Sidebar

Magazine menu

28
T5, 03

Tạp chí KTĐN số 88

CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI HỆ SINH THÁI KHỞI NGHIỆP VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH TĂNG CƯỜNG HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

Trần Nguyên Chất[1]

Tóm tắt

Việt Nam ngày càng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng thông qua hàng loạt các hiệp định FTA (Free Trade Agreement) đã được ký kết và cả những hiệp định đang trong quá trình đàm phán. Một số hiệp định quan trọng mà Việt Nam tham gia gần đây có ảnh hưởng đến hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia còn đang trong quá trình hình thành và phát triển. Việc đánh giá thực trạng hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam cho thấy yếu tố luật pháp và cơ sở hạ tầng, vốn và tài chính, lao động và thị trường là những thành phần có ảnh hưởng mạnh nhất đến hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Bài viết chỉ ra những cơ hội và thách thức mà hội nhập kinh tế quốc tếcó thể mang đến cho hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam nhằm giúp các nhà chính sách, doanh nghiệp khởi nghiệp, nhà đầu tư và các tổ chức có liên quan trong việc định hướng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đón đầu những cơ hội và vượt qua những thách thức trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế mới.

Từ khóa: hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, hội nhập kinh tế quốc tế,cơ hội, thách thức

Abstract

Vietnam has been engaging deeply and widely in the international economic integration with many FTAs (Free Trade Agreements) signed or still in negotiation process. Some important agreements Vietnam has recently joined impact its start-up ecosystem on the process of formulating and developing. Assessing the current situation of Vietnam start-up ecosystem has said that the start-up ecosystem will be affected mostly on some components like law and infrastructure, financial capital, labor and markets in the context of the international economic integration. The paper aims to identify opportunities and challenges that the international economic integration shall bring to the start-up ecosystem in order to help policy makers, start-up companies, investors and relevant organizations to build Vietnam start-up ecosystem grabbing every opportunity and overcoming challenges in the new context of international economic integration.

Key words: startup ecosystem, Vietnam, international economic integration, opportunities, challenges

 

Trong vòng 10 năm trở lại đây, cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ, rộng khắp trên mọi phương diện, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đã đạt được những thành công đáng kể, đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng Việt Nam cũng dành ra không ít nỗ lực trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp nước nhà.

Trong xu hướng toàn cầu hóa kinh tế thế giới, Việt Nam đang phát triển quan hệ kinh tế đối ngoại với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ với mục tiêu tự do hóa thương mại. Năm 2015 được xem là năm thành công của ngoại giao Việt Nam khi kí kết hoặc kết thúc đàm phán hàng loạt hiệp định FTA quan trọng. Hiệp định Tự do hóa thương mại Việt Nam – Liên minh Châu Âu (European Union – Vietnam Free Trade Agreement - EVFTA) đã kết thúc quá trình đàm phán vào tháng 12/2015. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (The Trans-Pacific Partnership Pact - TPP) được ký kết ngày 04/02/2016, tại Auckland (New Zealand) giữa Việt Nam cùng với 11 quốc gia thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (Asia-Pacific Economic Cooperation - APEC). Hiệp định EVFTA, TPP cùng với 10 hiệp định FTA khác mà Việt Nam đã tham gia được đánh giá sẽ tạo nên nhiều sự thay đổi lớn đối với hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng khởi nghiệp.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam dường như vẫn đứng ngoài quá trình hội nhập của nền kinh tế hay chưa có sự quan tâm đầy đủ đến các hiệp định FTA lớn mà Việt Nam đàm phán và ký kết trong thời gian gần đây. Theo kết quả khảo sát dự án nghiên cứu “Nhận thức hội nhập kinh tế quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Phát triển giáo dục và Trường Doanh nhân PACE công bố ngày 28/12/2015 cho thấy 40,9% doanh nghiệp Việt Nam không quan tâm và không biết về TPP và 77,8% doanh nghiệp không nắm được các điều khoản cụ thể của TPP. Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho ra kết quả không mấy khả quan khi chỉ 12,5% số doanh nghiệp được khảo sát hiểu rõ về FTA và BIT, trong khi đến 55% doanh nghiệp chỉ hiểu tương đối về các hiệp định trên; một phần ba số doanh nghiệp hầu như không biết về các hiệp định FTA và BIT mà Việt Nam đã tham gia (ActionAid, 2015). Các nghiên cứu chuyên sâu liên quan đến hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam còn khá hạn chế. Vì vậy, các doanh nghiệp cũng như các tổ chức trong hệ sinh thái còn gặp khó khăn, thiếu định hướng phát triển chung và còn thiếu sự linh hoạt trong việc thay đổi để thích nghi với bối cảnh hội nhập mới.

