Sidebar

Magazine menu

18
T5, 04

Tạp chí KTĐN số 120

 

NGHĨA VỤ CUNG CẤP THÔNG TIN TIỀN HỢP ĐỒNG TRONG NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI

Đào Kim Anh[1]

 

Tóm tắt: Tình trạng thông tin bất đối xứng giữa các bên là một điểm đặc trưng trong giai đoạn đàm phán hợp đồng nhượng quyền thương mại. Tình trạng này, cùng với sự chênh lệch về sức mạnh đàm phán đặt Bên dự kiến nhận quyền vào tình thế rất bất lợi: phải phụ thuộc vào các thông tin chủ yếu do Bên nhượng quyền cung cấp để đưa ra quyết định giao kết hợp đồng. Trong khi đó, Bên nhượng quyền có lý do, động cơ cũng như điều kiện để cung cấp thông tin không trung thực hoặc không đầy đủ. Vì vậy, quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng trong nhượng quyền thương mại là một vấn đề được quan tâm trong pháp luật của hầu hết các quốc gia. Bài viết này phân tích các quy định về vấn đề này trong pháp luật Úc, trên cơ sở đó, so sánh với các quy định Việt Nam. Từ đó, bài viết chỉ ra một số điểm còn hạn chế trong các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về nghĩa vụ cung cấp thông tin giai đoạn tiền hợp đồng nhượng quyền thương mại, từ đó đưa ra một số đề xuất hoàn thiện.

Từ khóa: Nghĩa vụ cung cấp thông tin, hợp đồng nhượng quyền thương mại, giai đoạn tiền hợp đồng, pháp luật Việt Nam.

Abstract: Information asymmetry in the pre-contractual phrase is a typical feature of franchise agreements. This problem, exacerbated by the imbalance of negotiating power between franchisors and franchisees, puts prospective franchisees at a disadvantage. While the prospective franchisee largely depends on the information provided by the franchisor to make a decision to enter into the contract, the latter has reasons and motives to provide the former with incorrect or incomplete information. Therefore, the prior-disclosure obligation is a central issue in franchise law. This article analyzes the provisions on prior-disclosure under Australian franchise law in comparison with Vietnamese regulations. It then points out some limitations of current Vietnamese rules on prior-disclosure of information in franchise agreements, thereby making some recommendations for further improvement.

Keywords: Prior-disclosure obligation, franchise agreement, pre-contractual phrase, Vietnamese laws, Australian laws.

  1. Đặt vấn đề

Theo Luật thương mại của Việt Nam năm 2005, nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó Bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu Bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo một số điều kiện nhất định (Điều 284). Một điểm nổi bật trong quan hệ nhượng quyền là tồn tại tình trạng bất đối xứng thông tin giữa Bên nhượng quyền và Bên nhận quyền, đặc biệt trong giai đoạn tiền hợp đồng. Để tham gia vào hệ thống, Bên nhận quyền phải bỏ chi phí đầu tư ban đầu lớn, chịu toàn bộ các chi phí vận hành và rủi ro liên quan tới việc kinh doanh. Tuy nhiên, trong giai đoạn đàm phán hợp đồng, quyết định có ký kết hợp đồng nhượng quyền của Bên nhận quyền được đưa ra chủ yếu dựa trên các thông tin do Bên nhượng quyền cung cấp, ví dụ như về tỷ lệ lợi nhuận ước tính, thông tin về chi phí vận hành, doanh thu trung bình, các đặc tính về hàng hóa/dịch vụ cung cấp trong hệ thống nhượng quyền,... Mặc dù Bên nhận quyền có thể tiếp cận các nguồn thông tin bên ngoài, sự thành công “bề ngoài” của một hệ thống nhượng quyền khó có thể cho thấy một bức tranh toàn diện về những rủi ro và chi phí mà Bên nhận quyền phải bỏ ra.

Tại Việt Nam, trong những năm gần đây hoạt động nhượng quyền thương mại phát triển ngày càng phát triển tại Việt Nam với sự tham gia của các thương hiệu lớn quốc tế và khu vực như McDonald’s, Starbucks, KFC, Pizza Hut, Lotte, Circle K,…. Nếu xem xét sự chênh lệch về sức mạnh đàm phán hợp đồng giữa một bên là các tập đoàn nước ngoài quản lý chuỗi nhượng quyền rộng lớn và một bên là các doanh nghiệp trong nước thì tình trạng bất đối xứng thông tin càng trở nên trầm trọng. Trong khi Bên nhận quyền thường là thương nhân nhỏ, có rất ít kinh nghiệm kinh doanh nhượng quyền (có thể là các doanh nghiệp khởi nghiệp), Bên nhượng quyền lại thường các doanh nghiệp lớn có tiềm lực kinh tế và có đội ngũ luật sư dày dạn kinh nghiệm. Ngoài ra, Bên nhượng quyền thường là bên đưa ra mẫu hợp đồng nhượng quyền đi kèm với các điều khoản giao dịch chung áp dụng với các Bên nhận quyền trong hệ thống và Bên nhận quyền thường có ít khả năng đàm phán các điều khoản này. Khi đó, sự thiếu hụt thông tin của Bên nhận quyền có thể đặt bên này vào trạng thái bất lợi đáng kế mà cần có sự can thiệp của pháp luật.

Nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giai đoạn đàm phán hợp đồng nhượng quyền thương mại được ghi nhận trong pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới. Ví dụ, trong hệ thống pháp luật Úc, nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng quy định cụ thể tại Phần 2, Bộ Quy tắc Ứng xử về Nhượng quyền thương mại (Franchising Code of Practice – sau đây gọi tắt là Bộ Quy tắc Nhượng quyền). Bộ Quy tắc này được ban hành theo Nghị định về Người tiêu dùng và Cạnh tranh số 168/2014 và có giá trị pháp lý bắt buộc trong lĩnh vực nhượng quyền thương mại. Tại Việt Nam, Nghị định của Chính phủ số 35/2006/NĐ-CP ngày 31/3/2006 quy định chi tiết Luật thương mại về nhượng quyền thương mại (sau đây gọi tắt là Nghị định 35) đã có một số quy định đề cập tới nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giai đoạn đàm phán hợp đồng nhượng quyền thương mại. Sự tồn tại của các quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng được coi là một công cụ pháp lý cần thiết và hữu ích nhằm giải quyết sự bất đối xứng về thông tin – một yếu tố cốt lõi đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ thống nhượng quyền (Nguyễn Bá Bình, 2010).

  1. Chủ thể có nghĩa vụ cung cấp thông tin

Trong giai đoạn tiền hợp đồng, các quy định pháp luật về nhượng quyền thương mại điều chỉnh hành vi của hai chủ thể chính, bao gồm Bên nhượng quyền và Bên dự kiến nhận quyền. Liên quan tới nghĩa vụ cung cấp thông tin, Khoản 1, Điều 8, Nghị định 35 quy định:

“Bên nhượng quyền có trách nhiệm cung cấp bản sao hợp đồng nhượng quyền thương mại mẫu và bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại của mình cho Bên dự kiến nhận quyền ít nhất là 15 ngày làm việc trước khi ký kết hợp đồng nhượng quyền thương mại nếu các bên không có thỏa thuận khác. Các nội dung bắt buộc của bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại do Bộ Thương mại quy định và công bố.”

Ngược lại, trong giai đoạn tiền hợp đồng, Bên dự kiến nhận quyền có nghĩa vụ “phải cung cấp cho Bên nhượng quyền các thông tin mà Bên nhượng quyền yêu cầu một cách hợp lý để quyết định việc trao quyền thương mại cho Bên dự kiến nhận quyền” (Điều 9 Nghị định 35).

Như vậy, theo pháp luật Việt Nam chủ thể có nghĩa vụ cung cấp thông tin bao gồm cả Bên nhượng quyền và Bên dự kiến nhận quyền. Cách quy định này là khá đặc biệt nếu so sánh với pháp luật về nhượng quyền của các nước trên thế giới. Hầu hết các quốc gia có hệ thống pháp luật riêng về nhượng quyền thương mại chỉ quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin của Bên nhượng quyền (Nguyễn Bá Bình, 2010). Ví dụ, theo Bộ quy tắc Nhượng quyền của Úc, nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng chỉ là nghĩa vụ của Bên nhượng quyền (đối với Bên dự kiến nhận quyền) mà không có chiều ngược lại. Giải thích quy định “một chiều” này, Bên nhượng quyền được cho là có lợi thế thông tin trong hợp đồng nhượng quyền. Bên nhượng quyền không những có kinh nghiệm và chuyên môn trong lĩnh vực nhượng quyền mà còn hiểu rõ nhất về hoạt động nhượng quyền mà mình cung cấp. Trong khi đó, Bên dự kiến nhận quyền hầu như phải dựa vào các thông tin mà Bên nhượng quyền cung cấp để đánh giá được tiềm năng phát triển và lợi nhuận kỳ vọng của hệ thống nhượng quyền, từ đó quyết định có tham gia vào chuỗi nhượng quyền hay không. Những nguồn thông tin khác (nguồn công khai hoặc từ các Bên nhận quyền trước đó) thường không đầy đủ và có thể thiếu tính chính xác. Nói cách khác, các quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giai đoạn tiền hợp đồng nhượng quyền được đưa ra nhằm giải quyết tình trạng bất đối xứng thông tin theo luồng từ Bên nhượng quyền sang Bên dự kiến nhận quyền. Sự bất đối xứng thông tin có thể đặt Bên nhận quyền vào tình thế bất lợi quá đáng, thậm chí cản trở họ ra quyết định tham gia vào thị trường. Về lâu dài, điều này kìm hãm sự phát triển của hoạt động nhượng quyền, vì vậy cần có sự “can thiệp” của pháp luật. Cách quy định này của Úc cũng tương đồng với phần lớn các quốc gia khác như Hoa Kỳ, Canada, Italy,… (Nguyễn Bá Bình, 2010).

Theo tác giả, cách quy định về chủ thể cung cấp thông tin hiện nay trong Nghị định 35 có một số bất cập. Thứ nhất, cách quy định hiện nay trong Điều 9 khá chung chung, do đó có thể gây khó khăn và nhiều cách hiểu trong quá trình áp dụng. Cụ thể, những thông tin nào thì Bên nhượng quyền có thể yêu cầu Bên dự kiến nhận quyền cung cấp, trong những điều kiện nào thì yêu cầu của Bên nhượng quyền được coi là hợp lý? Cách quy định hiện nay trong Nghị định 35 thực tế không giúp ích nhiều trong việc làm rõ nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng trong nhượng quyền thương mại vì dù không có quy định này, thì Bên dự kiến nhận quyền vẫn phải tuân thủ nghĩa vụ chung theo Điều 387 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS 2015). Cụ thể, theo Khoản 1, Điều 387 BLDS 2015, “Trường hợp một bên có thông tin ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng của bên kia thì phải thông báo cho bên kia biết.” Quy định này đã khẳng định nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giai đoạn tiền hợp đồng là một nghĩa vụ độc lập của các bên.

Thứ hai, cách tiếp cận của Nghị định 35, thoạt nhìn có vẻ là công bằng hơn khi quy định nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng đối với cả hai bên. Tuy nhiên, thực tế, cách quy định chung chung tại Điều 9 có thể tạo thêm gánh nặng cho Bên dự kiến nhận quyền khi ràng buộc bên này phải cung cấp thông tin theo yêu cầu của Bên nhượng quyền, trong khi Bên dự kiến nhận quyền vốn là bên yếu thế hơn trong đàm phán. Về phía Bên nhượng quyền, quy định này cũng có thể có rủi ro. Theo quy định hiện nay thì Bên dự kiến nhận quyền có nghĩa vụ cung cấp thông tin mà Bên nhượng quyền yêu cầu một cách hợp lý. Như vậy, liệu có thể hiểu rằng: nếu Bên nhượng quyền không yêu cầu thì Bên dự kiến nhận quyền không có nghĩa vụ phải cung cấp thông tin? Giả sử trong trường hợp Bên dự kiến nhận quyền có thông tin quan trọng có thể ảnh hưởng tới quyết định giao kết hợp đồng của Bên kia nhưng không cung cấp vì Bên kia không yêu cầu thì Bên dự kiến nhận quyền có vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin hay không? Nếu dựa trên Điều 9, Nghị định 35 thì câu trả lời khả năng cao là không, nhưng nếu dựa vào Khoản 1, Điều 387 BLDS 2015 thì có thể ngược lại. Trong trường hợp này, phải chăng đã có sự thiếu thống nhất giữa quy định của luật chuyên ngành và luật chung?

