Sidebar

Magazine menu

28
T5, 03

Tạp chí KTĐN số 103

GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN CƠ SỞ QUẢNG NINH CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI THƯƠNG TRONG BỐI CẢNH MỚI

GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN CƠ SỞ QUẢNG NINH CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI THƯƠNG TRONG BỐI CẢNH MỚI

Nguyễn Phúc Hiền[1]

Nguyễn Văn Tuân[2]

 Tóm tắt

Bài viết này nghiên cứu thực trạng Cơ sở Quảng Ninh (CSQN) của Trường Đại học Ngoại thương trong bối cảnh mới từ đó chỉ ra những kết quả đạt được và hạn chế khó khăn. Trên cơ sở phân tích hạn chế và bối cảnh mới, bài viết đề xuất giải pháp để nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức phát huy thế mạnh và khắc phục những hạn chế của Cơ sở Quảng Ninh trong thời gian tới.

Từ khóa: cơ sở Quảng Ninh, trường Đại học Ngoại thương, bối cảnh mới.

Abstract

This paper examines the current situationof Quangninh Campus, Foreign Trade University in the new context. Some achievements and issues are pointed out. Relying on the analysis of the current issues and the new context, some solutions are proposed to take advantage of opportunities and overcome challenges in order to deal with some of the issues in the coming time.

Keywords: Quangninh campus, Foreign Trade University (FTU), the new context.

 Đặt vấn đề

Cơ sở Quảng Ninh của Trường Đại học Ngoại thương được thành lập năm 2009 trên cơ sở tiếp quản Trường Trung học Nông Lâm Ngư nghiệp Quảng Ninh. Sau gần 8 năm thành lập, Cơ sở Quảng Ninh từng bước đi vào hoạt động ổn định và đã đạt được một số thành tựu nhất định, trở thành cơ sở đào tạo đại học có chất lượng, uy tín không chỉ trong tỉnh Quảng Ninh mà cả khu vực.

Tuy nhiên, Cơ sở Quảng Ninh đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới: thứ nhất, chiến lược phát triển kinh tế trọng điểm vùng Bắc Bộ và chiến lược phát triển kinh tế tỉnh Quảng Ninh tập trung vào nghành thương mại, dịch vụ du lịch và tài chính ngân hàng, đây là những thế mạnh của Trường Đại học Ngoại thương và Cơ sở Quảng Ninh; thứ hai, sự phát triển nhanh chóng của hạ tầng giao thông bằng việc đưa vào sử dụng hệ thống cao tốc nối Hà Nội tới Hạ Long trong năm 2018 giúp rút ngắn khoảng cách với Hà Nội; thứ ba Cơ sở Quảng Ninh không còn kỳ vọng vào sự giúp đỡ đầu tư về cơ sở vật chất để thành lập phân hiệu do tỉnh Quảng Ninh thành lập Trường Đại học Hạ Long năm 2014; thứ tư, Trường Đại học Ngoại thương tiếp tục thí điểm tự chủ từ năm 2015 theo Quyết định số 751/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vừa tạo điều kiện phát triển nhưng cũng nhiều thách thức về nguồn lực tài chính, đặc biệt với Cơ sở Quảng Ninh; thứ năm môi trường đào tạo đại học cạnh tranh ngày càng gay gắt, vị thế nằm ở đia phương là một bất lợi cho tuyển sinh hệ chính quy. Vì vậy cần nghiên cứu để đề xuất giải pháp phát triển CSQN trong thời gian tới.

  1. Thực trạng hoạt động của Cơ sở Quảng Ninh

- Cơ cấu tổ chức và đội ngủ cán bộ giảng viên: Cơ sở Quảng Ninh là một cơ sở của Trường Đại học Ngoại thương tại tỉnh Quảng Ninh có cơ cấu tổ chức phù hợp với chức năng nhiệm vụ và quy mô hoạt động gồm Ban Giám đốc và 04 ban và tổ chức năng: Ban Hành chính Quản trị (HCQT), Ban Quản lý đào tạo và Công tác sinh viên (QLĐT&CTSV), Ban Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế (QLKH&HTQT); Tổ Kế hoạch Tài chính (KHTC). Ngoài 04 đơn vị chức năng trên, Cơ sở Quảng Ninh còn có 03 tổ chức đoàn thể như tổ chức Đảng, Công đoàn và Đoàn Thanh niên.

Hiện tại đội ngũ cán bộ viên chức tại Cơ sở về cơ bản đủ đáp ứng được nhu cầu công việc. Bên cạnh đội ngũ cán bộ giảng viên tại Cơ sở, những năm qua, hàng tuần đều có các cán bộ giảng viên của Trường từ Hà Nội xuống CSQN giảng dạy theo lịch phân giảng. Vì vậy, nhìn chung số lượng cán bộ giảng viên của Nhà trường thực tế công tác, giảng dạy tại CSQN lớn hơn số cán bộ giảng viên cơ hữu tại Cơ sở, nên đội ngũ nhân lực tương đối đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng. Phần lớn cán bộ giảng viên hiện tại tại Cơ sở vừa đàm nhiệm công tác quản lý vừa kiêm nhiệm giảng dạy.

  • Chương trình và quy mô đào tạo: Cơ sở Quảng Ninh được Nhà trường giao thực hiện các chương trình đào tạo chính quy, vừa làm vừa học, liên kết với nước ngoài và một số học phần sau đại học. Chương trình đại học chính quy với 03 chuyên ngành: Kinh doanh quốc tế; Kế toán – Kiểm toán và Quản trị du lịch và khách sạn. Chương trình ĐH vừa làm vừa học và ĐH văn bằng 2 có 04 chuyên ngành: Quản trị kinh doanh quốc tế; Kế toán – Kiểm toán; Kinh tế đối ngoại và Tài chính Ngân hàng. Chương trình cao học gồm: Quản trị kinh doanh Điều hành cao cấp - EMBA; Luật kinh tế. Chương trình Cao học liên kết quốc tế: Quản trị kinh doanh – MBA liên kết với ĐH Meiho (Đài Loan).

Tổng quy mô các loại hình đào tạo tại Cơ sở Quảng Ninh tăng liên tục từ năm 2011 đến năm 2016, các năm học sau quy mô đào tạo luôn cao hơn các năm học trước, cao nhất là quy mô đào tạo năm học 2015-2016 đạt 894 sinh viên, trong đó chủ yếu là sinh viên đại học chính quy. Từ năm học 2016-2017 tổng quy mô đào tạo giảm và đạt mức 819  học viên và sinh viên, giảm 8,4% so với quy mô năm học trước do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

  • Hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác của Cơ sở Quảng Ninh từng bước phát triển, cán bộ giảng viên chủ trì và tham gia ra các để tài cấp Cơ sở, cấp Bộ, cấp Tỉnh và tham dự hội thảo quốc tế cũng như đăng bài trên tạp chí quốc tế. Bên cạnh việc trực tiếp thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học, CSQN còn đóng vai trò “cầu nối” giữa Nhà trường với địa phương về hoạt động này.

- Hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế: Cơ sở Quảng Ninh hợp tác với các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nhằm hỗ trợ lẫn nhau và nâng cao chất lượng đào tạo, bổ sung các nguồn lực cho xây dựng và phát triển. Cơ sở Quảng Ninh đã ký thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp và tổ chức như: Tổng công ty Đông Bắc-Bộ Quốc Phòng; Tập đoàn Paradise, Công ty Cổ phần Phát triển Tùng Lâm, Công ty Vinpearl Hạ Long ...

Về hợp tác quốc tế, CSQN được thừa hưởng quan hệ hợp tác của Nhà trường với nhiều trường trên thế giới; mời giảng viên nước ngoài về giảng dạy; thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu giữa sinh viên tại Cơ sở với các đoàn sinh viên và giảng viên từ nhiều trường đại học của các nước và lãnh thổ như: Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Bỉ, Hà Lan, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan... Tuy nhiên, do điều kiện đội ngũ cán bộ giảng viên của Cơ sở còn mỏng, nên việc triển khai mở rộng hoạt động hợp tác với các đối tác nước ngoài trong thời gian qua có phần còn hạn chế.

  • Cơ sở vật chất: CSQN sở hữu một khuôn viên rộng với nhiều cây xanh với tổng diện tích gần 6 hec ta nằm trên tuyến đường giao thông huyết mạch kết nối Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Tổng diện tích sàn xây dựng của Cơ sở là4.171 m2 với đủ các tòa nhà chức năng và khuôn viên thể thao. Những năm qua Nhà trường đã quan tâm đầu tư sửa chữa nâng cấp và trang bị các trang thiết bị mới hiện đại phục vụ công tác giảng dạy tại Cơ sở.

- Nguồn lực tài chính: Nguồn thu chủ yếu của Cơ sở Quảng Ninh là từ học phí, vì vậy cùng với quy mô sinh viên tăng, tổng nguồn thu tại Cơ sở cũng tăng mạnh trong các năm qua, năm sau tổng thu luôn cao hơn năm trước, từng bước đáp ứng được chi phí hoạt động của CSQN.

  1. Đánh giá chung

3.1. Kết quả đạt được

Sau gần 8 năm thành lập, Cơ sở Quảng Ninh của Trường Đại học Ngoại thương đã có nhiều bước chuyển mình đạt được những thành quả bước đầu đáng khích lệ từ cơ cấu tổ chức bộ máy, trình độ cán bộ viện chức, chương trình và quy mô đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế đến cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính:

  • Về cơ cấu tổ chức và cán bộ viên chức Cơ cấu tổ chức của Cơ sở từng bước được hoàn thiện đáp ứng tốt quy mô và yêu cầu công việc. Đội ngũ cán bộ quản lý được tăng cường có trình độ và kinh nghiệm. Về chất lượng đội ngũ, nhất là trình độ chuyên môn của cán bộ viên chức trong giai đoạn 2011-2017 được cải thiện đáng kể, tỷ lệ cán bộ viên chức có trình độ sau đại học tăng từ 14,3% cán bộ viên chức có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ vào năm 2011, tăng lên 39,1% vào năm 2017.

- Về chương trình và quy mô đào tạo Cơ sở Quảng Ninh triển khai thực hiện các chuyên ngành đào tạo theo đúng khung chương trình đào tạo Nhà trường đã ban hành, phù hợp với sứ mạng, mục tiêu và chức năng, nhiệm vụ của Nhà trường, đồng thời bám sát với nhu cầu học tập của người học và yêu cầu của thị trường lao động địa phương và Vùng. Chương trình đào tạo tại Cơ sở được xã hội và thị trường lao động đánh giá cao. Đến nay đã có hơn 1500 sinh viên cả hệ chính quy và phi chính quy ra trường và đang làm việc tại các khu vực kinh tế xã hội khác nhau góp phần lớn vào cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Quảng Ninh nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nói chung.

Về phát triển cơ sở vật chất Nhìn chung, cơ sở vật chất và trang thiết bị của Cơ sở Quảng Ninh được tăng cường nâng cấp và sửa chữa, mua sắm một số thiết bị mới tốt hơn so với thời điểm mới thành lập. Bên cạnh việc đầu tư mua sắm từ nguồn Nhà trường, Cơ sở đã chủ động kêu gọi từ nguồn lực xã hội đầu tư phát triển cơ sở vật chất trang thiết bị nội thất. Về cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo và nghiên cứu tại Cơ sở thời gian qua.

- Về nghiên cứu khoa học và hợp tác đã bước đầu đạt được kết quả. Thời gian qua CSQN đã tham gia đề tài các cấp, đăng bài trên tạp chí quốc tế, hội thảo quốc tế, đồng thời là cầu nối một số đề tài nghiên cứu với địa phương. Hoạt động hợp tác cả trong và ngoài nước đã gặt hái được thành công cụ thể là ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức và đưa những thỏa thuận này thành hiện thực. Thực hiện nhiều hoạt động trao đổi sinh viên và giảng viên quốc tế đến thăm.

3.2. Những hạn chế

Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định trong thời gian qua với sự cố gắng của Cơ sở và sự ủng hộ mạnh mẽ của Nhà trường, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế cần phải được nghiên cứu để có giải pháp khắc phục và hoàn thiện:

- Thứ nhất cơ cấu tổ chức và đội ngũ cán bộ viên chức chưa hoàn thiện do quy mô nhỏ nên mỗi ban cũng như mỗi cán bộ viên chức đảm nhiềm nhiều công việc khác nhau dẫn đến năng xuất và hiệu quả công việc không cao. Đội ngũ đội ngũ cán bộ giảng viên còn thiếu chủ yếu được điều động từ Hà Nội xuống giảng dạy. Việc phát triển nguồn nhân lực giảng viên có trình độ đáp ứng yêu cầu của Nhà trường rất khó tại địa phương. Do số lượng giảng viên ít nên chưa thành lập được khoa hay các bộ môn chuyên môn,  dẫn tới khó khăn về việc tổ chức sinh hoạt chuyên môn cho giảng viên và sắp xếp lịch học.

- Thứ hai chương trình và quy mô đào tạo: Chuyên nghành đạo tạo chính quy tại Cơ sở còn ít quy mô sinh viên chưa đủ lớn nên chưa đáp ứng đa dạng nhu cầu người học. Quy mô tuyển sinh chính quy giảm, đặc biệt là hệ vừa học vừa làm giảm mạnh. Sự suy giảm do nguyên nhân chủ quan và khách quan như CSQN nằm ở cách xa thủ đô Hà Nội, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được sự mong đợi của sinh viên, công tác truyền thông còn hạn chế hay chương trình đào tạo thực hiện chưa hiệu quả.

- Thứ ba  xây dựng cơ sở vật chất: Cơ sở vật chất hiện có còn hạn chế, nhiều công trình đã xuống cấp và chưa đáp ứng nhu cầu mở rộng, phát triển quy mô đào tạo trong những năm tới và đang tác động tiêu cực đến việc tuyển sinh. Hiên tại còn thiếu nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản để xây mới bổ sung các công trình giảng đường, thư viện và đặc biệt ký túc xá.

- Thứ tư hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác tại CSQN còn khiêm tốn do số cán bộ giảng viên ít, thiếu những cán bộ nghiên cứu có nhiều kinh nghiệm và năng lực nghiên cứu để dẫn dắt phong trào, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ nghiên cứu; số công trình khoa học của cán bộ giảng viên còn ít. Hoạt động hợp tác vẫn cần được tăng cường, đặc biệt là hợp tác quốc tế còn bị động do thiếu nhân lực có năng lực trình độ ngoại ngữ.

- Thứ năm nguồn lực tài chính: Cơ sở có nguồn thu chủ yếu từ học phí, nhưng quy mô đào tạo còn nhỏ, chưa đảm bảo tốt việc cân đối thu chi và hạn chế nguồn lực đầu tư cho xây dựng cơ bản; Việc xin tài trợ từ các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức và việc thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư cho xây dựng cơ bản gặp nhiều khó khăn.

  1. Bối cảnh mới

Bối cảnh mới hiện tại vừa tạo ra những cơ hội và thách thức cho Trường Đại học Ngoại thương-Cơ sở Quảng Ninh:

Thứ nhất Định hướng phát triển kinh tế xã hội của Vùng và Tỉnh Quảng Ninh: Nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và vùng Đông Bắc, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ nói chung ngày càng tăng khi kinh tế tăng trường nhanh. Tăng trưởng GDP bình quân hàng năm thời kỳ 2021 - 2030 đạt 8,7% (gấp 1,3 lần mức bình quân chung của cả nước); GDP bình quân đầu người đạt 10.500 - 12.000 USD vào năm 2030. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đến năm 2030 tỷ trọng nông lâm thủy sản trong GDP là 2,2%, công nghiệp - xây dựng 47,8% và dịch vụ 50%. Quảng Ninh là tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước, các ngành kinh tế định hướng mũi nhọn của địa phương (thương mại, du lịch, dịch vụ logistic và tài chính) phù hợp với các chuyên ngành đào tạo của Nhà trường và Cơ sở Quảng Ninh.

Tỉnh Quảng Ninh là tỉnh có nhiều tiểm năng, lợi thế phát triển kinh tế, vừa thuộc vùng Đông Bắc, vừa nằm trong tam giác kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, là cửa ngõ giao thương kết nối các tỉnh trong cả nước và các nước ASEAN với Trung Quốc; Tỉnh có đặc khu kinh tế Vân Đồn đang được triển khai, với 8 khu công nghiệp và nhiều điểm du lịch nổi tiếng, tiếp giáp với các tỉnh/thành phố năng động như Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh. Đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ để thu ngoại tệ tại chỗ, tăng cường đầu tư, nâng cấu kết cấu hạ tầng thương mại kết hợp với xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh; mở rộng mạng lưới trung tâm thương mại, siêu thị ở các đô thị trong vùng; phát triển tốt các hệ thống kho bãi theo chuẩn quốc tế, gắn liền với các tuyến cao tốc, tuyến đường ven biển, tuyến cửa khẩu. Đó là những cơ hội thuận lợi cho CSQN mở rộng hợp tác và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho Quảng Ninh và các tỉnh thành lân cận.

Thứ hai Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông phát triển nhanh đồng bộ và hiện đại. Hệ thống vận tải hành khách công cộng đa dạng, văn minh và an toàn kết nối thành phố Hà Nội với các đô thị vệ tinh, các đô thị ngoài vùng. Năm 2018 sẽ đưa vào khai thác tuyến cao tốc Hà Nội-Hạ Long-Vân Đồn tạo điều kiện rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển giữa CSQN và Trụ sở của Nhà trường tại Hà Nội, tạo điều kiện khích lệ giảng viên xuống tham gia giảng dạy nghiên cứu và tăng hấp dẫn đối với sinh viên.

Thứ ba Sự ra đời của Trường Đại học Hạ Long năm 2014 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đây là trường đại học của tỉnh Quảng Ninh nên Tỉnh tập trung ưu tiên đầu tư các nguồn lực ở mức độ cao nhất. Tỉnh muốn tập trung các nguồn lực cũng như các cơ chế đặc biệt để đầu tư xây dựng và thu hút nhân tài về Trường Đại học Hạ Long với mong muốn đây trở thành một trung tâm nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại tỉnh Quảng Ninh. Chính vì vậy CSQN của Nhà trường không còn hy vọng vào sự hỗ trợ nguồn lực tài chính của Tỉnh cho việc đầu tư cơ sở vật chất trong thời gian tới.

Bối cảnh sau khi thành lập Trường Đại học Hạ Long không chỉ góp phần làm thay đổi chủ trương của tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ đầu tư phát triển cho Trường Đại học Ngoại thương Cơ sở Quảng Ninh, mà những chính sách hỗ trợ thu hút nguồn lực và hỗ trợ sinh viên trên của Trường Đại học Hạ Long còn ít nhiều tạo ra những khó khăn trong việc tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao cho đội ngũ cán bộ giảng viên, cho công tác truyền thông, mở rộng quy mô tuyển sinh và đào tạo của Cơ sở Quảng Ninh. Bởi vì, có sự khác biệt về lợi thế so sánh, mặc dù Cơ sở Quảng Ninh có uy tín và danh tiếng của Nhà trường, nhưng việc đầu tư cho phát triển cơ vật chất và nguồn lực tài chính còn hạn chế,

Thứ tư Tự chủ và chiến lược mới của Nhà trường Trường Đại học Ngoại thương đang thực hiện cơ chế tự chủ toàn diện theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ về Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017 và Quyết định số 751/QĐ-CP ngày 02/06/2015 của Thủ tướng Chính phủ về “Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động tại Đại học Ngoại thương giai đoạn 2015-2017”. Nhà trường đổi mới cơ chế quản lý theo hướng mở rộng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Thời gian qua, việc thực hiện cơ chế tự chủ tại Nhà trường được triển khai thí điểm và có những kết quả khả quan, tuy nhiên để phát huy cơ chế này cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa. Nhà trường cũng đã xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 với 5 mục tiêu chiến lược về chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường, năng lực nghiên cứu, phát huy tối đa nguồn lực và tăng cường hợp tác trong nước quốc tế.

Cơ sở Quảng Ninh là một trong ba cơ sở của Nhà trường trong bối cảnh mở rộng quyền tự chủ nên nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho xây dựng cơ bản giảm, trong khi nhu cầu về nguồn vốn xây dựng cơ bản cho Nhà trường nói chung và CSQN nói riêng cần nhiều.

  1. 5. Một số giải pháp chủ yếu nhằm phát triển Cơ sở Quảng Ninh

Trên cơ sở phân tích thực trạng chỉ ra những hạn chế cũng như nhận diện bối cảnh hiện tại tác giả đề xuất một số giải pháp để phát triển CSQN trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất phát triển cơ cấu tổ chức và nguồn nhân lực Cơ sở Quảng Ninh cần có kế hoạch dài hạn, trung hạn và ngắn hạn cho công tác phát triển đội ngũ cán bộ giáo viên (CBGV) và xây dựng cơ cấu tổ chức theo hướng phù hợp điều kiện để thành lập phân hiệu đại học. Có thể thành lập thêm các ban, bộ phận mới và tách các ban hiện có cho phù hợp với chức năng nhiệm vụ của từng Ban theo hướng tinh gọn và thuận tiện cho việc quản lý.

Tăng cường công tác tuyển dụng và bồi dưỡng đội ngũ CBGV; tổ chức tuyển dụng tại trụ sở Nhà trường cho CSQN; Xây dựng chính sách bổ nhiệm và điều chuyển hoặc luân chuyển CBGV từ trụ sở Nhà trường tăng cường cho CSQN.

Thực hiện tốt công tác quy hoạch, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, quan tâm xây dựng các CBQL kế cận; Tăng cường đổi mới công tác tuyển dụng, quản lý và bồi dưỡng nguồn nhân lực, nghiên cứu đề xuất các chính sách ưu đãi phù hợp với điều kiện của Nhà trường và Cơ sở để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm phát triển đội ngũ cán bộ viên chức (CBVC) đủ về số lượng và nâng cao về chất lượng.

Xây dựng môi trường làm việc thoải mái, thuận tiện và hiệu quả cho CBVC; Xây dựng văn hóa tổ chức đủ mạnh để hỗ trợ phát triển đơn vị, tạo động lực cho CBVC làm việc nhiệt tình vì mục tiêu phát triển đơn vị và đủ sức giữ chân CBVC làm việc lâu dài cho CSQN.

Thứ hai mở rộng chương trình và quy mô đào tạo Phát triển các chương trình đào tạo, bao gồm: các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn, Chương trình ĐH chính quy, Chương trình ĐH bằng thứ 2, Chương trình đào tạo Cử nhân liên kết quốc tế, Chương trình đào tạo Thạc sĩ liên kết quốc tế, các Chương trình đào tạo Thạc sĩ của Trường Đại học Ngoại thương; phối hợp xây dựng các chương trình đào tạo theo yêu cầu của các doanh nghiệp, tổ chức. Những chương trình đào tạo ở CSQN đáp ứng nhu cầu và định hướng phát triển kinh tế của Quảng Ninh và vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ.

Phối hợp với các Khoa chuyên ngành xây dựng các mô hình thực hành tại CSQN cho các môn học hoặc chuyên ngành: Kinh doanh quốc tế, Quản trị du lịch và khách sạn, Logistics cho sinh viên các khoa thường xuyên thực hành; với lợi thế về không gian rộng gần nới diễn tập quân sự của Tỉnh đề xuất với Nhà trường xây dựng tại CSQN trở thành địa điểm đào tạo môn học quân sự cho tất cả sinh viên của Nhà trường tại Hà Nội luân chuyển xuống Cơ sở Quảng Ninh học một kỳ quân sự cùng một số môn cơ bản.

Việc mở rộng các chương trình đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo thành công sẽ giúp phát triển và duy trì được quy mô đào tạo. Dự kiến đến năm 2020 phát triển quy mô đào tạo khoảng 1.100 – 1.200 sinh viên và học viên; đến năm 2025 phát triển và duy trì quy mô đào tạo khoảng 1.500 – 1.600 học viên và sinh viên (không bao gồm số SV từ Hà Nội luân chuyển xuống học quân sự ngắn hạn).

Thứ ba tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế Cơ sở Quảng Ninh là cầu nối giữa Trường Đại học Ngoại thương với các cơ quan, các Sở, ban, ngành và các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh thành lân cận trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực, đặc biệt là tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và địa phương; gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) với thực tiễn. Có cơ chế khuyến khích CSQN đi tìm kiếm chắp nối các đề tài nghiên cứu khoa học cho Nhà trường.

Với lợi thế về không gian rộng, khuôn viên xanh và yên tĩnh đề nghị Nhà trường xây dựng CSQN thành “trại nghiên cứu” tập trung của CBGV của Nhà trường. Có chính sách khuyến khích động viên CBGV xuống CSQN giảng dạy và nghiên cứu tập trung tại Cơ sở trong một thời gian ngắn.

Tăng cường bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nghiên cứu, có chính sách khuyến khích và động viên, hỗ trợ CBGV và SV tích cực tham gia các hoạt động NCKH và công bố các nghiên cứu trên tạp chí chuyên ngành; Tăng cường khuyến khích, thúc đẩy sinh viên tham gia các hoạt động NCKH ngoại khóa để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng mục tiêu chiến lược của Nhà trường.

Thứ tư tăng cường xây dựng và phát triển cơ sở vật chất Cơ sở Quảng Ninh lập và triển khai tốt Kế hoạch chiến lược quản lý và xây dựng cơ sở vật chất nhằm đáp ứng mục tiêu dài hạn của Cơ sở và việc quy hoạch cơ sở vật chất một cách phù hợp và khả thi; Căn cứ vào Kế hoạch chiến lược quản lý và xây dựng cơ sở vật chất và nhu cầu thực tiễn của đơn vị để xây dựng và triển khai các kế hoạch quản lý và xây dựng cơ sở vật chất ngắn hạn hàng năm nhằm quản lý và phát triển hiệu quả cơ sở vật chất.

Đề xuất Nhà trường phê duyệt kế hoạch và sớm thực hiện việc đầu tư xây dựng một số hạng mục cần thiết như giảng đường, thư viện nhằm kịp thời bổ sung thêm số phòng học còn thiếu, đáp ứng yêu cầu tăng quy mô đào tạo và các hoạt động khác của CSQN, góp phần cải thiện bề nổi của Cơ sở, nhằm tăng cường thu hút đối với sinh viên, học viên.

Thứ năm tăng cường phát triển nguồn lực tài chính Đảm bảo phát triển và duy trì quy mô đào tạo để tăng nguồn thu hàng năm; Tăng cường phát triển các dịch vụ để bổ sung thêm nguồn thu cho đơn vị; Có kế hoạch chi thường xuyên tiết kiệm để có dư nguồn thu dành cho nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

Nhà trường nên có chính sách hợp lý về trích quỹ, quản lý và đầu tư nguồn vốn xây dựng cơ bản, ưu tiên đầu tư cho một số công trình xây dựng cấp thiết của CSQN nhằm đáp ứng tốt công tác đào tạo.

Bên cạnh nguồn đầu tư từ Nhà trường, CSQN và Nhà trường cần tăng cường kêu gọi các nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư các công trình phục vụ đào tạo như căng tin, ký túc xá, công trình thể thao, có chính sách thu hút nguồn vốn xã hội hóa hiệu quả. Nguồn đầu tư Nhà trường nên đầu tư vào các công trình quan trọng như giảng đường, thư viên và hoạt động nâng cao chất lượng đào tạo. Đề nghị Nhà trường lấy CSQN làm thí điểm cho mô hình xã hội hóa các dịch vụ phục vụ quá trình đào tạo. Bên cạnh đó, Nhà trường cũng tăng cường quan hệ hợp tác hiệu quả và chặt chẽ với các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, tranh thủ xin các nguồn vốn tài trợ cho cơ sở vật chất của đơn vị.

  1. Kết luận

Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng CSQN thời gian qua và bối cảnh mới, bài viết chỉ ra những hạn chế còn tồn tại và đề xuất năm giải pháp nhẳm nắm bắt cơ hội, khắc phục những hạn chế và tận dụng lợi thế vốn có của CSQN với mục tiêu từng bước đưa CSQN thành phân hiệu thuộc Trường Đại học Ngoại thương.

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2006), Đề án đổi mới giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020.
  2. Chính phủ (2017), Nghị định quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, Nghị định số 46/2017/NĐ-CP
  3. Lê Thị Thu Thủy (2017), “Nghiên cứu đề xuất chiến lược phát triển trường Đại học Ngoại thương”, Đề tài NCKHCS 2017.
  4. Nguyễn Ngọc Lan (2017), “Nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Quảng Ninh và khả năng đáp ứng của Trường Đại học Ngoại thương”, Tạp chí Kinh tế Đối ngoại, Số 93, 4/2017, Tr114-121.
  5. Nguyễn Thiên Tuế (2013), ”Tìm hiểu mô hình một số trường đại học đa phân hiệu trên thế giới”, Tạp chí Giáo dục (304), Tr7-9.
  6. Quyết định 751/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Ngoại thương giai đoạn 2015 -2017
  7. Thủ tướng Chính phủ (2014), Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020, định hướng đến 2030, Quyết định phê duyệt số: 198/QĐ-TTg.
  8. UBND tỉnh Quảng Ninh (2014), Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 - tầm nhìn 2030, theo Quyết định số: 2704/QĐ-UBND.
  9. Trường Đại học Ngoại thương - Cơ sở Quảng Ninh (2015), Báo cáo đánh giá thực trạng phát triển của Cơ sở Quảng Ninh giai đoạn 2010 – 2015.
  10. Thủ tướng Chính phủ (2016), Chiến lượctổng thể hội nhập quốc tế của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quyết định Số: 40/QĐ-TTg.

 

 

[1] Trường Đại học Ngoại thương, Email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó.

[2] Trường Đại học Ngoại thương