  1. Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam

Khái niệm “hệ sinh thái khởi nghiệp” là một thuật ngữ còn khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng lại không quá mới đối với giới học thuật nước ngoài. Trong tác phẩm “Predators and Prey: A new Ecology of Competition” (James Moore, 1993) đã đề cập đến khái niệm “business ecosystem” (hệ sinh thái kinh doanh) bao gồm 4 giai đoạn phát triển: ra đời (Birth), mở rộng (Expansion), dẫn dắt (Leadership) và tự đổi mới (Self-Renewal) trong đó giai đoạn ra đời gắn liền với việc khởi nghiệp (Start-up) của doanh nghiệp. Start-up ecosystem (hệ sinh thái khởi nghiệp) là tập hợp các các tác nhân kinh doanh (tiềm năng và hiện tại) liên kết với nhau, các tổ chức kinh doanh (như các công ty, các nhà đầu tư mạo hiểm, các thiên thần đầu tư và các ngân hàng), các định chế (trường đại học, các cơ quan thuộc khu vực nhà nước, các thực thể tài chính) và các quá trình kinh doanh (như tỉ lệ thành lập doanh nghiệp, số các công ty tăng trưởng cao, mức độ “khởi nghiệp bom tấn”, số các doanh nhân khởi nghiệp liên tục (serial entrepreneur), mức độ tâm lí bán tháo (sellout mentality) trong công ty và mức độ tham vọng kinh doanh, tất cả hợp nhất chính thức và không chính thức để kết nối, giàn xếp và chi phối các hoạt động trong môi trường doanh nghiệp địa phương (Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, 2015, tr.4).

Khởi nghiệp cần sự phát triển đồng bộ và hiệu quả của nhiều yếu tố để phát triển bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững là nền tảng và động lực thúc đẩy khởi nghiệp phát triển. Theo “The Babson Entrepreneurship Ecosystem Project” (Daniel Isenberg, 2010), một hệ sinh thái khởi nghiệp bao gồm 6 thành phần chính: chính sách (Policy), tài chính (Finance), văn hóa (Culture), sự hỗ trợ (Supports), nguồn nhân lực (Human Capital), thị trường (Markets). Hằng năm, các báo cáo về khởi nghiệp toàn cầu như The Global Startup Ecosystem Report bởi Compass và Global Entrepreneur Monitor bởi Donna Kelley, Slavica Singer và Mike Herrington đã đánh giá hệ sinh thái khởi nghiệp của các quốc gia dựa trên bộ tiêu chí và đưa ra định hướng trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp.

Từ các công trình nghiên cứu kể trên cho thấy hệ sinh thái khởi nghiệp của một nước đang phát triển như Việt Nam có các thành phần quan trọng nhất gồm chính sách nhà nước, luật pháp và cơ sở hạ tầng, vốn và tài chính, văn hóa, huấn luyện viên và các tổ chức hỗ trợ và trường đại học. Các thành phần kể trên đều đóng vai trò nhất định trong hệ sinh thái khởi nghiệp nhưng đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, yếu tố chính sách nhà nước, pháp luật và cơ sở hạ tầng thường là rào cản đầu tiên doanh nghiệp vấp phải khi khởi nghiệp.

Sơ đồ minh họa các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp

Nguồn: tác giả tự tổng hợp

Ở Việt Nam, bài viết “Xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp: Vai trò của chính sách Chính phủ” của Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (2015) là một tài liệu tham khảo hữu ích trong lĩnh vực khởi nghiệp. Về chính sách hỗ trợ của Chính phủ, những chương trình và đề án hỗ trợ khởi nghiệp chỉ mới ra đời trong thời gian gần đây và chưa mang lại những hiệu quả cao. Nhiều dự án hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước hay nguồn vốn ODA chỉ mới chủ yếu cung cấp kinh phí. Vietnam Sillicon Valley năm 2013 và đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” đã đưa ra những giải pháp cụ thể hơn và chú trọng kết nối các thành phần hệ sinh thái.

Những thay đổi tích cực về yếu tố luật pháp sẽ góp phần xây dựng một khung pháp lí minh bạch, thu hút đầu tư cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, thủ tục hành chính rườm rà, những bất cập trong thực thi luật và vấn nạn tham nhũng vẫn còn tồn tại. Do vậy, khi các FTA thế hệ mới như EVFTA hay TPP có hiệu lực, cộng đồng doanh nghiệp kì vọng những chuyển biến tích cực trong quy định và thực thi pháp luật. Bên cạnh đó, hàng năm, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây mới và hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu rất lớn về vận chuyển hàng hóa trong và ngoài nước, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập, với mục tiêu thu hút nhiều đầu tư và giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vận hành, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Hiện nay, thách thức lớn nhất của khởi nghiệp Việt là vấn đề vốn và tài chính. Thực tế, mỗi năm, bình quân khoảng 10 doanh nghiệp Việt Nam sẽ nhận được đầu tư từ các quỹ đầu tư nước ngoài trong khi con số này là 300 ở Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ. Theo Topica Founder Institute (2016), Việt Nam nhận được 67 thương vụ đầu tưnăm 2015 so với 59 thương vụ tại Thái Lan – một nước có quy mô kinh tế không chênh lệch lớn. Điều đó cho thấy Việt Nam đang là điểm đến đáng tin cậy của các nhà đầu tư và là dấu hiệu đáng mừng cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam.

Về tinh thần khởi nghiệp, ngược lại với tinh thần cởi mở ở phương Tây, phần lớn người trưởng thành Việt Nam đều lo sợ thất bại khi khởi nghiệp. Vào giai đoạn hội nhập, cơ hội tiếp xúc với nền văn hóa phương Tây được kì vọng sẽ thúc đầy nền văn hóa khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ. Về giáo dục, theo Global Entrepreneur Monitor (2015), giáo dục kinh doanh trong nước ở bậc phổ thông đạt 2,5/9 và sau bậc phổ thông đạt 4,2/9 ở mức thấp so với trung bình thế giới. Hạn chế về giáo dục là nguyên nhân trực tiếp khiến nỗi lo sợ thất bại tăng cao và giảm mong muốn khởi nghiệp.

Điều không kém phần quan trọng là tính khả dụng của các dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động doanh nghiệp. Tuy nhiên, tại Việt Nam, những loại hình này chỉ mới được quan tâm trong vòng 5 năm trở lại đây. Một số vườn ươm tiêu biểu, như: “Vườn ươm doanh nghiệp trẻ” của Thành đoàn TP.HCM đã hoạt động được 5 năm; Silicon Valley Việt Nam được thành lập từ năm 2013 bởi Bộ Khoa học và Công nghệ và Chính phủ Việt Nam. Ngày 30/03/2016, Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam được thành lập để hỗ trợ các khởi nghiệp về công nghệ.

Là yếu tố tiên quyết cho sự thành công của hệ thống khởi nghiệp quốc gia, nhân lực nên được đầu tư đúng mức. Tại Việt Nam, không ít những doanh nhân trẻ đã thực hiện thành công những ý tưởng khởi nghiệp. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa được đánh giá cao, nhất là về trình độ, tác phong và kĩ năng mềm.

Cuối cùng, khả năng xâm nhập vào thị trường nội địa và quốc tế sẽ quyết định quy mô tăng trưởng của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Thị trường nội địa đã và đang thay đổi phù hợp với luật chơi quốc tế. Theo Global Entrepreneur Monitor (2015), thị trường nội địa Việt Nam được đánh giá khá hấp dẫn, thể hiện qua hai chỉ số quan trọng: (i) Mức năng động của thị trường nội địa đạt điểm 6,1/9 đứng thứ 11/62; (ii) Những rào cản và qui định gia nhập thị trường nội địa đứng thứ 26/62 với mức điểm 4,22/9. Những số liệu trên khuyến khích nhà khởi nghiệp tham gia vào thị trường Việt Nam.

  1. Cơ hội mang lại cho hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam

Thứ nhất, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng thúc đẩy hoàn thiện hệ thống luật pháp Việt Nam

Các hiệp định FTA thế hệ mới như TPP hay EVFTA thường đi kèm với mức độ tự do hóa sâu, phạm vi cam kết rộng và cả những cam kết về thể chế. Nội dung các hiệp định này thường yêu cầu áp dụng chính sách và luật đầu tư không phân biệt. Ví dụ Hiệp định TPP có những ràng buộc cụ thể hơn về những điều khoản Chuyển tiền, Thế quyền hay Đầu tư và môi trường, sức khỏe và các mục tiêu quản trị khác... sẽ đặt ra yêu cầu hoàn thiện luật đầu tư Việt Nam theo hướng chặt chẽ. Điều khoản Giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước (ISDS) của Hiệp định EVFTA và TPP là một điểm mới cần được xem xét. Về mặt tích cực, đây là một cú hích thúc đẩy hệ thống luật Việt Nam thay đổi theo chuẩn quốc tế và chuyển mình mạnh mẽ trong việc thực thi luật pháp nếu không muốn chịu thiệt thòi trong hội nhập quốc tế.

Về pháp luật lao động, Việt Nam là thành viên ILO (International Labor Organization) năm 1992. Tuy nhiên, chúng ta mới chỉ phê chuẩn các công ước số 29,100,111,138 và 182. Những công ước khác tuy được hứa hẹn là tôn trọng và thúc đẩy thực hiện nhưng vẫn chưa đạt được kết quả khả quan. Các hiệp định FTA thế hệ mới sẽ quy định những điều khoản chuẩn mực về lao động được bắt buộc, các nước vi phạm sẽ đối mặt những hình thức trừng phạt thương mại, từ đó sẽ thúc đẩy sự thay đổi của luật lao động Việt Nam, bắt buộc phải chứng minh sự tuân thủ chặt chẽ những nguyên tắc của ILO.

Về sở hữu trí tuệ, khi tham gia vào EVFTA và TPP, mức độ bảo hộ cho các sản phẩm trí tuệ tại Việt Nam sẽ cao hơn so với những quy định hiện nay. Bên cạnh những tài sản trí tuệ như quyền tác giả và quyền liên quan, nhãn hiệu, tên thương mại…, Việt Nam sẽ phải đưa ra cơ chế bảo hộ cho nhãn hiệu mùi, nhãn hiệu âm thanh và những sản phẩm trí tuệ đặc thù như dược phẩm, nông hóa phẩm. Hơn nữa, thời hạn bảo hộ đối với các sản phẩm trí tuệ sẽ tăng lên. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam siết chặt việc thực thi Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi năm 2009) thông qua những biện pháp xử phạt trách nhiệm hình sự cho những vi phạm quyền sở hữu trí tuệ mang tính thương mại và những cơ chế giám sát mới theo những quy định về việc giám sát những nhà cung cấp dịch vụ Internet nhằm ngăn chặn những nội dung vi phạm truyền qua mạng.

Thứ hai, hội nhập kinh tế quốc tế mang lại nhiều cơ hội để cải thiện cơ sở hạ tầng ở Việt Nam một điều kiện để phát triển khởi nghiệp

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng với 10 FTAs đã có hiệu lực và 2 FTAs đã ký kết (EVFTA và TPP) đã mang đến cho Việt Nam nhiều nhà đầu tư uy tín cao từ những nước thành viên ở nhiều lĩnh vực như giao thông, viễn thông, dịch vụ sân bay... Đây sẽ là cơ hội tốt để nước ta hợp tác đầu tư và có những cơ sở hạ tầng chất lượng phục vụ cho hoạt động kinh doanh nói chung và các hoạt động khởi nghiệp nói riêng. Bên cạnh đó, một số hiệp định có quy định về việc cam kết đảm bảo luồng thông tin và dữ liệu mang tính toàn cầu được lưu hành tự do cùng với việc cấm áp đặt các loại thuế xuất khẩu đối với việc truyền tin điện tử, chống phân biệt đối xử cũng như chống các hình thức giả mạo, bảo vệ quyền riêng tư như chương 14 về Thương mại điện tử của TPP. Những quy định này sẽ tạo động lực cho cơ sở hạ tầng công nghệ Việt Nam phát triển hơn cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp dễ dàng đưa dịch vụ của doanh nghiệp đến các thị trường nước ngoài và cạnh tranh công bằng trên thị trường thế giới.

Thứ ba, hội nhập kinh tế quốc tế giúp tăng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào hệ sinh thái khởi nghiệp

Quyền lợi của các nhà đầu tư nước ngoài được bảo đảm một cách rõ ràng và minh bạch hơn nhờ có sự thống nhất chung trong việc thực hiện đầu tư, tham vấn, thương lượng,... giữa các nước thành viên. Các FTA thế hệ mới có sự chặt chẽ và rõ ràng hơn so với các những FTA trước đây Việt Nam từng tham gia, đặc biệt là đối với việc không phân biệt đối xử, giảm hoặc xóa bỏ các rào cản trong việc thành lập và thực hiện các khoản đầu tư ở các nước thành viên hiệp định. Điều khoản ISDS cho phép xét xử theo thiết chế trọng tài quốc tế; cơ chế kiện cũng thông thoáng dễ dàng hơn và không yêu cầu phải có chấp thuận bằng văn bản từ phía cơ quan Nhà nước bị kiện. Những điều này sẽ tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư khi đầu tư vào khởi nghiệp Việt Nam.

Các FTA thế hệ mới tạo thuận lợi không chỉ trong lĩnh vực thương mại hàng hóa mà cả lĩnh vực thương mại dịch vụ. Điểm này rất quan trọng đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp vì lĩnh vực dịch vụ đa dạng, phong phú, dễ đầu tư và mang lại hiệu suất cao. Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp chuyên về hàng hóa, thuế quan và các rào cản thương mại được cắt giảm mạnh sẽ thu hút một làn sóng đầu tư vào Việt Nam. Hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng tạo phương tiện để nhà đầu tư và doanh nghiệp tiếp nhận được thông tin công khai của nhau thông qua việc tạo lập và vận hành một trang web nhằm cung cấp các thông tin như quy định, thủ tục đăng ký kinh doanh, thuế…, thành lập cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ để chia sẻ thông tin, hỗ trợ, đào tạo và tài trợ thương mại.

Thứ tư, các cam kết trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng giúp đảm bảo công bằng và bình đẳng của lao động, phát triển nhân lực khởi nghiệp

Bên cạnh việc hoàn thiện luật lao động, các FTA thế hệ mới đảm bảo sự công bằng và bình đẳng của lao động và hỗ trợ phát triển nhân lực, đặc biệt đối với nhân lực trong các ngành phát triển trí tuệ. Đây là điểm mới so với tất cả các văn bản Việt Nam từng ký kết, được kì vọng sẽ giải quyết các vấn đề liên quan lao động tốt hơn các tổ chức công đoàn hiện tại của Việt Nam nhằm khai thác nguồn lực đa quốc gia, đặc biệt là nguồn lực con người - yếu tố cốt yếu của khởi nghiệp.

Thứ năm, cơ hội học hỏi từ môi trường quốc tế, tăng khả năng mở rộng hợp tác, cạnh tranh và phát triển năng lực doanh nghiệp khởi nghiệp

Hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và đặc biệt là các FTA thế hệ mới bao gồm trong đó các cam kết của các nước thành viên nhằm tạo sự thông thoáng trong quá trình di chuyển, cho phép nhập cảnh của các doanh nhân của nước thành viên khác, tạo nên sự quốc tế hóa trong quản lý cũng như nhân sự công ty khởi nghiệp. Ví dụ chương trình thẻ thành viên APEC dành cho các doanh nhân hay việc miễn visa trong khu vực Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC),…Việc này giúp cho doanh nhân nước ta có thể học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng lãnh đạo của doanh nhân các nước thành viên, việc giao thương được thuận lợi hơn, tạo ra môi trường văn hóa làm việc đa dạng hơn và giúp cho doanh nghiệp khởi nghiệp dễ dàng hóa trong tiếp cận thông tin và mở rộng chuỗi cung ứng. Tham gia EVFTA và TPP là cơ hội để Việt Nam gia nhập vào các chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn trên thế giới, nhất là chuỗi hàng điện tử, công nghệ caoở các thị trường trọng điểm như EU, Mỹ và Nhật.

  1. Thách thức mang lại cho hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam

Thứ nhất, khó khăn trong việc sửa đổi luật để đáp ứng các quy định nghiêm ngặt của các hiệp định FTA thế hệ mớinâng cao việc thực thi luật có thể dẫn đến những rào cản pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, nhất là các FTA thế hệ mới, buộc Nhà nước phải xây dựng và nâng cao năng lực của những cơ quan chịu trách nhiệm giám sát và thực thi theo chuẩn mực quốc tế. Tiêu biểu, để đáp ứng quy trình đăng kí nhãn hiệu mùi, nhãn hiệu âm thanh và những sản phẩm trí tuệ đặc thù, nước ta phải xây dựng những cơ quan chuyên ngành về các sản phẩm này và đội ngũ thẩm định chất lượng cao để đảm bảo việc thực thi hiệu quả. Doanh nghiệp khởi nghiệp nếu chưa nắm rõ các quy định này để thực thi thì sẽ gặp khó khăn trong việc xin cấp các loại giấy đăng ký.

Ở khía cạnh lao động, các FTA thế hệ mới chú trọng nhiều vào bảo vệ quyền lợi lao động, tiêu biểu là quyền thành lập hội đoàn. Ở Việt Nam, hiện tại vẫn còn xảy ra sự việc công nhân đình công vì những vấn đề rất căn bản như nợ tiền lương, lao động phải làm việc quá sức...Với cơ chế trọng tài mới trong các FTA, nếu chúng ta bị kiện vì pháp luật quốc gia không bảo vệ quyền của người lao động, các quốc gia khác có quyền rút lại các ưu đãi thuế quan. Một ví dụ là điều 170 - Điều kiện tuyển dụng lao động là công nhân nước ngoài của Bộ luật Lao động Việt Nam có phần chưa phù hợp cam kết trong EVFTA và TPP khi quy định  doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà thầu trong nước chỉ được tuyển lao động là công dân nước ngoài vào làm công việc quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật mà lao động Việt Nam chưa đáp ứng được theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Những quy định tương tự như vậy sẽ gây e ngại cho nhà đầu tư quốc tế.

Thứ hai, gia tăng chi phí cho doanh nghiệp khởi nghiệp khi sử dụng những sản phẩm công nghệ tiên tiến trên thế giới

Trước đây, khi việc thực thi Luật Sở hữu trí tuệ năm2005 (sửa đổi năm 2009) còn lỏng lẽo, doanh nghiệp có thể sử dụng những miễn phí những phần mềm công nghệ không có bản quyền để nâng cao cơ sở hạ tầng công nghệ của mình. Tuy nhiên, với những điều khoản trong các FTA thế hệ mới như TPP hay EVFTA, doanh nghiệp khởi nghiệp cần có ý thức rất cao trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải gia tăng chi phí cho việc sử dụng các sản phẩm trí tuệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và nghiêm túc đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, phát triển.

Thứ ba, tăng khả năng các nhà đầu tư nước ngoài kiện Chính phủ Việt Nam

Điều khoản ISDS cho phép nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp khởi kiện Chính phủ ra tòa án quốc tế nên có khả năng gia tăng các vụ tranh chấp phát sinh giữa nhà đầu tư nước ngoài với Chính phủ. Theo báo cáo của UNCTAD được công bố tháng 5/2015, trong số các vụ kiện nảy sinh, 60% các nước đang phát triển và các nền kinh tế đang chuyển đổi là bị đơn do các nguyên đơn là nhà đầu tư nước ngoài thuộc các quốc gia phát triển khởi kiện theo các điều khoản giải quyết tranh chấp này. Hơn nữa, hầu hết các vụ kiện ISDS trên thế giới nếu nhà đầu tư thắng kiện, chính phủ nước bị kiện phải đền bù một số tiền khá lớn, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tài chính nước bị kiện và ảnh hưởng không nhỏ đến dòng vốn đầu tư của chính phủ cho khởi nghiệp.

Thứ tư, đòi hỏi nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ, dịch vụ tài chính

Thương mại điện tử ngày càng phát triển đòi hỏi Việt Nam phải phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng công nghệ và dịch vụ tài chính. Để tạo sự thuận lợi cho quá trình lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu, Việt Nam phải hoàn thiện các quy trình quản lý nhà nước về lĩnh vực thuế, hải quan, quy định về chứng thực và chữ ký điện tử trong giao dịch thương mại. Trong trường hợp Việt Nam chưa thể tạo ra cơ sở hạ tầng công nghệ tốt phục vụ cho những yêu cầu này thì đó sẽ là rào cản rất lớn cho doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam trong vấn đề pháp lí và thủ tục hành chính.

Các tổ chức tài chính, hệ thống ngân hàng Việt Nam còn nhiều hạn chế trong năng lực tài chính, quản lý, điều hành và quản trị rủi ro, các sản phẩm dịch vụ còn chưa đa dạng. Vì vậy, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng đòi hỏi phải cải tổ để có thể hoạt động tốt trong sự cạnh tranh khốc liệt của sân chơi mới.

Thứ năm, thách thức trong hoàn thiện năng lực và nâng cao vị thế cạnh tranh

Hiện tại, các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn để tồn tại chứ chưa nói đến nâng cao vị thế. Nhân lực chất lượng sẽ đầu quân cho những doanh nghiệp nước ngoài khiến các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt trở nên kém hấp dẫn và gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm lao động. Hơn nữa, lương tối thiểu lao động Việt Nam được dự kiến tăng lên trong khi Việt Nam là quốc gia lợi thế về số lượng chứ không phải chất lượng lao động. Nếu lương tối thiểu tăng lên, lao động Việt Nam sẽ mất dần ưu thế lao động giá rẻ. Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp trong việc thu hút vốn đầu tư cũng sẽ khốc liệt hơn khi nhà đầu tư có nhiều sự lựa chọn về nguồn vốn trong và ngoài nước.

Kết luận

Việt Nam đã tích cực và chủ động tham gia quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng được thể hiện rõ nét thông qua hàng loạt các FTA mà Việt Nam đã ký kết, nhất là các FTA thế hệ mới như EVFTA hay TPP. Các cơ quan Nhà nước cần nhanh chóng nghiên cứu và phổ biến các hiệp định đến rộng rãi cộng đồng doanh nghiệp, xác định rõ các cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và hệ sinh thái khởi nghiệp nói riêng. Các FTA thế hệ mới có nhiều ảnh hưởng đến một số thành phần quan trọng của hệ sinh thái khởi nghiệp nước ta như chính sách nhà nước, luật pháp và cơ sở hạ tầng, vốn và tài chính, nhân lực, thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, những thành phần khác của hệ sinh thái khởi nghiệp cũng cần được quan tâm và phát triển đồng bộ để hướng tới sự phát triển bền vững trong dài hạn.

Hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng giúp mang đếnnhững cơ hội lớn để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp như thúc đẩy hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải thiện cơ sở hạ tầng, thu hút dòng vốn đầu tư cho khởi nghiệp, thực thi các điều khoản về lao động và mở rộng khả năng hợp tác, phát triển trên bình diện quốc tế. Mặt khác, các FTA thế hệ mới cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp khởi nghiệp bởi các tiêu chuẩn cao, quy định nghiêm ngặt, làm gia tăng chi phí hoạt động, cản trở việc nâng cao vị thế cạnh tranh. Chính phủ ngoài việc đối mặt áp lực không nhỏ trong cải cách thể chế và nâng cấp hạ tầng thì còn phải đối diện với nguy cơ bị kiện bởi khối tư nhân theo điều khoản ISDS. Từ đó cho thấy, để tối đa hóa các lợi ích của các FTA thế hệ mới hay quá trình hội nhập kinh tế quốc tế nói chung không phải là việc đơn giản. Nhà nước cần có các chính sách định hướng phù hợp và đóng vai trò hỗ trợ doanh nghiệp trên con đường khởi nghiệp, tạo các điều kiện cần thiết và phát triển đồng bộ các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp để hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam phát triển toàn diện và đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế mới./.

Danh mục tài liệu tham khảo

  1. ActionAid (2015), Tác động của các FTA và BIT hiện hành và đang đàm phán đối với ngành chế biến thực phẩm của Việt Nam, Hà Nội
  2. Asean up (2016), Vietnam Startup Ecosystem, Báo điện tử Asean up, <http://aseanup.com/vietnam-startup-ecosystem/>
  3. Compass (2015), The Global Startup Ecosystem Ranking 2015, San Francisco (Hoa Kì)
  4. Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương (MOIT) (2016), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP),<http://tpp.moit.gov.vn/default.aspx?page=tpp&do=home&dir=vi>
  5. Cục Thông tin khoa học và Công nghệ quốc gia (2015), Xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp: Vai trò của chính sách Chính phủ, Hà Nội
  6. Daniel Isenberg (2010), The Babson Entrepreneurship Ecosystem Project, Harvard Business Review
  7. Donna Kelley, Slavica Singer, Mike Herrington (2015), Global Entrepreneur Monitor (GEM) 2015-2016 Global Report, USA
  8. James Mooretion (1993), Predators and Prey: A new Ecology of competition, Harvard Business Review
  9. James Mooretion (1996), The Death of Competition: Leadership and Strategy in the Age of Business Ecosystems, Harvard Business Review
  10. MUTRAP (2014), Đánh giá tác động dài hạn của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU, mã EU-2
  11. Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (2015), Báo cáo Chỉ số Khởi nghiệp Việt Nam 2014, Hà Nội
  12. Topica Founder Institute (2016), Vietnam Internet Startup Scene, Hà Nội

 

[1] ThS Trường Đại học Ngoại thương (Cơ sở 2), email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó.