Sidebar

Magazine menu

29
T6, 03

 

PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC QUỐC GIA CỦA TRUNG QUỐC VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM[1]

Nguyễn Thu Thủy[2]

Tăng Thị Thanh Thủy[3]

 

Tóm tắt

Trải qua bốn mươi năm cải cách, kinh tế Trung Quốc đã dần thay đổi từ chỗ dựa vào sức lao động giản đơn trở thành một nền kinh tế dựa vào tri thức. Chính phủ Trung Quốc hết sức quan tâm đến việc đào tạo và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực hiện có trong nước, nhằm nâng cao chất lượng nguồn lực này thông qua các chính sách ưu tiên, hỗ trợ và phát triển; đồng thời thu hút mạnh mẽ nguồn nhân lực tài năng từ nước ngoài. Bài viết này phân tích các chiến lược và chính sách của Trung Quốc nhằm cải thiện đáng kể chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn lực con người, và chỉ ra các bài học cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Từ khóa: nguồn nhân lực, Trung quốc, giáo dục đào tạo, bài học.

Abstract

Over 40 years of reform, China's economy has shifted from a reliance on simple labor to a knowledge-based economy. China’s Government has paid much attention to education and utilization of internal human resources through priority policies of supporting human resource development, and strongly attracting the talents from abroad. This paper analyzes China’s strategies and policies in substantially improving human resource quality and enhancing the efficiency in utilizing human capital, and then drawing relevant lessons and implications for developing countries, including Vietnam.

Keyword: human resource, China, education & training, implications.

1. Đặt vấn đề

Trong xã hội hiện đại, nguồn nhân lực là nguồn lực quan trọng nhất đối với sự phát triển của bất kì quốc gia và dân tộc nào, bởi phải có những con người đủ trình độ mới có thể khai thác tốt các nguồn lực khác. Do đó, nhiều nước trên thế giới đã có những chính sách phát triển nguồn nhân lực trong nước và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ các nước khác. Đặc biệt ở nhiều quốc gia Châu Á, phát triển nguồn nhân lực đã và đang là một vấn đề ưu tiên, bởi trong thời đại hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực sẽ quyết định khả năng cạnh tranh của quốc gia. Nguồn nhân lực được trang bị đầy đủ kỹ năng, kiến thức sẽ đóng góp cho sự phát triển của các cá nhân, tổ chức và quốc gia (Yang, Zang và Zang, 2004). Tuy nhiên, ở những quốc gia khác nhau thì phát triển nguồn nhân lực được triển khai theo nhiều hướng khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội. Các quốc gia đang tránh sử dụng quá tải các nguồn lực và ngăn chặn sự suy thoái của môi trường, tập trung hơn tới phát triển hiệu quả và sử dụng một cách tốt nhất nguồn lực con người.

Từ khi tiến hành đổi mới kinh tế năm 1978, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, với tốc độ phát triển thần kỳ trung bình 10% trong vòng ba thập kỷ liên tiếp và trở thành quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới cũng như là quốc gia nhập khẩu đứng thứ hai thế giới. Đất nước Trung Quốc có nguồn lực con người lớn và giàu có, nhưng chính điều này lại làm cho sự thiếu hụt các nguồn lực khác trầm trọng hơn. Trung Quốc có nhiều sản phẩm, rừng, mỏ và nguồn nước, nhưng nếu những nguồn lực này được phân chia cho con số 1,405 tỷ người thì cũng chỉ còn lại rất ít cho mỗi người. Theo ước tính của McKinsey, vào năm 2020, Trung Quốc sẽ thiếu hụt khoảng 24 triệu lao động có tay nghề cao và nếu không thể thu hẹp được khoảng cách này, nền kinh tế số 2 thế giới có thể sẽ bị thiệt hại hơn 250 tỷ USD. Do đó, Chính phủ và các doanh nghiệp Trung Quốc trong những năm gần đây đã không ngừng đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút nhân tài.

Những nguồn lực tự nhiên chủ yếu, hàng hóa và Tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc là rất đáng kể, song tính riêng cho mỗi thành phố thì Trung Quốc đứng cuối bảng xếp hạng của thế giới. Ở chừng mực nào đó, vì không còn lựa chọn nào khác, nguồn nhân lực trở thành nguồn lực cần thiết và đảm bảo chắc chắn cho sự phát triển hiện tại của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đã nhận ra vai trò sống còn của nguồn tài nguyên này trong quá trình phát triển. Do vậy, nhiều năm qua, các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đã đề ra nhiều quyết sách để cải thiện chất lượng của nguồn nhân lực. Chính phủ quan tâm đến việc đào tạo và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực hiện có trong nước, nhằm nâng cao chất lượng nguồn lực này khi chuyển dần sang kinh tế tri thức. Trung Quốc đã tập hợp mọi nguồn lực kinh tế vào “ba mối liên kết chính” của nguồn nhân lực, đó là: đào tạo, tuyển dụng và phát huy tốt nhất nguồn tài năng.

Bài viết này tập trung phân tích các chính sách phát triển nguồn nhân lực của quốc gia này và rút ra một số bài học kinh nghiệm cho các nước đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng.

2. Khái quát về bối cảnh kinh tế - xã hội của Trung Quốc

Trung Quốc với dân số hơn 1,4 tỷ người, diện tích tự nhiên 9.597 km2, hiện đang là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Năm 2013, các chuyên gia về Trung Quốc Damien Ma và William Adams đã chỉ ra những hạn chế mà Trung Quốc sẽ phải đối mặt trong những thập kỷ tới, bao gồm sự khan hiếm lương thực, tài nguyên, nhà ở và có thể là sự mất đoàn kết chính trị (Ma & Adams, 2013). Đã có những sự kiện chứng thực cho những dự đoán của họ. Sự khan hiếm quan trọng nhất của Trung Quốc sẽ là nguồn nhân lực. Mặc dù chính sách một con đã được thay thế bằng chính sách hai con, nhưng tỷ lệ sinh ở nước này vẫn ở mức rất thấp. Kết quả của hàng chục thập kỷ kiểm soát dân số là số lượng người trong độ tuổi lao động ở quốc gia lớn nhất thế giới đã bắt đầu giảm dần.

Tổng số dân trong độ tuổi từ 15 đến 60 của Trung Quốc bắt đầu giảm vào năm 2012, và tiếp tục giảm khoảng 5,4 triệu người vào năm 2017. Một số dự báo cho rằng số người trong độ tuổi lao động của Trung Quốc sẽ giảm gần một phần tư vào năm 2050, điều này cho thấy xu hướng lão hóa dân số đang xảy ra một cách nhanh chóng. Trung Quốc sẽ đối mặt với nguy cơ sở hữu một lực lượng lao động già và kém hiệu quả hơn sẽ dẫn đến tăng trưởng chậm hơn, như những gì đã xảy ra ở Nhật Bản.

Năm 2016, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới chỉ tăng 6,7%, mức tăng chậm nhất trong 26 năm. Sau đó, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2017 của Trung quốc đạt 6,9%, đóng góp 30% vào sự tăng trưởng toàn thế giới (Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc - NBS). Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành nước hiện đại và phát triển. Chính phủ và nhân dân Trung Quốc, một mặt nhấn mạnh yếu tố tự lực tự cường, mặt khác không ngừng tìm tòi và áp dụng các công nghệ tiên tiến và các phương pháp quản lý tiên tiến của nước khác, trong đó phải kể đến sự nhấn mạnh về phát triển nguồn nhân lực. Sau giải phóng năm 1949, với gần 70 năm phát triển, Trung Quốc đã từ một nước phổ biến mù chữ trở thành một nước lớn về nhân tài trên thế giới. Do người dân Trung Quốc không ngừng tri thức hóa và chuyên môn hóa nên đã giải phóng được rất nhiều sức sản xuất và phát huy mạnh mẽ sức sáng tạo của con người.

3. Chiến lược và các chính sách phát triển nguồn nhân lực quốc gia của Trung Quốc

Trung Quốc đang phải đối diện với sự tăng trưởng nhanh chóng về kinh tế và dân số, tuy nhiên cũng gặp những thách thức về quá trình tăng trưởng chậm về giáo dục, thiếu hụt lao động có tay nghề, kỹ thuật. Vì vậy, ưu tiên trong chiến lược phát triển của Trung Quốc là đầu tư vào giáo dục các cấp toàn quốc và đào tạo nhiều nguồn nhân lực có chất lượng cao (Ke và cộng sự, 2006).

3.1. Chiến lược định hướng tổng thể về phát triển nguồn nhân lực quốc gia

Trước hết phải kể đến những định hướng chính cho sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc, đó là: 1) Gia tăng sự hội nhập của Trung Quốc vào nền kinh tế thế giới; 2) Phát triển công nghệ của Trung Quốc dựa trên cơ sở tăng cường các hoạt động nghiên cứu và phát triển và khoa học công nghệ bản xứ; 3) Gia tăng độ tinh xảo công nghệ của nền kinh tế và xã hội Trung Quốc; 4) Nâng cao mức độ tham gia của Trung Quốc trong chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu được phản ánh qua sự gia tăng xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao của các công ty Trung Quốc và các công ty đa quốc gia.

Chính phủ Trung Quốc rất quan tâm đến việc đào tạo và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực hiện có trong nước, nhằm nâng cao chất lượng nguồn lực này khi chuyển dần sang kinh tế tri thức. Năm 2003, Trung Quốc đã đề ra Chiến lược tăng cường hơn nữa công tác bồi dưỡng, đào tạo nhân tài nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng toàn diện xã hội khá giả được đề ra trong Đại hội XVI của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nội dung của chiến lược là: lấy nhân tài chấn hưng đất nước, xây dựng đội ngũ đông đảo nhân tài có chất lượng cao; kiên quyết quán triệt phương châm tôn trọng lao động, trí thức, tôn trọng nhân tài và sự sáng tạo, lấy thúc đẩy phát triển làm xuất phát điểm cơ bản của công tác nhân tài, điều chỉnh nhân tài một cách hợp lý, lấy xây dựng năng lực làm điều cốt lõi, ra sức đẩy mạnh công tác bồi dưỡng nhân tài, kiên trì đổi mới sáng tạo, nỗ lực hình thành cơ chế đánh giá và sử dụng nhân tài một cách khoa học...

Chính sách quốc gia “Khoa học và Giáo dục tiếp sức cho Trung Quốc” là một chính sách cơ bản. Nếu như khoa học và giáo dục là hai bánh xe cho sự tiến vào thế kỷ mới của Trung Quốc thì nhân tài là trục của bánh xe và phát triển nguồn nhân lực sẽ quyết định tốc độ của những bánh xe đó. Vì thế, việc thực hiện chiến lược này tạo ra nhiều không gian cho phát triển nguồn nhân lực.

Năm 2011, Trung Quốc đã công bố cương yếu quy hoạch nhân tài nhằm phát triển nhân tài tầm trung và dài hạn. Theo đó, đến năm 2020 tổng số nhân tài của Trung Quốc sẽ lên tới 180 triệu người (Wang, 2010). Tỷ lệ số người ở độ tuổi lao động chủ yếu qua đào tạo giáo dục đại học và cao đẳng và số người chuyên ngành công tác nghiên cứu sẽ tăng nhiều nhất. Vốn đầu tư cho nguồn nhân lực chiếm 15% tổng sản phẩm quốc nội. Tỷ lệ đóng góp của nhân tài vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở Trung Quốc tăng lên 35%. Cương yếu xác định được mục tiêu chiến lược “thế mạnh cạnh tranh nhân tài quốc gia, phấn đấu vương lên hàng ngũ nước mạnh về nhân tài thế giới” trước năm 2020. Theo đó, cương yếu quy hoạch này đã vạch ra lộ trình để Trung Quốc vươn lên trở thành cường quốc kinh tế, trong đó chỉ có đội ngũ nhân tài mạnh mới có thể làm cho đất nước lớn mạnh. Cương yếu còn đề xuất đẩy mạnh đào tạo nhân tài chuyên môn cần gấp cho các lĩnh vực trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, Cương yếu quy hoạch nhân tài đã đưa ra quy hoạch cụ thể gồm: Định kỳ công bố danh sách nhân tài khan hiếm cần gấp; điều chỉnh và nâng cao môn học của các trường đại học và cao đẳng, tăng cường đào tạo nhân tài nghiên cứu phát triển, nhân tài kỹ thuật khan hiếm và nhân tài quản lý; xây dựng hàng loạt cơ sở tập huấn sáng tạo đổi mới công trình; ấn định chính sách ưu đãi nhân tài, nhất là nhân tài hạt nhân dẫn đầu ngành sản xuất, nhân tài kỹ thuật công trình, v.v... để thu hút nhân tài vào các ngành sản xuất trọng điểm. Cương yếu còn đưa ra yêu cầu cụ thể trong việc xây dựng đội ngũ nhân tài quản lý hoạt động doanh nghiệp, nhân tài kỹ thuật chuyên môn, nhân tài công nghệ cao, nhân tài nông thôn thực dụng và nhân tài công tác xã hội.

Trên cơ sở không ngừng tăng cường tuyển chọn và đào tạo nhân tài trong nước, Cương yếu còn nêu rõ, Trung Quốc triển khai thực hiện chính sách phát triển nhân tài thông thoáng hơn, cố gắng thu hút nhân tài ở nước ngoài về nước hoặc đến Trung Quốc khởi nghiệp và lập nghiệp, xây dựng và hoàn thiện chính sách và biện pháp đặc biệt về các mặt: xuất nhập cảnh, cư trú lâu dài, thu thuế, bảo hiểm, nhà ở, con cái đi học, v.v. Theo các chuyên gia, Cương yếu quy hoạch nhân tài được công bố lần đầu này là kim chỉ nam nhằm đưa Trung Quốc vươn lên hàng ngũ các nước mạnh về nhân tài trên thế giới, góp phần thúc đẩy sự phát triển của Trung Quốc, đồng thời có tác động tích cực đối với cộng đồng quốc tế.

3.2. Các chiến lược về giáo dục đào tạo có dấu ấn quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực quốc gia

Trong đào tạo nguồn nhân lực, Trung Quốc tập trung hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện: tố chất người lao động, số lượng, chất lượng của trí thức. Trong đó, trọng tâm đào tạo được đặt vào đội ngũ nhân tài, vì “nhân tài là nguồn tài nguyên số một”, “khai thác nhân tài là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu”. Cụ thể hóa mục tiêu đó, Chính phủ Trung Quốc xác định “Khoa giáo hưng quốc” (Giáo dục và khoa học kỹ thuật xây dựng đất nước giàu mạnh) là một chiến lược quốc gia cơ bản để phát triển nguồn nhân lực toàn diện; thực thi chiến lược “Nhân tài cường quốc” (nhân tài làm hưng thịnh quốc gia) để phát triển và nâng cao tốc độ và sức mạnh tổng hợp của nguồn nhân tài. Thông qua các chính sách cụ thể, hai chiến lược tập trung vào việc mở rộng không gian, điều kiện cho nguồn nhân lực Trung Quốc phát triển toàn diện và có trọng điểm.

3.2.1 Xây dựng một số trường đại học đẳng cấp cao với một nền tảng KH&CN mạnh mẽ có khả năng cạnh tranh quốc tế

Chính phủ Trung Quốc tuyên bố cam kết hỗ trợ không chỉ giáo dục đại học đại chúng cho số đông mà còn nhằm xây dựng những trường được gọi là đẳng cấp quốc tế, bởi đó là một phần của quan niệm rộng hơn cho rằng các trường đại học tinh hoa này là nhân tố trọng yếu cho năng lực cạnh tranh và là niềm tự hào của quốc gia. Chính sách cơ bản là chú trọng đồng đều đến hai nhiệm vụ trọng tâm chính, đó là đào tạo nhân tài có năng lực sáng tạo và đào tạo các nhà chuyên nghiệp có trình độ kỹ năng cao, và chú trọng đồng đều đến quy mô, cấu trúc, chất lượng và ảnh hưởng của giáo dục

 Ngay từ những ngày đầu của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, đã có những trường được coi là “đại học trọng điểm quốc gia” (national key universities). Năm 1954 có 6 trường được gọi là đại học trọng điểm quốc gia, thêm 16 trường đến năm 1959 và 44 trường tính đến năm 1960, và bổ sung thêm 4 trường trong năm 1963 (Altbach và cộng sự, 2007). Sau cuộc Cách mạng Văn hóa, các trường đại học trọng điểm quốc gia được đặt tên lại, thêm nhiều trường được bổ sung vào danh sách này, tính đến năm 1981, có tất cả là 96 trường như vậy. Các trường đại học trọng điểm có một vai trò quan trọng trong sự phát triển của giáo dục đại học Trung Quốc trong những năm 1980. Năm 1980, các trường trọng điểm là những trường đầu tiên đào tạo bậc thạc sĩ và tiến sĩ trong một số chuyên ngành. Từ giữa thập kỷ 1980, các trường này bắt đầu tập trung nhiều hơn vào cả hai mặt nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Nhiều chủ trương, chính sách ra đời được vận dụng để thu hút các nguồn tài chính dành cho nghiên cứu về cho các trường đại học này.

Các trường trọng điểm quốc gia này được ưu tiên hơn những trường khác trong các chính sách về tài chính. Trong những năm cuối của thập kỷ 1980, 416 chương trình trọng điểm quốc gia ở 107 trường đã được chọn để hỗ trợ tài chính bổ sung như một phần của Dự án Trọng điểm Quốc gia. Trong đó Trung Quốc đã ngày càng tập trung vào chất lượng của một nhóm các trường đại học trọng điểm của quốc gia, và đặc biệt là tập trung vào việc làm thế nào để những trường đại học đó góp phần xây dựng Trung Quốc thành một nền kinh tế dựa trên tri thức. Khát vọng ấy đã dẫn đến hàng loạt chính sách quốc gia, bắt đầu là Dự án 985 (khởi động năm 1998) nhằm xây dựng một nhóm các trường có khả năng cạnh tranh toàn cầu, và điều này cũng đã được thể hiện trong Kế hoạch Quốc gia Trung hạn và Dài hạn về Cải cách và phát triển Giáo dục 2010-2020 (cũng được biết tới dưới tên gọi Kế hoạch 2020). Năm 2008, Chính phủ khởi động Kế hoạch Phát triển Nhân tài Quốc gia trung và dài hạn (2010-2020), dự kiến phát triển nhân tài bền vững từ gốc, nghĩa là cải cách giáo dục từ mầm non, thu hẹp khoảng cách nông thôn – thành thị, phát triển văn hóa cho dân tộc thiểu số. Trong đó, giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học được đặt ở vị trí trung tâm: hàng ngàn trung tâm nghiên cứu nhằm nuôi dưỡng, ươm mầm tài năng được thành lập; tiến hành việc tuyển dụng nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài về giảng dạy trong trường đại học và nghiên cứu tại các tổ chức mới mở. Cuối cùng, Trung Quốc đã thu được những quả ngọt đầu tiên, năm 1999 cả nước chỉ có ít hơn 30 trung tâm R&D của nước ngoài, đến năm 2014 con số này là hơn 1200 (Federal Ministry of Education and Research (BMBF), 2015).

Ngoài ra, những chiến lược về giáo dục đã đề ra hai lĩnh vực ưu tiên cao, đó là: giáo dục ở các vùng nông thôn và phát triển các trường đại học hàng đầu và các ngành học hàn lâm then chốt, được hiện thực thông qua hai dự án 211 và 985. Để xây dựng mạng lưới các trường đại học đẳng cấp quốc tế, Nhà nước Trung Quốc đã khởi xướng một chính sách tài trợ ưu tiên cho phép rót một nguồn tiền bổ sung cho các trường hàng đầu của quốc gia. Kể từ cuối những năm 1990, kế hoạch phát triển 100 trường đại học đẳng cấp cao của Trung Quốc với các ngành đào tạo then chốt và với mục tiêu được xếp vào hàng ngũ các trường đại học hàng đầu thế giới vào thế kỷ 21 đã được xem xét và thông qua.

Trọng tâm của chính sách này là Dự án 211 và Dự án 985, được Chính phủ trung ương đưa ra lần đầu năm 1993 và đi vào thực hiện từ năm 1995. Theo kế hoạch này, hai dự án mang tên “Dự án 211” và “Dự án 985” có mục đích là để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, chú trọng vào đổi mới công nghệ, bồi dưỡng nhân tài có năng lực sáng tạo và nâng cao năng lực tự đổi mới để sao cho các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc trở thành một động lực quan trọng cho sự thành lập một quốc gia đổi mới.

Dự án 211 được Chính phủ Trung Quốc khởi xướng vào năm 1995, tên gọi phản ánh mục tiêu xây dựng 100 trường đại học đẳng cấp hàng đầu với các ngành học then chốt trong thế kỷ 21. Dự án dành gần hai mươi tỷ USD của ngân sách nhà nước cho các trường dự thầu các hạng mục đầu tư. Khoảng 100 trường được chấp thuận giao cho ngân sách bổ sung để nâng cấp trang thiết bị và chương trình đào tạo. Nhà nước cũng xây dựng 80 lĩnh vực học thuật và 602 chuyên ngành trọng điểm qua mạng lưới các trường này. Những tiêu chí trọng yếu khác gắn với Dự án 211 là việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, cải cách việc quản lý điều hành nhà trường, và củng cố hợp tác giao lưu quốc tế (Ma, 2007). Dự án được thực hiện nhằm đào tạo một nguồn nhân lực chuyên nghiệp để thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế và xã hội, dự án đóng vai trò quan trọng trong việc cải tiến giáo dục đại học, thúc đẩy nhanh tiến trình kinh tế quốc dân, đẩy mạnh sự phát triển khoa học, công nghệ và văn hóa, tăng cường năng lực tổng thể và khả năng cạnh tranh quốc tế của Trung Quốc và đặt nền tảng cho đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp có trình độ cao chủ yếu ở các cơ sở giáo dục trong nước. Mục tiêu của dự án là xây dựng một nhóm các trường đại học được tài trợ đặc biệt để nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu, quản lý và hiệu quả, và với hy vọng là từ nhóm các trường đại học này mà các tiêu chuẩn về chất lượng sẽ được rút ra từ đó. Các trường tham gia Dự án 211 được hy vọng là có khả năng nâng cao thành tích, củng cố điều kiện vật chất và năng lực chuyên môn của đội ngũ giảng viên.

Dự án 985 được đặt tên theo thời điểm công bố dự án, đó là vào tháng 5/1998. Theo đó Bộ Giáo dục Trung Quốc đã khởi xướng “Kế hoạch hành động giáo dục hướng tới thế kỷ 21” đặc biệt nhấn mạnh đến sự phát triển các trường đại học đẳng cấp thế giới và các trường đại học nghiên cứu trình độ cao nổi tiếng thế giới. Dự án 985 nhằm mục đích phát triển 10-12 trường đại học đạt đẳng cấp thế giới, có khả năng cạnh tranh với các cơ sở giáo dục đại học đứng đầu thế giới và các tổ chức nghiên cứu cấp cao nổi tiếng thế giới. Hơn 14 tỷ NDT (xấp xỉ 1,26 tỷ Euro) đã được đầu tư cho giai đoạn đầu của dự án từ năm 1999 đến 2003, đây được coi là giai đoạn chuyển tiếp. Giai đoạn này đặc biệt tập trung vào 10 trường đại học hàng đầu của Trung Quốc, trong đó có Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa (Tsinghua) được ưu tiên đầu tiên; và ngoài ra là 39 trường đại học khác. Đây sẽ là nhóm các trường đại học dẫn đầu trong ngành giáo dục đại học Trung Quốc. Giai đoạn hai của dự án được thực hiện trong các năm 2003-2007. Dự án được dự kiến sẽ tiếp tục thực hiện các giai đoạn ba và bốn, nếu cần thiết có thêm các giai đoạn bổ sung. Theo số liệu thống kê năm 2003, các trường đại học được đầu tư trong giai đoạn đầu của Dự án 985 chỉ chiếm 1% tổng số các cơ sở giáo dục đại học Trung Quốc, nhưng các phòng thí nghiệm then chốt của các trường này chiếm gần một nửa, nguồn kinh phí nghiên cứu hàng năm của họ chiếm đến 1/3, số nghiên cứu sinh sau đại học theo đuổi các chương trình đào tạo thạc sĩ chiếm 20%, và nghiên cứu sinh chiếm 30%. Các trường này được hưởng nguồn kinh phí hỗ trợ đặc biệt cùng với nguồn tài trợ thường xuyên.

Đến năm 2018, theo chiến lược “song trọng điểm” (trường trọng điểm và ngành trọng điểm đẳng cấp thế giới), Trung Quốc đã tiến hành điều chỉnh phân loại các trường đại học, chia thành 4 loại hình: trường đại học nghiên cứu, trường đại học nghiên cứu ứng dụng, trường đại học ứng dụng và trường đại học kỹ thuật. Các trường đại học nghiên cứu lại được chia thành 2 loại, đại học nghiên cứu tổng hợp và đại học nghiên cứu ngành (theo báo cáo năm 2018, có 37 trường được lựa chọn là trường đại học nghiên cứu tổng hợp, trong đó nổi bật là các trường Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa, 85 trường được lựa chọn là trường đại học nghiên cứu ngành).

3.2.2. Xúc tiến các dự án đào tạo nhân tài trẻ nhằm phát hiện các tài năng trẻ xuất chúng

Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện một loạt các kế hoạch trao giải thưởng và trợ giúp thế hệ trẻ, nhằm tạo điều kiện phát triển nhân tài có khả năng sáng tạo và xây dựng một đội ngũ các nhà chuyên nghiệp trình độ cao. Chính phủ hỗ trợ mạnh mẽ cho sinh viên Trung Quốc đi du học nước ngoài, nhấn mạnh đến những ích lợi của việc sáng tạo nguồn nhân lực trí thức ưu tú và kêu gọi phối hợp hành động để làm tăng nguồn kinh phí và các dịch vụ hỗ trợ cho các sinh viên có nguyện vọng đi du học nước ngoài. Chính phủ thành lập các giải thưởng dành cho các nhân tài, học giả, các nhà nghiên cứu tài năng như Giải thưởng Yangtze-River (Giải thưởng Trường Giang) dành cho các học giả; Giải thưởng dành cho các giảng viên trẻ tài năng trong các trường đại học. Ngoài ra, Trung Quốc còn tiến hành các dự án Đào tạo nhân tài xuất chúng xuyên thế kỷ; dự án Đổi mới trong giáo dục cao học. Tháng 12/2008, Chính phủ Trung Quốc triển khai chương trình “1000 tài năng” với mục tiêu mời gọi khoảng 2.000 trí thức chủ chốt về nước trong vòng 5-10 năm tới. Đồng thời, chính quyền của 7 tỉnh cũng tìm cách thu hút lực lượng về địa phương, bởi 2.000 người là không đủ cho cả Trung Quốc nên mỗi tỉnh đều tìm cách thu hút khoảng 1.000 người trong 5 năm tiếp theo.

Chính phủ Trung Quốc cũng thường xuyên tổ chức Diễn đàn Hàn lâm Quốc gia dành cho các tiến sĩ, tài trợ cho 12 cơ sở giáo dục đại học thành lập 13 chương trình trại hè dành cho các nghiên cứu sinh sau đại học, và hỗ trợ 16 cơ sở giáo dục đại học thành lập các trung tâm đổi mới sau đại học trong và bên ngoài các trường đại học và làm cho chúng trở thành các cơ sở quan trọng đối với việc cải tổ các mô hình đào tạo sau đại học.

3.2.3. Xúc tiến dự án cải cách và nâng cao chất lượng giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học

Văn bản chính sách có tên “Kế hoạch hành động nhằm đẩy mạnh giáo dục hướng về thế kỷ 21”, ban hành năm 1999, đã đưa giáo dục đại học Trung Quốc tới một sự mở rộng bất ngờ (Yang, 2004). Tăng trưởng kinh tế liên tục đã nâng cao mạnh mẽ nhu cầu về những người lao động có tri thức ở Trung Quốc. Tiêu chuẩn sống được cải thiện, cùng với một niềm tin và tham vọng mạnh mẽ, giáo dục đã được xem như cuộc đầu tư của mọi cá nhân và gia đình nhằm bảo đảm cơ hội việc làm có thu nhập cao và địa vị xã hội (Li, Morgan và Ding, 2008). Hai nhu cầu này đã khiến hệ thống buộc phải mở rộng cả ở bậc đại học và sau đại học kể từ cuối thập niên 90. Năm 1978, Trung Quốc tuyển chỉ 860,000 sinh viên đại học, con số này vọt lên 23 triệu vào năm 2011. Tỉ lệ sinh viên trong độ tuổi tăng từ 12,5% đến 27% năm 2011. Học viên cao học cũng tăng vọt từ 280.000 năm 2000 lên đến 1,6 triệu vào năm 2011 (Bộ Giáo dục Trung Quốc, 2013).

Để đáp ứng được mục tiêu đưa một loạt các trường đại học Trung Quốc vào hàng ngũ đại học đẳng cấp quốc tế trước năm 2020, những trường đại học này phải hết sức nỗ lực để thu hút những trí thức cao cấp đã học tập ở nước ngoài, kể cả những trí thức quốc tế. Ví dụ năm 2003, trường Đại học Nam Kinh đã thông báo tuyển thêm 300 giảng viên mới, yêu cầu là phải từ cấp phó giáo sư trở lên. Những người này có thể đang giảng dạy tại các trường Đại học khác ở Trung Quốc hoặc ngay cả ở nước ngoài. Hay như Trường Đại học Triết Giang, công tác tuyển dụng cán bộ của trường sẽ theo phương châm “không cần biết anh mang quốc tịch gì”. Tương tự, Trường Đại học Phúc Đán và Trường Đại học Thanh Hoa đều có những vị trí mở dành cho các trí thức nước ngoài, kể cả vị trí chủ nhiệm của các khoa trong trường. Trường Đại học Thanh Hoa quyết định dành 50 vị trí cho những giáo sư cao cấp được đào tạo ở nước ngoài, đồng thời cũng kêu gọi, thu hút một số trí thức quốc tế danh tiếng tham gia giảng dạy ở trường.

Mục tiêu của chính sách này nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy đại học và đào tạo nhân tài trên phạm vi toàn quốc gia. Các biện pháp chủ yếu bao gồm:

  • Bổ nhiệm các giáo sư có danh tiếng giảng dạy cho sinh viên đại học;
  • Triển khai 1500 khóa học xuất sắc đạt tiêu chuẩn quốc gia với mục đích đáp ứng về cơ bản các chuyên ngành chính và thúc đẩy chia sẻ các nguồn lực giảng dạy chất lượng;
  • Cải cách công tác giảng dạy tiếng Anh tại các trường đại học và cao đẳng, đẩy mạnh đào tạo giảng viên tiếng Anh trong các trường đại học và cải thiện các kỹ năng nghe nói của sinh viên;
  • Đẩy mạnh công tác đánh giá chất lượng giảng dạy ở bậc đại học.

3.2.4. Thực hiện “Dự án đổi mới KH&CN trong các cơ sở giáo dục đại học” và thúc đẩy  nghiên cứu trong các trường đại học

Trung Quốc đang tập trung vào khoa học tự nhiên và kỹ thuật, những lĩnh vực phản ánh nhu cầu phát triển của quốc gia. Nhà nước cung cấp nguồn tài trợ cho các nghiên cứu nguồn gốc mang tính đổi mới, thành lập nhiều cơ sở đổi mới KH&CN, đẩy mạnh việc xây dựng các phòng thí nghiệm quốc gia then chốt, thúc đẩy sự phát triển các trung tâm hợp tác nghiên cứu dựa trên cơ sở mạng lưới, và bắt đầu thành lập một số trung tâm nghiên cứu kỹ thuật trong các trường đại học.

Khi Trung Quốc bắt đầu vận dụng khoa học xã hội phương Tây vào cuối thế kỷ XIX, các trường đại học trở thành những tổ chức lớn nhất thực hiện điều này cả về mặt giảng dạy lẫn nghiên cứu. Theo truyền thống việc nghiên cứu không được coi trọng tại các trường đại học Trung Quốc vì hệ thống nghiên cứu khoa học của Trung Quốc đã trở thành độc lập với các trường đại học từ khi thành lập Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc năm 1952. Sau khi cải cách, các trường đại học được cung cấp phương tiện để tái thiết năng lực nghiên cứu của mình. Ngày nay, gần như tất cả mọi trường đại học đều có khoa khoa học xã hội, và số giáo sư, số môn mà họ dạy, cũng như ấn phẩm khoa học của họ trong kinh tế, xã hội học, khoa học chính trị và luật học, tất cả đều đang tăng. Đến nay, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung quốc có 37 viện thành viên và hơn 150 trung tâm nghiên cứu, thực hiện nghiên cứu trong 260 chuyên ngành có mức độ quan trọng ít nhiều khác nhau, cũng như các trường sau đại học. Viện có 3.500 nhà nghiên cứu trong đó 50% có bằng thạc sĩ trở lên.

Năm 1986, phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia đầu tiên được xây dựng tại Đại học Bắc Kinh. Điều này đánh dấu sự khởi đầu của các đại học nghiên cứu cùng với khoản tài trợ nghiên cứu và phát triển cho các phòng thí nghiệm được nhà nước trung ương hỗ trợ và đặt tại các trường đại học, và việc các nghiên cứu của trường đại học được xem như một bộ phận của hệ thống nghiên cứu khoa học cơ bản của quốc gia. Ý tưởng thành lập các phòng nghiên cứu trọng điểm của quốc gia và đặt tại các trường đại học thực ra là từ khuôn mẫu của các trường đại học nghiên cứu ở Hoa Kỳ. Trong những năm cuối thập kỷ 1980 và đầu thập kỷ 1990, chủ trương tài trợ của nhà nước Liên bang Hoa Kỳ đối với việc nghiên cứu của các trường đại học đã ảnh hưởng mạnh đến việc cải cách hệ thống nghiên cứu khoa học ở Trung Quốc.

Dựa trên những thông tin của Mạng lưới Nghiên cứu và Giáo dục Trung Quốc, đến năm 2002 đã có 91 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia tại các trường đại học hàng đầu. Chỉ riêng Đại học Bắc Kinh đã có 13 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia như thế, những công trình nghiên cứu tại đó gắn chặt với những vấn đề khẩn thiết nhất của quốc gia trong việc phát triển. Năm 1986, một dự án nghiên cứu khoa học cấp nhà nước rất nổi tiếng do bốn nhà khoa học danh tiếng đứng đầu, được gọi là Kế hoạch 863. Kế hoạch này dự định theo đuổi những nghiên cứu sâu trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, kỹ thuật tự động, năng lượng, vật liệu mới và công nghệ sinh học bằng nguồn quỹ nghiên cứu và phát triển của quốc gia. Để quản lý nguồn ngân sách này, Quỹ Khoa học Quốc gia được thành lập năm 1985 như một tổ chức bảo trợ cho các nghiên cứu trong khoa học và công nghệ, cả trong các trường đại học lẫn các Viện Hàn lâm khoa học.

Sự thành lập các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia trong các trường đại học đã làm tăng đáng kể năng lực nghiên cứu của các trường. Ma (2007) đưa ra số liệu thống kê cho thấy trong năm 1998-1999, 9 trường đại học hàng đầu đã đào tạo được 2.465 tiến sĩ, 5.891 báo cáo khoa học được liệt kê trong Danh mục Trích dẫn Khoa học SCI vào năm 2000, và trong năm 2002, 9 trường đại học này đã có 295 chuyên ngành nghiên cứu trọng yếu. Cũng trong năm này các nghiên cứu do trường đại học thực hiện giành được 78% số giải thưởng quốc gia về phát minh khoa học, 49% giải thưởng quốc gia về cải tiến công nghệ. Trong số 6118 bằng phát minh sáng chế, 32,4% thuộc về các giáo sư của 9 trường đại học này.

Năm 2001, Bộ Giáo dục tiến hành một dự án nhằm đánh giá đầy đủ hiệu quả và ảnh hưởng của các doanh nghiệp trực thuộc trường đại học. Báo cáo khảo sát cho thấy 575 trường đại học bình thường ở Trung Quốc đã sở hữu 5.039 doanh nghiệp, trong đó có 993 doanh nghiệp công nghệ cao (40% tổng số doanh nghiệp trực thuộc trường đại học). Trong số 5.039 doanh nghiệp, có 4.059 là được xây dựng bằng nguồn tài chính độc lập của nhà trường, 718 là liên kết giữa trường đại học và nhà nước, 94 là liên kết giữa các công ty nước ngoài và trường đại học Trung Quốc (Ma, 2007). Tổng thu nhập của 5.039 doanh nghiệp này là 60.748 tỷ nhân dân tệ (7,5 tỷ USD), trong đó 74,45% là từ các doanh nghiệp công nghệ cao. Điều này cho thấy mặc dù số lượng các doanh nghiệp công nghệ cao không nhiều nhưng họ đã tạo ra tổng thu nhập lớn hơn nhiều so với các doanh nghiệp dịch vụ hoặc lĩnh vực khác. Tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp này đạt 4.851 tỷ nhân dân tệ (600 triệu USD). Khoản hoàn vốn lại cho trường đại học vào khoảng 1.842 tỷ nhân dân tệ (230 triệu USD) bao gồm lương và quản lý phí trả cho các nhà quản lý, giảng viên và sinh viên của nhà trường. Từ những con số này có thể thấy các doanh nghiệp trực thuộc trường đại học nhất là ở những trường hàng đầu đã trở thành một bộ phận quan trọng của kinh tế quốc gia qua việc đẩy mạnh đưa kết quả nghiên cứu vào thị trường, rút ngắn thời gian từ nghiên cứu đến ứng dụng và đem lại lợi nhuận cho nhà trường.

Bên cạnh đó, các trường đại học hàng đầu Trung Quốc đã bắt đầu liên kết khoa học và giáo dục, gắn tri thức với các doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Những trường đại học như Thanh Hoa và Bắc Kinh đã bắt đầu xây dựng quan hệ với các doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong việc hợp tác cải tiến công nghệ và chuyển giao tri thức. Nhiều kết quả nghiên cứu và cải tiến đã được chuyển giao thành công cho các doanh nghiệp. Những mối liên kết với doanh nghiệp và địa phương tạo điều kiện cho việc nghiên cứu của các trường trở thành tập trung và thiết thực hơn đối với nhu cầu của các doanh nghiệp.

Để kết hợp nghiên cứu cơ bản ở các trường đại học với việc ứng dụng những tri thức mới, năm 1999 nhà nước Trung Quốc công bố một quyết định đặc biệt nhằm xây dựng nhiều công viên khoa học và công nghệ ở các trường đại học, một ý tưởng học tập từ Hoa Kỳ. Sự thành công của Thung lũng Silicone với các doanh nghiệp công nghệ cao đã thu hút sự chú ý của Trung Quốc, và kết quả trực tiếp là việc thành lập Công viên khoa học Zhongguancun ở Bắc Kinh, đặt ở gần Viện Hàn lâm Khoa học, Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa.

3.2.5. Tăng số lượng sinh viên được gửi đi du học ở nước ngoài bằng nguồn kinh phí của Chính phủ và khuyến khích họ trở về phục vụ đất nước sau khi tốt nghiệp

Mặc dù du học nước ngoài không phải là một trong những mục tiêu chính sách chủ yếu của Chính phủ Trung Quốc, nhưng từ năm 1992 Bộ Giáo dục nước này đã thành lập một chương trình nghị sự trong đó có đề cập đến việc hỗ trợ cho sinh viên đi du học ở nước ngoài và khuyến khích họ trở về nước, đảm bảo tự do thông thoáng trong việc đi và về của họ. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhận thức được rằng việc gửi sinh viên đi du học nước ngoài có thể mang lại những lợi thế chính sau:

  • Đào tạo và phát triển một lực lượng nhân tài có kiến thức và kinh nghiệm hiện đại; điều này phục vụ cho tiến trình hiện đại hóa của Trung Quốc.
  • Hình thành một đội ngũ nhân lực ưu tú với kinh nghiệm, triển vọng và kỹ năng ngôn ngữ quốc tế.
  • Nâng cao các tiêu chuẩn của Trung Quốc về giáo dục và nghiên cứu (các phương pháp, tiêu chuẩn, kỹ năng mới).
  • Có thêm nhiều sinh viên Trung Quốc có thể nhận được trình độ giáo dục cao hơn.
  • Bằng cách gửi sinh viên đi du học nước ngoài (và tiếp nhận sinh viên đến Trung Quốc học) Chính phủ nước này mong muốn có thể nâng cao được sự hiểu biết về đất nước Trung Quốc và nền văn hóa Trung Hoa.

Rõ ràng chính phủ Trung Quốc đã thừa nhận rằng: quốc tế hóa đơn giản là điều không thể tránh khỏi. Theo điều tra hầu hết các nhà lãnh đạo và giới khoa học Trung Quốc đều cho rằng việc nâng cao chất lượng và đạt được danh tiếng quốc tế là điều rất quan trọng.

Việc hỗ trợ mạnh mẽ cho việc du học nước ngoài của sinh viên Trung Quốc thông qua việc đề cao những lợi ích như thiết lập một đội ngũ tri thức ưu tú và hỗ trợ cho phát triển kinh tế, cũng như kêu gọi hành động thiết thực để huy động nguồn kinh phí và các dịch vụ hỗ trợ cho sinh viên đi du học nước ngoài.

3.2.6. Xúc tiến cải tổ sâu về thể chế trong các lĩnh vực giáo dục nhằm tạo nên một môi trường hàn lâm dân chủ và tự do

Các cơ sở giáo dục đại học của Trung Quốc được hưởng một bầu không khí mang tính học thuật hơn trong những năm gần đây, với nhiều hội nghị nghiên cứu khoa học quốc tế được tổ chức và các chuyến đi thăm quan qua lại giữa các học giả Trung Quốc và nước ngoài đã tăng lên. Một số trường đại học đã thành lập các quỹ tự do nghiên cứu để các nhà nghiên cứu, các giảng viên có thể theo đuổi các ý tưởng “khác lạ” của mình và làm những gì họ muốn để khám phá thế giới.

Bên cạnh đó, để đáp ứng mục tiêu chính sách quốc gia là mở rộng số người được đào tạo ở bậc đại học, những trường trực thuộc kiểu này có tham vọng tăng quy mô sinh viên lên tới 20-30 ngàn để đạt tới quy mô của một “trường đại học tổng hợp” theo phác thảo của Bộ Giáo dục về mô hình tương lai của đại học (Chen và Yu, 2005).  Bộ Giáo dục Trung Quốc cho rằng những trường tự chủ tài chính trực thuộc trường công kiểu như thế sẽ có thể thực hiện sứ mạng quan trọng của giáo dục.

Sau khi gia nhập WTO, Chính phủ Trung Quốc bắt đầu rà soát lại bộ khung pháp lý để cho phép các trường đại học nước ngoài tuyển sinh và thực hiện đào tạo tại đại lục theo các quy định của WTO. Tháng 9 năm 2003, Quốc vụ viện ban hành “Quy định về hợp tác quốc tế trong vận hành trường học”, một văn bản chi tiết về bản chất, chính sách và nguyên tắc, các yêu cầu cụ thể và quy trình cấp phép, lãnh đạo và tổ chức, quy trình dạy học, quản lý tài chính, cơ chế giám sát và tư cách pháp nhân, v.v. Tinh thần của văn bản này đẩy mạnh giáo dục đại học xuyên biên giới, khuyến khích các trường trong nước hợp tác với những trường đại học danh tiếng ở nước ngoài để mở ra những ngành học mới nhằm cải thiện chất lượng dạy và học cũng như giới thiệu nguồn tài nguyên ưu tú của nước ngoài để áp dụng trong nước (State Council 2003, Chương 1, Điều 3). Hơn nữa, văn bản này không cấm các trường nước ngoài tìm kiếm lợi nhuận trong những hoạt động này.

Từ những năm cuối của thập kỷ 1980, các trường đại học hàng đầu ở Trung Quốc trải qua “làn sóng đi học nước ngoài” vì giảng viên trẻ và sinh viên dễ dàng nhận được học bổng và hỗ trợ tài chính ngoài nước. Trong những năm 1990, Đại học Bắc Kinh được miêu tả là “trường dự bị” để du học vì một phần ba sinh viên tốt nghiệp trường này đã đi học tại Mỹ hoặc tại các nước phát triển khác. Sau khi tốt nghiệp các trường ở nước ngoài, những sinh viên này- nhất là trong các chuyên ngành khoa học kỹ thuật- càng có khả năng tìm được chỗ làm tại quốc gia mà họ lấy được tấm bằng cao nhất hơn là trở về Trung Quốc. Từ 1978 đến 2004, có tổng số 815.000 sinh viên Trung Quốc đi du học, nhưng chỉ có 198.000 người trở về, nghĩa là tỷ lệ chỉ một phần tư.

Để tuyển chọn và giữ chân được những giảng viên giỏi, năm 1992 đã có một chính sách được ban hành nhằm hỗ trợ sinh viên du học, khuyến khích trở về và bảo đảm tự do cho họ. Năm 1993, Bộ Giáo dục xây dựng một Dự án được gọi là Kế hoạch Nhân tài Xuyên Thế kỷ. Dự án này nhằm giữ chân các giảng viên trẻ có tài định rời bỏ nhà trường để nhận những việc khác có thu nhập cao hơn trong các thành phần kinh tế. Những giảng viên được lựa chọn trong kế hoạch này sẽ được nhận một khoản hỗ trợ đặc biệt của nhà nước và được đề bạt học vị giáo sư. Những du học sinh cũng được ưu đãi như vậy nếu họ trở về, nhưng tỷ lệ trở về vẫn thấp. Trong khi có nhiều lý do cho việc giảng viên và sinh viên chọn con đường ở lại nước ngoài, quan trọng hơn cả là những lý do như: không chắc chắn về tính ổn định chính trị của đất nước, thiếu kiến thức về cơ hội phát triển nghề nghiệp trong tương lai, sự thay đổi lối sống sau nhiều năm sống ở nước ngoài, và lo lắng về việc học vấn của con cái.

3.3. Các biện pháp chính sách hỗ trợ thực hiện chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mang đẳng cấp quốc tế

3.3.1. Tăng cường ngân sách đầu tư cho giáo dục

Giáo dục là tiền đề để phát triển nguồn nhân lực. Một thời gian dài trong quá khứ, mức độ đầu tư cho giáo dục của Trung Quốc khá thấp. Để phát triển nguồn lực con người tốt hơn, Trung Quốc cần tăng cường đầu tư cho giáo dục. Năm 1992, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một chính sách hướng dẫn về vấn đề học tập ở nước ngoài: “hỗ trợ tất cả các sinh viên muốn học tập ở nước ngoài, khuyến khích họ về quê hương cũng như cho phép họ đi lại một cách dễ dàng.” Những năm sau này, Chính phủ Trung Quốc đã đề xuất Dự án 211. Dự án hỗ trợ cho 100 Viện nghiên cứu hàng đầu của Trung Quốc cơ sở vật chất và điều kiện làm việc để có thể đáp ứng “tiêu chuẩn quốc tế” trong giảng dạy và nghiên cứu học thuật tới đầu thế kỷ 21. Từ năm 1996 đến năm 2002, Chính phủ đã dành 18.4 tỷ nhân dân tệ cho “quỹ sáng kiến” để giúp dự án vận hành. Đây được cho là khoản đầu tư cho giáo dục lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Chỉ trong vòng một thế hệ, kể từ năm 1978, Trung Quốc đã đưa tỉ lệ những người trong độ tuổi vào đại học từ 1,4% lên đến 20%. Chỉ riêng trong lĩnh vực kỹ thuật, Trung Quốc đào tạo ra 442,000 cử nhân hàng năm, cùng với 48,000 người hoàn tất bằng thạc sĩ và 8,000 người đạt học vị tiến sĩ. Nhưng chỉ có Đại học Bắc Kinh và một vài trường hàng đầu của Trung Quốc là được thế giới công nhận có chất lượng cao. Từ năm 1998, Trung Quốc chính thức tuyên bố quyết tâm chuyển biến các trường đại học Trung Quốc, ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học đã tăng hơn gấp đôi, lên tới 10,4 tỷ đô la Mỹ trong năm 2003.

3.3.2. Đổi mới hệ thống giáo dục, chương trình đào tạo và nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên

Trung Quốc hiện đang nỗ lực hết sức để phát triển giáo dục và đào tạo nhằm theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của khoa học và công nghệ cũng như sự phát triển kinh tế thế giới. Các cơ sở giáo dục đại học đào tạo giáo viên ở Trung Quốc hiện đã được tăng quyền tự chủ, đẩy mạnh cải cách để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, tạo nguồn lực giáo viên có trình độ chuyên môn, phẩm chất và năng lực sư phạm cao. Trong những năm qua, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, Trung Quốc đã thực hiện một số chính sách như: nâng cao chuẩn chất lượng giáo viên; mở rộng hệ thống đào tạo giáo viên ra ngoài các trường sư phạm truyền thống; thống nhất chất lượng đào tạo chính quy và không chính quy; tăng cường đổi mới chương trình đào tạo và nghiên cứu xây dựng mô hình đào tạo giáo viên.

 Số chương trình liên kết với đối tác quốc tế của các trường đại học ngày càng tăng. Hầu hết các chương trình này có nguồn gốc ở những nước phát triển và có nền công nghệ tiên tiến. Gần một nửa là từ Mỹ và Úc, những nước chiếm thị phần lớn nhất về xuất khẩu giáo dục; một số ít nhưng cũng khá đáng kể là từ châu Âu. Nhiều chương trình liên kết được phép cấp bằng nước ngoài đã được thực hiện ở những trường Trung Quốc nổi tiếng như Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa, Đại học Zhejiang với hơn 100 trường đại học nước ngoài. Nhưng trong số đó, có những trường không được xếp hạng “đẳng cấp quốc tế” trong giảng dạy và nghiên cứu, cũng như có những trường có xếp hạng tốt ở Mỹ. Đến cuối năm 2004, có 164 chương trình như vậy. Trong đó có 47 (28,7%) chương trình cấp bằng cử nhân; 112 (68,3%) cấp bằng thạc sĩ; 2 (1,2%) chương trình tiến sĩ; trong khi có 2 (1,2%) chương trình chuyên ngành; và 1 (0,6%) chương trình cấp cả bằng cử nhân, thạc sĩ lẫn tiến sĩ. Những chương trình này được phép vận hành với chỉ tiêu tuyển sinh có giới hạn (từ 1 đến 15 sinh viên mỗi lớp) (Liu và cộng sự, 2005). Về ngành học, hầu hết là kinh doanh, thương mại và quản lý.

Ngoài ra, Trung Quốc có chính sách đổi mới với các trường có đào tạo sau đại học. Đến năm 2016 có 53 trường trong tổng số hơn 400 trường đang có chương trình đào tạo sau đại học đã được nhà nước chấp thuận công nhận là trường đào tạo sau đại học (graduate school); những trường còn lại không được phép dùng cái tên “trường đào tạo sau đại học” mà phải dùng tên gọi Phòng Sau Đại học hay Bộ phận Đào tạo Sau Đại học để thay thế. Chỉ những trường có số lượng học viên cao học và nghiên cứu sinh tương đối lớn và có nhiều ngành đào tạo khác nhau cũng như đảm bảo chất lượng cao trong đào tạo sau đại học mới được công nhận danh xưng này. Trên thực tế, hơn ba phần tư nghiên cứu sinh tiến sĩ xin vào học các trường này. Việc được công nhận địa vị là trường đào tạo sau đại học chẳng những củng cố địa vị và uy tín của trường mà còn đưa đến một kết quả là có nhiều quyền hạn và sự linh hoạt hơn trong việc mở ngành đào tạo mới hay xây dựng lại chương trình và môn học.

Theo kế hoạch chiến lược của nhà nước Trung Quốc, GDP của Trung Quốc năm 2020 sẽ đạt mức gấp bốn lần so với năm 2000. Tổng sản lượng nội địa của các vùng phát triển ở Trung Quốc như Thượng Hải và Bắc Kinh được hy vọng là sẽ đạt đến 210 tỷ USD và GDP trên đầu người sẽ vào khoảng 25.000 USD vào năm 2020. Người ta mong đợi nhà nước Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ các trường đại học nghiên cứu hàng đầu bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển về kinh tế. Có như vậy thì các trường đại học như Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh, Đại học Phúc Đán và Đại học Giao thông Thượng Hải mới có thể trở thành những trường đại học đẳng cấp thế giới trước năm 2020.

Chính phủ Trung Quốc cũng triển khai thực hiện nhiều dự án khoa học kỹ thuật quan trọng. Các dự án này có nhiệm vụ quan trọng là góp phần hình thành đội ngũ nhân tài hạt nhân, tạo điều kiện cho sự ra đời của nhân tài quan trọng. Bên cạnh đó, về mặt phân phối tài nguyên khoa học kỹ thuật, họ coi trọng xây dựng cơ sở nghiên cứu khoa học, kể cả phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, Trung tâm công trình quốc gia, Trung tâm nghiên cứu phát triển doanh nghiệp, v.v. Theo quy hoạch, Trung Quốc phấn đấu đến năm 2020 đưa tổng số cán bộ khoa học kỹ thuật loại hình sáng tạo cấp cao lên tới khoảng 40 nghìn người.

4. Kết quả đạt được của nền kinh tế-xã hội Trung Quốc

Thời kỳ đầu thành lập nước Trung Hoa mới, cả nước có 80% số người mù chữ, trong khi đó cán bộ khoa học kỹ thuật chỉ có khoảng 10 nghìn người. Đến năm 2011, đội ngũ nhân tài của Trung Quốc đã lên tới hơn 114 triệu người, trong đó có hơn 46 triệu cán bộ kỹ thuật có trình độ cao (Wang, 2011). Xét về quy mô, Trung Quốc đã trở thành nước lớn về nhân tài. Những thành tựu quan trọng đạt được trong các lĩnh vực từ nghiên cứu giống lúa lai cho đến các dự án lớn như công trình Tam Hiệp, tàu du hành vũ trụ có người lái, thám hiểm Mặt trăng, đường sắt Thanh Tạng đều thể hiện sự đóng góp và vai trò to lớn của nhân tài trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Trung Quốc. Sự mở rộng cơ hội tiếp cận đại học đã làm thay đổi vai trò của giáo dục đại học đối với cuộc sống của người dân. Trong những năm trước cải cách, khi giáo dục đại học không đủ để đáp ứng cho tất cả mọi người, mỗi năm có hàng triệu học sinh phổ thông dự kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia nhưng chỉ một số rất ít may mắn dành được một chỗ trong trường đại học. Người dân có thể hài lòng về cơ bản với bất cứ trường đại học nào. Việc chọn trường hay cân nhắc xem các trường đại học có chất lượng hoạt động như thế nào không phải là mối quan tâm chính của phần lớn người dân Trung Quốc. Ngày nay, sau hai mươi năm cải cách theo định hướng thị trường, vai trò của trường đại học đã thay đổi một cách rất căn bản. Giáo dục đại học trước kia được thiết kế để dành cho một số ít người, nay đã trở thành một thứ dễ dàng tiếp cận cho công chúng.

Sự thành công của Trung Quốc trong hơn 30 năm qua một phần cũng nhờ luôn coi trọng phát triển nguồn nhân lực. Tại Trung Quốc, giáo dục đại học có lịch sử rất lâu đời và có nhiều trường đại học nổi tiếng trên thế giới. Times Higher Education (THE) công bố Bảng xếp hạng Các trường đại học đến từ các quốc gia có nền kinh tế mới nổi năm 2018 (THE Emerging Economies University Rankings, 2018). Trung Quốc tiếp tục tăng hạng, đồng thời thống trị Top 10 danh giá của bảng xếp hạng với 7 vị trí. Theo đánh giá này cho thấy Trung Quốc đã tiên phong trong mô hình chất lượng giáo dục đại học mà các nền kinh tế mới nổi khác đang cố gắng cạnh tranh – thông qua những khoản đầu tư lớn, ổn định cho các cơ sở giáo dục hàng đầu, tập trung thu hút những học giả tốt nhất trên toàn thế giới, duy trì và phát triển quan hệ hợp tác quốc tế và phát triển ấn phẩm quốc tế.

Trong khoảng từ năm 2000 đến 2005, số lượng công bố khoa học của các trường đại học nghiên cứu hàng đầu trong danh mục SCI (Science Citation Index) đã tăng gấp đôi. Đại học Thanh Hoa đã có khoảng 2700 bài báo được liệt kê trong danh mục SCI năm 2003, gần bằng con số của các trường hàng đầu thuộc top 50 của thế giới (Cheng và Liu, 2005). Các trường đại học nghiên cứu hàng đầu của Trung Quốc cũng đã bắt đầu nhấn mạnh đến chất lượng của các công bố khoa học bằng cách khen thưởng những bài báo có tỉ lệ được trích dẫn cao hoặc xuất hiện trên những tạp chí chuyên môn danh tiếng.

Số giảng viên có bằng tiến sĩ đã đạt đến 50% ở các trường đại học nghiên cứu hàng đầu của Trung Quốc và được hy vọng sẽ đạt đến 75% trước năm 2020. Những trường này cam kết nâng cao số giảng viên có bằng tiến sĩ từ các trường đại học đẳng cấp thế giới. Thêm vào đó, họ đang có nhiều nỗ lực đặc biệt để thu hút các giáo sư đẳng cấp thế giới bằng nhiều cách. Chính sự đầu tư mạnh mẽ cho chiến lược xây dựng, phát triển nguồn lực con người trình độ cao gắn với phát triển khoa học - công nghệ hiện đại đã đưa Trung Quốc vươn lên giữ vị trí nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới.

Tỉ lệ của học viên sau đại học (kể cả các khóa học chuyên môn) với sinh viên đại học vẫn còn ở mức 1:1. Một lần nữa, các trường đại học đang phải đấu tranh với việc nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học, đặc biệt là năng lực sáng tạo và đổi mới của một bộ phận nghiên cứu sinh tiến sĩ. Nghiên cứu sinh tiến sĩ thường được yêu cầu có bài đăng trên tạp chí quốc tế trước khi có thể bảo vệ luận án. Tỉ lệ vào đại học của Trung Quốc là 21% người trong độ tuổi đã tạo ra một hệ thống giáo dục đại học lớn nhất trên thế giới, đánh dấu thời kỳ giáo dục đại học tinh hoa đã chuyển thành giáo dục đại học đại chúng (Pretorius và Xue, 2003). Tỉ lệ học sinh phổ thông vào đại học đã thay đổi từ 40% năm 1998 đến 65,5% năm 2001 (Yang, 2004).

Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế đã chứng minh hướng đi đúng trong việc phát triển nguồn nhân lực để phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đó là tăng trưởng kinh tế gắn với giáo dục đào tạo.

Kinh tế Trung Quốc đang trên đà tăng trưởng mới, công nghệ mới và mô hình kinh doanh mới. Tốc độ tăng trưởng GDP gần đây luôn ở quanh mức 6,7-6,9%, do vậy, nền kinh tế này có tiềm năng rất lớn, sẽ được hỗ trợ bởi nguồn nhân lực dồi dào, thị trường khổng lồ, công nghệ ngày càng hoàn thiện và hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh. Trung Quốc sẽ thúc đẩy tiến trình cải cách cơ cấu nguồn cung để thực hiện chuyển đổi kinh tế, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh. Đồng thời Bắc Kinh cũng cam kết nỗ lực cắt giảm tình trạng dư thừa công suất, giảm lượng hàng tồn kho và bớt gánh nặng cho doanh nghiệp. Nhờ công cuộc cải cách và mở cửa, Trung Quốc đã chứng kiến GDP hàng năm tăng trưởng trung bình 9,9% từ năm 1978 đến năm 2010. Trong giai đoạn thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011-2015), nhịp độ tăng trưởng đã chậm xuống còn 7,8%. Năm 2016, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 6,7%, đóng góp hơn 30% vào sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Hình 1. Tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của Trung Quốc (2015-2018)

 

 

Nguồn: Tradingeconomics.com/Cơ quan thống kê quốc gia của Trung Quốc

Rõ ràng, đầu tư cho giáo dục đào tạo, cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài, về thực chất, là đầu tư cho phát triển; và chăm lo cho sự phát triển toàn diện của con người chính là chăm lo cho phát triển bền vững của các quốc gia, là yếu tố bảo đảm chắc chắn nhất sự phồn vinh, hạnh phúc và thịnh vượng của mỗi quốc gia, dân tộc. Chính vì vậy, Trung quốc cần phải đẩy nhanh tốc độ đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực của đất nước, gắn cơ quan đào tạo với các viện nghiên cứu và cùng với đó là các chính sách ưu đãi cả về đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho phát triển giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học cũng như những chính sách thu hút chất xám phục vụ cho quốc gia mình.

5. Bài học kinh nghiệm về phát triển nguồn nhân lực quốc gia của Trung Quốc

Mỗi quốc gia trong quá trình phát triển đều cần xác định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Không chỉ Trung Quốc, các quốc gia trên thế giới như Singapore, Ấn Độ từ rất sớm đã xác định và thiết lập được mối quan hệ giữa phát triển các chiến lược kinh tế và chiến lược nhân lực. Đây được coi là một trong những nền tảng của sự thành công về mặt kinh tế, khoa học kỹ thuật của các quốc gia này. Việt Nam đang đặt vấn đề lấy sự phát triển nguồn nhân lực làm động lực cho tăng trưởng kinh tế thông qua sự kết hợp chặt chẽ giữa các chiến lược phát triển kinh tế và chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Chỉ có như vậy đất nước mới giải quyết tận gốc tình trạng thiếu hụt nhân lực, đồng thời biến gánh nặng dân số hiện nay thành lợi thế cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam trong thời đại công nghệ 4.0. Bên cạnh đó, chúng ta đặt ra mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2020, đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Vì vậy, phát triển nguồn nhân lực phải gắn với quá trình công nghiệp hóa, phải tạo ra lực lượng lao động thúc đẩy mạnh mẽ quá trình này

Thứ nhất, mỗi quốc gia cần phải có một chiến lược nhân tài tổng thể gắn với quy hoạch quốc gia, phải tạo những điều kiện thuận lợi, những ưu đãi hấp dẫn nhất để thu hút và sử dụng được nguồn nhân lực cao cấp là nhân tài từ nước ngoài trở về, nhân tài là người nước ngoài, từng bước tham gia cuộc cạnh tranh chất xám trên quy mô toàn cầu. Trên cơ sở đó, chúng ta mới có thể khuyến khích các nhà khoa học, du học sinh, sinh viên tốt nghiệp về nước công tác, xây dựng kế hoạch đào tạo và thu hút nhân tài cho đất nước.

Thứ hai, Trung Quốc đã chứng minh một hướng đi đúng trong việc phát triển nguồn nhân lực để phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đó là tăng trưởng kinh tế gắn với giáo dục đào tạo. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy rõ, coi trọng và quyết tâm thực thi chính sách giáo dục đào tạo phù hợp là nhân tố quyết định tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển nhanh và bền vững. Do vậy, Việt Nam cần thực hiện cải cách sâu rộng về chương trình giáo dục, đào tạo, cách dạy và học, tăng cường kết hợp giáo dục đào tạo với sản xuất, kinh doanh, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực trong từng giai đoạn phát triển của xã hội. Nhà nước cần chú trọng đầu tư để phát triển giáo dục đại học của quốc gia, phải thực sự coi giáo dục đại học là quốc sách hàng đầu, xây dựng đội ngũ giảng viên đại học có đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng. Đội ngũ giảng viên đại học cần được đào tạo trong nước, gửi đi đào tạo ở nước có nền giáo dục tiên tiến. Ngoài việc đào tạo, cần thu hút những giáo sư, những chuyên gia, những nhà hoạt động thực tiễn tài năng là Việt kiều hoặc người ngoại quốc tham gia vào đội ngũ cán bộ giảng dạy bậc đại học ở Việt Nam.

Thứ ba, Việt Nam cần đặc biệt quan tâm tạo điều kiện tốt cho nguồn nhân lực trẻ tài năng. Thế hệ trẻ là tương lai của mỗi quốc gia. Vì vậy, quốc gia nào biết quan tâm, tạo điều kiện để lực lượng nhân lực trẻ phát huy tối đa khả năng thì họ sẽ góp phần to lớn vào quá trình phát triển vững vàng của quốc gia trong tương lai. Đặc biệt, Việt Nam cần quan tâm, phát huy những tiềm năng hiện có và tăng cường năng lực cho đội ngũ “lao động chất xám”, từ đó hình thành đội ngũ các nhà khoa học giỏi, góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu, giáo dục đào tạo.

Thứ tư, nhà nước cần thực hiện hiệu quả cải cách hệ thống giáo dục đào tạo, nhất là đào tạo nghề nghiệp và kỹ năng cho người lao động, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đào tạo. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cần phù hợp với nhu cầu thị trường lao động theo ngành nghề. Trong thực tế phát triển Việt Nam hiện nay, việc đào tạo ở bậc học đại học chưa thực sự gắn chặt với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, việc lựa chọn nghề nghiệp theo học mang nhiều cảm nhận chủ quan. Dự báo quốc gia về nhu cầu lao động trong tương lai chưa có, dẫn tới tình trạng mất cân đối trong đào tạo nghề: thừa cung lao động trong một số nghề và thiếu lao động trong nhiều nghề khác - những nghề mà có rất ít học sinh nộp hồ sơ dự học, nhưng lại rất cần thiết đối với sự phát triển của đất nước. Vì vậy, đào tạo nguồn nhân lực cần phải đi theo nhu cầu thực tế của xã hội. Như vậy, Chính phủ Việt Nam cần phải thiết lập được mối quan hệ chặt chẽ giữa các chiến lược phát triển nhân lực với các chiến lược phát triển kinh tế. Mối quan hệ này thể hiện ở chỗ các chiến lược phát triển kinh tế phải chỉ rất rõ về nhu cầu nguồn nhân lực (số lượng, kỹ năng cụ thể), và đối với các cơ quan lập chiến lược phát triển nhân lực phải coi đây là những thông tin đầu vào cơ bản để xây dựng các chiến lược phát triển nguồn nhân lực.

Cuối cùng, Việt Nam cần thực hiện có hiệu quả hệ thống sử dụng nguồn nhân lực trong mối quan hệ với hệ thống đầu tư nhân lực mang lại lợi nhuận, hệ thống luân chuyển lực lượng lao động, hệ thống anh sinh xã hội với các biện pháp đảm bảo công bằng xã hội cho người lao động. Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực phải củng cố khả năng hội nhập quốc tế của Việt Nam trên cơ sở kế thừa và giữ vững những tinh hoa văn hoá dân tộcDo đó, việc tăng cường học tập những kinh nghiệm quốc tế trong phát triển nguồn nhân lực, trong tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ sản xuất phải lựa chọn chiến lược, phương thức phát triển riêng phù hợp với truyền thống dân tộc và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

  1. Kết luận

Xu hướng toàn cầu hóa diễn ra một cách sâu rộng càng làm cho tài nguyên con người có tầm quan trọng đặc biệt. Cùng với đó là cuộc chạy đua giữa các quốc gia trở thành cuộc cạnh tranh về trình độ phát triển và khả năng sử dụng nguồn nhân lực. Trải qua bốn mươi năm cải cách, kinh tế Trung Quốc đã dần thay đổi từ chỗ dựa vào sức lao động giản đơn trở thành một nền kinh tế dựa vào tri thức. Do vậy, chính phủ Trung Quốc hết sức quan tâm đến việc đào tạo và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực hiện có trong nước, nhằm nâng cao chất lượng nguồn lực này thông qua các chính sách ưu tiên, hỗ trợ và phát triển. Trong thời gian qua, Trung Quốc đã nỗ lực cải thiện nguồn nhân lực trong nước và thu hút nguồn nhân lực từ ngoài nước, đặc biệt là các chính sách nâng cao chất lượng của ngành giáo dục, thực hiện hàng loạt chính sách đào tạo và sử dụng nhân lực, nhằm xây dựng toàn diện nguồn nhân lực và tạo thế mạnh cạnh tranh về lượng nhân tài. Các chính sách này đã cải thiện mạnh mẽ chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn lực con người của Trung Quốc, mang lại các kết quả vượt trội. Trung Quốc đã trở thành một ví dụ sinh động và mang lại những bài học quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực quốc gia đối với các nước đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Báo cáo phát triển nhân tài Trung Quốc – Số 3, Nhà xuất bản Văn hiến Khoa học xã hội, Viện Khoa học xã hội xuất bản, tháng 6/2006.
  2. Bộ Giáo dục Trung Quốc (2013, 2017), Educational Statistics in 2013, http://en.moe.gov.cn/Resources/Statistics/edu_stat_2013/2013_en02/

http://edu.people.com.cn/n1/2017/1227/c9320-29732104.html

  1. Bộ Giáo dục Trung Quốc (2009). The notice on the academic credentials education enrolment work for distance education pilot universities in 2009.
  2. Cheng, Y., and Liu, S.X. (2005), “When will Chinese universities be able to become world – class [in Chinese]?”, Journal of Higher Education 26 (4), 1-6.
  3. China Higher Education Research Editorial Department (2013), “Statistic analysis of theses on education-oriented scientific research in Chinese higher institutions in year 2012 (in Chinese”,China Higher Education Research (4), 5-10.
  4. China Institute for Science and Technology Information (2005), 2004 statistical analysis of science and Technology articles of China, December.
  5. Federal Ministry of Education and Research (BMBF) & German-Chinese Cooperation in Science & Research (2015), China Strategy 2015-2020: Strategic Framework for Cooperation with China in Research, Science and Education.
  6. Ke, J., Chermack, T., Lee, Y., and Lin J. (2006), National human resource development in transitioning societies in the developing world: the People’s Republic of China”, Advances in Developing Human Resources, 8(1), 28-45.
  7. Liu, A., and Wall, G. (2005), Human resources development in China”, Annals of Tourism Research, 32 (3), tr. 689 - 710.
  8. Liu, S.X. and Liu, N.C. (2005), “Classification on Chinese higher education institutions [in Chinese]”, Journal of Higher Education26(7): 40-44.
  9. Ma, D., and Adams, W. (2013), In Line BehindBillion People: How Scarcity Will Define China'sAscent in the Next Decade, Pearson FT Press. 
  10. Ma, W. (2007), The Flagship University and China’a Economic Reform, Transforming Research Universities in Asia and Latin America: World-Class Worldwide. Editted by Philip Altbach&Jorge Balán, Johns Hopkins University Press.
  11. Pretorius, S.G., and Xue, Y.Q. (2003), “The transition from elite to mass higher education: A Chinese perspective”, Prospects33(1), 89-101.
  12. Simon, D.F., and Cao, C. (2006), China’s emerging science and technology talent pool: a quantitative and qualitative assessment, Institute of International Relations and Commerce, State University of New York, USA.
  13. Tạ Bá Hưng và các cộng sự (2010), Các chiến lược và chính sách của trung quốc nhằm thúc đẩy đổi mới giáo dục đại học và đào tạo nhân công tay nghề cao, Cục thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
  14. Wang, H. (2010), China's national talent plan: Key measures and objectives, Brookings Institution.
  15. Yang, B., Zang, D., and Zang, M. (2004), National Human Resources Development in the Republic of China”, Advances in Developing Human Resources, (6)3, 297-306.
  16. Yang, R. (2004), Toward massification: Higher education development in the People’s Republic of China since 1949. In Smart, J.C. (ed.) Higher Education: Handbook of Theory and Research, pp.311-374. Dordrecht: Kluwer Academic Publishers.
  17. THE Emerging Economies University Rankings, 2018.

https://www.timeshighereducation.com/world-university-rankings/2018/emerging-economies-university-rankings#!/page/0/length/25/sort_by/rank/sort_order/asc/cols/stats.

 

[1] Bài viết là sản phẩm của Đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong cơ chế thị trường” (thuộc Chương trình KHCN Giáo dục Quốc gia giai đoạn 2016-2020), mã số KHGD/16-20.ĐT.019.

[2] Trường Đại học Ngoại thương, email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó.

[3] Trường Đại học Ngoại thương, email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó.

 

ĐỔI MỚI CẠNH TRANH CỦA DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Lê Quốc Khanh[1]

 

Tóm tắt

Doanh nghiệp nhà nước là một loại chủ thể kinh doanh đặc biệt do nhà nước đầu tư vốn nhằm thực hiện những nhiệm kinh tế - xã hội hoặc ở những lĩnh vực then chốt ở nhiều quốc gia. Doanh nghiệp nhà nước thường được giao nhiệm vụ kinh doanh ở lĩnh vực cung ứng dịch vụ công và những lĩnh vực mà việc kinh doanh chứa đựng nhiều rủi ro, khó thu hồi vốn trong khi doanh nghiệp tư nhân không thể thực hiện hoặc không muốn không đầu tư. Mặc dù được đầu tư nguồn lực lớn của nhà nước, tuy nhiên trong những năm vừa qua, cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam trên thị trường và kèm theo đó là tính hiệu quả của hoạt động kinh doanh luôn còn nhiều hạn chế. Bởi vậy, đổi mới cạnh tranh, nâng cao hiệu hoạt động của doanh nghiệp nhà nước là những vấn đề đặt ra cần giải quyết.

Từ khóa: Doanh nghiệp nhà nước, cạnh tranh, phương tiện cạnh tranh

Abstract

State – owned enterprises are regarded as a special business subject invested by State for the purpose of implementing specific economic-social tasks or doing business in key sectors of many countries. These firms are normally assigned to carry out their business activities in the fields which provide public services and goods and which are relatively risky and difficult to reach break-even point, making them impossible or less attractive for private firms to invest into. Despite the receipt of great resources from governments, their competitiveness capability in the market and business efficiency have been still limited. From this reason, innovation for competition and improvement of business efficiency of State-owned enterprises are among concerned topics requiring focus researches.

Keywords: State – owned enterprises, competition, competitive parameter.

1. Khái niệm doanh nghiệp nhà nước

Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là doanh nghiệp do nhà nước thành lập, đầu tư và kiểm soát nguồn vốn kinh doanh. Doanh nghiệp nhà nước là một bộ phận kinh tế quan trọng ở một số hoặc tùy từng quốc gia do nó được giao thực hiện những chính sách kinh tế trọng yếu hoặc hoạt động ở những lĩnh vực mà khu vực kinh tế tư nhân khó có thể đảm nhiệm. DNNN được thành lập về cơ bản kinh doanh các ngành cung cấp dịch vụ công cộng và kết cấu hạ tầng như năng lượng, giao thông, viễn thông - những ngành mà sản phẩm rất quan trọng đối với đời sống xã hội và đối với các ngành kinh tế khác trong khi doanh nghiệp tư nhân không hoặc chưa sẵn sàng tham gia (Lê Trung Kiên, 2018).

Quan niệm về DNNN cũng như quy định về DNNN trên thế giới có những điểm khác biệt nhất định do thế giới quan hoặc yếu tố kinh tế - chính trị chi phối. Về cơ bản, doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do nhà nước là chủ sở hữu và/hoặc nhà nước kiểm soát tổ chức và hoạt động cũng như đầu tư kinh doanh vốn đã cấp cho doanh nghiệp. Do nhà nước có thể đầu tư toàn bộ hoặc đa số vốn điều lệ, nhà nước thực hiện quyền kiểm soát chủ yếu đối với thành lập và tổ chức hoạt động của doanh nghiệp, quyết định các vấn đề về đầu tư kinh doanh theo mục tiêu mà nhà nước đặt ra. Tại Việt Nam, theo pháp luật hiện hành, DNNN phải là những doanh nghiệp do nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ.

DNNN là thực thể kinh doanh có tư cách pháp nhân, có quyền và nghĩa vụ như các chủ thể kinh doanh khác, tự do gia nhập thị trường với những hạn chế nhất định và tự chịu trách nhiệm về tài sản đối với toàn bộ hoạt động kinh doanh trong phạm vi số vốn được cấp. DNNN thường đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực của nền kinh tế mà khu vực tư không đầu tư hoặc không thể đầu tư.

Mặc dù được hưởng sự ưu đãi từ phía chính sách, doanh nghiệp nhà nước thường vẫn không đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Đổi mới cạnh tranh để doanh nghiệp nhà nước có thể đảm nhận được những nhiệm vụ kinh tế - xã hội quan trọng cũng như tham gia sâu rộng vào thị trường quốc tế là một đòi hỏi của thực thế. Trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại, các doanh nghiệp – chủ thể kinh doanh sử dụng các phương tiện cạnh tranh để tồn tại, phát triển và hoạt động hiệu quả cũng như tạo dựng năng lực cạnh tranh để tham gia vào thị trường quốc tế. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước quyết định lợi thế kinh doanh cũng như khả năng tồn tại trên thị trường cùng với các chủ thể cạnh tranh khác. Hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trong thời đại mới – thời đại hội nhập quốc tế đòi hỏi mang đầy đủ tính thương mại và đảm bảo hiệu quả trên thị trường trong điều kiện cạnh tranh gay gắt giữa các chủ thể từ các quốc gia khác nhau.

Việc tuân theo nguyên tắc cạnh tranh trung lập trên thị trường, đồng thời coi đó là nền tảng của hoạt động doanh nghiệp, làm cho DNNN cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp khác sẽ là động lực của sự phát triển nền kinh tế nói chung. Theo đó, DNNN sẽ không dựa vào sự ưu đãi của nhà nước và phải cạnh tranh bình đẳng với mọi doanh nghiệp khác trên thị trường. Bởi vậy, đổi mới cạnh tranh là một yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp nhà nước trong thời đại ngày nay. Đổi mới cạnh tranh cũng sẽ phải được tiến hành cùng với đổi mới hình thức tổ chức kinh doanh, hợp lý hóa hình thức tổ chức vận hành doanh nghiệp, là vấn đề hệ trọng đối với DNNN.

Hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs) làm cho việc tuân thủ các quy định này cũng như thông lệ quốc tế đối với đầu tư vào các doanh nghiệp khu vực công phải ở mức độ cao. Bên cạnh đó, cạnh tranh trung lập cũng là vấn đề đang được nhiều quốc gia phát triển quan tâm, đặc biệt là các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization for Economic Corperation and Development - OECD) hướng tới sự phát triển bền vững của doanh nghiệp nhà nước. Đi theo hướng này, giảm bớt trợ cấp của nhà nước đối với doanh nghiệp là yêu cầu của việc thực hiện các cam kết quốc tế. Các doanh nghiệp nhà nước sẽ phải cạnh tranh bằng chính năng lực của mình là con đường tồn tại trong dài hạn của doanh nghiệp nhà nước.

2. Doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam

Như đã đề cập, DNNN là doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Đây là những tổ chức (pháp nhân) thực hiện các chức năng kinh doanh theo định hướng chính sách hoặc kinh doanh ở những lĩnh vực then chốt, dịch vụ công… dựa trên nguồn vốn nhà nước.Vốn, tài sản do nhà nước đầu tư sẽ trở thành tài sản độc lập của doanh nghiệp và thuộc quyền quyết định của DNNN. DNNN được trao quyền quản lý và sử dụng vì mục tiêu kinh doanh phù hợp với điều lệ hoặc quyết định thành lập doanh nghiệp. Điều này khác với các chủ thể kinh doanh khác là các tổ chức này được thành lập trên cơ sở pháp luật và theo sáng kiến của cá nhân, tổ chức.

DNNN là một thực thể hoạt động theo các mục tiêu kinh tế - xã hội do Nhà nước xác định và là công cụ để Nhà nước thực hiện các chiến lược kinh tế trọng tâm và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành, lĩnh vực then chốt. Nhà nước đầu tư nguồn lực và trao cho doanh nghiệp nhà nước quyền tự chủ kinh doanh để đảm bảo hiệu quả, quyền tự định đoạt các hoạt động kinh doanh lấy thu bù chi để tồn tại trong cơ chế thị trường và trong điều kiện cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp.

DNNN là thực thể kinh doanh có tư cách pháp nhân, thực hiện kinh doanh từ nguồn vốn nhà nước. Bằng tài sản được giao, DNNN hoàn toàn chịu trách nhiệm về tài sản trước các khách hàng đối với mọi hoạt động của mình. Nguồn vốn của Nhà nước đầu tư cho doanh nghiệp sẽ được tách bạch với tài sản của nhà nước làm cho nguồn vốn này trở thành tài sản độc lập của DNNN.

Mặc dù do nhà nước đầu tư vốn, nhưng DNNN là chủ thể độc lập thực hiện các quyết định kinh doanh và thực hiện chiến lược cạnh tranh trên thị trường. Về cơ bản, DNNN cũng sẽ có quyền đổi mới hình thức tổ chức kinh doanh nhằm thích ứng với thị trường, giảm chi phí bình quân để nâng cao năng lực cạnh tranh về hàng hóa hoặc dịch vụ. Hợp lý hóa hình thức tổ chức kinh doanh cũng như khai thác tính kinh tế theo quy mô (Economies of Scale) cũng sẽ là con đường hữu hiệu để giảm chi phí bình quân của DNNN.

Cách hiểu về DNNN tại Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với quan niệm của các nước trên thế giới về DNNN. Theo đó, DNNN là một tổ chức kinh doanh do nhà nước đầu tư vốn, thành lập và tổ chức quản lý, hoạt động kinh doanh hoặc công ích nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của Nhà nước.

Tuy nhiên, về mặt quy định văn bản, DNNN được xác định khác nhau trong quá trình phát triển của nhóm doanh nghiệp này. Khái niệm DNNN lần đầu tiên được đề cập trong Quy chế thành lập và giải thể doanh nghiệp nhà nước ban hành kèm theo Nghị định 388/HĐBT ngày 20/11/1991, theo đó“DNNN là một tổ chức kinh doanh do Nhà nước thành lập, đầu tư và quản lý với tư cách chủ sở hữu; Doanh nghiệp Nhà nước là một pháp nhân kinh tế; hoạt động theo pháp luật và bình đẳng trước pháp luật”(Điều 1).

Luật DNNN năm 1995 quy định doanh nghiệp nhà nước là tổ chức kinh tế do Nhà nước đầu tư vốn, thành lập và tổ chức quản lý, hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động công ích, nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội do Nhà nước giao.Doanh nghiệp nhà nước có tư cách pháp nhân, có các quyền và nghĩa vụ dân sự, tự chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động, kinh doanh trong phạm vi số vốn do doanh nghiệp quản lý (Điều 1).

Tương tư như Luật DNNN năm 1995, Luật DNNN 2003 quy định: “doanh nghiệp nhà nước là tổ chức kinh tế do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ hoặc có cổ phần, vốn góp chi phối, được tổ chức dưới hình thức công ty nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn” (Điều 1). Quy định này xác định DNNN không nhất thiết phải do nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ.

Theo Luật Doanh nghiệp năm 2005, “Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ” (Khoản 22, Điều 4). Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 2014 (hiện hành) xác định “Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ” (Khoản 8, Điều 4). Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã bổ sung một chương mới về DNNN (Chương IV), các nội dung bao gồm các quy định về cơ cấu tổ chức quản lý và hoạt động của DNNN, công bố thông tin định kỳ, công bố thông tin bất thường. Như vậy dựa trên các quy định của pháp luật và xét về tính chất sở hữu vốn, về cơ bản quy định về DNNN là giống nhau và chỉ khác nhau về mức độ sở hữu vốn trên 50% hay 100% vốn trong các văn bản pháp luật (Khoản 8, Điều 3, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014). Quy định này có khác so với quy định trong Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là doanh nghiệp có trên 50% vốn nhà nước được coi là DNNN.

Nếu áp dụng cạnh tranh chính sách cạnh tranh trung lập (Competitive Neutrality), DNNN sẽ phải cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhà nước giảm can thiệp vào hoạt động kinh doanh của các DNNN, giảm sự hỗ trợ thông qua các công cụ chính sách để DNNN được tiếp tục hưởng ưu đãi trong cạnh tranh với doanh nghiệp khác.

Do sự phát triển của cơ cấu thị trường Việt Nam khá chậm, nên tốc độ đa dạng hóa của hàng hóa và dịch vụ trên thị trường còn thấp. Sự tồn tại doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực độc quyền nhà nước còn khá phổ biến trên nhiều lĩnh vực. DNNN là những doanh nghiệp tập trung nhiều nguồn lực quan trọng, hoạt động ở những lĩnh vực then chốt và độc quyền, tuy nhiên tình trạng kinh doanh kém hiệu quả, không được đổi mới, năng lực cạnh tranh thấp làm giảm đáng kể hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Trước thực trạng đó, Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII đã ra Nghị quyết số 12-NQ/TW đặt ra mục tiêu quan trọng là phải tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN. Đi đôi với mục tiêu này, đổi mới cạnh tranh của DNNN là cơ sở để nhóm doanh nghiệp này tồn tại và khẳng định vị trí, vai trò của mình trên thị trường. DNNN là nhóm chủ thể kinh doanh tập trung nhiều nguồn lực lớn, một số doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt trên thị trường; đồng thời được kỳ vọng là bảo đảm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu quan trọng của nền kinh tế như ổn định vĩ mô, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước; xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế. DNNN đứng trước yêu cầu cải cách, đổi mới, sẽ phải giảm số lượng, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế hoặc những lĩnh vực mà doanh nghiệp khu vực tư nhân không tham gia. Yêu cầu đặt ra là DNNN sẽ phải thực hiện tự chủ kinh doanh, hoạt động hiệu quả và cạnh tranh bình đẳng và đặc biệt là cạnh tranh hiệu quả trong điều kiện áp dụng chính sách cạnh tranh trung lập theo xu hướng của thế giới (Tăng Văn Nghĩa, 2016).

Hiệu quả hoạt động của DNNN cho đến này vẫn đang là những vấn đề lớn đặt ra được xã hội quan tâm. Không ít DNNN hoạt động kém hiệu quả, làm ăn thua lỗ, thậm chí mất vốn, đặc biệt là 12 đại dự án ngàn tỷ (Mạnh Bôn, 2018). DNNN nắm giữ vị trí độc quyền trong nhiều lĩnh vực kinh tế then chốt và vẫn được Nhà nước dành nhiều sự ưu đãi đáng kể so với doanh nghiệp khu vực tư nhân. Điều này làm giảm đi áp lực đổi mới và cải tiến các hoạt động của DNNN. Tính minh bạch, tính hiệu quả trong việc sử dụng nguồn lực đầu tư kinh doanh và khả năng chịu trách nhiệm của DNNN vẫn còn là một vấn đề lớn đặt ra cần giải quyết. Nợ xấu của các DNNN chiếm tới 70% tổng nợ xấu toàn hệ thống và cũng qua đó gây ra những bất ổn kinh tế vĩ mô nhất định (Nguyễn Tú Anh, 2013). Những khoản thua lỗ cuối cùng sẽ được bù đắp bằng ngân sách.

Tuy nhiên, mặc dù nắm giữ những nguồn lực quan trọng của nền kinh tế, nhưng DNNN chưa tạo ra được năng lực cạnh tranh vượt trội của mình và cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp khác. Trên thực tế, các DNNN 100% vốn nhà nước đang nắm giữ nhiều vị trí quan trọng và điều này tạo ra vai trò thống lĩnh trong nhiều ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, DNNN còn giữ vị thế độc quyền trong nhiều lĩnh vực, trong đó bao gồm cả các vị trí độc quyền tự nhiên như điện, đường sắt, dầu khí, cấp thoát nước… và cả những vị trí độc quyền do Nhà nước quyết định bằng những văn bản có tính hành chính. Điều này dẫn đến sự thay đổi về cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước khá chậm chạp.

3. Thực trạng cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước

Cạnh tranh là phương thức hoạt động cơ bản để tồn tại của các doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường, theo đó, các doanh nghiệp khi tham gia thị trường sẽ thực hiện những hành vi gắn với kinh doanh nhằm giành lợi thế cạnh tranh hoặc tối đa hóa lợi nhuận cho mình. Ở các ngành có mức độ cạnh tranh cao giữa các chủ thể kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế như cung cấp hàng hóa, dịch vụ, thì hiệu quả kinh doanh của DNNN là rất thấp, cho thấy áp lực cạnh tranh đã bộc lộ những hạn chế về phương tiện cạnh tranh và năng lực cạnh tranh của DNNN (Phương Mai, 2018). Thực trạng cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước được thể hiện trên một số tiêu chí được coi là phương tiện cạnh tranh quan trong và chủ yếu của chủ thể kinh doanh (Tăng Văn Nghĩa, 2013) như sau:

3.1.Về giá hàng hóa/dịch vụ

Giá cả của hàng hóa/dịch vụ là phương tiện cạnh tranh hữu hiệu, có tác động lớn nhất tới tâm lý của khách hàng, cụ thể là tới tâm lý chấp nhận hàng hóa/dịch vụ của doanh nghiệp. Giá cả của hàng hóa/dịch vụ luôn là đối tượng mà doanh nghiệp và khách hàng hướng tới theo giác độ lợi ích của mình. Đối với các doanh nghiệp, giá cả của hàng hóa/dịch vụ trực tiếp tạo ra doanh thu và lợi nhuận thực tế của doanh nghiệp. Còn đối với khách hàng, giá hàng hóa/dịch vụ luôn được coi là chỉ số đầu tiên để họ đánh giá chi phí phải bỏ ra để sở hữu và tiêu dùng hàng hóa/dịch vụ có tính toán đến lợi ích. Vì vậy, những quyết định về mức giá (đặt giá) luôn giữ vai trò quan trọng và phức tạp nhất mà một doanh nghiệp sử dụng như là một phương tiện cạnh tranh của mình (Tăng Văn Nghĩa, 2013).

Do chi phí bình quân còn ở mức khá cao nên giá của các hàng hóa và dịch vụ do DNNN cung cấp chưa có lợi thế cạnh tranh có với so với các hàng hóa/dịch vụ cùng loại của các doanh nghiệp dân doanh hay hàng hóa nhập khẩu. Trong lĩnh vực độc quyền nhà nước, mặc dù đã được Nhà nước kiểm soát về giá, DNNN vẫn luôn giữ khuynh hướng tăng giá hàng hóa/dịch vụ của mình. Ngoài những hàng hóa/dịch vụ thiết yếu, hầu hết các DNNN chưa có chiến lược cụ thể và đảm bảo sự minh bạch khi quyết định giá cả của hàng hóa/dịch vụ của mình. Các hàng hóa/dịch vụ của DNNN ở các lĩnh vực đặc biệt thiết yếu của đời sống và nền kinh tế quốc dân như: điện nước, xăng dầu, vận tải đường biển, hàng không…đều có xu hướng tăng.

Bên cạnh đó, quản lý nhà nước và các mô hình quản trị được áp dụng đối với DNNN chưa thật sự tiệm cận với chuẩn mực của thế giới làm cho năng suất lao động thấp, chi phí cho quá trình sản xuất kinh doanh lớn dẫn đến giá thành của hàng hóa/dịch vụ cao. Giá cao làm cho khách hàng khó tiếp cận với sản phẩm của DNNN, giảm khả năng thâm nhập thị trường ở những lĩnh vực mới hay những lĩnh vực có cạnh tranh lớn.

Mặc dù có lợi thế nhân công rẻ tại Việt Nam, nhưng các DNNN lại sử dụng nhiều lao động, tay nghề cũng như trình độ thấp, nguồn nhân lực chưa được đào tạo bài bản và chuyên sâu; việc tuyển dụng còn thiếu minh bạch và không chọn được người có năng lực làm cho năng suất lao động hạn chế. Do vị trí độc quyền ở nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp nhà nước ít quan tâm đến đổi mới, cải tiến để giảm chi phí sản xuất (Nguyễn Tú Anh, 2013). Các nguồn lực phục vụ sản xuất, kinh doanh về cơ bản không được khai thác, sử dụng hiệu quả. Một bất lợi chung khác ảnh hưởng tới DNNN chính là nhiên liệu và các hàng hóa thuộc nguyên vật liệu cũng luôn có xu hướng tăng như giá xăng, điện, các nhiên liệu bị đánh thuế môi trường bổ sung…Chẳng hạn, trong năm 2016, giá xăng giảm giá 9 lần nhưng tăng 13 lần, kết quả là giá xăng trong nước đã tăng tổng cộng 6.500 đồng/ lít, giảm tổng cộng khoảng 5.000đồng/lít (Hoàng Dương, 2017). Ngoài ra, DNNN cũng rất hạn chế trong việc khai thác tính kinh tế theo quy mô (Economies of Scale). Điều dẫn đến việc giảm chi phí và qua đó giảm giá thành hàng hóa/dịch vụ là rất khó khăn, dẫn đến năng lực cạnh tranh của hàng hóa do DNNN cung cấp thấp so với hàng hóa trong khu vực ngoài quốc doanh hay hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc hay từ các quốc gia lân cận khác.

3.2. Về chất lượng hàng hóa/dịch vụ

Chất lượng hàng hóa/dịch vụ là phương tiện cạnh tranh rất quan trọng của doanh nghiệp khi giá cả của chúng có thể so sánh được với nhau. Mặt khác, chất lượng của hàng hóa/dịch vụ cũng có mối quan hệ gắn bó, tỉ lệ thuận với giá trị thương hiệu của doanh nghiệp. Với một lượng tiền (giá) tương ứng hay theo tỉ lệ được bỏ ra, người tiêu dùng/khách hàng luôn chọn những sản phẩm có chất lượng cao hơn. Thậm chí trong nhiều trường hợp, khách hàng sẵn sàng chấp nhận mức giá cao để có được sản phẩm với chất lượng tốt hơn. Bởi vậy, các doanh nghiệp thường phải quan tâm đến chất lượng của hàng hóa/dịch vụ do mình tạo ra để có thể thâm nhập được thị trường.

Nhìn chung, khi có cạnh tranh với các nhóm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, DNNN cũng đã sản xuất ra được nhiều hàng hóa chất/dịch vụ có lượng cao, cung cấp được những dịch vụ tốt; nhiều lĩnh vực dịch vụ đạt chuẩn quốc tế (viễn thông di động, tài chính – ngân hàng…). Với sức ép cạnh tranh từ nước ngoài và do tính chất lan tỏa của công nghệ trong nền kinh tế thế giới “phẳng”, nhiều DNNN cũng đã tiệm cận được với công nghệ chuẩn của thế giới để đưa vào hàng hóa/dịch vụ. Mặt khác, để tồn tại trên thị trường cạnh tranh khốc liệt (trong trường hợp không phải là độc quyền) DNNN buộc phải cải tiến, nâng cao chất lượng để tồn tại.

Tuy nhiên, xét trên tổng thể thì chất lượng của hàng hóa/dịch vụcủa DNNN vẫn chưa đạt được kỳ vọng của khách hàng hay người tiêu dùng. Một mặt, chất lượng của hàng hóa/dịch vụ vẫn kém hơn so với hàng hóa/dịch vụ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và một số doanh nghiệp dân doanh. Mặt khác, hàng hóa/dịch vụ của các DNNN thường không đa dạng, thiết kế không hiện đại, công năng và tính khác biệt thấp. Công nghiệp vật liệu còn hạn chế. Nhìn chung, chất lượng và tính năng kém so với các hàng hóa từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (đặc biệt là từ các quốc gia có nền công nghiệp phát triển). Nếu để đạt được chất lượng tương đương với các doanh nghiệp từ các quốc gia này, DNNN sẽ bỏ ra chi phí lớn hơn. Đây chính là mốt chốt của vấn đề mục tiêu nâng cao chất lượng hàng hóa/dịch vụ (Thế Vinh, 2018).

Không chỉ chất lượng hàng hóa/dịch vụ thấp hơn so với các sản phẩm cùng loại của các doanh nghiệp khu vực tư nhân hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhiều DNNN chưa chú ý đến tính năng, mẫu mã sản phẩm, các phương tiện liên quan đến bảo quản hàng hóa, cũng như các dịch vụ kèm theo. Doanh nghiệp thường phải không ngừng nghiên cứu, đổi mới để tạo ra những sản có chất lượng tốt, mẫu mã hiện đại đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Thực tế cho thấy những nỗ lực của doanh nghiệp nhà nước trong việc nâng cao chất lượng, đổi mới sản phẩm, tạo ra sự khác biệt chưa cao hoặc nếu có đạt được mục tiêu chất lượng cao thì chi phí lại rất lớn.

3.3. Về dịch vụ kèm theo

Trong thời đại sản xuất hàng hóa/dịch vụ hàng loạt gắn với Công nghiệp 4.0 kết hợp với cạnh tranh cao hiện nay, vai trò của các dịch vụ kèm theo hàng hoá và với cả dịch vụ chính ngày càng trở nên quan trọng và cấu thành một bộ phận quan trọng trong năng lực cạnh tranh của hàng hóa. Nhiều sản phẩm/dịch vụ sản xuất ra bắt buộc phải có các dịch vụ đi kèm thì có mới có khả năng vận hành hữu dụng. Chẳng những quá trình tư vấn, lắp đặt, chạy thử, hướng dẫn, đào tạo, bảo hành… là những dịch vụ không thể thiếu được đối với nhiều loại hàng hóa/dịch vụ.

Dịch vụ được đề cập ở đây bao gồm các dịch vụ đi kèm trong và sau bán hàng như vận chuyển, lắp đặt, hướng dẫn vận hành, bảo dưỡng, bảo hành, tư vấn, v.v... Nhìn chung, các dịch vụ đi kèm với hàng hóa/dịch vụ (chính) chưa được các doanh nghiệp nhà nước thực sự quan tâm vì nó ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp. Do kinh doanh nhiều hàng hóa và dịch vụ độc quyền nhà nước, nhiều DNNN đã không quan tâm đến dịch vụ đi kèm. DNNN độc quyền có khả năng chi phối khách hàng, nên tâm lý chung xuất hiện là khách hàng cần tìm đến doanh nghiệp mà doanh nghiệp không cần tìm khách hàng. Tâm lý của khách hàng trong những lĩnh vực này thường chấp nhận những gì mà DNNN có mà không, hoặc e ngại đưa ra yêu cầu của mình. Trong khi đó, thông thường các dịch vụ đi kèm này được các doanh nghiệp khu vực tư nhân thực hiện và có nhiều ưu thế hơn, đặc biệt là các dịch vụ tư vấn, hậu mãi, bảo trì, bảo hành… Cùng với dịch vụ đi kèm, quản trị quan hệ khách hàng tại các DNNN thường ít được quan tâm. DNNN cũng không quan tâm nhiều đến quản trị quan hệ khách hàng như: phân loại để đối xử hợp lý, tìm hiểu tâm lí, thị hiếu khách hàng, tư vấn, hỗ trợ giải pháp; tìm cách làm hài lòng khách hàng, duy trì tốt quan hệ với khách hàng hiện tại và tìm kiếm những khách hàng tiềm năng.

Trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ khi Việt Nam gia nhiều hiệp định FTAs thế hệ mới vì việc cung cấp dịch vụ kèm theo sẽ là những thách thức lớn đặt ra cho các DNNN. Tăng cường dịch vụ kèm theo cũng chính là nâng cao chất lượng hàng hoá của doanh nghiệp, tăng niềm tin của khách hàng vào doanh nghiệp do có sự đảm bảo về chất lượng và sự an toàn của hàng hóa/dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp. Bởi vậy, tăng cường dịch vụ kèm theo khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ của DNNN là rất cần thiết, nó giúp cho việc nâng cao uy tín chuyên môn và giá trị thương hiệu của doanh nghiệp.

3.4. Về truyền thông, quảng cáo

Truyền thông và quảng cáo là kênh quan quan trọng nhất để đưa hàng hóa/dịch vụ đến khách hàng/người tiêu dùng. Đồng thời, đây cũng là công cụ Marketing hữu hiệu mở rộng thị trường và góp phần chuyển tải thông tin cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ của các doanh nghiệp trên thị trường. Thông qua truyền thông và quảng cáo, doanh nghiệp có thể chuyển tải mọi thông điệp về hàng hóa/dịch vụ cũng như thông tin về chính doanh nghiệp đến khách hàng; khách hàng có thể nhận biết được bản chất, tính năng và chất lượng, dịch vụ kèm theo của khách hàng mà họ tiếp cận. Không có truyền thông, quảng cáo, khách hàng sẽ không thể biết được hàng hóa/dịch vụ của doanh nghiệp trong điều kiện cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Thậm chí trong nhiều trường hợp, quảng cáo còn có vai trò dẫn dắt, định hướng tiêu dùng cho khách hàng ở những loại hàng hóa/dịch vụ mới, hiện đại hay chưa phổ biến. Mặc dù vậy, các DNNN hiện nay chưa quan tâm và sử dụng hiệu quả truyền thông, quảng cáo cho hàng hóa/dịch vụ của mình. Hàng năm, các DNNN bỏ ra rất ít doanh thu để đầu tư cho truyền thông, quảng cáo. Đa số các DNNN chi phí cho quảng cáo thấp. Nhiều DNNN dùng chi phí cho quảng cáo lớn nhưng lại kém hiệu quả. Mặt khác, đầu tư cho quảng cáo luôn được các doanh nghiệp sử dụng như một công cụ hữu hiệu nên chi phí cho quảng cáo luôn có xu hướng tăng. Chẳng hạn, năm 2012, tại Vinamilk mỗi đồng chi phí cho quảng cáo sẽ mang về hơn 45 đồng doanh thu; còn tại Sabeco là hơn 50 đồng. Tuy nhiên, đến năm 2015, hiệu quả từ quảng cáo đã giảm hơn một nửa. Cụ thể, mỗi đồng quảng cáo trong năm 2015 chỉ còn mang về cho Vinamilk 22,6 đồng doanh thu, còn với Sabeco là 21,4 đồng. Nếu như năm 2012, số tiền mà Vinamilk, Sabeco chi cho quảng cáo là 587 tỷ đồng thì đến năm 2015, các doanh nghiệp này đã chi gấp 3 lần lên 1.777 tỷ đồng và 1.269 tỷ đồng. Masan cũng chi tới 1.454 tỷ đồng (Hoàng Anh, 2016).

Mặc dù có xu hướng tăng nhưng các doanh nghiệp Việt Nam nói chung hàng năm chỉ chi khoảng 2% - 4% doanh thu cho quảng cáo trong khi đó mức tiêu chuẩn mà Nhà nước đề ra là 15% doanh thu (Mức trần chi cho Quảng cáo hiện nay không bị không chế theo Nghị định 81/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại, có hiệu lực từ ngày 15/07/2018). Trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt hiện nay, quảng cáo đóng vai trò hết sức quan trong trong việc thâm nhập thị trường và chiếm được sự chấp nhận của khách hàng. Trong khi các DNNN việc đầu tư cho truyền thông, quảng cáo còn rất khiêm tốn thì các doanh nghiệp khu vực dân doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường giành chi phí này bao gồm cả khuyến mại ở mức cao. Điển hình có thể kể tới như Vinamilk (sữa), Sabeco (bia), hay Masan Consumer (mì ăn, nước chấm, đồ uống). Các doanh nghiệp này đều đạt doanh thu rất lớn ngay cả trong những năm 2011, 2012 khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Theo đánh giá chung, để đạt được doanh thu lớn như các doanh nghiệp này thì việc truyền thông quảng cáo cũng được doanh nghiệp rất chú trọng. Khi các doanh nghiệp khu vực ngoài quốc doanh hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đẩy mạnh quảng cáo thì lại là áp lực buộc các doanh nghiệp nhà nước phải chú trọng phương tiện này hơn. Bên cạnh đó, việc thiết kế các sản phẩm quảng cáo cũng đòi hỏi chi phí cho sản phẩm trí tuệ và công nghệ hiện đại cao hơn trước. Điều này cũng là một trong những bất lợi cho các doanh nghiệp nói chung và DNNN nói riêng trong việc triển khai công tác quảng cáo.

Hiện nay, hầu hết các DNNN chưa xây dựng được những chiến lược marketing phù hợp, chưa tiếp thị hiệu quả sản phẩm đến với khách hàng do ỷ vào vị thế thống lĩnh hoặc độc quyền của mình. Đặc biệt ở khía cạnh phát triển thương hiệu, các DNNN cũng chưa quan tâm đến việc tạo dựng hình ảnh của chính mình và chưa tạo được nhãn hiệu có tính thương mại cao cho các sản phẩm, dịch vụ của mình và chuyển tải những hình ảnh đó bằng những phương tiện phù hợp. Các doanh nghiệp dân doanh hiện đang khai thác tối đa những ứng dụng truyền thông, quảng bá ở mạng xã hội, google, các ứng dụng trên smartphone… Những doanh nghiệp này luôn đặt sự quan tâm vào phát triển thương hiệu của mình.

Nhìn chung, công tác truyền thông quảng cáo, tiếp thị sản phẩm của các DNNN còn rất yếu. Ít DNNN quan tâm đến công cụ cạnh tranh này, trong khi đây lại là cách thức hữu hiệu nhất để nâng cao uy tín cũng như sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Thêm vào đó, truyền thông, quảng cáo còn kích thích người tiêu dùng mua sản phẩm của doanh nghiệp nhiều hơn, thu hút được các khách hàng tiềm năng từ đó làm tăng khả năng tiêu thụ của doanh nghiệp, doanh nghiệp ngày càng được khách hàng ưa chuộng hơn. Vì vậy, để nâng cao khả năng cạnh tranh, một vấn đề quan trọng ảnh hưởng tới sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp là phải tổ chức tốt công cụ truyền thông, quảng cáo.

Về yếu thời gian mở cửa, đóng của thực hiện giao dịch: thời gian thực hiện giao dịch cũng là phương tiện cạnh tranh đóng vai trò nhất định đối với cạnh tranh của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thời gian mở đóng của dài sẽ có năng lực cạnh tranh tốt hơn so với doanh nghiệp có yếu tố này ngắn. Trong mối quan hệ này thì DNNN nhà có thời gian giao dịch ngắn hơn so với doanh nghiệp khi vự dân doanh. Chẳng hạn, tại các ngân quốc quốc doanh thì giao dịch sẽ không được thực hiện vào ngày thứ bảy và chủ nhật, trong khi các ngân hàng thương mại khác vẫn thực hiện các giao dịch vào buổi sáng thứ bảy.

4. Một số đề xuất thay cho lời kết

Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như tham gia Hiệp định CPTPP (Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) hay EVFTA (Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Châu và Việt Nam) và nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới khác (FTAs), hoạt động của DNNN cũng phải tuân theo những cam kết (từ giác độ vĩ mô) của Việt Nam trong các hiệp định thương mại này và đặc biệt là hoạt động phải dựa trên tính toán thương mại cũng như đổi mới cạnh tranh một cách thực sự để cùng cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp khác trên thị trường (Năng lượng mới 484, 2015).

a) Giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành hàng hóa/dịch vụ

Như đã đề cập, giá của hàng hóa/dịch vụ là phương tiện cạnh tranh hữu hiệu nhất của doanh nghiệp, theo đó những hàng hóa/dịch vụ có thể so sánh được với nhau, có chất lượng như nhau thì hàng hóa/dịch vụ nào có giá cả thấp hơn sẽ có năng lực cạnh tranh tốt hơn.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua giảm chi phí sẽ là điều kiện để doanh nghiệp nhà nước có thể thực hiện được chiến lược cạnh tranh về giá. DNNN nhà nước cần hạn chế, thậm chí từ bỏ những ưu đãi sử dụng nguồn lực (tài chính, tư nhiên) để đổi mới thật sự để giảm chi phí sản xuất. Do được kinh doanh trong lĩnh vực độc quyền nhà nước, DNNN không chịu áp lực và không có động lực để hạ giá thành sản phẩm. Nếu những lĩnh vực này Nhà nước xóa bỏ độc quyền thì sẽ là thách thức vô cùng lớn cho doanh nghiệp nhà nước. Bởi vậy, việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh thông qua việc sử dụng các nguồn lực hiệu quả, giảm chi phí sản xuất để giảm giá thành là yếu tố sống còn của DNNN. DNNN buộc phải giảm thiểu, cắt bỏ những chi phí không hợp lý, không cần thiết, tránh lãng phí cho hàng hóa/dịch vụ.

b) Nâng cao chất lượng hàng hóa/dịch vụ

Chất lượng hàng hóa/dịch vụ là phương tiện quan trọng không thể không chú ý trong điều kiện cạnh tranh gay gắt. Hầu như đối với mọi loại hàng hóa/dịch vụ, chất lượng luôn là mối quan tâm của khách hàng. Chất lượng khẳng định tính chuyên sâu về lĩnh vực sản phẩm, giá trị thương hiệu đồng thời thể sự tôn trọng khách hàng, người tiêu dùng của doanh nghiệp.

DNNN cần có chiến lược về chất lượng hàng hóa/dịch vụ phù hợp vì không phải nhất thiết ở giai đoạn nào cũng phải phấn đấu để đạt chất lượng cao nhất. Chất lượng nên được chú ý và đầu tư thích đáng và có một tương quan hợp lý với chi phí và giả cả có thể thu được. Việc quá chú trọng vào chất lượng mà không chú ý đến điều kiện đảm bảo, thế mạnh vốn có dẫn đến chi phí lớn thì không phải là con đường phù hợp.

DNNN cần phải khai thác hiệu quả các lợi thế so sánh đặc trưng trong việc lựa chọn hàng hóa/dịch kinh doanh, chú trọng đến khâu nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, hiện đại hóa sản phẩm, chọn lựa hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm hiện đại để áp dụng. Muốn tận dụng được cơ hội mở rộng thị trường, DNNN cần áp dụng mọi biện pháp để cải tiến phương tiện cạnh tranh – chất lượng, theo đó, áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc tế hiện đại như ISO 9000, ISO 9001, ISO 1400 v.v...; đồng thời hài hóa các tiêu chuẩn, định mức như các hàng hóa/dịch vụ tương ứng từ các nước phát triển.

Việc nâng cao chất lượng làm phương tiện cạnh tranh sẽ mang lại DNNN uy tín và niềm tin lâu dài của khách hàng đối với hàng hóa/dịch vụ của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển một cách bền vững và củng cố vị trí trên thị trường.

c)  Tăng cường sử dụng quảng cáo

Quảng cáo là phương tiện cạnh tranh quan trọng để chuyển tải thông tin hàng hóa/dịch vụ đến khách hàng, biến khách hàng tiềm năng thành khách hàng thực tế của doanh nghiệp. Không có quảng cáo với hiệu ứng cao và bằng nhiều phương thức khác nhau, sản phẩm/dịch vụ hầu như không thể đến tay khách hàng. Ngay cả khi hàng hóa/dịch vụ có chất lượng tốt và giả các hợp lý thì quảng cáo vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao khả năng thâm nhập thị trường của chúng.

DNNN cũng cần xác định các giai đoạn thị trường của sản phẩm/dịch vụ để đưa ra những chiến lược quảng cáo phù hợp và hiệu quả nhất, đặc biệt là những sản phẩm/dịch vụ mới. Khi khách hàng chưa có thông tin gì về hàng hóa/dịch vụ DNNN quảng cáo đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong việc khai thác thị trường tiềm năng, định hướng tiêu dùng cho khách hàng. Trong nền kinh tế thị trường hiện đại, doanh nghiệp độc quyền vẫn phải (chỉ có thể) đặt giá cao một cách hợp lý, cải tiến chất lượng và tăng cường quảng cáo nhằm cạnh tranh với cả những đối thủ cạnh tranh tiềm năng (Potential Competitors) để bảo toàn vị trí thống lĩnh hoặc độc quyền của mình. Quảng cáo cần kết hợp với các phương tiện truyền thông khác của doanh nghiệp để tăng cường tính hiệu quả của quảng cáo.

d) Tăng cường và nâng cao chất lượng các dịch vụ kèm theo

Tăng cường và nâng cao chất lượng các dịch vụ kèm theo hàng hóa/dịch vụ là phương pháp quan trọng để giành được sự chấp nhận của khách hàng. Dịch vụ kèm theo làm cho hàng hóa/dịch vụ có tính chuyên nghiệp hơn khi nó được ra thị trường. Khách hàng sẽ tin tưởng vào khả năng chuyên môn của doanh nghiệp cũng như sự bảo đảm về chất lượng và sự an toàn của hàng hóa/dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp. tranh bằng dịch vụ kèm theo mang ý nghĩa là môt đối tượng bổ sung làm tăng giá trị của sản phẩm của doanh nghiệp qua đó năng lực cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ này. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với những hàng hóa/dịch vụ có quy trình thực hiện phức tạp, tích hợp công nghệ cao. Nhiều hàng hóa, dịch vụ phải tuân theo quy trình phức tạp, tuân thủ nghiệp các quy tắc về an toàn mà chỉ có nhà sản xuất/cung cấp mới có thể thực hiện được đều phải được thực hiện cùng với các dịch vụ kèm theo. Bởi vậy, doanh nghiệp nhà nước phải quan tâm để tăng cường và nâng cao chất lượng dịch vụ kèm theo.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Hoàng Anh (2016), Vinamilk, Sabeco, Masan đang “ném” bao tiền vào quảng cáo mỗi ngày? Tại địa chỉ: https://m.bizlive.vn/cau-chuyen-kinh-doanh/vinamilk-sabeco-masan-dang-nem-bao-tien-vao-quang-cao-moi-ngay-1715402.html, truy cập ngày 20/1/2019.
  2. Nguyễn Tú Anh (2013), “Kinh tế nhà nước hay DNNN chủ đạo”, Thời báo Kinh tế SG, số 26/2013.
  3. Mạnh Bôn (2018), Đánh giá về doanh nghiệp nhà nước phải khách quan, https://baodautu.vn/danh-gia-ve-doanh-nghiep-nha-nuoc-phai-khach-quan-d91335.html, (truy cập 29/1/2019).
  4. Hoàng Dương (2017), Xăng tăng giá 13 lần, giảm 9 lần trong năm 2016, Báo Tin tức/TTXVN, truy cập tại https://baotintuc.vn/thi-truong-tai-chinh/xang-tang-gia-13-lan-giam-9-lan-trong-nam-2016-20170101162424596.htm (19/2/2019).
  5. Lê Trung Kiên (2018), “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước thông qua hoạt động tái cấu trúc: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”, Tạp chí Công Thương, tại địa chỉ http://www.tapchicongthuong.vn/bai-viet/nang-cao-nang-luc-canh-tranh-cua-doanh-nghiep-nha-nuoc-thong-qua-hoat-dong-tai-cau-truc-kinh-nghiem-quoc-te-va-bai-hoc-cho-viet-nam-52093.htm, truy cập ngày 17/2/2019.
  6. Phương Mai (2018), Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế, nguyên nhân do đâu?, Tại địa chỉ https://baomoi.com/nang-luc-canh-tranh-cua-doanh-nghiep-nha-nuoc-con-han-che-nguyen-nhan-do-dau/c/28682630.epi
  7. Năng lượng Mới 484 (2015), Cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Nhà nước, tại địa chỉ https://petrovietnam.petrotimes.vn/co-hoi-va-thach-thuc-cua-doanh-nghiep-nha-nuoc-362496.html, truy cập ngày 26/2/2019.
  8. Tang Van Nghia, Competitive Neutrality: Challenges of Application for Vietnam, Working Paper, No. 19/2016 | December 2016, tại địa chỉ: http://seco.wti.org/media/filer_public/d1/df/d1df309c-1165-4a0a-b906-b113e72fe351/working_paper_no_19_2016_nghia_tang_van.pdf.
  9. Tăng Văn Nghĩa, Giáo trình Pháp Luật Cạnh tranh, Nxb Giáo Dục – Hà Nội 2013.
  10. Thế Vinh (2018), “Việt Nam không sản xuất được ốc vít?”, Thời báo Kinh doanh, tại địa chỉ: https://thoibaokinhdoanh.vn/thi-truong/viet-nam-khong-san-xuat-duoc-oc-vit-1049480.html.

 

[1] Cục 2, Thanh tra Chính phủ, Email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó.

NHỮNG YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH TRONG VIỆC LỰA CHỌN SỬ DỤNG MÔ HÌNH DỊCH VỤ KINH DOANH DU LỊCH TRỰC TUYẾN CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Trần Xuân Lộc[1]

Đỗ Trọng Thành[2]

 

 

 

 

Abstract

Web based booking has turned out to be increasingly well known strategy to offer travel items and is broadly acknowledged in created nations. Despite the fact that this idea has been presented in Vietnam for as far back as couple of years, there are half of air tickets is sold online right now. There are different inquires about led concentrating on the elements impacting individuals goal to receive internet booking. Be that as it may, there are very few looks into concentrate on the expectation to attempt web based booking. This aim to attempt is essential since individuals prefer to attempt in the first place, at that point they will assess their trial encounter, thus, embrace or reject web based booking innovation. In this way, this exploration stresses on discovering factors that impact individuals aim to attempt web based booking. Then again, there is a critical number of web clients have changed to cell phones and tablets as their real web association gadgets. Therefore, this exploration is likewise concentrate on discovering the contrasts between each kind of web association gadgets on web based booking trial choice. The overview has been created in view of concentrated survey of written works identified with internet booking; web based shopping, reception speculations, customer practices. The polls have been appropriated and the information has been prepared utilizing SPSS to decide the connection between factors that impact Vietnamese aim to attempt web based booking. Therefore, this examination is required to have critical commitment in both hypothesis and reasonableness. As far as hypothesis, this exploration effectively provided the model that exhibit the expectation to attempt internet booking which is seldom talked about in past inquires about. In term of reasonableness, this exploration gives a general bits of knowledge of Vietnamese online booker trademark for online travel organization working in Vietnam keeping in mind the end goal to enhance their business execution.

Keywords: Online booking, e-commerce, Vietnam travel industry

 

Tóm Tắt

Phân phối sản phẩm du lịch trực tuyến đang trở thành một trong những chiến lực quan trọng nhất của ngành du lịch tại các nước đang phát triển. Tuy mô hình này mới du nhập đến Việt Nam trong vài năm trở lại đây, tính đến thời điểm hiện tại đã có 50% số lượng vé máy bay được bán ra thông qua các kênh phân phối trực tuyến. Mặc dù mô hình này đang được nhiều doanh nghiệp sử dụng, các nghiên cứu về tâm lý khách hàng trong quá trình lựa chọn sử dụng dịch vụ du lịch trực tuyến lại không được thực hiện nhiều ở Việt Nam. Do đó, bài nghiên cứu này tập trung điều tra tâm lý khách hàng trong việc lựa chọn sử dụng mô hình này. Trong những năm trở lại đây, một lượng lớn người sử dụng internet đã dần chuyển qua kết nối bằng thiết bị di động thay cho máy vi tính truyền thống, đây cũng là một trong những vấn đề mới cần được nghiên cứu vì mức độ an toàn mạng trên những thiết bị này cũng đang là vấn đề gây tranh cãi. Ngoài ra, những yếu tố khác như giao diện người dùng, ảnh hưởng từ người thân, phương thức thanh toán… cũng là những vấn đề nổi trội cần được kiểm chứng. Kết quả nghiên cứu được xử lý bằng phần mềm SPSS nhằm đưa ra những kết luận chính xác, khách quan nhằm kiểm chứng những giả thuyết đưa ra. Từ đó đưa ra những kết luận nhằm phục vụ công tác nghiên cứu cũng như đưa ra khuyến nghị cho các doanh nghiệp.

Từ khóa: Đặt dịch vụ du lịch trực tuyến, thương mại điện tử, du lịch Việt Nam

  1. Giới thiệu

Hiện nay thương mại điện tử được ứng dụng cho rất nhiều ngành kinh doanh dịch vụ trên toàn thế giới. Mô hình kinh doanh du lịch trực tuyến đang là một trong những ứng dụng thương mại điện tử phát triển nhanh nhất vì người tiêu dùng thường sử dụng internet để tìm hiểu thông tin du lịch, qua đó đặt dịch vụ du lịch trên mạng với chi phí hợp lý hơn đại lý truyền thống. Theo thống kê từ Google (2010), có 51% khách du lịch nghiên cứu thông tin về điểm đến qua mạng, 17% số lượng khách này đặt dịch vụ với đại lý truyền thống, 34% còn lại đặt dịch vụ trực tiếp qua mạng internet. Một số nhà nghiên cứu nhận định 81% người tiêu dùng sử dụng internet để tra cứu giá vé máy bay và phòng khách sạn, do đó đây là một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy người dùng đặt dịch vụ du lịch trực tuyến. Ngoài ra, dịch vụ du lịch trực tuyến thường có giá rẻ hơn dịch vụ du lịch bán tại các đại lý truyền thống cũng là một nguyên nhân không nhỏ góp phần thúc đẩy người tiêu dùng lựa chọn sử dụng mô hình kinh doanh này.

Theo thống kê của Expedia (2014), trong năm 2013 doanh thu của doanh nghiệp du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới này là 278 tỷ USD trong đó thị trường Bắc Mỹ chiếm 43% và Châu Âu chiếm 45%. Thị trường dịch vụ du lịch trực tuyến dự kiến sẽ tăng 24% vào năm 2015 nhờ vào sự chấp thuận của thị trường Trung Quốc (thị trường đóng góp 30 tỷ USD). Vào năm 2014, khách du lịch Châu Á Thái Bình Dương chi 365 tỷ USD cho dịch vụ du lịch trực tuyến và số lượng khách hàng tăng từ 74 triệu khách lên 77 triệu khách (Mest, 2015).

 

Là một quốc gia đông dân cư và có tốc độ xã hội hóa internet hàng đầu trong khu vực, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển thương mại điện tử. Hiện nay, ở Việt Nam có khoảng 15 triệu người sử dụng thương mại điện tử cho các mục đích khác nhau (VECITA, 2013). Tuy nhiên, để mô hình kinh doanh du lịch trực tuyến trở thành ngành kinh doanh chiến lược còn cần nhiều yếu tố đến từ phía nhà cung cấp, chính phủ, và người sử dụng (VECITA, 2013). Theo thống kê của VECITA (2014), hiện nay 25% người sử dụng thương mại điện tử tại Việt Nam đã sử dụng dịch vụ du lịch trực tuyến, chủ yếu ở mảng đặt phòng khách sạn và đặt vé máy bay. Tuy nhiên, có rất nhiều vấn đề cần được quan tâm trong việc phát triển dịch vụ du lịch trực tuyến như dịch vụ thanh toán trực tuyến, giao diện người dùng, uy tín của người bán hàng, và một số yếu tố khác (VECITA, 2014).

 

Tính đến thời điểm hiện tại, có 77 triệu khách du lịch đã sử dụng dịch vụ du lịch trực tuyến thay cho mô hình kinh doanh truyền thống. Sự phát triển của mô hình kinh doanh này không chỉ dừng lại ở Bắc Mỹ, Châu Âu mà còn phát triển rất nhanh chóng tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Đông Nam Á. Theo thống kê của cộng đồng kinh tế ASEAN, dịch vụ du lịch trực tuyến tại Việt Nam đang phát triển rất nhanh, có 25% khách du lịch đặt phòng khách sạn và vé máy bay của mảng bán lẻ được phân phối qua các kênh bán hàng trực tuyến. Tuy nhiên, vẫn còn 75% khách du lịch tại Việt Nam vẫn còn sử dụng mô hình kinh doanh du lịch truyền thống. Do đó, nghiên cứu này được thực hiện nhằm tìm ra các yếu tố tác động trực tiếp cũng như gián tiếp đến người tiêu dùng tại Việt Nam trong việc lựa chọn sử dụng thương mại điện tử thay cho thương mại truyền thống. Hiện nay, tại Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu về lĩnh vực này mặc dù đây là một thị trường thương mại đầy tiềm năng. Nghiên cứu này sẽ tạo tiền đề cho các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, chính phủ trong việc thúc đẩy việc mở rộng kinh doanh nhằm phát triển kinh tế đất nước.

 

Mục đích chính của bài nghiên cứu này nhằm tìm ra những yếu tố thúc đẩy người tiêu dùng tại Việt Nam chấp thuận sử dụng mô hình kinh doanh du lịch trực tuyến. Thông qua đó, những doanh nghiệp du lịch trực tuyến như Chudu24, Vietjetair, Jetstar Pacific… có thể hiểu được khách hàng muốn gì, cần gì, bị ảnh hưởng bởi yếu tố gì; từ đó có chiến lược phù hợp đối với từng loại khách hàng. Bốn mục đích cụ thể của bài nghiên cứu này được đưa ra như sau:

  • Tìm ra những yếu tố khiến người tiêu dùng Việt Nam lưỡng lự khi sử mô hình kinh doanh du lịch trực tuyến.
  • Khảo sát những yếu tố thúc đẩy người tiêu dùng Việt Nam sử dụng mô hình kinh doanh du lịch trực tuyến.
  • Tìm hiểu mối tương quan giữa tính cách, tâm lý người tiêu dùng và ý định sử dụng mô hình kinh doanh du lịch trực tuyến.
  • Đưa ra chiến lược hợp lý cho các doanh nghiệp du lịch trực tuyến về mặt xây dựng thương hiệu cũng như thu hút thêm các khách hàng tiềm năng.
  1. Cơ sở lý thuyết

2.1. Thuyết khuếch tán cải tiến (Rogers, 1983)

Theo Rogers (1983), người sử dụng công nghệ có quyền lựa chọn chấp thuận hoặc không sử dụng cải tiến công nghệ mới. Quá trình này được giới thiệu gồm 5 bước chính bởi Rogers (1983) như sau: Kiến thức à Quá trình thuyết phục à Quyết định à Bổ sung à Xác nhận. Năm quá trình của mô hình khuếch tán cải tiến được Sahin (2003) giải thích như sau:

Kiến thức: Một cá nhân có thể biết đến sự tồn tại của cải tiến thông qua quá trình tìm hiểu thông tin về nó.

Thuyết phục: Đây là quá trình diễn biến tâm lý của người sử dụng đối với cải tiến. Một cá nhân sẽ có cái nhìn tích cực và tiêu cực về cải tiến (Sahin, 2003). Rogers (1983) chỉ ra rằng người sử dụng có thể suy nghĩ đến bản thân của mình ở thời điểm hiện tại và tương lai gần sau khi sử dụng cải tiến để đưa ra quyết định sử dụng hoặc không sử dụng cải tiến này.

Quyết định: Đây là quá trình người sử dụng cải tiến quyết định sử dụng hoặc không sử dụng cải tiến. Có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng giai đoạn dùng thử cải tiến góp phần rất quan trọng trong việc đẩy nhanh quá trình chấp nhận sử dụng cải tiến đó. Trong trường hợp từ chối sử dụng cải tiến, người sử dụng có thể từ chối chủ động hoặc từ chối bị động. Từ chối chủ động bao gồm người sử dụng đã dùng thử cải tiến và sau đó đưa ra quyết định không tiếp tục sử dụng cải tiến đó. Từ chối bị động bao gồm những đối tượng chưa bao giờ suy nghĩ đến việc sử dụng cải tiến (Sahin, 2003).

Bổ sung: Ở giai đoạn này, cải tiến đã có một số người sử dụng nhất định và họ cần sự trợ giúp của những người khác do sự thiếu rõ ràng mang đến trong quá trình tuyền tải thông tin từ người này sang người khác (Sahin, 2003). Do đó, Rogers (1983) khuyến nghị cải tiến đang được khuếch tán nên có sự điều chỉnh dựa trên phản hồi của những người sử dụng đã chấp thuận sử dụng cải tiến này. Cải tiến có thể được bổ sung, điều chỉnh cũng như thay đổi dựa trên phản hồi của người sử dụng (Sahin, 2003).

Xác nhận: Đây là quá trình người sử dụng tìm kiếm thông tin để hỗ trợ cho việc tiếp tục sử dụng hoặc từ chối sử dụng cải tiến công nghệ. Người sử dụng sẽ từ chối tiếp tục sử dụng cải tiến trong trường hợp họ tìm được phương thức thay thế tốt hơn hoặc cải tiến chưa đáp ứng được nhu cầu của họ.

Tóm tắt lại, mô hình kinh doanh du lịch trực tuyến là một trong những cải tiến của ngành kinh doanh dịch vụ du lịch ở Việt Nam trong thời điểm hiện tại. Hiện nay một số doanh nghiệp lớn đã bắt đầu hướng người sử dụng qua mô hình dịch vụ này vì sự tiện lợi cũng như tính kinh tế mà nó mang lại. Hiện nay ở Việt Nam, hầu hết người sử dụng internet, mạng xã hội đều biết đến mô hình này, do đó, bước đầu của mô hình khuếch tán cải tiến gần như được thông qua. Theo thống kê của VECITA, chỉ có 25% người sử dụng dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam đang sử dụng dịch vụ du lịch trực tuyến. Điều này cũng chỉ ra những yếu tố có thể ảnh hưởng đến người tiêu dùng trong quá trình thuyết phục sử dụng cải tiến công nghệ kinh doanh dịch vụ du lịch. Từ đó, trọng điểm của nghiên cứu này được tập trung tại giai đoạn thuyết phục của thuyết khuếch tán cải tiến  bao gồm các yếu tố như sau: lợi thế tương đối, tính tương thích, mức độ phức tạp, dùng thử, và tính quan sát được. Các yếu tố này sẽ được nghiên cứu để cấu thành các biến và ảnh hưởng của các biến này đến yếu tố quyết định của người sử dụng.

2.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn dịch vụ du lịch trực tuyến của người tiêu dùng

            Từ những nghiên cứu lý thuyết nền dựa trên thuyết khuếch tán cải tiến (Rogers, 1983) và những nghiên cứu thị trường được thực hiện bởi VECITA (2015), những yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn sử dụng dịch vụ du lịch trực tuyến tại Việt Nam được tóm tắt như sau:

Uy tín nhà phân phối: Uy tín nhà phân phối là một trong những vấn đề then chốt ảnh hưởng đến ý định sử dụng của người tiêu dùng đối với các ứng dụng thương mại điện tử. Nhiều kết quả nghiên cứu của đã chứng minh được uy tín nhà phân phối ảnh hưởng trực tiếp đến ý định sử dụng dịch vụ đặt phòng khách sạn trực tuyến của người tiêu dùng. Không những thế, VECITA (2014) chỉ ra 41% người dùng thương mại điện tử tại Việt Nam từ chối sử dụng dịch vụ với lý do thiếu tin tưởng nhà phân phối.

Phương thức thanh toán: Hiện nay phương thức thanh toán cho dịch vụ du lịch trực tuyến tại Việt Nam đang ở bước sơ khai. Ở các nước trên thế giới, khách hàng thanh toán qua mạng internet và nhận xác nhận dịch vụ qua hộp thư điện tử. Tuy nhiên, ở Việt Nam khách hàng vẫn ưa chuộng hình thức thanh toán bằng tiền mặt khi nhận xác nhận dịch vụ tại nhà hoặc cơ quan (VECITA, 2014).

Quảng bá khuyến mãi: Một trong những chiến lược quan trọng của quảng bá thương mại cho mô hình kinh doanh trực tuyến là giảm giá khuyến khích khách hàng dùng thử dịch vụ. Hiện nay có rất nhiều phương thức quảng bá khuyến mãi của các doanh nghiệp du lịch trực tuyến đang được sử dụng như giảm giá, quảng cáo, coupon, bán hàng theo nhóm, các trang thông tin mua bán trên mạng xã hội…

Giao diện người sử dụng: Giao diện người sử dụng là trang web của nhà phân phối dịch vụ du lịch trực tuyến. Mỗi trang web của nhà phân phối khác nhau sẽ có độ khó sử dụng khác nhau yêu cầu người sử dụng một số kỹ năng tin học nhất định để thực hiện việc đặt dịch vụ du lịch trực tuyến. Ngày nay, với sự phát triển của các thiết bị di động, một số doanh nghiệp trong nước cũng như quốc tế đã có phần mềm đặt dịch vụ du lịch trực tuyến riêng của họ dành cho những thiết bị này. Các phần mềm này thường dễ sử dụng hơn các trang web, tuy nhiên, những phần mềm dành cho thiết bị di động cũng bị hạn chế một số tính năng nhất định.

Truyền miệng điện tử: Truyền miệng điện tử (E-WOM) được định nghĩa là những đánh giá về dịch vụ của những khách du lịch đi trước về khách sạn, nhà hàng, điểm tham quan… trên mạng internet. Nghiên cứu của Timothy et al (2014) chỉ ra rất nhiều khách du lịch thường lên mạng nghiên cứu đánh giá của những khách du lịch đi trước về dịch vụ họ muốn mua trước khi quyết định đặt dịch vụ tại cơ sở kinh doanh đó.

Ảnh hưởng từ người khác: Là một quốc gia Châu Á, người tiêu dùng Việt Nam chịu ảnh hưởng từ người thân và bạn bè, thậm chí những người bạn trên mạng xã hội mà họ tham gia.

Phương tiện kết nối: Trong những năm gần đây, các thiết bị di động như điện thoại thông minh và máy tính bảng đang dần thay thế máy vi tính để trở thành phương tiện kết nối internet phổ biến nhất vì tính tiện lợi và dễ sử dụng. Tại Việt Nam, số lượng người dùng những thiết bị này thực hiện giao dịch trong năm 2014 tăng gấp đôi 2013. Không những thế, nghiên cứu từ công ty Google Inc (2014) cho thấy số lượng người tiêu dùng sử dụng thiết bị di động để tìm hiểu thông tin về chuyến du lịch sắp tới cũng như đặt dịch vụ du lịch ngày càng tăng nhanh.

Đối tượng sử dụng: Đối tượng sử dụng được phân loại dựa trên tuổi, giới tính, trình độ học vấn, nghề nghiệp, thu nhập cá nhân và một số thông tin khác.

 

Dựa vào những yếu tố nêu trên, mô hình nghiên cứu được xây dựng như sau:

            Từ mô hình nghiên cứu trên, những giả thuyết cần được kiểm chứng được đề ra như sau:

Giải thuyết H1: Uy tín nhà phân phối ảnh hưởng đến ý định sử dụng dịch vụ du lịch trực tuyến.

Giải thuyết H2: Phương thức thanh toán ảnh hưởng đến ý định sử dụng dịch vụ du lịch trực tuyến.

Giải thuyết H3: Quảng bá khuyến mãi ảnh hưởng đến ý định sử dụng dịch vụ du lịch trực tuyến.

Giải thuyết H4: Giao diện người dùng ảnh hưởng đến ý định sử dụng dịch vụ du lịch trực tuyến.

Giải thuyết H5: Lời truyền miệng điện tử ảnh hưởng đến ý định sử dụng dịch vụ du lịch trực tuyến.

Giải thuyết H6: Ảnh hưởng từ người khác ảnh hưởng đến ý định sử dụng dịch vụ du lịch trực tuyến.

Giải thuyết H7: Thiết bị kết nối tử ảnh hưởng đến ý định sử dụng dịch vụ du lịch trực tuyến.

  1. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Lựa chọn mẫu

Nghiên cứu của VECITA (2015) chỉ ra hiện nay 81.5% khách hàng của thương mại điện tử tại Việt Nam là nhân viên văn phòng (60.8%) và sinh viên (20.7%). Do đó, mẫu nghiên cứu được tập trung vài hai đối tượng này. Theo Cục thống kê thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay, tại thành phố có khoảng 2.3 triệu người lao động, và 500 ngàn sinh viên đang sinh sống học tập (Linh, 2011). Tổng hợp lại số lượng đối tượng khảo sát là khoảng 2.8 triệu người. Theo Sekaran & Bougie (2014), nếu đối tượng khảo sát cao hơn 1 triệu, số lượng mẫu cần ít nhất là 384 mẫu. Trong đó tỉ lệ giữa nhân viên văn phòng và sinh viên là 3:1 (VECITA, 2015).

3.2. Phương pháp thu thập dữ liệu

            Bài nghiên cứu này thu thập cả dữ liệu sơ cấp và thứ cấp. Trong đó dữ liệu thứ cấp được thu thập từ các nguồn sách báo, tạp chí, bài báo khoa học tại Việt Nam cũng như các nước trên thế giới. Ngoài ra, dữ liệu sơ cấp được thu thập dựa trên phiếu điều tra xã hội học bao gồm 64 câu hỏi được phân bổ như sau:

10 câu hỏi tự chọn để thu thập thông tin cá nhân đối tượng khảo sát.

54 câu hỏi Likerts’ 7 điểm phân bố theo “hoàn toàn đồng ý, đồng ý, tương đối đồng ý, không ý kiến, tương đối không đồng ý, không đồng ý, hoàn toàn không đồng ý.

Phiếu khảo sát được phát ra cho 50 đối tượng khảo sát nhằm kiểm tra độ tin cậy của phiếu, thông qua đó tiếp thu ý kiến chỉnh sửa và hoàn thiện. Độ tin cậy của phiếu khảo sát trong quá trình thử nghiệm đạt trị số Cronbach’s Alpha lớn hơn 0.7. Do đó, 600 phiếu khảo sát chính thức được phát ra. Số lượng phiếu khảo sát thu về đạt được 380 phiếu, trong quá trình sàng lọc và lựa chọn những phiếu không hợp lệ, có 54 phiếu bị loại. Tổng cộng có 326 phiếu đạt yêu cầu để tiến hành phân tích số liệu.

  1. Kết quả nghiên cứu

4.1. Thông tin đối tượng khảo sát

            Đối tượng khảo sát nằm trong khoảng 19 đến 29 tuổi (53%). Trong đó 52.5% đối tượng khảo sát là nữ, gần giống với kết quả nghiên cứu của VECITA (2015). 59.5% đối tượng khảo sát có trình độ đại học, trong đó 62.3% đối tượng làm việc toàn thời gian và 20% đang là sinh viên tại các trường đại học. Hầu hết các đối tượng khảo sát đều sử dụng internet khá nhiều từ 3 đến 9 giờ mỗi ngày (92%). Trong đó, phương tiện kết nối internet phổ biến nhất là điện thoại di động (43.9%).

4.2. Độ tin cậy

            Độ tin cậy được thực hiện bằng phương pháp Cronbach’s Alpha có kết quả như sau:

Biến

Cronbach’s Alpha

Ảnh hưởng từ người khác (AH)

.712

Giao diện người sử dụng (GD)

.732

Quảng bá khuyến mãi (QB)

.726

Truyền miệng điện tử (EWOM)

.792

Phương thức thanh toán (PTTT)

.744

Uy tín nhà phân phối (UT)

.734

Ý định sử dụng (YD)

.747

 

4.3. Kiểm chứng các giả thuyết

Quy trình kiểm chứng các giả thuyết được thực hiện bằng phần mềm Smart PLS 3. Kết quả của mô mình SEM-PLS được đưa ra như sau:

Hypothesis

Direct Effect Path

Weigh

P Values

Result

H1

AH à YD

.247

.000

Chấp Thuận

H2

GD à YD

.097

.047

Không Chấp Thuận

H3

QB à YD

.249

.000

Chấp Thuận

H4

EWOM à YD

.014

.792

Không Chấp Thuận

H5

PTTT à YD

.264

.000

Chấp Thuận

H6

UT à YD

.184

.000

Chấp Thuận

 

            Kết quả cho thấy giả thuyết H2 và H4 không được chấp thuận vì giá trị P lớn hơn .005. Trong những giả thuyết được kiểm chứng, yếu tố ảnh hưởng từ người khác, quảng bá khuyến mãi và phương thức thanh toán ảnh hưởng nhiều nhất đến ý định sử dụng dịch vụ du lịch trực tuyến của người tiêu dùng tại thành phố Hồ Chí Minh.

4.4. Ảnh hưởng của thiết bị kết nối internet đối với ý định sử dụng

Thuật toán SEM – PLS được thực hiện trên bốn yếu tố PTTT, AH, QB và UT dựa trên các phương tiện kết nối internet PC, điện thoại, máy tính bảng và laptop cho ra kết quả như sau:

 

PC

Điện Thoại

Máy Tính Bảng

Laptop

PTTT à YD

.281

.229

.495

.340

AH à YD

.218

.297

.275

.161

QB à YD

.271

.246

.296

.313

UT à YD

.270

.261

.090

.197

            Kết quả nghiên cứu cho thấy sự khác biệt giữa đối tượng sử dụng các loại phương tiện kết nối internet khác nhau đối với ý định sử dụng dịch vụ du lịch trực tuyến. Đối với khách hàng sử dụng máy tính để bàn các yếu tố tương đối cân bằng. Đối với đối tượng thường xuyên sử dụng điện thoại di động, ảnh hưởng từ người thân và gia đình đóng vai trò chủ đạo. Trong khi đó, đối tượng sử dụng máy tính bảng quan tâm nhiều nhất đến phương thức thanh toán mà ít quan tâm đến uy tín nhà phân phối. Ngoài ra, đối với những khách hàng thường xuyên sử dụng laptop, phương thức thanh toán và các chương trình quảng bá khuyến mãi từ doanh nghiệp được quan tâm nhiều nhất.

  1. Kết Luận

5.1. Tóm tắt kết quả

            Trong những năm trở lại đây, mô hình kinh doanh du lịch trực tuyến được khách du lịch ưa chuộng hơn so với mô hình truyền thống. Bài nghiên cứu này được thực hiện nhằm mục đích tìm ra những yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn dịch vụ du lịch trực tuyến của người tiêu dùng tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong hơn 600 phiếu khảo sát được phát ra, có 326 phiếu hợp lệ được phân tích và đưa ra kết quả như sau:

Phương thức thanh toán là mối quan tâm hàng đầu đối với người sử dụng thương mại điện tử tại TPHCM. Trong những năm gần đây, ở Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện mô hình tội phạm trực tuyến gây ra những thiệt hại không nhỏ đối với khách hàng sử dụng phương tiện thanh toán trực tuyến trong thương mại điện tử nói chung và dịch vụ du lịch trực tuyến nói riêng (Phi, 2015; Sy et al, 2016). Do đó, mối quan tâm sâu sắc của khách hàng về tính bảo mật là điều không thể tránh khỏi.

Ảnh hưởng của người thân và gia đình đứng thứ hai trong những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định sử dụng dịch vụ du lịch trực tuyến. Là một quốc gia Châu Á có truyền thống lâu đời, ảnh hưởng của cộng đồng và người thân luôn là mội trong những yếu tố chính đối với người Việt Nam.

Quảng bá khuyến mãi luôn được người tiêu dùng quan tâm, điều này đã được chứng minh qua các chiến dịch thu hút khách hàng của những hãng hàng không hàng đầu Việt Nam và trong khu vực như Vietjet Air, AirAsia…

Trong nhiều nghiên cứu trên thế giới, uy tín nhà phân phối luôn là yếu tố quyết định trong việc lựa chọn sử dụng dịch vụ du lịch trực tuyến. Tuy nhiên, do mô hình kinh doanh mới này chỉ được cung cấp bởi những doanh nghiệp đã có uy tín lâu năm tại Việt Nam, do đó, người tiêu dùng trong nước cũng không quan tâm nhiều đến uy tín so với những khảo sát khác trên thế giới.

5.2. Hàm ý quản trị

            Ngày nay, ở Việt Nam có hơn 30 triệu người sử dụng internet, tuy nhiên, việc phân tích tâm lý tiêu dùng của đối tượng sử dụng internet thông qua phương tiện kết nối có rất ít nghiên cứu thực hiện. Do đó, bài nghiên cứu này đưa ra kết quả như sau:

  • Đối tượng sử dụng máy tính để bàn: Yêu cầu sự cân bằng giữa các yếu tố thanh toán, quảng bá khuyến mãi, ảnh hưởng của người thân, và uy tín nhà phân phối.
  • Đối tượng sử dụng điện thoại di động: Cần có ảnh hưởng của người thân và bạn bè trong quá trình lựa chọn sử dụng dịch vụ du lịch trực tuyến. Các yếu tố khác cũng ảnh hưởng tuy nhiên thấp hơn ảnh hưởng của người thân và bạn bè.
  • Đối tượng sử dụng máy tính bảng: Quan tâm nhiều nhất đến phương thức thanh toán và không đặt nặng vấn đề về uy tín nhà phân phối.

- Đối tượng sử dụng laptop: Quan tâm chủ yếu đến phương thức thanh toán và các chương trình quảng bá khuyến mãi.

5.3. Giới hạn của đề tài

            Bài nghiên cứu chỉ tập trung điều tra những đối tượng dưới 30 tuổi, do đó, kết quả áp dụng đối với những đối tượng trên 30 tuổi có thể chưa thật chính xác. Không những thế, những nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng yếu tố lời truyền miệng điện tử (EWOM) là một trong những yếu tố quyết định trong việc lựa chọn dịch vụ du lịch trực tuyến, tuy nhiên kết quả nghiên cứu cho thấy yếu tố này không ảnh hưởng đối với ý định sử dụng của người tiêu dùng Việt Nam. Ngoài ra, do thời gian thực hiện nghiên cứu cũng như tài chính có hạn, một số đối tượng nghiên cứu cũng không thể được tiếp cận.

5.4. Khuyến nghị cho những nghiên cứu sau

            Các nghiên cứu sau có thể thực hiện dựa trên những đối tượng người sử dụng internet tại Việt Nam trên 30 tuổi. Ngoài ra, những nghiên cứu liên quan đến các yếu tố ảnh hưởng người tiêu dùng tại Việt Nam đối với các mô hình dịch vụ trực tuyến khác như học ngoại ngữ, mua sắm, mua vé xem phim… cũng cần được triển khai dựa trên kết quả của bài nghiên cứu này.

Tài liệu tham khảo

 

  1. Adam P. Vrechopoulos, George J. Siomkos & Georgios I. Doukidis (2001),
    “Internet shopping adoption by Greek consumers”, European Journal of Innovation Management, Vol. 4 Iss 3 pp. 142 – 153.

  2. Alghamdi R. A. (2012), Diffusion of adoption of online retailing in Saudi Arabia, Ph.D thesis, Griffith University.
  3. Ajzen, I., & Fishbein, M. (1988), Theory of reasoned action-Theory of planned behavior, University of South Florida.
  4. Ajzen, I. (1991), “The theory of planned behavior”, Organizational Behaviour and Human Decision Journal, 5(2), 179–211.
  5. Kearney A. T. (2014), Lifting barriers to e-commerce in ASEAN, ATKearney, [online]. Available at URL: https://www.atkearney.com/documents/10192/5540871/Lifting+the+Barriers+to+E-Commerce+in+ASEAN.pdf/d977df60-3a86-42a6-8d19-1efd92010d52, [Accessed: July 13 2015].
  6. Kotler P., Keller K. (2012), Marketing Management (14th), Prentice hall, USA.
  7. Loshin P., Vacca J. (2004), Electronic Commerce. 4th edt, Charles River Media, USA.
  8. Ngoc Pham (2016), “Thương mại điện tử VN: Chỉ 2.8% thanh toán online”, Dan Viet Newspaper, [TRANS], [ONLINE], Available at URL: http://danviet.vn/cong-nghe/thuong-mai-dien-tu-vn-chi-28-thanh-toan-online-678632.html [accessed on October 9th, 2016].
  9. Nguyen Hien (2016), “Đã từng xảy ra vụ ăn cắp thẻ tín dụng lên tới 6000 tỷ đồng”, Dan Tri News, [TRANS], [Online], Available at URL: http://dantri.com.vn/kinh-doanh/da-tung-xay-ra-vu-an-cap-the-tin-dung-len-toi-6000-ty-dong-20160908163323839.htm. [accessed on October 9th, 2016].
  10. Sỹ - V.Đức- T.Cầm - V.Điệp - A.Duy (2016), “Tin tặc tấn công hệ thống hàng không Việt Nam”, Vietnamnet, [TRANS]. [ONLINE]. Available at URL: http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/tin-tac-tan-cong-hai-san-bay-tan-son-nhat-va-noi-bai-318406.html [Accessed on October 9th, 2016].
  11. Phi Hong Hanh (2015), “Một số vấn đề về thị trường thẻ tín dụng tại Việt Nam”, Vietnam Trade and Industry Review, [TRANS], [Online], Available at URL: http://tapchicongthuong.vn/mot-so-van-de-ve-thi-truong-the-tin-dung-tai-viet-nam-20150310102921330p7c419.htm [Accessed on October 9th, 2016].
  12. PCWORLD Vietnam (2015), “Thương mại điện tử Việt Nam đang ‘ngược chiều’ với thế giới”, PCWORLD Vietnam Magazine, [TRANS]. [ONLINE], Available at URL: http://www.pcworld.com.vn/articles/kinh-doanh/2015/08/1242194/thuong-mai-dien-tu-tai-viet-nam-dang-nguoc-chieu-voi-the-gioi/ [Accessed on October 9th, 2016].
  13. Rogers E. M. (1983), Diffusion of Innovation, 3rd Edt, The Free Press, USA.
  14. Rama Yelkur Maria Manuela Nêveda DaCosta, (2001), “Differential pricing and segmentation on the Internet: the case of hotels”, Management Decision, Vol. 39 Iss 4 pp. 252 – 262.

  15. Statistical Office In Ho Chi Minh City (2011), Population and Labour Report, [On-line]. Available at URL: http://www.pso.hochiminhcity.gov.vn/c/document_library/get_file?uuid=bb171c42-6326-4523-9336-01677b457b13&groupId=18 [Accessed January 27th 2015].
  16. Thanh L. (2015), “Không xài mà thẻ tín dụng bị trừ tiền”, Tuoitrenews, [TRANS], [ONLINE]. Available at URL: http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/tieu-diem/20150623/khong-xai-ma-the-tin-dung-bi-tru-tien/765255.html [accessed on October 9th, 2016].
  17. Phuong (2016), “Vì sao khách hàng Vietcombank mất 500 triệu trong tài khoản”, Người Lao Động News, [TRANS]. [ONLINE], Available at URL: http://nld.com.vn/kinh-te/vi-sao-khach-hang-vietcombank-mat-500-trieu-trong-tai-khoan-20160812114544728.htm [accessed on October 9th, 2016].

 

  1. Van T. (2016), “Google report reveals more than low literacy rate”, Vietnamnews, [online], Available at URL: http://vietnamnews.vn/opinion/op-ed/281143/google-report-reveals-more-than-low-literacy-rate.html#Vv2qed1iDD0iSWeQ.97 [Accessed on Jan 9th, 2017].
  2. VECITA (2015), “Vietnam e-commmerce report 2015”, VECITA, [Online], Available at URL: http://www.vecita.gov.vn/anpham/260/Vietnam-E-commerce-Report-2015/en [Accessed on Jan 9th, 2017].
  3. Vietnam E-commerce and Information Technology Agency (VECITA), 2013, “Vietnam E-commerce Report”, VECITA, [On-line]. Available at URL: http://www.vecita.gov.vn/App_File/laws/870ce575-7476-46b5-a999-0a1590d81b1d.pdf [Accessed October 14th 2014].
  4. Zikmund W. G., Babin B. J., Carr J. C. (2009), Business Research Methods, 8th Cengage Learning.

 

 

 

[1] Đại Học Công Nghệ Thành Phố Hồ Chí Minh, Email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó.

[2]

Ảnh hưởng của hoạt động phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên lên hiệu quả hoạt động doanh nghiệp tại Việt Nam[1]

Cao Đinh Kiên[2]

Nguyễn Văn Bắc[3]

Tóm tắt

          Sử dụng thông tin về hoạt động phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên của các doanh nghiệp niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2008 đến 2017, bài nghiên cứu tìm hiểu ảnh hưởng của hoạt động này lên hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng hoạt động phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên có ảnh hưởng tích cực lên lợi nhuận trên tổng tài sản, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu và lợi nhuận biên của các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, kết quả cũng cho thấy tỷ lệ cổ phiếu ưu đãi được phát hành, quy mô và tỷ lệ nợ của doanh nghiệp có ảnh hưởng lên hiệu quả hoạt động doanh nghiệp sau khi phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên.

Từ khoá: ESOP, Phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên, Hiệu quả hoạt động, tài chính hành vi

Abstract

          Using employee stock option plan data of publicly traded firms on Hanoi and Ho Chi Minh City Stock Exchanges from 2008 to 2017, the study investigates the impact of issuing these stock option plans on firm’s performance. The results indicate that there is an improvement in firm’s performance, in term of Return on Assets, Return on Equity and Profit Margin, after issuing the option plans. Moreover, size of the option plans, size and leverage of the issuing firms have a significant impact on the performance.

Key words: ESOP, Employee stock option plan, Firm’s performace, Behavior finance

  1. Đặt vấn đề

          Tại Việt Nam, hoạt động phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên (ESOP) diễn ra khi doanh nghiệp thưởng cho một số nhân viên quyền mua cổ phiếu của doanh nghiệp vào một thời điểm trong tương lai ở mức giá chiết khấu xác định trước và thường thấp hơn giá trị thị trường của cổ phiếu. Phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên là một trong những cách để doanh nghiệp khuyến khích người lao động làm việc hiệu quả. Bằng cách phát hành ESOP, doanh nghiệp có thể tưởng thưởng xứng đáng cho những người đóng góp tích cực vào sự phát triển của doanh nghiệp, tăng thêm vốn, thu hút nhân tài, cũng như kích thích sự nỗ lực của nhân viên. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên với một mức giá quá ưu đãi, hoạt động này sẽ gây thiệt hại cho các cổ đông khác.

          Đã có nhiều doanh nghiêp phát hành thành công cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên trên thị trường chứng khoán Việt Nam, tạo ra những ảnh hưởng tích cực lên hoạt động của doanh nghiệp. Trong năm 2016 và 2017 vừa qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã phát hành những khoản phát hành cổ phiếu ưu đãi hậu hĩnh cho nhân viên. Đứng từ góc độ điều hành doanh nghiệp, một lợi thế nổi bật của hoạt động phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên là các doanh nghiệp sẽ không phải ghi nhận một khoản chi phí lương thưởng so với việc thưởng nhân viên bằng tiền. Cụ thể, các giao dịch như phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên tại Việt Nam chưa được ghi nhận như một khoản chi phí lương như theo quy định của chuẩn mực kế toán quốc tế. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ không phải chi trả bằng tiền mặt, mà sử dụng nguồn lợi nhuận giữ lại để phát hành cổ phiếu, như vậy sẽ tăng được vốn điều lệ và giữ lại tiền để tái đầu tư. Đối với nhân viên, phương án phát hành cổ phiếu ưu đãi giúp cho họ giảm đáng kể thuế thu nhập cá nhân so với việc thưởng bằng tiền.

          Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp vấp phải nhiều khó khăn và thất bại khi triển khai hoạt động này, tạo ra bất ổn tâm lý đối với người lao động hoặc tranh cãi giữa các cổ đông. Đã từng nhiều doanh nghiệp vấp phải sự phản đối khi có chính sách không rõ ràng và có sự "thiên vị" quá đà khi phát hành tỷ lệ lớn cổ phiếu ưu đãi cho ban lãnh đạo doanh nghiệp. Nếu không cân bằng được lợi ích giữa các bên, kế hoạch phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên có thể tạo nên sự xung đột, gây nên những bất đồng không đáng có trong nội bộ doanh nghiệp. Hơn thế nữa, nhiều nhà đầu tư thường ái ngại trước động thái phát hành phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên của doanh nghiệp vì, khi doanh nghiệp phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên, giá cổ phiếu sẽ bị giảm và ảnh hưởng của các cổ đông bên ngoài doanh nghiệp sẽ giảm đi vì hiệu ứng pha loãng cổ phiếu.

          Dù vẫn còn nhiều tranh luận xung quanh ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của hoạt động phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên, hoạt động này vẫn được sử dụng khá phổ biến tại Việt Nam. Một trong những lý do quan trọng nhất để doanh nghiệp phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên là hoạt động này sẽ tạo nên sự gắn bó và nỗ lực cho cán bộ nhân viên chủ chốt, dẫn đến hiệu quả tích cực trong việc tăng năng suất làm việc của mỗi cá nhân và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Mặc dù, lý do này thường xuyên được sử dụng để giải thích cho hoạt động của doanh nghiệp, vẫn còn rất ít các nghiên cứu được thực hiện tại Việt Nam về vấn đề này. Bài nghiên cứu này được thực hiện với mục tiêu cung cấp bằng chứng khoa học về ảnh hưởng của hoạt động phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên lên hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Cụ thể, kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng hoạt động phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên có ảnh hưởng tích cực lên lợi nhuận trên tổng tài sản, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu và lợi nhuận biên của các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, kết quả cũng cho thấy tỷ lệ cổ phiếu ưu đãi được phát hành, quy mô và tỷ lệ nợ của doanh nghiệp có ảnh hưởng lên hiệu quả hoạt động doanh nghiệp sau khi phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên.  

  1. Tình hình nghiên cứu

          Tại Việt Nam, hoạt động phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên đã xuất hiện từ lâu nhưng có rất ít nghiên cứu tìm hiểu những ảnh hưởng của hoạt động này lên hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Do các chương trình phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên mới được áp dụng phổ biến ở những doanh nghiệp lớn từ năm 2015 trở lại đây, các nghiên cứu ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc khuyến cáo các doanh nghiệp sử dụng hình thức này như một cách để đảm bảo nguồn nhân lực có chất lượng ở lại với doanh nghiệp (Lưu Hữu Đức, 2014; Nguyễn Minh Tâm, 2009).

          Trên thế giới, ảnh hưởng của hoạt động phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên lên doanh nghiệp và cổ đông đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng hoạt động phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên góp phần cải thiện hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Có thể kể đến một số ảnh hưởng tích cực của hoạt động phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên lên hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp như: (1) cải thiện hoạt động giám sát doanh nghiệp của các bên liên quan (Jones và Kato, 1995; Sesil và cộng sự, 2002; Kim và Ouimet, 2014), (2) thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao (Lazear, 1986) và (3) giữ chân những nhân viên có năng lực (Ittner và cộng sự, 2003; Oyer, 2004). Ngoài ra, các nghiên cứu trước đây cũng tìm hiểu về ảnh hưởng của kế hoạch phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên lên hành vi của lãnh đạo doanh nghiệp (Clark và Philippatos, 1998; Amstrong và Vashishtha, 2012; Brisley, 2006; Core và Guay, 1999; Hochberg và Lindsey, 2010; Johnson và Tian, 2000; Chen và Ma, 2011). Clark và Philippatos (1998) lập luận rằng hoạt động phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên khuyến khích lãnh đạo doanh nghiệp lựa chọn đầu tư vào những dự án mang lại lợi nhuận lớn. Mặt khác, hoạt động này cũng thúc đẩy lãnh đạo doanh nghiệp lựa chọn những dự án có mức độ rủi ro lớn nhằm hướng tới những phần thưởng lớn hơn. Chen và Ma (2011) chứng minh rằng khi lãnh đạo doanh nghiệp có quyền mua cổ phiếu ưu đãi, họ sẽ ra những quyết định đầu tư có mức độ rủi ro lớn hơn. Hơn thế nữa, các tác giả còn tìm ra bằng chứng về ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn nhưng tích cực trong dài hạn của hoạt động phát hành cổ phiếu ưu đãi cho lãnh đạo lên hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

  1. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Mẫu nghiên cứu

          Thông tin về các doanh nghiệp thực hiện phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên tại thị trường Việt Nam từ năm 2008 đến năm 2017 được cung cấp bởi Công ty Cổ phần StoxPlus, đơn vị cung cấp thông tin tài chính hàng đầu tại Việt Nam. Để tránh làm nhiễu số liệu phân tích, các nguyên tắc lựa chọn mẫu nghiên cứu sau đã được áp dụng để lọc số liệu:

  • Về thời gian ghi nhận dữ liệu: Để đảm bảo tính chính xác và nhất quán, các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động (Lợi nhuận trên tổng tài sản - ROA, Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu - ROE, Lợi nhuận biên - PM) được ghi nhận vào thời điểm cuối năm. Cụ thể:

          + Khi doanh nghiệp phát hành thành công ESOP vào Quý 1, Quý 2, Quý 3 của năm: năm làm căn cứ để xác định hiệu quả hoạt động là năm phát hành (năm t).

          + Khi doanh nghiệp phát hành ESOP vào Quý 4 của năm: năm làm căn cứ để xác định hiệu quả hoạt động là năm liền sau đó (năm t+1). Do đó các trường hợp phát hành ESOP vào quý 4/2017 sẽ được loại khỏi mẫu, do chưa thể xác định được các chỉ tiêu hoạt động trong năm 2018.

  • Mẫu nghiên cứu chỉ bao gồm các doanh nghiệp có thông báo “thực hiện xong” hoạt động phát hành cổ phiếu ESOP cho người lao động. Các doanh nghiệp có thông báo phát hành nhưng chưa thực hiện xong hoặc chưa thực hiện sẽ được loại ra khỏi mẫu nghiên cứu.
  • Mẫu nghiên cứu chỉ bao gồm các doanh nghiệp có khối lượng phát hành cổ phiếu ESOP từ 1% trở lên so với khối lượng cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm phát hành.
  • Mẫu nghiên cứu không bao gồm các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành ngân hàng và dịch vụ tài chính (môi giới chứng khoán và tài chính đặc biệt) vì đây là nhóm ngành đặc thù và bị kiểm soát đặc biệt.
  • Mẫu nghiên cứu không bao gồm các doanh nghiệp phát hành ESOP trong hai năm liên tiếp. Nguyên tắc này nhằm xác định rõ hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp khi có phát hành ESOP và không phát hành ESOP.
  • Mẫu nghiên cứu chỉ bao gồm các doanh nghiệp có đầy đủ thông tin phục vụ cho quá trình nghiên cứu.

          Sau quá trình lọc số liệu, mẫu nghiên cứu cuối cùng bao gồm 122 quan sát. Số lượng quan sát theo ngành trong mẫu nghiên cứu được cung cấp trong bảng 1.

Bảng 1

Thống kê số lượng quan sát theo ngành

TT

Ngành

Số lượng quan sát

1

Xây dựng và Vật liệu

27

2

Hàng & Dịch vụ công nghiệp

16

3

Thực phẩm & Đồ uống

14

4

Tài nguyên cơ bản

13

5

Hàng cá nhân & Gia dụng

10

6

Tiện ích cộng đồng

9

7

Dược phẩm và Y tế

9

8

Bất động sản

8

9

Hóa chất

7

10

Công nghệ thông tin

4

11

Du lịch và giải trí

2

12

Bán lẻ

1

13

Dầu khí

1

14

Ô tô và phụ tùng

1

 

Tổng cộng

122

                                                          Nguồn: Công ty Cổ phần StoxPlus

          Ngoài ra, để có cơ sở phân tích tương quan và so sánh hiệu quả hoạt động giữa doanh nghiệp thực hiện thành công hoạt động phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên và doanh nghiệp không phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên, tương ứng với mỗi doanh nghiệp phát hành thành công ESOP, một doanh nghiệp không phát hành ESOP sẽ được lựa chọn để so sánh tương quan về hiệu quả hoạt động. Các doanh nghiệp không phát hành ESOP được lựa chọn để so sánh phải tương ứng với các doanh nghiệp phát hành thành công ESOP về tất cả các tiêu chí sau: (1) cùng ngành; (2) có quy mô tổng tài sản gần nhất; (3) có quy mô doanh thu gần nhất trong năm so sánh. 122 quan sát là các doanh nghiệp không phát hành ESOP đã được lựa chọn.

          3.2. Phương pháp nghiên cứu

          * Kiểm định T-Test trung bình hai mẫu phối hợp cặp đôi

          Để so sánh hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp phát hành thành công ESOP và doanh nghiệp không phát hành ESOP, phương pháp kiểm định T-Test trung bình hai mẫu phối hợp cặp đôi được sử dụng.  Các chỉ tiêu so sánh lần lượt là lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA), lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), lợi nhuận biên (PM) của các doanh nghiệp.

          Giả thuyết H0: Không có sự khác nhau về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp phát hành thành công ESOP và doanh nghiệp không phát hành ESOP.

          Các biến được so sánh với 0 là ,  và . Trong đó:

  • rROA = ROAphát hành,t ROAkhông phát hành,t 
  • rROE = ROEphát hành,t ROEkhông phát hành,t
  • rPM = PMphát hành,t PMkhông phát hành,t

          * Mô hình hồi quy tuyến tính

          Để tìm hiểu mức độ ảnh hưởng của các yếu tố khác nhau lên hiệu quả hoạt động doanh nghiệp sau khi phát hành thành công ESOP, phương pháp hồi quy tuyến tính OLS được sử dụng. Trên cơ sở nguồn dữ liệu do Công ty Cổ phần Stoxplus cung cấp về hoạt động phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên của các doanh nghiệp niêm yết trên Sàn giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh và Sàn giao dịch Chứng khoán Hà Nội trong khoảng thời gian từ 2008 đến năm 2017, các tác giả tìm hiểu ảnh hưởng của các biến tỷ lệ ESOP phát hành, quy mô tổng tài sản, tỉ lệ nợvà nhóm ngành đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Các biến được xây dựng và đo lường như sau:

  • Biến phụ thuộc: cung cấp thông tin về biến động hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp sau khi phát hành thành công ESOP. Các biến phụ thuộc được sử dụng là:
  • rROA = ROAphát hành,t ROAkhông phát hành,t 
  • rROE = ROEphát hành,t ROEkhông phát hành,t
  • rPM = PMphát hành,t PMkhông phát hành,t
  • Biến độc lập: 4 biến độc lập được sử dụng là:
  • Tỷ lệ phát hành (PERCENT): Tỷ lệ khối lượng cổ phiếu ESOP phát hành so với khối lượng cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm phát hành. Biến PERCENT kiểm soát ảnh hưởng của quy mô hoạt động phát hành cổ phiếu ưu đãi lên hiệu quả hoạt động sau khi phát hành. Nguyên nhân là do cán bộ công nhân viên thường có động lực làm việc lớn hơn khi nhận được lợi ích lớn hơn từ hoạt động phát hành cổ phiếu ưu đãi.
  • Quy mô tổng tài sản (SIZE): Logarit quy mô tổng tài sản của doanh nghiệp. Biến SIZE kiểm soát ảnh hưởng của quy mô doanh nghiệp lên hiệu quả hoạt động sau khi phát hành cổ phiếu ưu đãi. Nguyên nhân là do quy mô doanh nghiệp lớn hơn thường đạt được hiệu quả lớn hơn vì hiệu quả quy mô (economies of scale).
  • Tỉ lệ nợ (DEBT): tỉ số giữa tổng nợ và tổng tài sản. Biến DEBT kiểm soát ảnh hưởng của đòn bẩy tài chính lên hiệu quả hoạt động sau khi phát hành cổ phiếu ưu đãi. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của khả năng phá sản lên hiệu quả hoạt động.
  • Nhóm ngành (IND): các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành sản xuất công nghiệp sẽ nhận giá trị là 1, các doanh nghiệp còn lại sẽ nhận giá trị là 0. Biến IND kiểm soát ảnh hưởng của hoạt động phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên lên hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong nhóm ngành sản xuất công nghiệp. Nguyên nhân là do hoạt động phát hành cổ phiếu ưu đãi thường có hiệu quả rõ ràng hơn đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Các ngành Xây dựng và Vật liệu, Hàng và Dịch vụ Công nghiệp, Thực phẩm và Đồ uống, Hàng Cá nhân và Gia dụng được coi là ngành sản xuất công nghiệp trong nghiên cứu này.

Mô hình nghiên cứu:

  1. Kết quả nghiên cứu

          4.1. Kết quả kiểm định T-Test trung bình hai mẫu phối hợp cặp đôi

Kết quả so sánh hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp phát hành thành công cổ phiếu ESOP và các doanh nghiệp không phát hành ESOP được trình bày ở bảng 2. Kết quả nghiên cứu cho thấy các doanh nghiệp phát hành thành công cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên hoạt động có hiệu quả hơn so với các doanh nghiệp không phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên có cùng điều kiện.

Bảng 2. Ảnh hưởng của hoạt động phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên lên hiệu quả hoạt động doanh nghiệp

 

rROA

rROE

rPM

Trung bình

7,23%

15,16%

11%

T-Statistics

12,59***

15,89***

6,98***

Số quan sát

122

122

122

 

          Cụ thể, các doanh nghiệp phát hành ESOP có lợi nhuận trên tổng tài sản, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu và lợi nhuận biên lớn hơn các doanh nghiệp không phát hành ESOP lần lượt là 7,23%, 15,16% và 11%. Những sự  khác nhau này đều có ý nghĩa thống kê ở mức 1%. Khi so sánh với các doanh nghiệp có điều kiện hoạt động tương tự nhưng không phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên, các doanh nghiệp phát hành thành công cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên có hiệu quả hoạt động tốt hơn sau khi phát hành. Ảnh hưởng của hoạt động phát hành cổ phiếu ưu đãi lên hiệu quả hoạt động doanh nghiệp có ý nghĩa cả về mặt kinh tế và thống kê.

          4.2. Kết quả mô hình hồi quy tuyến tính

          Để tìm hiểu rõ hơn về ảnh hưởng của hoạt động phát hành cổ phiếu ưu đãi lên hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, mô hình hồi quy tuyến tính OLS được sử dụng. Thống kê mô tả các biến độc lập dùng trong mô hình hồi quy được cung cấp ở bảng 3. Kết quả cho thấy quy mô của hoạt động phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên trung bình ở mức 3,27% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của doanh nghiệp. Ngoài ra, giá trị  trung bình của logarit quy mô tổng tài sản doanh nghiệp là 13,65. Tỷ lệ nợ trung bình của các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên là 48,78%. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khoảng 20% số lượng các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên là doanh nghiệp thuộc nhóm ngành Sản xuất công nghiệp.

Bảng 3. Thống kê mô tả các biến

Tên biến

Trung bình

Trung vị

Độ lệch chuẩn

Số quan sát

PERCENT

3,27%

3,19%

1,58%

122

SIZE

13,65

13,48

1,34

122

DEBT

48,78%

50,19%

21,9%

122

IND

0,22

0

0,42

122

 

          Kết quả mô hình hồi quy được trình bày trong bảng 4. Nhìn chung, tỷ lệ cổ phiếu ưu đãi được phát hành có tác động dương lên ảnh hưởng của hoạt động phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên. Nếu doanh nghiệp phát hành càng nhiều cổ phiếu ưu đãi, doanh nghiệp càng hoạt động có hiệu quả sau khi phát hành. Ngoài ra, quy mô của doanh nghiệp có ảnh hưởng dương và tỷ lệ nợ của doanh nghiệp có ảnh hưởng âm lên hiệu quả hoạt động doanh nghiệp sau khi phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên.

Bảng 4. Mô hình hồi quy giải thích ảnh hưởng của hoạt động phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên lên hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp

 

Biến độc lập rROA

Biến độc lập rROE

Biến độc lập rPM

Biến số

Hệ số góc

t-statistics

Hệ số góc

t-statistics

Hệ số góc

t-statistics

Hằng số

-2,71

-0,46

-2,209

-2,51**

1.613

0,96

PERCENT

0,58

1,72*

1,383

2,38**

0,007

0,01

SIZE

1,04

2,44**

2,404

3,31***

0,388

0,31

DEBT

-0,12

-4,65***

0,065

1,46

-0,207

-2,70**

IND

-0,87

-0,67

-0,707

-0,32

-3,643

-0,95

Số quan sát

122

122

122

F-statistics

7,37***

5,23***

2,52**

Adj R-square

0,201

0,153

0,08

 

          Trong mô hình hồi quy với biến độc lập là rROA, hệ số góc của biến PERCENT có giá trị là 0,58 và có ý nghĩa thống kê ở mức 10 phần trăm. Hệ số góc của biến SIZE có giá trị là 1,04 và có ý nghĩa thống kê ở mức 5 phần trăm. Hệ số góc của biến DEBT là -0,12 và có ý nghĩa thống kê ở mức 1 phần trăm. Khi doanh nghiệp phát hành càng nhiều cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên và quy mô của doanh nghiệp càng lớn, ảnh hưởng tích cực của hoạt động phát hành cổ phiếu ưu đãi lên lợi nhuận trên tổng tài sản của doanh nghiệp càng lớn. Ngược lại, khi doanh nghiệp có tỷ lệ nợ càng lớn, ảnh hưởng tích cực của hoạt động phát hành cổ phiếu ưu đãi lên lợi nhuận trên tổng tài sản của doanh nghiệp càng nhỏ.

          Kết quả trong mô hình hồi quy với biến độc lập là rROE và rPM là tương tự như kết quả trong mô hình hồi quy với biến độc lập là rROA. Tuy nhiên, trong mô hình hồi quy với biến độc lập là rROE, tỷ lệ nợ của doanh nghiệp không có ảnh hưởng lên biến động của lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu khi doanh nghiệp phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên. Ngoài ra, trong mô hình hồi quy với biến độc lập là rPM, chỉ có tỷ lệ nợ của doanh nghiệp ảnh hưởng lên biến động của lợi nhuận biên khi doanh nghiệp phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên.

  1. Kết luận

          Hoạt động phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên (Employee Stock Option Plan) được công nhận rộng rãi như là một phương pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp bằng cách cho phép nhân viên được chia sẻ lợi nhuận mà họ tạo ra với vai trò cổ đông của doanh nghiệp. Bài nghiên cứu phân tích ảnh hưởng của hoạt động phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động lên hiệu quả hoạt động tại các doanh nghiệp Việt Nam niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2008 đến 2017. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng hoạt động phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên thật sự có ảnh hưởng tích cực lên hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam. Với kết quả này, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thêm cơ sở khoa học để thực hiện hoạt động phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Armstrong, CS, Vashishtha, R (2012), “Executive stock options, differential risk-taking incentives, and firm value”, Journal of Financial Economics, 104, 70-88.
  2. Brisley, N (2006), “Executive stock options: early exercise provisions and risk-taking incentives”, Journal of Finance, 61, 2487–2509.
  3. Chen, Y.R. và Ma, Y (2011), “Revisiting the risk-taking effect of executive stock options on firm performance”, Journal of Business Research, 64(6), 640-648.
  4. Clark, R.W. and Philippatos, G.C. (1998), “Employee stock ownership plans (ESOPs): An international comparison and analysis”, Managerial Finance, 24(4), 19–29.
  5. Core, J.E., Guay, W.R (1999), “The use of equity grants to manage optimal equity incentive levels”, Journal of Accounting and Economics, 28, 151–184.
  6. Lưu Hữu Đức (2014), “Sở hữu cổ phần cho người lao động (ESOP) tại các Công ty niêm yết của Việt Nam”, Tạp chí nghiên cứu tài chính kế toán, 5, 38-40.
  7. Hochberg, Y.V., Lindsey, L (2010), “Incentives, targeting, and firm performance. an analysis of non-executive stock options”, Review of Financial Studies, 23, 4148– 4186.
  8. Ittner, C.D., Lambert, R.A., Larcker, D.F (2003), “The structure and performance consequences of equity grants to employees of new economy firms”, Journal of Accounting and Economics, 34, 89-127.
  9. Johnson, S., Tian, Y (2000), “The value and incentive effects of nontraditional executive stock option plans”, Journal of Financial Economics, 57, 3–34.
  10. Jones, D.C., Kato, T (1995), “The productivity effects of employee stock-ownership plans and bonuses: evidence from Japanese panel data”, American Economic Review, 85, 391-414.
  11. Kim, E.H., Ouimet, P (2014), “Broad-based employee stock ownership: motives and outcomes”, Journal of Finance, 69, 1273-1319.
  12. Lazear, E.P (1986), “Salaries and piece rates”, Journal of Business, 59, 405–431.
  13. Oyer, P (2004), “Why do firms use incentives that have no incentive effects?”, Journal of Finance, 59, 1619–1650.
  14. Sesil, J.C., Maya K. K., Joseph R. B. and Douglas L. K(2002), “Broad-Based Employee Stock Options in U.S. ‘New Economy’ Firms”, British Journal of Industrial Relations,40, 273-294.
  15. Nguyễn Minh Tâm (2009), “Áp dụng giải pháp ESOP phù hợp để đảm bảo nguồn nhân lực giỏi trong các doanh nghiệp”, Tạp chí quản lý Nhà nước, 163,42-45.

 

 

 

[1] Bài viết thuộc khuôn khổ đề tài Khoa học và Công nghệ cấp Cơ sở mã số NTCS2018-11 và là kết quả của nhóm nghiên cứu về “Tái cấu trúc doanh nghiệp” của Trường Đại học Ngoại thương

[2] Trường Đại học Ngoại thương. Email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó.

[3] Trường Đại học Ngoại thương. Email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó.

 

HỆ THỐNG ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG BÊN TRONG TÍCH HỢP (integrated Internal Quality Assurnace - iIQA) – MỘT CÁCH TIẾP CẬN MỚI TRONG VIỆC XÂY DỰNG HỆ THỐNG ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG BÊN TRONG CỦA CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VIỆT NAM

Nguyễn Thế Anh[1]

Nguyễn Thị Thùy Dương [2]

Đoàn Ngọc Ánh[3]

Tóm tắt

Xây dựng và vận hành một hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong một cách hiệu quả tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam là yêu cầu cấp thiết nhằm đạt được 2 mục tiêu: (i) phù hợp với tiêu chuẩn của các tổ chức bên ngoài; và (ii) đạt được các mục tiêu của trường. Trong những năm qua, các trường đại học tại Việt Nam đã và đang tìm tòi hướng đi cho việc xây dựng và vận hành hệ thống này; tuy nhiên, kết quả mang lại chưa được như kỳ vọng. Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đưa ra một cách tiếp cận mới trong việc xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong, đó là xây dựng một hệ thống tích hợp 3 hệ thống trong một trường đại học: (i) Hệ thống hoạch định chiến lược, (ii) Hệ thống thông tin phục vụ công tác đảm bảo chất lượng, và (iii) Hệ thống quản lý chất lượng. Việc tích hợp 3 hệ thống này là cơ sở để các cơ sở giáo dục vận hành hiệu quả hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong của mình. Nghiên cứu này cũng chỉ ra những đề xuất đối với các trường để có thể xây dựng và vận hành có hiệu quả hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong tích hợp một cách hiệu quả

Từ khóa: Đảm bảo chất lượng giáo dục đại học, Hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong trường đại học, đảm bảo chất lượng giáo dục Việt Nam, hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong trường đại học tích hợp

Abstract

Building and implementing internal Quality assurance system efficiently is a necessary demand of Vietnam HEIs to achieve 2 objectives: (i) to meet regional and international quality assessment standards; and (ii) to get HEIs vision and mission. Up to now, HEIs in Vietnam have found direction to build and implement IQA more successfully; however, the result is not as expectation. In the paper, the authors proposed a new direction to build Internal Quality Assurance, that is integrating three core systems in HEIs: (i) Planning Management System, (ii) information Management system, and (iii) Quality Management System into Internal Quality assurance system. The integration is a fundamental to implement internal quality assurance system efficiently. The research also states some recommendations for HEIs to implement integrated Internal quality assurance successfully.

Keywords: quality assurance in HEIs, internal quality assurance system, quality assurance in Vietnam HEIs, integrated internal quality assurance in HEIs

 

 

  1. Đặt vấn đề

Chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam trong những năm qua đã có sự cải thiện đáng kể do hệ thống giáo dục đại học Việt Nam bước đầu đã hình thành một hệ thống đảm bảo chất lượng tương đối hoàn chỉnh với việc hình thành 5 trung tâm kiểm định giáo dục đại học độc lập (Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục của 2 Đại học Quốc gia Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội các trường đại học cao đẳng, Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Đại học Đà nẵng và Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Đại học Vinh) – thành tố đảm bảo chất lượng bên ngoài và thành lập các đơn vị đảm bảo chất lượng tại các trường đại học – thành tố cơ bản của hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong (IQA). Hai hệ thống này có mối quan hệ chặt chẽ và tương hỗ lẫn nhau, hay nói cách khác, hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong hoạt động hiệu quả sẽ dẫn tới hệ thống đảm bảo chất lượng bên ngoài hoạt động hiệu quả và ngược lại.

Theo thông tư 12/2017/TT-BGDĐT ngày 19/5/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học, đối với các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học, tiêu chuẩn 9 quy định về Hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong với 6 tiêu chí: (i) Cơ cấu, vai trò, trách nhiệm và trách nhiệm giải trình của hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong được thiết lập để đáp ứng các mục tiêu chiến lược và đảm bảo chất lượng của cơ sở giáo dục; (ii) Xây dựng kế hoạch chiến lược về đảm bảo chất lượng (bao gồm chiến lược, chính sách, sự tham gia của các bên liên quan, các hoạt động trong đó có việc thúc đẩy công tác đảm bảo chất lượng và tập huấn nâng cao năng lực) để đáp ứng các mục tiêu chiến lược và đảm bảo chất lượng của cơ sở giáo dục; (iii) Kế hoạch chiến lược về đảm bảo chất lượng được quán triệt và chuyển tải thành các kế hoạch ngắn hạn và dài hạn để triển khai thực hiện; (iv) Hệ thống lưu trữ văn bản, rà soát, phổ biến các chính sách, hệ thống, quy trình và các thủ tục đảm bảo chất lượng được triển khai; (v) Các chỉ số thực hiện chính và các chỉ tiêu phấn đấu chính được thiết lập để đo lường kết quả công tác đảm bảo chất lượng của cơ sở giáo dục; (vi) Quy trình lập kế hoạch, các chỉ số thực hiện chính và các chỉ số tiêu phấn đấu chính được cải tiến để đáp ứng các mục tiêu chiến lược và đảm bảo chất lượng của cơ sở giáo dục. Như vậy, một hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong cần phải có những đặc điểm như sau: (i) Phục vụ sứ mạng, mục tiêu của cơ sở giáo dục đào tạo; (ii) Có kế hoạch chiến lược về đảm bảo chất lượng; và (iii) có một bộ chỉ số đánh giá các hoạt động đảm bảo chất lượng. Trước yêu cầu cấp thiết này, trong nghiên cứu này, nhóm tác giả trình bày một cách tiếp cận mới trong việc xây dựng và vận hành hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong theo hướng tích hợp 3 hệ thống: (i) Hệ thống hoạch định chiến lược, (ii) Hệ thống thông tin phục vụ công tác đảm bảo chất lượng, và (ii) Hệ thống quản lý chất lượng nhằm đạt được 2 mục tiêu: (i) phù hợp với tiêu chuẩn của các tổ chức bên ngoài; và (ii) đạt được các mục tiêu của trường đồng thời thực hiện tốt các yêu cầu của tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục đại học tại các cơ sở giáo dục đại học.

  1. Hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong cơ sở giáo dục đại học và hệ thống đảm bảo chất lượng tích hợp
    • Hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong cơ sở giáo dục đại học

Theo Martin và Stella (2007), đảm bảo chất lượng bên trong là “các chính sách và cơ chế được thực hiện trong trường đại học hoặc chương trình đào tạo để đảm bảo rằng nó được thực hiện các mục đích riêng của mình và đáp ứng các tiêu chuẩn áp dụng cho giáo dục đại học nói chung hoặc các tiêu chuẩn nghề nghiệp”. Khái niệm này nhấn mạnh rằng một trường đại học phải thực hiện các chính sách và cơ chế về chất lượng để đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng áp dụng trong giáo dục đại học hoặc theo yêu cầu của các tiêu chuẩn nghề nghiệp.

Theo ADDA (2010), tùy thuộc vào bối cảnh của từng trường đại học, đảm bảo chất lượng bên trong là toàn bộ hệ thống, nguồn lực và thông tin dành cho việc thiết lập, duy trì và cải tiến chất lượng và tiêu chuẩn giảng dạy, học tập, nghiên cứu và dịch vụ cộng đồng. Tương tự như thế, González (2008) cho rằng đảm bảo chất lượng bên trong là một hệ thống nhằm giúp trường đại học quản lý và kiểm soát các hoạt động cốt lõi liên quan đến chất lượng.

Các định nghĩa trên đều có một số điểm chung ở chỗ, đều xem xét đảm bảo chất lượng bên trong như một hệ thống. Theo các cách hiểu này, các trường đại học dựa vào các nguồn lực của mình để thiết lập một hệ thống nhằm quản lý các hoạt động cốt lõi liên quan đến chất lượng và đảm bảo chất lượng được cải tiến một cách liên tục.

Theo AUN (2007), đảm bảo chất lượng bên trong là toàn bộ hệ thống, nguồn lực và thông tin dành cho việc thiết lập, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chuẩn giảng dạy, học tập, nghiên cứu và dịch vụ cho công đồng.

Như vậy, đảm bảo chất lượng bên trong chính là một hệ thống quản lý tổng thể được thực hiện trong các trường đại học nhằm thực hiện các chính sách chất lượng nhằm đảm bảo rằng trường đại học thực hiện mục đích của mình và đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng được thiết lập bởi các tổ chức kiểm định chất lượng bên ngoài.

Theo Vroeijenstijin (1995), để đảm bảo chất lượng, các trường đại học cần phải thiết lập hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong đáp ứng các yêu cầu cơ bản về giám sát, đánh giá và cải tiến chất lượng. Ít nhất, trong hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong phải có các thành tố của vòng tròn Deming, đó là: Vạch kế hoạch; Thực hiện; Kiểm tra và Hành động (P-D-C-A).

Trên cơ sở vòng tròn P-D-C-A, Vroeijenstijin (1995) cho rằng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong cần có các thành tố sau: Mục tiêu của tổ chức; các công cụ giám sát; các công cụ đánh giá; cải tiến chất lượng. Các thành tố này quan hệ, tác động qua lại với nhau như mô tả ở Hình 1.

Hình 1. Các thành tố hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong các trường đại học

Các mục tiêu của tổ chức

Các công cụ giám sát

Các công cụ đánh giá

Cải tiến chất lượng

 

 

 

 

Nguồn: Vroeijenstijin (1995)

Ở một góc độ khác, Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA) đưa mô hình hệ thống IQA gồm các thành tố cơ bản như: Các yếu tố chung; Các công cụ giám sát; công cụ đánh giá; quy trình ĐBCL đặc biệt và các công cụ ĐBCL riêng biệt (xem Hình 2)

Hình 2. Hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong theo AUN

ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG BÊN TRONG (Các yếu tố chung)

Hệ thống giám sát

Các công cụ đánh giá

Các quy trình ĐBCL đặc biệt

Các công cụ ĐBCL riêng biệt

Tiến bộ của sinh viên

Phản hồi từ thị trường lao động và cựu sinh viên

Tỷ lệ bỏ học, đỗ tốt nghiệp

Thực hiện nghiên cứu

Đánh giá của sinh viên

Đánh giá môn học và chương trình đào tạo

Đánh giá NCKH

Đánh giá dịch vụ cộng đồng

Đảm bảo việc đánh giá sinh viên

Đảm bảo chất lượng đội ngũ

Đảm bảo chất lượng cơ sở vật chất

ĐBCL hoạt động hỗ trợ sinh viên

Phân tích SWOT

Thẩm định nội bộ

Hệ thống thông tin

Sổ tay chất lượng

THEO DÕI TIẾP VÀ DUY TRÌ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn: Sổ tay thực hiện các hướng dẫn đảm bảo chất lượng trong mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á

Trong mỗi thành tố của hệ thống IQA, AUN-QA đưa ra các tiêu chí cơ bản, có tính cốt lõi của các thành tố đối với mỗi nhà trường, cụ thể: (1) Các yếu tố chung (chiến lược, chính sách, quy trình); (2) Hệ thống giám sát gồm có: (i) Giám sát việc đánh giá của sinh viên; (ii) Theo dõi sự tiến bộ của sinh viên; (iii) Giám sát tỷ lệ tốt nghiệp/ bỏ học; (iv) Giám sát phản hồi có tổ chức từ thị trường lao động và cựu sinh viên; (v) Giám sát số lượng ấn phẩm của giảng viên và số lượng công trình khoa học được tài trợ; (3) Công cụ đánh giá/thẩm định là các cơ chế chính sách để định kỳ thẩm định hoặc đánh giá các hoạt động cốt lõi của Nhà trường: (i) Hoạt động đào tạo (chương trình đào tạo, tổ chức và quản lý đào tạo, bằng cấp…); (ii) Hoạt động nghiên cứu; (iii) Dịch vụ cộng đồng (nếu có); (4) Các quy trình ĐBCL đặc biệt là thành tố cốt lõi của hệ thống IQA, thành tố này yêu cầu Nhà trường phải xây dựng được các quy trình ĐBCL việc đánh giá sinh viên, đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất và hoạt động hỗ trợ sinh viên; (5) Các công cụ ĐBCL riêng biệt như SWOT, thẩm định nội bộ, hệ thống thông tin (hệ thống thông tin quản lý và công bố thông tin, và (iv) Sổ tay chất lượng.

  • Hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong tích hợp

Như trên đã đề cập, một tổ chức giáo dục đại học, giống như bất kỳ tổ chức nào khác, có các quy trình cụ thể hỗ trợ việc đạt được các nhiệm vụ nghiên cứu dạy học và đóng góp cho sự phát triển học vấn và xã hội của cộng đồng và các bên liên quan. Ba quy trình cơ bản (Ashworth, 1999, Childe và cộng sự, 1994, Ủy ban CIM-OSA, 1989) góp phần vào sự thành công của HEI là: các quá trình hoạt động (tạo, sản xuất và cung cấp giá trị giáo dục), các quy trình hỗ trợ hỗ trợ các quá trình hoạt động (Garvin, 1998, Porter, 1980), và các quy trình quản lý (bao gồm việc thiết lập mục tiêu, kiểm soát và các quá trình hành vi tổ chức).

Các quá trình hiệu quả và hiệu quả của các quy trình cốt lõi nằm dưới sự bắt buộc của chất lượng trong HEI phải chuyển từ quan điểm giám sát sang lập kế hoạch chiến lược (Cullen, et al., 2003) hỗ trợ quản lý thông qua đo lường (Bourne, et al, 2005). Điều này làm nổi bật thêm các yếu tố bối cảnh nội bộ tương tác và liên kết với nhau trong tự nhiên, phức tạp hơn nhiều so với các hệ thống thể chất và hình thức đơn giản đơn giản hiện có đang tác động đến hiệu suất. Mô hình hoạt động của Martz (2001) cho một môi trường đại học có các nguyên tắc: xác định các kỳ vọng về hiệu suất, tạo ra các mục tiêu có thể đạt được nhưng đầy thách thức, cung cấp các phép đo rõ ràng, khuyến khích sự tham gia và cung cấp sự rõ ràng và phản hồi quá trình.

Trong nghiên cứu của mình, Andersen và cộng sự (2006) chỉ ra rằng chỉ khi các cơ sở giáo dục đại học tiếp cận một cách toàn diện để khai thác các công cụ và khái niệm khác nhau vào một khuôn khổ tổng thể mà mối liên kết giữa chúng được hiểu khi giải quyết các thách thức bên trong và bên ngoài. Rouse and Putterill (2003) đề xuất một mối liên kết vĩ mô-vi của: 1) giao diện giữa tổ chức và các bên liên quan, 2) năng lực và khả năng của nguồn lực, 3) đánh giá quy hoạch và đánh giá thành tựu tài nguyên, và 4) các yếu tố cơ bản cơ bản của đầu vào-hoạt động-đầu ra. Cách tiếp cận này chuyển từ hình ảnh lớn ở cấp độ tổ chức đến cấp độ hoạt động là yếu tố quyết định thành công của sự thành công hỗ trợ Franco-Santos và cộng sự, (2007), Bernardin và cộng sự, (1998), Kennerly và Neely (2002), Harrington (2005), Newkirk-Moore và Bracker (1998), Temporal, (1990) Bolt, (1993), Burach và cộng sự, (1997), Tovey, (1991) và Mason, (1993) mối liên kết không được giải quyết.

Quản lý giáo dục truyền thống đã được nhìn nhận thông qua các ống kính cận thị của giáo dục nguyên tắc cơ bản như trái ngược với các nguyên tắc quản lý được sử dụng trong bất kỳ lợi nhuận hoặc tổ chức phi lợi nhuận. "Quản lý chiến lược hoặc quản lý cơ bản của tổ chức" là xa lánh quan điểm bảo thủ của giáo dục. Điều quan trọng là các nguyên tắc giáo dục bảo thủ phải được xem qua ống kính quản lý chiến lược để đưa ra những nguyên tắc tốt nhất - một cuộc hôn nhân của nguyên tắc giáo dục và nguyên tắc quản lý âm thanh. Khi bắt đầu, chất lượng giáo dục là một yêu cầu không thể thiếu được mà phải được hỗ trợ bằng bằng chứng rõ ràng hoặc một hệ thống quản lý hiệu quả dựa trên bằng chứng được sử dụng làm các tham số quy hoạch. Có thể lập luận rằng triangularization chiến lược của các lĩnh vực quy hoạch thông tin chất lượng như được mô tả ở đây có thể dẫn đến hiệu quả giáo dục tốt hơn thông qua việc tạo ra và cung cấp giá trị giáo dục đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan và xã hội. Trách nhiệm giải trình cơ bản của HEI là thông qua một cách tiếp cận hệ thống có kế hoạch và quản lý tốt đối với quản lý giáo dục. Điều này được minh họa thông qua một Hệ thống QMIPS (Hệ thống Quản lý Chất lượng, Hệ thống Thông tin và Quy hoạch) duy nhất của Thái Lan (Teay, 2008 và 2012) được phát triển như là một sáng kiến đối với việc quản lý hiệu quả trong một trường cao đẳng.

Mặc dù nhiều vấn đề đã được thực hiện để đảm bảo các ứng dụng này hoàn thành, vấn đề then chốt chính là tình huống tiến thoái lùi giữa các trường đại học, đặc biệt ở các nước đang phát triển đang cố gắng bắt kịp với các nước đang phát triển, là sự không liên kết của IMS (Hệ thống quản lý thông tin), QMS (Hệ thống Quản lý Chất lượng) và PMS (Hệ thống Quản lý Hoạch định) như trong Hình 3.

Hình 3. Sự thiếu liên kết giữa IMS, QMS và PMS tại các cơ sở giáo dục đại học

PMS

QMS

IMS

 

Nguồn: Teay, 2012

Để giải quyết vấn đề then chốt này, Teay (2009 và 2012) khuyến nghị xây dựng mô hình QMIPS (Quản lý Chất lượng, Hệ thống Thông tin và Hệ thống Quản lý) (Hình 5) hay còn gọi là hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong tích hợp iIQA.

QMIPS bao gồm 3 hệ thống chính của IMS (Hệ thống Quản lý Thông tin - định nghĩa thống kê, thông tin, dữ liệu và tài liệu làm bằng chứng hoặc kết quả của các quá trình chính), QMS (Hệ thống Quản lý Chất lượng - định nghĩa Tiêu chuẩn và Tiêu chí) và PMS (Hệ thống Quản lý Quy hoạch - định nghĩa Kế hoạch Chiến lược và OYPB [Kế hoạch Một năm và Ngân sách]). Chúng phụ thuộc lẫn nhau và liên kết với nhau để đảm bảo và đảm bảo rằng quản lý chất lượng dựa trên bằng chứng được thông báo bởi IMS theo các khía cạnh quy hoạch PMS.

Hình 4. Mối liên hệ của IMS, QMS và PMS

 

Nguồn: Teay, 2012

PMS (Hệ thống Quản lý Hoạch định) thể hiện định hướng chiến lược của HEI xác định tầm nhìn, sứ mệnh, mục đích và mục tiêu quan trọng của nó, đạt được thông qua các chiến lược của nó. Các định nghĩa này rõ ràng và cụ thể là hướng chiến lược mà HEI dự định đạt được trong kế hoạch chiến lược 15 năm của mình được tài trợ bởi OYPB (Kế hoạch một năm - Ngân sách) liên tục phát triển để đạt được định hướng chiến lược. Các mục tiêu xác định "những gì cần đạt được dựa trên sứ mệnh của nó" và các mục tiêu xác định "đo lường thành tích của nó là gì". Đây được xác định ở tất cả các cấp của cơ quan, trường học và các chương trình để đảm bảo rằng tất cả đều đi theo hướng chiến lược tương tự và hiệu quả của nó được sắp xếp và đo lường như là mục tiêu. Vai trò của PMS trong hệ thống iIQA như sau:

  • chịu trách nhiệm cho tất cả các vấn đề liên quan đến kế hoạch 1 năm và kế hoạch chiến lược 5 năm và các báo cáo kế hoạch khác của trường Đại học;
  • Để đảm bảo rằng KPI của hệ thống quản lý hiệu suất được đối chiếu, phân tích và phổ biến;
  • Để đảm bảo rằng hệ thống quy hoạch của trường Đại học là đúng duy trì và quản lý

Hệ thống quản lý thông tin IMS thể hiện mạng lưới và hệ thống cơ sở dữ liệu được phát triển để thu thập, đối chiếu, lưu trữ, xử lý và phổ biến số liệu thống kê, dữ liệu, sự kiện, thông tin và tài liệu chính là cơ sở của việc ra quyết định dựa trên bằng chứng và đo lường hiệu năng dựa trên các mục tiêu và mục tiêu được xác định. Cần lưu ý rằng thông tin và dữ liệu IMS phục vụ khái niệm PDCA luân phiên về Kế hoạch - Thực hiện - Kiểm tra - Đạo luật đã phát triển thành khái niệm Phương pháp tiếp cận - Triển khai - Học tập - Hội nhập ADLI mới hơn như được nêu trong Tiêu chuẩn Giáo dục 2011 của MBNQA về Hiệu suất Xuất sắc NIST, 2011) và thảo luận dưới đây về việc sử dụng nó để đánh giá quy trình và kết quả của Hệ thống Quản lý Chất lượng. Vai trò của IMS trong hệ thống iIQA là:

  • Để chịu trách nhiệm về mọi vấn đề liên quan đến tài liệu, thông tin, bằng chứng và thống kê của trường Đại học;
  • Để đảm bảo rằng các tài liệu, thông tin, bằng chứng và thống kê trong các đơn vị chức năng và trường đại học được duy trì và quản lý đúng cách;
  • Để đảm bảo rằng các số liệu thống kê được phân tích, tài liệu và phổ biến để tạo điều kiện cho việc ra quyết định dựa trên bằng chứng cơ chế cho trường Đại học.

Hệ thống QMS (Hệ thống Quản lý Chất lượng) có thể dựa trên khung MBNQA (NIST, 2011) về chất lượng thực hiện có 2 lĩnh vực chính là Tiêu chí Tiến trình và Tiêu chí Kết quả dẫn tới việc kiểm toán tổng thể và đánh giá việc đo lường hiệu năng và quản lý theo định nghĩa trong PMS. Hệ thống Quản lý Chất lượng với các Tiêu chuẩn và Tiêu chí của nó hoạt động như một miếng nêm ngăn cản hiệu suất của HEI trượt xuống dốc trơn của những cải tiến liên tục. Các yếu tố đánh giá quy trình của ADLI (tiếp cận, triển khai, học tập và hội nhập) thúc đẩy và dẫn tới những cải tiến không ngừng của nó lên dốc theo hướng chiến lược của nó dựa trên kế hoạch của nó. "Quy trình" đề cập đến các phương pháp mà trường HEI sử dụng và cải tiến dựa trên các yêu cầu của Tiêu chuẩn và Tiêu chuẩn QMS. Bốn yếu tố được sử dụng để đánh giá các Tiêu chí Kết quả là LeTCI (Trình độ, Xu hướng, So sánh và Tích hợp) về các mức hiệu suất mà có phân tích xu hướng và dữ liệu so sánh trong khi kết hợp với các kết quả khác để đạt được mục tiêu và mục tiêu của trường, trường hay chương trình. Vai trò của hệ thống QMS trong hệ thống iIQA là:

  • Để chịu trách nhiệm về mọi vấn đề về hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong (IQA) và hệ thống đảm bảo chất lượng bên ngoài (EQA) của các trường đại học, các đơn vị chức năng và khoa chuyên môn;
  • Để đảm bảo rằng hệ thống đảm bảo chất lượng (QA) trong trường đại học, ở các đơn vị chức năng và khoa chuyên môn được duy trì và quản lý đúng cách;
  • Để đảm bảo rằng tất cả các quy định liên quan đến QA là đúng, thực hiện, phân tích, ghi chép và phổ biến

Việc vận hành hệ thống iIQA tại các trường đại học được thể hiện trong hình 5 như sau:

Hình 5. Vận hành hệ thống iIQA tại các trường đại học nói chung

Thành tố của hệ thống iIQA

Báo cáo/ kế hoạch

Hệ thống quản lý hoạch định PMS

 

 

Kế hoạch hoạt động 1 năm (OYPB)

Hệ thống quản lý thông tin IMS

 

Báo cáo hàng năm (Annual Report)

Báo cáo dự toán (Project Report)

 

Hệ thống quản lý chất lượng QMS

 

Báo cáo tự đánh giá (SAR)

Báo cáo kiểm toán nội bộ và kiểm định (IAAR)

Nguồn: nhóm tác giả tổng hợp

  1. Thực trạng cơ chế vận hành hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong tại các trường đại học Việt Nam

Để vận hành được hệ thống đảm bảo chất lượng của trường đại học đạt được 2 mục tiêu: (i) phù hợp với tiêu chuẩn của các tổ chức bên ngoài; và (ii) đạt được các mục tiêu của trường, việc thiết lập các cơ sở dữ liệu trong hoạt động này là cần thiết. Tại Việt Nam, các công văn số 766, 767/QLCL-KĐCLGD của Cục Quản lý Chất lượng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 20/4/2018 về việc hướng dẫn việc tự đánh giá cũng như đánh giá ngoài các trường Đại học đã chỉ ra rằng cơ sở dữ liệu hay là minh chứng là một cơ sở quan trọng nhất để đánh giá chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học.

Một hệ thống đảm bảo chất lượng được vận hành như sau:

 

Hình 6. Vận hành hệ thống đảm bảo chất lương

 

Nguồn: nhóm tác giả tổng hợp

  • Bộ tiêu chuẩn đánh giá CSGD đại học

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành 2 phiên bản về các tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục đại học từ trước tới nay. Phiên bản đầu tiên được Bộ ban hành theo quyết định số 65/2007/QĐ-BGDĐT ngày 01/11/2007 (thông tư bổ sung số 37/2012/TT-BGDĐT ngày 30/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo với 10 tiêu chuẩn và 61 tiêu chí) và bộ tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục đại học phiên bản 2 theo thông tư 12/2017/TT-BGDĐT ngày 19/5/2017 của Bộ Giáo dục và đào tạo. Hai bộ tiêu chuẩn này có sự khác biệt như sau:

Bảng 1. So sánh bộ tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới và cũ

Bộ tiêu chuẩn theo quyết định số 65/2007/QĐ-BGDĐT ngày 01/11/2007

Bộ tiêu chuẩn theo thông tư 12/2017/TT-BGDĐT ngày 19/05/2017

Gồm 10 tiêu chuẩn và 61 tiêu chí

Gồm 25 tiêu chuẩn và 111 tiêu chí

Có nhiêu tiêu chí tập trung vào đầu vào và quá trình

Có ít tiêu chí liên quan đến đầu vào, nhiều tiêu chí tập trung vào quá trình và đầu ra

Nhiều tiêu chí định lượng

Nhiều tiêu chí định tính

Nhiều tiêu chí tập trung vào quản lý hành chính

Các tiêu chí chủ yếu hướng tới nâng cao chất lượng

Thiếu sự xuyên suốt và thống nhất giữa các tiêu chuẩn và tiêu chí

Các tiêu chuẩn và tiêu chí có sự nhất quán và kết nối chặt chẽ với nhau

Mỗi tiêu chí được đánh giá theo 2 mức (đạt/ không đạt)

Mỗi tiêu chí được đánh giá theo 7 mức (từ 1 đến 7)

Nguồn: Nguyễn Hữu Cương, 2017

Việc quy định các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục đại học theo các quyết định và thông tư này đã giải quyết được phần nào các điểm yếu của giáo dục đại học từ trước đến thời điểm 2012; tuy nhiên, bộ tiêu chuẩn này còn có một số bất cập. Thứ nhất, các chuyên gia cho rằng, bộ tiêu chuẩn này chủ yếu tập trung vào đầu vào và quá trình và chưa tập trung nhiều vào đầu ra – một vấn đề nhức nhối của xã hội trong những năm gần đây. Hơn nữa, Bộ tiêu chuẩn này nhấn mạnh và tiêu chuẩn tối thiểu theo quy định, có quá nhiều tiêu chí định lượng và có xu hướng khẳng định kết quả đã đạt được trong quá khứ hoặc hiện tại (4, 6, 7, 8) mà không xem xét đến tương lai. Thứ hai, một số tiêu chí của bộ tiêu chuẩn hiện tại không hợp lý đối với hiện trạng của giáo dục đại học Việt Nam. Thực tế là tính đến thời điểm 31/5/2018, 4 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đã tiến hành đánh giá ngoài 122 trường đại học theo bộ tiêu chuẩn phiên bản 1 thì có kết quả là 9 tiêu chí 100% trường đều đạt như xác định sứ mạng, mục tiêu; các hoạt động của tổ chức Đảng và tổ chức Đoàn thể; đảm bảo các quyền dân chủ trong trường đại học… ngược lại, Bộ tiêu chuẩn cũ có 5 tiêu chí có số lượng các trường đại học chưa đạt được yêu cầu ở mức cao như tiêu chí 7.5, 9.1… việc kiểm định chất lượng sẽ không có ý nghĩa với các tiêu chí mà tất cả các trường đều đạt hoặc những tiêu chí mà rất ít trường đạt. Thứ ba, tính quốc tế hóa của phiên bản cũ là không cao do việc ban hành đã cách đây 11 năm và tính cập nhật, bổ sung và thay thế chưa được quan tâm nhiều.

Dựa trên các ưu thế cũng như nhược điểm của Bộ tiêu chuẩn cũ, Bộ Giáo dục đã ban hành bộ tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục đại học phiên bản 2 theo thông tư 12/2017/TT-BGDĐT ngày 19/5/2017 của Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học. Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học này bao gồm 25 tiêu chí và 111 tiêu chí và là sự cụ thể hóa từ 4 hợp phần trong khung đánh giá cơ sở giáo dục của AUN-QA, bao gồm: (i) đảm bảo chất lượng chiến lược; (ii) đảm bảo chất lượng hệ thống; (iii) đảm bảo chất lượng chức năng; và (iv) kết quả hoạt động. Triết lý chung của đại đa số các tiêu chuẩn là các tiêu chí trong mỗi tiêu chuẩn sẽ được phân thành quy trình PDCA rõ ràng hơn – một quy trình được áp dụng phổ biến trong công tác đảm bảo chất lượng giáo dục đại học trên thế giới.

  • Tự đánh giá

Tự đánh giá là quá trình cơ sở giáo dục dựa trên các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng do Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành để tự xem xét, báo cáo về tình trạng chất lượng, hiệu quả hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, nhân lực, cơ sở vật chất và các vấn đề liên quan khác, làm căn cứ để CSGD tiến hành điều chỉnh các nguồn lực và quá trình thực hiện nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.

Quy trình tự đánh giá cơ sở giáo dục được mô tả như sau:

Hình 7. Quy trình tự đánh giá tại các cơ sở giáo dục đại học

 

Nguồn: nhóm tác giả tổng hợp

Một số nội dung cần thực hiện đối với quá trình tự đánh giá.

Thứ nhất, các CSGD thành lập Hội đồng tự đánh giá và Hiệu trưởng là người ra quyết định thành lập Hội đồng này.

Thứ hai, Hội đồng tự đánh giá xây dựng kế hoạch tự đánh giá nhằm sử dụng có hiệu quả thời gian và các nguồn lực của CSGD để đảm bảo đạt được mục đích của đợt tự đánh giá.

Thứ ba, Trong quá trình thực hiện báo cáo tự đánh giá, các cơ sở giáo dục phải phân tích các tiêu chí và thu thập thông tin và minh chứng để chứng minh cho những nhận định trong báo cáo tự đánh giá. Các cơ sở dữ liệu cần có để phục vụ cho báo cáo tự đánh giá là: (i) Báo cáo cuối học kỳ 1 và cuối năm về việc người học đánh giá hoạt động giảng dạy của giảng viên khi kết thúc môn học, bao gồm quy trình, công cụ và kết quả; (ii) Báo cáo hàng năm về việc người học đánh giá chất lượng đào tạo của CSGD trước khi tốt nghiệp; bao gồm quy trình, công cụ và kết quả; (iii) Báo cáo hàng năm kết quả khảo sát tình hình việc làm của người học sau khi tốt nghiệp; bao gồm quy trình, công cụ và kết quả; (iv) báo cáo hằng năm kết quả hoạt động kết nối và phục vụ cộng đồng; (v) Báo cáo hằng nam kết quả khảo sát về mức độ đáp ứng của thư viện, phòng thí nghiệm, thực hành, hệ thống công nghệ thông tin và các dịch vụ khác so với yêu cầu sử dụng của cán bộ, giảng viên và người học; bao gồm quy trình, công cụ và kết quả; và (vi) cơ sở dữ liệu chất lượng CSGD (phụ lục 1).

Thứ tư, Ban thư ký xử lý phân tích các thông tin minh chứng thu được theo phiếu đánh giá tiêu chí (phụ lục 2). Trong quá trình này, Hội đồng tự đánh giá có trách nhiệm kiểm tra lại các thông tin và minh chứng.

Thứ năm, viết báo cáo tự đánh giá. Báo cáo tự đánh giá là văn bản trình bày toàn bộ quá trình và kết quả hoạt động tự đánh giá của CSGD theo các tiêu chuẩn, tiêu chí. Báo cáo tự đánh giá sẽ do Hội đồng tự đánh giá thông qua sau khi có sự nhất trí với nội dung của báo cáo tự đánh giá.

  • Đánh giá ngoài

Sau khi CSGD hoàn thành báo cáo tự đánh giá theo bộ tiêu chuẩn đánh giá do các đơn vị chức năng đề ra, các CSGD sẽ chọn đơn vị thực hiện công tác đánh giá ngoài để công nhận việc chứng nhận cơ sở giáo dục đạt/ không đạt các yêu cầu của bộ tiêu chuẩn. Sau khi CSGD đã chọn xong đơn vị thực hiện kiểm định, các công việc được thực hiện theo sự hướng dẫn của đơn vị kiểm định bên ngoài.

  1. Một số đề xuất đối với cơ sở giáo dục Việt Nam nhằm vận hành có hiệu quả hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong tích hợp

Hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong của các cơ sở giáo dục phải đạt được 2 mục tiêu cơ bản: (i) thực hiện các công tác đảm bảo chất lượng bên trong cơ sở giáo dục để đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của các tổ chức kiểm định bên ngoài (EQA); và (ii) đáp ứng được mục tiêu, sứ mệnh của trường đại học. Từ trước đến nay, hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong của các trường đại học Việt Nam đã đáp ứng được phần nào mục tiêu đầu tiên – đó là thực thi những chính sách đảm bảo chất lượng trong toàn trường đáp ứng những tiêu chuẩn kiểm định của các tổ chức kiểm định bên ngoài và điều phối hoạt động đảm bảo chất lượng bên trong trường đại học. Tuy nhiên, các hoạt động đảm bảo chất lượng trong các cơ sở giáo dục từ trước đến nay chỉ mang tính chất đối phó các tiêu chuẩn mà các hoạt động chưa có tính định hướng tới việc đạt được các mục tiêu sứ mệnh của nhà trường – một chức năng quan trong của các hoạt động đảm bảo chất lượng, tức là đảm bảo đạt được các mục tiêu của tổ chức. Để thực hiện đồng thời 2 mục tiêu này, nhóm nghiên cứu đề xuất cơ chế vận hành hệ thống đảm bảo chất lượng tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam như sau:

Hình 8. Quy trình thực hiện, kiểm soát việc thực hiện các chỉ số đảm bảo chất lượng tại các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam (dề xuất)

Định hướng chiến lược của trường theo các giai đoạn (Đảng ủy)

Mục tiêu chất lượng của trường theo từng năm học (BGH)

Mục tiêu chất lượng của từng đơn vị (Khoa/ Trung tâm, Viện, Phòng Ban)

Mục tiêu chất lượng của cấp trực thuộc đơn vị (Bộ môn/ Ban)

Kế hoạch hoạt động và bản đánh giá (PE) của từng cán bộ giảng viên

Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo Chất lượng

Tham mưu

Hướng dẫn, kiểm soát

Thực hiện, báo cáo

Thực hiện, Báo cáo

Kiểm soát, Đánh giá

Báo cáo

Thực hiện, Báo cáo

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Mô tả vận hành của quy trình như sau:

  • Đảng ủy xác định rõ chiến lược phát triển của trường trong từng giai đoạn.
  • Ban Giám hiệu xây dựng mục tiêu chất lượng cho từng năm học theo chiến lược cũng như mục tiêu của năm học đó;
  • Trung tâm Đảm bảo chất lượng tham mưu và xây dựng các chỉ số (định tính và định lượng) và chỉ báo phục vụ công tác đảm bảo chất lượng. Đây là các chỉ số, chỉ báo thực hiện chiến lược cũng như mục tiêu của cơ sở giáo dục đại học. Các chỉ só này sẽ được xây dựng ở cấp trường, cấp khoa, cấp bộ phận. Đồng thời, Trung tâm Đảm bảo chất lượng thực hiện việc kiếm soát thực hiện mục tiêu chất lượng của trường, của Khoa/ Phòng ban thông qua các chỉ số này ở cấp Khoa và hang năm báo cáo với Ban giám hiệu về việc thực hiện mục tiêu chất lượng tại trường;
  • Các đơn vị trong toàn trường xây dựng mục tiêu chất lượng của đơn vị, đồng thời lập kế hoạch, triển khai, giám sát việc thực hiện mục tiêu chất lượng đối với bộ phận trực thuộc đơn vị và các viên chức thông qua các chỉ số và các chỉ báo;
  • Tin học hóa các hoạt động và số hóa cơ sở dữ liệu phục vụ công tác đảm bảo chất lượng trong toàn trường. Xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống báo cáo trực tuyến (dashboard) tại trường
  1. Kết luận

Trong những năm qua, các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đã xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong với đơn vị hạt nhân là Trung tâm/ Phòng Đảm bảo chất lượng nhằm thực hiện chức năng hỗ trợ nhà trường thực hiện các công việc của nhà trường đáp ứng tiêu chuẩn của các tổ chức kiểm định bên ngoài đặc biệt là các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu về giáo dục đại học đặc biệt là các nghiên cứu về hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong, một hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong được vận hành một cách hiệu quả khi đạt được 2 mục tiêu cơ bản: (i) đáp ứng các tiêu chuẩn của các tổ chức kiểm định chất lượng bên ngoài (EQA); và (ii) thực hiện việc đạt được sứ mệnh, tầm nhìn và mục tiêu của cơ sở giáo dục. Với cách tiếp cận này, nhóm tác giả đã đề xuất một cách tiếp cận mới trong xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong là xây dựng một hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong tích hợp mà trong hệ thống này có sự tích hợp của 3 thành phần cơ bàn: (i) Hệ thống hoạch định chiến lược; (ii) Hệ thống thông tin; và (iii) Hệ thống quản lý chất lượng. Để có thể vận hành hiệu quả hệ thống này, các trường đại học cần có cách tiếp cận hệ thống từ việc hoạch định mục tiêu hoạt động của toàn trường cũng như mục tiêu chất lượng trong từng giai đoạn phù hợp với sứ mạng, tầm nhìn của trường. Sau khi đề ra các mục tiêu chất lượng cấp trường, các Khoa/ Phòng ban chức năng, các đơn vị trực thuộc các Khoa/ Phòng ban chức năng cũng như các viên chức trong từng đơn vị sẽ đề ra mục tiêu của từng cấp tương ứng và đưa ra một bản kế hoạch thực hiện các mục tiêu này. Các Khoa/ Phòng ban chức năng sẽ giám sát việc thực hiện kế hoạch này của các đơn vị trực thuộc cũng như viên chức trong đơn vị và các khoa/ phòng ban sẽ báo cáo việc thực hiện mục tiêu chất lượng cho đơn vị Đảm bảo chất lượng của trường và đơn vị này sẽ trực tiếp báo cáo với Ban giám hiệu về việc thực hiện công việc này tại trường.

Trên cơ sở kết quả của nghiên cứu, các trường Đại học có thể định hướng sử dụng các kết quả này như sau:

  • Xây dựng hệ thống tích hợp toàn bộ các hoạt động của trường vào một hệ thống chung và hệ thống iIQA chỉ là một phân hệ của hệ thống này;
  • Xây dựng hệ thống tích hợp iQA (integrated Quality Assurance) trong đó sẽ tích hợp hệ thống IQA của trường Đại học với các hệ thống đảm bảo chất lượng của các tổ chức kiểm định trong và ngoài nước

 

Tài liệu tham khảo

1.      Andersen, B., Henriksen, B., and Aaseth, W (2006), “Holistics performance management: an integrated framework”, International Journal of Productivity and Performance Management, 55(1): 61-78.

2.      Ashworth, G. (1999). Delivering shareholders Value through Integrated Performance Management. Financial Times, Prentice Hall, London: 130.

3.      Bernardin, H.J., Hagan, C.M., Kane, J.S. and Villanova, P (1998), Effective performacne management: A focus on precision, customers, and situational constraint. Performance Appraisal: State of the art of practice, Jossey-Bass Inc., Sanfrancisco, CA: 3 – 48.

4.      Bolt, J (1993), “Achieving the CEO's agenda: education for executives”, Management Review, 44-49.

5.      Burach, E et al. (1997), “The new management development paradigm”, Human Resource Planning, 20(1): 14-21.

6.      Burne, M., Kenerly, M., vaf Franco-Santos, M. (2005), “Managing through measures: a study of impact on performance”, Journal of Manufacturing Technology, 16(4): 373-395.

7.      Chide, S.J., Maull, R.S., and Bennett, J. (1994), “Frameworks for understanding business re-engineering”, International Journal of Operations and Production Management, 14(12): 22-34.

8.      CIM-OSA Standards Committee (1989), CIM-OSA Reference Architechture, AMICE ESPRIT, Brussels.

9.      Cullen, J., Joyce, J., Hassal, T. and Broadbent, M. (2003), “Quality in higher education: moving from monitoring to management”, Quality Assurance in Education, 11(1): 5 -14.

10.  Cương, Nguyen Hữu (2017). Tại sao phải kiểm định chất lượng các trường đại học Việt Nam theo bộ tiêu chuẩn mới. Tạp chí Quản lý Giáo dục, 9(2): 16 – 22;

11.  Franco-Santos, M., Kenerly, M., Michelli, P., Martinez, V., Mason, S., Marr, B., Gray, D., Neely, A (2007), “Towards a definition of a business performance measurement system”, International Journal of Operations and Production Management, 27(3): 784-801.

12.  Garvin, D.A (1998), “The process of organization and management”, Sloan Management Review, 39(4):33-50.

13.  Harrington, H.J (2005), The five pillars of organizational excellenc, Handbook of Business Strategy, Emerald Group Publishing ltd, 107-114.

14.  Keenerly, M. vaf Neely, A (2002), “A framework of the factors affecting the evolution of performance measurement system”, International Journal of Operations and Production Management, 22(11): 1222 – 1245.

15.  Martin, M. S., A (2007), External quality assurance in higher education: making choices, Paris: United Nations.

16.  Martz, B (2001), “Applying a standard performance model to a university setting”, Business Process Management, 7(2): 100- 112.

17.  Mason, A (1993), Management tranning in Medium sized UK business organization, Harbridge Consulting group, London.

18.  MOET (2007), Quyết định số 65/ 2007/QĐ-BGDĐT ngày 1/11/2007 về ban hành quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường Đại học.

19.  MOET (2012), Thông tư số 37/ 2012/TT-BGDĐT ngày 30/11/2012 về bổ sung một số điều ở quyết định số 65/2007/ QĐ-BGDĐT.

20.  MOET (2017), Thông tư số 12/ 2017/TT-BGDĐT ngày 19/5/2017 về ban hành quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học.

21.  MOET (2018), Công văn số 766, 767/ QLCL-KĐCLGD ngày 20/4/2018 về hướng dẫn việc tự đánh giá cũng như đánh giá ngoài trường đại học.

22.  Newkirk-Moore, S., and Bracker, J. (1998), “Strategic Management training and commitment to planning: Critical partners in stimulating firm performance”, International Journal of Training and Development, 2(2): 82-90.

23.  Rouse, P., and Putterill, M. (2003), Predicting performance, Special Issue: Business Performance Measurement and management, 41(8): 806-816.

24.  Teay, Shawyun (2008), Strategic Triangulatization of Quality-Information-Planning system for Higher Education Institute Performance Management, 6th international Conference on education and Information System, Technologies and Applications: EISTA 2008, International Institute of Informatics and Systemics, Orlando, Florida.

25.  Teay, Shawyun (2012), AuQS 2000 QMIP QMS - Quality Management System for Academic units, AU Digital Press, Bangkok.

26.  Temporal, P (1990), “Linking management development to the corporate future - the role of the professional”, Journal of Management development, 9(5).

27.  Tovey, L (1991), Management Training and Development in Large UK Business Organization, Harbridge Consulting Group, London.

28.  Vroeijenstijn, A. I (1995), Improvement and Accountability: Navigating between Scylla and Charybdis: Jessica Kingsley.

 

 

[1]Trường Đại học Ngoại thương. Email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó.

[2] Trường Đại học Ngoại thương. Email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó.

[3] Trường Đại học Ngoại thương. Email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó.

ĐỀ XUẤT QUY TRÌNH XÂY DỰNG KHUNG NĂNG LỰC NHÂN SỰ QUẢN LÝ KINH DOANH[1]

Dương Thị Hoài Nhung[2]

 

Tóm tắt

Bài viết nghiên cứu hệ thống cơ sở lý thuyết và thực tiễn về các phương pháp xây dựng khung năng lực (KNL) hướng tới đề xuất quy trình xây dựng KNL nhân sự quản lý kinh doanh trong các doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Xuất phát từ mục tiêu nghiên cứu, bài viết rút ra phương pháp tiếp cận, nguyên tắc, công cụ, quy trình xây dựng KNL nhân sự quản lý kinh doanh. Kết quả nghiên cứu là căn cứ quan trọng, quyết định sự thành công của hoạt động nghiên cứu về KNL nhân sự quản lý kinh doanh trong tương lai.

Từ khóa: phương pháp xây dựng khung năng lực, nhân sự quản lý kinh doanh

 

Abstract

The study is to analyze a review of the literature and empirical research concering competency modeling methods aimed to outline a systematic procedure in develoing a competency model of sales managers in Vietnamese enterprises. The paper suggests recommendations for developing and implementing competency model of sales managers including the approaches, specific methods and steps to conduct a competency study. The result of study plays an important role in success of sales manager competency research in future.

Key words: competency modeling procedure, sales manager

 

  1. Giới thiệu

Quản trị theo năng lực (competency-based management) là thuật ngữ xuất hiện trên thế giới vào những năm 90 của thế kỷ XX. Chỉ chưa đầy một phần tư thế kỷ, hầu hết nhóm 500 công ty hàng đầu thế giới (Fortune 500) đã áp dụng phương thức quản trị này. Trong đó, sự phát triển của công cụ quản trị theo năng lực được gọi là khung năng lực (KNL) đã định hình một xu hướng mới trong quản trị doanh nghiệp (DN). Ở Việt Nam, KNL đang dần trở thành một công cụ quan trọng, được sử dụng như một hệ thống nền tảng để thực hiện hiệu quả các hoạt động quản trị nguồn nhân lực. KNL truyền tải cách nhìn thống nhất về công việc, cho phép các nhà quản lý có khung tham chiếu chung với kiến thức, kỹ năng và thái độ nhằm thực hiện hiệu quả các hoạt động có liên quan đến quản lý nhân lực. Nhờ đó, nhà lãnh đạo ra được quyết định hợp lý về nhân sự như tuyển dụng, đào tạo phát triển, quản lý thành tích, đãi ngộ dành cho đối tượng quản lý và nhân viên trong tổ chức.

Tuy nhiên, phương pháp nào giúp các nhà nghiên cứu và DN có thể xây dựng KNL nhân sự, đặc biệt đối với những vị trí giữ vai trò quan trọng trong tổ chức như vị trí nhân sự quản lý kinh doanh vẫn còn là một câu hỏi lớn. Do đó, xây dựng KNL cho vị trí nhân sự trong doanh nghiệp cần một phương pháp nghiên cứu rõ ràng, bài bản để có thể thiết lập một quy trình xây dựng KNL chuẩn nhằm xác định được một KNL hiệu quả và dễ dàng sử dụng trong quản lý nhân lực.

Nội dung nghiên cứu của bài viết gồm (i) cơ sở lý luận và thực tiễn về phương pháp xây dựng KNL nhân sự quản lý kinh doanh, (ii) phương pháp nghiên cứu, (iv) đề xuất quy trình xây dựng KNL nhân sự quản lý kinh doanh.

  1. Cơ sở lý luận và thực tiễn phương pháp xây dựng khung năng lực nhân sự quản lý kinh doanh

2.1. Một số khái niệm

2.1.1. Khái niệm nhân sự quản lý kinh doanh

Trong doanh nghiệp, hệ thống các chức danh quản lý được chia theo nhiều cách khác nhau ví dụ như theo cấp độ, theo chức năng. Nhân sự quản lý kinh doanh (Sales manager) là một trong những chức danh quan trọng, đóng vai trò then chốt cho bộ phận kinh doanh nói riêng và toàn doanh nghiệp nói chung. Kahle (2008) cho rằng nhân sự quản lý kinh doanh là người chịu trách nhiệm cho việc quản lý kế hoạch kinh doanh, tuyển dụng và thực hiện việc tổ chức và trình bày kế hoạch kinh doanh hiệu quả. Theo nghiên cứu của Phạm Quốc Luyện (2015) nhân sự quản lý kinh doanh là người chịu trách nhiệm cho việc lãnh đạo và hướng dẫn đội nhóm kinh doanh.

Trên cơ sở lý thuyết, tác giả tổng hợp và đề xuất sử dụng khái niệm về nhân sự quản lý kinh doanh như sau: Nhân sự quản lý kinh doanh là người chịu trách nhiệm hướng dẫn và điều hành đội ngũ nhân viên kinh doanh. Nhiệm vụ của quản lý kinh doanh thường bao gồm quản lý địa bàn kinh doanh, thiết lập hạn mức kinh doanh, hướng dẫn các thành viên trong nhóm, thực hiện đào tạo nghiệp vụ kinh doanh, xây dựng kế hoạch kinh doanh, tuyển dụng cũng như sa thải nhân viên kinh doanh.

2.1.2.  Khái niệm khung năng lực

Khái niệm khung năng lực (KNL) đã xuất hiện cách đây hơn 60 năm (Derue, 2011) và được sử dụng để đánh giá chính thức về những kỹ năng và sàng lọc quân nhân trong giai đoạn thế chiến II. Sự thành công của quân đội trong việc huấn luyện quân nhân đã khiến cho các tổ chức và các nhà tâm lý học có một khuôn mẫu để áp dụng đúng quy trình đó vào môi trường phi quân sự. KNL trong môi trường phi quân sự đã tồn tại từ những năm 1970 với mô hình đầu tiên được xây dựng bởi David McClelland. Những nghiên cứu tiếp theo về KNL được mở rộng sang lĩnh vực quản trị nhân sự trong nghiên cứu của các tác giả Boyatzis (1982), Spencer (1993) và Ulrich (1997).... McClelland (1973), Boyatzis (1982) và Spencer (1993) là ba nhà nghiên cứu nổi tiếng nhất về KNL, đều sử dụng các tiêu chí tham chiếu khi liên kết hành vi, kiến thức, kỹ năng và đặc điểm cá nhân với các thang đo cụ thể khi mô tả về KNL. KNL theo nghiên cứu của Lucia và Lepsinger (1999) đó là “Khung năng lực là việc mô tả sự kết hợp đặc biệt các kiến thức, kỹ năng và đặc điểm cần thiết để thực hiện hiệu quả một nhiệm vụ trong tổ chức và được sử dụng như một công cụ hữu hiệu để lựa chọn, đào tạo và phát triển, đánh giá nhân viên và xây dựng kế hoạch nguồn nhân lực”. Như vậy, KNL là một tập hợp tất cả các năng lực cần có của nhân viên trong một tổ chức được nhóm lại thành các cấu hình phù hợp với công việc cá nhân hoặc vai trò tổ chức đó.

2.1.3. Khái niệm khung năng lực nhân sự quản lý kinh doanh

Những nghiên cứu đầu tiên về KNL tập trung làm rõ KNL cho các vị trí quản lý trong các tổ chức công và tư nhân. Các vị trí quản lý được hướng tới trong các nghiên cứu này như các vị trí quản lý cấp cao (giám đốc điều hành-CEO, giám đốc doanh nghiệp) và các vị trí quản lý cấp trung (như quản lý nhân sự, quản lý kinh doanh) bởi vai trò quan trọng của các vị trí này trong sự phát triển của tổ chức. Vị trí nhân sự quản lý kinh doanh là một trong những vị trí đảm nhận công việc khó khăn nhất và quan trọng nhất vì hiệu quả của vị trí thiết yếu này ảnh hưởng đến sự thành công hay thất bại của hầu hết các DN. 

Với những vai trò của nhân sự quản lý kinh doanh ngày một quan trọng hơn, yêu cầu năng lực của vị trí này cần được xem xét kỹ càng hơn và việc thiết lập KNL cho vị trí này càng trở nên cần thiết. Theo Cron và DeCarlo (2009), Khung năng lực nhân sự quản lý kinh doanh được định nghĩa là việc mô tả kết hợp các kiến thức, kỹ năng, hành vi và thái độ mà một người quản lý kinh doanh cần có để có thể phát huy hiệu quả trong công việc, các ngành và loại hình tổ chức khác nhau.

2.2 Phương pháp tiếp cận xây dựng khung năng lực nhân sự quản lý kinh doanh

Phương pháp tiếp cận xây dựng KNL nhân sự quản lý kinh doanh sẽ dựa trên cách tiếp cận chung về xây dựng KNL nhân sự. Trên thế giới, có rất nhiều cách tiếp cận xây dựng KNL nhân sự và tác giả nhận thấy các hướng tiếp cận chính được tổng kết trong hai nghiên cứu nổi tiếng của Rothwell & Lindholm (1999) và Briscoe & Hall (1999) được trình bày trong bảng 1 dưới đây. Việc lựa chọn cách tiếp cận xây dựng KNL nhân sự phù hợp sẽ ảnh hưởng tới độ tin cậy, tính chặt chẽ trong quá trình xây dựng KNL

Bảng 1. Tổng hợp các phương pháp tiếp cận xây dựng KNL nhân sự

Tác giả

Cách tiếp cận xây dựng KNL

Nội dung

 

Rothwell & Lindholm (1999)

1) Dựa trên KNL có sẵn

Xây dựng KNL dựa trên việc vay mượn từ KNL có sẵn của các tổ chức khác.

2) Dựa trên KNL có sẵn và sửa đổi

Xây dựng KNL bằng cách chọn áp dụng KNL có sẵn, đã được kiểm định, hay ứng dụng và sau đó sửa đổi.

3) Xây dựng mới KNL

Tự xây dựng một KNL mới

 

Briscoe & Hall (1999)

1) Cách tiếp cận dựa trên nghiên cứu

KNL được các nhà nghiên cứu xây dựng bởi quá trình phỏng vấn các nhà quản lý cấp cao, yêu cầu họ đưa ra những ví dụ về những biểu hiện hành vi quan trọng giúp công việc thành công và dựa trên kết quả nghiên cứu, các tổ chức và doanh nghiệp có thể áp dụng KNL này để xây dựng KNL cho các vị trí quản lý trong DN.

2) Cách tiếp cận dựa trên chiến lược

việc xây dựng KNL dựa trên định hướng chiến lược của công ty. Theo đó các nhà nghiên cứu sẽ thực hiện phỏng vấn các nhà quản lý cấp cao về quan điểm liệu năng lực nào sẽ là cần thiết để phù hợp với định hướng chiến lược đưa ra.

3) Cách tiếp cận dựa trên giá trị

việc xây dựng KNL được dựa trên các giá trị văn hoá mang tính quy chuẩn của tổ chức. Giá trị của tổ chức giúp thực hiện mục tiêu kinh doanh, học tập, đáp ứng nhu cầu khách hàng, và dẫn dắt nhằm thích ứng với xu hướng mới trong môi trường kinh doanh

Nguồn: Tác giả tổng hợp


2.3. Công cụ xây dựng khung năng lực nhân sự quản lý kinh doanh

Bên cạnh việc xem xét các hướng tiếp cận xây dựng KNL, việc lựa chọn các công cụ để xây dựng KNL cũng rất cần thiết. Bảng 2 sẽ tổng hợp các công cụ và đánh giá ưu/nhược điểm của các công cụ này được sử dụng trong các nghiên cứu về xây dựng KNL, từ đó giúp nhà nghiên cứu có cái nhìn tổng quát và và hỗ trợ cho quá trình lựa chọn công cụ phù hợp trong nghiên cứu của mình.

 

 


Bảng 2. Tổng hợp các công cụ được sử dụng trong các nghiên cứu về xây dựng KNL nhân sự

Tên công cụ

Tác giả

Mô tả

Ưu/Nhược điểm của công cụ

Quan sát công việc

Dubios (1993); Rothwell & Kazanas (1998), Spencer & Spencer (1993), Parry (1996)

Quan sát trực tiếp nhân viên đang làm việc, xác định các năng lực cần có qua các hoạt động.

Ưu điểm: hiệu quả đối với những công việc chỉ sử dụng thao tác, rõ ràng, hữu dụng cho việc xác định kết quả NC.

Nhược điểm: tốn kém chi phí, hiệu suất thấp.

Phỏng vấn hành vi (BEIs)

Boyatzis (1982), Dubios (1993), Spencer&Spencer (1993)

Sử dụng một quy trình phỏng vấn chặt chẽ đối với các cá nhân có thành tích xuất sắc. Tập trung vào đặc điểm của các cá nhân, chứ không phải quy trình hay nội dung công việc. Phân tích định tính được sử dụng trước để xác định các đặc điểm tính cách của các nhóm PV. Sau đó, sử dụng phân tích định lượng để xác định những đặc tính khác biệt.

Ưu điểm: Có tính giá trị cao nên kết quả có thể sử dụng để ứng dụng trong hệ thống quản trị nhân lực, có thể phát hiện ra những năng lực mới, giúp loại bỏ những giả thuyết sai.

Nhược điểm: tốn kém về chi phí, và thời gian, người phỏng vấn phải được đào  tạo, phải sử dụng cả phân tích thống kê và định lượng, các công việc đã được xác định, không thể sử dụng trong bối cảnh tương lai, không ứng dụng phân tích cho nhiều công việc.

Phân tích chức năng, nhiệm vụ công việc

Spencer&Spencer (1993)

Nhân viên và người quan sát liệt kê danh sách các nhiệm vụ, hoạt động, chức năng của những người thực hiện công việc. Dữ liệu được thu thập thông qua bảng hỏi, phỏng vấn, nhóm chuyên gia, quan sát trực tiếp, sổ tay làm việc.

Ưu điểm: hoàn thiện được mô tả công việc, có thể kiểm định và xây dựng KNL dựa trên dữ liệu được thu thập bởi các phương pháp khác nhau.

Nhược điểm: tập trung vào đặc điểm công việc hơn là đặc điểm cá nhân, quá chi tiết.

Phương pháp nhóm đại diện (Focus group)

Dubios (1993), Mclagan (1989), Rothwell& Kazanas (1998), Spencer (1993)

Nhà nghiên cứu sử dụng đa dạng các phương pháp đối với nhóm đại diện để xác định năng lực và phát triển KNL như: tư duy logic, thảo luận.

Ưu điểm: tiết kiệm thời gian, khuyến khích sự tham gia về dài hạn, tạo cơ hội xây dựng tinh thần làm việc nhóm và trao đổi, những người tham gia sẽ được trau dồi kiến thức.

Nhược điểm: Có thể 40-50% các năng lực sẽ bị bỏ qua so với phương pháp truyền thống, việc tập hợp nhóm có thể gặp khó khăn, tốn kém chi phí, có thể gặp khó khăn để thống nhất ý kiến trong nhóm do các cá nhân làm việc trong các lĩnh vực, công việc khác nhau.

Khảo sát

Dubios (1993), Spencer&Spencer (1993), Parry (1996)

Thực hiện khảo sát để thu thập thông tin năng lực từ các cá nhân có thông tin liên quan giá trị.

Ưu điểm: đỡ tốn kém chi phí, thu thập dữ liệu nhanh và hiệu quả với số lượng lớn.

Nhược điểm: Danh mục các năng lực có thể chưa hoàn thiện, sự giới hạn các câu hỏi khiến không thể xác định những năng lực phát sinh ngoài dự kiến của bảng hỏi, người trả lời chọn các năng lực dựa trên điều họ cho là đúng chứ không phải trên thực tế.

Kỹ thuật Delphi

Rothwell& Kazanas (1998)

Phương pháp này đưa ra các câu hỏi sẵn cho các thành viên trong nhóm trao đổi, rồi thu thập thông tin về các năng lực được xác định qua thảo luận.

Ưu điểm: tương đối nhanh, không yêu cầu phải thảo luận mặt đối mặt, tìm kiếm được những quan điểm khác biệt, giúp các thành viên có thời gian suy nghĩ đưa ra quan điểm của mình.

Nhược điểm: tốn kém về thời gian và chi phí.

Sử dụng danh mục năng lực hiện có, hay từ điển năng lực

Dubios (1993)

Sử dụng từ điển năng lực, hay danh mục năng lực được công bố tại các hội thảo, sách, tạp chí.

Ưu điểm: nhanh, có độ tin cậy cao, gần đạt tới tiêu chuẩn ngành nghề.

Nhược điểm: ngôn ngữ sử dụng quá chung chung, danh mục năng lực này có thể chưa hoàn thiện, có thể tốn kém chi phí để mua các kết quả NC về danh mục năng lực này.

Phần mềm máy tính

Spencer (1993), Leslie (2002), Kim & Hong (2005), Murale V. (2011)

Các phần mềm được sử dụng để kiểm định định lượng các thang đo năng lực trong KNL, mối quan hệ các yếu tố trong mô hình KNL. Các phần mềm được sử dụng rất đa dạng như Excel, SPSS, AMOS, ANOVA…

Ưu điểm: nhanh, có độ tin cậy cao.

Nhược điểm: không khám phá sâu được vấn đề nghiên cứu, đặc biệt để phát hiện ra những yếu tố mới trong vấn đề nghiên cứu.

Nguồn: Tác giả tổng hợp


2.4. Các bước xây dựng khung năng lực nhân sự

Việc triển khai xây dựng KNL nhân sự trong tổ chức thường được thực hiện với quy trình gồm nhiều bước. Các bước thực hiện và trình tự thực hiện phụ thuộc nhiều vào phương pháp tiếp cận và công cụ sử dụng để thu thập dữ liệu trong quá trình xây dựng KNL. Dựa trên các nghiên cứu lý thuyết về KNL nhân sự của Spencer (1993), Lucia (1999), Draganidis (2006), tác giả nhận thấy quá trình xây dựng KNL nhân sự gồm các bước chính sau (1) thiết lập tiêu chí thành tích và mẫu nghiên cứu, (2) lập nhóm nghiên cứu, (3) đánh giá nhu cầu và các thông tin nền tảng có sẵn, (4) thu thập dữ liệu và thiết lập KNL ban đầu, (5) kiểm tra chéo và sửa lại mô hình, (6) kiểm định mô hình, (7) kết luận.

2.5. Thực tiễn phương pháp xây dựng khung năng lực nhân sự quản lý kinh doanh

Thực tiễn các phương pháp xây dựng KNL cho vị trí nhân sự quản lý kinh doanh đã được tiến hành ở nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước. Mỗi nghiên cứu đã lựa chọn cách tiếp cận xây dựng KNL, các công cụ thực hiện và các bước tiến hành khác nhau. Việc tổng hợp phương pháp xây dựng KNL trong các nghiên cứu trong và ngoài nước sẽ giúp nhà nghiên cứu tìm ra đặc điểm chung trong quá trình thực hiện nghiên cứu và sự khác biệt trong việc lựa chọn các cách tiếp cận, công cụ và các bước tiến hành nghiên cứu xây dựng KNL nhân sự quản lý kinh doanh (xem chi tiết bảng 3). Nghiên cứu thực tiễn cho thấy, cách tiếp cận xây dựng KNL nhân sự quản lý kinh doanh được phần lớn các nhà nghiên cứu lựa chọn là cách tiếp cận dựa trên nghiên cứu và KNL có sẵn và sửa đổi. Phương pháp này tiết kiệm thời gian, kết quả được ghi nhận rộng rãi vì KNL đã được kiểm định giúp cho kết quả nghiên cứu mang độ tin cậy cao. Bên cạnh đó, các nghiên cứu khởi đầu về KNL nhân sự thường sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính, và các nghiên cứu sau đó được kết hợp giữa phương pháp định tính và phương pháp định lượng.

Dựa trên các nghiên cứu thực tiễn về KNL nhân sự quản lý kinh doanh, các nghiên cứu cũng chỉ ra quá trình xây dựng KNL nhân sự quản lý kinh doanh gặp nhiều thách thức. Favia (2010) đã chỉ ra những thách thức gặp phải như cần cân bằng giữa tốc độ và tính chặt chẽ, nguồn lực cần có so với nguồn lực sẵn có. Herbison (2013) cho rằng có ba thách thức lớn gồm sự mơ hồ về các thuật ngữ và định nghĩa về các năng lực, khung năng lực thường hướng về hoạt động trong quá khứ, và sự đánh đổi giữa tính chặt chẽ và thời gian. Busch (2012) đã đưa ra lời khuyên rằng phụ thuộc vào môi trường làm việc và doanh nghiệp, mà mỗi nhóm chỉ nên có từ 7 đến 9 năng lực cho mỗi chức danh vì nếu quá nhiều sẽ khiến doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong quá trình đánh giá năng lực.

 

Bảng 3. Thực tiễn phương pháp xây dựng KNL nhân sự quản lý kinh doanh trong các nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam

Tên tác giả

Mục tiêu nghiên cứu

Phương pháp tiếp cận xây dựng KNL

Công cụ sử dụng xây dựng KNL

Các bước tiến hành xây dựng KNL

Busch (2012)

Xác định danh mục năng lực nhà quản lý kinh doanh cấp 1 trong các tổ chức lợi nhuận tại Mỹ

(1) Xây dựng mới KNL

(2) Cách tiếp cận dựa trên nghiên cứu

(1) Phương pháp Delphi

 

(1) thiết kế câu hỏi, (2) thu thập dữ liệu, (3) phân tích dữ liệu, (4) thảo luận và kết luận danh mục NL.

Favia (2010)

Xây dựng KNL nhân sự quản lý kinh doanh trong các DN B2B tại Mỹ

(1) Tiếp cận dựa trên KNL có sẵn và sửa đổi

(2) Tiếp cận dựa trên nghiên cứu

(1) Phỏng vấn hành vi

(1) lập nhóm nghiên cứu, (2) xác định các tiêu chí đo lường hiệu quả công việc, (3) thu thập và xử lý dữ liệu, (4) phát triển danh mục NL, (5) định nghĩa NL và xác định các biểu hiện hành vi, (6) thiết lập KNL.

Herbison (2013)

Xây dựng KNL cho nhân sự quản lý kinh doanh cấp 1 trong ngành Dịch vụ tài chính- Bảo hiểm tại Mỹ.

(1) Tiếp cận dựa trên KNL có sẵn và sửa đổi

(2) Tiếp cận dựa trên nghiên cứu

(1) Phỏng vấn hành vi

(2) Thảo luận nhóm

(3) Phân tích định lượng (thống kê mô tả)

(1) lập nhóm nghiên cứu, (2) xác định các tiêu chí đo lường hiệu quả công việc, (3) xây dựng danh mục NL, (4) viết định nghĩa NL và xác định biểu hiện hành vi, (5) phân tích số liệu, (6) phát triển bộ KNL.

Pham Quoc Luyen (2015)

Xây dựng KNL nhân sự quản lý kinh doanh trong các doanh nghiệp B2B tại Hồ Chí Minh

(1) Tiếp cận dựa trên KNL có sẵn

(2) Tiếp cận dựa trên nghiên cứu

(1) Danh mục NL có sẵn

(2) Bảng hỏi khảo sát

(2) Phần mềm ANOVA

(1) lựa chọn KNL, (2) thu thập dữ liệu, (3) phân tích và xử lý dữ liệu, (4) kiểm định giả thuyết NC, (5) đề xuất và ứng dụng.

Mai Thanh Lan và cộng sự (2014)

Xây dựng KNL lãnh đạo quản lý của nhà quản trị cấp cao trong doanh nghiệp giai đoạn tái cấu trúc ở Việt Nam.

(1) Tiếp cận dựa trên KNL có sẵn và sửa đổi

(2) Tiếp cận dựa trên nghiên cứu

(1) Danh mục NL  sẵn có

(2) Từ điển năng lực

(3) Bảng hỏi khảo sát

(4) Phần mềm Excel

(1) NC lý thuyết tổng quan, (2) xác định danh mục năng lực sơ bộ, (3) thiết kế bảng hỏi, (4) thu thập dữ liệu, (5) xử lý dữ liệu, (6) kết luận danh mục NL.

Đỗ Vũ Phương Anh (2016)

Xây dựng KNL nhân sự quản lý cấp trung trong các DN ngoài quốc doanh tại Việt Nam.

(1) Xây dựng mới KNL

(2) Tiếp cận dựa trên nghiên cứu

(1) Phỏng vấn chuyên gia

(2) Bảng hỏi khảo sát

(3) Bảng mô tả công việc

(4) Từ điển năng lực

(1) NC tổng quan lý thuyết, (2) xác định danh mục NL sơ bộ, (3) lấy ý kiến chuyên gia, (4) hiệu chỉnh danh mục NL, (5) thiết kế phiếu khảo sát, (6) thu thập dữ liệu, (7) xử lý dữ liệu, (8) kết luận KNL và ứng dụng.

Nguồn: Tác giả tổng hợp

 

 

  1. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Thiết kế nghiên cứu

Với mục tiêu nghiên cứu đề xuất quy trình xây dựng KNL nhân sự quản lý kinh doanh trong các DN Việt Nam, bài viết tập trung nghiên cứu ba nội dung chính gồm (i) Cơ sở lý luận và thực tiễn về phương pháp xây dựng KNL nhân sự quản lý kinh doanh; (ii) Xác định phương pháp nghiên cứu trong xây dựng KNL nhân sự quản lý kinh doanh; (iii) Đề xuất quy trình xây dựng KNL nhân sự quản lý kinh doanh được thể hiện ở hình 1.

Hình 1. Thiết kế nghiên cứu đề xuất quy trình xây dựng KNL nhân sự quản lý kinh doanh

Cơ sở lý luận và thực tiễn về phương pháp xây dựng KNL nhân sự quản lý kinh doanh

 

Phương pháp tiếp cận xây dựng KNL

ĐỀ XUẤT QUY TRÌNH XÂY DỰNG KNL NHÂN SỰ QUẢN LÝ KINH DOANH

Các công cụ sử dụng xây dựng KNL

Các bước thực hiện xây dựng KNL

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn: Tác giả xây dựng

3.2 Các phương pháp nghiên cứu

Phương pháp phân tích tài liệu là phương pháp nghiên cứu tài liệu theo một chủ đề đã được xác định đó là phương pháp xây dựng KNL, trong đó, tách ra thành các nội dung chi tiết gồm phương pháp tiếp cận, công cụ sử dụng, các bước thực hiện xây dựng KNL nhân sự quản lý kinh doanh. Các nội dung này được sử dụng các công cụ phù hợp để truy tìm các thông tin, tìm hiểu chúng một cách sâu sắc hơn, phục vụ cho việc nghiên cứu. Thông qua các phân tích về hình thức, nội dung, xuất xứ, tác giả, nơi công bố, hình thức công bố, thời gian công bố… để xác định độ tin cậy mà xử lý tài liệu hướng theo mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu.

Phương pháp tổng hợp tài liệu là phương pháp liên kết từng chi tiết, từng bộ phận của thông tin thu thập được, thông qua các nguồn tài liệu khác nhau, nhằm khái quát hóa chủ đề nghiên cứu là đề xuất quy trình xây dựng KNL nhân sự quản lý kinh doanh. Tổng hợp tài liệu được thực hiện trên cơ sở các tài liệu đã được phân tích khá chi tiết, giúp có những thông tin tổng quát, đầy đủ, toàn diện về nội dung nghiên cứu. Tổng hợp tài liệu giúp cho việc xác định tính tương thích của tài liệu so với mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu.

  1. Đề xuất quy trình xây dựng KNL nhân sự quản lý kinh doanh

4.1. Phương pháp tiếp cận xây dựng KNL nhân sự quản lý kinh doanh

Không có phương pháp tiếp cận xây dựng KNL nhân sự nào mà không có những nhược điểm hay hạn chế. Sự chặt chẽ trong nghiên cứu phụ thuộc rất lớn vào thời gian và nguồn lực sẵn có của nhà nghiên cứu (Dubios, 2004). Việc triển khai, thực hiện và kiểm định nghiên cứu có thể sẽ tốn nhiều nhân lực và mất nhiều năm khi tiến hành nghiên cứu tại các ngành hay tổ chức lớn. Những thách thức chính mà nhà nghiên cứu phải đối mặt trong quá trình thực hiện như cân đối giữa tốc độ thực hiện và tính chặt chẽ của nghiên cứu, giữa nguồn lực cần có so với nguồn lực sẵn có, những rào cản của các bên tham gia trong quá trình nghiên cứu (Dubios, 2004).

Nghiên cứu lựa chọn cách tiếp cận xây dựng KNL dựa trên KNL có sẵn và sửa đổi của Rothwell & Lindholm (1999). Cách tiếp cận này sẽ không quá tốn kém về thời gian và nguồn lực cần huy động để xây dựng và triển khai kế hoạch nghiên cứu. Bởi các năng lực cho nhân sự quản lý kinh doanh yêu cầu khá nhiều, trong khi đó những nghiên cứu lý thuyết và thực tiễn về vấn đề này đã được thực hiện phần nào. Phương pháp tiếp cận dựa trên KNL có sẵn và sửa đổi sẽ rất hiệu quả trong việc kế thừa các nghiên cứu về KNL và sửa đổi KNL nhân sự quản lý kinh doanh phù hợp với bối cảnh tại các DN Việt Nam. Do vậy, nghiên cứu của tác giả sẽ dựa trên nguyên tắc kế thừa các kết quả nghiên cứu tại Việt Nam và trên thế giới, và áp dụng quy tắc tính thống nhất giữa các nghiên cứu để xây dựng nội dung và hướng nghiên cứu, triển khai kế hoạch nghiên cứu của mình.

            Bên cạnh đó, tác giả lựa chọn các tiếp cận dựa trên nghiên cứu của Briscoe & Hall (1999). Bởi đây sẽ là cách tiếp cận phù hợp khi tác giả là một nhà nghiên cứu tại trường đại học, với kiến thức và kinh nghiệm, tác giả hy vọng kết quả nghiên cứu của mình có thể được các tổ chức và DN áp dụng KNL nhân sự quản lý kinh doanh cho các vị trí quản lý trong DN.

4.2. Các công cụ xây dựng KNL nhân sự quản lý kinh doanh

Dựa trên nghiên cứu lý thuyết và thực tiễn, tác giả nhận thấy công cụ phù hợp để xây dựng KNL nhân sự quản lý kinh doanh trong các DN tại Việt Nam gồm:

(1) Phỏng vấn nhóm có định hướng (Focus group): nghiên cứu tiến hành phỏng vấn một nhóm các chuyên gia trong ngành nhân sự và các nhà quản lý kinh doanh tại các DN Việt Nam. Phương pháp phỏng vấn nhóm có định hướng được áp dụng dưới nhiều hình thức như phỏng vấn trực tiếp, qua điện thoại và qua thư điện tử (email).

(2) Bảng hỏi khảo sát: đây là phương pháp thu thập dữ liệu sơ cấp phổ biến nhằm lấy ý kiến của các đối tượng được mời khảo sát theo số đông. Ưu điểm của phương pháp này là có thể đưa ra những nghiên cứu khách quan dựa trên kết quả trả lời của người được hỏi. Tuy nhiên, khi triển khai điều tra, cần lưu ý tới chi phí, thời gian và việc lựa chọn mẫu nghiên cứu phù hợp.

(3) Phỏng vấn hành vi (BEIs): Nghiên cứu sẽ sử dụng hình thức phỏng vấn hành vi để có cái nhìn rõ hơn về biểu hiện hành vi của đội ngũ quản lý kinh doanh trong các DN, từ đó đánh giá các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, thái độ biểu hiện qua hành vi và xác định các cấp độ chuẩn của các hành vi đó. Bên cạnh đó, công cụ nay có thể giúp luận giải vì sao vị trí này lại cần các năng lực đó cho việc hoàn thành tốt công việc.

(4) Phân tích công việc: là quá trình thu thập thông tin về nhiệm vụ, trách nhiệm trong công việc của vị trí nhân sự quản lý kinh doanh, và tìm hiểu các yêu cầu kiến thức, kỹ năng, thái độ của nhân sự quản lý kinh doanh khi đảm nhận công việc này trong các DN Việt Nam. Thông tin được thu thập qua các tài liệu nội bộ của DN như bảng mô tả công việc, kết quả đánh giá thành tích, hệ thống mục tiêu (KPI) của cá nhân và bộ phận.

(5) Danh mục năng lực sẵn có, và từ điển năng lực: là các danh mục năng lực sẵn có về nhân sự quản lý kinh doanh được tổng hợp qua các nghiên cứu lý thuyết và thực tiễn trên thế giới và tại Việt Nam. Các từ điển năng lực như từ điển năng lực của Harvard, từ điển năng lực của Hay Group, sổ tay bản đồ năng lực của Seema Sanghi (2000), tiêu chuẩn nghề nghiệp quốc tế của tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

(6) Phần mềm SPSS: Nghiên cứu sử dụng phần mềm SPSS để kiểm định các thang đo trong KNL nhân sự quản lý kinh doanh trong giai đoạn đầu phác thảo, sau đó điều chỉnh khi đã đánh giá được độ tin cậy của các thang đo (qua hệ số Cronbach Alpha) và đánh giá giá trị hội tụ và phân kỳ của các thang đo trong KNL (sử dụng phân tích EFA, CFA).

4.3. Quy trình xây dựng KNL nhân sự quản lý kinh doanh

Dựa trên nguyên tắc kế thừa và tính thống nhất trong các nghiên cứu trong và ngoài nước, quy trình xây dựng KNL nhân sự quản lý kinh doanh được tác giả đề xuất gồm 9 bước với các nội dung thực hiện từng bước và các công cụ sẽ được sử dụng trong quá trình thực thiện (xem chi tiết bảng 4). Với quy trình xây dựng KNL được đề xuất này sẽ giúp nhà nghiên cứu thu thập được thông tin chính xác, đầy đủ, đạt được tính tin cậy và tính giá trị, từ đó giúp đạt được mục tiêu nghiên cứu đề ra.

Bảng 4. Quy trình xây dựng KNL nhân sự quản lý kinh doanh

Các bước

Tên

Nội dung

Công cụ sử dụng

 

Bước 1

Thành lập nhóm phụ trách xây dựng KNL

Đầu tiên, thành lập một nhóm nghiên cứu gồm các chuyên viên nhân sự, các chức danh nhân sự quản lý kinh doanh, những nhân viên am hiểu sâu sắc về công việc, các chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực nhân sự. Nhóm sẽ chịu trách nhiệm thảo luận để thiết lập quá trình xây dựng KNL.

Phỏng vấn nhóm có định hướng

 

 

Bước 2

Xây dựng dữ liệu tiêu chuẩn công việc và lựa chọn mẫu điều tra

 

Xác định các mức độ khác nhau làm căn cứ phân loại những cá nhân có thành tình vượt trội, tối thiểu và trung bình cho các vị trí công việc thuộc mô hình.

Phân tích công việc (dựa vào bảng MTCV, kết quả đánh giá thành tích, hệ thống mục tiêu-KPI cá nhân, bộ phận)

 

 

Bước 3

Xây dựng danh sách dự kiến các năng lực

Nhóm phát triển danh sách sơ bộ các năng lực cần thiết. Việc xác định các năng lực không nhất thiết phải xây dựng mới từ đầu, mà kế thừa kết quả nghiên cứu về KNL nhân sự quản lý kinh doanh từ các NC khác.

- Danh mục năng lực sẵn có - Từ điển năng lực

- Phỏng vấn nhóm có định hướng

 

Bước 4

Định nghĩa các năng lực và các cấp độ năng lực (chỉ số hành vi)

Thông tin về năng lực và các cấp độ năng lực biểu hiện hành vi được tổng hợp theo từng nhóm các năng lực

- Danh mục năng lực sẵn có

- Từ điển năng lực

- Phỏng vấn hành vi

- Bảng hỏi khảo sát về KNL (sơ bộ)

 

 

Bước 5

Phác thảo mô hình năng lực

Nhóm NC sẽ phác thảo KNL dựa trên thông tin đã được thu thập ở giai đoạn trước, thực hiện phân tích định lượng từ kết quả khảo sát và phân tích các nội dung thu được từ phỏng vấn cá nhân và phỏng vấn nhóm.

Sử dụng phần mềm SPSS (EFA)

 

 

Bước 6

Kiểm tra chéo mô hình năng lực phác thảo

Đánh giá độ chính xác của mô hình phác thảo là việc rất quan trọng, cần được tiến hành bằng cách thực hiện bổ sung phỏng vấn nhóm, phỏng vấn cá nhân hoặc tiến hành khảo sát, tập trung vào nhóm đối tượng quản lý và nhân viên chưa tham gia trong cuộc khảo sát giai đoạn trước.

- Phỏng vấn hành vi (BEIs)

- Bảng hỏi khảo sát về KNL (sửa đổi)

 

Bước 7

Điều chỉnh mô hình

Nhóm NC điều chỉnh lại KNL, sử dụng cùng công cụ phân tích đã dùng khi phác thảo KNL ban đầu.

Sử dụng phần mềm SPSS (EFA)

 

 

 

 

 

 

 

Bước 8

Đánh giá và phê duyệt mô hình

Để đánh giá, phê duyệt mô hình năng lực đã xây dựng, cần phải chuyển các năng lực đã phác thảo thành một bảng câu hỏi được sử dụng để đánh giá năng lực cá nhân. Đối tượng được lựa chọn để đánh giá nên gồm các lãnh đạo, những người có thành tích vượt trội nhằm mục đích phân loại những cá nhân có thành tích vượt trội và trung bình. Các cấp độ năng lực được phân loại trong bảng câu hỏi phải tương quan với các cấp độ của kết quả thực hiện công việc để đánh giá mức độ gắn kết với hiệu quả công việc của mỗi năng lực.

Bảng hỏi khảo sát (về đánh giá KNL đã xây dựng)

 

 

 

 

Bước 9

Hoàn thiện mô hình

Bước cuối cùng liên quan đến việc loại bỏ các năng lực không tương quan với công cụ đánh giá thành tích và hoàn thiện mô hình năng lực cuối cùng bám sát vào chức năng nhiệm vụ, kết quả đầu ra của các vị trí công việc cụ thể và đóng góp vào nâng cao hiệu quả công việc.

Thảo luận nhóm có định hướng

Nguồn: Đề xuất của tác giả

  1. Kết luận

Nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực kinh doanh cũng giống như nhiều lĩnh khác, để đảm bảo sự đúng hướng, mỗi đối tượng nghiên cứu cần có cách tiếp cận riêng với phương pháp nghiên cứu cụ thể và quy trình nghiên cứu được xác định. Xuất phát từ mục tiêu nghiên cứu, bài viết rút ra được phương pháp tiếp cận, nguyên tắc, công cụ, quy trình xây dựng KNL nhân sự quản lý kinh doanh. Quy trình xây dựng KNL được thiết lập là giai đoạn quan trọng giúp tác giả triển khai các hướng nghiên cứu tiếp theo về xây dựng cấu trúc KNL nhân sự quản lý kinh doanh, xây dựng thang đo về năng lực, xác định cấp độ chuẩn từ đó đề xuất danh mục năng lực để nghiên cứu. Các yếu tố này giúp nghiên cứu hình thành KNL hoàn chỉnh cho nhân sự quản lý kinh doanh và từ đó đưa ra các giải pháp ứng dụng thành công KNL nhân sự quản lý kinh doanh trong công tác quản lý nhân lực.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Boyatzis, R. (1982), The competent manager: A model for effective performance, Wiley & Sons, New York.
  2. Briscoe, J. P., & Hall, D.T. (1999), An alternative approach and new guidelines for practice. Organizational Dynamics, 28(2), 37-52.
  3. Busch, T. K. (2012), Determining Competencies for Frontline Sales Managers in For-Profit Organizations, truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2018 từ http://oaktrust.library.tamu.edu/bitstream/handle/1969.1/ETD-TAMU-2012-05-10960/BUSCH-DISSERTATION.pdf?sequence=2
  4. Cron, W. L. & DeCarlo, T. E. (2009), Dalrymple’s sales management (10th ed.), John Wiley & Sons, Danvers.
  5. Derue, D. S., Nahrgang, J. D., Wellman, N., & Humphrey, S. E. (2011), Trait and behavioral theories of leadership: An integration and meta-analytic test of their relative validity, Personnel Psychology, 64(1), 7-52.
  6. Draganidis and Mentzas. (2006), Competency based management: a review of systems and approaches, Information Management & Computer Security, Vol. 14, No. 1, 51-64.
  7. Dubois, D. D. (1993), Competency-based performance improvement: A strategy for organizational change, HRD Press,
  8. Dubois, D. D., Rothwell, W. J., Stern, D. J., & Kemp, L. K. (2004), Competency-based human resource management, Davies-Black Publishing, Palo Alto.
  9. Đỗ Vũ Phương Anh (2016), Nghiên cứu ứng dụng khung năng lực vào đánh giá nhân sự quản lý cấp trung trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh Việt Nam, LATS, ĐH Quốc gia Hà Nội.
  10. Favia, M. J. (2010), An initial competency model for sales managers at fifteen B2B organizations, truy cập vào ngày 15 tháng 3 năm 2018 từ http://search.proquest.com/docview/746616237?accountid=28180. (746616237).
  11. Herbison, G. J. (2013), A focused and learnable competency model for the front-line sales managers at a U.S. life insurance-based financial services company, truy cập vào ngày 15 tháng 3 năm 2018 từ http://search.proquest.com/docview/1440111855?accountid=63189. (1440111855).
  12. Kahle, D. (2005), What’s a professional slaes manager?, Agency Sales, 35(1), 51-54.
  13. Kim, S. and Hong J. (2005), The relationship between salesperson competencies and performance in the Korean pharmaceutical industry, Management Revue, 16(2), 259-270.
  14. Leslie J., B. (2002), Managerial effectiveness in a global context. A Center for Creative Leadership-CCL, truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2018 từ https://www.ccl.org/wp-content/uploads/2015/04/ccl_managerialeffectiveness.pdf.
  15. Lucia, A. D., & Lepsinger, R. (1999), The art and science of competency models: Pinpointing critical success factors in organizations, Jossey-Bass/Pfeiffer, San Francisco.
  16. Mai Thanh Lan và Tạ Duy Hùng (2014), Khung năng lực lãnh đạo, quản lý của nhà quản trị cấp cao trong DN giai đoạn tái cấu trúc ở Việt Nam, thực trạng và giải pháp, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số 206 (II) (8/2014).
  17. Mc Clelland, D. (1973), Testing for competence rather than for “intelligence”, American Psychologist, 29(1), 1-14.
  18. McLagan, P. (1989), Models for HRD practice, Training and Development Journal, 43(9), 49-59.
  19. Murale V. and Preetha R. (2011), Middle Level Managers: Competency and Effectiveness, Journal of Indian Management, 38-50.
  20. Parry, S. B. (1996), The quest for competencies, Training, 33(7), 48-55.
  21. Pham Quoc Luyen (2015), Competencies of first-line sales managers of business to business market for curriculum development in Ho Chi Minh city, Vietnam, truy cập ngày 10 tháng 4 năm 2018 từ http://www.aarf.asia/published-thesis.php
  22. Rothwell, W., & Kazanas, H. (1998), Mastering the instructional design process: a systematic approach, Jossey-Bass, San Francisco.
  23. Rothwell, W., & Lindholm, J. (1999), Competency identification, modeling and assessment in the USA, International Journal of Training & Development, 3(2), 90.
  24. Spencer, L. M., & Spencer, S. M. (1993), Competence at work. John Wiley & Sons, New York.
  25. Ulrich, D. (1997), Human Resource Champions: Next Agenda for Adding Value and Defining Results, Harvard Business School Press, Boston.

 

 

 

 

 

 

 

[1]  Bài viết thuộc đề tài cấp cơ sở, mã số NTCS2018-13

[2] Trường Đại học Ngoại thương, Email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó.

TÁC ĐỘNG CỦA TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG ĐẾN LỢI NHUẬN CỦA CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VIỆT NAM

Đặng Văn Dân[1]

Tóm tắt

Bài viết nhằm mục đích phân tích tác động của tăng trưởng tín dụng đến lợi nhuận của các ngân hàng thương mại Việt Nam. Để đo lường chỉ số lợi nhuận, biến phụ thuộc ROA được xem xét trong khi biến giải thích chính là tốc độ tăng trưởng tín dụng hàng năm cùng các biến trễ của nó. Nhiều phân tích thống kê đã được tiến hành trên dữ liệu ngân hàng từ năm 2008 đến năm 2017 trên mẫu nghiên cứu đã loại trừ những ngân hàng sáp nhập, hợp nhất hay hoạt động yếu kém, bị mua lại. Kết quả đã tìm thấy rằng tăng trưởng tín dụng có tác động cùng chiều đến lợi nhuận của các ngân hàng thương mại Việt Nam năm hiện hành, tuy nhiên về dài hạn thì tác động này đã đảo chiều và gây áp lực tiêu cực đến lợi nhuận ngân hàng. Kết quả cũng cho thấy quy mô và tỷ lệ vốn chủ sở hữu ngân hàng cũng có ảnh hưởng tích cực đến lợi nhuận ngân hàng.

Từ khóa: Lợi nhuận, Ngân hàng thương mại, Tăng trưởng tín dụng, Việt Nam

Abstract

The paper aims to analyze the impact of credit growth on the return of Vietnamese commercial banks. To measure the bank return ratio, the ROA dependent variable is considered while the explanatory variable is its annual credit growth rate and its lags. Numerous statistical analyzes were conducted on banking data from 2008 to 2017 on the sample that eliminated mergers, acquisitions or poor-performance banks. The results have shown the positive effect of credit growth on return of Vietnamese commercial banks in the current year, however this impact reversed and put negative pressure on bank return in the long run. The results also reveal that the scale and ratio of bank equity also has a positive effect on bank return.

Keywords: Commercial bank, Credit growth, Return, Vietnam

  1. Giới thiệu

Tại Việt Nam, trong những năm qua có thể thấy tín dụng ngân hàng đã luôn có những đóng góp rất quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết nhu cầu đầu tư của một bộ phận không nhỏ nguồn lực phát triển trong xã hội. Nhìn chung nền kinh tế trong giai đoạn này duy trì tỷ lệ đòn bẩy tín dụng ở mức cao, mức độ mà nhiều tổ chức quốc tế cảnh báo là tiềm ẩn rủi ro đối với lạm phát và ổn định vĩ mô. Theo đó, kênh tín dụng được xem là quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ và từ lâu tốc độ tăng trưởng tín dụng được xem là chỉ số quan trọng với tổng thể nền kinh tế.

Sau giai đoạn tín dụng tăng trưởng nóng và bộc lộ nhiều rủi ro, kể từ năm 2012 Ngân hàng Nhà nước đã bắt đầu kiểm soát chặt lại chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng để chủ động trong công tác điều hành. Từ đó đến nay, hàng năm Ngân hàng Nhà nước đều xem xét tình hình tài chính và hoạt động của mỗi ngân hàng thương mại trong hệ thống, giao từng chỉ tiêu cụ thể để phù hợp hơn với tình hình thực tế. Về phía các ngân hàng thương mại, những năm gần đây hướng dịch chuyển trong kinh doanh cũng đang hình thành rõ nét hơn, không chỉ hoàn toàn lệ thuộc vào tín dụng truyền thống như trước, cơ cấu thu của nhiều thành viên đã mở rộng và nâng cao hơn tỷ trọng thu từ dịch vụ. Tuy vậy, với đặc thù của hoạt động kinh doanh ngân hàng là huy động vốn và cho vay lại thì có thể thấy, nếu nhìn vào báo cáo tài chính của các ngân hàng sẽ nổi bật lên tỷ trọng thu nhập từ cho vay.

Bên cạnh đó, với bối cảnh cạnh tranh kinh doanh giữa các ngân hàng, việc mở rộng cho vay và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng tín dụng gần như là điều bất cứ ngân hàng nào bắt buộc phải làm nhằm mục tiêu đạt được lợi nhuận cao. Tuy vậy, vấn đề tăng trưởng tín dụng này được đánh giá có tính hai mặt, liệu có thực chất là mở rộng cho vay đã đem lại hiệu quả thực và ổn định cho các ngân hàng biểu thị thông qua tỷ suất lợi nhuận thu về cao? Cũng chính từ những thực tế này mà việc tìm hiểu tác động thực tế của yếu tố tăng trưởng tín dụng đến lợi nhuận đạt được của các ngân hàng thương mại Việt Nam được xem là cần thiết, chính thông qua số liệu thực tế thu thập được tại hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam để tìm ra được kết quả tác động trong giai đoạn nghiên cứu và định hình được hướng đi cho tương lai.

  1. Cơ sở lý luận và thực nghiệm

Hoạt động cối lõi của các ngân hàng là huy động vốn từ những chủ thể có nguồn tiền nhàn rỗi và sử dụng nguồn vốn này để cho vay, từ đó ngân hàng sẽ có nguồn thu nhập từ lãi. Mặc dù hiện nay các ngân hàng chủ trương tiến hành mở rộng và đa dạng các loại hình dịch vụ làm tăng nguồn thu, thu nhập từ các khoản cho vay vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nguồn thu của ngân hàng, vì thế cho vay vẫn là hoạt động trọng tâm trong kinh doanh ngân hàng. Dễ thấy nhất khi ngân hàng đẩy nhanh hoạt động cho vay, tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt được ở mức cao, có thể giúp các ngân hàng mở rộng thị phần, gia tăng lợi nhuận, cải thiện kết quả kinh doanh.

Tuy vậy, tăng trưởng tín dụng cao có khả năng đi kèm với các quyết định cho vay kém và qua đó tác động tiêu cực đối với lợi nhuận của ngân hàng, thậm chí cả nền kinh tế. Rajan (1994) cho rằng các tiêu chuẩn cho vay giảm là kết quả của các ưu đãi ngắn hạn bắt nguồn từ các nhà quản lý ngân hàng, những người vốn thường hướng đến các mục tiêu tăng trưởng nhanh trong ngắn hạn hơn là các cổ đông. Vấn đề về chi phí đại diện này rõ ràng cho thấy hành động hướng đến lợi nhuận trước mắt cho các nhà quản lý ngân hàng trong ngắn hạn, bỏ qua vấn đề chất lượng tín dụng trong tương lai, điều này làm nảy sinh quá trình hạ thấp các tiêu chuẩn cho vay. Berger & Udell (2004) lập luận liên quan đến “giả thuyết về bộ nhớ thể chế”. Điều này có nghĩa là khi nhân viên ngân hàng bắt đầu quên đi những giai đoạn căng thẳng trước đó, các tiêu chuẩn tín dụng được nới lỏng. Theo đó, nhóm tác giả này cho rằng việc cho vay của ngân hàng là một quá trình theo chu kỳ, khi mà các tiêu chuẩn cho vay giảm trong thời gian bùng nổ tín dụng và tăng lên trong thời kỳ tín dụng thoái trào. Trong khi đó Dell'Ariccia & Marquez (2006) nhận thấy rằng khi cạnh tranh giữa các ngân hàng tăng lên, các ngân hàng hạ thấp các tiêu chuẩn cho vay của họ với mục tiêu tăng trưởng. Điều này dẫn đến một trạng thái mà ở đó danh mục cho vay ngân hàng xấu đi, lợi nhuận thấp hơn và nguy cơ mất ổn định tài chính lớn hơn. Nhìn chung có thể thấy, tăng trưởng tín dụng nhanh chóng thường đi kèm với việc các ngân hàng hạ thấp các tiêu chuẩn cho vay, từ đó hiệu quả hoạt động của ngân hàng cho vay bị ảnh hưởng tiêu cực sau đó.

Có nhiều nghiên cứu thực nghiệm nhằm tìm ra tác động của tăng trưởng tín dụng đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng được thực hiện bởi nhiều học giả tại các quốc gia trên thế giới. Nhóm nghiên cứu của Foos & cộng sự (2010) phát hiện rằng tăng trưởng tín dụng có tác động tiêu cực đến thu nhập lãi được điều chỉnh rủi ro. Do đó các tác giả kết luận rằng tăng trưởng cho vay là một động lực quan trọng của hiệu quả hoạt động của các ngân hàng. Một nghiên cứu điển hình khác là của Paul & cộng sự (2016), bao gồm một mẫu của 31 ngân hàng thương mại Kenya được chọn trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2015. Với dữ liệu cả sơ cấp và thứ cấp được sử dụng, nghiên cứu chỉ ra rằng sự tăng trưởng trong danh mục cho vay của ngân hàng có tác động tích cực nhưng không đáng kể đến hiệu quả tài chính của các ngân hàng thương mại trong năm hiện tại, nhưng tác động tiêu cực trong những năm tiếp theo với mức ý nghĩa đáng kể.

Trong số các học giả phát triển đề tài này phải kể đến nhóm Fahlenbrach & cộng sự (2016) đã tiến hành phân tích ở cấp độ hệ thống ngân hàng của các ngân hàng Mỹ từ năm 1973 đến năm 2014. Họ nhận thấy rằng từ năm 1973 đến năm 2014 các ngân hàng Mỹ có tăng trưởng tín dụng cao trong một năm nhất định, hoạt động kém hiệu quả trong ba năm tới. Vì vậy, họ cho rằng các ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng tương đối chậm có kết quả hoạt động tốt hơn đáng kể so với các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng tương đối nhanh. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng có tác động tích cực đến ROA và tác động tiêu cực đến các khoản dự phòng rủi ro cho vay trong ngắn hạn. Về lâu dài, hiệu ứng trên ROA và các khoản dự phòng rủi ro không được duy trì.

Một cách tổng quát hơn, nhiều tài liệu học thuật về tác động của tăng trưởng nhanh đến lợi nhuận cho thấy rằng các công ty tăng trưởng nhiều hơn có lợi nhuận thấp hơn sau đó. Điển hình như nghiên cứu của Hou & cộng sự (2014), cho thấy rằng các công ty tăng trưởng nhiều hơn có lợi nhuận sau đó thấp hơn. Hơn nữa, một nghiên cứu của Cooper & cộng sự (2008) kết luận rằng tốc độ tăng trưởng tài sản là những yếu tố dự đoán mạnh mẽ về lợi nhuận bất thường trong tương lai. Liên hệ với nội dung đang nghiên cứu có thể thấy tồn tại một số khác biệt quan trọng so với các nghiên cứu này. Đầu tiên, bài nghiên cứu của tác giả không liên quan đến đầu tư mà tập trung vào danh mục cho vay của ngân hàng. Thứ hai, nghiên cứu này cũng không liên quan đến hoạt động sản xuất. Mặc dù có những khác biệt này, những phát hiện của các nghiên cứu vừa đề cập đã khơi gợi sự đồng thuận với những nghiên cứu về ngân hàng được dẫn ra trước đó rằng các công ty phát triển nhiều hơn có lợi nhuận sau đó thấp hơn so với các công ty cùng ngành.

  1. Phương pháp nghiên cứu

3.1 Mô hình nghiên cứu

Trong phạm vi nghiên cứu, tác giả sẽ xem xét tác động của tăng trưởng tín dụng đến lợi nhuận ngân hàng thông qua ước lượng theo mô hình tuyến tính tổng quát sau:

ROA­it = β0 + βkLGR­it-k + β4LGR­­­it + β5Size­­­it + β6Eqit + εt

Trong đó:

ROA: Biến đại diện cho lợi nhuận của ngân hàng, được sử dụng phổ biến trong nhiều nghiên cứu và được tính bằng cách lấy tổng lợi nhuận sau thuế trong năm chia cho tổng tài sản bình quân của ngân hàng (Deger & Adem, 2011; Bassey & Moses, 2015; Vuong & cộng sự, 2016). Đây là biến được giải thích của bài nghiên cứu. ROA là chỉ số lợi nhuận cho biết lợi nhuận ròng ngân hàng đạt được từ một đồng đầu tư vào tổng tài sản. Đây là thước đo hiệu quả sử dụng tài sản của ngân hàng trong đó ngụ ý rằng mọi tài sản đều là những khoản đầu tư. Một mức ROA thấp là kết quả của một chính sách cho vay không hiệu quả hoặc chi phí hoạt động của ngân hàng quá mức. Ngược lại, mức ROA cao phản ánh ngân hàng sử dụng một cơ cấu tài sản hợp lý, chính sách kinh doanh và đầu tư tài sản hiệu quả.

LGR: Biến đại diện cho tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngân hàng, được tính bằng số tăng (giảm) dư nợ năm nay chia cho dư nợ năm trước. Đây là biến giải thích chính của bài nghiên cứu. Độ trễ của biến nghiên cứu đến 3 năm (k = 1,2,3) cũng sẽ được đưa vào mô hình, theo gợi ý từ kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả Fahlenbrach & cộng sự (2016) khi phát hiện ra mối quan hệ đảo chiều của tăng trưởng tín dụng đến lợi nhuận ngân hàng 3 năm sau đó.

Size: Biến đại diện cho quy mô của ngân hàng, được tính bằng cách lấy logarit tự nhiên của tổng tài sản.

Eq: Biến đại diện cho tỷ lệ vốn chủ sở hữu của ngân hàng, được tính bằng cách lấy vốn chủ sở hữu chia cho tổng tài sản tại cùng thời điểm.

β0: Hệ số chặn của mô hình; εt: Sai số của mô hình.

3.2 Giả thuyết nghiên cứu

Tác động của tăng trưởng tín dụng đến hiệu quả kinh doanh của ngân hàng biểu thị qua yếu tố lợi nhuận đã được nghiên cứu rất rộng rãi. Kế thừa lập luận của các tác giả khác cùng với kết quả từ các nghiên cứu trước, trong nghiên cứu này bài nghiên cứu dự đoán về tính tương quan cùng chiều của tăng trưởng tín dụng đến lợi nhuận ngân hàng năm hiện hành, đồng thời tác động này có thể sẽ đảo chiều vào các năm sau đó. Do đó biến độ trễ của tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng sẽ có quan hệ ngược chiều đến biến lợi nhuận của ngân hàng.

Với biến kiểm soát quy mô ngân hàng, lợi thế kinh tế theo quy mô (economies of scale) trên thị trường sẽ kiểm soát các hiệu ứng tiềm năng của quy mô lợi nhuận. Các ngân hàng lớn hơn có thể mở rộng hoạt động cả về số lượng khách hàng và mạng lưới hoạt động, tận dụng nguồn vốn giá rẻ. Tuy nhiên, quy luật kinh tế cũng chỉ ra các tổ chức lớn hơn cũng có thể bị ảnh hưởng bởi sự bất lợi kinh tế theo quy mô (diseconomies of scale), khi đạt đến một ngưỡng quy mô nhất định. Quy mô lúc này không còn đem lại lợi thế cho ngân hàng mà sẽ làm giảm lợi nhuận bởi vượt quá tầm kiểm soát của ngân hàng. Từ những nhận định này và dựa vào thực trạng ngân hàng Việt Nam, khi mà các nhóm ngân hàng lớn vẫn có rất nhiều thuận lợi hơn so với các nhóm ngân hàng nhỏ như về chi phí huy động, thời gian hoạt động, mạng lưới khách hàng và tiềm năng trong lĩnh vực ngân hàng còn rất nhiều để khai thác, từ đó tác động của quy mô ngân hàng đến lợi nhuận hoạt động được kỳ vọng là cùng chiều. Bên cạnh đó tỷ lệ vốn chủ sở hữu đo lường và đại diện cho chỉ số vốn của ngân hàng, là tấm đệm để bảo vệ ngân hàng trước rủi ro tài chính. Do đó giá trị vốn chủ sở hữu cao sẽ giúp ngân hàng và các nhà quản lý an tâm hơn về rủi ro hoạt động cho ngân hàng, cũng là nền tảng cơ sở giúp các ngân hàng mở rộng kinh doanh, mang lại lợi nhuận hoạt động cao hơn. Do đó kỳ vọng trong mô hình sẽ cho kết quả tương quan cùng chiều giữa tỷ lệ vốn chủ sở hữu với lợi nhuận ngân hàng.

3.3 Dữ liệu nghiên cứu

Bài nghiên cứu chọn khoảng thời gian dữ liệu từ năm 2008 đến năm 2017. Trong khoảng thời gian này, một số ngân hàng thương mại Việt Nam trải qua các thương vụ sáp nhập, hợp nhất, cũng như tình trạng một số ngân hàng hoạt động yếu kém, nhiều sai phạm dẫn đến rơi vào diện bị Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt hoặc mua lại. Vì vậy, tình hình hoạt động của nhóm các ngân hàng thương mại này tương đối bất ổn, đi cùng với số liệu công bố cũng mang tính biến động rất cao, có thể ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu bởi các giá trị ngoại lai. Do đó dữ liệu của bài nghiên cứu được thu thập từ 17 ngân hàng thương mại công bố tương đối đầy đủ báo cáo tài chính hàng năm trên các website của các ngân hàng, tạo thành một dữ liệu bảng không cân bằng. Dữ liệu cần thiết để xác định giá trị các biến hầu hết được thu thập từ bảng cân đối kế toán và báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

  1. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

4.1 Thống kê mô tả và phân tích tương quan

Bảng 1. Thống kê mô tả các biến trong mô hình

STT

Tên biến

Giá trị nhỏ nhất

Giá trị lớn nhất

Giá trị trung bình

Độ lệch chuẩn

Số quan sát

1

ROA

(5,99%)

6,08%

1,06%

0,0095

168

2

LGR­­­

(29,86%)

1.058,86%

34,16%

0,8359

168

3

Size

12,0367

20,8225

18,1283

1,3779

168

4

Eq

2,96%

35,63%

10,02%

0,0526

168

Nguồn: Tính toán của tác giả từ dữ liệu nghiên cứu

Quy mô tín dụng luôn được mở rộng qua các năm, sau thời kỳ được xem như bùng nổ tín dụng ngân hàng như năm 2009 thì sau đó tốc độ tăng của chỉ số này đã được hầu hết các ngân hàng kiểm soát. Việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cao được rất nhiều các ngân hàng kỳ vọng rằng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho họ trong việc mở rộng thị phần, gia tăng lợi nhuận. Dù tín dụng có dấu hiệu chậm lại trong những năm gần đây so với trước đó, nhưng không ít ngân hàng đã tăng trưởng gần hoặc vượt tỷ lệ tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp cho từng năm kể từ thời điểm hạn mức tăng trưởng tín dụng được giao. Với định hướng điều hành như của Việt Nam hiện tại, tín dụng được xem là kênh rất quan trọng để truyền dẫn chính sách tiền tệ, ổn định các chỉ số vĩ mô và phát triển kinh tế. Hơn thế nữa, với đặc thù hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam vốn rất khó có kênh thay thế ngoài tín dụng ngân hàng.

Trong khi đó về lợi nhuận hoạt động, ROA bình quân hàng năm của các ngân hàng cho thấy hiệu quả kinh doanh có xu hướng giảm sút trong cả giai đoạn 2009 - 2015, khi giảm từ 1,90% xuống còn 0,57%. Quy mô tài sản tăng đều qua các năm nhưng hiệu quả kinh doanh không tăng cùng mà trái lại còn giảm, đây cũng là điều dễ hiểu trong bối cảnh hoạt động của các ngân hàng gặp khó khăn, tín dụng có tăng trưởng tuy nhiên nợ xấu giai đoạn này cũng gia tăng mạnh. Mặc dù vậy kể từ năm 2016, lợi nhuận của các ngân hàng có xu hướng cải thiện trở lại khi ROA trung bình bắt đầu lại đà tăng. Giai đoạn 2016 – 2017 ghi nhận những biểu hiện tích cực trong công tác xử lý nợ xấu của ngân hàng. Thêm vào đó, thông tin từ tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s thì tỷ lệ ROA ≥ 1% là đạt yêu cầu. Như vậy có thể thấy từ năm 2013 đến năm 2017, ROA bình quân của các ngân hàng được khảo sát là thấp hơn 1%. Điều này cho thấy nếu dựa trên tiêu chuẩn đánh giá này thì nhìn chung các ngân hàng Việt Nam đang trong tình trạng sử dụng tài sản chưa đạt hiệu quả.


 

Hình 1. Tăng trưởng tín dụng bình quân và tỷ lệ ROA bình quân của các ngân hàng thương mại Việt Nam giai đoạn 2008 – 2017

Nguồn: Báo cáo tài chính của các ngân hàng và tổng hợp của tác giả

Tiến hành xem xét ma trận hệ số tương quan giữa các biến độc lập có trong mô hình, kết quả cho thấy tương quan từng cặp của các biến độc lập đều có giá trị thấp, tuy nhiên xuất hiện hệ số tương quan giữa biến quy mô ngân hàng Size và biến tỷ lệ vốn chủ sở hữu Eq đạt giá trị khá lớn là -0,7278.

Bảng 2. Hệ số tương quan giữa các biến độc lập trong mô hình

 

LGR

LGR­-1

LGR­-2

LGR­-3

Size

Eq

LGR

1

 

 

 

 

 

LGR­-1

0,3076

1

 

 

 

 

LGR­-2

0,1970

0,3569

1

 

 

 

LGR­-3

0,2730

-0,1656

0,2054

1

 

 

Size

-0,0544

0,0706

-0,0333

-0,1501

1

 

Eq

-0,2193

-0,3557

-0,0842

0,2537

-0,7278

1

Nguồn: Tính toán của tác giả từ dữ liệu nghiên cứu

Giá trị này nêu lên nghi vấn về việc xuất hiện hiện tượng đa cộng tuyến. Tiến hành kiểm tra nhân tử phóng đại phương sai VIF cho thấy các giá trị đều nhỏ hơn 5, có thể đảm bảo rằng hiện tượng đa cộng tuyến không nghiêm trọng để ảnh hưởng đến kết quả của mô hình nghiên cứu.

4.2 Kết quả ước lượng mô hình

Tiếp đến bài nghiên cứu bắt đầu tiến hành hồi quy theo các mô hình là bình phương tối thiểu gộp (Pooled OLS - Pooled Ordinary Least Squares), mô hình tác động cố định (FEM - Fixed Effects Model) và mô hình tác động ngẫu nhiên (REM - Random Effects Model).

Bảng 3. Kết quả hồi quy theo các mô hình Pooled OLS, FEM và REM

 

REM

Pooled OLS

FEM

LGR­

0,010

(0,002)***

0,008

(0,002)***

0,011

(0,002)***

LGR­-1

0,008

(0,002)***

0,008

(0,002)***

0,009

(0,002)***

LGR­-2

0,009

(0,001)***

0,010

(0,001)***

0,009

(0,001)***

LGR­-3

-0,001

(0,000)***

-0,001

(0,000)***

-0,001

(0,000)***

Size

0,004

(0,001)***

0,004

(0,000)***

0,002

(0,001)

Eq

0,144

(0,016)***

0,132

(0,014)***

0,139

(0,021)***

(***) Ý nghĩa thống kê ở mức 1%; (**) Ý nghĩa thống kê ở mức 5%; (*) Ý nghĩa thống kê ở mức 1%; Biến được giải thích là biến ROA

Nguồn: Tính toán của tác giả từ dữ liệu nghiên cứu

Các kiểm định F-test (cho giá trị p-value = 0,0002 < 0,01) và kiểm định Hausman (cho kết quả p-value = 0,8234 > 0,1) dẫn đến việc lựa chọn mô hình REM để ước lượng và diễn giải kết quả nghiên cứu. Các kiểm định tiếp theo cho thấy trong mô hình REM mắc phải hiện tượng phương sai sai số thay đổi và tự tương quan. Để khắc phục các hiện tượng này, bài nghiên cứu sử dụng phương pháp ước lượng điều chỉnh sai số chuẩn tăng cường – cluster robust standard errors (Hoechle, 2007).

Bảng 4. Kết quả hồi quy theo mô hình REM có hiệu chỉnh phương sai sai số thay đổi và tự tương quan

Các biến giải thích

Hệ số lước lượng

Sai số chuẩn

P-value

LGR­

0,010

0,003

0,000***

LGR­-1

0,008

0,002

0,000***

LGR­-2

0,009

0,002

0,000***

LGR­-3

-0,001

0,000

0,000***

Size

0,004

0,000

0,000***

Eq

0,144

0,018

0,000***

Số quan sát

117

Prob > F

0,000

(***) Ý nghĩa thống kê ở mức 1%; (**) Ý nghĩa thống kê ở mức 5%; (*) Ý nghĩa thống kê ở mức 1%; Biến được giải thích là biến ROA

Nguồn: Tính toán của tác giả từ dữ liệu nghiên cứu

Kết quả từ bảng 4 cho thấy các biến nghiên cứu đều có ý nghĩa thống kê cao ở mức 1%. Biến LGR cùng độ trễ đến 2 năm của nó cho thấy tương quan dương với biến được giải thích ROA. Tuy nhiên khi xem xét biến trễ 3 năm của LGR thì cho kết quả mối tương quan đã đảo chiều và hoàn toàn có ý nghĩa thống kê. Các biến kiểm soát Size và Eq đều cho thấy mối quan hệ đồng biến với biến lợi nhuận ROA.

4.3 Thảo luận kết quả

Kết quả từ mô hình hồi quy đã cho thấy tác động cùng chiều của tăng trưởng tín dụng đến lợi nhuận ngân hàng năm hiện hành và hiệu ứng này còn duy trì đến 2 năm sau đó, tuy nhiên bước sang năm thứ 3 thì tăng trưởng tín dụng trước đó lại có tác động đảo chiều và ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của ngân hàng. Phát hiện này phù hợp với kết quả nghiên cứu thực nghiệm của các nhóm nghiên cứu Fahlenbrach & cộng sự (2016), Paul & cộng sự (2016) khi đồng thời tìm ra được tác động cùng chiều của tăng trưởng tín dụng đến lợi nhuận ngân hàng trong ngắn hạn và tác động đã đảo chiều thời gian sau đó. Có thể thấy phát hiện này rất phù hợp với thực tế diễn ra tại các ngân hàng Việt Nam trong giai đoạn nghiên cứu, khi mà đã có rất nhiều ngân hàng thực thi chiến lược đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, mở rộng thị phần đến đa dạng các ngành nghề và đối tượng, qua đó thu về lợi nhuận cao ngay sau đó. Điển hình như năm 2009 được ghi nhận là năm tín dụng ngân hàng “bùng nổ” và đồng thời lợi nhuận mà các ngân hàng thu về cũng chạm đỉnh đối với các ngân hàng được khảo sát (quan sát trong hình 1). Tuy vậy dễ thấy đà tăng của lợi nhuận không duy trì được lâu khi mà trong những năm sau thời kỳ đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, nợ xấu của nhiều ngân hàng lại bùng nổ và từ đó ảnh hưởng mạnh đến lợi nhuận ngân hàng. Nguyên nhân tác động được cho là bắt nguồn từ việc mở rộng quá mức tín dụng, vượt khỏi tầm kiểm soát và làm mầm móng phát sinh các khoản nợ không đạt chuẩn, qua thời gian các khoản nợ này tất yếu đã tác động nặng nề đến lợi nhuận ngân hàng.

Với biến quy mô ngân hàng, bài nghiên cứu tìm thấy tác động cùng chiều đến lợi nhuận ngân hàng. Có thể lý giải cho thị trường ngân hàng Việt Nam rằng các ngân hàng lớn thường là các ngân hàng đã hoạt động lâu năm, có nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh, sở hữu bộ máy quản trị rủi ro tốt cùng nền tảng khách hàng rất lớn. Từ đó tạo ra những lợi thế nhất định trong cạnh tranh với các ngân hàng khác và đem về lợi nhuận tốt hơn trên mỗi đồng vốn cho vay. Biến kiểm soát còn lại là tỷ lệ vốn chủ sở hữu củng đã cho thấy tác động cùng chiều đến lợi nhuận ngân hàng. Kết quả này hoàn toàn nằm trong dự đoán, vì vốn chủ sở hữu là tấm đệm rất có giá trị cho ngân hàng, giúp ngân hàng chống đỡ trước rủi ro, tạo thêm lòng tin cho người gửi tiền từ đó giảm chi phí và càng có điều kiện mở rộng kinh doanh một cách hiệu quả.

  1. Kết luận

Nghiên cứu đã xác định được tăng trưởng tín dụng có tác động cùng chiều đến lợi nhuận hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam những năm hiện hành, tuy nhiên tác động đảo chiều đã được phát hiện về dài hạn. Như vậy, lợi nhuận ngân hàng nhận ảnh hưởng tích cực từ tăng trưởng tín dụng những năm hiện tại tuy nhiên về lâu dài thì tăng trưởng tín dụng gây tác động tiêu cực đến lợi nhuận. Phát hiện này cũng khá tương đồng với các kết quả nghiên cứu đã được dẫn chiếu khác trong bài.

Trong tương lai, cần nhờ vào chính sách định hướng, kiểm soát tín dụng của Ngân hàng Nhà nước để nguồn vốn tín dụng phát huy tối đa hiệu quả. Ðể đạt được định hướng này, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục điều hành các giải pháp nhằm thực hiện mở rộng tín dụng có hiệu quả tập trung vào chất lượng, hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như kinh doanh bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông,... hướng tới mục tiêu lợi nhuận phải đi đôi với an toàn trong bối cảnh tăng trưởng, tránh xảy ra tình trạng hưởng lợi trước mắt mà phát sinh hậu quả về sau cho ngân hàng hay rộng hơn là cả nền kinh tế.

Tài liệu tham khảo

  1. Bassey, G. E. & Moses, C. E. (2015), ‘Bank profitability and liquidity management: a case study of selected Nigerian deposit money banks’, International Journal of Economics, Commerce and Management, 3 (4), 1-24.
  2. Berger, A. N. & Udell, G. F. (2004), ‘The institutional memory hypothesis and the procyclicality of bank lending behavior’, Journal of Financial intermediation, 13 (4), 458-495.
  3. Cooper, M. J., Gulen, H., & Schill, M. J. (2008), ‘Asset growth and the cross-section of stock returns’, The Journal of Finance, 63 (4), 1609-1651.
  4. Deger, A. & Adem, A. (2011), ‘Bank specific and Macroeconomic Determinants of Commercial Bank Profitability: Empirical evidence from Turkey’, Business and Economics Research Journal, 2 (2), 139-152.
  5. Dell'Ariccia, G. & Marquez, R. (2006), ‘Lending booms and lending standards’, The Journal of Finance, 61 (5), 2511-2546.
  6. Fahlenbrach, R., Prilmeier, R., & Stulz, R. M. (2012), ‘This time is the same: Using bank performance in 1998 to explain bank performance during the recent financial crisis’, The Journal of Finance, 67 (6), 2139-2185.
  7. Fahlenbrach, R., Prilmeier, R., & Stulz, R. M. (2016), ‘Why does fast loan growth predict poor performance for banks?’, The Review of Financial Studies, 31 (3), 1014-1063.
  8. Foos D., Norden L., & Weber M. (2010), ‘Loan growth and riskiness of banks’, Journal of Banking and Finance, 34 (12), 2929-2940.
  9. Hoechle, D. (2007), ‘Robust standard errors for panel regressions with cross–sectional dependence’, The Stata Journal, 7 (3), 281-312.
  10. Hou, K., Xue, C., & Zhang, L. (2015), ‘Digesting anomalies: An investment approach’, The Review of Financial Studies, 28 (3), 650-705.
  11. Nguyen, D. T. U. (2014), Moody's Cautions Vietnam Against Further Monetary Easing, retrieved on September 9th 2018, from https://www.bloomberg.com/news/articles/2018-01-28/moody-s-cautions-vietnam-against-easing-monetary-policy-further.
  12. Paul, K. T., Kilungu, M. & Andrew, S. (2016), ‘Effect of loan portfolio growth on financial performance of commercial banks in Kenya’, Imperial Journal of Interdisciplinary Research, 2 (11), 2113-2119.
  13. Rajan, R. G. (1994), ‘Why bank credit policies fluctuate: A theory and some evidence’, The Quarterly Journal of Economics, 109 (2), 399-441.
  14. Vuong, T. T., Chien, T. L. & Hoa, N. (2016), Liquidity creation, regulatory capital, and bank profitability, International Review of Financial Analysis, 48 (2016), 98–109.

 

 

[1] Trường Đại học Ngân hàng Tp Hồ Chí Minh, Email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ từ spam bots. Bạn cần bật JavaScript để xem nó.

Các bài khác...