Vì vậy, người viết cho rằng việc đưa ra nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng đối với Bên dự kiến nhận quyền tại Điều 9 Nghị định 35 sẽ không thực sự có ý nghĩa nếu chỉ dừng lại ở một quy định chung chung. Quy định này có thể được làm rõ hơn về những nhóm thông tin mà Bên nhượng quyền có thể yêu cầu Bên dự kiến nhận quyền cung cấp và/hoặc đưa ra một số yếu tố nhằm đánh giá tính “hợp lý” của yêu cầu này (theo thời gian yêu cầu, cách thức yêu cầu hay nội dung thông tin yêu cầu). Một hướng khác là theo cách tiếp cận của Úc (và nhiều quốc gia khác có văn bản luật riêng về nhượng quyền), tức là trong các văn bản riêng điều chỉnh hoạt động nhượng quyền thương mại chỉ nên quy định nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng của Bên nhượng quyền. Nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng của Bên dự kiến nhận quyền sẽ tuân theo các quy định của luật chung như Luật Thương mại hoặc Bộ luật Dân sự. Cách tiếp cận này cũng có thể đảm bảo sự áp dụng thống nhất giữa quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin chung trong BLDS 2015 với các quy định chuyên biệt trong các văn bản pháp luật chuyên ngành về nhượng quyền thương mại.

  1. Phạm vi thông tin cần cung cấp

Như đã phân tích ở phần trước, Nghị định 35 quy định nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng đối với cả Bên nhượng quyền và Bên dự kiến nhượng quyền nhưng phạm vi thông tin cần cung cấp của mỗi bên là không giống nhau. Trong khi nghĩa vụ cung cấp thông tin của Bên nhượng quyền được quy định khá chi tiết, cụ thể bao gồm cung cấp bản sao hợp đồng nhượng quyền và bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại thì phạm vi các thông tin mà Bên dự kiến nhận quyền còn khá chung chung.

Đối với Bên nhượng quyền, các thông tin mà bên này phải cung cấp trong Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại được cụ thể hóa, theo mẫu quy định tại Phụ lục III, Thông tư 09/2006/TT-BTM ngày 25/5/2006 của Bộ Thương mại hướng dẫn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại (sau đây gọi tắt là Thông tư 09). Cụ thể, Bản giới thiệu nhượng quyền phải có các thông tin sau: (i) thông tin chung về Bên nhượng quyền; (ii) Thông tin về quyền sở hữu trí tuệ; (iii) thông tin cụ thể về Bên nhượng quyền; (iv) Chi phí ban đầu mà Bên nhận quyền phải trả; (v) Các nghĩa vụ tài chính khác của Bên nhận quyền; (vi) Đầu tư ban đầu của Bên nhận quyền; (vii) Nghĩa vụ của Bên nhận quyền phải mua hoặc thuê những thiết bị để phù hợp với hệ thống kinh doanh do Bên nhượng quyền quy định; (viii) Nghĩa vụ của Bên nhượng quyền; (xix) Mô tả thị trường của hàng hóa/dịch vụ được kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại; (x) Hợp đồng nhượng quyền thương mại mẫu; (xi) Thông tin về hệ thống nhượng quyền; (xii) Báo cáo tài chính của Bên nhượng quyền; (xiii) Phần thưởng, sự công nhận sẽ nhận được hoặc tổ chức cần tham gia (Phụ lục III, Thông tư 09). Có thể thấy hiện nay, các quy định pháp luật đưa ra danh sách các phạm vi thông tin cần cung cấp theo hướng “liệt kê đóng”, do đó có nguy cơ bỏ sót những nhóm thông tin cần thiết, đặc biệt với tốc độ phát triển nhượng quyền đa dạng như hiện nay.

So sánh với quy định tại Úc, theo Điều 8, Bộ Quy tắc Nhượng quyền, Bên nhượng quyền thương mại có nghĩa vụ phải chuẩn bị Bản giới thiệu nhượng quyền (Disclosure document) theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 của Bộ Quy tắc. Trước hết, Điều 8(2) quy định mục đích của Bản giới thiệu nhượng quyền là nhằm cung cấp cho Bên dự kiến nhận quyền các thông tin cốt lõi đối với việc vận hành hoạt động kinh doanh nhượng quyền, từ đó giúp họ đưa ra quyết định hợp lý về hợp đồng nhượng quyền. Đây được coi là một quy định bao trùm về mục đích của Bản giới thiệu nhượng quyền nhằm xác định phạm vi thông tin cần cung cấp và tránh “để lọt” những thông tin quan trọng theo thực tiễn phát triển đa dạng của hoạt động này.

Tiếp theo, nội dung của Bản giới thiệu nhượng quyền được quy định chi tiết trong Phụ lục 1 của Bộ Quy tắc Nhượng quyền bao gồm:

  • Các thông tin về Bên nhượng quyền (thông tin pháp lý, tài chính, lịch sử khiếu nại, kiện tụng, hoặc bị xử lý vi phạm hành chính,…), mô tả về hoạt động kinh doanh nhượng quyền, thông tin về các đơn vị liên kết và về người quản lý của Bên nhượng quyền;
  • Mô tả kinh nghiệm kinh doanh của Bên nhượng quyền và (các) người quản lý của họ;
  • Thông tin về các Bên nhận quyền hiện có;
  • Thông tin về các tài sản trí tuệ đóng vai trò cốt lõi trong hệ thống nhượng quyền: mô tả tài sản, quyền và nghĩa vụ của Bên nhận quyền, thông tin đăng ký, chủ sở hữu, các tranh chấp, khiếu kiện có thể ảnh hưởng lớn tới quyền sở hữu, sử dụng tài sản,…
  • Địa điểm hoặc lãnh thổ nhượng quyền: hoạt động nhượng quyền là độc quyền hay không độc quyền, có giới hạn trong phạm vi địa lý nhất định,…
  • Quy định về việc Bên nhượng quyền cung cấp hàng hóa, dịch vụ (đầu vào) cho Bên nhận quyền;
  • Quy định về Bên nhận quyền cung cấp hàng hóa dịch vụ ra thị trường (có bị giới hạn hoặc phải tuân thủ các điều kiện gì?)
  • Quy định về cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tuyến (liệu hàng hóa, dịch vụ trong hoạt động nhượng quyền có được cung cấp trực tuyến, nếu có thì Bên nhận quyền có quyền thực hiện không, tỷ lệ phân chia lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trực tuyến?)
  • Các khoản thanh toán mà Bên nhận quyền phải trả;
  • Ngân sách marketing hoặc các hoạt động hỗ trợ bán hàng khác;
  • Quy định về sửa đổi, bổ sung hợp đồng nhượng quyền; xử lý khi hợp đồng nhượng quyền hết thời hạn;
  • Thông tin về thu nhập kỳ vọng: số liệu lịch sử về lợi nhuận của hoạt động nhượng quyền và của các Bên nhận quyền trong hệ thống, tỷ lệ lợi nhuận kỳ vọng,...

Như vậy, theo Bộ Quy tắc Nhượng quyền của Úc, Bản giới thiệu nhượng quyền không chỉ bao gồm các thông tin cơ bản (tương tự như quy định tại Phụ lục III, Thông tư 09) mà còn có các nhóm thông tin có khả năng ảnh hưởng lớn tới quyết định kinh doanh như: kinh nghiệm kinh doanh của Bên nhượng quyền và đội ngũ quản lý của Bên đó; quyền và phạm vi kinh doanh trực tuyến của Bên nhận quyền (đặc biệt trong giai đoạn phát triển thương mại điện tử mạnh mẽ như hiện nay).

Điều 10 (1) của Bộ Quy tắc cũng quy định rằng Bên nhượng quyền chỉ được giao kết hợp đồng sau khi đã nhận được văn bản từ Bên dự kiến nhận quyền xác nhận rằng bên đó đã nhận, đã đọc và có cơ hội hợp lý để hiểu được các tài liệu mà Bên nhượng quyền gửi. Quy định này nhằm đảm bảo Bên nhận quyền đã được thông báo một cách đầy đủ và có cơ hội để phản hồi về các thông tin mà Bên nhượng quyền cung cấp, tuy nhiên, cũng có nguy cơ phát sinh thêm các thủ tục và gây kéo dài quá trình đàm phán hợp đồng. Rủi ro lớn hơn là trong trường Bên nhượng quyền đã thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng nhưng chưa nhận được văn bản xác nhận từ Bên kia mà các bên đã tiến hành ký kết hợp đồng thì liệu “số phận” của hợp đồng đó như thế nào? Vấn đề này sẽ được phân tích rõ hơn trong phần 5 về hậu quả pháp lý do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng.

Ngoài Bản giới thiệu nhượng quyền, theo Điều 9(1) Bộ Quy tắc Nhượng quyền, Bên nhượng quyền phải cung cấp cho Bên dự kiến nhận quyền một bản sao Bộ Quy tắc, một bản hợp đồng nhượng quyền (theo đúng mẫu mà các bên sẽ thực hiện). Nếu hợp đồng nhượng quyền có điều khoản yêu cầu Bên nhận quyền phải tham gia vào các thỏa thuận phụ thì Bên nhượng quyền phải gửi trước các thỏa thuận phụ này cho Bên dự kiến nhận quyền. Quy định này xuất phát từ thực tiễn là để tham gia vào chuỗi nhượng quyền, bên cạnh hợp đồng nhượng quyền, Bên dự kiến nhận quyền thường được yêu cầu ký một bộ các thỏa thuận đính kèm như thỏa thuận bảo mật thông tin, hợp đồng thuê địa điểm, hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng tài sản trí tuệ, … Quy định chặt chẽ này giúp hạn chế trường hợp Bên nhượng quyền lợi dụng các thỏa thuận phụ để đưa ra những điều kiện bất lợi cho Bên nhận nhượng quyền.

  1. Thời hạn cung cấp thông tin

Về thời hạn cung cấp thông tin, theo Khoản 1, Điều 8, Nghị định 35, Bên nhượng quyền phải cung cấp các thông tin theo quy định cho Bên dự kiến nhận quyền ít nhất 15 ngày làm việc trước khi ký kết hợp đồng nhượng quyền, trừ khi các bên có thỏa thuận khác. Trong khi đó, theo quy định của Úc, Bên nhượng quyền có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định cho Bên dự kiến nhận quyền ít nhất 14 ngày trước khi giao kết hợp đồng nhượng quyền hoặc khi Bên dự kiến nhận quyền phải trả một khoản thanh toán không hoàn lại (có thể bằng tiền hoặc các khoản lợi ích có giá trị khác) cho Bên nhượng quyền (Điều 9(2) Bộ Quy tắc Nhượng quyền). Thoạt nhìn có thể thấy cách quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật Úc về khoảng thời gian không khác nhau nhiều, tuy nhiên cách tính mốc thời hạn thì lại có những điểm khác biệt khá thú vị. Theo quy định của Nghị định 35 thì thời hạn mà Bên nhượng quyền phải thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin là ít nhất 15 ngày làm việc trước khi ký kết hợp đồng. Có thể ngầm hiểu là các nhà làm luật cho rằng chỉ tới khi ký kết hợp đồng thì Bên dự kiến nhận quyền mới phát sinh các nghĩa vụ và trách nhiệm đối với Bên kia. Tuy nhiên, thực tiễn đàm phán hợp đồng nhượng quyền phức tạp hơn nhiều và không ít trường hợp Bên nhượng quyền (đặc biệt là với các chuỗi nhượng quyền lớn) yêu cầu Bên dự kiến nhận quyền phải thực hiện các khoản thanh toán trước hoặc đặt cọc để thể hiện cam kết muốn gia nhập hệ thống. Trong trường hợp này, việc cung cấp thông tin tiền hợp đồng chỉ thực sự có ý nghĩa đối với Bên dự kiến nhận quyền nếu thông tin được cung cấp trước khi họ phải tiến hành các khoản thanh toán không hoàn lại cho Bên nhượng quyền. Chính vì vậy, Bộ Quy tắc Nhượng quyền của Úc (tương tự với cách quy định trong Luật mẫu về Cung cấp thông tin trong Nhượng quyền thương mại của UNIDROIT, Điều 3(1) quy định thời hạn cung cấp thông tin không chỉ là trước khi ký kết hợp đồng mà phải trước khi Bên nhận quyền thực hiện các khoản thanh toán cho Bên kia.

Một vấn đề khác mà pháp luật Việt Nam còn bỏ ngỏ là “tính cập nhật” của thông tin. Điều 8 Khoản 2 Nghị định 35 có quy định “Bên nhượng quyền có trách nhiệm thông báo ngay cho tất cả các Bên nhận quyền về mọi thay đổi quan trọng trong hệ thống nhượng quyền thương mại”, tuy nhiên đây là nghĩa vụ của Bên nhượng quyền với các Bên nhận quyền (tức là sau khi đã ký kết hợp đồng nhượng quyền). Vậy còn các Bên dự kiện nhận quyền thì sao? Nếu Bên nhượng quyền đã thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin trong thời hạn quy định, nhưng sau đó thông tin có thay đổi trước khi ký kết hợp đồng thì liệu bên nhượng quyền có nghĩa vụ thông báo những thay đổi đó hay không? Nói cách khác, liệu nghĩa vụ cung cấp thông tin có kết thúc sau khi Bên nhượng quyền đã gửi Bên dự kiến nhận quyền các thông tin trong thời hạn quy định? Điều này đặc biệt quan trọng vì quá trình đàm phán, trao đổi trước khi ký kết hợp đồng nhượng quyền thường kéo dài, do đó thông tin có thể thay đổi đáng kể từ khi cung cấp thông tin cho tới khi hợp đồng thực sự được ký kết.

Liên quan tới vấn đề này, Điều 8 Khoản 2 Bộ Quy tắc Nhượng quyền của Úc nhấn mạnh mục đích của việc cung cấp thông tin là để Bên nhận quyền nắm được các thông tin hiện tại của chuỗi nhượng quyền. Tính “hiện tại” ở đây nên được hiểu là tại thời điểm cung cấp thông tin hay tại thời điểm ký kết hợp đồng?

Câu trả lời được tòa án Úc đưa ra trong vụ SPAR Licensing Pty Ltd v MIS QLD Pty Ltd. Tình tiết vụ việc có thể tóm tắt như sau: nguyên đơn (SPAR) là nhà cung cấp hàng tạp hóa, thực phẩm khô và các dịch vụ liên quan cho các đơn vị bán lẻ. Bị đơn (MIS) là một trong hai siêu thị trên Đảo Macleay (bang Queensland), đã ký kết hợp đồng nhượng quyền thương mại có thời hạn 5 năm, theo đó siêu thị của bị đơn sẽ trở thành một đơn vị bán lẻ mang hình ảnh, thương hiệu SPAR và chỉ bán các sản phẩm của SPAR. Hợp đồng được ký vào tháng 2/2011, tuy nhiên, tới tháng 8/2011, vì tình hình kinh doanh không thuận lợi và MIS muốn nhập thêm hàng hóa của Metcash (đối thủ cạnh tranh trực tiếp của SPAR) nên MIS đã đề nghị chấm dứt hợp đồng nhượng quyền với SPAR. Nguyên đơn không đồng ý và khởi kiện MIS ra tòa, yêu cầu bị đơn tuân thủ đúng các quy định trong hợp đồng. Trong đơn kiện lại của mình, MIS cho rằng SPAR đã vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng. Cụ thể, vào tháng 7/2010, SPAR đã cung cấp cho MIS Bản giới thiệu nhượng quyền trong đó có báo cáo tài chính tạm thời cho năm tài chính kết thúc vào tháng 6/2010. Tuy nhiên, phải tới tháng 2/2011 thì hợp đồng mới ký kết. Trong thời gian đó, bản báo cáo tài chính cuối cùng của SPAR đưa ra vào tháng 12/2010 cho thấy tình hình tài chính của chuỗi suy giảm đáng kể so với báo cáo tạm thời (công ty bị lỗ nặng trong năm đó và bị ngân hàng cắt giảm hạn mức tín dụng). MIS cho rằng SPAR tại thời điểm ký hợp đồng, thông tin trong Bản giới thiệu nhượng quyền không còn là thông tin “hiện tại” và nếu MIS biết các thông tin về tình hình tài chính xấu của SPAR thì họ sẽ không ký kết hợp đồng với SPAR. Cả Tòa sơ thẩm và Tòa phúc thẩm Liên bang đều đồng ý với lập luận của MIS, cho rằng thông tin “hiện tại” theo quy định của Bộ Quy tắc phải là thông tin có hiệu lực tại thời điểm xác lập hợp đồng. Bản án này có ý nghĩa quan trọng, khẳng định rằng nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng còn bao gồm cả nghĩa vụ cập nhật, bổ sung các thông tin cho tới khi hợp đồng được ký kết.

  1. Hậu quả pháp lý do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng

Khi nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng trong nhượng quyền thương mại không được các bên thực hiện đầy đủ thì có thể dẫn tới những hậu quả pháp lý nào? Câu hỏi này sẽ được trả lời ở phần tiếp theo đây.

Bồi thường thiệt hại

Quy định pháp luật Việt Nam ghi nhận hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng có thể dẫn tới trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Cụ thể, căn cứ Điểm c, Khoản 1 và Khoản 2 Điều 24, Nghị định 35 thì thương nhân kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại có hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin quy định tại Nghị định này gây thiệt đến lợi ích vật chất của tổ chức, cá nhân liên quan thì phải bồi thường thiệt hại. Tương tự, theo Khoản 3, Điều 387, BLDS 2015, một bên vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giao kết hợp đồng mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Vì trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng phát sinh trước khi có hợp đồng, xác định bản chất pháp lý của trách nhiệm này là trách nhiệm theo hợp đồng hay trách nhiệm ngoài hợp đồng còn là một vấn đề gây tranh cãi. Mặc dù quy định pháp luật Việt Nam chưa làm rõ bản chất pháp lý của trách nhiệm bồi thường thiệt hại tiền hợp đồng nhưng thực tiễn xét xử cho thấy tòa án khi giải quyết vấn đề này có xu hướng căn cứ trên các quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (Lê Trường Sơn, 2015). Theo người viết, hướng tiếp cận này là hợp lý vì đây là trách nhiệm phát sinh trong giai đoạn tiền hợp đồng, tức là khi chưa xác lập quan hệ hợp đồng giữa các bên. Thứ hai, trách nhiệm phát sinh do hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin – đây là nghĩa vụ do luật định chứ không phải nghĩa vụ do các bên thỏa thuận theo hợp đồng. Về vấn đề này, tòa án Úc cũng có cách tiếp cận tương tự. Trong vụ SPAR Licensing Pty Ltd v MIS QLD Pty Ltd, Tòa sơ thẩm Liên bang Úc đã phân biệt giữa: (i) bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng (phát sinh do bị đơn đơn phương chấm dứt hợp đồng không đúng quy định) – trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng, và (ii) bồi thường thiệt hại do nguyên đơn vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin theo Bộ quy tắc Nhượng quyền và Luật thương mại năm 1974 – trách nhiệm bồi thường thiệt ngoài hợp đồng.

 Về xác định các khoản thiệt hại được bồi thường, BLDS 2015 ghi nhận nguyên tắc thiệt hại phải được “bồi thường toàn bộ” (Điều 360). Trong quá trình đàm phán hợp đồng nhượng quyền, việc một bên cung cấp sai hoặc không cung cấp thông tin khiến bên kia chấp nhận giao kết hợp đồng (mà đáng nhẽ họ sẽ không giao kết) thì có thể dẫn tới các thiệt hại thực tế bao gồm các khoản phí đã trả để gia nhập chuỗi nhượng quyền. Đây là những thiệt hại nên được bồi thường nếu chứng minh được quan hệ nhân quả với hành vi vi phạm. Ngoài ra, các khoản lợi ích bị mất liệu có được bồi thường hay không? Đây là một trong những vấn đề mà tòa án Úc đã phải giải quyết trong vụ SPAR Licensing Pty Ltd v MIS QLD Pty Ltd. Trong vụ này, MIS chứng minh được SPAR đã có hành vi vi phạm là không cung cấp cho MIS báo cáo tài chính cập nhật của chuỗi nhượng quyền cho tới trước khi giao kết hợp đồng. Trên cơ sở đó, MIS yêu cầu SPAR bồi thường cho MIS các thiệt hại phát sinh, trong đó có khoản lợi nhuận ước tính mà MIS có thể thu được nếu MIS không bị ràng buộc bởi hợp đồng với SPAR và có thể phân phối sản phẩm của Metcash (là đối thủ cạnh tranh của SPAR). Mặc dù tòa án bị thuyết phục là MIS sẽ không giao kết hợp đồng với SPAR nếu họ được cung cấp thông tin, tòa cho rằng điều này không ảnh hưởng tới tình hình tài chính của MIS. Thực tế là trước khi giao kết hợp đồng nhượng quyền thì MIS đã bán các sản phẩm của SPAR và khoản lợi nhuận bị mất (theo lập luận của bị đơn khoảng 10% doanh thu) là không đáng kể nếu so sánh với các lợi ích mà bị đơn nhận được khi tham gia vào chuỗi nhượng quyền (bao gồm các khoản chiết khấu, hỗ trợ doanh số). Thực tế, sau khi giao kết hợp đồng nhượng quyền, doanh thu của MIS vẫn tiếp tục tăng (một phần là nhờ chính sách hỗ trợ bán hàng của nguyên đơn). Chính vì vậy, tòa đã bác bỏ yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của MIS cho khoản lợi nhuận bị mất.

Vô hiệu hợp đồng

Bên cạnh chế tài bồi thường thiệt hại, hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp tiền hợp đồng có thể làm ảnh hưởng tới sự tồn tại cuả hợp đồng nhượng quyền thương mại hay không? Luật Thương mại năm 2005 và các văn bản pháp luật về nhượng quyền thương mại không đề cập tới vấn đề này. Áp dụng các quy định của BLDS 2015, cụ thể là Điều 127 và Khoản 1 Điều 407 thì hợp đồng có thể bị vô hiệu trong trường hợp hợp đồng giao kết do bị lừa dối. Lừa dối theo Điều 127 BLDS 2015 được hiểu là “hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó”. Một số ý kiến cho rằng cách sử dụng thuật ngữ “hành vi cố ý” nêu trên “thể hiện quan điểm của pháp luật Việt Nam chỉ coi những hành vi cố ý lừa dối của một bên mà không thừa nhận sự im lặng hoặc không thông tin khi có nghĩa vụ thông tin đến người cùng giao kết hợp đồng là hành vi lừa dối trong giao kết hợp đồng” (Lê Thị Bích Thọ, 2004). Tuy nhiên, nhiều tác giả, trong đó có người viết, cho rằng quy định về lừa dối theo Điều 127 BLDS 2015 nên được hiểu rộng hơn bao gồm cả trường hợp một bên có thông tin quan trọng ảnh hưởng tới quyết định chấp nhận giao kết hợp đồng của bên kia đã im lặng. Thực tiễn xét xử của tòa án Việt Nam trong một số tranh chấp thương mại cho thấy những trường hợp tòa đã tuyên hợp đồng vô hiệu do có sự gian dối khi một bên đã cố tình không cung cấp những thông tin quan trọng liên quan tới đối tượng của hợp đồng cho bên kia (Đỗ Văn Đại, 2017).

Tuy nhiên, việc áp dụng quy định về hợp đồng dân sự vô hiệu do lừa dối với hành vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng trong nhượng quyền thương mại cần hết sức thận trọng. Như đã phân tích, phạm vi thông tin cần cung cấp trong giai đoạn tiền hợp đồng nhượng quyền thương mại rất đa dạng và vai trò các thông tin này trong từng trường hợp là không giống nhau. Trong một số trường hợp, việc cung cấp thông tin có thể giúp bên nhận thông tin biết rõ hơn về hợp đồng để từ đó ra quyết định giao kết hay không giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khác, hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin có thể không ảnh hưởng tới quyết định giao kết mà chỉ giúp các bên thông tin hiểu rõ về hệ thống nhượng quyền phục vụ cho quá trình thực hiện hợp đồng sau này. Ngay cả khi việc vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin có thể ảnh hưởng tới quyết định giao kết hợp đồng thì việc tuyên hợp đồng vô hiệu (tức là hợp đồng không có hiệu lực pháp luật ngay từ đầu) có thể gây thiệt hại lớn cho cả bên vi phạm và bên bị vi phạm. Quan hệ giữa các bên trong nhượng quyền thương mại thường là mối quan hệ lâu dài, và trong hoạt động này, ngoài hàng hóa và các tài sản hữu hình, bên nhận quyền thường tiếp nhận từ bên nhượng quyền các bí mật công nghệ, công thức, know-how,… Bên nhận nhượng quyền cũng thường phải đầu tư các chi phí ban đầu khá lớn để gia nhập chuỗi nhượng quyền, ký kết hợp đồng với bên thứ ba. Do đó, trong một số trường hợp, việc vô hiệu hợp đồng nhượng quyền khiến chính bên bị vi phạm rơi vào tình thế thiệt hại hơn hoặc phải vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng với các bên thứ ba.

Trước vấn đề liệu hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin có dẫn tới hợp đồng vô hiệu, pháp luật Úc có cách tiếp cận khá linh hoạt. Tòa án tối cao Úc trong vụ Master Education Services Pty Ltd v Ketchell đã nhận định rằng việc vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng theo quy định của luật không tự nó và tất yếu dẫn tới hợp đồng vô hiệu. Trong vụ này, Bên nhượng quyền là Công ty Master of Education Services khởi kiện bà Jean Ketchell (bên nhận quyền) vì đã không thanh toán phí nhượng quyền theo hợp đồng đã ký. Bị đơn lập luận rằng hợp đồng nhượng quyền vô hiệu vì vi phạm Điều 11 Bộ Quy tắc Nhượng quyền năm 1998. Cụ thể, theo Điều 11 nêu trên, bên cạnh nghĩa vụ cung cấp tài liệu cho Bên dự kiến nhượng quyền, Bên nhượng quyền trước khi giao kết hợp đồng phải có xác nhận Bên dự kiến nhận quyền khẳng định Bên dự kiến nhận quyền đã nhận, đọc và có cơ hội hợp lý để hiểu các tài liệu do Bên nhượng quyền cung cấp. Trong khi đó, nguyên đơn đã ký hợp đồng với bị đơn khi chưa có văn bản xác nhận nêu trên.

Tòa phúc thẩm bang New South Wales ủng hộ lập luận của bị đơn, cho rằng hợp đồng vô hiệu vì vi phạm điều cấm của luật. Không đồng ý với Tòa phúc thẩm, Tòa tối cao cho rằng mục đích của Luật thương mại và Bộ Quy tắc Nhượng quyền là nhằm định hướng và thúc đẩy sự tuân thủ của Bên nhượng quyền đối với các tiêu chuẩn ứng xử chung chứ không phải là đặt ra những điều cấm hay rào cản đối với thỏa thuận của các bên. Do đó, sẽ là không cần thiết và không hợp lý khi tuyên bố một hợp đồng vô hiệu chỉ bởi vì Bên nhượng quyền chưa nhận được văn bản xác nhận của Bên nhận quyền về việc đã đọc và hiểu thông tin. Tòa tối cao cũng chỉ ra cách áp dụng cứng nhắc của Tòa phúc thẩm là chưa phù hợp với tinh thần và mục đích của các quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng trong lĩnh vực nhượng quyền thương mại. Việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu trong mọi trường hợp có sự vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin có thể dẫn tới những hậu quả không mong muốn cho chính bên bị vi phạm, tạo cơ hội cho bên vi phạm trốn tránh nghĩa vụ, đồng thời đưa bên bị vi phạm vào tình thế bất lợi hơn. Vì vậy, hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin trong nên bị xử lý theo các chế tài của Luật thương mại áp dụng cho hành vi vi phạm Đạo luật này. Theo đó, tùy vào tình tiết của từng vụ tranh chấp, Tòa án được quyền xem xét áp dụng các chế tài sau (nếu tòa án cho là phù hợp): đưa ra một lệnh của tòa (yêu cầu một bên phải làm hoặc không được làm gì - injunction), bồi thường thiệt hại, yêu cầu sửa đổi hợp đồng, chấm dứt hợp đồng, hủy bỏ hợp đồng, hoặc từ chối thực thi một phần hoặc toàn bộ hợp đồng.

Cách giải quyết của Tòa án tối cao là khá hợp lý và có xem xét tới những đặc thù trong quan hệ nhượng quyền. Phán quyết này sau đó được viện dẫn tương đối thống nhất trong thực tiễn xét xử tại Úc. Ví dụ, trong vụ SPAR Licensing Pty Ltd v MIS QLD Pty Ltd, bị đơn cũng yêu cầu Tòa tuyên bố hợp đồng nhượng quyền vô hiệu do nguyên đơn đã cung cấp các thông tin tài chính về hệ thống nhượng quyền thiếu chính xác và thiếu cập nhật cho bị đơn. Mặc dù Tòa phúc thẩm liên bang cho rằng đây là thông tin quan trọng và nếu bị đơn biết được thông tin chính xác thì khả năng cao là sẽ không ký kết hợp đồng với nguyên đơn, điều này không nhất thiết dẫn tới hợp đồng vô hiệu. Thay vào đó, Tòa đã áp dụng một chế tài khác của Luật Thương mại đó là tuyên bố chấm dứt hợp đồng tại thời điểm ra bản án. Lý do Tòa án đưa ra là vì bị đơn không chứng minh được việc ký kết hợp đồng gây thiệt hại cho bị đơn. Thậm chí, (như đã phân tích ở trên), nguyên đơn chứng minh được rằng bị đơn thu được những lợi ích kinh tế nhờ gia nhập hệ thống nhượng quyền của nguyên đơn. Do đó, Tòa kết luận là không cần thiết có một “sự điều chỉnh về tài chính” đối với bị đơn đến mức phải tuyên hợp đồng vô hiệu (tức là không có hiệu lực ngay từ đầu).  Điểm thú vị trong trường hợp này là yếu tố thiệt hại được Tòa xem xét như là một điều kiện quan trọng để đưa ra quyết định áp dụng chế tài phù hợp.

Các chế tài khác

Ngoài ra, các chế tài nào khác có thể áp dụng đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng?  Theo Khoản 1, Điều 16, Nghị định 35 và Khoản 1, Điều 287 Luật Thương mại 2005, Bên nhận quyền có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu Bên nhượng quyền vi phạm nghĩa vụ “cung cấp tài liệu hướng dẫn về hệ thống nhượng quyền thương mại cho bên nhận quyền”. Nghĩa vụ cung cấp tài liệu hướng dẫn theo quy định Điều 287 Luật thương mại 2005 có phạm vi khá rộng, vì nghĩa vụ này có thể phát sinh trong cả giai đoạn tiền hợp đồng và giai đoạn thực hiện hợp đồng. Vấn đề đặt ra là “tài liệu hướng dẫn” bao gồm những tài liệu nào? Trước hết, bản giới thiệu về nhượng quyền là văn bản quan trọng và bắt buộc Bên nhượng quyền phải cung cấp (theo Điều 8, Nghị định 35), do đó có thể hiểu rằng bản giới thiệu về nhượng quyền nằm trong “tài liệu hướng dẫn” quy định tại Nghị định 35 nói trên (Nguyễn Bá Bình, 2010). Tuy nhiên, trên thực tiễn ngoài bản giới thiệu về nhượng quyền, Bên nhượng quyền có thể cung cấp cho Bên dự kiến nhượng quyền các tài liệu hướng dẫn khác (dù không bắt buộc theo quy định của pháp luật) ví dụ dưới dạng các bản mô tả, quy trình, hướng dẫn vận hành, thiết kế,… Trong trường hợp nếu thông tin trong các văn bản này không chính xác hoặc không đầy đủ thì liệu Bên dự kiến nhận quyền có thể chấm dứt hợp đồng hay không? Đây là vấn đề nên được hướng dẫn làm rõ. So sánh với pháp luật Úc, hiện nay các chế tài theo Luật Thương mại (trong đó có chấm dứt hợp đồng) được áp dụng chung với các hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin theo Bộ Quy tắc Nhượng quyền (trong đó bao gồm nhưng không giới hạn ở nghĩa vụ cung cấp Bản giới thiệu nhượng quyền).

Bên cạnh đó, theo pháp luật Việt Nam, Bên nhượng quyền bị xử phạt vi phạm hành chính nếu không cung cấp, cung cấp không đầy đủ, không chính xác các thông tin về nhượng quyền thương mại hoặc cung cấp thông tin không trung thực trong bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại. Mức xử phạt hiện hành là từ ba đến năm triệu đồng (Khoản 1, Điều 95, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng). Tuy nhiên, việc thực thi các quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin trong hoạt động nhượng quyền thương mại hiện nay chủ yếu là “tiền kiểm” tại giai đoạn đăng ký nhượng quyền (trong hồ sơ đăng ký phải có bản giới thiệu nhượng quyền thương mại). Trách nhiệm quản lý hoạt động nhượng quyền thương mại chủ yếu được giao cho Bộ Công thương và Sở thương mại các tỉnh, thành mà chưa có một cơ quan chuyên trách.

Tương tự với pháp luật Việt Nam, pháp luật Úc cũng áp dụng các chế tài phạt hành chính đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin trong Bộ Quy tắc Nhượng quyền. Cụ thể, trường hợp Bên nhượng quyền không chuẩn bị Bản giới thiệu nhượng quyền hoặc vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 9 (1) về nghĩa vụ cung cấp tài liệu cho Bên nhận quyền thì phải chịu mức phạt là 300 đơn vị phạt (penalty unit -PU). PU là một khái niệm trong pháp luật Úc, tương đương với một số tiền nhất định và được sử dụng để tính toán khoản phạt. Số tiền phạt sẽ được tính bằng đơn vị phạt nhân với giá trị của một đơn vị phạt (tính theo đô la Úc). Các nhà làm luật sử dụng PU để hạn chế tác động của lạm phát. Giá trị PU do Chính quyền liên bang công bố hiện nay là 210 đô la Úc (có hiệu lực từ 1/1/2017).

Ngoài ra, việc thực thi các quy định này được giao cho Ủy ban về Người tiêu dùng và Cạnh tranh của Úc (Australian Competition & Consumer Commision - ACCC). Các biện pháp thực thi mà ACCC có thể thực hiện bao gồm: khởi xướng các cuộc điều tra (dù có hoặc không có yêu cầu từ bên thứ ba), đưa ra thông báo vi phạm, xử phạt hành chính hoặc khởi kiện bên vi phạm ra tòa. Trong trường hợp kết luận có vi phạm, tòa án có thể đưa ra các chế tài sau: xử phạt, yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm hoặc yêu cầu Bên nhượng quyền phải thực hiện các biện pháp để tuân thủ pháp luật; bồi thường thiệt hại; hoặc cấm người quản lý của Bên nhượng quyền không được tham gia quản lý doanh nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định (ACCC, 2019). Như vậy, không chỉ bên có lợi ích bị xâm phạm mà ACCC cũng có quyền đưa vụ việc ra tòa án. Trên thực tiễn, cơ quan này hoạt động khá hiệu quả và tích cực (ACCC, 2019). Kinh nghiệm cho thấy, việc thực thi pháp luật về nhượng quyền thương mại nói chung và các quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng nói riêng thực sự hiệu quả nhờ có một cơ quan chuyên trách, có chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Tóm lại, khi hoạt động nhượng quyền thương mại ngày càng phát triển tại Việt Nam, đặc biệt với sự tham gia của các chuỗi nhượng quyền nước ngoài, việc hoàn thiện các quy định pháp luật về nghĩa vụ cung cấp tiền hợp đồng là rất cần thiết. Điều này không chỉ minh bạch hóa thị trường nhượng quyền mà còn bảo vệ Bên dự kiến nhận quyền – thường là các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở trong nước, thiếu kinh nghiệm và chuyên môn so với đối tác nước ngoài. Trong bối cảnh đó, nghiên cứu các quy định những quốc gia có hệ thống pháp luật nhượng quyền thương mại phát triển lâu đời trên thế giới (ví dụ như Úc) sẽ mang tới những kinh nghiệm quý báu cho việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật của Việt Nam./.

Tài liệu tham khảo

  1. Đỗ Văn Đại (2017), Luật hợp đồng Việt Nam- Bản án và bình luận bản án, tập 1, Nxb Hồng Đức.
  2. Nguyễn Bá Bình (2010), “Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại theo quy định của pháp luật Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 2/2010.
  3. Lê Trường Sơn (2015), Giai đoạn tiền hợp đồng trong pháp luật Việt Nam, Luận án tiến sỹ, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.
  4. Lê Thị Bích Thọ (2004), Hợp đồng kinh tế vô hiệu, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  5. UNIDROIT (2012), Model Franchise Disclosure Law, https://www.unidroit.org/instruments/franchising/model-law, truy cập ngày 12/6/2019.
  6. Trade Practices Consultative Committee (Australia) (1979), Small business and the Trade Practices Act, xem tại https://www.australiancompetitionlaw.org/reports/pdf/ bluntreport1979.pdf, truy cập ngày 21/2/2019.
  7. Griffith University (2012), Asia-Pacific Centre for Franchising Excellence, Franchising Australia 2012, download tại http://www.australianfranchising.com.au/downloads/ FranchisingAustraliaSurvey-2012.pdf, truy cập ngày 15/2/2019.
  8. Robert Gardini (1994), Review of the Franchising Code of Practice, Report to Senator, the Hon Chris Schacht, Minister for Small Business, Customs and Construction.
  9. ACCC (2019), Franchising Investigations, tại https://www.accc.gov.au/business/industry-codes/franchising-code-of-conduct/ franchising-investigations, truy cập ngày 20/2/2019.
  10. Alan Wein (2013), Review of the Franchising Code of Conduct, tại https://docs.jobs.gov.au/system/files/doc/other/review_of_the_franchising_code_of_conduct.pdf, truy cập ngày 21/2/2019.
  11. Andrew Terry and Cary Di Lernia (2009), “Franchising and the Quest for the Holy Grail: Good Faith or Good Intentions?”, Melbourne University Law Review, Vol 33.
  12. SPAR Licensing Pty Ltd v MIS QLD Pty Ltd (2014), FCAFC 50, http://www.austlii.edu.au/cgi-bin/sinodisp/au/cases/cth/FCAFC/2014/50.html?stem=0&synonyms=0&query=title(%222014%20FCAFC%2050%22), truy cập ngày 28/01/2019.
  13. Master Education Services Pty Ltd v Ketchell (2008), 236 CLR 101, tại http://eresources.hcourt.gov.au/showCase/2008/HCA/38, truy cập ngày 05/02/2019.
  14. https://www.accc.gov.au/business/industry-codes/franchising-code-of-conduct/franchising-investigations.
  15. https://www.legislation.gov.au/Details/F2017C00182.

 

 

[1] Trường Đại học Ngoại thương, Email: anhdk@ftu.edu.vn

 

NGHĨA VỤ CUNG CẤP THÔNG TIN TIỀN HỢP ĐỒNG TRONG NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI

Đào Kim Anh[1]

 

Tóm tắt: Tình trạng thông tin bất đối xứng giữa các bên là một điểm đặc trưng trong giai đoạn đàm phán hợp đồng nhượng quyền thương mại. Tình trạng này, cùng với sự chênh lệch về sức mạnh đàm phán đặt Bên dự kiến nhận quyền vào tình thế rất bất lợi: phải phụ thuộc vào các thông tin chủ yếu do Bên nhượng quyền cung cấp để đưa ra quyết định giao kết hợp đồng. Trong khi đó, Bên nhượng quyền có lý do, động cơ cũng như điều kiện để cung cấp thông tin không trung thực hoặc không đầy đủ. Vì vậy, quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng trong nhượng quyền thương mại là một vấn đề được quan tâm trong pháp luật của hầu hết các quốc gia. Bài viết này phân tích các quy định về vấn đề này trong pháp luật Úc, trên cơ sở đó, so sánh với các quy định Việt Nam. Từ đó, bài viết chỉ ra một số điểm còn hạn chế trong các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về nghĩa vụ cung cấp thông tin giai đoạn tiền hợp đồng nhượng quyền thương mại, từ đó đưa ra một số đề xuất hoàn thiện.

Từ khóa: Nghĩa vụ cung cấp thông tin, hợp đồng nhượng quyền thương mại, giai đoạn tiền hợp đồng, pháp luật Việt Nam.

Abstract: Information asymmetry in the pre-contractual phrase is a typical feature of franchise agreements. This problem, exacerbated by the imbalance of negotiating power between franchisors and franchisees, puts prospective franchisees at a disadvantage. While the prospective franchisee largely depends on the information provided by the franchisor to make a decision to enter into the contract, the latter has reasons and motives to provide the former with incorrect or incomplete information. Therefore, the prior-disclosure obligation is a central issue in franchise law. This article analyzes the provisions on prior-disclosure under Australian franchise law in comparison with Vietnamese regulations. It then points out some limitations of current Vietnamese rules on prior-disclosure of information in franchise agreements, thereby making some recommendations for further improvement.

Keywords: Prior-disclosure obligation, franchise agreement, pre-contractual phrase, Vietnamese laws, Australian laws.

  1. Đặt vấn đề

Theo Luật thương mại của Việt Nam năm 2005, nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó Bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu Bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo một số điều kiện nhất định (Điều 284). Một điểm nổi bật trong quan hệ nhượng quyền là tồn tại tình trạng bất đối xứng thông tin giữa Bên nhượng quyền và Bên nhận quyền, đặc biệt trong giai đoạn tiền hợp đồng. Để tham gia vào hệ thống, Bên nhận quyền phải bỏ chi phí đầu tư ban đầu lớn, chịu toàn bộ các chi phí vận hành và rủi ro liên quan tới việc kinh doanh. Tuy nhiên, trong giai đoạn đàm phán hợp đồng, quyết định có ký kết hợp đồng nhượng quyền của Bên nhận quyền được đưa ra chủ yếu dựa trên các thông tin do Bên nhượng quyền cung cấp, ví dụ như về tỷ lệ lợi nhuận ước tính, thông tin về chi phí vận hành, doanh thu trung bình, các đặc tính về hàng hóa/dịch vụ cung cấp trong hệ thống nhượng quyền,... Mặc dù Bên nhận quyền có thể tiếp cận các nguồn thông tin bên ngoài, sự thành công “bề ngoài” của một hệ thống nhượng quyền khó có thể cho thấy một bức tranh toàn diện về những rủi ro và chi phí mà Bên nhận quyền phải bỏ ra.

Tại Việt Nam, trong những năm gần đây hoạt động nhượng quyền thương mại phát triển ngày càng phát triển tại Việt Nam với sự tham gia của các thương hiệu lớn quốc tế và khu vực như McDonald’s, Starbucks, KFC, Pizza Hut, Lotte, Circle K,…. Nếu xem xét sự chênh lệch về sức mạnh đàm phán hợp đồng giữa một bên là các tập đoàn nước ngoài quản lý chuỗi nhượng quyền rộng lớn và một bên là các doanh nghiệp trong nước thì tình trạng bất đối xứng thông tin càng trở nên trầm trọng. Trong khi Bên nhận quyền thường là thương nhân nhỏ, có rất ít kinh nghiệm kinh doanh nhượng quyền (có thể là các doanh nghiệp khởi nghiệp), Bên nhượng quyền lại thường các doanh nghiệp lớn có tiềm lực kinh tế và có đội ngũ luật sư dày dạn kinh nghiệm. Ngoài ra, Bên nhượng quyền thường là bên đưa ra mẫu hợp đồng nhượng quyền đi kèm với các điều khoản giao dịch chung áp dụng với các Bên nhận quyền trong hệ thống và Bên nhận quyền thường có ít khả năng đàm phán các điều khoản này. Khi đó, sự thiếu hụt thông tin của Bên nhận quyền có thể đặt bên này vào trạng thái bất lợi đáng kế mà cần có sự can thiệp của pháp luật.

Nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giai đoạn đàm phán hợp đồng nhượng quyền thương mại được ghi nhận trong pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới. Ví dụ, trong hệ thống pháp luật Úc, nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng quy định cụ thể tại Phần 2, Bộ Quy tắc Ứng xử về Nhượng quyền thương mại (Franchising Code of Practice – sau đây gọi tắt là Bộ Quy tắc Nhượng quyền). Bộ Quy tắc này được ban hành theo Nghị định về Người tiêu dùng và Cạnh tranh số 168/2014 và có giá trị pháp lý bắt buộc trong lĩnh vực nhượng quyền thương mại. Tại Việt Nam, Nghị định của Chính phủ số 35/2006/NĐ-CP ngày 31/3/2006 quy định chi tiết Luật thương mại về nhượng quyền thương mại (sau đây gọi tắt là Nghị định 35) đã có một số quy định đề cập tới nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giai đoạn đàm phán hợp đồng nhượng quyền thương mại. Sự tồn tại của các quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng được coi là một công cụ pháp lý cần thiết và hữu ích nhằm giải quyết sự bất đối xứng về thông tin – một yếu tố cốt lõi đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ thống nhượng quyền (Nguyễn Bá Bình, 2010).

  1. Chủ thể có nghĩa vụ cung cấp thông tin

Trong giai đoạn tiền hợp đồng, các quy định pháp luật về nhượng quyền thương mại điều chỉnh hành vi của hai chủ thể chính, bao gồm Bên nhượng quyền và Bên dự kiến nhận quyền. Liên quan tới nghĩa vụ cung cấp thông tin, Khoản 1, Điều 8, Nghị định 35 quy định:

“Bên nhượng quyền có trách nhiệm cung cấp bản sao hợp đồng nhượng quyền thương mại mẫu và bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại của mình cho Bên dự kiến nhận quyền ít nhất là 15 ngày làm việc trước khi ký kết hợp đồng nhượng quyền thương mại nếu các bên không có thỏa thuận khác. Các nội dung bắt buộc của bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại do Bộ Thương mại quy định và công bố.”

Ngược lại, trong giai đoạn tiền hợp đồng, Bên dự kiến nhận quyền có nghĩa vụ “phải cung cấp cho Bên nhượng quyền các thông tin mà Bên nhượng quyền yêu cầu một cách hợp lý để quyết định việc trao quyền thương mại cho Bên dự kiến nhận quyền” (Điều 9 Nghị định 35).

Như vậy, theo pháp luật Việt Nam chủ thể có nghĩa vụ cung cấp thông tin bao gồm cả Bên nhượng quyền và Bên dự kiến nhận quyền. Cách quy định này là khá đặc biệt nếu so sánh với pháp luật về nhượng quyền của các nước trên thế giới. Hầu hết các quốc gia có hệ thống pháp luật riêng về nhượng quyền thương mại chỉ quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin của Bên nhượng quyền (Nguyễn Bá Bình, 2010). Ví dụ, theo Bộ quy tắc Nhượng quyền của Úc, nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng chỉ là nghĩa vụ của Bên nhượng quyền (đối với Bên dự kiến nhận quyền) mà không có chiều ngược lại. Giải thích quy định “một chiều” này, Bên nhượng quyền được cho là có lợi thế thông tin trong hợp đồng nhượng quyền. Bên nhượng quyền không những có kinh nghiệm và chuyên môn trong lĩnh vực nhượng quyền mà còn hiểu rõ nhất về hoạt động nhượng quyền mà mình cung cấp. Trong khi đó, Bên dự kiến nhận quyền hầu như phải dựa vào các thông tin mà Bên nhượng quyền cung cấp để đánh giá được tiềm năng phát triển và lợi nhuận kỳ vọng của hệ thống nhượng quyền, từ đó quyết định có tham gia vào chuỗi nhượng quyền hay không. Những nguồn thông tin khác (nguồn công khai hoặc từ các Bên nhận quyền trước đó) thường không đầy đủ và có thể thiếu tính chính xác. Nói cách khác, các quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giai đoạn tiền hợp đồng nhượng quyền được đưa ra nhằm giải quyết tình trạng bất đối xứng thông tin theo luồng từ Bên nhượng quyền sang Bên dự kiến nhận quyền. Sự bất đối xứng thông tin có thể đặt Bên nhận quyền vào tình thế bất lợi quá đáng, thậm chí cản trở họ ra quyết định tham gia vào thị trường. Về lâu dài, điều này kìm hãm sự phát triển của hoạt động nhượng quyền, vì vậy cần có sự “can thiệp” của pháp luật. Cách quy định này của Úc cũng tương đồng với phần lớn các quốc gia khác như Hoa Kỳ, Canada, Italy,… (Nguyễn Bá Bình, 2010).

Theo tác giả, cách quy định về chủ thể cung cấp thông tin hiện nay trong Nghị định 35 có một số bất cập. Thứ nhất, cách quy định hiện nay trong Điều 9 khá chung chung, do đó có thể gây khó khăn và nhiều cách hiểu trong quá trình áp dụng. Cụ thể, những thông tin nào thì Bên nhượng quyền có thể yêu cầu Bên dự kiến nhận quyền cung cấp, trong những điều kiện nào thì yêu cầu của Bên nhượng quyền được coi là hợp lý? Cách quy định hiện nay trong Nghị định 35 thực tế không giúp ích nhiều trong việc làm rõ nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng trong nhượng quyền thương mại vì dù không có quy định này, thì Bên dự kiến nhận quyền vẫn phải tuân thủ nghĩa vụ chung theo Điều 387 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS 2015). Cụ thể, theo Khoản 1, Điều 387 BLDS 2015, “Trường hợp một bên có thông tin ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng của bên kia thì phải thông báo cho bên kia biết.” Quy định này đã khẳng định nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giai đoạn tiền hợp đồng là một nghĩa vụ độc lập của các bên.

Thứ hai, cách tiếp cận của Nghị định 35, thoạt nhìn có vẻ là công bằng hơn khi quy định nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng đối với cả hai bên. Tuy nhiên, thực tế, cách quy định chung chung tại Điều 9 có thể tạo thêm gánh nặng cho Bên dự kiến nhận quyền khi ràng buộc bên này phải cung cấp thông tin theo yêu cầu của Bên nhượng quyền, trong khi Bên dự kiến nhận quyền vốn là bên yếu thế hơn trong đàm phán. Về phía Bên nhượng quyền, quy định này cũng có thể có rủi ro. Theo quy định hiện nay thì Bên dự kiến nhận quyền có nghĩa vụ cung cấp thông tin mà Bên nhượng quyền yêu cầu một cách hợp lý. Như vậy, liệu có thể hiểu rằng: nếu Bên nhượng quyền không yêu cầu thì Bên dự kiến nhận quyền không có nghĩa vụ phải cung cấp thông tin? Giả sử trong trường hợp Bên dự kiến nhận quyền có thông tin quan trọng có thể ảnh hưởng tới quyết định giao kết hợp đồng của Bên kia nhưng không cung cấp vì Bên kia không yêu cầu thì Bên dự kiến nhận quyền có vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin hay không? Nếu dựa trên Điều 9, Nghị định 35 thì câu trả lời khả năng cao là không, nhưng nếu dựa vào Khoản 1, Điều 387 BLDS 2015 thì có thể ngược lại. Trong trường hợp này, phải chăng đã có sự thiếu thống nhất giữa quy định của luật chuyên ngành và luật chung?

Vì vậy, người viết cho rằng việc đưa ra nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng đối với Bên dự kiến nhận quyền tại Điều 9 Nghị định 35 sẽ không thực sự có ý nghĩa nếu chỉ dừng lại ở một quy định chung chung. Quy định này có thể được làm rõ hơn về những nhóm thông tin mà Bên nhượng quyền có thể yêu cầu Bên dự kiến nhận quyền cung cấp và/hoặc đưa ra một số yếu tố nhằm đánh giá tính “hợp lý” của yêu cầu này (theo thời gian yêu cầu, cách thức yêu cầu hay nội dung thông tin yêu cầu). Một hướng khác là theo cách tiếp cận của Úc (và nhiều quốc gia khác có văn bản luật riêng về nhượng quyền), tức là trong các văn bản riêng điều chỉnh hoạt động nhượng quyền thương mại chỉ nên quy định nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng của Bên nhượng quyền. Nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng của Bên dự kiến nhận quyền sẽ tuân theo các quy định của luật chung như Luật Thương mại hoặc Bộ luật Dân sự. Cách tiếp cận này cũng có thể đảm bảo sự áp dụng thống nhất giữa quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin chung trong BLDS 2015 với các quy định chuyên biệt trong các văn bản pháp luật chuyên ngành về nhượng quyền thương mại.

  1. Phạm vi thông tin cần cung cấp

Như đã phân tích ở phần trước, Nghị định 35 quy định nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng đối với cả Bên nhượng quyền và Bên dự kiến nhượng quyền nhưng phạm vi thông tin cần cung cấp của mỗi bên là không giống nhau. Trong khi nghĩa vụ cung cấp thông tin của Bên nhượng quyền được quy định khá chi tiết, cụ thể bao gồm cung cấp bản sao hợp đồng nhượng quyền và bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại thì phạm vi các thông tin mà Bên dự kiến nhận quyền còn khá chung chung.

Đối với Bên nhượng quyền, các thông tin mà bên này phải cung cấp trong Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại được cụ thể hóa, theo mẫu quy định tại Phụ lục III, Thông tư 09/2006/TT-BTM ngày 25/5/2006 của Bộ Thương mại hướng dẫn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại (sau đây gọi tắt là Thông tư 09). Cụ thể, Bản giới thiệu nhượng quyền phải có các thông tin sau: (i) thông tin chung về Bên nhượng quyền; (ii) Thông tin về quyền sở hữu trí tuệ; (iii) thông tin cụ thể về Bên nhượng quyền; (iv) Chi phí ban đầu mà Bên nhận quyền phải trả; (v) Các nghĩa vụ tài chính khác của Bên nhận quyền; (vi) Đầu tư ban đầu của Bên nhận quyền; (vii) Nghĩa vụ của Bên nhận quyền phải mua hoặc thuê những thiết bị để phù hợp với hệ thống kinh doanh do Bên nhượng quyền quy định; (viii) Nghĩa vụ của Bên nhượng quyền; (xix) Mô tả thị trường của hàng hóa/dịch vụ được kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại; (x) Hợp đồng nhượng quyền thương mại mẫu; (xi) Thông tin về hệ thống nhượng quyền; (xii) Báo cáo tài chính của Bên nhượng quyền; (xiii) Phần thưởng, sự công nhận sẽ nhận được hoặc tổ chức cần tham gia (Phụ lục III, Thông tư 09). Có thể thấy hiện nay, các quy định pháp luật đưa ra danh sách các phạm vi thông tin cần cung cấp theo hướng “liệt kê đóng”, do đó có nguy cơ bỏ sót những nhóm thông tin cần thiết, đặc biệt với tốc độ phát triển nhượng quyền đa dạng như hiện nay.

So sánh với quy định tại Úc, theo Điều 8, Bộ Quy tắc Nhượng quyền, Bên nhượng quyền thương mại có nghĩa vụ phải chuẩn bị Bản giới thiệu nhượng quyền (Disclosure document) theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 của Bộ Quy tắc. Trước hết, Điều 8(2) quy định mục đích của Bản giới thiệu nhượng quyền là nhằm cung cấp cho Bên dự kiến nhận quyền các thông tin cốt lõi đối với việc vận hành hoạt động kinh doanh nhượng quyền, từ đó giúp họ đưa ra quyết định hợp lý về hợp đồng nhượng quyền. Đây được coi là một quy định bao trùm về mục đích của Bản giới thiệu nhượng quyền nhằm xác định phạm vi thông tin cần cung cấp và tránh “để lọt” những thông tin quan trọng theo thực tiễn phát triển đa dạng của hoạt động này.

Tiếp theo, nội dung của Bản giới thiệu nhượng quyền được quy định chi tiết trong Phụ lục 1 của Bộ Quy tắc Nhượng quyền bao gồm:

  • Các thông tin về Bên nhượng quyền (thông tin pháp lý, tài chính, lịch sử khiếu nại, kiện tụng, hoặc bị xử lý vi phạm hành chính,…), mô tả về hoạt động kinh doanh nhượng quyền, thông tin về các đơn vị liên kết và về người quản lý của Bên nhượng quyền;
  • Mô tả kinh nghiệm kinh doanh của Bên nhượng quyền và (các) người quản lý của họ;
  • Thông tin về các Bên nhận quyền hiện có;
  • Thông tin về các tài sản trí tuệ đóng vai trò cốt lõi trong hệ thống nhượng quyền: mô tả tài sản, quyền và nghĩa vụ của Bên nhận quyền, thông tin đăng ký, chủ sở hữu, các tranh chấp, khiếu kiện có thể ảnh hưởng lớn tới quyền sở hữu, sử dụng tài sản,…
  • Địa điểm hoặc lãnh thổ nhượng quyền: hoạt động nhượng quyền là độc quyền hay không độc quyền, có giới hạn trong phạm vi địa lý nhất định,…
  • Quy định về việc Bên nhượng quyền cung cấp hàng hóa, dịch vụ (đầu vào) cho Bên nhận quyền;
  • Quy định về Bên nhận quyền cung cấp hàng hóa dịch vụ ra thị trường (có bị giới hạn hoặc phải tuân thủ các điều kiện gì?)
  • Quy định về cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tuyến (liệu hàng hóa, dịch vụ trong hoạt động nhượng quyền có được cung cấp trực tuyến, nếu có thì Bên nhận quyền có quyền thực hiện không, tỷ lệ phân chia lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trực tuyến?)
  • Các khoản thanh toán mà Bên nhận quyền phải trả;
  • Ngân sách marketing hoặc các hoạt động hỗ trợ bán hàng khác;
  • Quy định về sửa đổi, bổ sung hợp đồng nhượng quyền; xử lý khi hợp đồng nhượng quyền hết thời hạn;
  • Thông tin về thu nhập kỳ vọng: số liệu lịch sử về lợi nhuận của hoạt động nhượng quyền và của các Bên nhận quyền trong hệ thống, tỷ lệ lợi nhuận kỳ vọng,...

Như vậy, theo Bộ Quy tắc Nhượng quyền của Úc, Bản giới thiệu nhượng quyền không chỉ bao gồm các thông tin cơ bản (tương tự như quy định tại Phụ lục III, Thông tư 09) mà còn có các nhóm thông tin có khả năng ảnh hưởng lớn tới quyết định kinh doanh như: kinh nghiệm kinh doanh của Bên nhượng quyền và đội ngũ quản lý của Bên đó; quyền và phạm vi kinh doanh trực tuyến của Bên nhận quyền (đặc biệt trong giai đoạn phát triển thương mại điện tử mạnh mẽ như hiện nay).

Điều 10 (1) của Bộ Quy tắc cũng quy định rằng Bên nhượng quyền chỉ được giao kết hợp đồng sau khi đã nhận được văn bản từ Bên dự kiến nhận quyền xác nhận rằng bên đó đã nhận, đã đọc và có cơ hội hợp lý để hiểu được các tài liệu mà Bên nhượng quyền gửi. Quy định này nhằm đảm bảo Bên nhận quyền đã được thông báo một cách đầy đủ và có cơ hội để phản hồi về các thông tin mà Bên nhượng quyền cung cấp, tuy nhiên, cũng có nguy cơ phát sinh thêm các thủ tục và gây kéo dài quá trình đàm phán hợp đồng. Rủi ro lớn hơn là trong trường Bên nhượng quyền đã thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng nhưng chưa nhận được văn bản xác nhận từ Bên kia mà các bên đã tiến hành ký kết hợp đồng thì liệu “số phận” của hợp đồng đó như thế nào? Vấn đề này sẽ được phân tích rõ hơn trong phần 5 về hậu quả pháp lý do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng.

Ngoài Bản giới thiệu nhượng quyền, theo Điều 9(1) Bộ Quy tắc Nhượng quyền, Bên nhượng quyền phải cung cấp cho Bên dự kiến nhận quyền một bản sao Bộ Quy tắc, một bản hợp đồng nhượng quyền (theo đúng mẫu mà các bên sẽ thực hiện). Nếu hợp đồng nhượng quyền có điều khoản yêu cầu Bên nhận quyền phải tham gia vào các thỏa thuận phụ thì Bên nhượng quyền phải gửi trước các thỏa thuận phụ này cho Bên dự kiến nhận quyền. Quy định này xuất phát từ thực tiễn là để tham gia vào chuỗi nhượng quyền, bên cạnh hợp đồng nhượng quyền, Bên dự kiến nhận quyền thường được yêu cầu ký một bộ các thỏa thuận đính kèm như thỏa thuận bảo mật thông tin, hợp đồng thuê địa điểm, hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng tài sản trí tuệ, … Quy định chặt chẽ này giúp hạn chế trường hợp Bên nhượng quyền lợi dụng các thỏa thuận phụ để đưa ra những điều kiện bất lợi cho Bên nhận nhượng quyền.

  1. Thời hạn cung cấp thông tin

Về thời hạn cung cấp thông tin, theo Khoản 1, Điều 8, Nghị định 35, Bên nhượng quyền phải cung cấp các thông tin theo quy định cho Bên dự kiến nhận quyền ít nhất 15 ngày làm việc trước khi ký kết hợp đồng nhượng quyền, trừ khi các bên có thỏa thuận khác. Trong khi đó, theo quy định của Úc, Bên nhượng quyền có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định cho Bên dự kiến nhận quyền ít nhất 14 ngày trước khi giao kết hợp đồng nhượng quyền hoặc khi Bên dự kiến nhận quyền phải trả một khoản thanh toán không hoàn lại (có thể bằng tiền hoặc các khoản lợi ích có giá trị khác) cho Bên nhượng quyền (Điều 9(2) Bộ Quy tắc Nhượng quyền). Thoạt nhìn có thể thấy cách quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật Úc về khoảng thời gian không khác nhau nhiều, tuy nhiên cách tính mốc thời hạn thì lại có những điểm khác biệt khá thú vị. Theo quy định của Nghị định 35 thì thời hạn mà Bên nhượng quyền phải thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin là ít nhất 15 ngày làm việc trước khi ký kết hợp đồng. Có thể ngầm hiểu là các nhà làm luật cho rằng chỉ tới khi ký kết hợp đồng thì Bên dự kiến nhận quyền mới phát sinh các nghĩa vụ và trách nhiệm đối với Bên kia. Tuy nhiên, thực tiễn đàm phán hợp đồng nhượng quyền phức tạp hơn nhiều và không ít trường hợp Bên nhượng quyền (đặc biệt là với các chuỗi nhượng quyền lớn) yêu cầu Bên dự kiến nhận quyền phải thực hiện các khoản thanh toán trước hoặc đặt cọc để thể hiện cam kết muốn gia nhập hệ thống. Trong trường hợp này, việc cung cấp thông tin tiền hợp đồng chỉ thực sự có ý nghĩa đối với Bên dự kiến nhận quyền nếu thông tin được cung cấp trước khi họ phải tiến hành các khoản thanh toán không hoàn lại cho Bên nhượng quyền. Chính vì vậy, Bộ Quy tắc Nhượng quyền của Úc (tương tự với cách quy định trong Luật mẫu về Cung cấp thông tin trong Nhượng quyền thương mại của UNIDROIT, Điều 3(1) quy định thời hạn cung cấp thông tin không chỉ là trước khi ký kết hợp đồng mà phải trước khi Bên nhận quyền thực hiện các khoản thanh toán cho Bên kia.

Một vấn đề khác mà pháp luật Việt Nam còn bỏ ngỏ là “tính cập nhật” của thông tin. Điều 8 Khoản 2 Nghị định 35 có quy định “Bên nhượng quyền có trách nhiệm thông báo ngay cho tất cả các Bên nhận quyền về mọi thay đổi quan trọng trong hệ thống nhượng quyền thương mại”, tuy nhiên đây là nghĩa vụ của Bên nhượng quyền với các Bên nhận quyền (tức là sau khi đã ký kết hợp đồng nhượng quyền). Vậy còn các Bên dự kiện nhận quyền thì sao? Nếu Bên nhượng quyền đã thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin trong thời hạn quy định, nhưng sau đó thông tin có thay đổi trước khi ký kết hợp đồng thì liệu bên nhượng quyền có nghĩa vụ thông báo những thay đổi đó hay không? Nói cách khác, liệu nghĩa vụ cung cấp thông tin có kết thúc sau khi Bên nhượng quyền đã gửi Bên dự kiến nhận quyền các thông tin trong thời hạn quy định? Điều này đặc biệt quan trọng vì quá trình đàm phán, trao đổi trước khi ký kết hợp đồng nhượng quyền thường kéo dài, do đó thông tin có thể thay đổi đáng kể từ khi cung cấp thông tin cho tới khi hợp đồng thực sự được ký kết.

Liên quan tới vấn đề này, Điều 8 Khoản 2 Bộ Quy tắc Nhượng quyền của Úc nhấn mạnh mục đích của việc cung cấp thông tin là để Bên nhận quyền nắm được các thông tin hiện tại của chuỗi nhượng quyền. Tính “hiện tại” ở đây nên được hiểu là tại thời điểm cung cấp thông tin hay tại thời điểm ký kết hợp đồng?

Câu trả lời được tòa án Úc đưa ra trong vụ SPAR Licensing Pty Ltd v MIS QLD Pty Ltd. Tình tiết vụ việc có thể tóm tắt như sau: nguyên đơn (SPAR) là nhà cung cấp hàng tạp hóa, thực phẩm khô và các dịch vụ liên quan cho các đơn vị bán lẻ. Bị đơn (MIS) là một trong hai siêu thị trên Đảo Macleay (bang Queensland), đã ký kết hợp đồng nhượng quyền thương mại có thời hạn 5 năm, theo đó siêu thị của bị đơn sẽ trở thành một đơn vị bán lẻ mang hình ảnh, thương hiệu SPAR và chỉ bán các sản phẩm của SPAR. Hợp đồng được ký vào tháng 2/2011, tuy nhiên, tới tháng 8/2011, vì tình hình kinh doanh không thuận lợi và MIS muốn nhập thêm hàng hóa của Metcash (đối thủ cạnh tranh trực tiếp của SPAR) nên MIS đã đề nghị chấm dứt hợp đồng nhượng quyền với SPAR. Nguyên đơn không đồng ý và khởi kiện MIS ra tòa, yêu cầu bị đơn tuân thủ đúng các quy định trong hợp đồng. Trong đơn kiện lại của mình, MIS cho rằng SPAR đã vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng. Cụ thể, vào tháng 7/2010, SPAR đã cung cấp cho MIS Bản giới thiệu nhượng quyền trong đó có báo cáo tài chính tạm thời cho năm tài chính kết thúc vào tháng 6/2010. Tuy nhiên, phải tới tháng 2/2011 thì hợp đồng mới ký kết. Trong thời gian đó, bản báo cáo tài chính cuối cùng của SPAR đưa ra vào tháng 12/2010 cho thấy tình hình tài chính của chuỗi suy giảm đáng kể so với báo cáo tạm thời (công ty bị lỗ nặng trong năm đó và bị ngân hàng cắt giảm hạn mức tín dụng). MIS cho rằng SPAR tại thời điểm ký hợp đồng, thông tin trong Bản giới thiệu nhượng quyền không còn là thông tin “hiện tại” và nếu MIS biết các thông tin về tình hình tài chính xấu của SPAR thì họ sẽ không ký kết hợp đồng với SPAR. Cả Tòa sơ thẩm và Tòa phúc thẩm Liên bang đều đồng ý với lập luận của MIS, cho rằng thông tin “hiện tại” theo quy định của Bộ Quy tắc phải là thông tin có hiệu lực tại thời điểm xác lập hợp đồng. Bản án này có ý nghĩa quan trọng, khẳng định rằng nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng còn bao gồm cả nghĩa vụ cập nhật, bổ sung các thông tin cho tới khi hợp đồng được ký kết.

  1. Hậu quả pháp lý do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng

Khi nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng trong nhượng quyền thương mại không được các bên thực hiện đầy đủ thì có thể dẫn tới những hậu quả pháp lý nào? Câu hỏi này sẽ được trả lời ở phần tiếp theo đây.

Bồi thường thiệt hại

Quy định pháp luật Việt Nam ghi nhận hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng có thể dẫn tới trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Cụ thể, căn cứ Điểm c, Khoản 1 và Khoản 2 Điều 24, Nghị định 35 thì thương nhân kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại có hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin quy định tại Nghị định này gây thiệt đến lợi ích vật chất của tổ chức, cá nhân liên quan thì phải bồi thường thiệt hại. Tương tự, theo Khoản 3, Điều 387, BLDS 2015, một bên vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giao kết hợp đồng mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Vì trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng phát sinh trước khi có hợp đồng, xác định bản chất pháp lý của trách nhiệm này là trách nhiệm theo hợp đồng hay trách nhiệm ngoài hợp đồng còn là một vấn đề gây tranh cãi. Mặc dù quy định pháp luật Việt Nam chưa làm rõ bản chất pháp lý của trách nhiệm bồi thường thiệt hại tiền hợp đồng nhưng thực tiễn xét xử cho thấy tòa án khi giải quyết vấn đề này có xu hướng căn cứ trên các quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (Lê Trường Sơn, 2015). Theo người viết, hướng tiếp cận này là hợp lý vì đây là trách nhiệm phát sinh trong giai đoạn tiền hợp đồng, tức là khi chưa xác lập quan hệ hợp đồng giữa các bên. Thứ hai, trách nhiệm phát sinh do hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin – đây là nghĩa vụ do luật định chứ không phải nghĩa vụ do các bên thỏa thuận theo hợp đồng. Về vấn đề này, tòa án Úc cũng có cách tiếp cận tương tự. Trong vụ SPAR Licensing Pty Ltd v MIS QLD Pty Ltd, Tòa sơ thẩm Liên bang Úc đã phân biệt giữa: (i) bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng (phát sinh do bị đơn đơn phương chấm dứt hợp đồng không đúng quy định) – trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng, và (ii) bồi thường thiệt hại do nguyên đơn vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin theo Bộ quy tắc Nhượng quyền và Luật thương mại năm 1974 – trách nhiệm bồi thường thiệt ngoài hợp đồng.

 Về xác định các khoản thiệt hại được bồi thường, BLDS 2015 ghi nhận nguyên tắc thiệt hại phải được “bồi thường toàn bộ” (Điều 360). Trong quá trình đàm phán hợp đồng nhượng quyền, việc một bên cung cấp sai hoặc không cung cấp thông tin khiến bên kia chấp nhận giao kết hợp đồng (mà đáng nhẽ họ sẽ không giao kết) thì có thể dẫn tới các thiệt hại thực tế bao gồm các khoản phí đã trả để gia nhập chuỗi nhượng quyền. Đây là những thiệt hại nên được bồi thường nếu chứng minh được quan hệ nhân quả với hành vi vi phạm. Ngoài ra, các khoản lợi ích bị mất liệu có được bồi thường hay không? Đây là một trong những vấn đề mà tòa án Úc đã phải giải quyết trong vụ SPAR Licensing Pty Ltd v MIS QLD Pty Ltd. Trong vụ này, MIS chứng minh được SPAR đã có hành vi vi phạm là không cung cấp cho MIS báo cáo tài chính cập nhật của chuỗi nhượng quyền cho tới trước khi giao kết hợp đồng. Trên cơ sở đó, MIS yêu cầu SPAR bồi thường cho MIS các thiệt hại phát sinh, trong đó có khoản lợi nhuận ước tính mà MIS có thể thu được nếu MIS không bị ràng buộc bởi hợp đồng với SPAR và có thể phân phối sản phẩm của Metcash (là đối thủ cạnh tranh của SPAR). Mặc dù tòa án bị thuyết phục là MIS sẽ không giao kết hợp đồng với SPAR nếu họ được cung cấp thông tin, tòa cho rằng điều này không ảnh hưởng tới tình hình tài chính của MIS. Thực tế là trước khi giao kết hợp đồng nhượng quyền thì MIS đã bán các sản phẩm của SPAR và khoản lợi nhuận bị mất (theo lập luận của bị đơn khoảng 10% doanh thu) là không đáng kể nếu so sánh với các lợi ích mà bị đơn nhận được khi tham gia vào chuỗi nhượng quyền (bao gồm các khoản chiết khấu, hỗ trợ doanh số). Thực tế, sau khi giao kết hợp đồng nhượng quyền, doanh thu của MIS vẫn tiếp tục tăng (một phần là nhờ chính sách hỗ trợ bán hàng của nguyên đơn). Chính vì vậy, tòa đã bác bỏ yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của MIS cho khoản lợi nhuận bị mất.

Vô hiệu hợp đồng

Bên cạnh chế tài bồi thường thiệt hại, hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp tiền hợp đồng có thể làm ảnh hưởng tới sự tồn tại cuả hợp đồng nhượng quyền thương mại hay không? Luật Thương mại năm 2005 và các văn bản pháp luật về nhượng quyền thương mại không đề cập tới vấn đề này. Áp dụng các quy định của BLDS 2015, cụ thể là Điều 127 và Khoản 1 Điều 407 thì hợp đồng có thể bị vô hiệu trong trường hợp hợp đồng giao kết do bị lừa dối. Lừa dối theo Điều 127 BLDS 2015 được hiểu là “hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó”. Một số ý kiến cho rằng cách sử dụng thuật ngữ “hành vi cố ý” nêu trên “thể hiện quan điểm của pháp luật Việt Nam chỉ coi những hành vi cố ý lừa dối của một bên mà không thừa nhận sự im lặng hoặc không thông tin khi có nghĩa vụ thông tin đến người cùng giao kết hợp đồng là hành vi lừa dối trong giao kết hợp đồng” (Lê Thị Bích Thọ, 2004). Tuy nhiên, nhiều tác giả, trong đó có người viết, cho rằng quy định về lừa dối theo Điều 127 BLDS 2015 nên được hiểu rộng hơn bao gồm cả trường hợp một bên có thông tin quan trọng ảnh hưởng tới quyết định chấp nhận giao kết hợp đồng của bên kia đã im lặng. Thực tiễn xét xử của tòa án Việt Nam trong một số tranh chấp thương mại cho thấy những trường hợp tòa đã tuyên hợp đồng vô hiệu do có sự gian dối khi một bên đã cố tình không cung cấp những thông tin quan trọng liên quan tới đối tượng của hợp đồng cho bên kia (Đỗ Văn Đại, 2017).

Tuy nhiên, việc áp dụng quy định về hợp đồng dân sự vô hiệu do lừa dối với hành vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng trong nhượng quyền thương mại cần hết sức thận trọng. Như đã phân tích, phạm vi thông tin cần cung cấp trong giai đoạn tiền hợp đồng nhượng quyền thương mại rất đa dạng và vai trò các thông tin này trong từng trường hợp là không giống nhau. Trong một số trường hợp, việc cung cấp thông tin có thể giúp bên nhận thông tin biết rõ hơn về hợp đồng để từ đó ra quyết định giao kết hay không giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khác, hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin có thể không ảnh hưởng tới quyết định giao kết mà chỉ giúp các bên thông tin hiểu rõ về hệ thống nhượng quyền phục vụ cho quá trình thực hiện hợp đồng sau này. Ngay cả khi việc vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin có thể ảnh hưởng tới quyết định giao kết hợp đồng thì việc tuyên hợp đồng vô hiệu (tức là hợp đồng không có hiệu lực pháp luật ngay từ đầu) có thể gây thiệt hại lớn cho cả bên vi phạm và bên bị vi phạm. Quan hệ giữa các bên trong nhượng quyền thương mại thường là mối quan hệ lâu dài, và trong hoạt động này, ngoài hàng hóa và các tài sản hữu hình, bên nhận quyền thường tiếp nhận từ bên nhượng quyền các bí mật công nghệ, công thức, know-how,… Bên nhận nhượng quyền cũng thường phải đầu tư các chi phí ban đầu khá lớn để gia nhập chuỗi nhượng quyền, ký kết hợp đồng với bên thứ ba. Do đó, trong một số trường hợp, việc vô hiệu hợp đồng nhượng quyền khiến chính bên bị vi phạm rơi vào tình thế thiệt hại hơn hoặc phải vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng với các bên thứ ba.

Trước vấn đề liệu hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin có dẫn tới hợp đồng vô hiệu, pháp luật Úc có cách tiếp cận khá linh hoạt. Tòa án tối cao Úc trong vụ Master Education Services Pty Ltd v Ketchell đã nhận định rằng việc vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng theo quy định của luật không tự nó và tất yếu dẫn tới hợp đồng vô hiệu. Trong vụ này, Bên nhượng quyền là Công ty Master of Education Services khởi kiện bà Jean Ketchell (bên nhận quyền) vì đã không thanh toán phí nhượng quyền theo hợp đồng đã ký. Bị đơn lập luận rằng hợp đồng nhượng quyền vô hiệu vì vi phạm Điều 11 Bộ Quy tắc Nhượng quyền năm 1998. Cụ thể, theo Điều 11 nêu trên, bên cạnh nghĩa vụ cung cấp tài liệu cho Bên dự kiến nhượng quyền, Bên nhượng quyền trước khi giao kết hợp đồng phải có xác nhận Bên dự kiến nhận quyền khẳng định Bên dự kiến nhận quyền đã nhận, đọc và có cơ hội hợp lý để hiểu các tài liệu do Bên nhượng quyền cung cấp. Trong khi đó, nguyên đơn đã ký hợp đồng với bị đơn khi chưa có văn bản xác nhận nêu trên.

Tòa phúc thẩm bang New South Wales ủng hộ lập luận của bị đơn, cho rằng hợp đồng vô hiệu vì vi phạm điều cấm của luật. Không đồng ý với Tòa phúc thẩm, Tòa tối cao cho rằng mục đích của Luật thương mại và Bộ Quy tắc Nhượng quyền là nhằm định hướng và thúc đẩy sự tuân thủ của Bên nhượng quyền đối với các tiêu chuẩn ứng xử chung chứ không phải là đặt ra những điều cấm hay rào cản đối với thỏa thuận của các bên. Do đó, sẽ là không cần thiết và không hợp lý khi tuyên bố một hợp đồng vô hiệu chỉ bởi vì Bên nhượng quyền chưa nhận được văn bản xác nhận của Bên nhận quyền về việc đã đọc và hiểu thông tin. Tòa tối cao cũng chỉ ra cách áp dụng cứng nhắc của Tòa phúc thẩm là chưa phù hợp với tinh thần và mục đích của các quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng trong lĩnh vực nhượng quyền thương mại. Việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu trong mọi trường hợp có sự vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin có thể dẫn tới những hậu quả không mong muốn cho chính bên bị vi phạm, tạo cơ hội cho bên vi phạm trốn tránh nghĩa vụ, đồng thời đưa bên bị vi phạm vào tình thế bất lợi hơn. Vì vậy, hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin trong nên bị xử lý theo các chế tài của Luật thương mại áp dụng cho hành vi vi phạm Đạo luật này. Theo đó, tùy vào tình tiết của từng vụ tranh chấp, Tòa án được quyền xem xét áp dụng các chế tài sau (nếu tòa án cho là phù hợp): đưa ra một lệnh của tòa (yêu cầu một bên phải làm hoặc không được làm gì - injunction), bồi thường thiệt hại, yêu cầu sửa đổi hợp đồng, chấm dứt hợp đồng, hủy bỏ hợp đồng, hoặc từ chối thực thi một phần hoặc toàn bộ hợp đồng.

Cách giải quyết của Tòa án tối cao là khá hợp lý và có xem xét tới những đặc thù trong quan hệ nhượng quyền. Phán quyết này sau đó được viện dẫn tương đối thống nhất trong thực tiễn xét xử tại Úc. Ví dụ, trong vụ SPAR Licensing Pty Ltd v MIS QLD Pty Ltd, bị đơn cũng yêu cầu Tòa tuyên bố hợp đồng nhượng quyền vô hiệu do nguyên đơn đã cung cấp các thông tin tài chính về hệ thống nhượng quyền thiếu chính xác và thiếu cập nhật cho bị đơn. Mặc dù Tòa phúc thẩm liên bang cho rằng đây là thông tin quan trọng và nếu bị đơn biết được thông tin chính xác thì khả năng cao là sẽ không ký kết hợp đồng với nguyên đơn, điều này không nhất thiết dẫn tới hợp đồng vô hiệu. Thay vào đó, Tòa đã áp dụng một chế tài khác của Luật Thương mại đó là tuyên bố chấm dứt hợp đồng tại thời điểm ra bản án. Lý do Tòa án đưa ra là vì bị đơn không chứng minh được việc ký kết hợp đồng gây thiệt hại cho bị đơn. Thậm chí, (như đã phân tích ở trên), nguyên đơn chứng minh được rằng bị đơn thu được những lợi ích kinh tế nhờ gia nhập hệ thống nhượng quyền của nguyên đơn. Do đó, Tòa kết luận là không cần thiết có một “sự điều chỉnh về tài chính” đối với bị đơn đến mức phải tuyên hợp đồng vô hiệu (tức là không có hiệu lực ngay từ đầu).  Điểm thú vị trong trường hợp này là yếu tố thiệt hại được Tòa xem xét như là một điều kiện quan trọng để đưa ra quyết định áp dụng chế tài phù hợp.

Các chế tài khác

Ngoài ra, các chế tài nào khác có thể áp dụng đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng?  Theo Khoản 1, Điều 16, Nghị định 35 và Khoản 1, Điều 287 Luật Thương mại 2005, Bên nhận quyền có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu Bên nhượng quyền vi phạm nghĩa vụ “cung cấp tài liệu hướng dẫn về hệ thống nhượng quyền thương mại cho bên nhận quyền”. Nghĩa vụ cung cấp tài liệu hướng dẫn theo quy định Điều 287 Luật thương mại 2005 có phạm vi khá rộng, vì nghĩa vụ này có thể phát sinh trong cả giai đoạn tiền hợp đồng và giai đoạn thực hiện hợp đồng. Vấn đề đặt ra là “tài liệu hướng dẫn” bao gồm những tài liệu nào? Trước hết, bản giới thiệu về nhượng quyền là văn bản quan trọng và bắt buộc Bên nhượng quyền phải cung cấp (theo Điều 8, Nghị định 35), do đó có thể hiểu rằng bản giới thiệu về nhượng quyền nằm trong “tài liệu hướng dẫn” quy định tại Nghị định 35 nói trên (Nguyễn Bá Bình, 2010). Tuy nhiên, trên thực tiễn ngoài bản giới thiệu về nhượng quyền, Bên nhượng quyền có thể cung cấp cho Bên dự kiến nhượng quyền các tài liệu hướng dẫn khác (dù không bắt buộc theo quy định của pháp luật) ví dụ dưới dạng các bản mô tả, quy trình, hướng dẫn vận hành, thiết kế,… Trong trường hợp nếu thông tin trong các văn bản này không chính xác hoặc không đầy đủ thì liệu Bên dự kiến nhận quyền có thể chấm dứt hợp đồng hay không? Đây là vấn đề nên được hướng dẫn làm rõ. So sánh với pháp luật Úc, hiện nay các chế tài theo Luật Thương mại (trong đó có chấm dứt hợp đồng) được áp dụng chung với các hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin theo Bộ Quy tắc Nhượng quyền (trong đó bao gồm nhưng không giới hạn ở nghĩa vụ cung cấp Bản giới thiệu nhượng quyền).

Bên cạnh đó, theo pháp luật Việt Nam, Bên nhượng quyền bị xử phạt vi phạm hành chính nếu không cung cấp, cung cấp không đầy đủ, không chính xác các thông tin về nhượng quyền thương mại hoặc cung cấp thông tin không trung thực trong bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại. Mức xử phạt hiện hành là từ ba đến năm triệu đồng (Khoản 1, Điều 95, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng). Tuy nhiên, việc thực thi các quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin trong hoạt động nhượng quyền thương mại hiện nay chủ yếu là “tiền kiểm” tại giai đoạn đăng ký nhượng quyền (trong hồ sơ đăng ký phải có bản giới thiệu nhượng quyền thương mại). Trách nhiệm quản lý hoạt động nhượng quyền thương mại chủ yếu được giao cho Bộ Công thương và Sở thương mại các tỉnh, thành mà chưa có một cơ quan chuyên trách.

Tương tự với pháp luật Việt Nam, pháp luật Úc cũng áp dụng các chế tài phạt hành chính đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin trong Bộ Quy tắc Nhượng quyền. Cụ thể, trường hợp Bên nhượng quyền không chuẩn bị Bản giới thiệu nhượng quyền hoặc vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 9 (1) về nghĩa vụ cung cấp tài liệu cho Bên nhận quyền thì phải chịu mức phạt là 300 đơn vị phạt (penalty unit -PU). PU là một khái niệm trong pháp luật Úc, tương đương với một số tiền nhất định và được sử dụng để tính toán khoản phạt. Số tiền phạt sẽ được tính bằng đơn vị phạt nhân với giá trị của một đơn vị phạt (tính theo đô la Úc). Các nhà làm luật sử dụng PU để hạn chế tác động của lạm phát. Giá trị PU do Chính quyền liên bang công bố hiện nay là 210 đô la Úc (có hiệu lực từ 1/1/2017).

Ngoài ra, việc thực thi các quy định này được giao cho Ủy ban về Người tiêu dùng và Cạnh tranh của Úc (Australian Competition & Consumer Commision - ACCC). Các biện pháp thực thi mà ACCC có thể thực hiện bao gồm: khởi xướng các cuộc điều tra (dù có hoặc không có yêu cầu từ bên thứ ba), đưa ra thông báo vi phạm, xử phạt hành chính hoặc khởi kiện bên vi phạm ra tòa. Trong trường hợp kết luận có vi phạm, tòa án có thể đưa ra các chế tài sau: xử phạt, yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm hoặc yêu cầu Bên nhượng quyền phải thực hiện các biện pháp để tuân thủ pháp luật; bồi thường thiệt hại; hoặc cấm người quản lý của Bên nhượng quyền không được tham gia quản lý doanh nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định (ACCC, 2019). Như vậy, không chỉ bên có lợi ích bị xâm phạm mà ACCC cũng có quyền đưa vụ việc ra tòa án. Trên thực tiễn, cơ quan này hoạt động khá hiệu quả và tích cực (ACCC, 2019). Kinh nghiệm cho thấy, việc thực thi pháp luật về nhượng quyền thương mại nói chung và các quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng nói riêng thực sự hiệu quả nhờ có một cơ quan chuyên trách, có chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Tóm lại, khi hoạt động nhượng quyền thương mại ngày càng phát triển tại Việt Nam, đặc biệt với sự tham gia của các chuỗi nhượng quyền nước ngoài, việc hoàn thiện các quy định pháp luật về nghĩa vụ cung cấp tiền hợp đồng là rất cần thiết. Điều này không chỉ minh bạch hóa thị trường nhượng quyền mà còn bảo vệ Bên dự kiến nhận quyền – thường là các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở trong nước, thiếu kinh nghiệm và chuyên môn so với đối tác nước ngoài. Trong bối cảnh đó, nghiên cứu các quy định những quốc gia có hệ thống pháp luật nhượng quyền thương mại phát triển lâu đời trên thế giới (ví dụ như Úc) sẽ mang tới những kinh nghiệm quý báu cho việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật của Việt Nam./.

Tài liệu tham khảo

  1. Đỗ Văn Đại (2017), Luật hợp đồng Việt Nam- Bản án và bình luận bản án, tập 1, Nxb Hồng Đức.
  2. Nguyễn Bá Bình (2010), “Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại theo quy định của pháp luật Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 2/2010.
  3. Lê Trường Sơn (2015), Giai đoạn tiền hợp đồng trong pháp luật Việt Nam, Luận án tiến sỹ, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.
  4. Lê Thị Bích Thọ (2004), Hợp đồng kinh tế vô hiệu, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  5. UNIDROIT (2012), Model Franchise Disclosure Law, https://www.unidroit.org/instruments/franchising/model-law, truy cập ngày 12/6/2019.
  6. Trade Practices Consultative Committee (Australia) (1979), Small business and the Trade Practices Act, xem tại https://www.australiancompetitionlaw.org/reports/pdf/ bluntreport1979.pdf, truy cập ngày 21/2/2019.
  7. Griffith University (2012), Asia-Pacific Centre for Franchising Excellence, Franchising Australia 2012, download tại http://www.australianfranchising.com.au/downloads/ FranchisingAustraliaSurvey-2012.pdf, truy cập ngày 15/2/2019.
  8. Robert Gardini (1994), Review of the Franchising Code of Practice, Report to Senator, the Hon Chris Schacht, Minister for Small Business, Customs and Construction.
  9. ACCC (2019), Franchising Investigations, tại https://www.accc.gov.au/business/industry-codes/franchising-code-of-conduct/ franchising-investigations, truy cập ngày 20/2/2019.
  10. Alan Wein (2013), Review of the Franchising Code of Conduct, tại https://docs.jobs.gov.au/system/files/doc/other/review_of_the_franchising_code_of_conduct.pdf, truy cập ngày 21/2/2019.
  11. Andrew Terry and Cary Di Lernia (2009), “Franchising and the Quest for the Holy Grail: Good Faith or Good Intentions?”, Melbourne University Law Review, Vol 33.
  12. SPAR Licensing Pty Ltd v MIS QLD Pty Ltd (2014), FCAFC 50, http://www.austlii.edu.au/cgi-bin/sinodisp/au/cases/cth/FCAFC/2014/50.html?stem=0&synonyms=0&query=title(%222014%20FCAFC%2050%22), truy cập ngày 28/01/2019.
  13. Master Education Services Pty Ltd v Ketchell (2008), 236 CLR 101, tại http://eresources.hcourt.gov.au/showCase/2008/HCA/38, truy cập ngày 05/02/2019.
  14. https://www.accc.gov.au/business/industry-codes/franchising-code-of-conduct/franchising-investigations.
  15. https://www.legislation.gov.au/Details/F2017C00182.

 

 

[1] Trường Đại học Ngoại thương, Email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó.