹ năng, phẩm chất, sức khỏe cần thiết, có năng lực sáng tạo, có khả năng giải quyết các vấn đề thực tiễn, đóng góp thiết thực, hiệu quả vào sự phát triển bền vững của cộng đồng, của nền kinh tế - xã hội”.

2. Nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Quảng Ninh

Tỉnh Quảng Ninh là địa phương nằm trong tam giác tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Do đó, NNLCLC có vai trò đặc biệt quan trọng cho sự phát triển nhanh, mạnh, bền vững kinh tế - xã hội của địa phương. Tỉnh Quảng Ninh đã xác định nguồn nhân lực là một trong ba “điểm nghẽn” cần được khắc phục trước mắt cũng như phải được giải quyết lâu dài và triệt để.
Để xác định nhu cầu đào tạo NNLCLC cho tỉnh Quảng Ninh, bài viết sử dụng nguồn tư liệu trong Đề án Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh năm 2014.

2.1. Nhu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao về trình độ chuyên môn

- Nhu cầu theo bậc đào tạo ở các lĩnh vực, ngành nghề chủ yếu
Động lực phát triển của nền kinh tế Quảng Ninh là 03 lĩnh vực chia thành 11 ngành kinh tế trọng điểm: lĩnh vực Dịch vụ (Vận tải - Kho bãi, ngành Thông tin và Truyền thông, ngành Bán buôn - bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác, ngành Dịch vụ lưu trú và ăn uống, ngành Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm và ngành Giáo dục Đào tạo); lĩnh vực Công nghiệp - Xây dựng (sản xuất, phân phối điện, nước nóng và khí đốt, hơi nước và điều hòa không khí, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành khai khoáng); lĩnh vực Nông nghiệp (nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản). Những ngành này sẽ đóng góp 95% GDP của Quảng Ninh đến năm 2020[12]. Trong đó, các ngành trong lĩnh vực dịch vụ đóng góp 51-52% GRDP; công nghiệp – xây dựng đóng góp 45-46%, nông nghiệp đóng góp 3-4% [13].
Với kì vọng tăng trưởng GDP trong các ngành kinh tế và mức tăng năng suất lao động, đòi hỏi đến năm 2020, nhân lực của tỉnh Quảng Ninh phải tăng cả về số lượng lao động cũng như nâng cao trình độ, kỹ năng của người lao động.
Về số lượng lao động, sự gia tăng chủ yếu là từ lĩnh vực dịch vụ với khoảng 385.000 lao động năm 2020 so với mức 218.000 lao động năm 2013 (tăng 167.000 người). Tiếp theo là lĩnh vực Công nghiệp và Xây dựng, sẽ tăng lên khoảng 300.000 người năm 2020 so với mức 198.000 người năm 2013 (tăng 102.000 người). Ngược lại, lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản sẽ giảm đi, chỉ còn khoảng 186.000 lao động năm 2020 so với mức 234.000 lao động năm 2013[12].
Về trình độ đào tạo, đến năm 2020, nhu cầu nhân lực bậc đào tạo cao đẳng, đại học, sau đại học trong 03 lĩnh vực vào khoảng 107.460 người. Trong đó, bậc đào tạo đại học và sau đại học khoảng 25.670 người, bậc cao đẳng khoảng 81.790 người[12]. Biểu đồ 1 cho thấy nhu cầu các bậc đào tạo trong mỗi lĩnh vực như sau:
Biểu đồ 1. Nhu cầu đào tạo hệ chuyên nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp – xây dựng, nông nghiệp
Đơn vị: Người
Nguồn: Đề án Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Quảng ninh đến năm 2020
- Nhu cầu đào tạo theo các nhóm công việc
Cơ cấu theo nhóm công việc trong tỉnh Quảng Ninh được dự báo thay đổi theo hướng giảm dần nhóm công việc đòi hỏi trình độ thấp, sang nhóm công việc đòi hỏi trình độ cao hơn. Cụ thể những nhóm công việc tay nghề cao như nhóm quản lý, chuyên viên và kỹ thuật viên sẽ tăng từ 26% năm 2013 lên 32% năm 2020; trong khi đó bộ phận lao động làm nhóm công việc sơ cấp, phần lớn là các lao động không được đào tạo sẽ giảm dần từ 26% năm 2013 xuống còn 16% năm 2020[12]. Biểu đồ 2 cho thấy nhu cầu lao động được đào tạo hệ chuyên nghiệp theo các nhóm công việc tới năm 2020 như sau:
Biểu đồ 2. Nhu cầu lao động được đào tạo (hệ chuyên nghiệp) theo các nhóm công việc tới năm 2020
Đơn vị: Người

Nguồn: Đề án Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Quảng ninh đến năm 2020

2.2.2. Nhu cầu đào tạo theo kỹ năng

Theo kết quả nghiên cứu của Đề án Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, có 08 kỹ năng quan trọng được áp dụng trong các ngành kinh tế trọng điểm ở tỉnh Quảng Ninh. Trong số các kỹ năng cần thiết cho người lao động, chiếm tỷ lệ tuyệt đối ở tất cả các ngành là kỹ năng mềm nơi làm việc, sau đó là kỹ năng tin học, ngoại ngữ... Bảng 1 cho thấy các mức độ về kỹ năng như sau :
Bảng 1. Các kỹ năng cần thiết của người lao động trong từng ngành kinh tế trọng điểm

Nguồn: Đề án Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Quảng ninh đến năm 2020

3. Khả năng đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Quảng Ninh của trường Đại học Ngoại thương và một số đề xuất
3.1. Những thuận lợi và khó khăn trong đáp ứng nhu cầu đào tạo NNLCLC cho tỉnh Quảng Ninh của trường ĐHNT
3.1.1. Những thuận lợi trong đào tạo NNLCLC cho tỉnh Quảng Ninh của Trường ĐHNT

Được thành lập từ năm 1960, Trường ĐHNT là cơ sở đi đầu về đào tạo NNLCLC đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Do đó, Nhà trường có một số thuận lợi trong đào tạo NNLCLC cho tỉnh Quảng Ninh như sau:
Một là, trường ĐHNT có khả năng đáp ứng nhu cầu đào tạo NNLCLC cho tỉnh Quảng Ninh về các kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ trong lĩnh vực dịch vụ hội nhập kinh tế quốc tế.

Trường ĐHNT là trường đào tạo NNLCLC trong lĩnh vực dịch vụ. Hiện tại, Trường đang đào tạo 11 ngành ở trình độ đại học với 23 chương trình đào tạo, trong đó gồm: 02 chương trình tiên tiến (Kinh tế đối ngoại, Quản trị kinh doanh quốc tế), 04 chương trình chất lượng cao (Kinh tế đối ngoại, Quản trị kinh doanh quốc tế, Kinh tế quốc tế, Ngân hàng và tài chính quốc tế), 17 chương trình đại trà (Kinh tế đối ngoại, Thương mại quốc tế, Kinh tế quốc tế, Kinh tế và phát triển quốc tế, Kinh doanh quốc tế, Quản trị kinh doanh quốc tế, Quản trị du lịch và khách sạn, Thương mại điện tử, Kế toán – Kiểm toán, Kế toán – Kiểm toán định hướng nghề nghiệp ACCA, Tài chính quốc tế, Ngân hàng và tài chính quốc tế, Phân tích và đầu tư tài chính, Luật Thương mại quốc tế, Tiếng Anh thương mại, Tiếng Pháp thương mại, Tiếng Nhật thương mại, Tiếng Trung thương mại). Trình độ sau đại học có 06 chương trình đào tạo thạc sỹ (Quản trị kinh doanh, Kinh tế quốc tế, Tài chính – Ngân hàng, Chính sách và Luật Thương mại quốc tế, Kinh doanh thương mại, Điều hành kinh doanh cao cấp); 02 chương trình đào tạo tiến sỹ (Quản trị kinh doanh, Kinh tế quốc tế) và các chương trình liên kết đào tạo trình độ đại học, thạc sỹ với nước ngoài [10].
Các chương trình đào tạo của Trường đều được xây dựng chuẩn đầu ra trên cơ sở đáp ứng nhu cầu người học và các đơn vị sử dụng lao động về trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng. Kết quả khảo sát ý kiến của sinh viên, học viên cao học tốt nghiệp cho thấy các kiến thức, ngoại ngữ, kỹ năng được Nhà trường đào tạo là hữu ích cho công việc của người học sau khi tốt nghiệp[9].
Cùng với việc chú trọng xây dựng chương trình đào tạo, Nhà trường luôn coi trọng đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng hiện đại, lấy người học làm trung tâm. Các giảng viên ngoài việc cung cấp kiến thức chuyên môn và các kỹ năng nghề nghiệp còn góp phần vào việc rèn luyện cho người học năng lực làm việc độc lập, sáng tạo, làm việc nhóm, khả năng thuyết trình... Ngoài ra, các kỹ năng này còn được rèn luyện thông qua các hoạt động ngoại khóa do các Khoa, các Câu lạc bộ sinh viên tổ chức hàng năm. Đây là những kỹ năng mềm rất quan trọng của người lao động đã được Nhà trường rèn luyện trong quá trình đào tạo. Vì vậy, các đơn vị sử dụng lao động đánh giá cao năng lực chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng nghề nghiệp, tính năng động, sáng tạo của sinh viên trường ĐHNT.
Như vậy, có thể khẳng định Trường ĐHNT có khả năng đào tạo người học đầy đủ cả về kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm, ngoại ngữ, đáp ứng nhu cầu đào tạo NNLCLC nói chung, cho tỉnh Quảng Ninh nói riêng trong lĩnh vực dịch vụ hội nhập kinh tế quốc tế.
Hai là, trường ĐHNT có cơ sở đào tạo tại thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh là yếu tố thuận lợi cho việc triển khai các chương trình đào tạo của Nhà trường trên địa bàn Tỉnh.
Trường Đại học Ngoại thương Cơ sở Quảng Ninh được thành ngày 01/11/2009 theo Quyết định số 957QĐ-ĐHNT-TCHC ngày 30/10/2009, trên cơ sở trường Trung học Nông Lâm Ngư nghiệp do tỉnh Quảng Ninh chuyển giao theo Quyết định số 2765/QĐ-UBND ngày 10/9/2009 của UBND tỉnh Quảng Ninh. Hiện nay, Cơ sở Quảng Ninh có 34 giảng viên, cán bộ, viên chức và người lao động, trong đó, có 01 tiến sỹ, 06 thạc sỹ, 14 cử nhân.
Cơ sở Quảng Ninh thực hiện đào tạo hệ đại học chính quy, hệ đại học bằng 2, vừa làm vừa học và cao học. Về chuyên ngành đào tạo, Cơ sở có 03 chuyên ngành đào tạo hệ chính quy (Quản trị du lịch và khách sạn, kế toán, kinh doanh quốc tế); 04 chuyên ngành đào tạo hệ đại học vừa học vừa làm (Quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính ngân hàng, kinh tế đối ngoại); 03 chương trình đào tạo cao học (kinh doanh cao cấp, luật kinh tế, quản trị kinh doanh Meiho liên kết với Đài Loan). Trong các chương trình đào tạo của Nhà trường tại Quảng Ninh, chương trình Kinh doanh quốc tế ở bậc đại học và chương trình Kinh doanh cao cấp EMBA ở bậc cao học là các chương trình có thế mạnh vì đây là chuyên ngành duy nhất chỉ có Cơ sở Quảng Ninh đào tạo trong hệ thống các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Tỉnh.
Ba là, thương hiệu trường ĐHNT được xã hội đánh giá cao tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên kết, hợp tác giữa Nhà trường với các đối tác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Do chất lượng đào tạo và thương hiệu của trường ĐHNT được xã hội đánh giá cao nên nhìn chung các đối tác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh mong muốn được liên kết, hợp tác đào tạo với Nhà trường. Năm 2016, trường ĐHNT và trường Đại học Hạ Long đã ký kết thỏa thuận hợp tác về việc hỗ trợ, trao đổi nguồn nhân lực, hợp tác triển khai các chương trình, dự án về đào tạo, nghiên cứu khoa học, kiểm tra, khảo thí, phối hợp triển khai các chương trình, dự án về đào tạo thạc sỹ, nghiên cứu sinh... Nhà trường cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với Tổng Công ty Đông Bắc, trong đó, Trường ĐHNT sẽ xây dựng nội dung, chương trình đào tạo phù hợp, nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Tổng Công ty, đồng thời, Tổng Công ty cũng tạo điều kiện đưa cán bộ có trình độ và kinh nghiệm thực tiễn của mình tham gia giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, đóng góp có hiệu quả cho quá trình đào tạo của Nhà trường. Bên cạnh đó, Trường cũng đã ký kết hợp tác và đang triển khai đào tạo hệ cao học cho một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

3.1.2. Những khó khăn trong đào tạo NNLCLC cho tỉnh Quảng Ninh của trường ĐHNT

Việc đáp ứng nhu cầu đào tạo NNLCLC cho tỉnh Quảng Ninh còn gặp một số khó khăn chủ yếu sau:
Một là, chuyên ngành đào tạo của Trường ĐHNT còn chưa đa dạng, phong phú nên chỉ đáp ứng được một số ít nhu cầu đào tạo NNLCLC cho tỉnh Quảng Ninh trong lĩnh vực dịch vụ, các chương trình đào tạo chưa được kiểm định quốc tế.
Nhu cầu đào tạo NNLCLC của tỉnh Quảng Ninh trong lĩnh vực dịch vụ rất lớn và đa dạng ở nhiều ngành nghề trong khi trường ĐHNT chỉ có khả năng đáp ứng một số ít ngành đào tạo. So với trường Đại học Kinh tế Quốc dân, các ngành, chuyên ngành đào tạo của trường ĐHNT có số lượng ít hơn và không có sự khác biệt nhiều nên có ít lợi thế (trường Kinh tế Quốc dân hiện có 16 ngành với 48 chuyên ngành đào tạo). Năm 2015, tỉnh Quảng Ninh đã ký chương trình hợp tác đào tạo với trường Kinh tế Quốc dân về đào tạo nguồn nhân lực đại học, sau đại học cho Tỉnh trong ở các chuyên ngành đào tạo. Đồng thời, Trường Kinh tế Quốc dân hỗ trợ trường Đại học Hạ Long bồi dưỡng giảng viên, chuyển giao chương trình đào tạo, giáo trình và cử giảng viên tham gia giảng dạy chuyên ngành du lịch, tiếng Anh; phối hợp với trường Đại học Hạ Long tổ chức đào tạo sau đại học.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh cũng đã ký thỏa thuận hợp tác đào tạo đại học và sau đại học với trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội về đào tạo trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, quản lý tài nguyên biển đảo.
Bên cạnh đó, hiện nay các chương trình đào tạo của Nhà trường chưa được kiểm định, đánh giá ngoài của các tổ chức quốc tế cũng làm ảnh hưởng đến việc công nhận chất lượng đào tạo của Trường đạt trình độ quốc tế. Quan trọng hơn cả là thông qua hoạt động kiểm định, đánh giá ngoài của các tổ chức quốc tế, Nhà trường sẽ phải đặt mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo đạt chuẩn quốc tế.
Hai là, hiệu quả công tác quảng bá, tuyên truyền các chương trình đào tạo chưa cao nên các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh chưa hiểu rõ chương trình đào tạo của Nhà trường
Trong thời gian qua, Nhà tường cũng đã triển khai các hoạt động quảng bá, giới thiệu chương trình đào tạo của Nhà trường tới các đơn vị sử dụng lao động, các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nhưng hiệu quả chưa cao. Việc quảng bá giới thiệu triển khai chủ yếu mới chỉ tập trung cho hệ đào tạo đại học chính quy, còn các chương trình đào tạo sau đại học, đào tạo ngắn hạn chưa được chú trọng nhiều. Hơn nữa, việc quảng bá, giới thiệu các chương trình đào tạo của Nhà trường còn rời rạc, thiếu chuyên nghiệp, mờ nhạt, chưa được xây dựng bài bản, thiếu chiến lược marketting nên chất lượng và hiệu quả cho việc giới thiệu các chương trình đào tạo và nhận diện thương hiệu ĐHNT còn chưa tương xứng với tiềm năng của Nhà trường, chưa tạo ra lợi thế nổi bật về chương trình đào tạo của Trường so với các trường đại học khác.
Ba là, cơ sở Quảng Ninh trường ĐHNT còn gặp nhiều khó khăn trong thu hút người học nên việc đáp ứng nhu cầu đào tạo NNLCLC cho tỉnh Quảng Ninh còn hạn chế
Cơ sở Quảng Ninh trường ĐHNT đã đi vào hoạt động được 07 năm nhưng đến nay việc thu hút người học vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hệ đào tạo cao học tại Cơ sở Quảng Ninh đã phải tạm ngừng tuyển sinh trong 02 năm học 2014-2015, 2015-2016, nhưng năm học 2016-2017 đã tuyển sinh trở lại. Hệ đào tạo đại học chính quy chuyên ngành Quản trị du lịch khách sạn và hệ đào tạo cao đẳng chuyên ngành Quản trị kinh doanh quốc tế cũng tạm ngừng đào tạo từ năm học 2015-2016 do số lượng người học ngày càng ít ở các chuyên ngành này.
Bảng 2. Số lượng tuyển sinh học viên, sinh viên tại Cơ sở Quảng Ninh

Nguồn: Ban Quản lý đào tạo và CTSV Cơ sở Quảng Ninh

Bảng 2 cho thấy, số lượng sinh viên chính quy có xu hướng giảm dần. Nguyên nhân chủ yếu là điểm tuyển sinh đầu vào hệ đại học tương đối cao trong khi môi trường học tập, sinh hoạt tại Cơ sở Quảng Ninh chưa tốt, di chuyển đến các khu trung tâm kém thuận lợi. Ngoài ra, Cơ sở Quảng Ninh trường ĐHNT còn chịu sức ép khi ở sát cạnh trường Đại học Hạ Long – trường trực thuộc tỉnh Quảng Ninh nên nhận được nhiều ưu đãi của Tỉnh. Trường Đại học Hạ Long hiện có các hệ đào tạo từ cao đẳng đến sau đại học và có những chuyên ngành đào tạo giống trường ĐHNT. Để nâng cao chất lượng đào tạo, trường Đại học Hạ Long đã liên kết với các trường đại học có uy tín trong nước và nước ngoài. . Do đó, việc thu hút sinh viên vào trường Đại học Hạ Long đang có phần hấp dẫn hơn vào trường Đại học Ngoại thương Cơ sở Quảng Ninh do người học tại trường Đại học Hạ Long được ưu đãi về học phí, học bổng, cơ sở vật chất phục vụ học tập và sinh hoạt khang trang, được ưu tiên sắp xếp việc làm khi ra trường…
Đối với hệ đào tạo Thạc sỹ, việc tuyển sinh vẫn tương đối ổn định (trừ 02 năm phải tạm ngừng đào tạo do nguyên nhân khách quan về kỹ thuật). Hệ đào tạo hệ vừa học vừa làm cấp bằng đại học bị giảm xuống mạnh do nhu cầu của xã hội đối với loại hình đào tạo này giảm sút.

3.2. Một số đề xuất nhằm tăng cường đáp ứng nhu cầu đào tạo NNLCLC tỉnh Quảng Ninh của trường ĐHNT

Một là, tăng cường hoạt động quảng bá, tuyên truyền các chương trình đào tạo của trường ĐHNT cho các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội và doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh, đồng thời, đẩy mạnh việc ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo với các đối tác trên địa bàn Tỉnh.
Thực tế cho thấy nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng NNLCLC về trình độ chuyên môn và kỹ năng ở các bậc đào tạo hệ đại học, sau đại học và đào tạo ngắn hạn của tỉnh Quảng Ninh từ nay đến năm 2020, 2030 là rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay đã có một số cơ sở thực hiện đào tạo NNLCLC trong lĩnh vực dịch vụ cho Tỉnh. Do vậy, để đẩy mạnh hoạt động đào tạo NNLCLC cho Tỉnh, trước hết, Nhà trường cần tăng cường hoạt động quảng bá, tuyên truyền các chương trình đào tạo hệ dài hạn đại học, sau đại học, và đào tạo ngắn hạn của trường ĐHNT cho các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội, các doanh nghiệp, các trường học phổ thông trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Đặc biệt, chú trọng đến các chương trình đào tạo bậc sau đại học và bồi dưỡng ngắn hạn các kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ là các chương trình trực tiếp phục vụ đào tạo NNLCLC cho các đối tượng hiện đang công tác, làm việc trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Sử dụng các hình thức tuyên truyền, quảng bá bằng cả hình thức online lẫn offline. Đặc biệt, trong thời đại của cách mạng 4.0, việc chủ động xây một chiến lược marketing online là sự lựa chọn tất yếu để quảng bá thương hiệu đạt hiệu quả cao và hạ thấp chi phí.
Đồng thời với việc tăng cường công tác quảng bá, tuyên truyền, Nhà trường cần nhanh chóng đẩy mạnh việc ký kết các thỏa thuận hợp tác đào tạo với các đối tác trên địa bàn Tỉnh. Trước hết, là ký kết thỏa thuận với cấp chính quyền cao nhất -Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, ký kết với các Hiệp hội, với các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước trên địa bàn Tỉnh.
Hai là, đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình đào tạo và xây dựng mới thêm chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu đào tạo NNLCLC cho tỉnh Quảng Ninh, thực hiện kiểm định chất lượng quốc tế các chương trình đào tạo.
Các chương trình đào tạo của trường ĐHNT luôn được xã hội đánh giá cao trong thời gian qua. Tuy nhiên, để tiếp tục giữ vững uy tín và thương hiệu, Nhà trường cần nhanh chóng đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu cao của thị trường lao động trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, đồng thời, cần nhanh chóng thực hiện kiểm định chất lượng quốc tế đối với các chương trình đào tạo nhằm tạo sự khác biệt và đẳng cấp quốc tế về chất lượng đào tạo của Nhà trường.
Các chương trình đào tạo sau đại học cần được tiếp tục đổi mới, hoàn thiện trên cơ sở lấy ý kiến đóng góp của người học và các đơn vị sử dụng lao động tỉnh Quảng Ninh (kinh doanh cao cấp EMBA, Luật Kinh tế). Bên cạnh đó, Nhà trường cũng cần nhanh chóng nghiên cứu xây dựng mới thêm chương trình đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động ngày càng gia tăng của tỉnh Quảng Ninh trong lĩnh vực dịch vụ như: logicstic, kinh tế xanh, kinh tế biển đảo... Đây là những ngành nghề tỉnh Quảng Ninh còn rất thiếu và có nhu cầu đào tạo lớn đào tạo NNLCLC. Trường ĐHNT có khả năng đáp ứng nhu cầu này vì Nhà trường đã triển khai đào tạo các môn học này trong nhiều năm qua (Logistic và vận tải quốc tế, kinh tế môi trường...).
Đối với bậc đào tạo đại học, Nhà trường nên tiếp tục đào tạo chuyên ngành Quản trị khách sạn du lịch vì đây là ngành có nhu cầu rất lớn ở tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, cần đổi mới chương trình đào tạo hướng đến nhu cầu phục vụ du lịch và khách sạn cao cấp đạt trình độ quốc tế, trong đó, tăng thêm thời lượng học tiếng Anh chuyên về du lịch và khách sạn, về tâm lý khách hàng, tăng cường kỹ năng nghiệp vụ, kỹ năng mềm đáp ứng nhu cầu phục vụ dịch vụ cao cấp... Bên cạnh đó, chuyên ngành Kinh doanh quốc tế là thế mạnh của Cơ sở Quảng Ninh cũng cần được tiếp tục nâng cao và hoàn thiện hướng tới đáp ứng nhu cầu đào tạo NNLCLC phục vụ dịch vụ kinh doanh cao cấp đạt trình độ quốc tế.
Ba là, nghiên cứu phát triển cơ sở Quảng Ninh trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao trong lĩnh vực du lịch khách sạn, đào tạo kinh doanh cao cấp và logicstic đạt trình độ quốc tế nhằm cung cấp NNLCLC cho tỉnh Quảng Ninh và các địa phương lân cận.
Tỉnh Quảng Ninh xác định phát triển dịch vụ, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nên rất chú trọng đào tạo NNLCLC trong lĩnh vực này. Do đó, việc trường ĐHNT lựa chọn chuyên ngành đào tạo Quản trị du lịch khách sạn, Kinh doanh quốc tế và sắp tới mở thêm chuyên ngành đào tạo Logicstic tại cơ sở Quảng Ninh là rất phù hợp.
Để trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao, trước hết Cơ sở Quảng Ninh cần được hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập, sinh hoạt nhằm xây dựng môi trường hiện đại. Trường có thể nghiên cứu và áp dụng hình thức đầu tư công – tư trong giáo dục đào tạo. Theo đó, Nhà trường có thể thực hiện liên kết với một doanh nghiệp có thương hiệu, tiềm lực mạnh trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, khách sạn để nhanh chóng xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho học tập, thực hành các nghiệp vụ du lịch, khách sạn cao cấp, kinh doanh cao cấp, logicstic. Đồng thời, doanh nghiệp cùng tham gia vào xây dựng chương trình đào tạo và hoạt động đào tạo của Nhà trường.
Bốn là, đẩy mạnh chương trình đào tạo ngắn hạn nhằm đáp ứng nhu cầu bồi dưỡng kiến thức cho NNLCLC tỉnh Quảng Ninh.
Các chương trình đào tạo ngắn hạn là rất cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời - đang là xu thế của thời đại. Hiện nay, các Khoa của Nhà trường hiện đang triển khai một số chương trình đào tạo ngắn hạn bồi dưỡng kiến thức cho NNLCLC nhưng mới chủ yếu đáp ứng nhu cầu cho nguồn nhân lực tại Hà Nội, chưa đáp ứng được nhu cầu của các địa phương, trong đó có tỉnh Quảng Ninh. Trong bối cảnh các chương trình đào tạo vừa học vừa làm bậc đại học giảm xuống thì việc đẩy mạnh các chương trình đào tạo ngắn hạn để bồi dưỡng kiến thức cho nguồn nhân lực vừa học vừa làm là giải pháp cần thiết và mang tính khả thi. Do đó, Nhà trường nên nghiên cứu sắp xếp, củng cố về mặt tổ chức và nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo ngắn hạn để có thể đẩy mạnh việc đào tạo ngắn hạn cho đối tượng có nhu cầu bồi dưỡng kiến thức ở các địa phương trong đó có tỉnh Quảng Ninh.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Long Giao (2011), “Nguồn nhân lực chất lượng cao thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, Số 6 (154).
2. Nhật Hồng, Giáo dục đại học đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, http://dantri.com.vn, ngày 22/10/2016.
3. Đoàn Văn Khái (2005), Nguồn lực con người trong quá trình CNH, HĐH ở Việt Nam, Nxb Lý luận Chính trị, Hà Nội.
4. Lê Hữu Lập (2016), “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”, Báo Nhân dân điện tử, ngày 9/4/2016.
5. Nguyễn Phương Nga – Nguyễn Quý Thanh (2010), Giáo dục đại học: Đảm bảo, đánh giá và kiểm định chất lượng, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
6. Đường Vinh Sường (2014), Giáo dục đào tạo với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ta hiện nay, http://www.tapchicongsan.org.vn, ngày 4/12/2014.
7. Lê Thị Thu Thủy (2014), Nghiên cứu đề xuất nội dung hoàn thiện các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trường đại học Việt Nam, Đề tài NCKH cấp Bộ GD&ĐT, mã số: B2012-08-12.
8. Trần Văn Tùng, Lê Ái Lâm (1996), Phát triển nguồn nhân lực kinh nghiệm thế giới và thực tiễn nước ta, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
9. Trường ĐHNT, Báo cáo tự đánh giá của Trường ĐHNT, năm 2016.
10. Trường ĐHNT, Báo cáo kết quả khảo sát trường ĐHNT năm 2014.
11. Trường ĐHNT, Vấn đề phát triển NNLCLC trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Kỷ yếu Hội thảo khoa học khoa Lý luận Chính trị, 6/2017.
12. UBND tỉnh Quảng Ninh (2014), Đề án Đề án Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020.
13. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 2622/QĐ-Ttg ngày 31/12/2013 về Quy hoạch phát triển tổng thể kinh – tế xã hội tỉnh Quảng Ninh.