Sidebar

Magazine menu

20
T7, 04

Tạp chí KTĐN số 116

 

KINH NGHIỆM CÁC NƯỚC TRONG PHÁT TRIỂN HỢP TÁC GIỮA TRƯỜNG ĐẠI HỌC VÀ DOANH NGHIỆP[1]

Nguyễn Hoài Nam[2]

 Nguyễn Thu Hà[3]

Nguyễn Thị Sâm[4]

Trần Tú Uyên[5]

Tóm tắt

Sự hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp trở nên cần thiết không chỉ riêng đối với nhà trường và doanh nghiệp, mà cả đối với các khu vực và quốc gia trên thế giới. Mối quan hệ hợp tác này không chỉ làm tăng khả năng chuyển giao công nghệ và tri thức, mà còn giúp các doanh nghiệp mới phát triển trên tinh thần khởi nghiệp. Để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh trong thị trường năng động hiện nay, đồng thời đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế của quốc gia và đáp ứng đòi hỏi khắt khe của thị trường lao động, việc hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp càng có ý nghĩa quan trọng. Bài viết này tập trung phân tích kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong việc phát triển hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp, nghiên cứu thực trạng hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp tại Việt Nam nhằm chỉ ra những vấn đề hạn chế trong việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác này như: vai trò của các bên liên quan còn mờ nhạt, chính sách cho việc phát triển mối quan hệ này còn hạn chế, phương thức và nội dung hợp tác còn chưa mang tính lâu dài. Trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm hợp tác từ các nước và thực trạng hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học tại Việt Nam, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm phù hợp cho Việt Nam.

Từ khóa: Hợp tác, trường đại học và doanh nghiệp, kinh nghiệm quốc tế.

 

Abstract

Collaboration between universities and firms has become necessary not only for the entities themselves, but also for nations and regions all over the world. On one hand, the university-industry linkage increases the chance to transfer technology and knowledge, and on the other hand, this develops new businesses in the entrepreneural spirit. In order to improve the competitiveness in today's dynamic market, to contribute to the national economic growth and to meet the rigorous demands of the labor market, the collaboration and linkages between universities and firms have become even more important. This paper discusses the best practices and experiences of countries worldwide in enhancing the university-industry linkages, studying the cooperation between universities and firms in Vietnam, clarifying limitations in promoting this cooperation as: the role of stakeholders is still fuzzy, the policy for developing this relationship is limited, the method and content of cooperation is not long-term. On the basis of learning from cooperative experiences from typical countries and the status of cooperation between universities and firms in Vietnam and then draws relevant lessons for Vietnam.

Keywords: Cooperation, university-industry linkage, international experiences.

 

  1. Đặt vấn đề

Hiện nay cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang trong giai đoạn khởi phát và sẽ tác động đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, đồng thời thay đổi hoàn toàn hệ thống sản xuất và quản trị đang áp dụng. Điều này sẽ buộc tất cả các thành phần kinh tế cần đổi mới sáng tạo để có thể thích nghi với môi trường mới. Các trường đại học và các doanh nghiệp cũng không nằm ngoài quy luật này. Các trường đại học sẽ là nơi đầu tiên nghiên cứu các công nghệ mới, trong khi đó các doanh nghiệp lại là nơi áp dụng những kết quả nghiên cứu này vào thực tế. Sự hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp là một sự thật khách quan, là một xu thế tất yếu, là mối quan hệ “win-win”, mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Nhận thức được tầm quan trọng của mối quan hệ giữa trường đại học và doanh nghiệp mà ở nhiều nước trên thế giới đã phát triển nhiều mô hình hợp tác đem lại hiệu quả to lớn và giải quyết nhiều vấn đề cho các bên tham gia. Tại Việt Nam trong những năm gần đây, việc xây dựng quan hệ hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp cũng đã được một số trường quan tâm và triển khai thực hiện. Tuy nhiên, kết quả còn khá khiêm tốn, chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Bởi vậy bài viết này nghiên cứu kinh nghiệm phát triển hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp của các nước trên thế giới và rút ra bài học cho Việt Nam.

  1. 2. Khái quát chung về hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp

2.1. Khái niệm

  Hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp đã được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm và xem xét cũng như đưa ra nhiều giải pháp nhằm thực hiện vấn đề này.

Mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp được hiểu như là những giao dịch giữa các trường đại học và các tổ chức sản xuất kinh doanh vì lợi ích của cả hai bên. Đẩy mạnh việc hợp tác nàyvà khai thác giá trị của nó có thể giúp nhà trường tháo gỡ những khó khăn về tài chính, và giúp các doanh nghiệp đạt được hoặc duy trì ưu thế cạnh tranh trong thị trường năng động ngày nay, đồng thời đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế của quốc gia và đáp ứng đòi hỏi của thị trường lao động (Carayon, 2003; Gibb & Hannon, 2006).

 Sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp thực chất còn là sự tương tác giữa trường đại học và các học giả, các nhân viên, các tổ chức, cơ quan nhà nước và các đơn vị liên quan tại địa phương. Sự hợp tác này thể hiện việc các bên quan tâm đến các công việc; thông tin về chính sách cũng như các kết quả về các hình thức hợp tác, giữa lý thuyết và thực tiễn (Dan, 2013).

           Như vậy có thể định nghĩa quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là tất cả mọi hình thức tương tác trực tiếp hay gián tiếp, có tính chất cá nhân hay tổ chức giữa trường đại học và các doanh nghiệp nhằm hỗ trợ lẫn nhau vì lợi ích của cả hai: hợp tác trong nghiên cứu và phát triển, kích thích sự vận động năng động qua lại của giảng viên, sinh viên và các nhà chuyên môn đang làm việc tại các doanh nghiệp; thương mại hóa các kết quả nghiên cứu; xây dựng chương trình đào tạo; tổ chức học tập suốt đời; hỗ trợ các nỗ lực sáng nghiệp và quản trị tổ chức.

2.2. Lợi ích của hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp

Trên góc độ của cơ sở giáo dục đại học, mối liên kết này mang lại những lợi ích sau đây:            

Thứ nhất, liên kết giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp giúp các cơ sở giáo dục đại học có thể bán các sản phẩm nghiên cứu của mình, tăng thu nhập cho đơn vị, tăng quỹ cho nghiên cứu khoa học, điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tất yếu về tự chủ tài chính của các cơ sở giáo dục đại học như hiện nay tại Việt Nam. Theo Dooley và Kirk (2007), liên kết giữa các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp đã làm tăng lượng lớn các bằng phát minh sáng chế của nhà trường chuyển giao cho các doanh nghiệp dưới hình thức chuyển giao sản phẩm khoa học công nghệ. Các doanh nghiệp sẽ đầu tư nguồn vốn phục vụ nghiên cứu cho cơ sở giáo dục đại học, các hình thức đầu tư có thể đa dạng như đầu tư trang thiết bị cho phòng thí nghiệm, trao đổi học bổng cho sinh viên, đầu tư cho hoạt động R&D, v.v.

Thứ hai, nhờ mối liên kết này các giảng viên của các cơ sở giáo dục đại học cũng sẽ năng động hơn, không những đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao năng lực nghiên cứu, đồng thời cập nhật những công nghệ tiên tiến, áp dụng kinh nghiệm thực tế vào giảng dạy, nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu một cách hiệu quả. Đối với sinh viên sẽ có môi trường thực tế để thực hành, được lựa chọn những môn học, học phần phù hợp với khả năng của mình. Hơn nữa sau khi tốt nghiệp cơ hội việc làm trở nên rộng mở do đã được học đúng chuyên môn mà doanh nghiệp đang cần, thực hành tại chính những doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng.

Thứ ba, sau khi doanh nghiệp sử dụng sản phẩm của cơ sở giáo dục đại học (cả sản phẩm công nghệ và sản phẩm con người), các doanh nghiệp sẽ có những phản hồi về độ thỏa dụng, tính hữu ích cũng như các ưu nhược điểm của sản phẩm. Căn cứ trên những phản hồi này cơ sở giáo dục đại học cần phải đổi mới sáng tạo, cập nhật chương trình đào tạo, chương trình nghiên cứu của mình để phù hợp với những đòi hỏi không ngừng của người tiêu dùng, mà doanh nghiệp là trung gian để truyền tải các thông điệp này.

Bên cạnh đó, dưới góc độ lợi ích đối với các doanh nghiệp cũng có rất nhiều điểm quan trọng. Thứ nhất, công nghệ mới ngày càng phức tạp gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực và năng lực cần thiết cho quá trình đổi mới công nghệ và thương mại hóa thành công (Woo, 2003). Do đó, khi doanh nghiệp liên kết hợp tác với cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiêp sẽ tận dụng được nguồn tri thức dồi dào và khả năng nghiên cứu vượt trội của các nhà khoa học. Doanh nghiệp có thể dễ dàng có được các sản phẩm công nghệ mới với chi phí thấp nhất và trong thời gian nhanh nhất thông qua việc đặt hàng cho cơ sở giáo dục đại học.

Thứ hai, có thể kể đến nguồn nhân lực chất lượng cao là các sinh viên đại học sau khi tốt nghiệp, doanh nghiệp có thể trực tiếp yêu cầu nhà trường đào tạo những kỹ năng, những môn học cần thiết cho nhu cầu tuyển dụng của mình mà không cần phải đào tạo lại như phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải.

Thứ ba, việc liên kết với cơ sở giáo dục đại học sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế. Bên cạnh mục tiêu lợi nhuận doanh nghiệp cũng sẽ quan tâm đến trách nhiệm xã hội của mình hơn, do trong các nghiên cứu đổi mới sáng tạo của mình, trường đại học luôn quan tâm đến tính bền vững, tăng cường khả năng bảo vệ môi trường. Việc luôn được tiếp cận với các sản phẩm có tính sáng tạo cao, thân thiện với môi trường mà các trường đại học nghiên cứu ra sẽ giúp doanh nghiệp tự đổi mới mình, đổi mới quy trình công nghệ và hoàn thiện mình hơn.

2.3. Phương thức hợp tác

              Mối quan hệ hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp là xu hướng phổ biến và được đánh giá là giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Tùy tình hình, đặc điểm của từng nước, từng ngành mà mỗi nước sẽ lựa chọn phương thức hợp tác phù hợp để phát triển, theo Nguyễn Thu Thủy và Bùi Thị Kim Phúc (2017), các phương thức hợp tác phổ biến có thể kể đến:

- Hợp tác trong nghiên cứu: Đây là hình thức hợp tác cao nhất giữa nhà trường và doanh nghiệp, nhưng thực tế còn diễn ra rất khiêm tốn trong giới hàn lâm. Mục đích của sự hợp tác này là đạt đến sự hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu của nhà trường, thực hiện các dự án liên kết mà giới hàn lâm và các doanh nghiệp cùng tiến hành. Các trường có thể tìm kiếm sự hợp tác này bằng cách chủ động giới thiệu với các doanh nghiệp những chương trình nghiên cứu khả dĩ đem lại lợi ích trực tiếp cho các doanh nghiệp.

- Thương mại hóa các kết quả nghiên cứu: Đây là điều khá phổ biến trong các nước phát triển mặc dù còn ít được giới hàn lâm trong trường đại học chú ý. Thương mại hóa ở đây bao gồm cả chuyển giao công nghệ. Ở các nước đang phát triển như Việt Nam, để có thể đẩy mạnh hình thức hợp tác này, một điều rất cần phải làm ngay là củng cố bộ khung thể chế bảo đảm trong thực tế quyền sở hữu trí tuệ. Hoạt động này thường tập trung ở những người đang có quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyên ngành của họ. Cần thúc đẩy lợi ích của cả ba bên, giới hàn lâm, nhà trường và doanh nghiệp, và ủng hộ các nỗ lực của họ.

- Thúc đẩy khả năng lưu chuyển của sinh viên: bằng cách tạo ra các cơ chế hỗ trợ họ, ví dụ như đưa sinh viên đi thực tập và tạo ra cơ hội giao lưu để họ có thể trải nghiệm nhiều khía cạnh phong phú của thế giới bên ngoài nhà trường. Tăng cường phối hợp với phòng nhân sự của các công ty, doanh nghiệp để tạo điều kiện cho sinh viên đến với thế giới việc làm.

- Thúc đẩy sự vận động, lưu chuyển của giới hàn lâm: Khuyến khích những hoạt động giao lưu hay hợp đồng làm việc ngắn hạn của giới hàn lâm trong các doanh nghiệp nhằm xây dựng quan hệ, chia sẻ quan điểm và nắm bắt thực tế. Cần có luật lệ, quy định để quyền lợi của giảng viên (như hưu bổng, kỳ nghỉ, sự thăng tiến, v.v.) không bị ảnh hưởng bởi thời gian làm việc ngắn hạn như thế.

- Xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo: Có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và giúp sinh viên thích ứng tốt với đòi hỏi của thị trường lao động. Cần khuyến khích sự tham gia của giới doanh nghiệp vào việc xây dựng và cập nhật chương trình của nhà trường, thông qua các cuộc thảo luận và trao đổi thông tin. Giới chuyên gia đang làm việc tại các doanh nghiệp cũng là một nguồn hợp tác đầy tiềm năng trong việc đảm nhận một phần việc giảng dạy trong nhà trường.

- Học tập suốt đời: hiện nay hoạt động này còn rất ít có sự hợp tác giữa hai bên. Cần nâng cao hiểu biết về học tập suốt đời, và tăng cường giao tiếp với các doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu cũng như lợi ích và khả năng thực hiện nhiều hình thức học tập khác nhau mà nhà trường có thể đem lại cho doanh nghiệp.

- Hỗ trợ tinh thần sáng nghiệp và các hoạt động khởi nghiệp: Nâng cao tinh thần sáng nghiệp trong nhà trường, tạo ra một văn hóa kích thích giảng viên và sinh viên suy nghĩ và hành động với tinh thần khởi nghiệp, đặt họ trước những con đường sáng nghiệp của giới doanh nghiệp và lôi cuốn họ thoát ra khỏi lối mòn tư duy.

- Tham gia quản trị nhà trường: Tăng cường sự tham gia của giới doanh nghiệp vào quá trình ra quyết định ở tầm lãnh đạo của nhà trường. Mời những người thành đạt trong giớidoanh nghiệp tham gia vào hội đồng trường. Họ sẽ giúp ích nhà trường rất nhiều đặc biệt là về chiến lược phát triển.

  1. 3. Kinh nghiệm hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp trên thế giới

3.1. Cộng hòa Liên bang Đức

Với nền giáo dục phát triển của thế giới, Đức là một trong những quốc gia đi đầu về các mô hình liên kết giữa các trường đại học và doanh nghiệp, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Điển hình như mô hình liên kết từ Trường Đại học Khoa học tự nhiên FH Mainz (Đức) với thành viên của Chương trình đối tác Đại học SAP. Trường FH Mainz có mối quan hệ liên kết với hơn 500 doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ trong hoạt động đào tạo nhân lực tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nhờ hoạt động liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo, Nhà trường đã tạo dựng được uy tín lớn đối với các đơn vị sử dụng lao động. Một trong những thành công lớn của Nhà trường được đánh dấu bởi việc tham gia Chương trình đối tác Đại học SAP.

Chương trình đối tác Đại học SAP là một sáng kiến có tính chất toàn cầu, được sự chia sẻ và tài trợ chính từ SAP - một doanh nghiệp hàng đầu trong cung cấp giải pháp và phần mềm quản trị doanh nghiệp. Chương trình đã phát triển mở rộng và có tính toàn cầu, thu hút hơn 800 trường đại học tại 36 quốc gia, hơn 2.200 giảng viên và 150.000 sinh viên tham gia, như: Đức, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan... Mô hình này đã kết nối cộng đồng các trường đại học và doanh nghiệp, đạt được nhiều thành công trong hoạt động xây dựng chương trình đào tạo; phát triển năng lực giảng viên, sinh viên; cung cấp những công cụ và tài nguyên phục vụ giảng dạy, học tập cho sinh viên ngành công nghệ... Trong mô hình này, các trường đại học được cung cấp miễn phí phần mềm SAP và nhiều công cụ, tài liệu phục vụ đào tạo. Ngược lại, doanh nghiệp cũng được hưởng lợi từ nguồn nhân lực chất lượng cao mà nhà trường đào tạo; được tiếp cận với nguồn chất xám của các giáo sư, tiến sĩ trong nhà trường phục vụ sự phát triển của doanh nghiệp.

3.2. Trung Quốc

 Tại Trung Quốc xu thế hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp ngày càng tăng, đặc biệt là trong các dự án chiến lược công nghệ cao ở Trung Quốc (Fiaz, 2013). Sau những thay đổi đáng kể trong chính sách thương mại năm 1978, Trung Quốc đặc biệt chú trọng phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Để đạt được các mục tiêu quốc gia thì sự hợp tác trong R&D là rất cần thiết. Các tổ chức mong muốn hợp tác để chia sẻ gánh nặng về chi phí và nỗ lực thực hiện R&D. Các ấn phẩm nghiên cứu của các học giả Trung Quốc và tỷ lệ bằng sáng chế công nghệ đang ngày càng tăng ở Trung Quốc. Các doanh nghiệp công nghệ cao có khuynh hướng chia sẻ các dự án với các trường đại học. Các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp được nhà nước hỗ trợ và các doanh nghiệp địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường các mối quan hệ đại học - doanh nghiệp. Tại Trung Quốc sự hợp tác này được thiết lập và khuyến khích là do các yếu tố như: xu hướng R&D, các rủi ro khi thực hiện R&D, các nhân tố khuyến khích R&D. Các nhà nghiên cứu cũng đồng ý rằng chiến lược hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp là một yêu cầu thực tế bắt buộc đối với Trung Quốc để đạt được mục tiêu trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo của thế giới.

           Việc mở cửa nền kinh tế của Trung Quốc bắt đầu với chính sách mở cửa vào năm 1978 cùng với những chính sách khuyến khích đầu tư vào Trung Quốc đã khiến cho nhiều thương hiệu quốc tế bắt đầu mở rộng kinh doanh tại đây. Trong vài thập kỷ qua, nhiều sản phẩm của quá trình đổi mới sáng tạo đã được đưa vào áp dụng để đạt được những lợi thế cạnh tranh. Sự canh tranh dựa trên đổi mới sáng tạo của công nghệ mà các doanh nghiệp có được từ những nghiên cứu hàn lâm. Chính bởi lẽ đó mà sự hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp đã thu hút được nhiều sự chú ý trong nền văn minh công nghiệp mới phát triển của Trung Quốc. Trung Quốc đã công bố Chương trình Quốc gia về Phát triển Công nghệ và Khoa học Trung hạn và Dài hạn 2006–2020 (Crookes, 2009). Mục đích là để truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động R&D, thiết lập các trung tâm R&D chung dẫn đến sự gắn bó giữa các học viện, doanh nghiệp và các viện nghiên cứu khoa học được nhà nước hỗ trợ với nhau. Chính sách này đã được triển khai giúp Trung Quốc vươn lên vị trí hàng đầu trong các quốc gia dẫn đầu về các công trình nghiên cứu. Nhiều trường đại học đang thực hiện các dự án R&D kết hợp công và tư. Nhiều viện nghiên cứu khác nhau đã được thành lập bởi Chính phủ Trung Quốc để hỗ trợ và bắt đầu thực hiện các chương trình R&D công nghệ cao, trong đó có Viện Vật lý Ứng dụng Thượng Hải, Viện Công nghệ Điện tử Nam Kinh, Viện Vật lý Kỹ thuật Thượng Hải, Học viện Hàng không Vũ trụ thứ 8 Thượng Hải…

3.3. Na Uy

Hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp ở Na Uy ngày càng được gia tăng và duy trì sự ổn định. Ngay từ những năm 1980, nhiều doanh nghiệp đã tài trợ cho hoạt động R&D trong các trường đại học, và đến những năm 1990 nhiều nghiên cứu sinh còn tìm được việc làm trong các công ty khi chưa tốt nghiệp (Gulbrandsen & Nerdrum, 2007).

Ở Na Uy, vào đầu thế kỷ XX, việc đẩy mạnh hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp là mối quan tâm của các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và các nhà giáo dục. Năm 2003, Na Uy đã theo gương của nhiều quốc gia, bao gồm Đan Mạch, Đức, Bỉ và Hà Lan, thực hiện thay đổi chính sách để đẩy mạnh xu hướng hợp tác này. Một số chương trình và chính sách cụ thể ở Na Uy như sau: (1) Các chương trình do Hội đồng Nghiên cứu Na Uy thực hiện, bao gồm “các dự án do người dùng quản lý”, hỗ trợ hợp tác đổi mới khu vực, chương trình thương mại hóa kết quả R&D, trung tâm nghiên cứu cơ bản (các công ty là đối tác ở một số trung tâm) và trung tâm "đổi mới dựa trên nghiên cứu" (quan hệ đối tác công-tư); (2) Các chương trình của tổ chức đổi mới “Innovasjon Norge” bao gồm các trung tâm chuyên môn và các cơ chế hỗ trợ theo vệ tinh, hỗ trợ dự án đổi mới sáng tạo và các sáng kiến khác nhau dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs); (3) Hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho Cơ quan Phát triển Công nghiệp SIVA nhằm hỗ trợ 18 vườn ươm, 18 công viên khoa học, 9 công ty đầu tư, v.v. Tám công viên khoa học đều nằm gần một trường đại học lớn, trong khi hầu hết các công viên kiến thức đều có liên kết đến một trường cao đẳng quốc gia; (4) Hợp đồng phát triển công nghiệp và công cộng, bao gồm hỗ trợ R&D trong các công ty vừa và nhỏ có liên quan đến việc mua sắm của các cơ quan nhà nước hoặc các công ty lớn; và (5) Các khoản khấu trừ thuế cho hoạt động R&D tư nhân, trong đó số tiền khấu trừ được tăng gấp đôi nếu công ty hợp tác với một “tổ chức R&D được phê duyệt” - bao gồm tất cả các trường đại học, cao đẳng và viện nghiên cứu của Na Uy và nước ngoài (Gulbrandsen & Nerdrum, 2007). Các hình thức hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp điển hình như sau:

  • Hợp tác giữa trường đại học – doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu

Tại Na Uy, Hội đồng nghiên cứu khoa học và công nghệ Na Uy đã đưa ra đề xuất chương trình nghiên cứu “do người dùng quản lý”, doanh nghiệp tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu của trường đại học đáp ứng được các yêu cầu cụ thể của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp công nghệ tiên tiến của Na Uy đã tham gia vào làn sóng nghiên cứu do người dùng quản lý. Từ giữa những năm 1990, các cơ chế chính sách mới tập trung hơn vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp công nghệ thấp và các trường đại học có năng lực nghiên cứu yếu kém. Một số chương trình đã tìm cách xây dựng các mối quan hệ mới thông qua kết nối với các doanh nghiệp từng có ít hoặc không có kinh nghiệm trong việc hợp tác với các trường đại học. Sự tăng cường tương tác như vậy đã làm cho các nhà nghiên cứu ở trường đại học thoát ra khỏi nghiên cứu và giảng dạy thuần túy, hướng đến hoạt động đổi mới sáng tạo gắn với nhu cầu của thị trường.

Về hoạt động đồng xuất bản các ấn phẩm nghiên cứu: việc đồng xuất bản là một yếu tố quan trọng trong sự hợp tác. Tại Na Uy, tỷ lệ các trường đại học và cao đẳng có các ấn phẩm đăng trên ISI chiếm trên 80%, cao hơn khoảng 8% so với mức của các nước như Canada, Hà Lan và Vương quốc Anh (Calvert & Patel, 2003). Số lượng đồng xuất bản các ấn phẩm không chỉ tăng giữa các trường đại học và viện nghiên cứu mà còn tăng nhờ việc hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp cũng như giữa doanh nghiệp và viện nghiên cứu.

Về đổi mới sáng tạo: sự hợp tác đổi mới sáng tạo giữa các doanh nghiệp và khu vực nghiên cứu công lập đặc biệt phổ biến trong các ngành công nghiệp quan trọng của quốc gia như hóa chất, thiết bị truyền thông, dầu khí, kim loại cơ bản và bột giấy. Các trường đại học trở thành đối tác quan trọng hơn các viện nghiên cứu trong các ngành công nghệ cao, và ngược lại các viện nghiên cứu quan trọng hơn trường đại học trong lĩnh vực sản xuất. So với các quốc gia khác, các công ty của Na Uy đánh giá cao trường đại học và viện nghiên cứu, coi đây là đối tác và là nguồn thông tin quan cho hoạt động của doanh nghiệp.

  • Hợp tác giữa trường đại học – doanh nghiệp trong hoạt động giảng dạy

Sự xuất hiện của đại diện doanh nghiệp tại các trường đại học cho thấy vai trò tạo cần thiết để có những thay đổi trong chương trình giảng dạy và phương pháp nghiên cứu phù hợp với yêu cầu thực tế. Một dấu hiệu khác của “mối quan hệ giảng dạy” cũng là dấu hiệu chứng minh năng lực nghiên cứu và phát triển và khả năng áp dụng vào thực tiễn đó là số lượng tiến sĩ làm việc trong các lĩnh vực khác nhau. Trong nhiều năm qua nhiều công ty của Na Uy đã tiến hành hỗ trợ các chương trình đào tạo tiến sĩ.

  • Hợp tác giữa trường đại học – doanh nghiệp trong khởi nghiệp và thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu

Tất cả các trường đại học và cao đẳng Na Uy đều có nêu rõ khởi nghiệp và thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu có tầm quan trọng không kém so với hai nhiệm vụ nghiên cứu và giảng dạy. Tại Na Uy các trường đại học được cấp kinh phí để thành lập văn phòng chuyển giao công nghệ. Các công viên khoa học bên ngoài và vườn ươm chủ yếu hoạt động như các văn phòng chuyển giao công nghệ. Ở một mức độ nào đó cho thấy định hướng thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu khá phổ biến trong hệ thống giáo dục ở Na Uy. Nhiều tổ chức nghiên cứu công có truyền thống lâu đời về tạo lập các doanh nghiệp khởi nghiệp và có văn phòng chuyển giao công nghiệp của riêng mình đóng vai trò cầu nối hỗ trợ rất hiệu quả (Gulbrandsen và cộng sự, 2006).

3.4. Úc

            Việc hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp là cần thiết bởi những sinh viên tốt nghiệp ra trường sẽ là lực lượng lao động chính, là tài sản quý giá của doanh nghiệp. Sinh viên ra trường với kiến thức được học sẽ áp dụng vào thực tiễn. Tuy nhiên không phải sản phẩm đào tạo nào của trường cũng đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp, chính vì lẽ đó các doanh nghiệp của Úc đã tham gia vào quá trình đào tạo sinh viên, ví dụ như góp ý đưa các chuyên đề mà doanh nghiệp thấy cần thiết vào chương trình đào tạo để sinh viên nghiên cứu và thực hành như quản lý vốn, quản lý rủi ro, xây dựng kế hoạch kinh doanh, giao dịch với các đối tác và nhiều tình huống khác. Không chỉ tham gia đào tạo bằng các chuyên đề giảng dạy mà nhiều doanh nghiệp còn đặt hàng nghiên cứu với mong muốn tạo ra nhiều sản phẩm có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường.

            Một trong những mô hình thành công nhất và trở thành mô hình trọng điểm quốc gia đó là “The Business/Higher Education Round Table” được giới thiệu vào năm 1990 để tăng cường mối quan hệ giữa doanh nghiệp, các ngành và giáo dục đại học (The Hon Christopher Pyne MP, 2014) – một mô hình bàn tròn hợp tác doanh nghiệp và đại học. Đây là một dạng câu lạc bộ đảm nhiệm vai trò kết nối các doanh nghiệp và trường đại học. Mục đích của diễn đàn này là giao lưu, kết nối giữa các trường đại học và các doanh nghiệp; đồng thời hợp tác tổ chức xây dựng chương trình đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng các đề tài khoa học vào thực tiễn, tạo sự kết nối, thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học. Thông qua diễn đàn, nhà trường và doanh nghiệp thực hiện hợp tác nghiên cứu nhằm giải quyết những yêu cầu về các lĩnh vực kinh tế - xã hội, khoa học kỹ thuật và thực tiễn đang đặt ra. Hình thức hoạt động của diễn đàn rất phong phú bao gồm: đối thoại, hội thảo, báo cáo khoa học, thiết lập dự án, chương trình đào tạo, phổ biến kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm nên diễn đàn thu hút được đông đảo các trường đại học, các nhà quản lý, sinh viên và các doanh nghiệp cùng tham gia. Thông qua đây, các trường đại học cung cấp các kiến thức chuyên môn sâu cho lĩnh vực mà doanh nghiệp yêu cầu. Ngược lại doanh nghiệp yêu cầu trường đại học xây dựng và thiết kế chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu của từng lĩnh vực chuyên ngành. Một số trường đại học còn cử các chuyên gia đến tư vấn trực tiếp cho doanh nghiệp và ngược lại các doanh nghiệp đến diễn thuyết tại trường đại học nhằm trao đổi học thuật và kinh nghiệm thực tiễn giúp sinh viên có những kiến thức toàn diện.

       Dựa trên mô hình nêu trên, một số trường đại học và doanh nghiệp đã tổ chức một số hoạt động gắn kết mới giữa đại học và doanh nghiệp như dự án “Hội đồng các khoa kinh doanh và các doanh nghiệp Úc”. Dự án này được hỗ trợ bởi Chính phủ Úc và Bộ Công nghiệp năm 2014. Mục đích của dự án là đánh giá toàn diện về đổi mới hệ thống quốc gia, những thách thức của doanh nghiệp; trên cơ sở đó xây dựng năng lực tích hợp cần thiết để lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo, phát triển và mở rộng các năng lực này trong phạm vi cả nước Úc. Nội dung cụ thể của dự án này là thiết kế chương trình đào tạo chi tiết gắn liền với yêu cầu đổi mới, tổ chức diễn đàn tư vấn với các doanh nghiệp và cộng đồng; thử nghiệm và ứng dụng sáng tạo. Kết quả thử nghiệm của các nghiên cứu sẽ giúp bổ sung hoàn thiện chương trình giảng dạy kinh doanh ở trường đại học có khoa kinh doanh.

3.5. Mỹ

            Trước năm 1980, việc thương mại hóa tài sản sở hữu trí tuệ của các trường đại học là rất hiếm và ít được quan tâm. Việc Quốc hội Mỹ ban hành Đạo luật Bayh-Dole vào năm 1980 cho phép các trường đại học và doanh nghiệp nhỏ sở hữu bằng sáng chế về nghiên cứu được liên bang tài trợ đã cách mạng hóa mối quan hệ giữa trường đại học và doanh nghiệp. Pháp luật cho phép các trường đại học cấp bằng sáng chế của họ cho doanh nghiệp, độc quyền hoặc không độc quyền. Khoản tiền bản quyền mà các trường đại học nhận được sẽ được dành cho các chương trình nghiên cứu mới (Ranga và cộng sự, 2013).

Với lịch sử lâu dài và đa dạng các hình thức hợp tác đại học doanh nghiệp ở Mỹ, các hình thức hợp tác của Mỹ cũng rất đặc trưng bởi sự kết hợp đa dạng của các tổ chức, bao gồm các trường đại học nghiên cứu, các trường đại học khai phóng, và các tổ chức công và tư.

Trung tâm Nghiên cứu Kỹ thuật của Quỹ Khoa học Quốc gia là một trong những chính sách lớn của Chính phủ Mỹ trong những năm 1980 để thúc đẩy sự hợp tác nghiên cứu và phát triển của trường đại học (Maldonado và cộng sự, 2010). Phần lớn các trường đại học ở Mỹ đã thiết lập mô hình đào tạo nghiên cứu và chuyển giao các kết quả nghiên cứu, cấp phép thực hiện thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu. Các trường đại học còn tham gia quản lý các hoạt động cấp phát bằng phát minh sáng chế, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho phép những người thực hiện các đề án nghiên cứu do chính phủ tài trợ được phép xin cấp bằng sáng chế. Các trường đại học ở Mỹ không những kết hợp với doanh nghiệp bên ngoài tham gia vào thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu mà còn đóng vai trò như các trung tâm, nơi sinh viên, giảng viên, cựu sinh viên, doanh nhân, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp có thể kết nối với nhau. Một số đại học hợp tác thành công với doanh nghiệp ở Mỹ có thể kể đến:

- Đại học Nam California: khuyến khích giảng viên phát triển tinh thần kinh doanh và đổi mới sáng tạo bằng cách hỗ trợ, khen thưởng và tài trợ cho công việc của giảng viên.

- Đại học Virginia: Trong năm 2010, Trường Y khoa trực thuộc Đại học Virginia là một trong những trường đại học đầu tiên thực hiện thương mại hóa kết quả NCKH và thực hiện các hoạt động hợp tác kinh doanh giữa trường đại học và doanh nghiệp.

- Trường Đại học Doanh nhân của Trung tâm Y khoa Nebraska: hợp tác với cơ quan có thẩm quyền để cấp phép thành lập và các nhà nghiên cứu tại đại học để giúp xác định, đánh giá, phát triển và hỗ trợ việc thành lập các công ty mới để kinh doanh dựa trên cơ chế hợp tác đào tạo và chuyển giao các kết quả nghiên cứu.

- Đại học Bắc Carolina Chapel Hill: cung cấp thực tập sinh và học bổng cho sinh viên đạt kết tốt trong việc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

Như vậy mô hình hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp ở Mỹ tập trung hơn vào việc đào tạo kỹ năng kinh doanh cho sinh viên, khuyến khích giảng viên đổi mới phương pháp giảng dạy và tham gia kinh doanh doanh, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu giữa trường đại học và doanh nghiệp.

3.6. Vương quốc Anh

            Các trường đại học nghiên cứu của Anh ngày càng trở nên hiệu quả và đáng học tập trong việc thương mại hóa nghiên cứu, cấp phép và chuyển giao công nghệ và có nhiều hình thức để hợp tác với các doanh nghiệp và các ngành kinh doanh. Hệ thống trường đại học đẳng cấp thế giới, đặc biệt là ở các nước cạnh tranh như Anh, được đặc trưng bởi việc chuyển tải và đưa các kiến thức khoa học và bí quyết công nghệ vào thực tế, thương mại hóa kết quả nghiên cứu hoặc các ứng dụng xã hội khác. Những đóng góp từ các nhà nghiên cứu của các trường đại học Anh để giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội thực sự là đáng kể. Một số hình thức nổi bật về hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp ở Anh có thể kể đến:

+ Chương trình Hợp tác chuyển giao tri thức (Knowledge Tranfer Partnership) là một chương trình do Quỹ đổi mới sáng tạo Anh tài trợ, nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện hình thành quan hệ đối tác giữa công ty hoặc tổ chức phi lợi nhuận với một trường đại học để thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu và thực hiện các dự án đổi mới sáng tạo.

+ Giải thưởng hợp tác về Khoa học và Kỹ thuật dành cho Sinh viên (Collaborative Awards in Science and Engineering - CASE): Giải thưởng này là một cơ chế cho phép các doanh nghiệp và trường đại học hợp tác và đóng vai trò tiền thân cho các mối quan hệ đáng kể sau này, nếu có lợi. Các giải thưởng này được đồng tài trợ bởi Hội đồng nghiên cứu và một đối tác là doanh nghiệp. Việc hợp tác này không những cung cấp cho sinh viên cơ hội phát triển các kỹ năng không có trong chương trình đào tạo mà còn giúp cho các doanh nghiệp khám phá được các hợp tác nghiên cứu có tiềm năng hoặc tăng cường mối quan hệ hiện tại. Hình thức phổ biến nhất của giải thưởng này đó là các doanh nghiệp hỗ trợ tài chính cho các nghiên cứu sinh đang thực hiện nghiên cứu tại các trường đại học với mong muốn là họ sẽ có khả năng thực hiện các dự án nghiên cứu liên quan đến mục tiêu của doanh nghiệp.

+ Hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp trong các Hội đồng Nghiên cứu (Research Council) và Ban Chiến lược Công nghệ (Technology Strategy Board): Hội đồng nghiên cứu và Ban chiến lược công nghệ là hai cơ quan có tầm ảnh hưởng ở Anh có vai trò hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu của nước này liên quan đến các nghiên cứu cơ bản, chiến lược và ứng dụng. Các doanh nghiệp và các trường đại học đều có đại diện của mình trong hai cơ quan này.

3.7. Đánh giá chung

Các kinh nghiệm hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp trên thế giới đều chỉ ra rằng:

- Thứ nhất, xác định được vai trò của các bên liên quan trong thúc đẩy hợp tác:

+ Chính phủ ở các nước, đặc biệt là các nước phát triển quan tâm hoạch định các chính sách thúc đẩy hoạt động nghiên cứu tại các trường đại học và tạo lập liên kết giữa các trường đại học với các ngành công nghiệp gắn với chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và chiến lược đổi mới công nghệ. Trong đó, các chính sách hỗ trợ đầu tư và khuyến khích hoạt động R&D và chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu ở các lĩnh vực khoa học công nghệ ưu tiên trở thành yếu tố quan trọng.

+ Các doanh nghiệp có vai trò quyết định trong tạo lập các liên kết và đưa các hạt động hợp tác cụ thể từ liên kết đó vào thực tiễn hoạt động. Doanh nghiệp cũng có vai trò trong xây dựng các chính sách, tiến hành các biện pháp thích hợp trong triển khai các mục tiêu  của các liên kết.

+ Đối với các trường đại học, môi trường cạnh tranh, hội nhập và tốc độ phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã thúc ép các trường đại học phải thay đổi tổ chức và các hoạt động quản trị đại học hướng tới mục tiêu đáp ứng nhu cầu của xã hội và hợp tác với doanh nghiệp. Ngoài sứ mệnh đào tạo nhân lực chất lượng cao, các trường đại học phải quan tâm thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu, các phát minh sáng chế. Do vậy, vai trò của các đại học ngày càng trở nên quan trọng trong việc kết nối với doanh nhân, các tổ chức và các ngành công nghiệp để thực hiện mục tiêu này.

- Thứ hai, chỉ mức độ hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp

+ Mức thấp và phổ biến là: tiếp nhận sinh  viên đến thực tập, tham quan thực tế, hỗ trợ chi phí và thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập.

+ Các mức cao hơn là: trao đổi chuyên gia, chia sẻ tri thức, công nghệ; đầu tư cho nghiên cứu, triển khai để cùng sở hữu và chuyển giao công nghệ; cùng đầu tư phát triển doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho xã hội.

- Thứ ba, chỉ rõ các hình thức hợp tác điển hình:

+ Chương trình thực tập dành cho sinh viên;

+ Doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo;

+ Doanh nghiệp tham gia vào hoạt động nghiên cứu;

+ Thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, cấp phép và chuyển giao công nghệ;

+ Tài trợ thực hiện các dự án nghiên cứu;

+  Hình thành các hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp;

+  Hình thành các công viên khoa học, vườn ươm công nghệ;

+ Thành lập các văn phòng chuyển giao công nghệ.

  1. 4. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong phát triển hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp

Ở Việt Nam, hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm từ hai thập niên trở lại đây. Các văn bản tuyên bố chủ trương và chỉ đạo khẳng định: Các trường đại học phải là các trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ, chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào sản xuất và đời sống; thực hiện liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động, cơ sở đào tạo và Nhà nước để phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội (chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020); coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới ứng dụng và chuyển giao công nghệ, là nguồn cầu quan trọng nhất của thị trường khoa học công nghệ (Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Trung ương Đảng khóa XI).

4.1. Một số mô hình hợp tác điển hình tại Việt Nam

                   * Mô hình hợp tác của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN): ĐHQGHN đã triển khai hiệu quả các mô hình liên kết ở hai cấp: liên kết trường - viện thuộc hệ thống ĐHQGHN, mô hình phòng thí nghiệm “phối thuộc” liên kết giữa trường đại học thành viên với viện nghiên cứu và doanh nghiệp bên ngoài ĐHQGHN; liên kết giữa ĐHQGHN với các doanh nghiệp và địa phương để thúc đẩy hợp tác giữa các đơn vị thành viên và nhà khoa học với các doanh nghiệp. Các phòng thí nghiệm theo mô hình “phối thuộc” tại Trường Đại học Công nghệ đã tạo điều kiện tốt hơn cho người học tiếp xúc với thực tế và tăng năng lực nghiên cứu, thực hành trong điều kiện nhà trường chưa đủ kinh phí đầu tư phòng thí nghiệm hiện đại cho các lĩnh vực (Đinh Văn Toàn, 2016)

             * Mô hình hợp tác giữa Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBKHN) thực hiện với Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông trong R&D, chuyển giao công nghệ là một hợp tác tiêu biểu, nhiều đề tài, dự án tăng cường năng lực nghiên cứu, hai phòng thí nghiệm chung (01 đặt tại Rạng Đông và 01 tại Trường) đã hình thành góp phần tạo nên sự tăng trưởng vượt bậc của Rạng Đông trong sản xuất - kinh doanh. Đặc biệt là mô hình BK Holdings gồm hệ thống các doanh nghiệp: 8 công ty thành viên, 1 chương trình hợp tác đào tạo và 2 trường đào tạo (Cao đẳng và Trung học phổ thông) do trường ĐHBKHN góp vốn sáng lập và cử người tham gia hội đồng quản trị. BK Holdings đóng vai trò cầu nối hợp tác, kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp và cá nhân cho các nhà khoa học và nhà trường khi có nhu cầu phát triển sản phẩm, thương mại hóa hoặc đầu tư nghiên cứu ban đầu về công nghệ. Điểm đặc biệt là trường ĐHBK hoặc các đơn vị, cá nhân trong trường có thể góp vốn vào các doanh nghiệp này bằng chính sáng kiến, quy trình công nghệ và sở hữu trí tuệ (Lê Công Cơ và các cộng sự, 2018).

              * Mô hình hợp tác của Đại học Thái Nguyên: Nhà trường đã tăng cường hợp tác trong và ngoài nước, trong đó có các hợp tác cụ thể với doanh nghiệp nước ngoài đóng ở Việt Nam. Năm 2015, Công ty Samsung Việt Nam đặt phòng Lab nghiên cứu - đào tạo tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên), thể hiện cam kết của hãng trong hợp tác phát triển nguồn nhân lực, giúp sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin được tiếp cận và trải nghiệm những công nghệ mới nhất. Các doanh nghiệp như Samsung cũng thể hiện sự nỗ lực liên kết với các đại học, gắn đào tạo với hoạt động sản xuất - kinh doanh giống như một số doanh nghiệp nước ngoài làm ăn lâu dài ở Việt Nam. Văn phòng hợp tác Đại học Thái Nguyên và Công ty TNHH Minami Fuji đặt tại Đại học Thái Nguyên minh chứng sự quyết tâm tăng cường hợp tác lâu dài giữa hai bên trong thời gian gần đây (Đinh Văn Toàn, 2016). Văn phòng có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động tư vấn, đào tạo và định hướng nghề nghiệp, tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, đồng thời hỗ trợ xúc tiến các đề án, chương trình hợp tác toàn diện giữa hai bên.

              * Mô hình của Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Huế: Theo Lê Công Cơ và cộng sự (2018), Trường Đại học Nông Lâm, thuộc Đại học Huế là một trong những trường đại học đầu tiên được chọn thí điểm mô hình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng (POHE) từ năm 2005. Trường đã nỗ lực hợp tác với doanh nghiệp để đổi mới chương trình đào tạo, giúp sinh viên tiếp cận nhiều hơn với thực tế, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Sinh viên được đào tạo theo Dự án POHE có nhiều cơ hội trực tiếp tham gia các hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh của các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước, như: Lào, Campuchia, Thái Lan... Đến nay, Trường đã có quan hệ hợp tác với gần 500 doanh nghiệp, mang lại cơ hội rất lớn cho người học. Chính điều này giúp sinh viên tự tin, năng động và tìm kiếm được việc làm đúng với sở trường và ngành nghề đào tạo sau khi tốt nghiệp.

              * Đánh giá chung các mô hình hợp tác tại Việt Nam

              Hợp tác đại học - doanh nghiệp ở Việt Nam thời gian vừa qua còn mang tính “chắp vá” cả về phương thức, thời hạn và nội dung. Các hợp tác (nếu có), kể cả hợp tác toàn diện đã được các tập đoàn và đại học lớn như Đại học Quốc gia ký kết, còn mang tính ngắn hạn, được triển khai trong giai đoạn ngắn hạn hoặc có tính “nhiệm kỳ”. Chưa có các hợp tác đạt được thành công mang tính dài hạn giữa các bên trong khoảng 10 năm trở lại đây. Về phương thức, các đại học chủ yếu thực hiện hình thức nhận tài trợ từ doanh nghiệp. Về nội dung, hợp tác thời gian qua của các đại học chủ yếu là ở hoạt động đào tạo, cung ứng lao động cho doanh nghiệp. Hợp tác trong nghiên cứu khoa học công nghệ còn hạn chế và chưa theo kịp xu thế của thế giới (các trường đại học thực hiện theo đặt hàng của doanh nghiệp và thị trường, sản phẩm khoa học công nghệ thuộc sở hữu chung, hai bên cùng phát triển để thương mại hóa).

              Các rào cản cho mối quan hệ hợp tác:

  • Phần lớn các chương trình nghiên cứu và nguồn thu chủ yếu của trường đại học đều được cấp bởi ngân sách nhà nước. Một mặt, nhiều sản phẩm nghiên cứu chưa gắn liền với ứng dụng thực tiễn. Mặt khác, các đại học và các nhà khoa học chủ yếu tập trung vào nghiên cứu khoa học theo đặt hàng ở giai đoạn nghiên cứu cơ bản vì không có rủi
  • Thiếu biên chế nghiên cứu viên trong các trường đại học. Nếu coi nghiên cứu ở trường đại học là một nhiệm vụ quan trọng không kém gì giảng dạy thì nhất thiết phải cấp biên chế và kinh phí ch hoạt động nghiên cứu.
  • Doanh nghiệp chưa mặn mà liên kết với viện/trường đại học, không chỉ do vấn đề cơ chế chính sách của Nhà nước, mà chủ yếu là do “trình độ KH&CN của chúng ta tuy có khá hơn trước nhưng so với quốc tế vẫn thấp”. Bên cạnh đó có nguyên nhân chủ quan là do các hướng nghiên cứu còn tản mát và thụ động.
  • Hoạt động đào tạo nhân lực tại các trường đại học cũng chưa thực sự đáp ứng được những đòi hỏi của doanh nghiệp, các chương trình đào tạo vẫn cần gắn liền với thực tiễn ứng dụng.
  • Một rào cản rất lớn khác cho các doanh nghiệp mong muốn tiếp cận hợp tác với các viện/trường đại học là sự hạn chế thông tin, mặc dù nhu cầu kết nối hợp tác là rất lớn. Các trường đại học chưa chủ động hợp tác, chia sẻ thông tin và quyền sáng chế cho doanh nghiệp và doanh nhân.

4.2. Một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

                 Từ việc phân tích kinh nghiệm hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp của các nước trên thế giới chúng ta có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc phát triển mối quan hệ này.

Một là, hoàn thiện hệ thống chính sách định hướng và điều chỉnh hoạt động liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp. Thời gian qua, Nhà nước đã có chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa một số ngành, lĩnh vực, trong đó khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư cho hoạt động giáo dục; tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các TĐH; khuyến khích các DN, hiệp hội DN liên kết với các TĐH trong đào tạo, hợp tác nghiên cứu... Tuy nhiên, để việc liên kết này hiệu quả, Nhà nước phải có chính sách hướng dẫn cụ thể và hành lang pháp lý thuận lợi, quy định cụ thể quyền, trách nhiệm, phương thức hợp tác giữa TĐH&DN, tránh những xung đột lợi ích, hay những mâu thuẫn từ mục tiêu phát triển giữa hai bên.

Hai là, xây dựng mạng lưới liên kết giữa TĐH&DN: Một mạng lưới liên kết giữa các TĐH&DN với vai trò là trung gian kết nối; thu thập, cập nhật dữ liệu; tư vấn và cung cấp các thông tin, mô hình liên kết là giải pháp tốt để các bên dễ dàng tìm được đối tác phù hợp và tham mưu cho các cơ quan chức năng trong việc hoạch định chính sách có liên quan.

Bên cạnh đó, TĐH&DN cũng cần duy trì các kênh tiếp xúc và liên lạc thường xuyên thông qua bộ phận chuyên trách phụ trách về hợp tác hoặc thông qua các hội nghị, hội thảo, các diễn đàn khoa học; những dự án chung để các bên có sự thông hiểu, tin tưởng lẫn nhau qua hoạt động thực tiễn.

Ba là, thực tiễn hóa đội ngũ giảng viên trong các TĐH và tri thức hóa đội ngũ công nhân trong các DN: Các DN cần có cơ chế, chính sách khuyến khích đội ngũ giáo sư, tiến sĩ, giảng viên có chất lượng cao trong các TĐH tham gia vào các dự án hoặc chia sẻ, cố vấn cho DN thông qua các chương trình đào tạo nội bộ.

Ngược lại, TĐH cũng cần chủ động mời các nhà quản lý, nhân lực giỏi từ DN tham gia vào hoạt động đào tạo của nhà trường về những kỹ năng tác nghiệp trên máy móc, thiết bị thực tế để quá trình nghiên cứu, giảng dạy trên giảng đường sát với thực tiễn.

Bốn là, kết hợp hài hòa các lợi ích: Để hợp tác giữa TĐH&DN được thiết thực, hiệu quả và bền vững, các bên cần nhận thức rõ các lợi ích, tôn trọng và cân bằng các lợi ích. Nhà trường cần ưu tiên chuyển giao công nghệ, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ DN trong tư vấn, giải quyết các vấn đề của DN. Ngược lại, DN cần tạo điều kiện tiếp nhận sinh viên kiến tập, thực tập, tham quan, khảo sát, tuyển dụng và sử dụng sinh viên tốt nghiệp của nhà trường; đóng vai trò là nhà cung cấp thông tin, phản biện để các cơ sở đào tạo nắm được nhu cầu của thị trường lao động; thường xuyên trao đổi, góp ý chương trình đào tạo, mô hình, phương pháp đào tạo của nhà trường; tài trợ, ủng hộ cho nhà trường cơ sở vật chất, thông tin và các nguồn lực trong khả năng của DN. Có như vậy, hoạt động liên kết giữa TĐH&DN mới có ý nghĩa thiết thực, hiệu quả và bền vững.

 

  1. Kết luận

Trong nền kinh tế thị trường phát triển, Việt Nam ngày càng phát triển và hội nhập sâu rộng trong khu vực và trên thế giới thì mối quan hệ giữa trường đại học và doanh nghiệp là rất quan trọng xuất phát từ yêu cầu khách quan của quy luật kinh tế, quy luật cung cầu, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên. Trong khuôn khổ của bài viết này chúng tôi mới phân tích được những kinh nghiệm phát triển mối quan hệ hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp của các nước trên thế giới để thấy được tầm quan trọng của việc phát triển sự hợp tác này đồng thời chỉ ra những mô hình hợp tác tiêu biểu. Trên cơ sở đó Việt Nam có thể tiếp thu và học hỏi kinh nghiệm để xây dựng và củng cố mối gắn kết bền vững giữa trường đại học và doanh nghiệp.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Calvert, J., and Patel, P. (2003). University-industry research collaborations in the UK: Bibliometric trends, Science and Public Policy 30(2), 85-96.
  2. Crookes, P.C.I. (2009). China’s embrace of the market economy: understanding its innovation strategy, European View Vol 8, 133–141.
  3. Đinh Văn Toàn (2016). Hợp tác đại học – doanh nghiệp trên thế giới và một số gợi ý cho Việt Nam, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Chuyên san Kinh tế và kinh doanh, Vol. 32, số 4, 69-80.
  4. Fiaz, M. (2013). An empirical study of university–industry R&D collaboration in China: Implications for technology in society, Technology in Society 35, 191–202.
  5. Gibb, A.A., and Hannon, P. (2006). Towards the Entrepreneurial University, International Journal of Entrepreneurship Education 4, 73-110.
  6. Guimón, J. (2013). Promoting University - industry collaboration in developing countries, Public Policy Brief, World Bank, Washington D.C.
  7. Lê Công Cơ, Lê Đức Toàn, và Nguyễn Thị Hạnh (2018). Mô hình gắn kết giữa trường Đại học với doanh nghiệp trong đào tạo đại học tại khu vực Miền Trung Việt Nam, NXB Thông tin và Truyền thông.
  8. Maldonado, M.U., Maldonato, M., Chaim, R.M., Pietrobon, R., and Varvakis, G. (2015). University-Industry partnerships with a focus on BRIC countries: A systems perspective on the good, the bad and the ugly, The 28th International Conference of The System Dynamics Society, 25th July, Seoul, Korea, 3041-3050.
  9. Dan, M. (2013). Why should university and Business cooperate? A discussion of advantages and disadvantages, International Journal of Economic Practices and Theories 3(1), 2247–7225.
  10. Ministry of State for Universities and Science (2015). The dowling Review of Business – University Research  Collaborations, https://www.raeng.org.uk/publications/reports/the-dowling-review-of-business-university-research.
  11. Nguyễn Kim Dung, Phạm Thị Hương (2017). Thực trạng hợp tác của các trường đại học với doanh nghiệp ở Việt Nam, Tạp chí Khoa học giáo dục số 4/2017, 29-41.
  12. Nguyễn Thu Thủy (2017). Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam, Những vấn đề Kinh tế chính trị và Thế giới số 7 (255), 57-68.
  13. Nguyễn Thu Thuỷ, Bùi Thị Kim Phúc (2017). Thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp, Tạp chí Kinh tế đối ngoại số 93/2017, 80-93.
  14. Phạm Bá Phong (2014). Bàn về quan hệ hợp tác giữa trường đại học với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực, Bản tin Khoa học và Giáo dục, 4-6
  15. Ranga, M., Hoareau, C., Durazzi, N., Etzkowitz, H., Marcucci, P., and Usher, A. (2013). Study on University – Business Cooperation in the US and Canada, Final Report to the European Commission, DG Education and Culture.

 

[1] Bài viết là sản phẩm của Chương trình KH&CN cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo “Nghiên cứu đề xuất giải pháp thúc đẩy hợp tác khoa học công nghệ giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp”.

[2] Học viện Ngân hàng, Email: namnh@hvnh.edu.vn

[3] Trường Đại học Ngoại thương, Email: nguyenthuha@ftu.edu.vn

[4] Trường Đại học Ngoại thương, Email: samnguyen241129@ftu.edu.vn

[5] Trường Đại học Ngoại thương, Email: uyentt@ftu.edu.vn

 

KINH NGHIỆM CÁC NƯỚC TRONG PHÁT TRIỂN HỢP TÁC GIỮA TRƯỜNG ĐẠI HỌC VÀ DOANH NGHIỆP[1]

Nguyễn Hoài Nam[2]

 Nguyễn Thu Hà[3]

Nguyễn Thị Sâm[4]

Trần Tú Uyên[5]

Tóm tắt

Sự hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp trở nên cần thiết không chỉ riêng đối với nhà trường và doanh nghiệp, mà cả đối với các khu vực và quốc gia trên thế giới. Mối quan hệ hợp tác này không chỉ làm tăng khả năng chuyển giao công nghệ và tri thức, mà còn giúp các doanh nghiệp mới phát triển trên tinh thần khởi nghiệp. Để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh trong thị trường năng động hiện nay, đồng thời đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế của quốc gia và đáp ứng đòi hỏi khắt khe của thị trường lao động, việc hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp càng có ý nghĩa quan trọng. Bài viết này tập trung phân tích kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong việc phát triển hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp, nghiên cứu thực trạng hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp tại Việt Nam nhằm chỉ ra những vấn đề hạn chế trong việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác này như: vai trò của các bên liên quan còn mờ nhạt, chính sách cho việc phát triển mối quan hệ này còn hạn chế, phương thức và nội dung hợp tác còn chưa mang tính lâu dài. Trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm hợp tác từ các nước và thực trạng hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học tại Việt Nam, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm phù hợp cho Việt Nam.

Từ khóa: Hợp tác, trường đại học và doanh nghiệp, kinh nghiệm quốc tế.

 

Abstract

Collaboration between universities and firms has become necessary not only for the entities themselves, but also for nations and regions all over the world. On one hand, the university-industry linkage increases the chance to transfer technology and knowledge, and on the other hand, this develops new businesses in the entrepreneural spirit. In order to improve the competitiveness in today's dynamic market, to contribute to the national economic growth and to meet the rigorous demands of the labor market, the collaboration and linkages between universities and firms have become even more important. This paper discusses the best practices and experiences of countries worldwide in enhancing the university-industry linkages, studying the cooperation between universities and firms in Vietnam, clarifying limitations in promoting this cooperation as: the role of stakeholders is still fuzzy, the policy for developing this relationship is limited, the method and content of cooperation is not long-term. On the basis of learning from cooperative experiences from typical countries and the status of cooperation between universities and firms in Vietnam and then draws relevant lessons for Vietnam.

Keywords: Cooperation, university-industry linkage, international experiences.

 

  1. Đặt vấn đề

Hiện nay cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang trong giai đoạn khởi phát và sẽ tác động đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, đồng thời thay đổi hoàn toàn hệ thống sản xuất và quản trị đang áp dụng. Điều này sẽ buộc tất cả các thành phần kinh tế cần đổi mới sáng tạo để có thể thích nghi với môi trường mới. Các trường đại học và các doanh nghiệp cũng không nằm ngoài quy luật này. Các trường đại học sẽ là nơi đầu tiên nghiên cứu các công nghệ mới, trong khi đó các doanh nghiệp lại là nơi áp dụng những kết quả nghiên cứu này vào thực tế. Sự hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp là một sự thật khách quan, là một xu thế tất yếu, là mối quan hệ “win-win”, mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Nhận thức được tầm quan trọng của mối quan hệ giữa trường đại học và doanh nghiệp mà ở nhiều nước trên thế giới đã phát triển nhiều mô hình hợp tác đem lại hiệu quả to lớn và giải quyết nhiều vấn đề cho các bên tham gia. Tại Việt Nam trong những năm gần đây, việc xây dựng quan hệ hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp cũng đã được một số trường quan tâm và triển khai thực hiện. Tuy nhiên, kết quả còn khá khiêm tốn, chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Bởi vậy bài viết này nghiên cứu kinh nghiệm phát triển hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp của các nước trên thế giới và rút ra bài học cho Việt Nam.

  1. 2. Khái quát chung về hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp

2.1. Khái niệm

  Hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp đã được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm và xem xét cũng như đưa ra nhiều giải pháp nhằm thực hiện vấn đề này.

Mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp được hiểu như là những giao dịch giữa các trường đại học và các tổ chức sản xuất kinh doanh vì lợi ích của cả hai bên. Đẩy mạnh việc hợp tác nàyvà khai thác giá trị của nó có thể giúp nhà trường tháo gỡ những khó khăn về tài chính, và giúp các doanh nghiệp đạt được hoặc duy trì ưu thế cạnh tranh trong thị trường năng động ngày nay, đồng thời đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế của quốc gia và đáp ứng đòi hỏi của thị trường lao động (Carayon, 2003; Gibb & Hannon, 2006).

 Sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp thực chất còn là sự tương tác giữa trường đại học và các học giả, các nhân viên, các tổ chức, cơ quan nhà nước và các đơn vị liên quan tại địa phương. Sự hợp tác này thể hiện việc các bên quan tâm đến các công việc; thông tin về chính sách cũng như các kết quả về các hình thức hợp tác, giữa lý thuyết và thực tiễn (Dan, 2013).

           Như vậy có thể định nghĩa quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là tất cả mọi hình thức tương tác trực tiếp hay gián tiếp, có tính chất cá nhân hay tổ chức giữa trường đại học và các doanh nghiệp nhằm hỗ trợ lẫn nhau vì lợi ích của cả hai: hợp tác trong nghiên cứu và phát triển, kích thích sự vận động năng động qua lại của giảng viên, sinh viên và các nhà chuyên môn đang làm việc tại các doanh nghiệp; thương mại hóa các kết quả nghiên cứu; xây dựng chương trình đào tạo; tổ chức học tập suốt đời; hỗ trợ các nỗ lực sáng nghiệp và quản trị tổ chức.

2.2. Lợi ích của hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp

Trên góc độ của cơ sở giáo dục đại học, mối liên kết này mang lại những lợi ích sau đây:            

Thứ nhất, liên kết giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp giúp các cơ sở giáo dục đại học có thể bán các sản phẩm nghiên cứu của mình, tăng thu nhập cho đơn vị, tăng quỹ cho nghiên cứu khoa học, điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tất yếu về tự chủ tài chính của các cơ sở giáo dục đại học như hiện nay tại Việt Nam. Theo Dooley và Kirk (2007), liên kết giữa các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp đã làm tăng lượng lớn các bằng phát minh sáng chế của nhà trường chuyển giao cho các doanh nghiệp dưới hình thức chuyển giao sản phẩm khoa học công nghệ. Các doanh nghiệp sẽ đầu tư nguồn vốn phục vụ nghiên cứu cho cơ sở giáo dục đại học, các hình thức đầu tư có thể đa dạng như đầu tư trang thiết bị cho phòng thí nghiệm, trao đổi học bổng cho sinh viên, đầu tư cho hoạt động R&D, v.v.

Thứ hai, nhờ mối liên kết này các giảng viên của các cơ sở giáo dục đại học cũng sẽ năng động hơn, không những đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao năng lực nghiên cứu, đồng thời cập nhật những công nghệ tiên tiến, áp dụng kinh nghiệm thực tế vào giảng dạy, nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu một cách hiệu quả. Đối với sinh viên sẽ có môi trường thực tế để thực hành, được lựa chọn những môn học, học phần phù hợp với khả năng của mình. Hơn nữa sau khi tốt nghiệp cơ hội việc làm trở nên rộng mở do đã được học đúng chuyên môn mà doanh nghiệp đang cần, thực hành tại chính những doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng.

Thứ ba, sau khi doanh nghiệp sử dụng sản phẩm của cơ sở giáo dục đại học (cả sản phẩm công nghệ và sản phẩm con người), các doanh nghiệp sẽ có những phản hồi về độ thỏa dụng, tính hữu ích cũng như các ưu nhược điểm của sản phẩm. Căn cứ trên những phản hồi này cơ sở giáo dục đại học cần phải đổi mới sáng tạo, cập nhật chương trình đào tạo, chương trình nghiên cứu của mình để phù hợp với những đòi hỏi không ngừng của người tiêu dùng, mà doanh nghiệp là trung gian để truyền tải các thông điệp này.

Bên cạnh đó, dưới góc độ lợi ích đối với các doanh nghiệp cũng có rất nhiều điểm quan trọng. Thứ nhất, công nghệ mới ngày càng phức tạp gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực và năng lực cần thiết cho quá trình đổi mới công nghệ và thương mại hóa thành công (Woo, 2003). Do đó, khi doanh nghiệp liên kết hợp tác với cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiêp sẽ tận dụng được nguồn tri thức dồi dào và khả năng nghiên cứu vượt trội của các nhà khoa học. Doanh nghiệp có thể dễ dàng có được các sản phẩm công nghệ mới với chi phí thấp nhất và trong thời gian nhanh nhất thông qua việc đặt hàng cho cơ sở giáo dục đại học.

Thứ hai, có thể kể đến nguồn nhân lực chất lượng cao là các sinh viên đại học sau khi tốt nghiệp, doanh nghiệp có thể trực tiếp yêu cầu nhà trường đào tạo những kỹ năng, những môn học cần thiết cho nhu cầu tuyển dụng của mình mà không cần phải đào tạo lại như phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải.

Thứ ba, việc liên kết với cơ sở giáo dục đại học sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế. Bên cạnh mục tiêu lợi nhuận doanh nghiệp cũng sẽ quan tâm đến trách nhiệm xã hội của mình hơn, do trong các nghiên cứu đổi mới sáng tạo của mình, trường đại học luôn quan tâm đến tính bền vững, tăng cường khả năng bảo vệ môi trường. Việc luôn được tiếp cận với các sản phẩm có tính sáng tạo cao, thân thiện với môi trường mà các trường đại học nghiên cứu ra sẽ giúp doanh nghiệp tự đổi mới mình, đổi mới quy trình công nghệ và hoàn thiện mình hơn.

2.3. Phương thức hợp tác

              Mối quan hệ hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp là xu hướng phổ biến và được đánh giá là giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Tùy tình hình, đặc điểm của từng nước, từng ngành mà mỗi nước sẽ lựa chọn phương thức hợp tác phù hợp để phát triển, theo Nguyễn Thu Thủy và Bùi Thị Kim Phúc (2017), các phương thức hợp tác phổ biến có thể kể đến:

- Hợp tác trong nghiên cứu: Đây là hình thức hợp tác cao nhất giữa nhà trường và doanh nghiệp, nhưng thực tế còn diễn ra rất khiêm tốn trong giới hàn lâm. Mục đích của sự hợp tác này là đạt đến sự hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu của nhà trường, thực hiện các dự án liên kết mà giới hàn lâm và các doanh nghiệp cùng tiến hành. Các trường có thể tìm kiếm sự hợp tác này bằng cách chủ động giới thiệu với các doanh nghiệp những chương trình nghiên cứu khả dĩ đem lại lợi ích trực tiếp cho các doanh nghiệp.

- Thương mại hóa các kết quả nghiên cứu: Đây là điều khá phổ biến trong các nước phát triển mặc dù còn ít được giới hàn lâm trong trường đại học chú ý. Thương mại hóa ở đây bao gồm cả chuyển giao công nghệ. Ở các nước đang phát triển như Việt Nam, để có thể đẩy mạnh hình thức hợp tác này, một điều rất cần phải làm ngay là củng cố bộ khung thể chế bảo đảm trong thực tế quyền sở hữu trí tuệ. Hoạt động này thường tập trung ở những người đang có quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyên ngành của họ. Cần thúc đẩy lợi ích của cả ba bên, giới hàn lâm, nhà trường và doanh nghiệp, và ủng hộ các nỗ lực của họ.

- Thúc đẩy khả năng lưu chuyển của sinh viên: bằng cách tạo ra các cơ chế hỗ trợ họ, ví dụ như đưa sinh viên đi thực tập và tạo ra cơ hội giao lưu để họ có thể trải nghiệm nhiều khía cạnh phong phú của thế giới bên ngoài nhà trường. Tăng cường phối hợp với phòng nhân sự của các công ty, doanh nghiệp để tạo điều kiện cho sinh viên đến với thế giới việc làm.

- Thúc đẩy sự vận động, lưu chuyển của giới hàn lâm: Khuyến khích những hoạt động giao lưu hay hợp đồng làm việc ngắn hạn của giới hàn lâm trong các doanh nghiệp nhằm xây dựng quan hệ, chia sẻ quan điểm và nắm bắt thực tế. Cần có luật lệ, quy định để quyền lợi của giảng viên (như hưu bổng, kỳ nghỉ, sự thăng tiến, v.v.) không bị ảnh hưởng bởi thời gian làm việc ngắn hạn như thế.

- Xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo: Có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và giúp sinh viên thích ứng tốt với đòi hỏi của thị trường lao động. Cần khuyến khích sự tham gia của giới doanh nghiệp vào việc xây dựng và cập nhật chương trình của nhà trường, thông qua các cuộc thảo luận và trao đổi thông tin. Giới chuyên gia đang làm việc tại các doanh nghiệp cũng là một nguồn hợp tác đầy tiềm năng trong việc đảm nhận một phần việc giảng dạy trong nhà trường.

- Học tập suốt đời: hiện nay hoạt động này còn rất ít có sự hợp tác giữa hai bên. Cần nâng cao hiểu biết về học tập suốt đời, và tăng cường giao tiếp với các doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu cũng như lợi ích và khả năng thực hiện nhiều hình thức học tập khác nhau mà nhà trường có thể đem lại cho doanh nghiệp.

- Hỗ trợ tinh thần sáng nghiệp và các hoạt động khởi nghiệp: Nâng cao tinh thần sáng nghiệp trong nhà trường, tạo ra một văn hóa kích thích giảng viên và sinh viên suy nghĩ và hành động với tinh thần khởi nghiệp, đặt họ trước những con đường sáng nghiệp của giới doanh nghiệp và lôi cuốn họ thoát ra khỏi lối mòn tư duy.

- Tham gia quản trị nhà trường: Tăng cường sự tham gia của giới doanh nghiệp vào quá trình ra quyết định ở tầm lãnh đạo của nhà trường. Mời những người thành đạt trong giớidoanh nghiệp tham gia vào hội đồng trường. Họ sẽ giúp ích nhà trường rất nhiều đặc biệt là về chiến lược phát triển.

  1. 3. Kinh nghiệm hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp trên thế giới

3.1. Cộng hòa Liên bang Đức

Với nền giáo dục phát triển của thế giới, Đức là một trong những quốc gia đi đầu về các mô hình liên kết giữa các trường đại học và doanh nghiệp, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Điển hình như mô hình liên kết từ Trường Đại học Khoa học tự nhiên FH Mainz (Đức) với thành viên của Chương trình đối tác Đại học SAP. Trường FH Mainz có mối quan hệ liên kết với hơn 500 doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ trong hoạt động đào tạo nhân lực tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nhờ hoạt động liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo, Nhà trường đã tạo dựng được uy tín lớn đối với các đơn vị sử dụng lao động. Một trong những thành công lớn của Nhà trường được đánh dấu bởi việc tham gia Chương trình đối tác Đại học SAP.

Chương trình đối tác Đại học SAP là một sáng kiến có tính chất toàn cầu, được sự chia sẻ và tài trợ chính từ SAP - một doanh nghiệp hàng đầu trong cung cấp giải pháp và phần mềm quản trị doanh nghiệp. Chương trình đã phát triển mở rộng và có tính toàn cầu, thu hút hơn 800 trường đại học tại 36 quốc gia, hơn 2.200 giảng viên và 150.000 sinh viên tham gia, như: Đức, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan... Mô hình này đã kết nối cộng đồng các trường đại học và doanh nghiệp, đạt được nhiều thành công trong hoạt động xây dựng chương trình đào tạo; phát triển năng lực giảng viên, sinh viên; cung cấp những công cụ và tài nguyên phục vụ giảng dạy, học tập cho sinh viên ngành công nghệ... Trong mô hình này, các trường đại học được cung cấp miễn phí phần mềm SAP và nhiều công cụ, tài liệu phục vụ đào tạo. Ngược lại, doanh nghiệp cũng được hưởng lợi từ nguồn nhân lực chất lượng cao mà nhà trường đào tạo; được tiếp cận với nguồn chất xám của các giáo sư, tiến sĩ trong nhà trường phục vụ sự phát triển của doanh nghiệp.

3.2. Trung Quốc

 Tại Trung Quốc xu thế hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp ngày càng tăng, đặc biệt là trong các dự án chiến lược công nghệ cao ở Trung Quốc (Fiaz, 2013). Sau những thay đổi đáng kể trong chính sách thương mại năm 1978, Trung Quốc đặc biệt chú trọng phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Để đạt được các mục tiêu quốc gia thì sự hợp tác trong R&D là rất cần thiết. Các tổ chức mong muốn hợp tác để chia sẻ gánh nặng về chi phí và nỗ lực thực hiện R&D. Các ấn phẩm nghiên cứu của các học giả Trung Quốc và tỷ lệ bằng sáng chế công nghệ đang ngày càng tăng ở Trung Quốc. Các doanh nghiệp công nghệ cao có khuynh hướng chia sẻ các dự án với các trường đại học. Các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp được nhà nước hỗ trợ và các doanh nghiệp địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường các mối quan hệ đại học - doanh nghiệp. Tại Trung Quốc sự hợp tác này được thiết lập và khuyến khích là do các yếu tố như: xu hướng R&D, các rủi ro khi thực hiện R&D, các nhân tố khuyến khích R&D. Các nhà nghiên cứu cũng đồng ý rằng chiến lược hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp là một yêu cầu thực tế bắt buộc đối với Trung Quốc để đạt được mục tiêu trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo của thế giới.

           Việc mở cửa nền kinh tế của Trung Quốc bắt đầu với chính sách mở cửa vào năm 1978 cùng với những chính sách khuyến khích đầu tư vào Trung Quốc đã khiến cho nhiều thương hiệu quốc tế bắt đầu mở rộng kinh doanh tại đây. Trong vài thập kỷ qua, nhiều sản phẩm của quá trình đổi mới sáng tạo đã được đưa vào áp dụng để đạt được những lợi thế cạnh tranh. Sự canh tranh dựa trên đổi mới sáng tạo của công nghệ mà các doanh nghiệp có được từ những nghiên cứu hàn lâm. Chính bởi lẽ đó mà sự hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp đã thu hút được nhiều sự chú ý trong nền văn minh công nghiệp mới phát triển của Trung Quốc. Trung Quốc đã công bố Chương trình Quốc gia về Phát triển Công nghệ và Khoa học Trung hạn và Dài hạn 2006–2020 (Crookes, 2009). Mục đích là để truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động R&D, thiết lập các trung tâm R&D chung dẫn đến sự gắn bó giữa các học viện, doanh nghiệp và các viện nghiên cứu khoa học được nhà nước hỗ trợ với nhau. Chính sách này đã được triển khai giúp Trung Quốc vươn lên vị trí hàng đầu trong các quốc gia dẫn đầu về các công trình nghiên cứu. Nhiều trường đại học đang thực hiện các dự án R&D kết hợp công và tư. Nhiều viện nghiên cứu khác nhau đã được thành lập bởi Chính phủ Trung Quốc để hỗ trợ và bắt đầu thực hiện các chương trình R&D công nghệ cao, trong đó có Viện Vật lý Ứng dụng Thượng Hải, Viện Công nghệ Điện tử Nam Kinh, Viện Vật lý Kỹ thuật Thượng Hải, Học viện Hàng không Vũ trụ thứ 8 Thượng Hải…

3.3. Na Uy

Hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp ở Na Uy ngày càng được gia tăng và duy trì sự ổn định. Ngay từ những năm 1980, nhiều doanh nghiệp đã tài trợ cho hoạt động R&D trong các trường đại học, và đến những năm 1990 nhiều nghiên cứu sinh còn tìm được việc làm trong các công ty khi chưa tốt nghiệp (Gulbrandsen & Nerdrum, 2007).

Ở Na Uy, vào đầu thế kỷ XX, việc đẩy mạnh hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp là mối quan tâm của các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và các nhà giáo dục. Năm 2003, Na Uy đã theo gương của nhiều quốc gia, bao gồm Đan Mạch, Đức, Bỉ và Hà Lan, thực hiện thay đổi chính sách để đẩy mạnh xu hướng hợp tác này. Một số chương trình và chính sách cụ thể ở Na Uy như sau: (1) Các chương trình do Hội đồng Nghiên cứu Na Uy thực hiện, bao gồm “các dự án do người dùng quản lý”, hỗ trợ hợp tác đổi mới khu vực, chương trình thương mại hóa kết quả R&D, trung tâm nghiên cứu cơ bản (các công ty là đối tác ở một số trung tâm) và trung tâm "đổi mới dựa trên nghiên cứu" (quan hệ đối tác công-tư); (2) Các chương trình của tổ chức đổi mới “Innovasjon Norge” bao gồm các trung tâm chuyên môn và các cơ chế hỗ trợ theo vệ tinh, hỗ trợ dự án đổi mới sáng tạo và các sáng kiến khác nhau dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs); (3) Hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho Cơ quan Phát triển Công nghiệp SIVA nhằm hỗ trợ 18 vườn ươm, 18 công viên khoa học, 9 công ty đầu tư, v.v. Tám công viên khoa học đều nằm gần một trường đại học lớn, trong khi hầu hết các công viên kiến thức đều có liên kết đến một trường cao đẳng quốc gia; (4) Hợp đồng phát triển công nghiệp và công cộng, bao gồm hỗ trợ R&D trong các công ty vừa và nhỏ có liên quan đến việc mua sắm của các cơ quan nhà nước hoặc các công ty lớn; và (5) Các khoản khấu trừ thuế cho hoạt động R&D tư nhân, trong đó số tiền khấu trừ được tăng gấp đôi nếu công ty hợp tác với một “tổ chức R&D được phê duyệt” - bao gồm tất cả các trường đại học, cao đẳng và viện nghiên cứu của Na Uy và nước ngoài (Gulbrandsen & Nerdrum, 2007). Các hình thức hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp điển hình như sau:

  • Hợp tác giữa trường đại học – doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu

Tại Na Uy, Hội đồng nghiên cứu khoa học và công nghệ Na Uy đã đưa ra đề xuất chương trình nghiên cứu “do người dùng quản lý”, doanh nghiệp tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu của trường đại học đáp ứng được các yêu cầu cụ thể của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp công nghệ tiên tiến của Na Uy đã tham gia vào làn sóng nghiên cứu do người dùng quản lý. Từ giữa những năm 1990, các cơ chế chính sách mới tập trung hơn vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp công nghệ thấp và các trường đại học có năng lực nghiên cứu yếu kém. Một số chương trình đã tìm cách xây dựng các mối quan hệ mới thông qua kết nối với các doanh nghiệp từng có ít hoặc không có kinh nghiệm trong việc hợp tác với các trường đại học. Sự tăng cường tương tác như vậy đã làm cho các nhà nghiên cứu ở trường đại học thoát ra khỏi nghiên cứu và giảng dạy thuần túy, hướng đến hoạt động đổi mới sáng tạo gắn với nhu cầu của thị trường.

Về hoạt động đồng xuất bản các ấn phẩm nghiên cứu: việc đồng xuất bản là một yếu tố quan trọng trong sự hợp tác. Tại Na Uy, tỷ lệ các trường đại học và cao đẳng có các ấn phẩm đăng trên ISI chiếm trên 80%, cao hơn khoảng 8% so với mức của các nước như Canada, Hà Lan và Vương quốc Anh (Calvert & Patel, 2003). Số lượng đồng xuất bản các ấn phẩm không chỉ tăng giữa các trường đại học và viện nghiên cứu mà còn tăng nhờ việc hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp cũng như giữa doanh nghiệp và viện nghiên cứu.

Về đổi mới sáng tạo: sự hợp tác đổi mới sáng tạo giữa các doanh nghiệp và khu vực nghiên cứu công lập đặc biệt phổ biến trong các ngành công nghiệp quan trọng của quốc gia như hóa chất, thiết bị truyền thông, dầu khí, kim loại cơ bản và bột giấy. Các trường đại học trở thành đối tác quan trọng hơn các viện nghiên cứu trong các ngành công nghệ cao, và ngược lại các viện nghiên cứu quan trọng hơn trường đại học trong lĩnh vực sản xuất. So với các quốc gia khác, các công ty của Na Uy đánh giá cao trường đại học và viện nghiên cứu, coi đây là đối tác và là nguồn thông tin quan cho hoạt động của doanh nghiệp.

  • Hợp tác giữa trường đại học – doanh nghiệp trong hoạt động giảng dạy

Sự xuất hiện của đại diện doanh nghiệp tại các trường đại học cho thấy vai trò tạo cần thiết để có những thay đổi trong chương trình giảng dạy và phương pháp nghiên cứu phù hợp với yêu cầu thực tế. Một dấu hiệu khác của “mối quan hệ giảng dạy” cũng là dấu hiệu chứng minh năng lực nghiên cứu và phát triển và khả năng áp dụng vào thực tiễn đó là số lượng tiến sĩ làm việc trong các lĩnh vực khác nhau. Trong nhiều năm qua nhiều công ty của Na Uy đã tiến hành hỗ trợ các chương trình đào tạo tiến sĩ.

  • Hợp tác giữa trường đại học – doanh nghiệp trong khởi nghiệp và thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu

Tất cả các trường đại học và cao đẳng Na Uy đều có nêu rõ khởi nghiệp và thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu có tầm quan trọng không kém so với hai nhiệm vụ nghiên cứu và giảng dạy. Tại Na Uy các trường đại học được cấp kinh phí để thành lập văn phòng chuyển giao công nghệ. Các công viên khoa học bên ngoài và vườn ươm chủ yếu hoạt động như các văn phòng chuyển giao công nghệ. Ở một mức độ nào đó cho thấy định hướng thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu khá phổ biến trong hệ thống giáo dục ở Na Uy. Nhiều tổ chức nghiên cứu công có truyền thống lâu đời về tạo lập các doanh nghiệp khởi nghiệp và có văn phòng chuyển giao công nghiệp của riêng mình đóng vai trò cầu nối hỗ trợ rất hiệu quả (Gulbrandsen và cộng sự, 2006).

3.4. Úc

            Việc hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp là cần thiết bởi những sinh viên tốt nghiệp ra trường sẽ là lực lượng lao động chính, là tài sản quý giá của doanh nghiệp. Sinh viên ra trường với kiến thức được học sẽ áp dụng vào thực tiễn. Tuy nhiên không phải sản phẩm đào tạo nào của trường cũng đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp, chính vì lẽ đó các doanh nghiệp của Úc đã tham gia vào quá trình đào tạo sinh viên, ví dụ như góp ý đưa các chuyên đề mà doanh nghiệp thấy cần thiết vào chương trình đào tạo để sinh viên nghiên cứu và thực hành như quản lý vốn, quản lý rủi ro, xây dựng kế hoạch kinh doanh, giao dịch với các đối tác và nhiều tình huống khác. Không chỉ tham gia đào tạo bằng các chuyên đề giảng dạy mà nhiều doanh nghiệp còn đặt hàng nghiên cứu với mong muốn tạo ra nhiều sản phẩm có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường.

            Một trong những mô hình thành công nhất và trở thành mô hình trọng điểm quốc gia đó là “The Business/Higher Education Round Table” được giới thiệu vào năm 1990 để tăng cường mối quan hệ giữa doanh nghiệp, các ngành và giáo dục đại học (The Hon Christopher Pyne MP, 2014) – một mô hình bàn tròn hợp tác doanh nghiệp và đại học. Đây là một dạng câu lạc bộ đảm nhiệm vai trò kết nối các doanh nghiệp và trường đại học. Mục đích của diễn đàn này là giao lưu, kết nối giữa các trường đại học và các doanh nghiệp; đồng thời hợp tác tổ chức xây dựng chương trình đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng các đề tài khoa học vào thực tiễn, tạo sự kết nối, thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học. Thông qua diễn đàn, nhà trường và doanh nghiệp thực hiện hợp tác nghiên cứu nhằm giải quyết những yêu cầu về các lĩnh vực kinh tế - xã hội, khoa học kỹ thuật và thực tiễn đang đặt ra. Hình thức hoạt động của diễn đàn rất phong phú bao gồm: đối thoại, hội thảo, báo cáo khoa học, thiết lập dự án, chương trình đào tạo, phổ biến kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm nên diễn đàn thu hút được đông đảo các trường đại học, các nhà quản lý, sinh viên và các doanh nghiệp cùng tham gia. Thông qua đây, các trường đại học cung cấp các kiến thức chuyên môn sâu cho lĩnh vực mà doanh nghiệp yêu cầu. Ngược lại doanh nghiệp yêu cầu trường đại học xây dựng và thiết kế chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu của từng lĩnh vực chuyên ngành. Một số trường đại học còn cử các chuyên gia đến tư vấn trực tiếp cho doanh nghiệp và ngược lại các doanh nghiệp đến diễn thuyết tại trường đại học nhằm trao đổi học thuật và kinh nghiệm thực tiễn giúp sinh viên có những kiến thức toàn diện.

       Dựa trên mô hình nêu trên, một số trường đại học và doanh nghiệp đã tổ chức một số hoạt động gắn kết mới giữa đại học và doanh nghiệp như dự án “Hội đồng các khoa kinh doanh và các doanh nghiệp Úc”. Dự án này được hỗ trợ bởi Chính phủ Úc và Bộ Công nghiệp năm 2014. Mục đích của dự án là đánh giá toàn diện về đổi mới hệ thống quốc gia, những thách thức của doanh nghiệp; trên cơ sở đó xây dựng năng lực tích hợp cần thiết để lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo, phát triển và mở rộng các năng lực này trong phạm vi cả nước Úc. Nội dung cụ thể của dự án này là thiết kế chương trình đào tạo chi tiết gắn liền với yêu cầu đổi mới, tổ chức diễn đàn tư vấn với các doanh nghiệp và cộng đồng; thử nghiệm và ứng dụng sáng tạo. Kết quả thử nghiệm của các nghiên cứu sẽ giúp bổ sung hoàn thiện chương trình giảng dạy kinh doanh ở trường đại học có khoa kinh doanh.

3.5. Mỹ

            Trước năm 1980, việc thương mại hóa tài sản sở hữu trí tuệ của các trường đại học là rất hiếm và ít được quan tâm. Việc Quốc hội Mỹ ban hành Đạo luật Bayh-Dole vào năm 1980 cho phép các trường đại học và doanh nghiệp nhỏ sở hữu bằng sáng chế về nghiên cứu được liên bang tài trợ đã cách mạng hóa mối quan hệ giữa trường đại học và doanh nghiệp. Pháp luật cho phép các trường đại học cấp bằng sáng chế của họ cho doanh nghiệp, độc quyền hoặc không độc quyền. Khoản tiền bản quyền mà các trường đại học nhận được sẽ được dành cho các chương trình nghiên cứu mới (Ranga và cộng sự, 2013).

Với lịch sử lâu dài và đa dạng các hình thức hợp tác đại học doanh nghiệp ở Mỹ, các hình thức hợp tác của Mỹ cũng rất đặc trưng bởi sự kết hợp đa dạng của các tổ chức, bao gồm các trường đại học nghiên cứu, các trường đại học khai phóng, và các tổ chức công và tư.

Trung tâm Nghiên cứu Kỹ thuật của Quỹ Khoa học Quốc gia là một trong những chính sách lớn của Chính phủ Mỹ trong những năm 1980 để thúc đẩy sự hợp tác nghiên cứu và phát triển của trường đại học (Maldonado và cộng sự, 2010). Phần lớn các trường đại học ở Mỹ đã thiết lập mô hình đào tạo nghiên cứu và chuyển giao các kết quả nghiên cứu, cấp phép thực hiện thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu. Các trường đại học còn tham gia quản lý các hoạt động cấp phát bằng phát minh sáng chế, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho phép những người thực hiện các đề án nghiên cứu do chính phủ tài trợ được phép xin cấp bằng sáng chế. Các trường đại học ở Mỹ không những kết hợp với doanh nghiệp bên ngoài tham gia vào thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu mà còn đóng vai trò như các trung tâm, nơi sinh viên, giảng viên, cựu sinh viên, doanh nhân, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp có thể kết nối với nhau. Một số đại học hợp tác thành công với doanh nghiệp ở Mỹ có thể kể đến:

- Đại học Nam California: khuyến khích giảng viên phát triển tinh thần kinh doanh và đổi mới sáng tạo bằng cách hỗ trợ, khen thưởng và tài trợ cho công việc của giảng viên.

- Đại học Virginia: Trong năm 2010, Trường Y khoa trực thuộc Đại học Virginia là một trong những trường đại học đầu tiên thực hiện thương mại hóa kết quả NCKH và thực hiện các hoạt động hợp tác kinh doanh giữa trường đại học và doanh nghiệp.

- Trường Đại học Doanh nhân của Trung tâm Y khoa Nebraska: hợp tác với cơ quan có thẩm quyền để cấp phép thành lập và các nhà nghiên cứu tại đại học để giúp xác định, đánh giá, phát triển và hỗ trợ việc thành lập các công ty mới để kinh doanh dựa trên cơ chế hợp tác đào tạo và chuyển giao các kết quả nghiên cứu.

- Đại học Bắc Carolina Chapel Hill: cung cấp thực tập sinh và học bổng cho sinh viên đạt kết tốt trong việc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

Như vậy mô hình hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp ở Mỹ tập trung hơn vào việc đào tạo kỹ năng kinh doanh cho sinh viên, khuyến khích giảng viên đổi mới phương pháp giảng dạy và tham gia kinh doanh doanh, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu giữa trường đại học và doanh nghiệp.

3.6. Vương quốc Anh

            Các trường đại học nghiên cứu của Anh ngày càng trở nên hiệu quả và đáng học tập trong việc thương mại hóa nghiên cứu, cấp phép và chuyển giao công nghệ và có nhiều hình thức để hợp tác với các doanh nghiệp và các ngành kinh doanh. Hệ thống trường đại học đẳng cấp thế giới, đặc biệt là ở các nước cạnh tranh như Anh, được đặc trưng bởi việc chuyển tải và đưa các kiến thức khoa học và bí quyết công nghệ vào thực tế, thương mại hóa kết quả nghiên cứu hoặc các ứng dụng xã hội khác. Những đóng góp từ các nhà nghiên cứu của các trường đại học Anh để giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội thực sự là đáng kể. Một số hình thức nổi bật về hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp ở Anh có thể kể đến:

+ Chương trình Hợp tác chuyển giao tri thức (Knowledge Tranfer Partnership) là một chương trình do Quỹ đổi mới sáng tạo Anh tài trợ, nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện hình thành quan hệ đối tác giữa công ty hoặc tổ chức phi lợi nhuận với một trường đại học để thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu và thực hiện các dự án đổi mới sáng tạo.

+ Giải thưởng hợp tác về Khoa học và Kỹ thuật dành cho Sinh viên (Collaborative Awards in Science and Engineering - CASE): Giải thưởng này là một cơ chế cho phép các doanh nghiệp và trường đại học hợp tác và đóng vai trò tiền thân cho các mối quan hệ đáng kể sau này, nếu có lợi. Các giải thưởng này được đồng tài trợ bởi Hội đồng nghiên cứu và một đối tác là doanh nghiệp. Việc hợp tác này không những cung cấp cho sinh viên cơ hội phát triển các kỹ năng không có trong chương trình đào tạo mà còn giúp cho các doanh nghiệp khám phá được các hợp tác nghiên cứu có tiềm năng hoặc tăng cường mối quan hệ hiện tại. Hình thức phổ biến nhất của giải thưởng này đó là các doanh nghiệp hỗ trợ tài chính cho các nghiên cứu sinh đang thực hiện nghiên cứu tại các trường đại học với mong muốn là họ sẽ có khả năng thực hiện các dự án nghiên cứu liên quan đến mục tiêu của doanh nghiệp.

+ Hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp trong các Hội đồng Nghiên cứu (Research Council) và Ban Chiến lược Công nghệ (Technology Strategy Board): Hội đồng nghiên cứu và Ban chiến lược công nghệ là hai cơ quan có tầm ảnh hưởng ở Anh có vai trò hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu của nước này liên quan đến các nghiên cứu cơ bản, chiến lược và ứng dụng. Các doanh nghiệp và các trường đại học đều có đại diện của mình trong hai cơ quan này.

3.7. Đánh giá chung

Các kinh nghiệm hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp trên thế giới đều chỉ ra rằng:

- Thứ nhất, xác định được vai trò của các bên liên quan trong thúc đẩy hợp tác:

+ Chính phủ ở các nước, đặc biệt là các nước phát triển quan tâm hoạch định các chính sách thúc đẩy hoạt động nghiên cứu tại các trường đại học và tạo lập liên kết giữa các trường đại học với các ngành công nghiệp gắn với chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và chiến lược đổi mới công nghệ. Trong đó, các chính sách hỗ trợ đầu tư và khuyến khích hoạt động R&D và chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu ở các lĩnh vực khoa học công nghệ ưu tiên trở thành yếu tố quan trọng.

+ Các doanh nghiệp có vai trò quyết định trong tạo lập các liên kết và đưa các hạt động hợp tác cụ thể từ liên kết đó vào thực tiễn hoạt động. Doanh nghiệp cũng có vai trò trong xây dựng các chính sách, tiến hành các biện pháp thích hợp trong triển khai các mục tiêu  của các liên kết.

+ Đối với các trường đại học, môi trường cạnh tranh, hội nhập và tốc độ phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã thúc ép các trường đại học phải thay đổi tổ chức và các hoạt động quản trị đại học hướng tới mục tiêu đáp ứng nhu cầu của xã hội và hợp tác với doanh nghiệp. Ngoài sứ mệnh đào tạo nhân lực chất lượng cao, các trường đại học phải quan tâm thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu, các phát minh sáng chế. Do vậy, vai trò của các đại học ngày càng trở nên quan trọng trong việc kết nối với doanh nhân, các tổ chức và các ngành công nghiệp để thực hiện mục tiêu này.

- Thứ hai, chỉ mức độ hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp

+ Mức thấp và phổ biến là: tiếp nhận sinh  viên đến thực tập, tham quan thực tế, hỗ trợ chi phí và thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập.

+ Các mức cao hơn là: trao đổi chuyên gia, chia sẻ tri thức, công nghệ; đầu tư cho nghiên cứu, triển khai để cùng sở hữu và chuyển giao công nghệ; cùng đầu tư phát triển doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho xã hội.

- Thứ ba, chỉ rõ các hình thức hợp tác điển hình:

+ Chương trình thực tập dành cho sinh viên;

+ Doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo;

+ Doanh nghiệp tham gia vào hoạt động nghiên cứu;

+ Thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, cấp phép và chuyển giao công nghệ;

+ Tài trợ thực hiện các dự án nghiên cứu;

+  Hình thành các hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp;

+  Hình thành các công viên khoa học, vườn ươm công nghệ;

+ Thành lập các văn phòng chuyển giao công nghệ.

  1. 4. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong phát triển hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp

Ở Việt Nam, hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm từ hai thập niên trở lại đây. Các văn bản tuyên bố chủ trương và chỉ đạo khẳng định: Các trường đại học phải là các trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ, chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào sản xuất và đời sống; thực hiện liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động, cơ sở đào tạo và Nhà nước để phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội (chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020); coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới ứng dụng và chuyển giao công nghệ, là nguồn cầu quan trọng nhất của thị trường khoa học công nghệ (Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Trung ương Đảng khóa XI).

4.1. Một số mô hình hợp tác điển hình tại Việt Nam

                   * Mô hình hợp tác của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN): ĐHQGHN đã triển khai hiệu quả các mô hình liên kết ở hai cấp: liên kết trường - viện thuộc hệ thống ĐHQGHN, mô hình phòng thí nghiệm “phối thuộc” liên kết giữa trường đại học thành viên với viện nghiên cứu và doanh nghiệp bên ngoài ĐHQGHN; liên kết giữa ĐHQGHN với các doanh nghiệp và địa phương để thúc đẩy hợp tác giữa các đơn vị thành viên và nhà khoa học với các doanh nghiệp. Các phòng thí nghiệm theo mô hình “phối thuộc” tại Trường Đại học Công nghệ đã tạo điều kiện tốt hơn cho người học tiếp xúc với thực tế và tăng năng lực nghiên cứu, thực hành trong điều kiện nhà trường chưa đủ kinh phí đầu tư phòng thí nghiệm hiện đại cho các lĩnh vực (Đinh Văn Toàn, 2016)

             * Mô hình hợp tác giữa Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBKHN) thực hiện với Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông trong R&D, chuyển giao công nghệ là một hợp tác tiêu biểu, nhiều đề tài, dự án tăng cường năng lực nghiên cứu, hai phòng thí nghiệm chung (01 đặt tại Rạng Đông và 01 tại Trường) đã hình thành góp phần tạo nên sự tăng trưởng vượt bậc của Rạng Đông trong sản xuất - kinh doanh. Đặc biệt là mô hình BK Holdings gồm hệ thống các doanh nghiệp: 8 công ty thành viên, 1 chương trình hợp tác đào tạo và 2 trường đào tạo (Cao đẳng và Trung học phổ thông) do trường ĐHBKHN góp vốn sáng lập và cử người tham gia hội đồng quản trị. BK Holdings đóng vai trò cầu nối hợp tác, kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp và cá nhân cho các nhà khoa học và nhà trường khi có nhu cầu phát triển sản phẩm, thương mại hóa hoặc đầu tư nghiên cứu ban đầu về công nghệ. Điểm đặc biệt là trường ĐHBK hoặc các đơn vị, cá nhân trong trường có thể góp vốn vào các doanh nghiệp này bằng chính sáng kiến, quy trình công nghệ và sở hữu trí tuệ (Lê Công Cơ và các cộng sự, 2018).

              * Mô hình hợp tác của Đại học Thái Nguyên: Nhà trường đã tăng cường hợp tác trong và ngoài nước, trong đó có các hợp tác cụ thể với doanh nghiệp nước ngoài đóng ở Việt Nam. Năm 2015, Công ty Samsung Việt Nam đặt phòng Lab nghiên cứu - đào tạo tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên), thể hiện cam kết của hãng trong hợp tác phát triển nguồn nhân lực, giúp sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin được tiếp cận và trải nghiệm những công nghệ mới nhất. Các doanh nghiệp như Samsung cũng thể hiện sự nỗ lực liên kết với các đại học, gắn đào tạo với hoạt động sản xuất - kinh doanh giống như một số doanh nghiệp nước ngoài làm ăn lâu dài ở Việt Nam. Văn phòng hợp tác Đại học Thái Nguyên và Công ty TNHH Minami Fuji đặt tại Đại học Thái Nguyên minh chứng sự quyết tâm tăng cường hợp tác lâu dài giữa hai bên trong thời gian gần đây (Đinh Văn Toàn, 2016). Văn phòng có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động tư vấn, đào tạo và định hướng nghề nghiệp, tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, đồng thời hỗ trợ xúc tiến các đề án, chương trình hợp tác toàn diện giữa hai bên.

              * Mô hình của Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Huế: Theo Lê Công Cơ và cộng sự (2018), Trường Đại học Nông Lâm, thuộc Đại học Huế là một trong những trường đại học đầu tiên được chọn thí điểm mô hình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng (POHE) từ năm 2005. Trường đã nỗ lực hợp tác với doanh nghiệp để đổi mới chương trình đào tạo, giúp sinh viên tiếp cận nhiều hơn với thực tế, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Sinh viên được đào tạo theo Dự án POHE có nhiều cơ hội trực tiếp tham gia các hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh của các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước, như: Lào, Campuchia, Thái Lan... Đến nay, Trường đã có quan hệ hợp tác với gần 500 doanh nghiệp, mang lại cơ hội rất lớn cho người học. Chính điều này giúp sinh viên tự tin, năng động và tìm kiếm được việc làm đúng với sở trường và ngành nghề đào tạo sau khi tốt nghiệp.

              * Đánh giá chung các mô hình hợp tác tại Việt Nam

              Hợp tác đại học - doanh nghiệp ở Việt Nam thời gian vừa qua còn mang tính “chắp vá” cả về phương thức, thời hạn và nội dung. Các hợp tác (nếu có), kể cả hợp tác toàn diện đã được các tập đoàn và đại học lớn như Đại học Quốc gia ký kết, còn mang tính ngắn hạn, được triển khai trong giai đoạn ngắn hạn hoặc có tính “nhiệm kỳ”. Chưa có các hợp tác đạt được thành công mang tính dài hạn giữa các bên trong khoảng 10 năm trở lại đây. Về phương thức, các đại học chủ yếu thực hiện hình thức nhận tài trợ từ doanh nghiệp. Về nội dung, hợp tác thời gian qua của các đại học chủ yếu là ở hoạt động đào tạo, cung ứng lao động cho doanh nghiệp. Hợp tác trong nghiên cứu khoa học công nghệ còn hạn chế và chưa theo kịp xu thế của thế giới (các trường đại học thực hiện theo đặt hàng của doanh nghiệp và thị trường, sản phẩm khoa học công nghệ thuộc sở hữu chung, hai bên cùng phát triển để thương mại hóa).

              Các rào cản cho mối quan hệ hợp tác:

  • Phần lớn các chương trình nghiên cứu và nguồn thu chủ yếu của trường đại học đều được cấp bởi ngân sách nhà nước. Một mặt, nhiều sản phẩm nghiên cứu chưa gắn liền với ứng dụng thực tiễn. Mặt khác, các đại học và các nhà khoa học chủ yếu tập trung vào nghiên cứu khoa học theo đặt hàng ở giai đoạn nghiên cứu cơ bản vì không có rủi
  • Thiếu biên chế nghiên cứu viên trong các trường đại học. Nếu coi nghiên cứu ở trường đại học là một nhiệm vụ quan trọng không kém gì giảng dạy thì nhất thiết phải cấp biên chế và kinh phí ch hoạt động nghiên cứu.
  • Doanh nghiệp chưa mặn mà liên kết với viện/trường đại học, không chỉ do vấn đề cơ chế chính sách của Nhà nước, mà chủ yếu là do “trình độ KH&CN của chúng ta tuy có khá hơn trước nhưng so với quốc tế vẫn thấp”. Bên cạnh đó có nguyên nhân chủ quan là do các hướng nghiên cứu còn tản mát và thụ động.
  • Hoạt động đào tạo nhân lực tại các trường đại học cũng chưa thực sự đáp ứng được những đòi hỏi của doanh nghiệp, các chương trình đào tạo vẫn cần gắn liền với thực tiễn ứng dụng.
  • Một rào cản rất lớn khác cho các doanh nghiệp mong muốn tiếp cận hợp tác với các viện/trường đại học là sự hạn chế thông tin, mặc dù nhu cầu kết nối hợp tác là rất lớn. Các trường đại học chưa chủ động hợp tác, chia sẻ thông tin và quyền sáng chế cho doanh nghiệp và doanh nhân.

4.2. Một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

                 Từ việc phân tích kinh nghiệm hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp của các nước trên thế giới chúng ta có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc phát triển mối quan hệ này.

Một là, hoàn thiện hệ thống chính sách định hướng và điều chỉnh hoạt động liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp. Thời gian qua, Nhà nước đã có chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa một số ngành, lĩnh vực, trong đó khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư cho hoạt động giáo dục; tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các TĐH; khuyến khích các DN, hiệp hội DN liên kết với các TĐH trong đào tạo, hợp tác nghiên cứu... Tuy nhiên, để việc liên kết này hiệu quả, Nhà nước phải có chính sách hướng dẫn cụ thể và hành lang pháp lý thuận lợi, quy định cụ thể quyền, trách nhiệm, phương thức hợp tác giữa TĐH&DN, tránh những xung đột lợi ích, hay những mâu thuẫn từ mục tiêu phát triển giữa hai bên.

Hai là, xây dựng mạng lưới liên kết giữa TĐH&DN: Một mạng lưới liên kết giữa các TĐH&DN với vai trò là trung gian kết nối; thu thập, cập nhật dữ liệu; tư vấn và cung cấp các thông tin, mô hình liên kết là giải pháp tốt để các bên dễ dàng tìm được đối tác phù hợp và tham mưu cho các cơ quan chức năng trong việc hoạch định chính sách có liên quan.

Bên cạnh đó, TĐH&DN cũng cần duy trì các kênh tiếp xúc và liên lạc thường xuyên thông qua bộ phận chuyên trách phụ trách về hợp tác hoặc thông qua các hội nghị, hội thảo, các diễn đàn khoa học; những dự án chung để các bên có sự thông hiểu, tin tưởng lẫn nhau qua hoạt động thực tiễn.

Ba là, thực tiễn hóa đội ngũ giảng viên trong các TĐH và tri thức hóa đội ngũ công nhân trong các DN: Các DN cần có cơ chế, chính sách khuyến khích đội ngũ giáo sư, tiến sĩ, giảng viên có chất lượng cao trong các TĐH tham gia vào các dự án hoặc chia sẻ, cố vấn cho DN thông qua các chương trình đào tạo nội bộ.

Ngược lại, TĐH cũng cần chủ động mời các nhà quản lý, nhân lực giỏi từ DN tham gia vào hoạt động đào tạo của nhà trường về những kỹ năng tác nghiệp trên máy móc, thiết bị thực tế để quá trình nghiên cứu, giảng dạy trên giảng đường sát với thực tiễn.

Bốn là, kết hợp hài hòa các lợi ích: Để hợp tác giữa TĐH&DN được thiết thực, hiệu quả và bền vững, các bên cần nhận thức rõ các lợi ích, tôn trọng và cân bằng các lợi ích. Nhà trường cần ưu tiên chuyển giao công nghệ, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ DN trong tư vấn, giải quyết các vấn đề của DN. Ngược lại, DN cần tạo điều kiện tiếp nhận sinh viên kiến tập, thực tập, tham quan, khảo sát, tuyển dụng và sử dụng sinh viên tốt nghiệp của nhà trường; đóng vai trò là nhà cung cấp thông tin, phản biện để các cơ sở đào tạo nắm được nhu cầu của thị trường lao động; thường xuyên trao đổi, góp ý chương trình đào tạo, mô hình, phương pháp đào tạo của nhà trường; tài trợ, ủng hộ cho nhà trường cơ sở vật chất, thông tin và các nguồn lực trong khả năng của DN. Có như vậy, hoạt động liên kết giữa TĐH&DN mới có ý nghĩa thiết thực, hiệu quả và bền vững.

 

  1. Kết luận

Trong nền kinh tế thị trường phát triển, Việt Nam ngày càng phát triển và hội nhập sâu rộng trong khu vực và trên thế giới thì mối quan hệ giữa trường đại học và doanh nghiệp là rất quan trọng xuất phát từ yêu cầu khách quan của quy luật kinh tế, quy luật cung cầu, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên. Trong khuôn khổ của bài viết này chúng tôi mới phân tích được những kinh nghiệm phát triển mối quan hệ hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp của các nước trên thế giới để thấy được tầm quan trọng của việc phát triển sự hợp tác này đồng thời chỉ ra những mô hình hợp tác tiêu biểu. Trên cơ sở đó Việt Nam có thể tiếp thu và học hỏi kinh nghiệm để xây dựng và củng cố mối gắn kết bền vững giữa trường đại học và doanh nghiệp.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Calvert, J., and Patel, P. (2003). University-industry research collaborations in the UK: Bibliometric trends, Science and Public Policy 30(2), 85-96.
  2. Crookes, P.C.I. (2009). China’s embrace of the market economy: understanding its innovation strategy, European View Vol 8, 133–141.
  3. Đinh Văn Toàn (2016). Hợp tác đại học – doanh nghiệp trên thế giới và một số gợi ý cho Việt Nam, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Chuyên san Kinh tế và kinh doanh, Vol. 32, số 4, 69-80.
  4. Fiaz, M. (2013). An empirical study of university–industry R&D collaboration in China: Implications for technology in society, Technology in Society 35, 191–202.
  5. Gibb, A.A., and Hannon, P. (2006). Towards the Entrepreneurial University, International Journal of Entrepreneurship Education 4, 73-110.
  6. Guimón, J. (2013). Promoting University - industry collaboration in developing countries, Public Policy Brief, World Bank, Washington D.C.
  7. Lê Công Cơ, Lê Đức Toàn, và Nguyễn Thị Hạnh (2018). Mô hình gắn kết giữa trường Đại học với doanh nghiệp trong đào tạo đại học tại khu vực Miền Trung Việt Nam, NXB Thông tin và Truyền thông.
  8. Maldonado, M.U., Maldonato, M., Chaim, R.M., Pietrobon, R., and Varvakis, G. (2015). University-Industry partnerships with a focus on BRIC countries: A systems perspective on the good, the bad and the ugly, The 28th International Conference of The System Dynamics Society, 25th July, Seoul, Korea, 3041-3050.
  9. Dan, M. (2013). Why should university and Business cooperate? A discussion of advantages and disadvantages, International Journal of Economic Practices and Theories 3(1), 2247–7225.
  10. Ministry of State for Universities and Science (2015). The dowling Review of Business – University Research  Collaborations, https://www.raeng.org.uk/publications/reports/the-dowling-review-of-business-university-research.
  11. Nguyễn Kim Dung, Phạm Thị Hương (2017). Thực trạng hợp tác của các trường đại học với doanh nghiệp ở Việt Nam, Tạp chí Khoa học giáo dục số 4/2017, 29-41.
  12. Nguyễn Thu Thủy (2017). Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam, Những vấn đề Kinh tế chính trị và Thế giới số 7 (255), 57-68.
  13. Nguyễn Thu Thuỷ, Bùi Thị Kim Phúc (2017). Thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp, Tạp chí Kinh tế đối ngoại số 93/2017, 80-93.
  14. Phạm Bá Phong (2014). Bàn về quan hệ hợp tác giữa trường đại học với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực, Bản tin Khoa học và Giáo dục, 4-6
  15. Ranga, M., Hoareau, C., Durazzi, N., Etzkowitz, H., Marcucci, P., and Usher, A. (2013). Study on University – Business Cooperation in the US and Canada, Final Report to the European Commission, DG Education and Culture.

 

[1] Bài viết là sản phẩm của Chương trình KH&CN cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo “Nghiên cứu đề xuất giải pháp thúc đẩy hợp tác khoa học công nghệ giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp”.

[2] Học viện Ngân hàng, Email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó.

[3] Trường Đại học Ngoại thương, Email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó.

[4] Trường Đại học Ngoại thương, Email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó.

[5] Trường Đại học Ngoại thương, Email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó.